Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

BÚT NGHIÊN MỘT CÕI

                        BÚT NGHIÊN MỘT CÕI
           (Đọc tập thơ Vọng của Ninh Giang Thu Cúc và Văn Noa, NXB- HNV, 2013)
           Tôi thích ngâm nga đọc đi đọc lại:
                              “Nửa trăm mình tự chúc mình
                                Đến vòng hoa giáp tự tình một tôi
                                Bảy mươi Khánh Thọ lên ngôi
                                Tôi mừng tôi với khúc nôi bộn bề
                                Trọn đời phụng kiến đam mê
                                Bút nghiên một cõi đi về sớm trưa”
           Đó là những vần lục bát trong bài Tự Khúc Khánh Thọ mở đầu tập thơ Vọng của Ninh Giang Thu Cúc và Văn Noa (NXB- HNV, 2013) là lời tri ân bậc sinh thành, người nuôi dưỡng cho chị có được sự hiện diện giữa cõi trần như ngày hôm nay, để chị chắt chiu gìn giữ những cảm xúc chân tình nhất không thể giấu kín mà gởi lên trang viết bộc bạch sẻ chia.
           Tập thơ Vọng có hơn 360 trang, nào phải là độ dày số lượng, trong đó chứa biết bao những tâm hồn đâu chỉ của hai tác giả, còn có bạn bè hòa chung hơi thở khí trời, hòa chung nhịp đập biển khơi, cũng là nơi hội ngộ “thi đàn” của bậc tao nhân mặc khách giữa thời đại công nghiệp mà người người hối hả theo cái ăn cái mặc sớm chiều.
            Cái thú thích ngược lại trang sách từ sau ra trước vẫn là điểm nhấn của người đọc như tôi, nào ai có cùng đứng ngắm nhìn cửa sông thả tình ra biển mà nhớ về con thác ào ạc ngày đêm tìm mọi ngõ ngách mà đổ về đây. Tập thơ Vọng của anh- chị đã dành cho phần phụ lục là Thơ họa và Tặng của bằng hữu chiếm gần nửa tập sách, đủ biết hai tác giả Ninh Giang Thu Cúc và Văn Noa trân trọng tâm hồn cảm xúc của bạn bè mình như thế nào. Mở đầu là bài Đường luật Vương buồn cố đô của anh Văn Noa:
                                 “Cố đô muôn thuở mãi lừng danh
                                 Phong cảnh nên thơ tựa gấm tranh
                                 Đỉnh Ngự xõa đầu mây trắng phủ
                                 Dòng Hương uốn khúc nước trong lành
                                 Nắng vàng sưởi ấm con thuyền mộng
                                 Gió lạnh vương buồn rặng liễu xanh
                                 Kỉ niệm đầy vơi miền cố quận
                                 Sầu thương chất ngất mỗi tàn canh”
              Dương Viết Hòa họa nguyên vận:
                                 Nước biếc non xanh mãi sáng danh
                                 Tiếng chuông Thiên Mụ thả vào tranh
                                 Nam giao mấy bực mờ rêu phủ
                                 Vĩ Dạ hằng đêm mỏi giấc lành
                                  Bông sứ đổ đầy bình rượu mộng
                                  Cánh diều buông lững ngó sen xanh
                                  Mưa mây rả rích miền cô quận
                                  Da diết Nam Bình trống đổi canh.
             Rồi tiếp đến mười tám bài của một số tác giả Duy An, Song Giang, Lê Đình Hiếu, Hoài Hương, Mai Hưng, Mai Khê,… đồng cảm tung hứng cũng thật nhịp nhàng với Vương buồn cố đô. Lúc này, ta có thể hình dung ra một không gian bằng hữu vô cùng ấm áp trên chiếu thơ ấy hết người này đọc, đến bạn khác ngâm và tất cả đang thưởng thức món ăn tinh thần không thể thiếu khi biết rằng cuộc đời người là hữu hạn. Tình yêu thơ văn mãi dạt dào tiếp nối như đói ăn rau như đau uống thuốc luôn thường trực mỗi ngày. Chị Ninh Giang mời bạn là đầu đề của bài thất ngôn bát cú đưa ra:
                                “ Mai, cúc, hồng, lan tỏa khắp nhà
                                 Kính thành mời gọi bạn gần xa
                                 Tới lui tâm sự niềm vương vấn
                                 Giao hảo thâm tình nỗi thiết tha
                                 Ấm lạnh trò đời đau mắt biếc
                                 Nồng nàn ý đạo ngát hương trà
                                 Lòng son một tấm không dời đổi
                                 Hướng thiện tìm chân mãi mãi là…
               Đâu chỉ đã cuốn hút từ anh Hà Giao đáp trả qua bài Tình Thơ:
                                 “Bạn rủ thì ta ghé lại nhà
                                  Rẻ vào con hẻm chẳng bao xa
                                  Vài gian lá nhỏ hoa thanh khiết
                                  Một bóng cây gầy gió thướt tha
                                  Cữ rượu cần chi bày vẽ rượu
                                  Ưa trà đã sẵn cứ pha trà
                                  Ngẫm tình thơ bạn lòng chân thật
                                  Thương kẻ đạo văn mới gọi là…”
              Mà còn nhiều nhiều vô kể, và tôi cũng chịu khó đọc kĩ đến bài thứ ba mươi lăm đã in trong tập của những tác giả như Mai Khê, Phúc Liêm, Thanh Vân,… Dẫu biết thơ Đường luật gói gọn trong tám câu, mỗi câu bảy chữ, nhịp thơ 4/3, nhưng cái hay mỗi bài họa lại không hề có sự trùng lặp, ngỡ như vườn hồng có ngàn cây nhưng ngắm kĩ mỗi đóa hoa để ta có quyền tận hưởng sắc hương của nó. Bên cạnh ấy có những lá thư nho nhỏ của chị Như Hiên mở đầu nhắc lại câu thơ “Uống đi ngụm nước giữa dòng/ Cho xanh lại tóc cho hồng lại môi” ( Tôi mời tôi cạn chén đầy, Ninh Giang Thu Cúc) rồi kết thúc thư: “Thơ em thiên về triết lí, nhưng lại là triết lí dễ thấm đậm. Cái đó mới khó đạt đấy em ạ. Chúc em thành công về phương diện “Triết trong thơ”,  hay thương lắm Nguyễn Thánh Ngã đã viết: “… Đọc “Hồn nhiên cổ” ở Áo Trắng bỗng nhớ chị! Sao chị “bỏ” em rồi sao? Cao nguyên rất nhớ chị… Mùa thu sắp tới rồi… Hoa cúc đang nở vàng sân… còn bóng chị biền biệt áo quan hà…”. Thì ra chị quý bạn thơ nên mỗi bài thơ, trang văn gởi đến chị, là chị vuốt ve rồi gom lại đưa vào trong tập thơ Vọng của mình. Chị còn lưu lại những tấm hình kỉ niệm của anh Noa và chị cũng như cùng bạn bè trong các cuộc gặp gỡ giao lưu thơ cho ta ngắm từng gương mặt hân hoan đầy ắp nụ cười sảng khoái mỗi khi mở trang sách Vọng ra. Chúng ta nhận nơi chị tấm lòng nữ sĩ đất kinh kì tha phương rất đáng nâng niu trân trọng.
                Đồng góp mặt trong tiếng Vọng là thơ anh Văn Noa có bốn mươi hai bài vẫn mực thước khuôn khổ thơ Đường luật giàu cảm xúc, mỗi bài thơ được viết là nỗi Nhớ*, Hát bộ*, có lúc thì Nhàn nhã*, Sống vui tươi*, hay khi đứng Trước biển* nhớ Cơm hến quê hương*, Nhớ buổi can qua*, những Tâm sự đường chiều*, lúc thì Trăng khuya*, nhưng với anh dù trên đường Về Quê* đang xen giữa khung cảnh hiện thực sự đổi mới của đất nước và hun hút nỗi lòng trĩu nặng trong lòng thi sĩ ở tuổi xế chiều:
                                “Bước chân vội vã buổi thăm quê
                                 Kỉ niệm đan chen giữa lối về
                                 Bến cũ đò thay cầu nối nhịp
                                 Đường làng điện đỏ sáng bờ đê
                                 Dầm đề mưa gió thương mùa bấc
                                 Bức bối hanh khô chịu tháng hè
                                 Ngã bóng hoàng hôn vương nỗi nhớ
                                 Dặm dài viễn xứ cách sơn khê”
              Và nếu như xu hướng đổi mới thơ ca của thời @ này thì Văn Noa không bảo thủ, nhưng có lẽ thơ Đường dù gò bó vẫn phù hợp chung lớp người ở độ tuổi bảy mươi, thích cái ngân nga nhịp điệu, thích cách gieo vần ở cuối các câu một, hai, bốn, sáu, tám, hay cách đối sao cho chỉnh trong các cặp câu ba- bốn, năm- sáu cho đúng luật bằng trắc, … nhất định là vậy, gởi gắm tâm tình về nỗi mất mát của nhân dân phải gánh chịu những thiên tai đổ đến nhẹ nhàng mà vô cùng thâm thúy:
                             “Giữa vời bỗng gặp trận mưa đông
                               Ướt sũng châu thân lạnh buốt lòng
                               Tài sản đột nhiên hòa bọt nước
                                Mùa màng bất chợt hóa trôi sông
                                Đôi câu ngâm vịnh qua ngày khó
                                Vài chén say quên chuyện hóa công
                                Vững lại thuyền qua hồi bão tố
                                Tương lai sáng lạn buổi hoài mong”
                                                                             (Mưa đông)
              Và tập thơ Vọng mới là tập trung phong cách của nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc với một trăm hai mươi bài Đường thi, mà nói đến Đường thi là thơ của sự vắt óc. Tôi dám cam đoan rằng một số nhà thơ có tuổi tên nơi xứ sở thơ ca dễ gì chạm vào được thể Đường thi như nữ sĩ. Chính vì vậy từ phần mở đầu ngoài Tự khúc Khánh Thọ, tiếp theo là tiểu luận Thơ Đường luật Ninh Giang Thu Cúc của SV. Nguyễn Văn Trang có ghi lại tâm sự của chị “ Đối với mình, thơ không phải là một cuộc dạo chơi, thơ không chỉ là cái nghề mà còn là một cái nghiệp, cái nghiệp bút nghiên đã mang vào mình thì phải sống hết mình cho nó” như lời nhắn nhủ của người chọn đường đi đến hết cuộc đời mình. Còn sau này có duy trì, gìn giữ phát huy là việc của lớp trẻ. Riêng chị đã sống hết mình cho thơ, nên câu từ trong thơ chị dẫu đọc lên có vui đấy những cũng đầy vơi nỗi lòng bởi tác giả chọn từ ngữ Hán Việt khi diễn tả cảnh cũ người xưa qua bài Bãi Hoàng hậu hoài cảm:
                          “ Nam Phương hoàng hậu ôi, Nam Phương!
                            Cảnh cũ còn đây lắm vấn vương
                            Gót ngọc rêu xanh nồng tháng hạ
                            Hài vân đá trắng lạnh đêm sương
                            Trời tây có quý gì thiên tử
                            Đất Việt đâu ruồng hỡi quốc nương
                            Mồ lạnh hồng nhan miền hải ngoại
                            Buồn không cựu đế mỗi tà dương.
             Việc đồng hành với cuộc sống là cống hiến, chị mượn Kiếp Chanh* để ngợi ca tấm lòng bao dung của con người, biết chấp nhận sự thật cũng là hạnh phúc, như một thoáng của Xuân Hương cùng với Bánh trôi nước nhưng cũng nhẹ nhàng trách móc:                                                                                 “                        “ Vắt hết nước rồi liệng xác đi
                          Nghĩa trang thùng rác đợi chờ mi
                          Cành xanh trái mọng bao người chuộng
                          Nước mát mùi thơm lắm kẻ vì
                          Thân phận chanh ơi đừng oán hận
                          Thứ tha đời ấy lượng từ bi
                           Họ hàng em đấy ai mà chẳng
                           Chung cuộc rồi ra được những gì”.
             Mỗi bài thơ trong Vọng đều thấm đẫm cái tình Ninh Giang Thu Cúc, người con xứ Huế xa quê đến Miền đất võ và văn* nới có Trăng nước sông Côn* mà vẫn đau đáu Nhớ khách tài hoa* rồi Khóc Nguyễn Bính*, chị khao khát Vẫn đợi mùa thu* để Gởi chút lòng son* đến bạn thi nhân. Với nữ sĩ thì thi hứng bắt nguồn cảm xúc từ những đối tượng là cảnh vật quê hương, là người thân bạn bè từng gắn bó thâm giao, là lần đầu gặp gỡ, là bài học triết lí nhân sinh ở đời, là những hoài niệm về một thời thanh xuân và nhân vật chính trữ tình vẫn là chị “Gởi chút lòng son dựa bến trăng” (Gởi chút lòng son).
                 Đọc thơ như khát thì dùng nước vậy, mà thơ Đường lại không thể một lúc áp nạp đến mười bài, bởi thể thơ và nhịp điệu không có gì mới mẻ, hay nói đúng hơn là sự rập khuôn. Nhưng tập thơ Vọng của chị Ninh Giang Thu Cúc và anh Văn Noa vẫn đẹp ở mỗi tứ thơ theo cung cách điêu luyện người cầm bút, từ việc lựa chọn chủ đề cho mỗi bài thơ cũng như sử dụng luật trắc hay luật bằng (dựa vào tiếng thứ hai của câu thứ nhất) thì cuối các câu một, hai, bốn, sáu, tám ở mỗi bài vẫn theo vần bằng. Nên tiếng Vọng của hai “người cao tuổi” dễ dàng đến với người đọc ở mọi lứa tuổi khác nhau, kể cả những ai dù có dị ứng Thơ Đường cũng không thể bỏ qua trang sách Vọng lại để hòa tâm hồn mình vào cùng ngọn nguồn thể thơ một thời Trung đại vẫn giữ sức sống đến ngày hôm nay./.
                                                     29. 8. 2013/ Nguyễn Thị Phụng.
__________________
* Tên các bài thơ trong tập.