Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

CHÚT LỬA ẤM TÌNH NGƯỜI (Đọc Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu

CHÚT LỬA ẤM TÌNH NGƯỜI
(Đọc Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu, NXB QĐND- 2015)
(Sau một trận bom vùi ở Phù Cát 1974 - 
"trang điểm" bằng bùn đất thay cho son phấn!)Fb Lệ Thu

         Thật khó nén lòng đã kịp nhận ra vẻ đẹp “Suốt thời thơ ấu không được gần mẹ đến khi làm mẹ không được gần con” (15.1.1974) và nỗi niềm ấy đâu thể cất giữ riêng mình sau bốn mươi năm đó là tập Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu (NXB QĐND- 2015) được đến với bạn đọc.
        Thể như hồn đất nước gọi về hãy trả lại vẹn nguyên những cảm xúc chân tình nhất của những người từng trộn lẫn mồ hôi và máu lửa trên trận tuyến đầy cam go ác liệt, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ từ sự trở về sau ba mươi lăm năm lưu lạc của một Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cô gái Hà Nội, đã có mặt tại chiến trường Quảng Ngãi những năm sáu mươi của thế kỉ XX, và giờ đây tập Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu ra đời phải chăng họ là những người có cái tâm trong sáng, thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đến lúc phải trả lại sự thật cho con cháu người Việt Nam hiểu rõ thực chất cũng như củng cố lại niềm tin vào sức mạnh ý chí, nghị lực phi thường trong cuộc đấu tranh giành chính nghĩa, giữ vững độc lập tự do cho hôm nay và mai sau bằng ngòi bút của mình. Một mảnh đất tốt hơn khi những hạt chân lí gieo vào đúng thời điểm cả dân tộc chào mừng bốn mươi năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ắt sẽ mọc mầm xanh tươi nhanh chóng, tỏa bóng mát diệu kì của từng trang Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu, thoắt như bộ phim tài liệu mà diễn viên chính là người mẹ tuổi ngoài ba mươi, nhận nhiệm vụ “nhà báo chiến trường” ở Khu 5 trong niềm vui vì sắp được về gặp má, nhưng xót xa tội nghiệp đứa con lên sáu của mình “Hai cha con dắt nhau ra tiễn. Chắc là con vẫn tưởng má đi công tác mấy hôm rồi về như mọi khi, hớn hở vẫy chào, toét miệng cười rất hồn nhiên. Mình lên xe, nước mắt cứ tuôn ra không dừng được”(11.8.1973)

        Tạm biệt một cuộc sống gia đình ở Hà Nội, rồi chị vượt qua bao chặng đường điệp trùng hố bom và đổ nát, qua bao địa danh Đèo Ngang, Đường 9 lên Khe Sanh, Ngã ba biên giới Việt Lào, đến bờ sông Bung, lại được “mắc võng” trên cây rừng Trường Sơn, đến miền Tây Quảng Nam,… chị gặp được bạn bè, chị học  thêm cách sống, điển hình của một Chính ủy Trung đoàn Huỳnh Phương Bá tiết kiệm từ việc vớt những hạt cơm thừa của một anh lính đổ xuống suối, chở che bảo bệ và cùng mọi người trong đơn vị nuôi dưỡng hai đứa bé bơ vơ sau trận chiến mù trời… Lệ Thu đã bắt đầu có những bài viết về họ để gởi Đài Phát thanh Giải phóng và cả Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể trong đời của một phóng viên nhà báo “… sau chín tháng trời lăn lộn nơi các chiến trường trọng điểm, những khu chiến ác liệt của Bình Định quê hương” lúc Về lại cơ quan chị mới nhận ra một điều tồi tệ:“…Bởi họ đã phản ảnh sai tất cả sự thật. TL có mấy khi xuống đồng bằng gặp dân đâu, chỉ nằm trên căn cứ đợi mình gởi bài về thì cắt xén lấy những chi tiết có giá trị xào xáo lại thành bài mới, rồi đứng tên gởi về ngoài kia, giờ ra ngoài ấy vỗ ngực ta tài giỏi, ta anh hùng!... Chán thật chưa chi đã giở cái trò Lý Thông!”. Sự thật là:“Đi chiến trường suốt chín tháng trời với những căng thẳng gian truân và vô vàn lần cận kề cái chết, đã gởi về bao nhiêu là bài vở để chuyển về Đài, giờ trở về nhận được những bức thư thật là chua xót. Ôi cuộc đời, biết nói sao đây nhỉ? Tôi không phải là người hay thanh minh- nhưng không biết họ nói gì với anh T. để anh ấy trách hận ta đến thế? Ta hoàn toàn trong trắng, trong trắng hơn cả một thiên thần, cả trong ý nghĩ và hành động. Chỉ tận tụy hy sinh cho sự nghiệp, cho mọi người và nghĩ về những điều cao cả tốt đẹp… Thiên hạ đùa giỡn vào hạnh phúc của mình và muốn đạp lên lưng mình để đi lên danh vọngNhưng mà sao ta lại khóc? Khóc để làm gì? Nước mắt có làm nguôi nỗi buồn oan ức của ta chăng? Viết thư để thanh minh ư? Không khi nào! Cả cuộc đời ta, thà chịu oan, chịu thiệt, chứ chẳng bao giờ làm việc đó”(11.9.1974). Cho chị nhận ra cái trò Lý Thông đã làm bế tắc nhận thức tâm hồn con người, khi họ chưa có ánh sáng của tri thức của tư tưởng lí luận đúng đắn nên kéo theo những hệ lụy đáng tiếc cho cả chuyên môn và nhân cách của một nhà báo như chị.  
        
         Còn thực tại trước mắt lịch sử đã chọn chị làm điểm tựa, chị xác định những gian khổ thiếu thốn từ những ngày ở Trường Sơn mưa dai dẳng và dữ dội, tất cả thống nhất ăn ngô, dành chén cơm chung ít ỏi cho Dũng đang bị sốt, cho đến khi trở về Khu 5, về đồng bằng chị đón nhận từ một “Chú bé liên lạc là người dân tộc Hrê, gầy và đen. Nó thấp đến nỗi mang khẩu AK mà mũi súng gần chấm đất… Nó rất ngoan và đầy trách nhiệm luôn bám sát mình không rời nửa bước,… căn dặn: chị nhớ lội đúng theo đường em vừa lội nè, chỗ khác sâu lắm đấy!”(29.12.1973), hay những cô du kích hớn hở đón tiếp: “- A, chị Thu, chị Thu. Chúng em chờ chị mãi từ tối đến giờ. Bao nhiêu đoàn đi qua, đoàn nào chúng em cũng gọi tên chị mà không có… Đứa cầm nón, đứa mang ba lô, đứa xách nước, chị em tíu tít mừng rỡ.”
        Điều làm cho chị quý hơn là câu chuyện “Một lần Năm cùng Thọ đi đưa thư, giữa đường bị địch phục kích, bắn chết Thọ, gói thư Thọ mang trong mình. Năm nghĩ: bây giò mình chạy thì chắc chắn thoát được, nhưng còn gói thư không thể lọt vào tay giặc. Phải lấy mang về cho bằng được. Nhanh như cắt, cô lao lên ôm gói thư chạy vụt trong tiếng súng bắn theo như mưa của địch. Nam thoát và mang được chuyến thư về trạm”(23.3.1974).
         Đến những người như “Lần đầu tiên gặp má Đốc, tôi có cảm giác như má đang bị đãng trí… thảng thốt, ngơ ngác,… nhìn tôi, hai hàng nước mắt rơi trên gò má,…thì thầm: Nó là thằng con cuối cùng trong năm đứa con của má. Hy sinh hôm kia, trong trận chiến đấu đánh quân lấn chiếm đồi Gò Tháp kia kìa. Hôm nó hy sinh má chỉ lặng im, không khóc, mấy đứa trước cũng đều thế, má không khóc đâu. Má chỉ hỏi lại anh em: “ Con má hy sinh có dũng cảm không?. Mấy đứa bạn nó kể: “ Chúng con chiến đấu suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng hết đạn, chúng nó ào lên. Không muốn sa vào tay giặc, anh ấy đạp bể súng và đập quả lựu đạn cuối cùng, bốn thằng lính và anh cùng chết! Má dừng lại, lấy tay quệt ngang dòng nước mắt, hỏi: - Nó hy sinh như vậy được đấy chớ, phải không con? Bây giờ đến lượt tôi thẩn thờ! Chao ôi, người mẹ Việt Nam! Má lại chỉ vào góc nhà, cười ra nước mắt nói với tôi: - Má đã chuẩn bị sẵn sàng một gánh củ và dừa kia, định gánh lên trạm thương binh cho chúng nó, mà mệt chưa đi được. Với lại đi thì sợ ở nhà không ai nấu cơm cho mấy đứa du kích nó ăn. Tội! Thôi, mai má phải đi một ngày, chúng nó trông má ghê lắm đấy!(16.3.1974).
        Và cảm động hơn chị trực tiếp trò chuyện về “cô gái Hoài Châu bị địch tra tấn trong tù bằng cách cưa chân thành ba khúc trong ba lần… em đã chết lịm vì đau, nhưng khi tỉnh lại, nghe chúng dỗ dành, em vẫn nhất quyết không khai. Cuối cùng chúng thả em ra chỉ còn một cái chân như thế này. Nhưng giờ đây Lịch vẫn là một cô y tá tận tụy phục vụ cho cách mạng. Mỗi lần đi giặt cho thương binh, em phải vừa ôm bọc quần áo đầy máu me, vừa lếch qua các tảng đá để đến suối…”(11.2.1974).
       Trên mỗi trang nhật ký đọng lại rất nhiều dấu ấn về cuộc đời của một  Ủy viên thường vụ Huyện ủy Nguyễn Tấn Tài(12.12.1974), có cả quãng đời cậu Lưu những năm tù Phú Quốc(29.12.1974), hay nỗi lòng từ “Chuyện riêng” của chị Bành Thị Ngọc Anh- Ủy viên Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn sao “…chuyện của người ta mà mình cứ nước mắt đầm đìa” (21.4.1974),…
      Nhưng cũng có những lúc trong công tác dân vận lại cứng cỏi “Tôi bỗng nhiên trở thành một “chỉ huy”, nói với mấy em: - Trả lại cho chú ấy đi! – Rồi quay sang nói với người đàn ông kia: - Đêm nay chú suy nghĩ, mai đem nộp cũng được. Cách mạng sẽ không để sót một phiếu nào đâu!”(6.2.1974).
      Còn lúc Gặp những nhà báo Mỹ thì nhẹ nhàng mà sắc sảo khi phải trả lời câu hỏi:
     “- Chị nghĩ thế nào về những người đàn ông Mỹ?
     Tôi cười , đáp:
      - Khỏe mạnh, đẹp trai, tế nhị, phóng khoáng… Phụ nữ ở đâu cũng thích những người đàn ông như thế. Tất nhiên trừ quân xâm lược Mỹ - Những kẻ cẩm súng bắn vào nhân dân tôi!
     - Anh ta vỗ tay cười tán thưởng:
     - Tuyệt vời!... Chị là bà Nguyễn Thị Bình ở đây!”(12.2.74).

       Cây bút nhà báo chiến trường không bỏ sót một sự thật chiến tranh tàn phá: “Chín giờ sáng, tôi đang làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 50 và đồng chí Trân, huyện đội trưởng thì phản lực đến ném bom tới tấp vào khu vực này. Mọi người lập tức xuống hầm tránh pháo. Tôi ngơ ngác chưa kịp xuống hầm thì quả bom thứ tám đã nổ đâu đây, gần lắm! Bụi đất và cây lá đổ rào rào úp lên đầu, lên mặt làm tôi thấy ngạc thở, tức ngực. Nửa cây mít che chỗ tôi ngồi bị tiện ngang, bay đi, cái nón lá của tôi cũng bay theo, tập giấy và cây bút đang cầm trong tay rơi mất lúc nào không biết! Tai nhức buốt, mũi đầy bụi đất, quần áo lấm bê bết. Mấy đứa nhỏ ngồi dưới hầm khóc la inh ỏi, các bà già rên rỉ than thở…”(15.7.1974).
        Những địa danh quen thuộc như Bãi Sác bên Đầm Thị Nại, Đầm Châu Trúc (Đầm Trà Ổ) ở Mỹ Lợi còn có đồi Gò Cớ,  Núi Sẻ ở Mỹ Tài,… đều là chứng nhân lịch sử gắn liền với những trận đánh của quân và dân ta trên từng trang nhật ký của Lệ Thu. Chiến dịch Hè- Thu 1974 (31.5.1974) cho đến Chiến dịch mùa xuân 75, tính từ lúc nhà báo Lệ Thu tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Tỉnh đội(2.1.1975) cho đến Đón Tết trên công trường(10.2.1975), kể cả Đêm bị phục kích ở Tân Mỹ(7.3.1975), Trong mắt người còn sống (27.3.1975) và kết thúc hoàn thành nhiệm vụ của một Nhà báo chiến trường ở Khu 5, Bình Định là Bài diễn văn ngày chiến thắng, được “đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng Nguyễn Trung Tín đọc một cách hùng hồn và xúc động, giữa tiếng hoan hô vang trời dậy đất của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào Quy Nhơn cùng đại biểu các huyện trong cả tỉnh Bình Định tụ họp về đây- sân vận động Quy Nhơn- mừng quê hương được hoàn toàn giải phóng!” (8.4.1975).
         Có niềm vui trọn vẹn hơn là gia đình sum họp Má về từ nhà lao(8.4.1975), và có lẽ hạnh phúc đến với chị mỗi khi ở chiến trường nhớ về ba trong ba bức thư đã viết ở từng thời điểm khác nhau đầy xúc động: “Hôm qua con gặp má và hôm nay con phải viết thư ngay vì con nghĩ ở ngoài đó Ba đang ngóng lòng muốn biết tin tức của con và gia đình. Vả lại, biết đâu trong cuộc sống ở chiến trường này con có còn kịp viết cho Ba một bức thư trước khi ngã xuống hay không… không phải con bi quan đâu, nhưng đó là một thực tế không thể không nhìn thẳng… Đời sống ở chiến trường gian khổ và ác liệt chỉ càng làm cho con rắn rỏi và sống đẹp hơn thôi”(12.5.1974). Duy tấm lòng người mẹ yêu thương con sẻ chia vơi đầy trên từng trang nhật ký, chắc lọc nhất bằng những câu thơ: “Mai khôn lớn con nghĩ gì về mẹ/ Con nghĩ gì về một chặng đường qua/ Con nghĩ gì về đất nước chúng ta/ Nỗi đau lớn xuyên rất nhiều thế hệ?/ Không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ Nên bây giờ mẹ phải ra đi” là động lực cho chị càng vững tin dấn thân vào chiến trường và chị, nữ nhà báo Lệ Thu đã chiến thắng!...

         Ngày trở về “… chỉ có một chiếc ba lô nhỏ” đủ làm chút lửa sưởi ấm trái tim mình,  nhưng chứa đựng tài sản lớn: “Là vàng ròng của nhân cách, là đức hi sinh, là lòng vị tha, là thẳm sâu một nền văn hóa sống “vì nước quên mình” của ông cha muôn thuở” (1.5.1975). Chính vì vậy Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường đã hoàn thành thật sống động xác thực, bởi tính độc đáo chọn lọc và hàm xúc, có tính chiến đấu và thời sự cao. Vẻ đẹp chân chính của một Nhà báo Lệ Thu chính là vẻ đẹp thời đại của người Việt Nam. Khẳng định sự lựa chọn hạnh phúc của mỗi người nằm trong hạnh phúc chung của dân tộc, tuy lâu dài gian khổ. Chị còn là một nghệ sĩ, một chiến sĩ thực sự có thể tự hào mình giàu có về chiều cao của nhận thức, chiều sâu sẻ chia đồng cảm, chiều rộng tâm hồn phong phú là nhờ thực tiễn cuộc sống tháng ngày ở chiến trường khu V, nhất là trên quê hương Bình Định lúc bấy giờ./.                               

                           24.4.2015/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC


Tiếng Việt Nam đa nghĩa đa thanh
Có khác đâu tiếng Anh, tiếng Pháp,…
Thuần túy xưa nay ráp vần chọn lọc
Giờ lợn cợn tạp âm chữ nghĩa lùng nhùng
Cách xen từ ngộ nghĩnh được không
“Khi quả đất hot* lên (hót phải là ríu rít?)
Ngỡ nhai sạn trong cơm có còn theo mô típ
Kiểu hành văn “đặc biệt” lạ lùng
Hay cố tình thích tắm ao chung
Ngôn ngữ Tây- ta cười ra nước mắt
Người Việt Nam há bao giờ từ khước
Biết dùng từ vay mượn để giàu thêm
Thuở nguyên sơ châu ngọc tự sáng trong
Tục ngữ, ca dao, Truyện Kiều,… vốn quý
Nói và viết tất cả đều thuần túy
Mắc mớ chi… không giữ ngọc gìn vàng!
                                     31.1.2010/ NTP
___________
*hot (tiếng Anh: nóng)

Nguyễn Thị Phụng

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG
           (Đọc NGHỆ THUẬT TÙY BÚT VŨ BẰNG của Chế Diễm Trâm)
        Lần theo tiếng hát giao lưu, một số văn nghệ sĩ khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, cả Đà Lạt- Lâm Đồng đến chúc mừng ra mắt tập truyện ngắn “Những cuộc hẹn bên lề” của Trần Trung Sáng(Đà Nẵng) cạnh Nhà Sáng tác Nha Trang, để rồi hôm sau tôi được nhận món quà Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng (NXB Đà Nẵng, 2015). Tập Chuyên luận Văn học của nhà văn, cô giáo Chế Diễm Trâm hấp dẫn tôi trên từng trang viết.

         Người luận về nghệ thuật tùy bút đã định hướng tùy bút, cứ theo mạch chảy từ Lời giới thiệu: “Chuyên luận này là của một tác giả giỏi văn chương, yêu văn chương và hơn thế say mê văn chương. Nó là kết quả của một cách viết biết kết hợp nhuần nhuyễn từ tư duy nghiên cứu với khả năng tri cảm văn học…”(TS. Lê Thị Hải Vân) đến Lời thưa tâm huyết của chính tác giả: “… lòng bất giác tha thiết phải viết một chút gì đó về hai cuốn sách”: Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đầy trân trọng“Của tin, gọi một chút này làm ghi”(Nguyễn Du). Theo chị sự lựa chọn hai tác phẩm ký của Vũ Bằng vì có chung nguồn cảm hứng, cả cái thú cùng cái tình đau đáu nhớ nhung tự hào về đất Bắc yêu thương.
        Như chúng ta biết cùng thời với Vũ Bằng, nhiều nhà văn định danh tác phẩm cho tôi thuộc lòng từng đoạn tùy bút chan chứa xúc cảm. Một Nguyễn Trung Thành với Đường chúng ta đi trên mảnh đất đã từng “Máu thấm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thấm đượm những con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thấm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh…” đau thương mà anh dũng. Đã có một Nguyễn Tuân với dòng chảy Sông Đà vang vọng thác ghềnh kiêu hãnh “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”(Người lái đò sông Đà),… Còn ở Vũ Bằng là hơi thở nhịp sống đã được nuôi dưỡng âm thầm tháng năm một người xa quê gởi lại Thương nhớ mười haiMiếng ngon Hà Nội như Chế Diễm Trâm nghiên cứu về Nghệ thuật tùy bút độc đáo, cây bút thiên phú cần mẫn có được từ ý thức trách nhiệm công dân, một cán bộ “chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động suốt từ 1952 đến 30/4/1975” trung thành với lí tưởng đã chọn. Chính điều đó tác động đến trách nhiệm nhà giáo Chế Diễm Trâm, trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa, không thể không tập trung về Chuyên luận văn học. Và tôi cho rằng tinh thần “viết” là mạch nguồn nâng cao chuyên môn người thầy đứng lớp.

       Gói gọn 120 trang dành riêng cho Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng, Chế Diễm Trâm đã phả hồn mình trên mỗi đoạn văn ở ba chương luận.
        Từ chương một: Vũ Bằng và ký Vũ Bằng trong mạch nguồn ký hiện đại Việt Nam. Cho người đọc vô cùng trân trọng Vũ Bằng- Nhà văn đất nước ta sinh thời có nhiều thiệt thòi, những bù lại những tác phẩm ông thấm vào tâm hồn những người yêu thích văn chương. Và với ký Vũ Bằng ở giai đoạn đầu “nghiêng về tự sự thì sau Cách mạng ông chuyển hướng sang loại ký trữ tình, càng về sau càng giàu chất thơ, định hình một phong cách viết đọc đáo, viết về những trải nghiệm máu thịt bằng một giọng điệu hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối”(tr.41) như thế nào?
        Chế Diễm Trâm mở ra chương hai: Kết cấu nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai. Đó là Kết cấu theo luận đề, theo dòng hồi ức nhân vật, chi tiết nghệ thuật. Chẳng hạn sự liên tưởng móc xích đan xen “Cứ thế, “mười hai tháng với mười hai cuộc đổi thay của tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ” đã khêu gợi trong tâm tưởng bạn đọc không biết bao nhiêu liên hệ lí thú…”(tr.81).
        Đến chương ba: Lời văn nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai.Tác giả phân tích cặn kẽ từ: Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất thơ, đến Giọng điệu trữ tình tha thiết, cuối cùng Lời trần thuật đơn âm nhưng phúc điệu. Để minh chứng Giọng điệu trữ tình tha thiết đầy sức thuyết phục mang tính khách quan, Chế Diễm Trâm nêu lập luận: “Nhà nghiên cứu Văn Giá nhận xét:“Quán xuyến một giọng điệu xuyên suốt Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội là một âm hưởng trữ tình của một hồn văn trữ tình độc đáo và không thua kém bất cứ ai”. Hai tác giả Vũ Hạnh và Nguyễn Ngọc Phan cũng cho rằng: “Ở các tác phẩm này, ta thấy Vũ Bằng một giọng văn trau chuốt giàu chất thơ…”(tr.103).
        Phần cuối Chuyên luận văn họcLời kết, tác giả ưu ái sẻ chia cảm xúc chân tình tự lòng mình, tâm hồn một nhà giáo- nhà nghiên cứu văn học bằng lời phát vấn: “Có bao giờ chúng ta thử hình dung khoảng trống của văn học Việt Nam nếu không có nhà văn Vũ Bằng? Toàn cảnh bức tranh văn học dân tộc sẽ như thế nào nếu thiếu vắng ký Vũ Bằng, đặc biệt Thương nhớ mười hai,  Miếng ngon Hà Nội?...”. Đã đến lúc đọc ký Vũ Bằng ta phát hiện thêm không còn cảm xúc “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đầy tâm trạng, riêng Vũ Bằng đã nhập hồn vào cảnh, buộc cảnh nuông chiều người khiến cho tùy bút Vũ Bằng cứ ngọt ngào hương vị, cảnh sắc lung linh, rạo rực thanh âm muôn điệu. Và tôi cho rằng đây còn là sự sắp xếp của lịch sử để có một Vũ Bằng- thể tùy bút, hòa trong làng Văn học nước nhà đáng trân trọng biết bao. Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng của Nhà giáo Chế Diễm Trâm thật sự Chuyên luận văn học rất khoa học./.
19/10/2017- Nguyễn Thị Phụng.

                                                                                                                                                

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

TÌM HIỂU THẾ GIỚI THẦN KÌ

                                  TÌM HIỂU THẾ GIỚI THẦN KÌ

         (Đọc Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục Việt Nam-2016)
         Những tác phẩm văn học thiếu nhi nằm trong nội hàm văn học nói chung vẫn là vấn đề cần quan tâm đối với người sáng tác. Từ tinh thần thượng võ của một Lỗ Tấn: “Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng” chủ đích ấy đã khó, còn lĩnh vực nghiên cứu cho ra đời Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục Việt Nam-2016 phải là người tâm huyết yêu trẻ, yêu nghề thật đáng trân trọng.
        Với Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, qua từng chương mục giúp cho người tiếp nhận tường tận chuyên sâu về cách hiểu Truyện Đồng thoại đầy cảm hứng bắt nguồn từ diễn trình Đồng thoại Việt Nam hiện đại  mà giáo dục học sinh ở bậc Tiểu học cũng như học sinh đầu cấp THCS, hay trong quá trình tích hợp cũng cần thiết cho người thầy dạy văn.

        Thế nào là truyện đồng thoại? Tiến sĩ, nhà giáo, nhà văn Lê Nhật Kí đã giới thiệu ở chương 2(tr.23) bao gồm Thuật ngữ Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam hiện đại và được xem như một thể loại văn học cho trẻ em. Nói một cách ngắn gọn đồng thoại là thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân hóa để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em. Để có những tác phẩm hay, người viết am hiểu thế giới loài vật gắn liền với môi trường xung quanh từ những mẫu chuyện nhỏ đến những truyện ngắn không quá 5000 từ, những Cuộc thi viết cho Thiếu nhi đã quy định. Lí do, phù hợp đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi. Hiện nay, tuổi thơ các em khác với thời chúng ta ngày xưa, khi khoa học công nghệ thông tin đến tận cùng ngõ hẻm, nhanh tốc độ hơn những trang sách miệt mài, buộc phải tư duy cao. Chính điều đó, Lê Nhật Ký đã tỉ mỉ hướng dẫn phân tích cặn kẽ từ Những nhân vật đến Cốt truyện, từ Chất thơ đến Phong cách tiêu biểu cũng như sự Đóng góp của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại trong việc nghiên cứu của mình.
         Trở lại đề tài nghiên cứu về Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam hiện đại của Lê Nhật Ký:
       *Thứ nhất, phân biệt truyện đồng thoại với một số thể loại khác đã nêu (tr.41, 42) cần lưu ý:
       -Với truyện cổ tích loài vật, truyện đồng thoại hiện đại có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Về cơ bản, truyện cổ tích loài vật thực chất đồng thoại dân gian, giữ vai trò là cội nguồn phát triển của đồng thoại hiện đại. Ví dụ Truyện Trê- Cóc. Còn đồng thoại có hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng hơn. Nội dung không giới hạn trong phạm vi giải thích, đặc điểm tự nhiên của loài vật mà mở rộng miêu tả thế giới tự nhiên, đời sống xã hội, qua đó đưa ra những bài học giáo dục cần thiết cho trẻ em.
        -Với truyện ngụ ngôn:
          Về dung lượng thường rất ngắn gọn, dao động trong khoảng 60 từ đến 300 – 500 từ, không mô tả , không giải thích vòng vo, tỉ mỉ,… chỉ bao hàm một tình huống của loài vật, sự việc con người nào đó với nội dung nhằm dẫn đến những kết luận về đạo lí về kinh nghiệm sống. Chẳng hạn truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, Con cáo và chùm nho. Còn đồng thoại là cả một câu chuyện có mở đầu đến kết thúc. Ví dụ Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài với nội dung lời tự bạch của một chú dế con từ nông nỗi đến khi trưởng thành.
       -Với truyện loài vật: Ở điểm giống nhau đều lấy loài vật làm đối tượng miêu tả, phản ánh. Nhưng Truyện loài vật tả thực. Còn đồng thoại nhân hóa nên ngoài những tác phẩm văn xuôi còn được chuyển thể thơ, kịch, phim,…
       *Thứ hai, trong truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại không thể thiếu Cảm hứng hiện thực và thông điệp giáo dục luôn mở ra hai thế giới tự nhiên và xã hội (tr.73,74,…) “nhằm bồi dưỡng mở rộng hiểu biết cho các em về thế giới tự nhiên xung quanh mình”(tr.75). Bên cạnh ấy, thế giới loài vật cũng có những số phận. Những dẫn chứng tiêu biểu: “Trước năm 1945, Tô Hoài có truyện Ba anh em nói về nỗi khổ của hai chú chó Vện và Đen khi luôn phải nhận những trận đòn  khủng khiếp từ ông chủ.”(tr.76). Hay Tiểu hổ phiêu lưu của Nguyễn Quang viết về những con mèo bị bán sang bên kia biên giới (tr.77). Còn riêng cảm hứng về đời sống xã hội được tác giả phân tích từ Thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong sáng đến Đời sống dân tộc “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”(tr.78- 84) rất chi tiết tiêu biểu.  Theo Nguyễn Nhật Ký, qua những truyện đồng thoại đã là những thông điệp nâng cao cảm xúc các em về vẻ đẹp tâm hồn: lòng nhân ái là một giá trị làm nên cuộc sống tươi đẹp, tình yêu quê hương là nét đẹp của nhân cách, phải có lí tưởng cuộc sống, những đức tính tốt như khiêm nhường chăm chỉ, cần tránh thói tật xấu tham lam ích kỉ,… Phải nói rằng ở từng đề mục, từ việc phân tích tác giả còn nêu dẫn chứng cụ thể dễ dàng cho người tiếp nhận văn bản (tr.92).
       Phần cuối, từ việc xây dựng nhân vật, cốt truyện và nghệ thuật kể, cũng như chất thơ cần có trong truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại qua những phong cách tiêu biểu như Tô Hoài, Võ Quảng, Viết Linh, Trần Đức Tiến, … (Tr.110- 222). Đứng về góc độ nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Nhật Ký, giảng viên Trường ĐHQN, người đã  tận tâm, tận lực, tận tình, đâu chỉ “ …mong muốn chia sẻ kết quả này cho anh chị em sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non  trong việc học tập bộ môn Văn học thiếu nhi theo quy định của chương trình đào tạo hiện hành”(tr.03) trong Lời nói đầu đầy khiêm tốn. Qua mỗi luận đề phân tích, có luận chứng làm rõ luận điểm đề ra mang tính định hướng. Tôi còn cho rằng đây là phần cơ bản thiết yếu dành bạn đọc, nhất là các cây bút trẻ muốn chuyên sâu trong việc sáng tác về Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. Với lại ở mảng Văn học Thiếu nhi nói chung, trong đó Truyện Đồng thoại tuổi thơ không thể thiếu.
       Thay lời kết sau khi đọc Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, Lê Nhật Ký đã đóng góp một phần không nhỏ công trình nghiên cứu Văn học dành riêng cho thiếu nhi, cảm kích tấm lòng người thầy chuyên sâu lĩnh vực đào tạo, tôi xin trích phần đầu mục Xây dựng những câu chuyện cảm động về cuộc sống(tr.174): “Văn học thiếu nhi ưu tiên nói nhiều về cái đẹp, cái tích cực; Cái xấu, cái ác tuy có được nói đến song rất mức độ. Trong suy nghĩ của người sáng tác, trẻ em vốn hay bắt chước nên không gì hơn là lấy cái đẹp để định vị vào tâm hồn các em, xây dựng cái nhìn tích cực về cuộc đời”./.
13/10/2017.

Nguyễn Thị Phụng 

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

.HOA HẬU ĐÊM BÃO DÔNG., thơ Nguyễn Thị Phụng

HOA HẬU ĐÊM BÃO DÔNG.
Người dân Vạn Ninh đang chờ tin tức người thân  trong biển
sau cơn bão số 12


Hãy bắt đầu bằng những điều mới mẻ đi* nghen
Chuyện xé lụa ngày xưa**
Chuyện cuộc thi chân dài ngày nay
Cân bằng đáp số.

Cái đẹp từ tấm lòng rộng mở
Giá cả bao nhiêu chẳng thể tính bằng vàng
Cái vàng lương tâm thánh thiện giàu sang
Hơn cả vòng đo ngực nở, eo thon, mong giòn,
sau lớp vải thưa cặp đùi bóng nẩy.
Tàu cá sau cơn bão


Mẹ ơi, đêm nay, con đã rút tên mình
khỏi cuộc thi Hoàn Vũ
Bởi ngoài kia bão tố thét gầm
Con trở về cùng bè bạn ngư dân
Nhặt mảnh thuyền rơi, che tấm tôl chắn gió,…
Biết bao người vùi trôi trong biển khổ
Sao nỡ lòng sống chết mặc bay
Con bắt đầu từ những ngày gian khó
Hoa hậu đời mình đâu cứ phải đăng quang./.
06.11.2017/ NTP
___________
*Thơ Trần Quang Khanh
**Tích trong Đông Châu liệt quốc.


Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

NÓI VỚI THỦY TINH, thơ Nguyễn Thị Phụng

NÓI VỚI THỦY TINH, thơ Nguyễn Thị Phụng
Một chiếc tàu chở hàng trú vào biển QNh.


Chàng có thể dùng quyền uy hô mưa gọi gió
Bù những ngày nắng đổ nứt chân chim
Thế vì ai chàng hiện nguyên hình tâm bão
Có phải Mỵ nương
- hoa hậu đại dương bỏ rơi chàng theo Sơn Tinh lập nghiệp
cây cà phê, cây cao su,… đóa dã quỳ tha thiết
nơi miền cao thú hiếm lại càng say…
Chàng lụy nàng phát bệnh hoạn ngây ngây
Cố rượt theo mấy tiếng đồng hồ 
lướt ngang mà thuyền tan, nhà nát
Phật, Chúa cũng bó tay
Mặc con dân hốt hoảng
Đưa tiễn người thân về đất xa trời…


Bão lên ngôi
Phút chốc bão ngậm ngùi:
“Ta phải giũ sắc, giũ tình, 
giũ danh vọng, đồng tiền đi liền khúc ruột
giũ tất cả bởi tuổi già sức kiệt
đời vô thường- ta gieo gió gặt dông
trả lại bình yên con dấu chứng nhân
tự mình ta phán xử”./.
06-11-2017/NTP

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

MƯA CỨ ĐỔ BUỒN VƯƠNG, thơ Nguyễn Thị Phụng

MƯA CỨ ĐỔ BUỒN VƯƠNG  
                                     
Biết nước mềm ngại chi mưa cứ trút
Mắt bão nhòe càng quét chẳng tiếc thương
Tốc mái nhà xiêu cây ngã chổng chênh
Phận cam, bưởi, chuối, hoa, lá cành xơ xác,...
Cây trên rừng đổ về chắn đập nước
  
Chưa hết đâu những bàn chân khẩn cấp
Cứu hộ đê
Thông cửa đập Thạnh Hòa 
Dạt bèo cây chắn
Chẳng kịp, thôi rồi
vực xoáy lại cuốn trôi!                    
Đêm từng đêm...
Em nằm nơi đâu ngồn ngộn giữa hạt rơi
Lênh láng mênh mông trắng đồng xám xịt
Mực nước chiều nay(04.11.2017) tại Thanh Hòa
và bên kia bờ đang cúng người đã mất chưa tìm được xác


Gió chẳng lặng
Cây chẳng ngừng
Đập Thạnh Hòa day dứt
Biết nước mềm mưa cứ đổ buồn vương… 
04/11/2017 - Nguyễn Thị Phụng

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

ĐƯỜNG ĐỜI CHÔNG CHÊNH (Chốn bình yên để khóc- Phạm Kim Sơn)

Văn chương Bình Định

                   
 ĐƯỜNG ĐỜI CHÔNG CHÊNH
(Đọc tập Chốn bình yên để khóc, truyện ngắn Phạm Kim Sơn, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015)
      Đáp số đường đời thường trải qua chặng chông chênh như những nhân vật trong truyện cổ tích, nhưng không có bàn tay của đấng siêu hình nào phù trợ, họ tỉnh táo kịp nhận ra giá trị cuộc sống đích thực có được là ở tự chính mình. Phải chăng tập truyện ngắn Chốn bình yên để khóc của Phạm Kim Sơn (NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015) thuyết phục người đọc đâu chỉ ở motip từ cấu trúc hình thức mới để chuyển tải nội dung mới về hiện tượng xã hội. Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời chẳng khác nào độ ẩm lâu ngày là cơ hội cho những nấm dại tự do kia tràn lên mặt đất, nhiễm khuẩn lây lan ảnh hưởng đến văn hóa gia đình nền tảng xã hội.
     Có thể nói trong mười một truyện ngắn, Phạm Kim Sơn lại chọn Chốn bình yên để khóc làm tựa đề tập truyện đủ khẳng định hạnh phúc con người đâu phải tự dưng có được, phải vượt qua những “tấn trò đời” trước mắt là mua vui cho thiên hạ, sau mới là công cụ cho mưu cầu lợi ích cá nhân, và hơn thế nhằm đẩy con người vào đáy vực xã hội. Đến lúc này làm gì có chốn bình yên để khóc. Bởi ngay trong gia đình, nếu chưa kịp lắng nghe, hay không muốn lắng nghe, đó là sự ngông nghênh bất cần và buông thả tuổi trẻ, để dẫn đến tình huống trớ trêu mà chính nhân vật “tôi” gần phút cuối cũng đủ tỉnh táo nhận ra “Cuộc trò chuyện của những kẻ “săn hàng” khiến tôi rợn người. Cơn say bay biến. Tôi nhẹ nhàng bật chốt cửa. Là toilet nam! Có lẽ vì quá say nên tôi vào nhầm. Ơn trời!” Và cho cái kết thật dễ thương “Ừ, thì khóc! Khóc để có thể quên đi những chuyện đáng buồn. Để gột rửa. Để biết rằng ngày mai mình vẫn còn một con đường để đi”(Chốn bình yên để khóc). Đây chỉ là một trong những thông điệp nhỏ về sự tha thứ và biết tự điều chỉnh tính cách cá nhân mà nhà văn muốn sẻ chia trong truyện ngắn đầu tiên.
         Còn trong Đường đời chông chênh , ta gặp cặp đôi “Nguyệt” và “gã”có chung ước mơ xây tổ ấm gia đình trong tương lai. Gã lên thành phố không ngoài mục đích kiếm tiền, từ việc bị bóc lột công lao động, đến bị mua chuộc, bản chất thật thà đã sa vào việc vận chuyển hàng cấm. Còn Nguyệt vào đại học có thánh thiện, hiểu nhầm, ghen tuông mù quáng đã đẩy nàng rơi vào cạm bẫy “Mã Giám sinh” và từ đó bế tắt. Con đường mà nhà văn mở ra cho nhân vật Nguyệt là ý thức chống chọi thoát thân bảo vệ mình, mà lỡ tay gây án mạng. Cuối cùng họ thành những phạm nhân ngỡ như không lối thoát, nhưng chính nơi trại giam đã cải tạo hướng nghiệp họ sớm hoàn lương. Nếu như ai đó bảo rằng con đường ta đi đến đầy ắp hương thơm và sắc đỏ hoa hồng, tôi có thể đồng ý. Nhưng có điều đằng sau hương sắc là chông gai thử thách, định kiến xã hội, dư luận xôn xao. Ý nghĩa giá trị cuộc sống đàng hoàng khó phân bố công bằng cho hệ tư tưởng những con người khi những nhận thức còn ám ảnh. Điều đó nhà văn đã lập luận đoạn đối thoại để tìm ra câu trả lời từ nhân vật “gã” trưởng thành trong trại giam “…Đó là cách giúp họ xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Cuộc đời vốn cay nghiệt. Nhưng biết rộng lượng với người cũng là rộng lượng với chính mình, anh bạn trẻ à!”, mở ra cái kết thật có hậu đầy ý nghĩa “Họ phải nổ lực nhiều để không rơi vào bế tắc. Cửa trại tù đã khép lại sau lưng. Phía trước họ là cuộc đời. Đường đời chông chênh, cay nghiệt, có sai lầm, có trả giá, nhưng không có con đường nào là tận cùng”.
       Không có con đường nào là tận cùng. Mà đúng vậy. Muốn có cây hạnh phúc phải tự tay vun trồng, chăm bón, vin cành cắt tỉa thường nhật. Đôi khi cây hạnh phúc gia đình là món quà, của biếu từ người lớn sắp đặt theo mục đích quyền và tiền. Chấp nhận luôn kèm theo sự cam chịu an phận cho cái gọi là trật tự của một gia đình “nề nếp” kiểu “phu xướng phụ tùy”, phụ nữ luôn là nạn nhân, như nhân vật “nàng”(Như chưa từng được khóc, tr.27) biết vượt ra phạm vi bức tường rạn nứt, tìm con đường sống đúng đắn. Phải chăng là một quyết định sáng suốt tự giải phóng bản thân mình.
       Cách tự truyện về mối quan hệ tình cảm qua văn bản trên internet trong Làm thế nào để biết nàng là cave (tr.39) chủ đề quen thuộc, lại rất mới. Từ trong lời thoại nhân vật thiên về trữ tình, đó có là sự thật hay không: “Đời em ghét biến cố! Nhưng tránh sao được hả anh? Anh khác với những người em thường gặp. Anh kiệm lời nhưng biết làm người khác ấm lòng. Nghề của em là phải che giấu thân phận mình. Càng nhiều càng tốt. Vậy mà em lại trải lòng với anh hết trơn. Sẽ thật nguy hiểm cho em nếu anh là công an. Mà em đùa vậy thôi. Anh trông giống nhà văn hơn. Vì nhà văn thường có cái nhìn cảm thông”. Chính sự cảm thông ấy, nhà văn trăn trở muốn được sẻ chia với bạn đọc “Hãy luôn đặt câu hỏi, rằng mình sẽ làm gì khi rơi vào hoàn cảnh xấu nhất? Chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy câu trả lời thỏa đáng để nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dịu dàng hơn, đỡ cay nghiệt hơn. Tôi tin rằng, dù ở nơi được coi là tối tăm, bụi trần vẫn luôn có một góc khuất đã và đang neo giữ tâm hồn của mỗi con người.” Và luôn sẵn sàng nghĩ  tới nàng. “Nghĩ tới một lối đi khác dành cho nàng” đó là công ăn việc làm khi chủ quán cà phê sân vườn đang cần người tin tưởng giao công việc. Đọc hết Làm thế nào để biết nàng là cave ta thấy chỉ từ một thế giới ảo, nhưng thoát ra ngoài họ vẫn là những con người thật, đang tồn tại quanh ta. Vì thế “tôi”, người luôn quan tâm có trách nhiệm với mỗi thành viên trong cộng đồng, yêu thương và giúp đỡ…
Nhà văn Phạm Kim Sơn


      Phải nói rằng, nếu Phạm Kim Sơn là nhà văn trẻ trong mười năm nay anh đã xuất bản ba tập truyện ngắn, và lại càng già hơn cách xây dựng cốt truyện và gọi tên nhân vật đưa vào các tình huống đối lập có gì một chút đắn đo, nghi ngờ, rồi dè dặt, ngây thơ trước cuộc sống vất vả thường ngày để nâng cao vẻ đẹp về lòng thương người, sự năng nỗ vốn có ở Nhi, bên cạnh hai “cô gái” đội lốt nhà sư đi lừa niềm tin của người dân trong truyện Trưa và Tối (tr.67). Ta còn có một lão Thiền đã giúp “gã” nhận ra giá trị văn hóa tinh thần ở mỗi làng quê, hay nói cách khác đó còn là nơi che chở, tỏa bóng, kết nối nghĩa tình của dân làng cần gìn giữ và trân trọng: “Ngồi dưới bóng mát của cây sanh, lọt thỏm giữa những người xa lạ nhưng hồn nhiên, mến khách, gã thấy mình như hòa chung trong không khí vừa thâm nghiêm, trầm mặc, vừa ấm cúng, chan hòa với những người dân làng Vạn. Cảm giác ấy đến nhẹ nhàng như hơi thở. Như bản năng. Như từ lúc sinh ra và lớn lên, gã đã là con dân của làng Vạn. Tự dưng, gã thấy ý định mang cái cây về thành phố bán cho đại gia lắm tiền là một hành động ngu ngốc và báng bổ. Cây vốn sống tự do giữa thiên nhiên. Cây mọc từ đất. Vươn lên trời cao. Tỏa bóng. Chở che. Kết nối. Giữ giềng mối cho xóm làng, họ mạc. Cho những người của ngày hôm qua, hôm nay và cho những đời sau. Nó là thứ tài sản vô giá của người dân làng Vạn chứ đâu phải cho riêng gì gã, lão Thiền hay  vị đại gia nào đó.”(Không chỉ là cây, tr.73). Rồi có không khí làng quê được đô thị hóa lại ào ạc trong sinh hoạt, mà con người còn kịp chấn chỉnh để gìn giữ nhân cách mình trong truyện ngắn Gió lạ (tr.111).
        Chưa hết đâu. Nhà văn còn bóc trần mọi ngóc ngách lối rẽ của đàn ông như Tường trong cư xử vừa “nam quyền” đầy bạo lực (Như chưa từng được khóc, tr.27); Như “anh”, người chồng lí tưởng, khôn khéo tế nhị trong kịch bản có ý nghĩa sâu sắc mà tác giả miêu tả chi tiết trong việc cắt nghĩa hình tượng cặp đôi nhân vật đồng lõa giữa “anh và cô gái”(Ngoại tình, tr.87); Lại có “anh” bị “… ám ảnh của thứ tình yêu pha lê, mê muội hay vì bất trắc của cuộc đời mà người trong cuộc không vượt qua được? Tôi không biết! Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng người đàn ông vẫn tìm đến quán. Ngồi vào góc quen. Im lặng trong hoài niệm cùng với li cà phê đen không đá của mình” (Giá anh đừng minh bạch với em…, tr.101); Lại có đàn ông ngỡ như đấng trượng phu mà dè dặt, toan tính bên cạnh Hương, trái tim phụ nữ dễ xúc động, nhưng cũng đủ nhận ra lẽ phải, việc nên làm.(Em phải về thôi, tr.129).
         Có lẽ Chốn bình yên để khóc chính là những trang đời được Phạm Kim Sơn đưa vào trang văn bằng cách xây dựng hệ thống tình tiết khác nhau nên không có sự trùng lặp ở mỗi cốt truyện nào. Cách miêu tả, kể, hay cả đối thoại, nội tâm của nhân vật không nhẫn nha mà chắc lọc từ những câu văn ngắn một vài từ ngữ, đến những câu văn dài trọn vẹn để phát họa tính cách nhân vật trong một thời điểm giữa một không gian nào đó.  Chốn bình yên để khóc mãi đọng lại trong lòng người đọc vỡ òa về thời tuổi trẻ nông nỗi dại khờ, một chút kinh nghiệm ứng xử đối với người thân, bạn bè,… Và còn gì hơn sự chia sẻ cùng cảm thông khi cơ nhỡ, lỗi lầm. Xích gần bên nhau để yêu thương và hàn gắn các bạn ạ!...
                                                             NTP.


Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

THƯƠNG CHỊ của Nguyễn Thị Phụng

THƯƠNG CHỊ
                Tưởng nhớ chị ba tôi

Chị trở về với anh trên con đường rải vàng cánh cúc
Tiếng kinh kệ a di đà… buông, giục
khóe mắt cay cay
Bên chị có các con, các em, các cháu,…
Chông chênh lối nhỏ ngang đời

Phía sau xe chị đi


Chị ơi, tám mươi năm cuộc người!
Nhớ bao lần chị kể
Tuổi thơ vấp ngày cơ cực
Năm mười bảy chưa biết tình yêu
Rồi theo chồng cư trú
Thành phố Ban Mê hơn nửa thế kỉ rồi
Giáp Dần, Rằm tháng bảy đâu nguôi
Trắng khăn tang, một mình chới với
Tay bế, tay dìu sáu con thơ dại
Tuổi xuân qua tháng ngày bương chải
Sum vầy cháu con…

Tránh sao một mình gồng gánh
Lâm bệnh tuổi già đớn đau
biết không cưỡng ý trời
“Chừng nào em Phụng lên thăm…”
như lời trăng trối
Em
Nghẹn nước mắt rơi
Lời tiễn chị
Chị ơi!...

Từ nơi chị an nghỉ nhìn ra.


Đã cuối thu đâu, còn đến bốn tuần
Vội vã chi sáng nay khóm dã quỳ se sắt
Những hạt ban mai lất phất
Bám vào nỗi nhớ tóc xanh…
24/10/2017- NTP.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

DƯỚI VÒM XANH

DƯỚI VÒM XANH




Dưới vòm xanh nhà tầng, nhà trệt,…
mái tranh vàng ấp ủ trái tim xuân
Dưới vòm xanh đường mòn, lối nhỏ,…
đường vinh danh tên họ.
Này là đường bay không trung,
này đường hầm qua núi,
con đường mặt nước mênh mông,…
Dưới vòm xanh những quy định riêng chung:
Đường rẽ trái, đâm ngang,
đường rẽ phải, một chiều, cao tốc,…
Sự thật thế gian có nhiều con đường cố chấp:
Lại cấm dừng, quay đầu, quá tải,… lạ chưa!
Dẫu biển chỉ đường lồ lộ giữa nắng mưa
Cứ thẳng hướng hay vòng vèo
đều về thành Rome phía trước…
Dưới vòm xanh còn lắm đường mưu chước
Đèn đỏ…
báo dừng…
Chọn tuyến mà thông…
                    16.3.2014

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

BÊN LỀ NHÀ SÁNG TÁC NHA TRANG

BÊN LỀ NHÀ SÁNG TÁC NHA TRANG

           ĐÊM:
           Mọi tù túng trong toa tàu từ ga Diêu Trì về Nha Trang và sợ phải bước vào thang máy khi cơn say sóng dễ gì bỏ ta. Đêm đầu tiên trôi qua trong căn phòng tầng tư còn cảm giác bập bênh. Tiếng trống lân rộn ràng đường phố lấy lại thăng bằng cho đêm tiếp theo. Nhưng đêm thứ ba chờ đón rằm lại mưa mới lạ, trăng giấu mặt buồn. Hôm sau, 16 trở lại hồn nhiên dát vàng tròn trịa bình thản trên nền trời xanh pha lam ửng chút hồng chiều vàng đã ngả. Giờ trăng lại quyện vào ta. Dòng người dập dìu ngược xuôi tiếp nối dọc đường Phạm Văn Đồng ven biển. Chiếc áo phao màu cam, đỏ,… mờ dần, không còn có mặt. Đây đó gần xa ánh đèn những con thuyền nhấp nhô giăng bắt cá tôm. Biển khoác chiếc áo lấp lánh bạc mạ vàng kiêu sa, nhịp nhàng vươn ngực thở, có lắng nghe mới thấy sự bình yên. Rồi hạt thu rơi. Lũ ễnh ương, ếch nhái có dịp tha hồ uềnh uệch thâu đêm. Hạt càng rơi. Rơi. Rơi về khuya biển dồn dập từng cơn sao lắm nỗi niềm đến vậy. Không. Có lẽ con bấc từ ngoài khơi xa đổ về, chứ mạn bờ nào muốn ào ạt. Rồi hạt đêm rơi. Rơi. Xoay vần tiết trời thu phân cho người mong đêm mau cạn…
Trăng 16.8.2017 Đinh Dậu
                                       

     NGÀY:
             
                         
         Chút thu nũng nịu trong nắng sớm vơi dần, đưa bước chân tuổi thơ vào lớp. Cuộc hành trình không chùng bước giữa đường đời mê say. Không một chút chần chừ. Sự trở lại Tháp Bà kỉ niệm cây Trôm Côi mấy trăm năm gắn tình người và đất, cho tôi tìm hạt cuối cùng gieo mầm xanh hoa lá, ra quả ngọt khúc tình ca. Miên man tiếng chuông Nhà thờ Đá thánh thiện. Miên man tiếng chuông chùa Từ Vân (Chùa Ốc) độ lượng. Tôi yêu cả Chúa và Phật. Từ bi và bác ái tự lòng.
                                  
Bên cây Trôm Côi nhớ kỉ niệm
                                  

Nhà Thờ Đá Nha Trang
                                            

                                                                    
Chùa Từ Vân (Chùa Ốc)

        Thế mà cá tôm nào biết lựa chọn, bị giam hãm tù túng trong bể kính, bế tắc ngượng ngùng, biết làm gì với người. Có lẽ chúng yên tâm hơn. Chỉ lo góc biển nào đó, nước thải từ nhà máy đổ ra, đồng loại chúng phải giật mình thảng thốt. Những anh “Tôm bác sĩ” đóng mác cũng chỉ quây quần bên nhau, đâu thể tự tiêm thuốc điều trị, cũng phải nhờ bàn tay con người. Thế nên mới có ngành Hải dương học. Còn là nơi cho du khách ngắm nghía, trầm trồ, lưu lại trong bộ sưu tập ảnh. Cá tôm một đời yêu biển bên người.
                               
Tôm Bác sĩ


         Biển bao la đón nhận đêm ngày hiền hòa mưa nắng, lấp lánh ánh bạc cá tôm đầy khoang thuyền, rạng ngời đôi mắt yêu thương. Đôi lúc bão táp cuồng phong vồ vập khó trở tay, phải tìm nơi trú ẩn. Theo mùa bão trời có chi là lạ. Chỉ lo những chuyện cơ cầu khó né. Mà né bão người thế mạnh lại khổ hơn. Nào ai dung túng cho kẻ “đi lại nghênh ngang ngoài đường uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…: (Trần Quốc Tuấn) từ xa xưa ấy, buộc lòng tuốt gươm trận mạc. Miền đau thương uất ức trào dâng. Giờ đây, nén nhang thơm trước Bia tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc- Ma ngày 14/3/1988, ở tại Khánh Hòa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa khánh thành hôm 15/7/2017. Làm sao chúng ta có thể sẻ chia hết tấm lòng những người mẹ ở Đà Nẵng, Khánh Hòa,… có con ở tuổi đời 19, 20; những người vợ ở Hải Phòng, Nam Định,… thường ngày nhìn con côi cút vắng cha,…Thời gian cũng đã làm nguôi ngoai thương nhớ, rơi rớt hận thù, mong xích lại bên nhau trong tình nhân loại cho hồng cầu không vỡ ra theo làn đạn mũi tên.
                                      
Tượng đài chiến sĩ Gạc-Ma
                                         
          Còn núi. Ai bảo núi soài ra biển, thể bàn tay ngón ngắn, ngón dài đặt lên nền màu nước ngọc ngà muôn thuở đẹp hút hồn du khách trên cung đường rồng lượn đến vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Giữa cát biển và núi non trùng điệp bên cạnh Núi Chúa (cao 1040mét) bình yên, thu hút tầm mắt du khách yêu vẻ hoang sơ vốn đất trời ban tặng. Giá trị cuộc sống vĩnh hằng ở vịnh chính là làng chài, nhà mái lợp xanh, đỏ đan xen nằm san sát bên nhau, trong lòng vịnh chứa bao nhiêu là tàu cá ra vào tấp nập.  
                                 
Vịnh Vĩnh Hy- Ninh Thuận.


          Từng đợt sóng xô bờ chiều gọi bước chân anh Tường Huy (Đà Lạt) “dù bận rộn túi bụi, nhưng anh em văn nghệ gọi là tui có mặt liền!” Nhà thơ Trần Vạn Giã, Lê Khánh Mai, Như Hoài, Chế Trâm, Dương Đăng Huệ(Khánh Hòa) cùng bạn Nguyễn Quang Thành(Cam Ranh) cùng Nguyễn Kiều Phương (Sài Gòn),… Và các anh chị văn nghệ sĩ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận về dự Trại Sáng tác Nhà Sáng tác Nha Trang chung vui chúc mừng Tập truyện ngắn Những cuộc hẹn bên lề của Trần Trung Sáng (NXB Hội Nhà văn, 2017) đã từng giới thiệu tại Đà Nẵng, nay nơi góc phố Nha Trang. Một Võ Chân Cửu (Lâm Đồng) có mặt sẻ chia khi viết lời bạt cho tập truyện, về nhà văn thành danh năm 17 tuổi. Để hôm nay “Tấm lòng nhân hậu, luôn mơ ước cuộc sống tốt đẹp của Trần Trung Sáng gần như trải đều khắp các truyện…”. Mỗi bạn đọc được tác giả kí tặng. Thế mới biết cuộc chơi chữ nghĩa sang đến ngần nào. Trong buổi họp mặt, bên tách trà cà phê, Như Hoài lỡ say: “…Dốc cạn/ Sao hết những men cay?/ Khi tàn cuộc/ mây ngàn gió núi/…(Uống rượu). Một lãng đãng khát khao: “Nhiều khi tìm gì chẳng biết/ Ngu ngơ như thể vô hồn/…(Tìm, Lê Khánh Mai),… Rồi tiếng hát Phan Đình Dũng với Bóng cây Kơ-nia, “Thuyền và Biển” tha thiết trong giọng ca Hiền Loan, hay Nha Trang ngày về thuở nào man mác cho Chế Trâm tha thiết nhớ nhung,…
                                          
Nhà văn Trần Trung Sáng tặng sách Nhà thơ Lê Khánh Mai


         Chiều về phố biển Nha Trang dập dìu xe cộ, tôi giữ mấy câu thơ làm quà lưu niệm: “…Đi lâu con trở về nhà/ Vẫn còn nguyên bóng trăng ngà trên cao/ Từ trong hơi ấm ngày nào/ Dừa nghiêng bóng cũ ngã vào lòng con”(Trần Vạn Giã).
         Bất ngờ hôm sau, trong bữa cơm ở Nhà Sáng tác, nhà văn Trần Trung Sáng bộc bạch: Con bé hỏi chú ơi, sách có bán, con mua. Tôi nói ừ có, hắn cầm tờ 100 ngàn tiền thuê âm li, loa thùng vừa gởi để mua sách. Thấy nhỏ ham đọc, mừng, tiếc là không còn bản nào để tặng, vì số còn lại tôi đã ghi tên các bạn hết rồi.
                                                          


         Còn tôi thèm bước chân lên thềm Nhà Sáng tác như hôm mới đến, khi thuộc lòng tên các anh em cùng về dự Trại Sáng tác, tiếc phải nói lời chia tay./.
                                                                         
Đường hầm Đèo Cả 
                                                            



                                                              
NST Nha Trang 2017

 NST Nha Trang, 10/2017, Nguyễn Thị Phụng.