Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

CHỢ HUYỆN PHƯỚC LỘC- XƯA VÀ NAY.

              CHỢ HUYỆN PHƯỚC LỘC- XƯA VÀ NAY.

                     Chợ Huyện Phước Lộc phiên 21.5.2017(ÂL) Nhâm Thìn.
          
             Xưa: Chợ Huyện Phước Lộc đi vào đời sống nhân dân bằng những câu ca dao: “Chợ Huyện mình có sáu phiên/ Thương cô hàng xén kết duyên Châu Trần”.
            Cứ cách năm ngày là một phiên chợ. Chợ Huyện được ưu ái xếp vào các ngày mùng 1- mùng 6, 11- 16, 21- 26. Tính theo âm lịch. Để dễ nhớ các phiên chợ lân cận huyện Tuy Phước trước đây, bà con nhắc nhở nhau: Từ “Chợ Huyện liệng (lượn) Chợ Mới, tới Chợ Dinh, lính xính Cây Da, qua Bồ Đề rồi về phiên Huyện”.
         Chợ Huyện có tên tự lúc nào? – Từ 1909, nơi đây đã có phủ huyện, cũng từ đó có chợ mang tên Chợ Huyện. Như vậy, xét về yếu tố lịch sử văn hóa sinh hoạt giao thương thì Chợ Huyện là một di tích.
                Còn Chợ Huyện Phước Lộc của huyện Tuy Phước bây giờ thì sao?...
          Trước năm 1975 cho đến những năm tám mươi thế kỉ trước, Chợ Huyện Phước Lộc có diện tích hơn 1ha nằm trung tâm thôn Hanh Quang cửa chính đông quay ra hướng quốc lộ 19A. Nhưng không hiểu vì lí do gì, Chợ Huyện lại khép kín dần nhà ở của dân nên bị thu hẹp. Sau do nhu cầu mua bán, chợ Huyện đã chuyển vào phần đất gò bên trong rộng hơn. Nay cũng bị thu hẹp nữa, nằm trên trục đường bê-tông Hanh Quang- Trung Thành, cứ mỗi phiên chợ, là tắt lối đi lại.
         Để phân biệt các chợ Cầu Gành(thôn Phú Mỹ1), Quán Mối(thôn Đại Tín),Chợ Xổm(thôn Vinh Thạnh1),… tự phát, thì cách đây gần ba tháng biển “CHỢ HUYỆN- XÃ PHƯỚC LỘC” lại được mọc lên trên cùng một con đường có biển: Làng văn hóa thôn Hanh Quang, Phước Lộc.


             (Cổng chợ nằm trên trục đường bê-tông Hanh Quang- Trung Thành )      
        
           Xã Phước Lộc là đơn vị trọng điểm, là nơi có Đền thờ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn, có Đình làng Vinh Thạnh, có Cổng Lý môn(1918),... Giáp Phước Lộc có quần thể “Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi/ Vào Nam ra Bắc ai cũng đi đường này”(Ca dao) thuận tiện cho du khách đến tham quan di tích lịch sử, thưởng thức đặc sản đã đi vào thơ ca “Bánh tráng Trung Thành,* nem Chợ Huyện, rượu Trường Thế* mê li”(Xuân Diệu).
         Thiết nghĩ: Có những thứ cổ phải duy trì trùng tu như tháp cổ, phố cổ. Có những thứ phải kịp thời làm mới mở rộng như đường sá, quy hoạch lại chợ búa. Vì cuộc sống văn minh. Mong rằng tương lai có một Chợ Huyện Phước Lộc đúng tầm tên gọi của nó trên trục quốc lộ chính phù hợp với nhu cầu giao thương hiện đại phồn thịnh, sầm uất, giới thiệu hàng hóa quê nhà sánh cùng chợ Diêu Trì, chợ Phước Sơn,… để Chợ Huyện Phước Lộc còn là điểm đến cho du khách phương xa.
                                       Phước Lộc,30/6/2017- Nguyễn Thị Phụng.
__________

*Trung Thành (xã Phước Lộc),*Trường Thế (xã Phước Hòa)

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

MƯA NẮNG TRƯỜNG SƠN- trích Hương thảo thất, Nguyễn Thị Phụng

MƯA NẮNG TRƯỜNG SƠN


Trường Sơn là dãy hành lang nằm phía tây giáp giới hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, chạy dài từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ Việt Nam, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới nên có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Và nếu thời tiết có vô cùng khắc nghiệt “bên nắng đốt bên mưa quay” cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thì tuyến đường Trường Sơn kể từ 19.5.1959 được thành lập mà Binh đoàn Trường Sơn có trách nhiệm thông suốt con đường ra trận cho việc vận chuyển cơ sở vật chất kĩ thuật cũng như đảm bảo cơ động lực lượng và đưa đón cán bộ vào ra cả ba chiến trường, các chiến sĩ ta đã quyết tâm vượt qua góp phần làm nên Mùa Xuân 75 thắng lợi.
Qua những khúc quân hành, thơ ca viết về Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh giàu ý chí và nghị lực của những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ thông đường rộn ràng “chưa thấy mặt người đã nghe tiếng hát” cho đến xe các anh đã bị “bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” vẫn ung dung buồng lái kịp giờ ra trận chỉ cần trong xe có một trái tim. Chính trái tim biết sẻ chia những mất mát vô cùng lớn lao của miền Nam yêu thương, dẫu trong mưa nguồn xối xả, trong ngùn ngụt nắng hanh, nhưng mà điều khủng khiếp nhất vẫn là bom đạn kẻ thù chém ngang phát dọc đào khoét núi rừng, còn thêm vào đó chất bột da cam trắng nhợn hủy diệt mầm sống cỏ cây hoa lá, thì huống hồ chi nói đến con người ngày đêm bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn đã thắp lên ngọn lửa của lòng yêu thương quả cảm, của ý chí kiên định trước sức ép đầy thủ đoạn của giặc ngoại xâm, Trường Sơn chính là nhân chứng cho biết bao con người đã đến, đã qua, đã nằm lại nơi đây…

Và mộ chí các anh chị đặt trên những ngọn đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được mang tên Nghĩa trang Trường Sơn. Đứng nơi đầu nguồn bên dòng sông Bến Hải hôm nay mới cảm nhận hết bạt ngàn màu xanh núi rừng lộng gió, phía trước sân đài tưởng niệm xa kia là một hồ nước lớn bốn mùa không vơi, còn cả khu nghĩa trang được khoanh theo nhiều khu vực tên các vùng miền trên đất nước ta. Chúng tôi dừng lại lâu hơn thắp từng nén nhang để đọc kĩ họ tên các anh ở Bình Định như:
- Liệt sĩ Đinh Cứu, sinh năm 1924, chức vụ Thiếu tá, quê Cát Tài, Phù Cát, hi sinh ngày 31.1.1968.
- Liệt sĩ Trần Ngọc Xuân, sinh năm 1930, nhập ngũ 1946, chức vụ Thượng úy, quê Phước Quang, hi sinh 20.3.1973.
- Liệt sĩ Phạm Tiến Thắng, sinh năm 1921, nhập ngũ tháng 7. 1945, chức vụ Thiếu tá, quê Cát Hanh Phù Cát, hi sinh 20.3.1970.
- Liệt sĩ Nguyễn Tấn Thu, sinh năm 1927, Dân chính, quê Tam Quan, hi sinh 16.3.1969…
Cho đến những liệt sĩ không rõ họ, không rõ năm sinh, năm nhập ngũ như:
- Nguyễn Chí Hội, Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, hi sinh 23.5.1971.
- Liệt sĩ: Cháu Nhân, Dân chính, Bình Định, hi sinh 2.2.1970…
Được nằm bên đồng đội quê Phú Yên, Nha Trang, Mỏ Cày, Bến Tre, Gò Công, hay quê Quảng Ngãi, Quảng Nam, hay quê ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội,…

Hòa trong hương khói bên cạnh vẫn còn những bia mộ chỉ một màu trắng toát cũng nằm ngay ngắn nơi đây, thể như minh chứng rằng kẻ gây ra chiến tranh là mang tội ác tày trời. Dẫu biết “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” cho một thời tuổi trẻ xông xáo bước quân hành theo tiếng gọi non sông, bảo vệ đất nước, để một mai trở về cát bụi lại không còn vẹn nguyên hình hài đến vậy!... Nhưng dẫu sao cũng là những chữ số biết nói để ghi danh và trân trọng là quý lắm rồi! Còn hàng ngàn liệt sĩ đã thầm lặng trong lòng đất mà hằng ngày được phát sóng trong Chương trình Đồng hành cùng Liệt sĩ, là nhịp cầu nối tri ân với những người đã hi sinh vì Tổ quốc nữa kia!

Chúng tôi thắp lại những nén nhang không chịu tàn trên mộ chí các anh có thể do gió bất mưa chan theo mùa Trường Sơn hùng vĩ. Thắp lại nén nhang là sự tiếp nối tri ân với người đi trước, chân dung một thời tuổi trẻ từ chị thanh niên xung phong, anh em dân chính, các chiến sĩ bộ đội chủ lực, … đã được tạc trên đá sừng sững đặt hai bên trên lối vào tượng đài tưởng niệm, như thể khắc sâu thêm hình ảnh thế hệ đi trước, là tấm gương anh hùng tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống đấu tranh của dân tộc, đâu tiếc máu xương xông xáo lên đường chỉ vì một khát vọng Độc lập Tự do Thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Với truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, thắp lại nén nhang để củng cố niềm tin là sự đánh thức nhịp đập trái tim Việt Nam độ lượng bao dung, dẫu nơi rừng sâu núi cao hay biên giới hải đảo thì con cháu hôm nay hãy trân trọng gìn giữ hình hài ông cha ta đã nằm lại trên quê hương yêu dấu này.
Tháng 7.2014


Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Nguyễn Huy- Tập thơ “Vườn trưa” của Nguyễn Thượng Trí

Nguyễn Huy Tập thơ “Vườn trưa” của Nguyễn Thượng Trí
1/ Tôi quen với hai chị em Nguyễn Thị Trướng, Nguyễn Thị Phụng từ lâu. Cả hai là giáo viên hưu trí, nhà ở “ngõ Lý êm đềm” – gần nhà Đào Tấn, tôi thường đến chơi, nghe các cô đọc thơ, bàn chuyện thơ văn. Nguyễn Thị Phụng thì nói nhiều, sáng tác nhiều ( đã in 5 tập sách – thơ, tản văn), quen biết nhiều; Nguyễn Thượng Trí thì viết ít, nói ít, cứ cười cười vậy thôi, chứ đọc ra bài thơ nào là khiến người nghe giật mình bài nấy!
Vừa rồi cả hai cô đều in sách ( Nguyễn Thị Phung với tập Tạp văn và ghi chép “Hương thảo thất” và Nguyễn Thị Trướng có tập thơ “Vườn trưa” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và có gửi tặng tôi. Xin cảm ơn tấm lòng của hai nữ sỹ vùng đất Lý môn nổi tiếng với tên tuổi nhà thơ, nhà hát tuồng Đào Tấn.
Tôi bị bệnh và đang điều trị, sẽ rất mệt khi đọc nhiều, viết nhiều, suy nghĩ nhiều. Hai cô đến thăm, biết rồi đấy. Ở đây xin nói gọn vài ý về thơ Nguyễn Thượng Trí.
2/ Tập thơ “Vườn trưa” của Nguyễn Thượng Trí mỏng mảnh chưa đầy trăm trang với 52 bài đầy chất lượng. 
                         Gia đình Nhà văn Nguyễn Huy, phía sau là hai học trò.
Tôi thích giọng thơ bình dị, hồn thơ chân chất nhưng chứa đầy bản lĩnh của Nguyễn Thượng Trí. Lời thơ dịu dàng, hơi thơ nhẹ nhàng, ý tứ đơn giản mà sâu sắc thích hợp với tạng người dân dã như tôi. Chưa có điều kiện nói nhiều, tôi chỉ nói riêng một bài thơ mới đọc qua đã thấy thích.
Chỉ ngần ấy thôi
“Chỉ ngần ấy thôi”
Anh không thể và em cũng không thể
Đến với nhau như khi bất chợt lần đầu gặp gỡ
Cùng quyện ánh mắt trong cuộn tơ thời gian
nóng bỏng
Trái tim băng giá cựa quậy…
Trong đôi môi cảm nhận niềm hạnh phúc
vô biên lan tỏa
Giá mà trái đất ngừng quay
Thời gian vỗ cánh
Chúng mình tan trong vô tận
Nhưng sự thật mặt trời, mặt trăng cón đó
Anh còn đó
Em còn đó
Mọi người còn đó
.
“Chỉ ngần ấy thôi”
Với em là cả cuộc đời rồi!

Lấy ý từ câu Kiều “Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”, nhưng khác với ý Kiều. Đối với Kiều, đó là tiếng kêu bi thiết của phận bạc, là sự tuyệt vọng khi đành phải trao duyên, nhưng với chủ thể trữ tình trong bài thơ này, là sự chấp nhận duyên phận dù không thỏa nguyện. . Nguyễn Thượng Trí rất tinh khi mượn lời Kiều (có) để nói về ý mình (chỉ).
Dù tình yêu giữa anh và em rất “nóng bỏng”:
Trong đôi môi cảm nhận niềm hạnh phúc
vô biên lan tỏa
Giá mà trái đất ngừng quay
Thời gian vỗ cánh
Chúng mình tan trong vô tận
Anh là “đàn ông năm bảy lá gan”, nhưng em là con nhà khuê các, còn gia đình đó, xã hội đó, mà dư luận thì nghiệt ngã lắm!
Nhưng sự thật mặt trời, mặt trăng cón đó
Anh còn đó
Em còn đó
Mọi người còn đó
.
“Chỉ ngần ấy thôi”
Với em là cả cuộc đời rồi!


Một suy nghĩ chín chắn, một quyết định sáng suốt. Đúng là “Thượng trí”.
Tôi quý Nguyễn Thượng Trí không chỉ vì cái tài, cái nết, mà còn ở tầm cao của tư duy đời thường, sống rất tình nghĩa, thủy chung, chừng mực mà vẫn đủ đầy. Đó là bản lĩnh của cô giáo, nhà thơ Nguyễn Thượng Trí!

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

THỨC VỚI VƯỜN TRƯA

THỨC VỚI VƯỜN TRƯA.



Có lẽ mình hạnh phúc được núp vào Vườn trưa đầu tiên của Nguyễn Thượng Trí. Một không gian vườn quê tĩnh lặng, thơ mộng đầy ắp hoa thơm quả ngọt theo mùa, đầy ắp từng cung bậc cuộc đời gần xa vọng lại, chở che tâm hồn một nhà giáo nghỉ hưu tròn chín năm thêm một tuổi nữa mà. Đến với Vườn trưa, ta dễ tiếp nhận cảm thông như Paul Valéry- nhà thơ, nhà văn, triết gia Pháp, chẳng đã từng nói: “Ý nghĩa trong thơ tôi là do bạn đọc cho nó”. Hình tượng Vườn trưa là con người, cảnh vật được hòa quyện nhau, sâu lắng nhất của một cô giáo ngày nào, dành hẳn ngôn từ mình cho mỗi tứ thơ được ấp ủ cẩn trọng mười năm nay.
Không phải đề cập đến thời gian để làm gì. Với tôi, thơ là tách trà gừng nóng sẽ làm ấm lại buổi sáng chớm sương kia. Thơ Nguyễn Thượng Trí nạp cho tôi dưỡng chất ấy, lượng vi-ta-min thường ngày rất cần như hít thở khí trời là vậy. Có ai dám khẳng định bầu trời mãi trong xanh và mặt đất mãi bình yên đâu, khi áp thấp nhiệt đới gần bờ, biển xanh dậy sóng, cơn dông tố xẹt ngang, chấn động tầng địa chất đâu hiếm, kể cả môi trường không may ô nhiễm nữa. Rất mừng là sự tích tụ từ tiếng ru của mẹ thuở nào, từ những câu thơ Kiều cha đọc ngày ấy, và trong đời chị được làm “thi sĩ” của Vườn trưa đã là cơ duyên rồi. Với Nguyễn Thượng Trí, hoài niệm trong thơ là không thể thiếu. Ta bắt gặp từ một đêm trăng hè tuổi thơ quây quần trên chiếc nong giữa sân nhà sao mà đầm ấm quá:
Vạt sáng nào vừa chải mượt tóc mẹ bên hiên nhà
đã băng qua ngọn tre đầu ngõ
xỏa tràn chiếc nong giữa sân ôm gọn chúng tôi
Màn trăng óng mượt thanh thoát
lượn theo bao câu chuyện thích thú của chị
gọi "nàng nàng" xuống nâng giấc nồng em thơ
Trăng lấn ngọn nồm ùa qua khung cửa
mái tranh tối om
gặp tiếng lảy Kiều trầm ấm của cha với anh cả
nghe chừng mênh mang
”.
(Sáng trăng)
Trăng miền quê mênh mang một trời kỉ niệm nhớ thương, xao xuyến khi chưa có điện khí hóa nông thôn. Trăng tỏa sáng đường làng, ngõ xóm, sân con cho lũ trẻ vui đùa. Trăng bối rối vụng về giữa bờ vùng bờ thửa lúa đồng đang thì con gái: “Thương chiếc gàu sòng vướng đôi mắt ai / múc nước chẳng đầy/ Những cái nắm tay nhẹ hều mà nặng lòng đôi lứa/ Nỗi nhớ ơi!...”/ (Sáng trăng). Nỗi nhớ nặng sâu dày lên từng giạ thóc, bóc trắng ngần hạt gạo thảo thơm đi vào không gian gia đình, đậm đà hương vị quê nhà hơn nửa thế kỉ qua trong văn hóa ẩm thực: “Bóng mẹ nghiêng nghiêng bên cối giã lúa thơm/ Dáng ngoại gầy len vị gừng từ chén bánh canh sực nức/ Cái sàn bánh xèo sưởi ấm ngày mưa/ Ngọt vị nấm rơm vương đôi vai chị/ Các em ngỏm ngoảm/ cười/ Vỡ đọt tranh rơi/…” (Ký ức chị). Hòa theo dòng chảy lan tỏa nhịp nhàng giữa các câu trong đoạn, chừng ấy đã là “thơ” rồi!


 Đến với Vườn trưa, cho ta trân trọng tình người con kính yêu bậc sinh thành dưỡng dục giờ đã là người xưa “Mùi hương quyện cả lối xưa/ Dáng cha bóng mẹ nắng vừa mang đi/ Bưởi đào thương thuở hàn vi/ Con nương vị ngọt những khi cơ cầu”(Hương bưởi). Khoảnh khắc Vườn trưa rợp bóng cây xanh, ngọt ngào hương bưởi, tinh khiết màu trăng, cho ta nâng niu dấu ấn thời gian khó phai mờ trong chị (Sinh nhật em, Viết tặng mình giáp tuổi, Đêm muộn thu, Mình đã chẳng xa xăm,…). Dẫu biết rằng: “Bởi chưng mai nhạt sắc vàng/ Nên xuân xa tận ngút ngàn trời mây”(Nhạt), chỉ một tứ thơ lục bát hai câu đong đầy chững chạc, bởi quanh mình rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè nên “xuân” còn lưu lại đâu đây (Họp bạn, Còn trẻ mà em ơi, Bạn ơi, Em còn mắc nợ,…). Rồi cũng lại bùi ngùi hôm ấy không cầm được (Nghiêng, Tiễn dì). Cho ta yêu quý một tấm lòng với mọi người quá trọn vẹn.

 Một khi đã nhận ra “Đời mất mẹ giờ này con thấm thía/ Chông chênh trời/ Chông chênh đất/ Chông chênh…(Nghiêng), cho chị kịp tìm về với biển, nơi dập dờn con sóng lại là sự thăng bằng cuộc sống cứ tiếp nối thăng hoa, chị hạnh phúc biết bao:
 “Thuyền ơi!
 Chân trời mây khỏa thân bối rối
 dưới nắng chiều hè
 Lũ còng biển trốn mãi không thôi
 Thuyền đánh cá đã quây quần reo khúc
 Cho ta trầm mình một chút
 xuống dòng nước mặn mà quê hương
 từng chở che người Nhơn Lý mến thương
 (Một khúc ngày Nhơn Lý)
 Vườn trưa thánh thót giọt nắng vàng trộn lẫn tiếng chim ca, nơi ấy có “Cánh đồng làng mướt xanh chen nhau vàng rực/ Nổi chìm/ những ích kỷ nhỏ nhen/ những bao dung quãng đại…”(Chợt), cũng dễ phân biệt khúc quanh ấu trĩ nằm lòng khó mà gọt giũa. Rồi, không chút đắn đo e dè, không hằn học trách móc, mà trái tim ngỡ khô cằn, lại độ lượng để hòa cùng: “Ngọn nồm quyện hương quê ngoại/ xoa dịu bao nỗi nhân tình”(Vườn trưa) thế thái xưa nay.
 Dẫu là cuối xuân hay đầu hạ, giữa thu hay ngày đông, một Vườn trưa thắp sáng trong tôi khúc giao mùa hiện hữu giữa đường thơ.

                                                                                           20.4.2017/ NGUYỄN THỊ PHỤNG



Thơ Haiku tả người

Thơ Haiku tả người. Xóa thì cũng tiếc, thôi thì nhờ ông Internet lưu lại chút kỉ niệm chia vui


Tui chấm điểm 10 bài thơ Haicu xứ Đà đã nhắn(8-6-2017): tks bà chị ròm bà chị gầy bà chị thầy Được thể, xứ Đà tuôn: ok ông em béo ông em mập ông em tớ. Năm bờ oan thằng nhóc lùn thằng nhóc con thằng nhóc nhãi (thơ Haicu tặng nhà thơ Nguyễn Dầu Phụng) Đã gởi: 9-6-2017 11:26:40 Người gởi:.. ĐT;....3079