Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

HOA HỒNG VÀ GẤU BÔNG

HOA HỒNG VÀ GẤU BÔNG
alt
Cả chuyến du lịch về miền Tây Nam bộ, mình chỉ chọn mua
cành hồng và gấu bông ở chợ cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh


Chọn mua một đóa hồng nhung
Một con gấu nhỏ ngắm trông tháng ngày
Cánh hồng vải cành nhựa gai
Gấu bông đôi mắt mở dài từng đêm…

Gấu bông lông mịn mịn êm
Cành hồng lại tỏa hương thơm…ngỡ ngàng
              30.6.2007/ NTP

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Về thăm lại Trường Thi

Tặng Đỗ Vàng, Thùy Tâm, Kim Thừa, Bích Hoàng, Tú Nguyệt, cùng Hương và Chơn- Nhóm HS cũ của Trung học Đào Duy Từ An Nhơn

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

YÊU SAO TIẾNG HÁT QUÊ MÌNH

YÊU SAO TIẾNG HÁT QUÊ MÌNH(Nghe ca sĩ Kim Thủy thể hiện bài hát
   Quê hương tuổi thơ tôi của Từ Huy)
alt

"Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi.
Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm.
Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng.
Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy.
Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.

Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua.
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa.
Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè.
Mùa lụt nước lũ bắt cá giũa đường.
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy,
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm.

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.
Ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Nhưng câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào.
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? "

     
 Trong một lúc nào đó ta có thể nằm trên ghế dài giữa phòng khách thư giãn với những bài hát qua sóng truyền thanh, hay sóng truyền hình hấp dẫn. Nhưng tôi dám chắc rằng điều đó chỉ làm cho tâm hồn ta thư thả hơn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, vất vả cho miếng cơm manh áo thường ngày. Tiếng hát của một ai đó cất lên dù cho cung bậc bỗng trầm luyến láy theo từng nội dung mà ca từ của bài hát diễn tả liệu có đủ sức thu hút người nghe hay không, còn tùy vào trình độ cảm nhận thanh nhạc, khí nhạc của từng cá nhân nữa. Riêng với tôi, có lẽ lần đầu được thưởng thức bài hát Quê hương tuổi thơ tôi của Từ Huy tại câu lạc bộ văn học Xuân Diệu Bình Định giữa mùa thu năm Tân Mão (2011) mà người thể hiện chính là ca sĩ Kim Thủy trong dịp chị về thăm lại quê mình.
      Hòa với tiếng đệm đàn ngân vang thanh thót, Kim Thủy trong bộ trang phục váy đen, thuần thục đến mức điêu luyện cho chúng tôi yêu sao tiếng hát quê mình khi chị vừa cất lên: “Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre. Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi. Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm. Thả diều đá bóng nắng cháy giũa đồng…” chừng như những cảm xúc ngọt ngào sâu lắng ấp ủ bấy lâu tự trong đáy lòng tôi trỗi dậy mạnh mẽ: Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre. Hình ảnh xanh xanh lũy tre ắp đầy “Chuyện ngày xưa / đã có bờ tre xanh”(Nguyễn Duy) cho tôi gắn bó nhớ nhung, hay trong tầng nghĩa ẩn dụ xanh xanh lũy tre kia chính là tầm vóc dáng đứng cũng như hồn cốt đất nước mình. Vẻ đẹp khẳng khái từ thuở gậy tầm vông tay không đánh giặc. Một dân tộc luôn ý thức độc lập tự do của “ Nam quốc sơn hà” muôn đời bền vững. Không một lời thỉnh cầu, nhạc sĩ Từ Huy mở ra tiếng lòng của mình: Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre. Và khi tiếng hát cất lên như tự trái tim của mỗi người Việt Nam khẳng định niềm tự hào ngợi ca về nguồn cội, một dân tộc có bề dày lịch sử, văn hóa của mấy nghìn năm qua và tiếp nối. Chính từ “Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi” ấy thật sự bình yên giữa “Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm. Thả diều đá bóng nắng cháy giũa đồng.” Tắm đẫm thỏa thích trong tôi lớn dần lên theo thời gian dễ gì xóa nhòa “ Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy. Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.” Nhạc sĩ Từ Huy gợi lại thanh âm tiếng tu hú giục báo mùa quả chín thơm lừng là ngày hè reo vui ấm áp lại trở về. Tiếng tu hú thôi thúc những rạo rực khát khao làm sao quên được “Quê hương tuổi thơ tôi” những trò chơi thả diều giựt dây cho cánh diều phần phật giữa trời xanh thẳm lồng lộng ngọn nồm mát mẻ vào buổi chiều hè, hay cùng nhau đá bóng trên những cánh đồng mới vừa gặt xong. Tất cả đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ trong sáng đẹp đẽ đến dường nào! Những trò chơi bổ ích rèn thêm cho tuổi thơ về ước mơ kì vọng, ý thức tập thể, tình bè bạn xóm làng gần gũi gắn bó thân thương lắm.
      
       Và cứ thế, lớp tuổi thơ này đi qua, lớp tuổi thơ khác lại đến đong đầy theo ngày, theo tháng, theo năm…theo hai mùa mưa nắng rất đặc trưng vùng nhiệt đới gió mùa Việt Nam . Một khi: “Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua. Nhưng trong trái tim không bao giờ xa. Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường” sao mà quên được. Lời mẹ ru giữa trưa hè hiu hiu cho con ấm nồng ngon giấc. Rồi mùa lũ lụt đi qua là nỗi lo sợ của người lớn, biết rằng đó là quy luật tự nhiên, tuổi thơ thật vô tư reo vui thỏa thích “bắt cá giữa đường” biết bao thú vị! Rồi tất cả đã thành “Kỉ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy, Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm”… cứ thế mà chùng lắng suy tư cảm xúc của người thưởng thức lúc này.
        Vào điệp khúc “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ. Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày. Ngày ấy đâu rồi? Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ. Nhưng câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào. Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?” cứ ngân vang tiếp nối, đưa ta về vùng tuổi nhỏ dấu yêu, về vùng trời làng quê thanh bình yên ả nơi có ông bà, cha mẹ, có họ hàng anh em, có thầy cô bạn bè thuở nào…Dẫu biết rằng nơi ta đang sinh hoạt giữa phố phường rộn rã tiếng nói cười, xe cộ qua lại dập dìu nhộn nhịp, bên cạnh những vòng tay yêu thương che chở đùm bọc nhau đây. Mà sao cái nôi làng quê “xanh xanh lũy tre” có sức thu hút mạnh mẽ bởi chính nó là thành lũy bền vững trường tồn cho những người con ở tận phương trời xa xôi vẫn đong đầy nỗi nhớ. Và một ngày ấu thơ thôi cũng đủ gói vào hành trang kí ức đẹp đẽ trên từng bước đường đời, may mắn rủi ro những bằng phẳng chông chênh ấy, đủ làm cho ta ấm lòng giữa đông tràn sương rơi.
         Cảm ơn nhạc sĩ Từ Huy đã chắc lọc những ca từ trọn ý đủ lời cho bài hát “Quê hương tuổi thơ tôi” thể hiện rõ tính dân tộc và nhân văn sâu sắc. Cảm ơn ca sĩ Kim Thủy, người con của vùng đất võ Tây Sơn Bình Định, có lẽ xa quê và khi trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi tuổi thơ của chị đã đi qua, chính vì thế mà tiếng hát của chị lúc này thâm trầm lay động tâm hồn tôi ấm mãi lời yêu thương tha thiết nhất.
                                20.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
 

ngày họp mặt gia đình của anh năm- Nguyễn Văn Phú ở Đà Lạt

LUNG LINH

LUNG LINHBuồn vui chén nghĩa chén tình
Làm sao rỗng tuếch…rượu lung linh mà
Anh yêu giếng nước…mười ba
Ngày xưa trong đục… giờ là trời cho!
                       Noel 2008/ NTP

ĐIỆP KHÚC THU

ĐIỆP KHÚC THU
alt
Từ trái sang:Tuấn, Phụng cùng Lưu Trọng Ninh và cụ Vũ Ngọc Liễn
Cứ ngỡ mặt hồ phẳng lặng
Ô hay bao đợt sóng ngầm!
Bập bềnh hoa bèo tim tím
Biết đâu chùm rễ băn khoăn

Bầu trời cùng mặt nước xanh
Nơi nào bình yên hơn cả?
Mênh mang theo từng con gió
Lững lờ mây trăng chơi vơi

Đã đành ở trọ trên đời
Lạ gì bầu trời mặt nước
Trần gian dấu yêu sau trước
Vội vàng điệp khúc thu qua…
             29.10.2009/ NTP

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

BÌNH ĐỊNH YÊU THƯƠNG CỦA LAI- FRED.wmv (29.7M)

NHỊP THỜI GIAN

NHỊP THỜI GIAN
alt
Phụng và em Lai ở vườn tượng Quy Hòa- Quy Nhơn

 “Trẻ người non dạ”
Đến bao giờ hết nông nổi thế ư!
Lỗi vì sao, hay trời đất vô tư
Bốn mùa mưa nắng…
Mái đầu bồng bềnh mây trắng
Thương tuổi cút côi
Vẫn tuần hoàn theo nhịp đập sinh sôi bồi hồi thao thức
Vầng trăng vàng rạo rực
Mặt trời đỏ thiêng liêng
Xa thắm một miền riêng…

Vĩnh hằng sự sống
tình yêu dấu cộng
Phép nhiệm màu cứ thế nhân đôi
           08.10.2008/ NTP

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

ĐI GIỮA MÙA HƯƠNG

ĐI GIỮA MÙA HƯƠNG  

( Đọc HÁT CHẲNG THEO MÙA
- thơ Hoàng Đình Quang, NXB Hội Nhà văn-2009)
alt

          Đến với văn chương Việt Nam, nhà văn Hoàng Đình Quang không chỉ thành công ở mảng tiểu thuyết, truyện và cả thơ trữ tình như muốn gởi gắm sẻ chia những cảm xúc thường ngày lắng đọng trong trái tim nhân hậu vốn nhạy cảm của một người thiết tha yêu quá cuộc đời này. Được gặp nhà văn ở Sài gòn và nghe anh nói chuyện, đọc thơ trong dịp sinh hoạt CLB thơ Vũng Tàu vào tháng sáu năm 2011. Rồi sau lần về thăm Tuy Phước Bình Định, anh đến thắp hương vị danh nhân văn hóa Đào Tấn, Xuân Diệu và có tặng tôi tập thơ “ Hát chẳng theo mùa” (NXB Hội Nhà văn-2009).

         Sau Nói Thầm (xuất bản 1991- đã được giải thưởng Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng), thì Hát chẳng theo mùa là tập thơ thứ hai có 56 bài nào phải vui đâu hát đó với những giai điệu, nhịp điệu quen thuộc ê a, mà với anh chính là trái tim chân tình nồng ấm vốn xuất phát tự đáy lòng khi hồi tưởng những kỉ niệm đã qua, hay đâu đó từ ánh mắt yêu thương gợi nhớ,… làm sao nguôi ngoai cứ luôn day dứt được thể hiện trên những trang thơ theo từng cung bậc thăng trầm với nhiều thể loại khác nhau. Khi người nông dân cấy cày giữa nắng mưa gieo hạt mong chờ ngày gặt hái quả chín thơm, thì những cảm xúc Hát chẳng theo mùa của anh lại được lớn lên từ cái nôi làng quê bé nhỏ qua bao thế hệ mãi mãi trường tồn, nào đâu quên được: “Cái làng Sơn Cốt của tôi/ Bé như hạt tấm ông trời lọt tay/ Ông tôi trôi dạt vào đây/ Cha và tôi chọn nơi này sinh ra” (Làng Sơn Cốt của tôi) những câu lục bát vừa giới thiệu vừa tâm tình gắn bó làng quê yêu dấu.Tên núi tên làng là nỗi hoài đau đáu những mất mát lớn lao về những năm tháng giặc giã tơi bời, những người trai tiếp nối ra trận: “Khắp làng trống giục cờ giong/ Mười người đi, bảy người không trở về”. Và khi trở về chỉ “ Ăn khói hương anh để dành bơ gạo/ chống con thuyền giáp hạt giữa trần gian”(Người lính ấy trở về). Mảnh vườn làng quê là nơi chôn nhau cắt rốn, biết bao kỉ niệm tuổi thơ, để rồi một bóng một mình chọn phương trời nam là quê hương thứ hai, nhớ làng anh gọi “làng ơi! Dù quanh anh vẫn là đồng bào yêu thương ruột thịt:
                               Nhớ làng tôi gọi: Làng ơi!
                               Giữa đồng bào được bao người đồng hương!?

       
        Cách nói bằng thơ thật ý nhị kín đáo vô cùng, có phải đôi phút nào đó trong anh vẫn còn tính ích kỉ cục bộ không, hay có thể là: “Anh đi anh nhớ quê nhà… nhớ ai tát nước bên đường hôm nao” (Ca dao) nữa kia!... Cứ loay hoay ngớ ngẩn, niềm vui đến với anh bất ngờ: “Ơ này, quen quá ai ơi!/ Hóa ra ông bạn từ thời chiến tranh …Dễ gì nhận được nhau ngay/ Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn” (Gặp bạn ở chợ Bến Thành), cùng nhau dốc cạn “sự đời” sau bao năm xa cách ngán ngẫm ngậm ngùi, dễ gì cân đo đong đếm những may mắn rủi ro mất mát lớn lao: “Chúng mình sống đến hôm nay/ Còn bao nhiêu đứa gởi thây rừng già” . Giờ đây còn lại bên nhau:
                               Gốc cây, quán cóc, ta ngồi
                               Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang…
                           …Bạn ngồi bạn uống rượu khan
                              Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

           Theo tôi cặp từ “bạn tôi” nếu đặt dấu gạch nối vào ở giữa hai âm tiết sẽ làm rõ nghĩa và nhấn mạnh được ý thơ hơn. Trong cuộc mưu sinh có biết bao nỗi cơ hàn khi anh bắt gặp Người đàn bà mù bán vé số trên đường Đồng Khởi (tr.14) day dứt trong anh: “ Nào ai trông phận mù lòa/ Chút lòng trắc ẩn tan ra bụi trần” giữa chốn phồn hoa ấy. Nhưng tôi vẫn dừng thật lâu đọc kĩ bài Đò Giấy(tr.20), cảnh đối lập người ăn mày chân đất đầu trần dầu dãi trong buổi sáng mùng một Tết “ nhặt miếng bánh chưng dưới đất/ nhá ngon lành” với người đàn ông ngồi trên ô tô ca-vát, cổ cồn bước xuống đặt năm chục ngàn trước mặt người hành khất kia có điều gì muốn nói trong mối quan hệ ngỡ như quen lắm- gần lắm, hay lạ lắm- xa lắm, một câu hỏi đặt ra:
                               Giữa hai bờ cực vui- cực khổ
                               Tờ giấy nhẹ tênh sao làm nổi con đò?

          “Anh nhà văn phọt phẹt/ chưa phải ăn mày, cũng chẳng có tiền cho” thế thì ai là người trả lời dùm anh câu hỏi kia?!... Nhà văn xót thương thân phận mình, thương cho kiếp người cơ nhỡ khốn khó, gia đình người thân nơi đâu cho họ nương tựa lúc trái nắng trở trời? Sự quan tâm của đoàn thể xã hội, những trung tâm bảo trợ xã hội đã thực sự dành cho họ sự chọn lựa chưa?... Dưới góc nhìn cuộc sống tồn tại những người lang thang kia phải làm gì để họ an cư? Hay muốn nhắc nhở ta trong văn hóa giao tiếp những lúc biếu tặng cho đây! Còn giàu nghèo sang hèn đâu dễ gì ai muốn có được, phải nhân định đâu bằng thiên định, hay lắm mưu nhiều kế thành quyền quý cao sang, lòng người nào ai lấy thước đo được, cách học làm sang cũng nực cười: “ Mời một lần, không nhắc lại/ Đấy là văn hóa nghe chưa”, nhà văn ngẫm nghĩ: “…khá giả thì làm văn hóa/ Túng bấn chỉ lo dạ dày/ Thời cơ như diều gặp gió/ Ông trời đang nắm đầu dây!”(Thăm Bạn)
        Tôi thích cái chân tình trong thơ Hoàng Đình Quang là sự cảm nhận sẻ chia ruột thịt tình người. Thể lục bát ngọt ngào, thể tự do phóng khoáng cho mỗi tứ thơ theo chủ đề anh muốn gởi đến bạn đọc. Dẫu là truyền thống hay phá cách, anh cứ âm thầm miệt mài lao động biến những con chữ theo ý mình làm nên diện mạo thơ Hoàng Đình Quang với những nét riêng độc đáo mới mẻ. Cái tính đa tình đa mang tìm ẩn giờ cũng bật thành lời . Thật vậy, thi nhân nào cũng thế, khó tránh được nợ tình dai dẳng từ lúc biết yêu cho đến cuối đời. Anh đã dành hơn nửa số trang Hát chẳng theo mùa cho tình yêu và nỗi nhớ của mình. Lúc đầu mới chỉ Nửa vời (tr20): “… Thôi cũng nhờ em tôi mới nhận ra mình/ Một nửa là người, nửa kia là cây cỏ/ Hoang dại quá, chân tình say đắm quá/ Nhận cái nửa vời, ngơ ngác đứng chờ ai?” Cái trăn trở của thi nhân mãnh liệt mà không vồ vập hấp tấp, ngỡ chừng mực như chiếc kim phút trên mặt đồng hồ cứ thủng tha thủng thỉnh dặn mình mà sao trái tim thôi thúc:
                            Biển có thể giấu nỗi buồn của biển
                            Nhưng làm sao sóng giấu nổi lòng mình
                            Em như cánh buồm căng gió
                            Anh làm gì để giấu nổi lòng anh?

                                                   (Chẳng thể nào anh giấu được em đâu)
          Với đầu đề bài thơ “Chẳng thể nào…” chừng như khẳng định, nhưng thật ra những nhung nhớ yêu thương ấp ủ bấy lâu dồn dập đong đầy trong anh, không thể nén nổi, bộc bạch âm thầm: “ Nhớ em, anh cứ nhớ thế thôi/ Bằng nỗi nhớ một mình, chẳng có ai để nói/ Như chiều xuống không có gì phải vội/ Dùng dằng ở cuối chân mây” (Vô lý). Thật là vô lí, nỗi nhớ sao dai dẵng bám theo anh đến cùng khác chi hình với bóng. Nhà thơ chân tình tự đáy lòng khao khát gọi “ Em ơi, đừng đi” (tr.31), với “ba mươi năm có ít đâu, ba mươi năm ngắn quá”. Đó là những sớm những chiều: “ Em và víu những tháng ngày rạn vỡ/ Những tháng ngày chưa vượt quá tầm tay” nhưng anh đoán biết và không dám nói ra, sẽ không thể nào cưỡng lại cái quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa phải không em!...Đời người hữu hạn ta hãy cố vươn lên tiếp nối cuộc sống này, anh “thét gào” đau đáu xót xa sợ cảnh tử biệt phải đến:
                             Đừng đi nhé, em ơi
                             Ngồi nán lại
                             Quả sẽ bói đầu mùa vẫn dành cho em hái
                             Nước mắt chảy vào, đường trước mặt còn xa…
            Tứ thơ mở ra không gian cảnh vật ngỡ hiện ra trước mắt nhưng muôn trùng xa thẳm, lời khẩn cầu thiết tha nồng ấm lan tỏa đâu đây. Giữa màu xanh yêu thương bạc ngàn của đất nước, xanh của núi rừng của biển trời sao se sắt trong anh? Mỗi bước chân anh qua gợi bao kỉ niệm gắn bó “em và anh”. Một cặp từ anh- em trong thơ Hoàng Đình Quang đâu thể tách rời như nước theo mùa, mà dòng chảy vẫn ùa ra biển cả mặn nồng chắc chiu để hạt muối ngàn năm còn mặn. Anh“ Nhớ Hạ Long” (tr.41), nhớ vẻ đẹp của “ Mắt Hòn Gai” (tr.42), nhớ lúc đến Vũng Tàu( tr.54) cũng vậy trống vắng vô cùng: “Hỡi những ai lưu lạc giữa cuộc đời/ Không nơi hôn nhau thì trong mơ sẽ có/ Dù Bãi Trước, Bãi Sau chỉ toàn sóng gió/ Hạt cát cuối cùng vẫn lấp lánh ngọc trai”.
         Mỗi bài thơ trong Hát chẳng theo mùa của Hoàng Đình Quang là khúc nhạc chiều. Không thánh thót ngân nga rộn rã tiếng chim sớm mai của mùa hè, nhưng giữa vòm trời xanh biếc kia sắc phượng rực hồng quặn thắt tim gan, vì chính trong gia đình: “Tôi dạy con tôi rằng: bố có rất ít tiền/ Nhưng đôi khi phải hét lạc cả giọng: vô tư!”( Trái ngược) cho sự bình yên trong cuộc sống. Thơ anh gần gũi chân thực được cảm nhận từ một sự việc, một câu chuyện trong đời dễ đồng cảm sẻ chia. Từ ngữ thuầnViệt trong sáng nên từng câu, mỗi bài thơ trọn vẹn cái ý, cái tình đầy đủ sắc màu hương thơm tinh khiết hòa cùng làn gió mới thổi vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Chuẩn mực trong lối cách tân nhưng không làm mất đi đặc trưng của thơ trữ tình như nhà thơ, dịch giả Hoài Anh đã đề cập: “… cái lầm lớn nhất của các nhà thơ mới là tưởng rằng làm thơ mới dễ hơn thơ cũ vì không phải chịu sự hạn chế của niêm luật, vần điệu như trong thơ cũ. Sự thực thơ của Pháp, Anh, Mĩ,… rất chú trọng đến vần, nhịp, âm tiết, trọng âm của câu thơ, áp dụng cả những biện pháp: tượng thanh, tượng hình, đối ngẫu, lặp âm, từ như trong thơ cổ Việt Nam”(Tạp chí Nhà văn 1.2010).Và chính điều đó mới chuyển tải đến người đọc dễ dàng tiếp nhận và yêu thích tác phẩm văn chương. Thơ Hoàng Đình Quang đánh thức cái thiện, khơi gợi nét đẹp thuần túy trong mỗi chúng ta.
                          05.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng. 

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

HÒA NHỊP YÊU THƯƠNG

HÒA NHỊP YÊU THƯƠNG
alt

Tình em
            trái ngọt
                       trăng thu…

Tình anh
           con sóng
                       hát ru
                               bến bờ
...    
 
              21.12.2008/ NTP

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

BẢN HỢP ÂM BÍ MẬT - Đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy

                   BẢN HỢP ÂM BÍ MẬT            ( Đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami,
                      NXB Hội Nhà văn 2006- do Trịnh Lữ dịch)
      
Rừng Na Uy của Haruki Murakami là một tiểu thuyết tự truyện viết về nhân vật tôi- Watanabe đã từng gắn bó một thời sinh viên những năm sáu mươi của thế kỉ hai mươi. Cách kể chuyện thật hấp dẫn: “Kí ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng để ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết…”. Và đó là những chi tiết về những người bạn lần đầu tiên vào trường đại học. Chính hình ảnh Nagasawa- biệt danh Quốc xã đã thu hút Watanabe bước vào đời sớm hơn. Một sinh viên như Quốc xã với nhiều “truyền thuyết” ăn liền ba con ốc sên, có một bộ củ khổng lồ và đã ngủ với hơn một trăm cô gái. Nhưng theo lời kể “Tớ không nhớ hết bọn chúng, nhưng chắc chắn ít nhất cũng phải là bảy mươi”. Còn Watanabe tâm sự chỉ ngủ với một cô gái. Quốc xã bảo: “ ôi dào, mình sẽ điều chỉnh việc đó, dễ mà, lần sau đi với tớ, tớ sẽ biếu ngay một đứa cho cậu , dễ lắm”. Phải chăng đó là nhu cầu bản năng của một con người, một khi đã một lần lập đi thì khát khao sự lặp lại đến cháy bỏng. Và hình như đây đó cũng rất phổ biến trong một số sinh viên của ngày hôm nay?!... Những hiện tượng ấy là sự thật tự nhiên về tâm sinh lí lứa tuổi có thật đáng chê, đáng trách không hay cần phải có sự điều chỉnh tự do cân bằng ái tình trong thế gian này. Nhưng điều gì đã làm cho Watanabe gần gũi thân thiện lâu dài với Nagasawa? Bởi ở Quốc xã là người nổi tiếng thông minh luôn được điểm tốt, cư xử rất đường hoàng và đỉnh đạc và đặc biệt là rất nhiều tiền…còn biết nhận ra được ở mình: “ Tớ không xứng với một cô gái như Hatsumi”.  Quốc xã sống nề nếp, sạch sẽ, năng động luôn tập thể dục vào những buổi sáng, hay khi phát hiện ra cái phẩm giá lớn nhất là tính trung thực và là độc giả bí mật của những tiểu thuyết cổ điển thì “tôi” mới thực sự quý mến sẻ chia.
       
      Với Watanabe trong bí mật của Rừng Na Uy cứ hiện rõ dần theo trình tự thời gian, không gian ở khu học xá. “Tôi” cũng rất chăm học, cũng đi làm thêm để có tiền trong sinh hoạt cá nhân như những sinh viên khác, cũng như sống không thể thiếu tình bạn tình yêu cùng giới và khác giới. Có thể biết rất rõ mối tình của Watanabe với Naoko đã làm cho“tôi” trăn trở dù chỉ một lần trong đời: “ Đêm đó tôi đã ngủ với Naoko. Làm vậy có phải không ư? Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ có thể làm được có vậy mà thôi. Nàng đang trong tình trạng căng thẳng và rối trí cao độ, và nàng nói rõ rằng muốn tôi giải tỏa cho nàng…” Hay lúc Naoko vào nhà nghỉ AMI, mọi sinh hoạt cách li với thế giới bên ngoài cũng được tác giả kể rất tỉ mỉ: “ Reiko đang dạy mình đàn dương cầm và cả ghi-ta nữa. Ai cũng lần lượt làm thầy và làm học sinh. Người giỏi tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, người từng nghiên cứu xã hội học thì dạy sử, người khác thạo len thì dạy đan len: trường học ở đây thế mà hóa hay”. Naoko chân tình tâm sự với “tôi”: “Lúc đầu bọn mình hôn nhau- ấy là năm đầu tiên ở trung học-thì thật là tuyệt vời. Lần đầu thấy kinh, mình đã chạy ù đến cậu ấy và khóc như một đứa trẻ con…biết vuốt ve nhau lúc mười ba tuổi…bọn mình vẫn luôn cho nhau xem mọi chỗ trên người…” Đọc đến đây tôi mới nhớ đến tiểu thuyết Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng đề cập đến vấn đề cần giáo dục giới tính cho lứa tuổi vị thành niên của Việt Nam từ những năm ba mươi sáu của thế kỉ hai mươi. Còn trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami lại dành đến mấy trang miêu tả sex cho những cuộc làm tình Watanabe với Naoko, hay với khi Reiko yêu cầu: “ cậu làm chuyện ấy với tôi được không, Watanabe?”. Rồi lời đáp lại: “Lạ thật, tôi cũng đang nghĩ thế” đã làm cho người đọc không thể tin đó là sự thật, có quá đáng lắm không! Dẫu biết rằng có tình yêu, con người mới có thể đến với nhau từ trong một chừng mực nào đó, hoặc có thể lột trần những khoái lạc đam mê mà tác giả đi sâu khám phá đến tận cùng cốt lõi những rung động của đỉnh điểm giữa hai con người chín mọng ái ân kia, kể cả cảnh đồng tình của con bé học trò mười ba tuổi với tính cách mạnh mẽ nhưng cũng rất điêu ngoa dối trá với cô giáo dạy dương cầm của mình.
         Và nếu như nói sống với nhau giữa thế giới tình dục mạnh mẽ lấn hơn thì tình yêu chỉ là cái bóng mong manh trong cuộc sống đời thường cũng hoàn toàn chưa phải. Vì trong Rừng Na Uy, ta quý tấm lòng son sắc thủy chung của Watanabe với Naoko, khi vẻ đẹp chân thực khẳng khái nhưng cũng dịu dàng đức hạnh của cô gái Midori mở cửa đón mời. Nhưng “tôi” thì không thể! Còn Midori hồn nhiên: “ Một lúc trước đó, tớ quyết định sẽ tin cậu một trăm phần trăm. Cho nên tớ mới yên trí ngủ ngon như vậy. Tớ biết tớ sẽ không sao, tớ sẽ an toàn với cậu ở đó. Và tớ đã ngủ say như chết, đúng không?” Qua Rừng Na Uy ta mới thực sự hiểu thêm lời nhắn nhủ của cô giáo dạy âm nhạc hay đây là lời của tác giả gởi lại cho lớp trẻ :…tôi chỉ muốn nói là cậu không nên đánh mất bản thân vào những chuyện trái tự nhiên. Cậu có hiểu ý tôi không. Như vậy phí lắm. Tuổi mười chín, đôi mươi là giai đoạn trọng yếu của quá trình ổn định nhân cách, và nếu cậu để mình méo mó ở tuổi ấy thì sau này cậu rất đau khổ… Nếu cậu muốn chăm sóc Naoko, hãy chăm sóc bản thân mình cái đã”.
          Giữa sự xáo trộn về mặt tâm hồn và thể chất của Watanabe sau cái chết đau thương đầy ám ảnh của Naoko, sự sống quá ư ngắn ngủi, “tôi” vô định trên mọi chặng đường mà chẳng biết mình đến đâu. Biển yêu thương với tiếng sóng không vơi ngăn bước chân  “tôi” lại, nhờ tấm lòng nhân hậu của người thuyền chài, “tôi” trở về với thực tại của mình. Tác giả cho nhân vật chính nếm trải đầy đủ những hạnh phúc yêu thương của cuộc đời, những mất mác lớn lao không bao giờ tìm lại được, vốn dĩ Watanabe cũng đã nhận ra.
          Đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami ta mới hiểu chỉ có tình yêu con người mới mạnh dạn xích lại gần nhau thủ thỉ về những sự thật sâu kín nhất của đời mình. Sống thật với chính mình, điều đó chỉ có nhà văn mới nói ra trên trang truyện của mình mà thôi. Rừng Na Uy là tác phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc và có sức thu hút độc giả đến trang truyện cuối cùng.
                                           
25.9.2011/ nguyễn Thị Phụng

NGUYỄN THỊ PHỤNG- MẸ VÀ CÁC CON