Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

CÁI TỘI CHIA ĐÔI

CÁI TỘI CHIA ĐÔI
alt
       Người ta thường bảo “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng tôi nào phải con sâu đâu. Đương nhiên được bạn bè gọi tôi là nhà giáo, chính thức là nhà giáo kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường. Những đứa con tôi chẳng bao giờ thích đọc truyện ngắn hay thơ văn như tôi từ thuở bé. Tôi bảo thơ văn làm cho đời sống con người phong phú. Các con tôi cười bố già còn rảnh lắm. Dù có rảnh hay bận rộn công việc tôi vẫn là người vừa có tên vừa có tuổi. Cái tuổi Nhâm Thìn lúc mới sinh ra, cả gia đình dòng họ luôn ưu ái cho cái chức Trưởng nam, nhưng thực sự tôi là đứa con út trong gia đình. Chưa đến tuổi đi mẫu giáo, chưa biết đọc biết viết, tôi thực hành thành thạo những bài toán về phép so sánh khi mẹ chia quà. Nhưng có một điều tôi hay bắt phần nhiều hơn, lớn hơn. Còn ba chị gái tôi cứ lườm lườm tôi khi mẹ nói nhường em phần hơn vì các con lớn tuổi hơn đã ăn nhiều rồi. Tôi nhớ khi cha tôi đi ăn giỗ về  mở gói quà ra có năm cái bánh ít. Phần tôi được hai. Các chị tôi ý kiến cha mẹ chẳng công bằng. Nhỏ tuổi cái dạ dày cũng nhỏ thì ăn ít hơn. Tôi cãi lại nhỏ thì ăn nhiều để cho mau lớn bằng các chị chớ!... Phép chia đã hình thành trong tuổi thơ tôi kể từ khi tôi có cảm giác ngon miệng và no bụng mình.

        Biết tôi là nhà giáo, ăn nói lưu loát ai cũng nghĩ hồi nhỏ học giỏi văn lắm. Nhưng thực ra tôi lại giỏi toán. Thang điểm hồi đó ở miền Nam tính 20/ 20 chứ không phải 10/10 như bây giờ. Cứ 18/20 hay 19/ 20 chưa  bao giờ có được 20/ 20 vì cái tội không nháp trước rồi mới chép lại vào tờ giấy kiểm tra. Còn thằng nhỏ bạn ngồi bên chỉ việc đưa mắt chép lại nên bài nó sạch sẽ. Có lúc cô Nhân dạy toán còn bảo tôi không được xem bài bạn, bởi tôi hay nhìn chừng Nó chép tới đâu rồi. Tháng sau cô tách tôi và Nó ra, điểm toán của Nó chỉ còn 4/20, còn cô giáo ngạc nhiên thằng Nhâm Thìn này giỏi toán nhất lớp. Ngược lại, điểm làm văn tối đa của tôi cũng chỉ được 6/20. Tôi lại tiếp tục hợp đồng với thằng Nọ giỏi văn ngồi bàn trên. Lần đầu tiên tôi với Nọ đã không những bị điểm 1/20 mà bị cảnh cáo trước lớp bài viết giống nhau từ cách mở bài, thân bài và kết bài.
         Đậu xong tú tài toàn (bây giờ là tốt nghiệp lớp mười hai) tôi thi vào đại học Sư phạm Sài Gòn vừa gần nhà đỡ tốn kém trong chuyện đi lại hay thuê phòng trọ. Lớp toán của tôi duy nhất có được mười lăm nữ và ba mươi lăm nam. Con gái đã học giỏi toán lại đẹp nữa, thằng nào cũng phục sát đất, mỗi thằng đều nghĩ làm cách nào để chiếm được trái tim các kiều chân dài, tha hồ thả tình theo gió bay hôn lên tóc, lên mắt, lên môi, đọng lại cái lúm đồng tiền, dán chặt vào cái răng khểnh. Mà gió cứ trượt dài lên đỉnh núi mây ngàn nào kia, sao gió không bám theo sau những gót chân son tròn trịa ấy. Tôi học tập thả tình theo những trang tiểu thuyết và bắt đầu làm thơ. Quả là làm thơ rất khó, gần nửa năm học mới có được một tứ thơ. Chiều về nhà, thấy mẹ đứng chờ ở cổng:
        - Nay con trai mẹ về sớm!
        - Dạ.
      Rồi mẹ len lén nhìn vào nhà như sợ ba tôi nghe thấy, ghé sát tai tôi “ Con bị chép phạt hả?!” Tôi lớn tiếng:
        - Mẹ bảo chép phạt cái gì, con không hiểu!
        - Lại giấu mẹ nữa, lúc trưa mẹ lau nhà thấy có mấy tờ giấy rơi xuống đất, mẹ nhặt lên cho con. Toàn là thơ bốn câu giống nhau, không phải chép phạt là gì! Con trai ơi, cả đời mẹ cho con ăn học là mong con bằng bạn bằng bè, ai lại vào đại học cũng còn chép phạt như hồi học ở  tiểu học, phổ thông vậy con!...
       - Không phải đâu, con thấy thơ hay chép cho thuộc đó mà.
       Tôi trấn an mẹ, nhưng thực ra mục đích là thả hồn thơ của tôi vào các nàng cũng ưng ý: “ Trăng vàng ngã bóng ngoài hiên/ Thương em khác họ tơ duyên mặn nồng/ Hè xanh phượng thắm má hồng/ Em ơi thấu hiểu anh trồng cây si…” và ghi bút hiệu bên dưới: Mặt Trời Xanh. Để tránh sự đụng độ nhầm lẫn một em có thể nhận hai bài thơ giống nhau, tôi đánh dấu ghi tên và trình tự hẹn gặp khác giờ gieo thơ cho nàng. Đến tờ giấy thứ mười lăm, Ngọc Sương nhõng nhẽo chỉ có thơ không thì em… còn khát nước, đói bụng lắm! Tôi được dịp là gã đàn ông biết ga-lăng, cuối tuần mời em sinh tố và phở nữa đấy. Nhưng hôm đó tôi phải trả đến cùng một lúc mười lăm tô phở, mười lăm li chè đậu xanh nước dừa cho mười lăm nàng đã lén thông báo phá hoại túi tiền của tôi tích lũy mấy tháng trời!... Tôi định xuất chiêu bài “Chuồn” nhưng như thế thì…còn đến ba năm học nữa mà chí làm trai dặm ngàn da ngựa như vậy chỉ có chờ đất nứt chui xuống là xong! Bài học dại gái làm sao bắt thang lên hỏi ông trời được, cũng đâu dám sẻ chia cùng ai!... Tôi đành mượn văn xuôi bày tỏ hết cảm xúc của mình. Nhưng chỉ là những dòng nhật kí, viết đọc rồi xé bỏ vào giỏ rác.
          Thế mà đã bốn năm, tôi ra trường về công tác ở một trường trung học ngoại ô Sài Gòn. Hằng tuần mới về nhà một lần, căn nhà trọ tôi ở gần trường, các nữ sinh được dịp ra vào nhờ tôi chỉ toán. Còn mấy cô đồng nghiệp xinh xắn dịu dàng cứ ngấp nghé xếp hàng trước nhà, tôi nào chọn một ai! Người mà tôi để ý là cô Nhung bán cơm bình dân luôn dành cho tôi những đĩa cơm thơm nóng sốt dẽo đầy ắp ấm no cả cái dạ dày. Cô chào tôi đâu chỉ ánh mắt mà còn với nụ cười lộ cả hàm răng hột lựu trắng đều đặn lắm. Năm năm ăn cơm bình dân đi dạy, tôi dành dụm được một số tiền đem về cho mẹ cất giữ, tôi trích riêng ra một khoảng mua nữ trang áo quần cho Nhung và đây chính là lễ cưới của tôi với cô quán cơm có mái tóc dài đen mượt. Ở với nhau chưa được năm năm, nàng đành chia tay tôi vì bệnh viêm gan, để cho tôi hai đứa con gái nhỏ lắm. Tôi phải gởi các cháu về nhà nội chăm sóc. Người vợ thứ hai là một trong những cô đồng nghiệp nhởn nhơ tung tăng xếp hàng ngày nào trước căn nhà trọ của tôi. Khác với Nhung, trước khi cưới nàng bắt tôi phải làm hợp đồng viết thành văn bản hẳn hoi. Không ngờ tôi lại là người mắc lừa. Có lẽ nàng quyết trả thù tôi khi trước đây không cưới nàng mà cưới cô Nhung bán cơm, để nàng phải muộn màng đến năm sáu năm trời. Khi nàng đi chợ nấu ăn, ở nhà tôi phải xách nước chẻ củi. Lúc nàng rửa chén bát xoong nồi thì tôi phải lau nhà giặc giũ áo quần. Khi nàng có thai thì trăm việc không danh sách tôi phải hoàn thành từ A đến Z. Nàng bảo phước đức ba đời tôi khỏi mất trăm triệu đồng để thụ tinh nhân tạo, khỏi phải hầu hạ nàng ăn nằm chín tháng mười ngày. Nàng chúc mừng tôi là quá hạnh phúc khỏi tốn công tốn của lại được cậu con trai kháu khỉnh giống bố như đúc. Được thằng con trai giống mình tôi cứ mừng thầm đâu dám nói ra vì sợ nàng còn xuất nhiều chiêu độc đáo khác, tôi chỉ có thẳng chân mà chạy!... Nhớ nhất lúc nàng còn mang bầu chia phần thức ăn làm tôi ngạc nhiên. Vừa lãnh lương xong, tôi ghé quán mua về mười chiếc nem chua, nàng phát cho hai đứa con gái tôi là bốn chiếc, phần tôi được hai chiếc, còn bốn chiếc là của nàng. Tôi ức lắm:
       - Làm giáo viên dạy toán như em chỉ chết học sinh, bài toán chia tiểu học cũng không rành!
       - Anh nói sao?! Tính ra tôi cũng có hai chiếc như con gái anh thôi, còn hai chiếc là cho thằng con anh trong bụng của tôi. Tổng cộng anh và con trai con gái của anh tất thảy là tám chiếc, chính xác trăm phần trăm, anh còn đòi hỏi gì nữa!
       - Thì ra…em công bằng hơn mẹ của anh ngày nào!
       Được dịp nàng nhanh nhảu bảo hậu sinh khả úy, thời đại này sống mà không bình đẳng nhau dễ bị chiến tranh lạnh từ trong cảm xúc tâm hồn của mỗi người, sau đó đến chiến tranh chân tay, căng thẳng lắm là cây gậy dao rựa, quá tầm sức hơn thua thắng bại là súng ống đạn bom, từ phạm vi gia đình, rồi đến làng xã, huyện tỉnh,… Ra xa nữa đến các nước láng giềng, châu lục. Tất cả vì nhu cầu cuộc sống. Tính ra cái ăn cái mặc có trước, cái học cái nghĩ có sau, có thực mới vực được đạo, nào là ăn vóc học hay. Ôi thôi trước lập luận của nàng tôi đành im lặng cho yên cửa yên nhà. Nàng biến tôi thành người chồng “ đảm đang” từ lúc buột tôi thực hiện bản hợp đồng chồng vợ “bình đẳng”, nếu không thì nàng chia tay không luyến tiếc!
         Tôi cứ trăn trở khi tuổi già khó ngủ, thương số phần ngắn ngủi của Nhung quá! Ở tuổi gần sáu mươi tôi nào được thảnh thơi. Hết giờ lên lớp về nhà chẳng rảnh tay. Tính ra bốn mươi năm ra trường đứng trên bục giảng, chưa một lần về thăm quê ngoại. Nơi đó mẹ tôi đã sinh ra tôi, ông bà ngoại đã mất từ lâu lắm rồi, mẹ theo cha về thành phố lập nghiệp và ở đây luôn. Bốn mươi năm tôi được mất những gì, đó là những người bạn dần dần xa tôi mãi. chỉ ba đứa con lại ít khi trò chuyện được vì chúng bận học suốt ngày. Còn nàng chỉ dành thời gian làm gia sư lấy thêm tiền tích lũy. Tôi thấy cuộc sống ở thành phố hối hả ồn ào náo nhiệt quá, một chuyến thăm quê, thăm lại những người bạn từ thời tiểu học. Tôi còn ngần ngại chần chừ chưa dám bước chân vào cổng làng. Cái cổng làng đã gần trăm năm kiên nhẫn ghi nhận người vào người ra. Mặc cho gió mưa buốt lạnh, nắng cháy rát bỏng, cổng làng quê tôi cứ bền bĩ chịu đựng tháng năm. Tôi đưa tay sờ lên trụ cổng thuở nào sao trái tim mình hồi hộp đến thế, tôi giật mình quay sang khi tiếng người phía sau vọng lại:
       - Bác về thăm làng hay tìm gặp người quen!
       - Ồ, chào cháu! Cháu có biết nhà ông bà Lâm ở chỗ nào không đấy!
       - Dạ, làng cháu có nhiều Lâm lắm.
       Thấy cậu bé thân thiện, mến khách, còn tôi chỉ biết có một Lâm. Mà Lâm con trai ông Cả trong họ nay cũng bằng tuổi tôi, nghe nói chỉ quanh quẩn trong làng, làm ruộng và chăn nuôi thôi. Với lại tính tò mò:
       - Cháu có thể cho bác biết những người tên Lâm có đặc điểm gì không nào!
       - Bác là công an?
       - Bác là nhà giáo nghỉ hưu.
       Như chừng sợ tôi đứng lâu dưới trưa mùa hè bị cảm nắng và mỏi chân, cậu bé mời tôi đến ghế đá dưới gốc cây bàng, nhìn tôi như thăm dò rồi cho biết: Làng mình có ba Lâm. Lâm ở xóm Nam có hai con trai đều ở Mỹ, thuộc diện giàu có nhất làng mà ki bo hết cỡ. Các bà bảo khó lừa được ông ấy lấy một xu. Ra quán ngồi ăn mà còn mặc cả. Mua trái cốc trái ổi của người bán hàng rong cho cháu cũng lựa trái nhỏ được nhiều mà lại rẻ tiền. Còn ông Lâm ở xóm Tây gần bờ sông phía xa kia, cậu bé vừa nói vừa chỉ tay ra phía đó, đúng là một tên Lâm tặc, ông ấy mới ở tù về vì tội phá rừng. Nhưng chứng nào tật nấy, về quê được ba tháng thì hàng cây bạch đàn trồng ở đầu làng kia chưa đến tuổi lấy gỗ, cứ bị mất dần, bác Sáu trưởng thôn cho người canh chừng bắt quả tang ông đang chặt trộm. Chỉ có ông Lâm Tử Kinh cuối xóm thì sống thanh cao nhất. Tôi hồ hởi:
       - Sao gọi là Lâm Tử Kinh vậy cháu?
       - Vì nhà ông trồng nhiều hoa Tử Kinh nên ai cũng gọi là Lâm Tử Kinh đó bác ạ!
       - Ông Lâm Tử Kinh có làm ruộng không cháu?
       - Có ạ!
       - Thế cháu có biết vì sao ông Lâm làm ruộng không gọi là Lâm ruộng lúa, Lâm trồng trọt mà lại gọi là Lâm Tử Kinh?
       Cậu bé như được dịp kể một mạch về cuộc đời ông Lâm Tử Kinh. Lúc nhỏ cha mẹ mất sớm, ông Cả để lại một gia tài đồ sộ. Hai người anh là Sơn và Hải lười lao động, lại không chịu học hành. Đồ đạc trong nhà không cánh trình tự bay xa, người em út là ông Lâm Tử Kinh bây giờ đâu ngăn cản được hai người anh của mình khi họ quyết định bán nốt cây Tử Kinh còn lại trong sân vườn. Hôm sau người mua đến đào gốc cây mang về nhà, nhưng thật kì lạ, cây Tử Kinh bị héo. Hai người anh tức giận định lấy rựa phát ngay làm củi, người em út hốt hoảng xin anh đừng làm như vậy. Cây cũng có hồn như người, cũng biết quyến luyến gắn bó với con người, với những kỉ niệm xưa nay. Có lẽ Tử Kinh buồn không muốn xa ba anh em mình. Bởi cây Tử Kinh này đã được ông cố mình trồng gần trăm năm rồi, anh có thấy cái gốc của nó to gần bằng cột nhà. Cây hoa còn mừng ngày “đăng khoa” nở rộ vào mùa hè lúc ông nội của anh em mình đỗ cử nhân năm ấy. Anh có nhớ hồi còn sống ba đã kể rồi sao! Bây giờ ta thử cầu nguyện và gìn giữ  cây Tử Kinh này, tiếp tục chặt nhánh dăm trồng xung quanh hàng rào trước sân nhà cho đẹp, hai anh thấy thế nào. Các anh không tin, nhưng nghe em út của mình bày tỏ thiện cảm về cây hoa Tử Kinh. Họ cùng người em nguyện cầu. Quả thật ngày hôm sau cây trở lại tươi tốt, những nụ hoa bắt đầu mở cánh mỏng manh màu hồng tím nhạt dịu dàng trong gió hè. Ông Lâm Tử Kinh còn đọc cho cháu nghe “Kinh thọ hữu ba huynh đệ lạc/  Nghiên điền vô thuế tử tôn canh”. Cậu bé như tâm đắc với hai câu chữ Hán đã thuộc lòng, nheo nheo đôi mắt:
         - Bác có biết câu chữ Hán đó là của ai không!
        Tôi giật mình nhưng lấy lại bình tĩnh:
        - Bác là giáo viên dạy toán nên đâu biết của ai!
        - Thế mà ông Lâm Tử Kinh không dạy toán, chỉ làm ruộng mà bảo cháu đó là của Đào Tấn. Cụ Đào Tấn là một danh nhân văn hóa của làng mình. Ông Lâm Tử Kinh là con cháu của Cụ Đào Tấn. Ông Lâm còn giải thích cho cháu biết ý hễ khi cây Tử kinh ra hoa là gia đình hòa thuận, anh em vui vẻ; Con cháu biết canh tác trên ruộng nghiên( mực) thì không phải đóng thuế. Tôi như người học trò ngồi nghe thầy dạy. Kiến thức văn học làng quê mẹ phong phú quá, cậu bé chưa được mười lăm tuổi cũng là một thư viện nhỏ rồi. Cửa chính và cổng ngõ nhà ông Lâm Tử Kinh theo hướng đông nam, trời về chiều gió nồm lên mát rượi. Được biết tôi là người cùng họ nên ông Lâm Tử Kinh quý lắm, sai người nhà mổ gà thếch đãi. Gà nuôi trong vườn  ngọt thịt quá, tôi được thể gặm cho hết đến cái chân thứ hai của con gà rồi đứng lên chia tay, sợ trễ chuyến tàu đêm không thể ở lại được. Tôi liếc qua rồi liếc lại đếm tất cả là mười một lon bia, nhẫm mỗi lon là chín ngàn, vị chi là chín mươi chín ngàn đồng. Tôi cảm ơn tấm lòng quý tình nghĩa họ hàng xưa nay luôn được ngợi ca trân trọng. Tôi mở ví đặt xuồng chiếu là bốn mươi chín ngàn năm trăm đồng. Ông Lâm Tử Kinh mở to đôi mắt:
         - Tiền gì vậy anh?!...
         - Tiền bia đó mà!
         - Trời đất, ai bảo anh làm vậy? Thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy anh là người lạ nhất thế gian. Anh đã về với quê hương tìm đến thăm nhà, chẳng lẽ cả đời tôi không mời anh được lon bia hay sao, anh làm vậy là khinh thường tôi đấy, anh cất ngay vào túi đi! - Ông Lâm Tử Kinh giận tím cả mặt.
         - Không phải, cái thói quen của người thành phố, sài theo cách Mỹ là như vậy!- Tôi dõng dạc khoe mẽ về hiểu biết của mình.
          Ông Lâm Tử Kinh hạ giọng:
         - Thế thì cảm ơn anh, có lẽ tôi chưa học được cách sài theo kiểu Mỹ như anh. Tôi muốn nếu như hôm sau có về, anh cố gắng sài Mỹ đẹp hơn một chút, chẳng hạn anh mua cả thùng bia về đây, còn tôi lại tiếp tục làm con gà luột lên rồi xé ra trộn với hành tây, rau răm, bỏ ít muối tiêu cho vừa miệng như bữa nay thì anh khỏi ngại. Chứ anh chỉ trả tiền bia còn tiền thịt gà ăn quỵt của tôi à!...
             -…
                                              03.5.2012/ Nguyễn Thị Phụng.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

TUỔI CAO SỨC TRẺ.

TUỔI CAO SỨC TRẺ.
          Khi đề cập tuổi cao sức trẻ có lẽ nhiều ý kiến cho rằng tôi nói nhầm. Tuổi cao sức yếu mới phải. Nhưng đó chỉ là vấn đề tuổi tác đời người. Còn câu lạc bộ văn học Xuân Diệu với tuổi thời gian còn trẻ lắm, nên sức càng trẻ trung hơn.
alt
        Nhưng quanh đi quẩn lại lớp trẻ ít quá có lẽ bận nhiều công việc cho học hành, công tác hay thường sinh hoạt các câu lạc bộ sáng tác trẻ của chúng, hầu hết là những bậc lão làng như cụ Vũ Ngọc Liễn, Vân Bích rồi đến các cụ nhỏ hơn như anh Tân Chánh, anh Hồ Thế Phất, anh Nguyễn Đình Chúc, anh Huỳnh Kim Bửu, anh Đào Viết Bửu, anh Phan Văn Thuần, anh Thái Nhơn,… đến chị Lệ Thu, Xuân Mai, chị Thùy Mai, chị Nguyễn Thị Trướng có bút hiệu rất nam là Nguyễn Thượng Trí, còn chị Ninh Giang Thu Cúc chuyển vào miền Nam sống với các con từ tháng năm năm ngoái, nhớ lại hôm đó buồn ơi là buồn, ngoài kia nóng bức mà trong phòng cứ sụt sùi, sụt sùi theo chị khi nhà thơ Lệ Thu và nhà văn Quang Lộc mang hoa lên tặng. Rồi đến hai nghệ sĩ ngâm thơ điêu luyện như chị Kim Long và Hải Đường cho ý thơ bay bổng, cũng phải kể vợ chồng nhà văn Mỹ Nữ với Ngọc Hoánh không vắng bữa nào, bên cạnh ấy có vợ chồng nhà thơ đất võ Trần Viết Dũng thì chỉ đôi khi thôi. Nhưng những gương mặt khá thân quen có mặt gần 100% như nhà văn Lê Hoài Lương, nhà thơ Hoa Khá kiêm “nhiếp ảnh gia” bởi có những tấm hình độc đáo, riêng Nguyễn Thị Phụng thì được “thằng em” phong danh hiệu “chị Youtube”, một số “gã khờ” lãng đãng thứ tự từ nhỏ đến lớn phải kể đó là Lê Ân, Lê Bá Duy, Trần Như Luận, Vân Hiền,…Còn bộ tứ ban chủ nhiệm CLB sôi nổi năng động nhiệt tình phải nói là từ nhà báo Quang Khanh, nhà thơ Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Đình Sinh và Trần Hà Nam hết mình cho CLB. CLB Văn học Xuân Diệu không chỉ là nơi đến để nghe thơ nghe nhạc hay sẻ chia những trang truyện giàu tính nhân văn cao đẹp là điểm giao lưu học hỏi kinh nghiệm sáng tác, giới thiệu những tác phẩm hay của anh em hội viên vừa mới ra đời và chính vì vậy trong đợt tổng kết 22 năm thành lập CLB Văn học Xuân Diệu năm nay dù trễ một ngày (20.5.2012) nhưng không vì thế mà không chu đáo đâu. Sau bản tổng kết 22 năm ngày thành lập do Chủ nhiệm Trần Quang Khanh báo cáo, tiếp đó Phó chủ nhiệm Đặng Quốc Khánh đọc danh sách khen thưởng những tác giả có tác phẩm xuất sắc. Phần thưởng là giấy khen do Sở Văn hóa và TTDL tặng cùng với hoa tươi và hiện vật nho nhỏ mà ấm áp thân tình, sau tràng vỗ tay khích lệ. Nhà giáo nhà thơ Huỳnh Kim Bửu với tạp bút Trong Như Tiếng Hạt Bay Qua đã đạt giải nhất, còn lại là đồng hạng như anh Phan Văn Thuần với tập thơ Giấc Ngủ Cỏ Hoang, anh Phạm Đình Chúc với tập Ngan ngát tình đời, Đặng Đức Tĩnh với Vầng trăng chưa tròn, Lê Bá Duy với tập thơ Khoảng Mỏng. Có một điều rất lạ, sau khi các nhà thơ Huỳnh Kim Bửu, Phan Văn Thuần, Nguyễn Đình Chúc phát biểu xong, Chủ nhiệm Trần Quang Khanh mời Lê Bá Duy có đôi lời cảm nhận, nhưng chưa quen nói trước đám đông hay sao mà gọi mãi không thấy Lê Bá Duy đâu, cứ ngỡ nhà thơ bị cô nào bắt cóc, hay nhỏ con quá ngồi bị kẹt xó xỉnh nào, lúc sau mới phát hiện ra… nhà thơ (đường hoàng là chủ nhiệm trang báo mạng thật hoành tráng: vanthoviet.com đã được hơn hai năm tuổi, kiêm luôn chức chủ nhiệm Hội Unesco Thơ lục bát Bình Định nữa kia)  trốn ngoài cánh cửa ra vào hút thuốc! Chỉ vì sợ phải ngồi giữa đám đông mà hút thuốc thì bất tiện! Vậy mà cứ ngỡ chàng lãng tử ấy cũng nhút nhát ra trò, hóa ra là nhầm!... Gã khờ  Vân Hiền thì táo bạo đến mức khôi hài lấy hết can đảm làm một cú chót nắm hôn tay người đẹp N. H khi nàng vừa ngâm xong bài thơ bước xuống ghế ngồi như tiếp sức “Bò húc”(nước giải khát) cho nhà thơ Lê Bá Duy bộc lộ niềm vui được một trận cười ngắt nga ngắt nghẽo đến đỏ cả mặt luôn…
         Thế mới biết cái tuổi đã gần “ lục thập” như Vân Hiền đang ở sức trẻ 22 năm CLB Văn học Xuân Diệu nồng nàn ấm áp quá.  Cho tất cả xích lại gần hơn để “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn” thật biết bao chân tình tin yêu tha thiết. Chia tay ra về còn tiếp tục chuẩn bị ngày Hội diễn thơ ca của các CLB Thơ Việt Nam tổ chức tại thành phố biển Quy Nhơn trong cuối tháng sáu tới đây.
                                       Nguyễn Thị Phụng.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
TỔNG KẾT 22 NĂM CLB VĂN HỌC XUÂN DIỆU
alt

alt

alt
Chủ nhiệm Quang Khanh tổng kết 22 năm thành lập CLB Văn học Xuân Diệu
alt
P.Chủ nhiệm Đặng Quốc Khánh đọc danh sách hội viên được khen thưởng
alt
Nhà giáo nhà thơ Huỳnh Kim Bửu nhận giải thưởng xuất sắc
alt
Những gương mặt tiêu biểu của CLB được nhận quà
alt
CN CLB nhận phần thưởng nhiệt tình
từ sở VHTT tỉnh Bình Định
alt
Nhà thơ Huỳnh Kim Bửu phát biểu cảm nghĩ của mình
alt
Phần thưởng của nhà thơ Lê Bá Duy
( LBD trốn ra ngoài vì sợ không dám đứng trước hội viên phát biểu)
alt
Nhà thơ Phan Văn Thuần phát biểu sau khi nhận thưởng danh dự...