Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

TRĂNG XƯA, HẠC CŨ VỚI XUÂN NÀY

                             TRĂNG XƯA, HẠC CŨ VỚI XUÂN NÀY*
        Cứ mỗi độ mai vàng khoe sắc, mơn mởn những lộc non, không thể không    thưởng thức vẻ đẹp từ hồn chữ nghĩa hiện về: “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”.
         Và tính đến nay “xuân này” vừa tròn sáu mươi, một vòng quay của đời người khi tôi tìm về kí ức bức ảnh gia đình đầu năm Đinh Dậu đã ngã màu, nếu tính theo mùa trăng, lúc ấy tôi vừa tròn sáu tháng tuổi, đang ngồi trong lòng mẹ, bên cạnh cha và xung quanh là các anh chị và một đứa cháu sinh ra trước tôi hai tháng, cháu là con chị thứ hai đang được bế trên tay. Một gia đình quá ư là đông con, mà lúc ấy cha mẹ đã thực hiện tốt sinh đẻ có trách nhiệm, một bằng chứng là chúng tôi được nuôi dưỡng tử tế để nên người hôm nay. Bon đạn chiến tranh và tai nạn giao thông không giữ lại con người, còn bệnh tật và tuổi già cũng vậy. Ngậm ngùi thay một tấm hình đã nhòe theo năm tháng… Chỉ một trăng xưa in bóng hạc đến giờ vẹn nguyên.


        Từ tấm ảnh một gia đình riêng, đến bài thơ của đất nước được khẳng định mang tính lịch sử của dân tộc, không là khoảng cách, cho tôi muốn sẻ chia bức phát họa: “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. “Xuân này” của sáu mươi năm trước, trong phút giao thừa thiêng liêng, cả dân tộc ta đón nhận thư “Chúc mừng năm mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cuộc kháng chiến mới bắt đầu:
           “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
             Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
             Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
             Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
             Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
             Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
             Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
             Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
                               Mùng 1 tháng 1 năm Đinh Hợi 1947.
                      Thư chúc tết là lời kêu gọi chiến sĩ, đồng bào vừa thiêng liêng vừa thuyết phục đậm chất một bài “nghị luận chính trị phổ thông” cho nhân dân dễ nhớ dễ truyền tụng về tình hình đất nước và nhiệm vụ chung của toàn dân tộc ta,  một sự thật rõ ràng mà ai cũng thừa nhận, qua đó khơi động những tình cảm sâu sắc của nhân dân ta chính là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, căm ghét áp bức bất công, tinh thần lạc quan cách mạng,… Và những bài thơ chúc tết hằng năm của Bác mãi khắc ghi.
       Trở lại đầu đề “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này” chính là câu thơ cuối trong bài Cảnh rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh viết năm 1947:
                  “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
                  Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
                  Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
                  Săn về thường chén thịt rừng quay.
                  Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
                  Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
                  Kháng chiến thành công ta trở lại,
                  Trăng xưa, hạc cũ với xuân này
       Cảnh rừng Việt Bắc ngày ấy ngỡ hoang vu nếu chỉ có vượn hót chim kêu, mà ngược lại trong cảm xúc thăng hoa của Người đã mở rộng biên độ hiện thực thiên nhiên phong phú và phóng khoáng hơn. Giữa con người và núi rừng gắn bó chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng nhau cùng nhắc nhở thực hiện mục đích chung: “ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Có thể nói rằng, những bậc tiền bối ngày ấy như Nguyễn Công Trứ “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc/ Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”, thì hầu hết thường tận hưởng cái “nhàn” sau khi cáo từ quan trở về làng. Còn chúng ta kế thừa ở Bác, một phong thái ung dung tự tại “Non xanh nước biếc tha hồ dạo, Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say”phảng phất Nguyễn Trãi, lại thanh bạch “Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay”(Câu thơ “Săn về…” đã nhắc lại kỉ niệm khi thứ trưởng Bộ Nội vụ và đội Cảnh vệ đã bắt được con lợn rừng đêm hôm ấy về, qua những trang hồi kí kháng chiến) của một Nguyễn Bỉnh Khiêm,… một lối sống giản dị thanh cao, vẫn pha chút trào lộng hài hước tích cực để ẩn đi cái gian khổ không tránh khỏi!... Chính sự kết tinh của cảm xúc và trí tuệ nâng cao tâm hồn thi nhân trong sự liên kết chọn lọc giữa xưa và nay, giữa cũ và mới về trách nhiệm của một công dân, của người cầm bút đầy lạc quan và tin tưởng sự tồn vinh dân tộc được duy trì mấy nghìn năm văn hiến cho hạnh phúc hôm nay.
        Không thần thánh hóa Người là nhà tiên tri, bởi dựa trên cơ sở khoa học và truyền thống dân tộc “khó vạn lần dân liệu cũng qua”, bên cạnh lời khuyên chân tình: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công”(Nghe tiếng giã gạo). Vậy phải chăng từ một câu kết “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này” trong bài thất ngôn bát cú của Người là sứ mệnh cho chúng ta trân trọng sự sống yên bình, tất cả khát khao gìn giữ, điểm tô: “Trăng xưa, hạc cũ” nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc đã từng “che bộ đội, vây quân thù” ngày nào, là cái nôi trường tồn tiếp nối từ bài học trải qua những cuộc “Kháng chiến thành công” trong lịch sử dân tộc!...          Sao quên được Xuân này, nguồn cội quê hương.
         Và xuân này, cho chúng ta thức lại biết bao những buồn vui của năm qua. Về những mất mát thiệt hại người và tài sản, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, phần nào những tấm lòng từ thiện cưu mang sẻ chia “một miếng khi đói”của toàn dân hướng về khúc ruột Miền Trung quê mình, những “thiên tai” khó tránh khỏi! Còn cái xót xa hơn nữa vụ “nhân tai” ảnh hưởng môi sinh biển mà bà con mình ở bốn tỉnh vùng duyên hải Bắc Trung bộ phải nhận lấy hậu quả không mong muốn!... Những đền bù cho “hậu quả” ấy cỏ thể đã tính là nhiều hay ít rồi, chỉ nỗi ám ảnh tâm trí không biển cảnh báo dễ gì xóa được!... 
         Dành cho Tết Đinh Dậu 2017, nhấm nháp chút gừng cay bên tách trà nóng chưa kịp ấm lòng, sao vội vàng bước chân ra khỏi nhà lại gặp ngay biết bao lễ hội vui xuân, cầu mong tử tế cách hành sử với nhau trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống!.. À, thì ra xưa nay “Tháng giêng là tháng ăn chơi…” cho bỏ công lao cày xới quanh năm. Nói là nói vậy. Nhưng không lãng phí, xa hoa. Tôi có già chưa đấy!...
_____________________
*Thơ Hồ Chí Minh
                                              23 tháng chạp năm Bính Thân 2016
                                                             Nguyễn Thị Phụng

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

CHỮ TÂM GIỮA ĐỜI THƯỜNG.

                      CHỮ TÂM GIỮA ĐỜI THƯỜNG.
      Khái niệm chữ tâm và đời thường luôn song hành nhau, bởi đó là mục đích con người luôn vươn tới, còn là quà tặng cho những ai biết “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” trọn vẹn sẻ chia từng việc làm thiết thực nhất.
       Phải chăng đó là tiếng nói chân tình xuất phát tấm lòng nhân hậu từ những người thân trong gia đình nhắc nhở con cháu “xóm mình còn nhiều người già bệnh tật, neo đơn, khó khổ…”, từ bạn bè và cả trên phương diện truyền hình, truyền thanh,… đưa tin về thiên tai lũ lụt kéo dài kết hợp với triều cường, nước ở cửa sông đã không thoát được nên lại dâng cao hết đợt này đến đợt khác!... Đau lắm khúc ruột Miền Trung bởi khó tránh khỏi cơn lụt tràn ngập ruộng đồng, nhà cửa, kéo theo những mất mát thiệt hại người và tài sản. Đâu phải bây giờ, xa xưa thời Vua Hùng đã có truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh kia!... Việc trị thủy ngày ấy và phòng chống bão lụt hôm nay là vấn đề không chỉ cấp bách mà lâu dài của đất nước mình.
       Vậy là… người trong một nhà, một xóm xúm sít mỗi khi “tối lửa tắt đèn”. Vậy là… người trong một nước có cả nhiều nước thương nhau tự nguyện gom góp ít nhiều thông qua các hội đoàn thể, tôn giáo,… Lúc này, những suất cơm hộp còn ấm trên tay, những thùng mì tôm thơm giòn cùng những chai nước khoáng tinh khiết đã cứu đói kịp thời bằng phương tiện ca nô đến từng nhà ở những xóm thôn bị nước lụt vây bủa, cắt đứt giao thông nhiều ngày. Tiếp theo là những bao gạo trắng, những phong bì xanh của các nhóm Thiện nguyện đã đến tận tay người nhận không may gặp phải thiên tai bị cơ nhỡ ấy. Tình dân tộc gắn bó, lòng nhân ái được nhân lên. Đạo lí thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam luôn được nảy mầm duy trì phát triển bền vững mọi lúc, mọi nơi. Đạo lí ấy hiền lành đức độ, hay nói đúng hơn là sự thiện tâm, vốn tích lũy bản chất con người, nên có sức cuốn hút và lan tỏa kết nối những trái tim cho ta trân trọng biết chừng nào.
      Những người con đi làm ăn xa nghe tin quê mình lũ lụt, đứng ngồi nào yên. Nhìn cảnh đường sá, nhà cửa, ruộng vườn ngập chìm trong bể nước, trải rộng khắp các huyện trong tỉnh nhà, những làng ven sông như Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận có cả Phước Lộc cũng bị thiệt hại quá nhiều. Ngoài việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các gia đình sửa chữa căn hộ bị sập và xây cất lại để họ có chỗ ở ấm áp trong dịp Tết đến xuân về. Bà con vùng lũ trong tỉnh còn đón nhận tình yêu thương của các tổ chức nhân đạo, hội đồng hương Bình Định,… cứu trợ thêm tiền mặt, áo quần, mùng mền, lương thực và thực phẩm, sách vở bút mực cho học sinh,… làm sao mà kể hết.
        Chỉ tính trên địa bàn xã mình, những học sinh lớn lên từ ngôi trường Phước Lộc, như em Huỳnh Lê Thùy Tâm- quê thôn Phong Tấn, trưởng nhóm Thiện Tâm, với khẩu hiệu “Chung tay hướng về khúc ruột miền Trung”, kịp thời trao quà cho bà con vũng lũ ở hai xã Phước Thuận và Phước Lộc. Nhớ hôm ấy ông Hà Ngọc Anh, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương có về dự. Như em Nguyễn Lâm Nhi Thùy gởi về hai ngàn quyển vở trắng dày đẹp cho học sinh ở thôn Vinh Thạnh 2 và trường THCS Phước Lộc, vì cứ lo sách vở ngấm phù sa thì tụi nhỏ bỏ học chị ạ, em nhắn tin với tôi như vậy!...
       Lại có cuộc gọi: “- Alo, con chào cô, con là Nhã, Nguyễn Thị Thanh Nhã, học trò của cô đây!... Chúng con mang về 100 cái balo đựng sách vở tặng cho HS trường THCS Phước Lộc, 100 cái mền biếu cho người cao tuổi khó khăn ở xã nhà mình. Cùng ba điểm Phước Hòa, Phước Thắng và Vân Canh!”. Rồi điều gì thôi thúc em lại có chuyến tặng quà thêm cho Vân Canh nữa, không là điểm dừng trên tuyến QL.19C của ngày hôm qua ở Canh Thuận,…  Có thể khi hay tin Thanh Nhã có mặt nơi đây, sau một tiếng đồng hồ, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tho- người gắn bó 27 năm với học sinh miền núi Vân Canh đến gặp em tại Canh Thuận bộc bạch nguyện vọng “Thương các cháu học sinh ở miền núi lắm, Thanh Nhã cứ đi lên đấy cho biết!...”. Có thể địa chỉ ấy mà trước đấy một ngày, mình đã gợi ý khi Nhã chở hàng về (nhưng chưa có sự chọn lựa, vì còn tùy thuộc vào những người bạn đang công tác ở Vân Canh). Có thể bên cạnh là Từ Khang, người bạn đời chung tay luôn đồng hành bên em. Có thể khi hay tin em sẽ vượt Cổng Trời, ngoài một số bạn gởi quà trước, giờ thêm một người bạn thân nữa gởi tặng năm triệu đồng. Có thể bạn Thúy Vân cùng lớp ngày nào ở quê nhà Phước Lộc đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa và đi lại… Và điều gì Thanh Nhã không chùng bước khi trái tim em đã quyết định cho chuyến tặng quà phát sinh này.
                                 (Dốc Cổng Trời, Canh Liên  Vân Canh
                                    Từ Khang và Thanh Nhã đứng giữa)

        Ngồi trên xe, mới nghe Thanh Nhã sẻ chia con đường đến Mèo Vạc ở Hà Giang đèo dốc nhỏ hơn ở đây, trời lạnh con mặc mấy lớp áo cứ run, thấy các cháu nhỏ chỉ độc có chiếc áo mỏng trên người, chân tay tím tái vậy đó cô!... Thì ra… tôi mới biết vì sao Thanh Nhã dành những bộ áo quần của người bạn gởi, tặng cho các cháu mầm non và tiểu học ở Canh Liên này, còn tỉ mỉ ướm thử bên ngoài có vừa cho từng cháu nữa cơ!... Nhìn các cháu hớn hở thỏa thích tung những chiếc ba lô lên cao giữa sân trường thể như tuổi thơ rộn rã ngày nào của chúng ta ùa về. Bỗng chốc nắng ấm trở lại con đường như một dãi lụa bạc vắt ngang giữa núi đồi xanh biếc.
                                  (Thanh Nhã đang phát và cho các cháu)

        Và quanh mình còn biết bao những cặp đôi Từ Khang- Thanh Nhã khác nữa, mãi là những hạt giống nằm trong lòng đất, biết tự nảy mầm và vươn lên làm nên những cánh rừng đầu nguồn, bên cạnh Suối Mây thơ mộng luôn có người đồng bào chở che, gìn giữ. Chúng ta sẽ yên tâm “Rừng vàng” đất nước ấm áp bởi có tiếng nói cười của bà con nơi đây!... Vẫn Thanh Nhã ngày nào từng đạt vương miện Nữ sinh duyên dáng của trường THPT Tuy Phước 1… giờ còn nén xúc động khi tâm sự là còn nợ Canh Liên nữa đấy cô!... Phải chăng cái rét miền núi cao làm nhức nhói trái tim người khi biết bà Đinh Thị Hương bị bệnh nặng điều trị không khỏi nay bị liệt nằm một chỗ, hay lúc bước lên cầu thang vào nhà sàn ngồi cạnh nghe bà Đinh Thị Liên bị bệnh bướu cổ không có tiền phẫu thuật dè dặt nói không có chiếc chiếu trải mời khách ngồi !,... Các mế đều ở làng Hà Giao, Canh Liên mình. Chút phần quà là tờ bạc mệnh giá lớn nhất thì có là bao!...

(Từ trái sang: Từ Khang, thầy Trần Văn Tho, Thanh Nhã và các thầy cô trường Tiểu học Canh Liên)

         Quý lắm chữ tâm là bức thông điệp không lời và những cách sẻ chia “một miếng khi đói ”, cưu mang trong đời  thường luôn song hành nhau chân tình, ấn tượng nhất./.

                                                                               10.01.2017/ Nguyễn Thị Phụng.