Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

NỐT NHẠC XANH

NỐT NHẠC XANH
          Ớ…ớ…ớ…
          Quang đưa tay lay mạnh vợ:
          - Nga… Nga… dậy đi em! Có anh đây mà! Anh đây! Tỉnh chưa?!
          - Ớ…ớ…. Anh, anh Quang…em mệt quá! Cho em cốc nước lọc! Ngân mở mắt nhìn chồng:
          - Em mớ có lâu không anh?
          - Sao dạo này em hay mớ luôn vậy! Sáng nay anh xin nghỉ việc chở em đi khám bệnh.
          - Không sao đâu, để em đi làm rồi tranh thủ xin phép một tiếng đồng hồ sang bệnh viện cũng được. Mà lạ thật, từ hôm họp lớp về đến nay đã ba ngày rồi em cứ mơ thấy anh Hà.
          - Có phải em đã kể chuyện về anh Hà từ hồi chúng mình mới quen nhau không?
          - Dạ, đúng là anh Hà đó!
alt
                 Tâm, Trúc, Chơn, Vàng, Bảy, Phụng

          Nga vào năm học thứ nhất của trường đại học sư phạm Quy Nhơn, ngoài một số bạn cùng học từ phổ thông lên, còn lại là bộ đội phục viên tuổi đời rất trẻ khoảng hai lăm, ba mươi thôi nhưng hầu hết ở miền Bắc vào. Lúc đầu Nga chưa phân biệt được chất giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa kể cả Quảng Bình, Quảng Trị. Chỉ có Đà Nẵng và Quảng Ngãi thì quen lắm rồi. Nga thường ngồi bàn thứ hai sát vách, trời nóng quá, Nga cầm quyển vở xin ngồi xuống bàn thứ tư gần máy quạt cho mát. Anh bộ đội nép sát vào trong chừa chỗ cho Nga. Nga muốn gọi tên anh cho thân mật nhưng đâu nhớ vì từ tuần trước cô giáo chủ nhiệm đã cho các bạn tự giới thiệu sơ qua lí lịch cá nhân, Nga lén nhìn trên bìa nhãn vở cũng không thấy ghi cụ thể, Nga rất ngại hỏi lại tên gì, thôi thì anh là con trai gọi anh vừa lịch sự vừa tôn trọng. Giờ thầy Nồng dạy ngôn ngữ là hấp dẫn nhất, thế mà Nga cứ len lén nhìn đôi bàn tay gầy của anh đặt trên trang vở, chăm chú ghi hết từng lời thầy giảng, bất chợt anh bắt được cái nhìn của Nga đậu trên ngón út phải mất đi hai đốt tay ở chiến trường. Còn Nga lại đánh lãng nhìn lên bảng thật lâu, trên trang vở của mình chỉ mới có cái đầu đề. Nga mượn vở anh về nhà chép lại. Từ đó Nga thường nghe anh kể về những ngày gian lao trong chuyến đi B đầu tiên gần hai tháng trời mới đến Tây Ninh, trong mỗi ba lô các anh bộ binh luôn có đủ dụng cụ cá nhân như: băng tô-xít, thuốc sát trùng, hai bộ quân phục, hai bộ đò lót, một cái võng caki (còn cán bộ thì võng dù), một cái mùng tuyl, một tấm ra đắp, một khăn tắm, hai bánh xà phòng, 4.9 kí gạo trong tuần, 2 kí muối, 2.5 kí đường, 2 kí ruốt bông( tôm, thịt nạt) còn cán bộ có thêm một lon sữa bột, 0.5 kí bột ngọt. Chưa kể 120 viên đạn, một khẩu AK 3k7, một cái xẻng/ cuốc chim. Trung bình mỗi ba lô trên lưng anh khoảng từ ba mươi đến ba mươi lăm kí. Còn bộ đội hỏa lực có thêm cả súng lớn. Đôi lúc dọc đường thiếu nước uống, gặp những con suối sông bắt ngang mà không dám dùng sợ địch bỏ thuốc. Thường vào những đêm trăng, các anh muốn hát vang “Bác đang cùng chứng cháu hành quân” nhưng cứ thầm thầm trong miệng sợ địch phát hiện, thế đấy núi rừng của ta mà cũng không được tự do. Những lúc ấy Nga say sưa uống hết bao nhiêu câu chuyện anh kể nhất là những trang nhật kí được giấu kín dưới đáy ba lô kể cả tấm hình người yêu cũng sợ để lộ vào trái tim mình. Mỗi giờ vào lớp mở sổ kiểm diện hay ghi điểm, tên anh luôn đứng hàng đầu: Trần Bình An. Và tên An đầu bảng chữ cái Nga không thể nào quên được.
           Cuối năm tư, sau khi thi tốt nghiệp, Văn  K1 tổ chức liên hoan, lớp trưởng bảo trước khi chia tay ai có điều gì chưa dám nói ra thì nay thoải mái, ngại ngần e dè là thiệt thòi đủ thứ. Bên kia đường của trường đại học Sư phạm Quy Nhơn là rừng dương và biển cả, sóng rì rào thôi thúc, mỗi bạn mạnh dạn cầm tay nhau nào là cặp Tiến và Bộ, nào là cặp Trung và Hiếu, nào là cặp Bình và Minh,… chỉ còn lại nhóm hai nữ và ba nam cứ nhìn nhau khúc khích. Nga mở đường chạy trước tách ra xa hơn để còn nhỏ Tuyết, Sương với anh An, anh Quý. Nhưng anh An gọi:
         - Nga ơi ơi ơi!... Sao em nở bỏ nhóm mình mà đi vậy! Năm anh em trên một biển Quy Nhơn, là năm anh em trong cùng một lớp, à á…Rồi tất cả cùng hát vang.
         Bài hát tự biên tự cải át đi cả tiếng sóng theo tiếng gió níu Nga về nhóm cũ: chân trời rất xanh và nắng xôn xao… trong từng đôi mắt…
        Một phần tư thế kỉ đi qua cho ngày họp mặt lại gần và nhận ra là nhờ những nụ cười thuở nào còn đọng lại. Tuyết có gia đình riêng với hai cậu con trai kháu khỉnh, Sương thì còn giữ lại tuổi thanh xuân của mình chưa san sẻ cùng ai, anh Quý với hai cặp sinh đôi đều là ái nữ, chỉ riêng anh An, Trần Bình An thuở nào nửa như đùa mà rất thật “Bộ đội các anh đến đâu là nơi ấy được giải phóng!” Thế nhưng ông trời sao lại đổ ập nỗi bất hạnh lên đôi vai An khi chiếc xe du lịch mười sáu chỗ ngồi cùng chiều qua mặt ép sát chiếc xe máy của anh, còn anh phải nép sát lề nên gạt tay lái chiếc xe đạp và cả hai cùng ngã, chiếc xe hai bánh trề tới cán lên lưng An. An nằm viện cả tháng trời để mổ cột sống, bây giờ anh không thể đứng vững một mình nếu không có đôi nạn gỗ. An đã phải chuyển sang làm ở thư viện không còn trực tiếp giảng dạy, cái nghề mà từ thuở nhỏ anh yêu thích đến chừng nào đời sống đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn khi mẹ già bị mờ đôi mắt nhưng không thể mổ được vì bị cườm nước. Gia đình lúc này quá chật vật, đơn chiếc, An nhìn dáng mẹ lần dò từng bước mà cứ xót xa, bài thơ về mẹ đạt giải nhất trong cuộc thi viết về phụ nữ Việt Nam trên báo Người cao tuổi đã làm xúc động ban giám khảo và bạn đọc. Trần Bình An gắn liền tên tuổi của mình không chỉ với báo Người cao tuổi mà bài của anh được đăng trên những trang báo khác. Nga nhạc nhiên không nghĩ ra tứ thơ mà mình thích đọc: “Gánh chiều mẹ đổ đi đâu/ Mà sao đôi mắt thẳm sâu đến cùng/ Hỏi mây mây cứ ung dung/ Phả vào mái tóc buốt từng sợi thơ…” là của anh.
         Không ai bảo ai kẻ ít người nhiều góp cho lớp trưởng Tuấn làm quà nhưng lại sợ An không nhận, hôm đó Nga về xin “ông xã” đi cùng một số bạn ra thăm An. Nga nghèn nghẹn cố nuốt cái cục gì lạ lắm đã chặn ngang cổ họng của mình hồi lâu giờ chưa có. An xanh xao và già đi nhiều so với các anh cùng tuổi. Còn mẹ của An suýt xoa nắm tay Nga:
        - Bác thường nghe thằng An nhắc đến tên cháu luôn, lúc nào đưa cả gia đình ra đây cho bác biết nghe cháu!
        - Dạ, khi nào có dịp chúng cháu về thăm bác và anh An, bác nhé!...
         Nga vội bước ra cửa chỉ sợ anh An bắt gặp đôi mắt ngấn nước của mình.
        …Công việc thường ngày tất bật, lương tháng của hai vợ chồng phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu. Nào là đóng học phí cho thằng lớn năm thứ tư sắp ra trường, nào là khoảng học thêm học bớt của thằng nhỏ còn một tuần nữa thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Chén cơm manh áo sớm chiều cùng Quang sẻ chia những buồn vui cả khi mưa nắng thất thường.
         - Em có thư nè! Quang mở kẹp giấy rút ra một phong bì trắng và đưa cho Nga. Mới mà đã năm năm rồi em nhỉ! Thời gian đâu dừng lại cho ta ngơi nghỉ một chút nào. Nhưng nó trong veo như màu nắng từ sáng đến chiều, nó mát mẻ như màu mưa đầu mùa vội vàng nhanh chóng, nó tỏa sắc khoe hương lại theo mai đào của mùa xuân, sen hồng của mùa hạ, cúc vàng của mùa thu và biêng biếc bờ ao khóm trúc duyên dáng chừng nào. Nó vừa có công lại vừa có tội cho riêng ở mỗi người. Tính ra công rất nhiều khi nó tỏa màu ngày cho ta hối hả đem lại thành tích giàu sang sung túc cũng từ đây. Nhưng tội của nó là màu đêm lại dễ dàng quên lãng, thờ ơ với những cảm xúc hứa hẹn bất chợt đến trong ta phải không em?!...
         - Sống gần trăm năm với nhau mới phát hiện chồng em là nhà tiểu thuyết từ lúc nào?!... Thôi anh ơi, cho em xem thư của ai vậy anh? Ô, thư mời họp. Nga vừa nói vừa mở phong bì ra đọc. Anh cũng đọc rồi à!
         - Thư tay anh chẳng tò mò làm gì khi Sương nhận về cả lốc và đọc anh nghe trước khi chuyển gởi em! Nghe nói mẹ của anh An đau tim nặng đang nằm điều trị ở bệnh viện tuyến trên đã ba ngày rồi. Em sắp xếp công việc như thế nào rồi chúng mình cùng đến thăm bà
         - Anh tưởng đi là đi được sao, phải chờ nhận lương, còn hai ngày nữa mới sang tháng sáu.
         - Kế toán trưởng kiêm thủ quỹ của anh có phải!
         Khoảng thu nhập trong gia đình đều do Nga cất giữ. Bất cứ chi ra bao nhiêu chị đều ghi cụ thể. Từ tiền rác, tiền nước, tiền điện, tiền rau mắm cá, gạo, khí ga đốt, điện thoại,…rồi hàng tháng sơ kết cho anh nghe. Những lúc đó anh Quang chỉ cần đóng dấu lên môi chị duyệt một cái là “phê” ngay! Chị đảm đang từ cơm nước, chăm con đến ơn nghĩa trong họ hàng, bạn bè, làng xóm sao anh không tin yêu chị được. Quang thầm cảm ơn vợ và chưa bao giờ lớn tiếng với chị một lời. Tình yêu chị dành cho anh, cho gia đình trọn vẹn quá. Anh nhớ lúc mới yêu nhau anh còn nghi ngờ tình cảm của Nga với anh An, nhưng thành vợ thành chồng thì anh mới thực sự trân trọng nâng niu tình yêu hạnh phúc gia đình mình. Và lúc này anh muốn cùng Nga ra thăm gia đình anh An nhất là thăm mẹ của anh An, nhưng tiền đâu?!... Quang bàn với vợ hay ta tạm ứng lương tháng tới, hay em mượn đỡ của ai cũng được. Anh An là bạn học cùng lớp với em cũng như là bạn của anh, chúng ta chần chừ sao được! Còn Nga rất muốn như thế nhưng còn ngại chồng, ở với nhau trọn đời cũng phải giữ ý:
         - Em biết ai cho mượn với lại chờ tuần nữa thằng út thi tốt nghiệp rồi mình đi cũng được mà anh.
         - Em nhớ sắp xếp càng sớm càng tốt. Quang nhỏ nhẹ với vợ.
         Quá mười giờ đêm, họ chìm vào giấc ngủ. Đồng hồ báo thức năm giờ ba mươi, nhưng cả hai cùng dậy sớm hơn mười phút sau cuộc gọi của Sương báo tin mẹ anh An mất. Xưa nay An luôn giữ ý, ít khi liên lạc với các bạn chỉ trừ Sương chưa có gia đình nên mọi sinh hoạt của mình thường sẻ chia cùng Sương, Sương mới thông báo lại cho ai cũng được. Tiếng còi tàu kéo dài rời sân ga buôn buốt và nhức nhói quá, mới bảy giờ sáng cái nắng đầu hạ chang chang trong mắt khó chịu vô cùng, Quang cùng với Tuấn và Sương ngồi cạnh nhau mà không nói gì, có lẽ họ đang cũng nghĩ về An, về anh bộ đội xuất ngũ trở về sau ngày thống nhất đất nước, ngoài hai mắt ngón tay út anh còn để lại chiến trường chức năng của người đàn ông trong anh đã hóa cát giữa núi rừng Trường sơn hơn ba mươi năm, An chưa một lần được tận  hưởng những giây phút ái ân của tình yêu đôi lứa, tình chồng vợ thiêng liêng mà đến nay đã gần sáu mươi tuổi rồi! Tình yêu của anh ngày ấy còn lại đâu đây giữa muôn trùng xanh thẳm...
       Sau hai ngày lo tang chế cùng gia đình anh An, Sương bảo sẽ ở lại với An vài hôm cho nhà cửa đỡ trống vắng, nếu An không còn “khắt khe” như thuở nào thì Sương xin nhập hộ khẩu tại đây luôn. Quang mới thực sự hiểu thêm về tình bạn thắm thiết giữa họ. Con người sống với nhau không chỉ là mối quan hệ ruột rà máu mủ, họ hàng làng xóm, mà cũng rất cần tình bạn sẻ chia giúp đỡ lúc cơ nhỡ, Quang nhớ anh đã từng tâm sự với Nga là trước sao sau vậy, chúng ta chỉ có thêm bạn bè chứ không thể mất bạn bè khi thành vợ thành chồng với nhau, biết sống là hãy chọn cho mình một niềm vui trọn vẹn trong ngày, đem lại hạnh phúc cho mọi người chính là đem lại hạnh phúc cho chính mình.
        Bữa cơm chiều cuối tuần vui vẻ khi cả nhà vừa biết được kết quả thi tốt nghiệp phổ thông của của thằng út là năm mươi sáu điểm/ sáu môn. Chị Nga vẫn còn lo lắng chờ kết quả thi ra trường của thằng anh cũng như thi vào đại học của thằng em nữa kia mà.
                                                         14.5.2012/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

TÔI CÒN MẮC NỢ NGƯỜI THÂN BẠN BÈ
alt


        Nào phải mộng mơ nhưng lúc này thèm sự yên tĩnh cho mình, mà ngoài kia trời cứ rây hạt thấm ướt mặt lá và cả  những chùm quả bằng lăng đang từng ngày nuôi dưỡng mầm hạt cho đến mùa sau sẽ bung ra. Rồi như thể không chịu được nữa, mưa lại nặng dần trượt nhanh rơi xuống thảm cỏ non xanh, len lách qua những kẻ lá nhỏ lắm rồi cũng an bài trong lòng đất của ngàn năm chịu đựng. Ngoài khung cửa kính, đôi cánh chim trời nào vội vã nặng nhọc cố bay qua làn mưa. Có lạnh lắm không, phải về tổ cùng bạn thân chứ gì, hay là miếng mồi còn đang ngậm trong cái mỏ xinh xắn kia, hạnh phúc biết bao lúc mớm mồi cho con. Xa hơn nữa, cây hoa sữa sừng sững vô tư tỏa hương xanh ngát cứ chùng chình trong vòm trời mờ đục nước mưa như vẫn thèm nhớ dáng ai ngồi dưới gốc giữa trưa hè hôm ấy!...
         Khẽ nhắm mắt lại lần nữa để thưởng thức sự yên tĩnh đang lan tỏa trong mình, không lẽ nào tiếng tong tong từng giọt thuốc trong veo từ bình dịch treo trên cao bên trái cánh tay tôi dội lại, điều kì diệu nào từ đôi tay của những chiếc áo blu trắng không thể chần chừ, nới dãn bánh xe nhựa cho đường dẫn thuốc kịp thời vào mạch máu. Giọt tiếp giọt làm nên tổng dung lượng lớn bù lại sự thiếu hụt mất mác quá nhiều suy nhược trong cơ thể tôi. Rồi còn những mũi tiêm vào cơ bắp chân, hay là từ những đôi mắt nhân từ cùng với lời động viên: chút nữa sẽ khỏi ngay mà!... Nhưng có lẽ tôi nghe rõ hơn là chính từ nhịp đập của những trái tim yêu thương kia hòa vào tất cả….

         Cũng không có gì lạ mọi nhức mỏi trong cơ thể tôi ê ẩm quay cuồng từ lúc chiều là thế, giờ dần dần tan biến ra mọi ngõ ngách xa kia. Tôi có thể co dũi được chân trái, rồi đến chân phải vài lần. Tay phải thì không thể được vì đang kết nối với bình dịch treo lủng lẳng trên cao, còn tay trái đưa lên và xòe cả bàn rồi nắm lại. Mỗi động tác tôi gắng làm được đến mười lần thấy trong người bắt đầu khỏe ra… Và tôi có thể nghiêng người qua bên trái, bên phải… Rồi  ngồi dậy, bỏ hai chân xuống giường, đứng lên và từng bước bước đi…
        Ở phòng hồi sức cấp cứu được hai ngày, sau đó chuyển đến khoa nội để điều trị. Mọi sinh hoạt cá nhân đều ổn. Nhìn dáng chị tôi lầm lũi mang cơm đến đúng giờ ăn trưa, ăn chiều mà làm sao tôi chịu nổi khi chị lấy chiếc mũ bảo hiểm xuống, màu tóc đã ngả bạc mồ hôi ướt nhẹp, còn đôi tay gầy gò nổi rõ những đường gân xanh khi mở cà mèng ra. Nào phải chỉ có lần này đâu, mà mỗi khi tôi nằm viện chị đều có mặt. Hình như chị được sinh ra để chăm sóc tôi, chăm sóc hết những người thân trong gia đình. Cả đời tôi mang nặng tình yêu thương của chị dành cho mình. Không biết đến lượt chị ốm đau tôi có thể làm được những gì cho chị đây!... Mong cho chị suốt đời khỏe mạnh! Ở khoa điều trị, cũng như những bệnh nhân khác được kiểm tra huyết áp, đo nhiệt độ thường ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của y bác sĩ. Một tuần qua mau khi mỗi sáng thứ dậy, chị em trong phòng rủ nhau đi xin cháo từ thiện của các tình nguyện viên câu lạc bộ hội chữ thập đỏ Tuy Phước, còn hai buổi trưa và chiều đi xin cơm chay của giáo hội Phật giáo Hòa Hảo miền Nam, chỉ trừ ngày chủ nhật là phải tự túc. Riêng tôi không thể dùng cơm chay được, vì cái bụng từ khi còn bé, mẹ tập ăn đã muốn ăn “mặn” cho đến giờ kể cả chuyện trò cũng “mặn” luôn! Với lại những thức ăn được nấu chay chỉ có hoa quả và rau xanh như thế thì làm sao đủ dinh dưỡng cho người bệnh như tôi được. Thấy chị tôi vất vả, nên tôi đã cố gắng ra căn tin “ ăn tự chọn, uống tự chọn” cho mau phục hồi sức khỏe hơn.
        Tiêm mũi thuốc cuối cùng trong ngày thứ bảy ở khoa nội là tôi được ra viện. Những cảm xúc trào dâng miên man khi nhận tờ giấy ra viện. Tôi chỉ nhắn lại lời cảm ơn chân tình của mình đến Bác sĩ Thông, bác sĩ Khoa và các cô y sĩ, hộ lí ở khoa nội. Nhưng nào quên được sự quan tâm nhiệt tình của bác sĩ Lê Văn Đính và các cô y sĩ ở khoa hồi sức cấp cứu khi mới nhập viện. Chỉ có thuốc hay thầy giỏi đã cứu được tôi ra khỏi hiểm nghèo. Những ngày nằm viện tôi đã nhận biết bao tình yêu thương của người thân, bạn bè thăm hỏi. Nằm viện tôi đã làm đến mấy bài thơ lục bát bốn câu cho luôn cả bản quyền đứa cháu học lớp bảy nộp cho cô giáo, mấy ngày sau nhận lại tin nhắn “ cháu được 9 điểm bài thơ về tình bạn. Cảm ơn bà dư nhiều”. Gởi cho là xóa tin nên đến giờ chẳng nhớ tứ thơ như thế nào nữa. Mà chỉ còn lưu lại cảm xúc bất chợt khi vừa tỉnh ở phòng cấp cứu: “ Ta còn mắc nợ trời xanh/ Trần gian là chốn vĩnh hằng tình yêu/ Lỡ mai nắng ngả ráng chiều/ Xôn xao miền nhớ phiêu diêu cõi bồng” (29.11.2011) ./.
                                                  10.12.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI

CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI
          Xin bạn đừng nghĩ rằng cách chọn đầu đề Chuyện không thể cười luôn gieo vào tâm trí một nỗi buồn người viết muốn đề cập đến. Mà cũng có thể là chưa vui. Và nếu tôi chọn lại cụm từ Chuyện không thể không cười lại mang ý khẳng định đồng nghĩa cười. Nhưng tiếng Việt ta lắm cách diễn đạt, nói gần nói xa cũng không qua nói thật. Chuyện không thể cười được bắt đầu giữa buổi sáng hôm ngày 09.5.2012, tôi đành gát lại thau ngâm áo quần lẽ ra từ hôm chủ nhật phải giặt, rút phít nồi cơm điện khi vừa bật sang chế độ giữ ấm, chải lại mái tóc theo từng lọn uốn cong cho trẻ trung, chọn bộ đồ vừa phù hợp với dáng thon thả của mình và phải đúng thời trang mùa hè, đánh qua lớp kem thoa mặt cũng như không quên kẻ đường môi, chân mày cho rõ nét, và nhất là đôi giày đi lại khỏi đau chân. Cuộc gọi lại tiếp tục, thôi yên tâm em đến là ra bến xe buýt ngay! Mà này, có một việc chị chưa chuẩn bị được là…vì bất ngờ quá mà lương hưu tháng này chưa nhận. Nhưng chị thường mua cả lốc phong bì để dùng, thế là Hà My bỏ hai khoảng vào bên trong, ghi tên cụ thể, còn tôi đưa lưỡi liếm qua một lớp nước miếng rồi dán kín lại! Đi dự tiệc cưới của MĐ đột xuất như thế này cũng là lạ, chỉ cần một cuộc gọi mời đầy sức thuyết phục mà không chính là chủ nhân, khi Hà My giải bày là ai cũng gởi quà, mà MĐ nó đâu cần quà, có mặt hơn mười gói phải không chị. Tôi chưa hiểu cô bé nhỏ MĐ (cũng đồng tuổi con mình) là tác giả tập thơ “ Ngày không bọt” ( NXB Trẻ, 2012) đã nhờ Rêu cầm lên tận nhà tặng tôi, và theo lời kể lại là MĐ còn ngại, không dám mời chị dự tiệc cưới vì chưa được gặp chị lần nào. Như vậy là MĐ đủ tiêu chuẩn kiến thức hiểu biết xã hội để lấy chồng được rồi! Thật đáng quý và trân trọng nhà báo MĐ từ Đất Võ yêu thương, nơi mà cô của cha tôi, cô của mẹ tôi đã có tình yêu và sinh con đẻ cháu quây quần sinh sống ở quanh thắng cảnh Hầm Hô. Còn tôi thì quý cái tình người Tây Sơn với lại cũng “ham” vui là chính, đẫm mình trong nắng hè tranh thủ ghé gởi một phong bì thứ hai mừng vu quy của nhỏ học trò mời cô chủ nhiệm vì sợ chiều nay không về kịp.
alt
Ai cũng khen mình xinh xắn
           Chờ xe buýt mới nhớ là sáng chưa điểm tâm, vội mua hai cái bánh tráng nướng vừa cầm vừa ăn. Người Bình Định cứ tự nhiên lên xe ngồi vừa nhai vừa nói chuyện dòn tan như bánh tráng bỏ vào miệng. Câu chuyện chưa hết khi bánh tráng vẫn còn, Hà My mới nghĩ đây là lần đầu em đi xe buýt rồi xuất khẩu cho tứ thơ chưa hoàn chỉnh: “Sáng nay đám cưới của Minh Đan/ Chị Phụng- Hà My diện thật sang/…” lại bảo để về nhà Hà My lại tiếp, rồi nảy ra cảm xúc mình nhờ cậu bán vé trên xe chụp tấm hình làm kỉ niệm. Hà My rất tự nhiên mở dây cột tóc và đưa tay ra sau rẽ hai bên thả đều mái tóc ôm lấy khuôn mặt tròn trĩnh của mình. Còn tôi mở túi xách lấy máy ảnh của Hà My ra chụp. Bấm nút “on” nhưng không hiện đèn báo sáng, My khéo léo mở ra xem, lại nhìn đăm đăm vào mắt tôi:
         - Trời đất ơi, không có pin! Em đang còn sạt ở nhà ! Lúc nghe chị nhắn em vội lấy máy theo không để ý gì cả!
          - Còn mình nghĩ đi sớm ở lại chơi, chiều dự tiệc cưới mới về, sợ không kịp cho chị Trướng mang theo chụp hình họp mặt các bạn của chị.
           Thế là hai chị em nhìn nhau mắc cười không thể nào chịu nổi, nhưng cũng may nhờ màn hình điện thoại di động của Hà My ghi lại hai tấm hình đang ngồi trên xe còn cầm bánh tráng.
           Chuyện không thể cười là mới có một trên tuyến đường Tuy Phước- Tây Sơn. Đến chuyện không thể cười khi bước chân vào nhà hàng Thanh Thanh ở thị trấn Phú Phong gặp nhà thơ Thanh xuân và Hà Nam từ Quy Nhơn cũng vừa xuống xe mô tô gọi ngay và bảo không gặp nhà thơ Trần Viết Dũng là chưa đến Tây Sơn! Lúc này tôi mới ngạc nhiên:
           - Nhà thơ Trần Viết Dũng có sức thu hút đến như vậy à!
           - Gặp nhà thơ để cụng li mà! - Hà Nam vừa nói vừa cười.
          Chúng tôi vừa tìm chỗ ngồi dưới tán cây sanh đã thấy anh Hà và anh Trường ở An Nhơn cũng vừa tới. Sáu người ngồi vào một bàn, thói quen của Hà My thường ngồi cách người khác giới, còn tôi chưa bao giờ phân biệt, nhưng lạ chưa mới có đứng bên Hạt Cát mà dây nơ áo đã tự động rớt từ lúc nào! Chà chà mới chỉ một hạt cát chứ cả sa mạc có lẽ…hi! Tính ra một bàn chỉ có sáu chúng tôi. Sau đó có thêm hai nữ ở Tây Sơn nữa mà vẫn còn thừa hai chỗ ngồi. Đặc biệt khi vào bàn tiệc ở đây luôn có món đặc sản chim mía. Chim mía nhỏ lắm chỉ nhỉnh hơn cái ngón út một chút nằm trần trụi đen đủi trên đĩa rau xanh. Tôi gắp một con bỏ vào chén thử mà còn ngần ngại quay sang hỏi:
       - Cái giống chim đặc sản này ăn chỗ nào ngon nhất?!
       - Phải ăn cả con chim mới ngon! Thanh Xuân nói cười tỉnh bơ, còn Hà Nam khẳng định đã ăn chim là phải ăn cả con mới ngon, rồi nheo nheo đôi mắt cười thích thú nữa chứ.
         Anh Hà ưng ý gật đầu phải nhai cả con mới ngon! Còn Hà My rùng mình nó bé quá không nở nào!... Và tôi nghĩ cũng chưa ra được ai đâu mà ngồi tỉ mỉ nhổ lông cả hàng ngàn con như thế!...
          Đến chuyện thứ ba cũng không thể cười khi đăng kí tiết mục văn nghệ. Hà Nguyên ghi tên Hà My với bài hát tự chọn. Sau giọng ca nam Lý Anh Võ (là cậu của Minh Đan) “… Thương nhau lí tơ hồng…” vừa dứt, MC Thanh Sơn tiếp tục giới thiệu giọng ca nữ trẻ trung, cùng lúc ấy cả bàn đều đưa mắt nhìn Hà My trong tư thế chuẩn bị, như động viên như cỗ vũ: My ơi, hãy tự tin nghen! Thế nhưng cứ mối lần giới thiệu giọng ca nữ là chúng tôi hớn hở đinh ninh khích lệ nhìn trong ánh mắt Hà My mà sao đến lúc tan tiệc về chúng tôi chưa được nghe người bạn của mình hát, có lẽ Tây Sơn ca sĩ hơi bị nhiều!...
         Tôi và Hà My trở lại Tuy Phước trên chuyến xe buýt có máy điều hòa, nhìn qua cánh cửa xe thấy “gã” tài xế mô tô Hà Nguyên chở  Văn Trường về An Nhơn, cũng như Hà Nam chở Thanh Xuân về Quy Nhơn mà con đường trải nhựa lúc này cứ hừng hực như thiêu như đốt!...
                                        11.5. 2012/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

ĐI TÌM MỘ của Nguyễn Văn Bằng

ĐI TÌM MỘ của Nguyễn Văn Bằng (*)

Bao tháng năm lần lữa chiến tranh
Mẹ chưa tìm được cha về nơi an nghỉ
Con muốn làm điều mẹ còn bỏ dở
Đi tìm cha nằm lại nơi nào

Lúc cha hi sinh con còn bé quá
Không hình dung một nét thân quen
Đồng đội của cha một thời tuổi trẻ
Giành nhau bộc phá đánh đồn

Sau chiến tranh ai mất ai còn
Bốn mươi năm mộ đâu còn đúng chỗ
Vẫn biết thời gian làm dày thương nhớ
Và dày thêm đau khổ ở trong tim

Con và mẹ lặn lội nhiều năm
Không biết cha nằm đâu để đến
Tuổi già đón mẹ về bên kia thế giới
Chỉ còn con mang ước vọng đi tìm…
                        Hà Nội, 27.5.1997

         Đọc bài thơ “ Đi tìm mộ” của Nguyễn Văn Bằng cứ đau đáu không nguôi về tình cảm của con đối với cha, với thế hệ đi trước đã nắm chắc tay súng để bảo về độc lập tự do cho Tổ quốc mình. Ngay từ khổ thơ đầu như lời tâm tình chia sẻ khi hay tin cha hi sinh, mẹ chưa kịp đi tìm không phải vì đường xa trắc trở, không phải vì sức khỏe ốm đau, mà vì cuộc chiến kéo dài làm trì hoãn nghĩa tình người vợ với chồng đã từng gắn bó keo sơn tự thuở nào:
          “Bao tháng năm lần lữa chiến tranh
           Mẹ chưa tìm được cha về nơi an nghỉ
           Con muốn làm điều mẹ còn bỏ dở
           Đi tìm cha nằm lại nơi nào”

        
      Việc “ Đi tìm cha nằm lại nơi nào” người đã hi sinh trong khói lửa đạn bom nơi tuyến đầu Tổ quốc, hay hải đảo xa xôi là một đáp số không đơn thuần như ở hậu phương người già bệnh tật đã mất được chôn cất chu toàn. Bởi: “ Lúc cha hi sinh con còn bé quá /Không hình dung một nét thân quen” để con có thể đong đầy kỉ niệm tình cha con gắn bó. Quả thật, người con lớn lên trong gia đình không chỉ thiệt thòi mà còn mất mát về sự chăm sóc yêu thương cả vật chất lẫn tinh thần như bao đứa trẻ khác. Nhưng người con mãi còn lưu giữ hình ảnh người cha dũng cảm ngoan cường hết mình cho đất nước:
         “ Đồng đội của cha một thời tuổi trẻ
           Giành nhau bộc phá đánh đồn”.
      Phải chăng vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ đã nuôi dưỡng tâm hồn “người con” về lòng tự hào cha anh không tiếc máu xương cho dân tộc Việt Nam yêu dấu ngàn đời.

         Để rồi:
            “Sau chiến tranh ai mất ai còn
             Bốn mươi năm mộ đâu còn đúng chỗ
             Vẫn biết thời gian làm dày thương nhớ
              Và dày thêm đau khổ ở trong tim”.
       Đi tìm mộ trong chiến tranh đã khó thì đi tìm mộ trong thời bình có lẽ còn khó hơn. Ta không khỏi rưng rưng xa xót sau chiến tranh ai mất ai còn nữa, rồi dấu vết ngôi mộ ngày ấy còn nữa không? Có phải thời gian đã làm cho “thiên biến vạn hóa”, phải chăng phần mộ người nằm yên trong lòng đất góp phần làm nên cánh rừng cứ ngan ngát xanh, làm nên điều kì diệu kết nối trái tim yêu thương trong tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, anh em, bạn bè đồng đội như sợi dây vô hình mãi trường tồn trong cõi nhân sinh này. Một ngày chưa tìm được mộ là thêm một ngày ăm ắp nhớ thương, day dứt như chưa làm tròn bổn phận của con cái đối với mẹ cha. Nhưng biết làm sao!?... cho đến lúc:

                                     “ Con và mẹ lặn lội nhiều năm
                                     Không biết cha nằm đâu để đến
                                     Tuổi già đón mẹ về bên kia thế giới
                                     Chỉ còn con mang ước vọng đi tìm…”
          “ Mang ước vọng đi tìm” là lời khát khao nhắc nhở, là sự kế thừa tiếp nối truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, là nghĩa cử cao đẹp của người con đối với cha, của thế hệ trẻ không bao giờ quên công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Và trong hôm nay chúng ta có quyền tự hào kế tục sự nghiệp cha anh mà gìn giữ giang sơn gấm vóc cho được vẹn toàn để không hổ thẹn với người đi trước.
                                         10.4.2012/ Nguyễn Thị Phụng.
_________
*
Trích Tấm lòng nhà giáo của NXB Giáo Dục, 2010