Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

HƯƠNG THẢO THẤT

Kỉ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.2017.
Một chút sẻ chia

HƯƠNG THẢO THẤT 
Không hiểu sao cứ sau tiếng trống lúa lân, múa rồng, múa phượng, … vui chơi Trung Thu tuổi thơ là tôi lại nhớ lắm đôi tay những người mẹ tảo tần sớm hôm vất vả. Cùng cái mong manh hơi sương thấm đẫm chiếc áo sờn vai mẹ, còn mây trời kia theo đêm ngày hòa vào mái tóc xinh xắn thuở nào giờ lất phất trước nếp nhăn nheo trên khuôn mặt mẹ cằn cỗi, để thay vào đó là nụ cười trong trẻo hồn nhiên, là tiếng nói yêu thương chân tình, là ánh mắt tự tin mở ra khoảng trời hương sắc. Hay đó là lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục cho ta nên người trong câu chuyện chú Đào Tụng Phi (cháu gọi Đào Tấn là ông cố) kể về những trăn trở của Cụ trước khi mất tưởng nhớ mẹ: “Năm mươi mốt tuổi biết chi chưa/ Ngoảnh lại đầu râu cũng đã vừa/ Mẹ già tám kỉ đang trông ngóng/ Cội tùng khóm trúc vẫn còn lưa ”(Đào Tấn).

Đó là những năm 1905, sau khi Cụ về nghỉ hưu ở làng quê Vinh Thạnh, trong ngôi nhà xây nhưng bên trên vẫn lợp bằng tranh và có biển Hương Thảo Thất treo trước mặt nhà. Hai trụ cổng quay về hướng đông nhìn thẳng ra phía trước là ngọn núi Hoàng Mai. Và Cụ chọn nơi ấy là chỗ nằm vĩnh viễn cho mình: Lên đỉnh Mai sơn tìm huyệt mộ/ Đứng trên tản đá ngậm thinh cười/ Núi Mai này gửi xương Mai nhỉ/ Ước nguyện hồn ta hóa đóa mai./ (Đào Tấn- Đào Nhữ Tuyên dịch). Nhưng với nỗi trăn trở băn khoăn chưa làm được đó là phần mộ mẹ Cụ là Hà Thị Lang, lúc sinh thời theo con ra Huế, nên khi mất đã được chôn cất trên núi cao tại thôn La Chữ (Thừa Thiên – Huế). Giờ đây đến cuối đời, muốn hài cốt mẹ cũng nằm bên mình ở núi Hoàng Mai. Cuộc di dời mộ mẹ được đặt ra theo kế hoạch, cho làm một cái cổng tạm bằng tre gắn lá dừa, lá cây đùng đình, có cả sắc hương hoa trắng như Huệ, Ngọc Anh, Chi Tử,… hai bên trụ cổng Cụ ghi hai câu: “Suy nhi đổng khốc di tiền mệnh/ Từ mẫu anh linh phản cố sơn”.(Nay phần mộ bà Hà Thị Lang cũng được chú Đào Tụng Phi cho di dời tiếp từ núi Hoàng Mai về phần đất thổ mộ của gia đình tại thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc). Triều đình thời vua Thành Thái bấy giờ hay tin có nhã ý xây kiên cố cổng làng đón hài cốt mẹ Cụ trở về cho trang trọng hơn. Nhưng Cụ chẳng muốn phô trương, khảng khái từ chối. 

Đến rằm tháng bảy năm 1907, Đào Tấn mất, kéo dài mười năm sau thời vua Khải Định (1918) cho xây cổng làng Vinh Thạnh, trên khung cổng có ghi “Cửa làng Vinh Thạnh”, dân làng thường gọi là “Cổng lí môn” hay “Cửa lí môn”. Như vậy lí ở đây chính là làng. Hoa văn hai bên trụ cổng là cội mai già nở hoa tinh khiết, khóm trúc thanh cao tình phụ tử, tình huynh đệ. Việc xây cổng làng với mục đích nhằm suy tôn người con hiếu thảo cha mẹ, một vị quan thanh liêm chính trực, và hơn nữa cả năm người con trai của Cụ, trong đó có bốn vị đã đỗ cử nhân (Đào Bá Quát(con cháu ở Phước Lộc), Đào Thụy Thạch (con cháu ở Sài Gòn), Đào Nhữ Thuần(con cháu ở Cà Mau, có cháu ở Hà Nội), Đào Nhữ Tuyên (con cháu ở tại tự đường họ Đào quê nhà) và Đào Nhữ Tiếu (con cháu ở Long Khánh) chỉ đỗ tú tài. Chính vì vậy mà trên hai bên cổng làng có biểu tượng bốn quả cầu tròn nằm dưới đỡ quả cầu tròn lớn ở phía trên phải chăng nhằm ngợi ca một gia đình hiếu thảo hiền tài.
Từ Hương ThảoThất ấm áp là cái nôi tích tụ những tinh anh đất nước đáng được truyền tụng ngợi ca. Bà Hà Thị Lang với pháp danh Chiêu Liên, cáo tặng Tùng Nhị phẩm đoan nhân, bà là phụ nữ nông thôn Việt Nam được xếp vào hàng thứ nhất đức hạnh đã có người con Đào Đăng Tấn (Đào Tấn là bậc hiền tài đã gìn giữ duy trì nguyên khí quốc gia cho đến ngày hôm nay).
Hương Thảo Thất của Đào Tấn năm nào theo nắng mưa chỉ còn lại nền nhà dưới tán cây nhãn tiêu trăm năm từ Huế đưa về trồng cũng còn lại gốc cành, Hương Thảo Thất đi vào trong tâm hồn những tấm lòng hiếu học. Giờ đây không chỉ ở làng Vinh Thạnh mà cả xã Phước Lộc đã có nhiều Hương Thảo Thất ra đời là những tiến sĩ, những thạc sĩ, kĩ sư, cử nhân,… với những ngành nghề khác nhau, mãi mãi là cầu nối xưa và nay, là lòng biết ơn trái tim những người mẹ giàu lòng nhân từ suốt đời vun vén điểm tô sắc hương cho con cháu mình tiếp bước.

27.9.2012/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Vì sao có HƯƠNG THẢO THẤT (NXB, Hội Nhà văn)- Nguyễn Thị Phụng.

Vì sao có HƯƠNG THẢO THẤT (NXB, Hội Nhà văn 2017)- Nguyễn Thị Phụng.
Rằm 7. 2017, kỉ niệm 110 năm ngày mất Danh nhân Văn hóa Đào Tấn. Người ông đáng kính, mà bà cố nội tôi gọi bằng chú ruột. Ông cố tôi họ Nguyễn, vậy là sau khi đỗ thứ 3/8 cử nhân khoa Ất Dậu (1885) Hàm Nghi thứ I Trường thi Bình Định, về làm rể họ Đào, được ông cao- Đào Đức Hanh, là anh cả Đào Tấn cắt phần đất cho con gái ở tại Lí môn Vinh Thạnh. Hiện gia tộc họ Nguyễn tui có thêm tại đây. Ngôi nhà tự đường họ Nguyễn giờ chị Trướng đang ở đấy các bạn ạ!
HƯƠNG THẢO THẤT có đến nhiều bài viết về Đào Tấn. Về Trịnh Công Sơn, về Xuân Diệu, về Vũ Ngọc Liễn, về Trương Tham, về người con Bình Định đã hi sinh nằm lại tại Nghĩa trang Trường Sơn, về Văn nghệ sĩ Bình Định, về con người Bình Định lao động, học tập và biết sẻ chia cùng đồng bào quê hương mình,... Thế đấy, cái tình tui gởi trọn vào HƯƠNG THẢO THẤT. Thật dễ thương như tui vậy!


Ngày mai 26.6.2017, sau khi nộp lưu chiểu cho NXB, tôi sẽ phát hành sách tại tư gia phunglimon. Theo giá bìa và mời cà phê Hương Đồng nội.


                                           10 tập đóng gói nộp lưu chiểu

                                          
                                         Sách in 500 bản dày 230 trang nè:

Lưu ý: 
1. Trong bài Hương thảo thất, mẹ của Đào Tấn là bà Hà Thị Lang (có tên trong gia phả họ Đào tại tự đường Đào Tấn), chứ không phải là Hà Thị Loan như có tin nhắn(27/6/2017) vào ĐT cá nhân tác giả. đã đọc
2. Bài Ơn thầy năm tháng dạy con, vở tuồng đầu tay của Đào Tấn là Tân dã đồn(Từ thứ quy tào). Sách đã in (Từ thức quy tào). Người viết chú thích nhầm lẫn. Hu....
Không sao tránh khỏi lỗi chính tả nữa. 
Cảm ơn sự đóng góp chân tình của bạn đọc.