Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

CHO NGÀY THÊM XANH.(Đọc tập Đêm ảo huyền, truyện ngắn của Phạm Hữu Hoàng, NXB HNV 2015)

CHO NGÀY THÊM  XANH.



(Đọc tập Đêm ảo huyền, truyện ngắn của Phạm Hữu  Hoàng, NXB HNV 2015)

                
           Giữa thực và mộng ngỡ không ranh giới, sự thật nhận thức con người đã tách bạch rào chắn vô hình, mà lắm lúc mắt thường khó phân biệt. Phải chăng đây cũng là định hướng của nhà văn Phạm Hữu Hoàng mong có sự đồng cảm sẻ chia qua tập truyện ngắn Đêm ảo huyền sau Vương Pháp (NXB Trẻ, 2009).
            Với cách chọn tựa đề Đêm ảo huyền là điểm nhấn gây cho bạn đọc đầy vơi trăn trở xoay quanh một số nhân vật về những câu chuyện, đâu chỉ có một khoảnh khắc mà còn là cả đời người với bao biến động tâm hồn, có những kết thúc đau lòng để bảo toàn khí tiết thân phận người phụ nữ là một bi kịch khó tránh khỏi trong ba truyện ngắn cùng mô típ về đề tài lịch sử thời phong kiến. Từ truyện Chuyện nàng Linh Lan lên mười bốn tuổi nằng nặc xin cha đến lò võ Lê Đường thọ giáo không ngoài mục đích “…để phòng thân khi gặp bất trắc. Sau nữa có thể giúp đời khi gặp cảnh trái ngang” nên nàng đã kiên trì khổ luyện học được hết những thế kiếm gia truyền, chẳng mấy chốc “Linh Lan trở thành người thân cận được Bùi Thị Xuân yêu mến, tin cậy”. Vậy cầm gươm theo nữ tướng là thỏa chí của nàng. Chỉ có điều không thể vung lưỡi kiếm của mình lên để sát hại Trần Quân, là người tận tình giúp đỡ Linh Lan từ buổi đầu đến lò luyện võ và tình cảm giữa họ đã nảy nở trước khi Trần Quân là công cụ thực hiện mưu đồ “nhà Chúa nghiêng ngã…”. Lưỡi kiếm đã tự kết thúc nàng khi không làm tròn nhiệm vụ. Còn Ý Uyên trong Tuyệt lộ, Huệ Như trong Những người cùng làng bế tắt cũng phải tự quyên sinh để bảo toàn nhân cách, hay nói đúng hơn họ không thể sống khi mà lọng dù phong kiến làm ngơ cho những bọn người phàm phu vô học, thiếu văn hóa lộng hành là như vậy.



    Để minh chứng cho một Đêm ảo huyền đầy sức thuyết phục về sự chiêm nghiệm đắng cay như có vay là phải có trả của mỗi nhân vật trong tác phẩm, Phạm Hữu Hoàng đã kết hợp từ yếu tố hiện thực với yếu tố tâm linh trong một số truyện với chủ đích giải quyết hơi thở cuộc đời phê phán cái xấu, mỗi con người tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình thông qua một số nhân vật nam như ngày trở về của Trần Quân “Một đời chinh chiến, vào sinh ra tử, sự thù hận, chém giết làm ta càng dấn sâu vào tội lỗi. Quyền lực, danh vọng đem đến cho ta nỗi sầu khổ mà thôi! Chỉ có tình yêu của nàng là thứ quý giá nhất ta từng có được trong đời. Ta đã đánh mất thứ quý giá đó khi từ biệt nàng bên dòng sông Nam Hạ. Giờ đây, không có nàng, thế gian này đối với ta chẳng còn ý nghĩa gì nữa”(Chuyện nàng Linh Lan). Sự dằn vặt tâm hồn đầy ám ảnh khi “… Gã lờ mờ nhận ra vừa trỗi dậy trong gã một con người khác. Một con người méo mó bệnh hoạn, chi phối gã, biến gã thành kẻ thấp hèn dung tục. Vẫn ánh trăng, dòng sông, cây bồ đề, vạt cỏ… mà sao heo hút, ảm đạm quá. Đầu gã cúi xuống như sám hối”( Đêm ảo huyền). Riêng Hoạch ở Cõi mê, không phải là cầu an, nhân nhượng mà biết bỏ qua vì anh đã “đề nghị giảm nhẹ tội cho những tên ngỗ nghịch đó” cũng từ ý nghĩ muốn giáo huấn một con người nhất là lớp trẻ ngỗ nghịch với những lỗi lầm còn nông nỗi, hay đó phải chăng còn là lòng vị tha cho cả chính mình nữa.

          Càng quý hơ n những trang văn ẩn trong lớp áo người lao động bình thường dang rộng tấm thân hộ pháp chở che, thuần túy của một nhân cách cao đẹp như ông Tự trong Lũ muộn, nhân vật ba của Hạ trong Người cha thảm hại. Tác giả xây dựng khá thành công nhân vật là nhà giáo thanh bạch nghỉ hưu như ông Hạn lại dằn vặt vì đứa con trai bị thoái hóa trong Góc quê êm đềm(Tr.136). Còn trong Khoảng lặng(Tr.163) kể về thầy giáo Nam từng đứng lớp chỉ giàu kinh nghiệm giảng dạy cũng rất áy náy về thái độ ứng xử của mình đối với Phục, nhưng người học trò ấy biết vượt qua hoàn cảnh để sống tốt hơn.
        Chùm truyện ngắn: Đâu phải chuyện ba người, Biển tím, Thế giới này là của con là một thông điệp hãy biết quan tâm tới những người thân thiết, nhất là với tâm hồn trẻ thơ trong trắng. Về sự đổi mới của một làng quê cũng như nhắc nhở đánh thức và duy trì cái đẹp mỗi ngày thêm xanh cho sự tiếp nối tiềm ẩn nhẹ nhàng trong Khoảnh khắc và mãi mãi(Tr.113).
          Đọc Đêm ảo huyền ta nhận ra biết bao sự kiện biến chuyển cuộc đời và tình người đều mang tính khách quan khi điểm nhìn ở ngôi kể thứ ba. Tác giả cũng đã khai thác nội tâm nhân vật xưng tôi về sự hối lỗi trong hai truyện Đâu phải chuyện ba người, Người cha thảm hại. Dù đứng ở góc độ nào thì cách dựng truyện của nhà văn, nhà giáo Phạm Hữu Hoàng nghiêng về hướng thiện, lấy dân làm gốc để kết thúc truyện đầy hả hê: “ Dân làng Nam Hạ bắt đầu lưu truyền câu vè: Nam Hạ có Chánh tổng Kiêu. Hại người, trời hại hết điều kêu ca…”(Chuyện nàng Linh Lan). Hay “Bất chợt, ông thấy nắng xuân chiếu qua cửa sổ làm vàng mấy chùm bông mai đang nở rộ. Chưa bao giờ ông thấy những bông mai ông trồng rực rỡ, đáng yêu đến thế.”(Khoảng lặng), là cái kết đẹp về sự nghiệp trồng người của một nhà giáo nghỉ hưu đầy toại nguyện. Không thiên về tác giả, nhưng biết Phạm Hữu Hoàng chẳng thể dừng lại thường ngày bộn bề công việc chuyên môn ở một trường THCS, với anh, tập Đêm ảo huyền ra đời là góp thêm phần nào về ước mơ khát vọng chân chính của con người, dù ham muốn vật chất xa xỉ đang chạy đua với tốc độ cao bên ngoài thị trường, nhưng những trang truyện  anh  viết vẫn là tài sản vô giá cho bạn đọc suy ngẫm của hôm qua và ngày nay./.

                                      07.02.2015/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

. DỄ DÀNG GÌ GẶP BÙA MÔI (Đọc “Bùa môi” tập thơ Thái An Khánh) Nguyễn Thị Phụng

. DỄ DÀNG GÌ GẶP BÙA MÔI
       (Đọc “Bùa môi” tập thơ Thái An Khánh)


       
Đâu phải tự kiêu, vẫn thích mở đề bằng hai câu thơ của mình: “Nhặt từng cành hoa xếp thành một bó/ Tặng mùa thu hương theo gió bay xa”. Việc góp nhặt xưa nay trong đời thường cũng rất nhiều người làm với mục đích khác nhau, riêng tôi đi tìm câu thơ hay, khám phá tác phẩm mới và coi đó như là món quà tự mình thưởng thức vẫn chưa đủ, cứ phải viết ra cùng sẻ chia niềm vui muốn nhân rộng từ trong nôi thơ ca vùng quê thị xã An Nhơn. Người Bình Định đã chọn một nghề cho chín để mưu sinh như Thái An Khánh, thạc sĩ toán học, sinh năm 1978, là giáo viên THPT Hòa Bình An Nhơn Bình Định lại ra mắt bạn đọc tập thơ “Bùa môi” (NXB Văn học, 2012) quả là điều bất ngờ. Phải chăng cái nghiệp anh dẫn đến cái nghiệp tôi tò mò tìm đọc cho hết tác phẩm mới thỏa nguyện ước ao.

          Từng trang sách mở ra cuốn hút mắt tôi phải đọc kĩ từng bài mới thẩm thấu hết cái tứ thơ của Bùa môi mà Thái An Khánh lựa chọn. Từ một bài hai câu: “mồ côi mẹ dạt chợ đời / mồ côi vợ trắng đêm cười dở xuân”*(mồ côi)* nếu anh có thể ngắt xuống dòng: “mồ côi mẹ/ dạt chợ đời// mồ côi vợ/ trắng đêm cười dở xuân” chính nhịp thơ 3/3 mạnh đau đáu cho hai phận người. Một tất bật lưu lạc mưu sinh, một trăn trở trống vắng đơn côi. Giữa cái tình mẫu tử và cái nghĩa phu thê đều ăm ắp xót xa cả. 

          Tiếp là chùm thơ Haiku sáu bài mở ra từng không gian vây quanh người: “em tắm/ chim hót/ gió trượt chân” rồi lồ lộ: “đường cong em/ suối trườn qua/ trăng cười” anh tiếp tục miêu tả đường nét: “ngực em/ đỉnh Everest hương/ chân mặt trời mãi miết” đến âm thanh : “tiếng mèo kêu/ góa phụ đi tắm/ đóa quỳnh nở” có cả: “tiếng cuốc/ xé toạc đêm/ chinh phụ” kết thúc: “lá lìa cành/ hoài niệm mối tình/ thu qua”. Chân dung ngà ngọc trong trắng quá đã vỡ òa khát khao bản năng “em” tự nhiên trỗi dậy, muốn lặp lại vẫn cứ bơ vơ. 
            Đến bài lục bát bốn câu: “buổi này cổ phiếu giá hời/ thị trường vỡ mộng khóc cười trông nhau/ tình gieo phải luống lợi cầu/ cầm tù mây trắng đời đau hải hồ”(gieo). Cách đối chiếu giữa tiền và tình, giữa vật chất và tâm hồn luôn làm khổ đau con người nơi trần thế. Những từ “cổ phiếu, giá hời, thị trường,…” là ngôn ngữ thường ngày trong kinh doanh được tác giả đưa vào thể thơ cũng dễ gây xốc người đọc, nhưng đến kết bài thì “hải hồ” chính là từ ngữ văn chương để ví cái rộng lớn bao la về lòng độ lượng, nhưng đó lại là sự hụt hẫng mất mát trong cái “tình” hơn cả giữa cuộc chơi ăn thua lời lỗ. 
          Như vậy có thể tìm ra được đáp số tựa đề tập thơ Bùa môi của Thái An Khánh. Không thể hiểu theo nghĩa trụi trần khi bài thơ có những từ “ bùa môi” trong câu “gió người hóa giải bùa môi”(sông quê), hay “câu thơ em tặng hồng nõn mùa môi” (tin nhắn), hay “em lì xì anh môi hôn”(lì xì), “góc trời xa đề tặng nụ hôn em…” (gửi hạ), “cố hong những nụ hôn đã tắt”(đêm trắng), “thoảng đây hương cũ là môi mọng” (ly khúc), “hương mắc cửi ngập đóa hôn”(lửa khát), “nửa cuộc chơi- nửa nụ hôn lỡ”(dấu xưa), “Thuở hồng hoang mắt biếc môi son”(hương duyên), “chúng chẳng thấm bằng đôi môi em”(sinh nhật em), “…đôi ta quen nhau hò hẹn chiếc hôn”... Thật ra những câu trong các bài thơ có cùng “trường từ vựng”: “ môi / hôn”, phải chăng là dụng ý của tác giả muốn đề cập đến đề tài tình yêu nồng nàn là không thể thiếu. Cũng có thể đây là tập thơ đầu tay của anh! 
         Đọc Bùa môi của Thái An Khánh mở ra một không gian vũ trụ và thời gian con người đan xen nhau. Trong cách đối ngữ hai hình ảnh tự nhiên:
              “Núi xanh biếc chiều rộng những cánh chim
                giờ người lấy đá mù sương bụi

                kí ức mai sau neo vào đâu?
                dòng sông soi chung khuôn mặt hai ta
                giờ rác và rác
                sông chết tức tưởi
                thời gian đòi chân lý ra tòa

                                                    (tri kỷ)
          Tưởng chừng không gian khoáng đãng cho những cánh chim tung giữa bầu trời bay về rừng xanh làm tổ hun hút tầm mắt, còn việc khai thác đá để phục vụ cho cuộc sống là nhu cầu của con người, nhưng không gian mù sương bụi cứ lấn dần núi xanh kia một cách tùy tiện. Còn dưới dòng sông trong veo là chiếc gương soi chung bóng thuở nào, giờ còn đâu?! Dày đặc những rác thải là một thực tế. Đã đến lúc không thể lặng im, lời cảnh báo giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường luôn được đặt ra trên phương tiện truyền thông truyền hình, báo chí,… sao dòng sông tức tưởi, phải chăng chính con người đã tự hủy diệt cuộc sống chính mình. Tình yêu núi xanh và dòng sông biêng biếc quê mình không thể không lên tiếng. Đứng trên bục giảng thường ngày, Thái An Khánh đâu chỉ vẽ nên những trục tung trục hoành, hay xác định đường cung  trên vòng tròn,… còn sẻ chia thêm những cảm xúc của mình như muốn níu kéo lại: “hương tóc thơm mạch nguồn tươi mới/ em đi/ gió hun hút đường về”(tri kỷ) nào có được đâu, rồi con chữ đã bị hỏa thiêu nên một mình đồng vọng thôi thúc: “rót trăng vào li/ … uống đi nào tri kỷ”(tri kỷ). 


          Tri kỉ với anh là không gian vũ trụ muôn hương sắc và thời gian con người đâu thể tách tạch, nó tiếp nối thôi thúc sự đồng cảm sẻ chia. Mỗi tứ thơ về đề tài tình yêu là mạch nguồn tuôn chảy, là cảm hứng chủ đạo trong Bùa môi. Hương sắc những cành hồng món quà tinh thần, hay loại hàng mĩ phẩm trang sức đều tăng thêm sự quyến rũ cho phái đẹp cũng luôn kích thích thị hiếu người tiêu dùng, nhưng rồi cân đi đo lại với anh còn có những món quà tặng quý giá hơn: “Sinh nhật em/ chẳng biết tặng gì/ tặng cuộc đời anh trần trụi/ biết khóc cười dâu bể cùng em”(sinh nhật em). Đó mới là tiếng nói chân tình sâu lắng từ trái tim nhà thơ, không thành thật sao được khi cả cuộc đời em khao khát: “em chẳng cần vàng ròng anh tặng/ chẳng cần anh thiên tài/ chỉ cầu mong trong anh/ chín mươi chín phần trăm là em…” (chín mươi chín phần trăm). Có những trường hợp: “Khi yêu anh/ mẹ cha cản ngăn/ định kiến dòng tộc cao hơn đỉnh Everest…” lúc này anh vạch ra một cuộc “cách mạng yêu”* đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ cho tình yêu muôn đời bền vững, khi đã quyết thì dù “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”(Ca dao). Bởi: “anh không mệt mỏi đánh thức tiềm ẩn mãnh liệt trong em/ tế bào thật sự sống/ khát vọng căng đầy bầu ngực/ lời con gọi mẹ thổn thức đêm sâu” (cách mạng yêu). Nhìn cảnh “ Gia đình nội chiến triền miên” thì kết quả …giường chiếu đơn côi/ đất trời băng giá…” và hơn nữa những đứa con vô tội “như trang giấy trắng lại bồng khổ đau/ tháng ngày thơ ấu rách nhàu/ làm sao có được một màu tương lai”(duyên trầu cau). Tác giả cũng phẫn nộ trách móc những ai thờ ơ chà đạp làm sơ cứng trái tim, để những đứa trẻ thiếu vắng cha hay thiếu vắng mẹ trong ngôi nhà: “ ngày xưa đám cưới mâm trầu xanh tơ”(duyên trầu cau). Quả thật cái tâm và trách nhiệm của một nhà giáo như Thái An Khánh sao không khỏi day dứt nạn nhân cuộc nội chiến gia đình chính là những học trò thân yêu thường ngày của mình. 

           Anh đau đáu khi bộc bạch sẻ chia những điều mắt thấy tai nghe trong chừng mực thời gian nào đó khi việc chuyển tải cảm xúc bằng ngôn ngữ thơ đôi chỗ còn trùng lặp với lời nói thường ngày. Dù lời nói thường ngày đã đẹp, ở thơ phải được nâng cao. Nhưng đọc Bùa môi có ai dám bảo thơ của một giáo viên toán toàn là những kí hiệu của tích phân, phương trình vòng tròn,… mà trái lại đằm thắm ngọt ngào trong bài “em về” kết thúc tập Bùa môi của Thái An Khánh:                                    “                                “Em về. Vựa nắng hân hoan
                  Một trời tím ngát hương xoan dịu dàng
                  …Em về. Trăng động nét in
                  hồ ru võng gió lời tình xanh mơ
                  nâng dòng cảm xúc non tơ
                  thâm trầm ý nhị câu thơ đỉnh mùa
                  Em về. Phồn thực thoi đưa
                  thắm trang đời điểm giao mùa nhân gian”

         Một tín hiệu vui khi đọc đến hai câu cuối: giữa vần ưa trong câu lục ở trên “Em về. Phồn thực thoi đưa” với vần ua trong câu bát ở dưới “thắm trang đời điểm giao mùa nhân gian” có sự hợp vần trong thể thơ truyền thống anh đã chọn, còn theo tôi thì… giá như tác giả mở rộng thêm vốn từ giữa giao mùa với giao thừa vào trong câu bát vừa không lặp lại từ mùa trong câu bát “thâm trầm ý nhị câu thơ đỉnh mùa” ở trên, đó là mùa yêu, mùa hạnh phúc được thăng hoa. Còn giao thừa đâu chỉ hiểu theo nghĩa thực thời điểm bàn giao năm cũ mới, mà còn là sự tiếp nối giờ khắc thiêng liêng cao cả cần ngợi ca trân trọng gìn giữ khởi đầu cho sự nảy mầm của vạn vật trong đó có con người.
         Đâu dễ gì gặp được Bùa môi, một trang đời tổng hợp của Thái An Khánh. Ngỡ như đơn côi: “Một mình nhặt bóng một mình say…” Những cảm xúc “say” mới mạnh bạo đánh thức người đọc suy ngẫm bằng nhiều hình thức thể văn vần, văn xuôi. Cách sắp xếp những con chữ theo nhiều hướng suy luận khác nhau, cũng như toán học có nhiều cách giải, dù cách giải nào vẫn chung đáp số: trăn trở về tình yêu, đề cao vẻ đẹp hoàn thiện giá trị chân chính của con người. Tác giả không ngần ngại phả vào trào lưu thơ văn xuôi hiện đại hồn thơ mới rợi: “những con chữ bay không gian tươi rói/ câu thơ em tặng hồng nõn mùa môi/ em thay số- đổi phiên tình giao dịch/ hoang hóa mênh mông đêm cuốc lẻ loi”(tin nhắn). Nhưng chưa là mới lắm bởi những hình ảnh từ ngữ đêm cuốc, thuyền quyên, dâu bể, hải hà, phồn thực, bà nguyệt ông tơ,…có mặt trong những câu thơ của anh. Có lẽ bạn đọc còn chờ ở Thái An Khánh những tập thơ tiếp theo.
                                                 05. 12. 2012/ Nguyễn Thị Phụng
___________________


*Tên các bài thơ chỉ in đậm không viết hoa                                   

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

NGỠ NGÀNG SAY MỘT TỨ THƠ. Nguyễn Thị Phụng.

NGỠ NGÀNG SAY MỘT TỨ THƠ.
(“Đắm đuối nửa tờ thơ ” của Đặng Quốc Khánh)

    
        Tôi rất thích hai câu thơ: “Cứ mỗi năm chợ càng thêm trẻ/ Chẳng ai già khi trời đất vào xuân”(Lúng liếng tình xuân) in trong tập Lóng ngóng câu thề (Nxb Đà Nẵng-2006) của Đặng Quốc Khánh.Đến nay, tập “Đắm đuối nửa tờ thơ ”ra đời, Đặng Quốc Khánh vẫn giữ một phong cách sáng tác riêng “…càng thêm trẻ… khi trời đất vào Xuân”, lại thêm sự chững chạc của một nhà giáo nghỉ hưu, sự đắm đuối vì thơ của một thi sĩ đa tình.
       Tựa đề “Đắm đuối nửa tờ thơ” đã khơi gợi sức xuân căng đầy khao khát yêu thương của Đặng thi sĩ, sự say mê cuốn hút tưởng chừng quên cả lẽ đời.        
       Thơ Đặng Quốc Khánh có thi pháp không gian nghệ thuât, thời gian nghệ thuật độc đáo. Hành trình “Đắm đuối nửa tờ thơ “ của anh đi qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, không gian thời gian nào cũng đầy những hoài niệm.

       Có thể nói, “nửa tờ thơ” chính là sự cộng hưởng rộn ràng từng bước chân anh trên những nẻo đường đất nước, những không gian xanh mở ra thật ý vị, chan chứa dâng trào cảm xúc sâu đậm. Stendhal - nhà văn Pháp từng nói: “Cái đẹp là sự mời gọi hạnh phúc”.Với Đặng Quốc Khánh, hạnh phúc đầu tiên rất khẽ khàng mà bừng hương sắc không thôi khi anh đặt chân lên miền đất cực Nam của Tổ quốc:
           “Chạm tay vào Mũi Cà Mau
            Nghe thơm mùi đất địa đầu cực Nam
       … Chạm tay cột mốc bạc đầu…
            Lòng nao nao máu rộn câu ân tình…
                                                             Đắm đuối nửa tờ thơ * 93

        … Chạm tay sang sảng giọng cười
            Con người hào phóng trùng khơi trở mình”
                             (Chạm tay Đất Mũi).
       Có lúc, bản thân anh - nhân vật trữ tình, không giấu được những khoảnh khắc rung động tự đáy lòng mình khimiền đất lạ anh đến cũng đã hóa tâm hồn không biên giới, khi sự cận kề  nam nữ sóng đôi trong từng điệu múa  làm  thăng hoa cảm giác và cảm xúc , mở ra cái đẹp duyên dáng, uyển chuyển hình thể: “Môi kề môi/ Vai sát vai/ Điệu lăm-vông/ chảy mướt dài sóng chân/ Đôi tim Lào - Việt lâng lâng/ Thanh cao cũng lắm/ Phong trần cũng ghê/ Dấu son in nửa câu thề/ Để ta thờ thẫn nẻo về bâng khuâng…” (Cái đêm Paksé tang tình).
       Có lúc, người đọc bắt gặp một hiện hữu  không gian tưởng chừng tĩnh mịch:
           “Con nắng rớt lìa chiều không lụi tắt
            Đêm không trăng vẫn sáng một bên trời
                              (Chút lòng ngóng đợi)
nhưng ẩn chứa đằng sau lại là những đau buồn không nói nên lời.
        Có lúc, những miền đất phương Nam anh đi qua cứ hòa quyện thắm thiết tình người tình đất mênh mang dạt dào sóng nước sông Tiền sông Hậu tuôn ra cửa bể  vô vàn nỗi nhớ  qua những bài thơ đặc sắc: Gửi phương Nam, Sóc Trăng thương nhớ, Chút lòng ngóng đợi, Giọt lệ muộn màng, Vọng cổ Vĩnh Long lộng gió sông Tiền…
        Có lúc, bước chân nhà thơ lãng tử còn vượt qua những chặng đường quanh co uốn khúc, lên đến độ cao trên ngàn mét đầy vơi trăn trở: “Trời cao / Ta tận cùng đau / Đất sâu / Ta tận cùng sâu nỗi buồn”(Lục bát ở Măng-Đen) để rồi trong cô đơn anh tự giãi bày, tự an ủi chấp nhận: “Thì thôi / Cuối đất cùng trời / Ta - Em / Vui hái lộc đời ân ban” ( Lục bát ở Măng-Đen), hay vỗ về: “Thôi em / Đừng nói gì thêm / Chỉ Anh - Đà Lạt và em / Thiên đường!”(Ngẫu hứng Đà Lạt).
       Cũng có lúc , anh như đến thiên đường thực tại say hết mình với những cuốn hút mạnh mẽ :
           “Cùng em nhảy sạp, múa xoan
             Điệu khèn, tiếng Pí xoay tròn vòng yêu
             Với tiên nữ mấy cũng liều
             Không mưa gió cũng liêu xiêu dáng hình
             Gặp em một thuở Chợ Tình
             Đường về cứ mãi gập ghình lòng anh
                                      (Điệu tình SaPa)
        “Đường về” trong “Điệu tình SaPa”được xem như là cuộc chia tay màu hồng đầy kỉ niệm giữa kẻ miền xuôi - người miền ngược. Đi - đến - ở - về … còn hòa chung cảm xúc nhớ nhung trong cách ngắt nhịp ở một bài lục bát chân chất mà rất trữ tình:
           “Rượu Bàu Đá, cá sông Côn
            Người ơi
            Người thích ở luôn đừng về!
      
        …Thì thôi hát trọn cung đàn
            Rồi mai
            Rồi mốt
            Hợp tan cũng đành

            Chút duyên nước biếc non xanh
            Cũng là giai ngẫu thiên thành
            Người ơi!
                                 (Chòng chành chiếu rượu)
        
        Đâu chỉ có đặc sản vùng miền mới giữ chân nhà thơ, đâu chỉ có cái đẹp nghệ thuật ngôn từ  mới làm cho người đọc thưởng thức sắc màu không gian.Chính cái tình quê đậm đà bao năm mưa nắng vượt qua khỏi lửa chiến tranh, ăm ắp lời nhắn nhủ: “Em có bồi hồi khi ghé lại / Thăm căn nhà cũ, ngã tư hoa / Sợi thương sợi nhớ ai giăng níu / Quá nửa đời anh vẫn thiết tha”(Chiều giáp Tết em có về Tuy Phước). và những hoài niệm một vùng đất “Dáng xưa / Một thuở Đồ Bàn / Ngàn năm soi bóng Côn giang chẳng mờ”, … “Ân tình / Đất mẹ An Nhơn / Ngọt hơn sữa lúa / Ấm hơn lửa nồng”(Về lại Đất Thành) cứ ấp ủ, nuôi dưỡng trong tiềm thức anh khác nào hạt mầm vươn lên mặt đất bung lá biếc . Nếu ai bảo  chỉ có tự nhiên độc quyền sản xuất ra cái đẹp thì chưa hẳn. Khi nhà thơ dấn thân vào cuộc sống của nhân dân, chính hiện thực được phản ánh đã minh chứng anh là một thi sĩ có tầm, một nhà giáo có tâm vói những câu thơ nóng bỏng lòng yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, giàu tính chiến đấu. “Bồng bềnh quán gió lộng trời khói sương” của một Phú Yên thuở nào được khơi gợi lại với hình ảnh: “…Bến tàu không số/ Cung đường Vũng Rô/ Sóng to gió dữ không lùi/ Biết bao liệt sĩ… ngậm ngùi vô danh!”(Uống rượu với bạn trên đầm Ô Loan).
Hay:
       “Cuộc chiến đấu ở khu Đông năm xưa vô cùng ác liệt
         Nào ai biết trước phút hy sinh
     … Biết mấy đồng bào ta máu đổ
         Biết bao đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này?
         Khi nhổ bốt, phá đồn, khi diệt ác, nối đường dây
          Khi địch nống, địch càn, khi ta tiến
          Trước mặt là kẻ thù
                                     sau lưng là biển
         Che chở an toàn là những tấm lòng dân”
                                          (Trở lại Khu Đông)
       Trong lời cuối sách « Nhật kí nữ nhà báo chiến trường», nhà thơ Lệ Thu cho rằng :“Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng,… đất nước được hòa bình thống nhất,… là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời,…” Với Đặng Quốc Khánh, cầm bút làm thơ còn là để tri ân bao lớp người đi trước, những anh hùng liệt sĩ cách mạng, trân trọng giữ gìn điểm tô những thành quả ông cha để lại, tìm ra nguồn gốc chân lí, lẽ công bằng, tạo niềm tin cho cuộc sống hôm nay(Viết ở Nghĩa trang Trường Sơn, Dáng đứng An Nhơn, Kỳ diệu Nhơn Châu.)     
        Tiếng nói nhà thơ còn tiếp nối sự đồng cảm với các bậc thi nhân :  
- “Phảng phất hương, thiết tha, lãng mạn
    Tiếng thơ sinh từ đất Gò Bồi
                         (Nhớ Xuân Diệu)
-“Đời thơ còn xối cơn đau /
    Còn khe nước ngọc dòng châu tuôn trào
                    (Viếng mộ Hàn Mặc Tử)
 -“Bóng giai nhân có đợi chờ
     Cầm chân hoa để mộng mơ không tàn
                    (Còn mãi bến My Lăng)
         Đặng Quốc Khánh còn thành công ,sáng tạo trong ý tưởng vịnh Kiều mà vẫn giữ được thi pháp truyền thống(Giọt lệ nàng Vân, Bi kịch nàng Vân).
       Dù “Gió ngày tháng xác xao bờ kỷ niệm / Cuốn hai ta xa cuối đất cùng trời / Miền hạnh ngộ lững lờ trong hư ảo / Em trượt tình đắm đuối nửa tờ thơ” , Đặng Quốc Khánh  vẫn  luôn là chàng trai đất An Nhơn Bình Định bâng khuâng nhớ lại cái vụng về đắm say thuở nào“Em thưởng cho nụ hôn / Líu quíu không hôn được / Môi hồng em phía trước / Anh hôn trượt gáy sau”(Hôn).Và cái tình riêng của anh với người bạn đời chung thủy cứ vẹn nguyên một tâm hồn trước sau như một sự tự trách mình :“Anh là lãng tử đa tình / Ham vui lắm lúc quên tình sắt son” (Thương em mắc nợ người dưng). Có lẽ, anh sẽ không nguôi “đắm đuối” hồn thơ đến hết cuộc đời mình: “Ơi mắt biếc em Thăng Long kiều nữ! / Lòng anh luôn thắm đỏ sắc hoa đào / Em có muốn cùng anh về Bình Định / Lên những Tháp Chàm hát khúc tiêu dao?”(Đắm đuối nửa tờ thơ).
     Trong 60 bài thơ của ‘Đắm đuối nửa tờ thơ”, hai phần ba là thơ lục bát. Thơ lục bát là thế mạnh và sự thành công của anh. Thi hứng luôn khơi gợi sự sáng tạo theo từng nhịp điệu trái tim, từng cung bậc tâm hồn.Thơ Đặng Quốc Khánh bình dị, đậm chất trữ tình, hiện thực, nhân sinh, có khi triết luận… nên sẽ sống mãi với thời gian.
                                                 
                                                  Tuy Phước 7. 5.2015

                                               NGUYỄN THỊ PHỤNG

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

RIÊNG TÔI TÌM MÓT RUỘNG ĐỒNG- Nguyễn Thị Phụng

                                 RIÊNG TÔI TÌM MÓT RUỘNG ĐỒNG
                (Đọc Chiếc lá hồi hương, tập thơ Viễn Trình, NXB. HNV. 2015)

        Ở tuổi hai lăm cho ra đời tập thơ Cánh chim bay về (NXB Đà Nẵng- 2007) và tám năm sau là Chiếc lá hồi hương (NXB Hội Nhà văn- 2015). Ngay từ việc chọn hai tựa đề đã có sự thâm thúy của Viễn Trình, một tín hiệu vui cũng không lạ gì ở cây bút trẻ Bình Định. Đã vậy còn mượt mà hơn bằng những dòng lục bát chân quê, thấm vào lòng người đọc dẫu khó tính nhất luôn là sự đồng thuận. Lung linh tỏa sáng bên cạnh nhiều thể loại tự do, phải chăng Chiếc lá hồi hương mở ra những tứ thơ có “Tiếng vằng vặc rọi quê nhà thần tiên”(Tiếng trăng) đầy yêu thương quá!

       Có thể nói trước đây và bây giờ cũng vậy, thơ và đời luôn đồng hành nhau. Bởi đời đi vào trang thơ bằng cảm xúc thẩm mĩ nuôi dưỡng tâm hồn người. Vì lẽ đó thơ sinh ra sự sống dẫu là thường nhật không văn hoa của một chàng Viễn Trình rụt rè yêu: “Dòng em ý tứ thêu thùa/ Dòng tôi hình vị gió lùa riêng tư/ Bao năm lồng ghép sặc sừ/ Một câu nói chỉ ba từ… không xong”(Ngôn ngữ hai dòng sông) và dỗi hờn cũng rất Bình Định: “Buồn lên nửa cánh bằng rồi/ Sao em chưa chịu nhìn đời hư hao/ Bỏ anh ra, cộng nẫu vào/ Bổ sung lại giấc chiêm bao lạ lùng”(Bổ sung lại giấc chiêm bao). Để rồi cho ta tận hưởng cảm xúc thăng hoa “Những đêm ngồi khóc nai vàng/ Suối ngơ ngác cạn không tàn trăng rơi”(Người từ sơn cước). Mở ra không gian thơ mộng liên kết  thực tại đến ý tưởng đã sẻ chia gần đây: “Gọi sen, sen đã biệt hồ/ Gọi nai, nai bỏ suối bơ vơ rồi”(Gậy xuân, Nguyễn Thanh Mừng), Nhà thơ cũng rất thành công ở tuổi ngoài ba mươi với tập “Ngàn xưa” tích cổ từ những năm 90 thế kỉ trước. Còn ở Viễn Trình hôm nay, đã kế thừa sự sáng tác tiếp nối không đứt quãng với truyền thống cũ, mà gần hơn hết là cuộc “Du hành lục bát”(Tập thơ Khổng Vĩnh Nguyên) sinh ra anh, người con Cát Hải, Phù Cát- miền nắng gió tự nhiên thử thách lâu đời. Thể như con sóng cứ mãi xô bờ, gặp lớp cát mịn lặng im trong cát mịn thanh lọc đời mình, gặp ghềnh đá góc cạnh lại tung bọt trắng xóa miệt mài bào nhẵn cho tròn trịa mới thôi. Biển ngàn năm cũ đấy. Nhưng chưa bao giờ già nua. Lại bền vững trẻ trung theo mùa. Vị mặn nồng hương biển bẩm sinh từ trong máu thịt Viễn Trình đã trở thành năng khiếu một nhà thơ trẻ quê hương của hơn mười thập niên đầu thế kỉ XXI này. Không ngoa.

       Chiếc lá hồi hương cứ lặng lẽ thời gian mở ra thi vị cuộc đời cho một tình yêu chân chính. Nhân vật trữ tình trong thơ Viễn Trình được gọi “em” thể như đại từ xưng hô cùng với “anh/ tôi/ ta” cho thuận lời bộc bạch:
      Lúc thì ngọt ngào chan chứa em- anh: “Bốn mùa chụm lại thành non nước/     Anh hớp thật nhiều chẳng thấy vơi/ Xin em một ngụm tình ao ước/ Đỡ lòng anh khát lúc đơn côi!”(Bốn mùa chụm lại). Còn có sự bền bĩ nào hơn nữa (Gọi tình, Tưởng tượng,…) mãi duy trì:
                  “ Một mình ngọt nắng đắng mưa
                    Buồn như bong bóng em vừa thổi bay
                    Anh chùi chưa hết dấu tay
                    Mười năm gõ cửa xin vay ái tình

                                            (Mười năm gõ cửa).
      Lúc thì “em- tôi” thận trọng nhắn nhủ (Quê nhà sẽ thưa, Mùa xuân nghĩ cạnh dòng thơ, Nỗi buồn bỏ quên, Hỏi thăm, Mặc khải, Giữ gìn, Lá đầu sông,…), đã không tự trách mình mà độ lượng: “Ơn em từ đấy vội vàng/ Tôi như mây lạc về ngang lưng trời/ Ơn em từ đấy xa vời/ Nhớ mong sà xuống, tơi bời vụt lên/ Rừng thông thay lá gọi tên/ Người đi một thuở đừng quên quê nghèo!”(Ơn em lá gọi).
       Lúc thì sức chịu đựng bấy lâu nhưng vẫn một mực là “em”, dẫu chút hằn học cố nén phải bật ra: “Em xẻ đời cổ thụ/ Ta nằm chết phôi thai/ Mưa xuân dầm nắng hạ/ Ta đứng không hình hài”(Khổ đau không hình hài). Quả “em” có hạnh phúc không khi được thi sĩ chết cho tình yêu ấy: “ta” dành cho em là thế. Mặc cho ta nằm chết từ trong phôi thai mầm nhú, ta điên khùng tan vỡ, đến nỗi: “Vầng trăng cất bóng tạ từ/ Phong ba khiếp sợ tôi nhừ tử yêu/ Hạ rồi, thu nữa… bao nhiêu?/ Biết ai khổ hạnh sớm chiều đó không!”(Biết ai khổ hạnh). Hạ rồi, thu nữa… bao nhiêu đâu chỉ là vòng thời gian đong đếm, thấp thoáng sự mãnh liệt “Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu” của một Xuân Diệu thời Thơ Thơ(1938), thấp thoáng một Vũ Quần Phương cuối thế kỉ trước “… Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không”. Thi sĩ có si tình đến mấy rồi ngộ ra “Đã qua thời niên thiếu/ Đã lại tháng năm mòn/ Tóc trên đầu chợt hiểu/ Đã quen rồi cô đơn”(Tự mài mình phong ba).
       Viễn Trình biến cô đơn nhập hồn tĩnh lặng, đằm thắm, tung tẩy với một chút ngông nghênh:
         “Ai giúp tôi rơi ra ngoài quả đất
           Buồn tàn theo tầm vút nắng an nhiên
           Nhổ phận mình neo trong tĩnh lặng
           Bất tận mùa xanh trái vô biên

                          (Bất tận mùa xanh trái vô biên).
        Chiếc lá hồi hương trở về quê nhà khó neo trong tĩnh lặng, một khi nắng gió dãi dầu cuộc mưu sinh, tâm hồn “thi sĩ” trở về thực tại cho mùa bất tận lên xanh, là cầu nối nhịp đập trái tim chở che tháng ngày lận đận nhớ  nhung: “Giếng quê mạch sạch gạo làng/ Em ngồi vo những vô vàn tình anh/ Dựng lều hai đứa ngồi canh/ Cơm trào sóng bể rát gành mây bay”(Gạo vo thành tiếng cơ cầu), nhọc nhằn thân phận, sẻ chia (Nhắn về, Hương cốm mùa thu, Bát cơm ấm giữ tình người,…). Chờ mong mùa kết trái, nên càng ý tứ phải nhẹ tay, lỡ “Bẻ một nhành mai sặc sỡ/ Anh cắm vào nỗi nhớ/ Cuốn lá thì thầm… xuân rỉ nhựa mênh mông”(Về Tân Thanh):    
        “Về Tân Thanh đi em
          Nghe mẹ hát bài ru em thân thuộc
         ….
          Về Tân Thanh như lúc mẹ từng trông
          Ba tỏ tình bằng khúc ca trên vồng đất ải
          Nụ cười tươi hương hoa cải
          Về Tân Thanh đi em!...

                       (Về Tân Thanh)
        Thể như điệp khúc mong kết nối cuộc vuông tròn bằng đôi tay chính mình. Hạnh phúc sẽ chẳng dựa dẫm vào ai, chỉ là anh, chỉ là em trở về với luống cày quê hương sau ngày lũ rút. Nơi ấy quen thuộc với rạ rơm bao mùa gặt hái, nuôi dưỡng chăm chút đời ta bằng hương lúa, ngô, khoai,... Hay Viễn Trình đã nằm lòng Chân quê (Nguyễn Bính) khẩn cầu rời xa bến mê, cái bến nặng nợ vật chất lại đầy sức hấp dẫn thu hút “phận” em thế kia!...  Nhà thơ đã kịp đánh thức, đưa em sớm trở về bằng những dòng lục bát ngọt ngào lay động:
        “Ngày lũ rút ta sẽ về gieo sạ
          Cầm tay anh, em đợi lúa xanh đồng
          Cầm tay mẹ quên nỗi buồn xứ lạ
          Nắng thu vàng tỏa giữa mùa đông

                       (Ngày lũ rút ta sẽ về gieo sạ)
        Những thiên tai lũ lụt dẫu cướp đi biết bao thiệt hại con người và tài sản, bù lại ruộng vườn màu mỡ phù sa. Vậy thì “Rễ siêng đâu ngại đất nghèo”(Nguyễn Duy). Phải chăng đây là lúc em về thăm lại quê nhà hợp lí nhất “Em gạt nỗi buồn, anh bừa cạn trôi qua”, nâng niu nơi tuổi thơ em lớn lên đầy kỉ niệm. Viễn Trình đã chọn đúng “thời vụ” xây dựng tứ thơ cho mình. Bởi “Làm thơ, khó nhất là tìm tứ. Tứ thơ bắt đầu đẻ ra sự sống để tác động vào sự sống tinh vi hơn, mà trong nghệ thuật, đẻ ra sự sống là đỉnh cao nhất”(Xuân Diệu). Đâu riêng Ngày lũ rút ta sẽ về gieo sạ, kể cả các bài còn lại trong tập cùng đẻ ra sự sống xúm xít bên nhau.
            Không chút triết lí cao siêu, mà bằng những vần thơ chân chính rất dân tộc, ý tưởng sâu sắc nhẹ nhàng gieo vào lòng người gặt hái cái tình cái nghĩa sống ở đời, là biết xuôi dòng tìm về chiếc nôi văn học thuần túy. Lại tự nguyện lựa chọn phong cách “riêng tôi tìm mót ruộng đồng” khiêm tốn xới cày cho thỏa khát khao, đầy trách nhiệm của người sáng tác. Có một Viễn Trình thêm Chiếc lá hồi hương là sự nhập cuộc tiên phong vào làng thơ trẻ quê mình./.
28.04.2017/  Nguyễn Thị Phụng



Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

VĂN HAY ĐỌC LẠI/ 10 truyện ngắn miền Nam trước 1975. Nguyễn Thị Phụng

VĂN HAY ĐỌC LẠI
                                (10 truyện ngắn miền Nam trước 1975 )

           Không là tình cờ, đây là chủ đích Nhà văn và Tác phẩm(NVvà TP)số 25/ tháng 9+10/2017, tôi thực sự ấm lòng khi được đọc lại 10 tr.ngắn miền Nam trước 1975 như gợi những ngày học phổ thông, chúng tôi giấu trong cặp ngấu nghiến từng trang cho kì hết. Vì sao?- Hay. Vậy văn hay cần phải đọc lại. Lúc này tôi cũng làm một mạch hết buổi sáng cuối thu thể như “ôn cố tri tân”. Bởi đây là… “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” 45 tác giả, do NXB Sóng- tuyển và in lần đầu năm 1974 ở Saigon. Tại sao lại “của quê hương chúng ta”, một địa danh hàm nghĩa của tình ruột thịt và mênh mang bất biến chứ không phải là một cương vực địa chính trị nhất thời? Đó chính là chỗ đáng trân trọng  của Sóng và những người làm sách. Văn chương đi từ thời cuộc để vươn tới vĩnh cửu, giá trị của nó nằm ở chỗ đã đóng góp gì cho Tự do, Nhân bản khiến “từ đây người biết yêu người” như lời bài hát của Văn Cao, bài Mùa xuân đầu tiên(NV và TP).
        Mùa xuân đầu tiên hay chính là vẻ đẹp con người khi biết dấn thân vào cuộc sống. Sự tồn tại hôm nay khởi sắc đã bắt đầu từ những ngày cha ông gian khổ, hi sinh. Cái khoảnh khắc ấy ngỡ như đang diễn ra trên màn ảnh không một sớm một chiều, mà lâu dài bền bỉ từng bậc thang bước lên tầng cao tận hưởng khí trời và trăng sao vậy. Mở đầu truyện Rừng mắm vẫn là không gian khoáng đãng “Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ,… đứng yên một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà…” Cho đến “ Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng,… đang yên lặng và bền chí rình cá…” Rồi nhà văn khẳng định “Thằng Cộc là một đứa bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay…” Sự liên tưởng “đầu cò chơm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng”. Tình yêu làng luôn trong tiềm thức, nó nhớ làng, thèm người bởi chưa hiểu vì sao tía nó, ông nội nó, má nó và nó một đứa bé mười tuổi cùng kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui và rồi dừng bước nơi cái xó không người này mà ông nội nó đặt tên là xóm Ô- Heo. Rồi những mâu thuẫn không thể thiếu trong tâm trạng cảm xúc một thanh niên mới lớn lên như thế nào, cũng cùng lúc lời giải đáp được ông nội đưa cha con nó đi xuồng ra gần tận biển giải thích về rừng mắm mọc trên lớp phù sa cho chắc đất. “Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được”. Đọc những trang văn Bình Nguyên Lộc đẹp như phù sa non nuôi cây mỹ cảm. Nhắc nhở con cháu muôn đời tri ân tiền nhân, những thế hệ cha ông “bỏ đi” mấy đời, như cây mắm không làm nổi việc gì khác, ngoài việc giữ phù sa làm nên đất, để giữ đất trước sóng biển và để ngọt hóa đất phèn cho con cháu gieo trồng mà sum suê hoa trái.

        Với mạch truyện Con sáo của em tôiTôi hay bắt dế, bắt chuồn chuồn, bắt công cống cho em tôi chơi… Tôi hẹn sẽ bắt tặng em tôi một con sáo khi mùa xuân sang”. Ước mơ đã thành hiện thực, nhưng không đơn giản. Nên “Con sáo là niềm an ủi duy nhất, là niềm kiêu hãnh duy nhất của anh em tôi… với cái lồng do chú Nghị đan, nó đã thành con sáo quý khác cả những con sáo quý nhất trên đời”. Thế mà… “Trời cuối tháng chạp mưa phùn rả rích… Rét thấu xương. Anh em tôi co ro trong ổ rơm, lồng sáo đặt bên cạnh. Mẹ tôi lại sốt từ hôm ông Táo lên chầu trời… Nhà chỉ còn gạo… tối ba mươi mẹ lên cơn sốt nặng…” Lúc này với “tôi” phải làm gì. Khi bố đã mất sớm. Cảnh côi cút của ba mẹ con trong kì thị ruồng bỏ của tộc họ, đói nghèo khổ cực. Để rồi tôi nhận ra rằng “Mùa xuân tàn rất nhanh, tôi có đàn sáo mới,…” Ý nghĩ ấy đã làm cho người anh mạnh dạn với mong muốn “Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mùng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em mà tôi quên tất cả”. Nhưng “Tôi run run chặt dao trúng ngón tay. Máu tôi hòa cùng máu con sáo”. Thật là xúc động: Cảm ơn nhà văn Duyên Anh(1935-1997) đã nhắc nhở chúng ta về một tuổi thơ khốn khó do xứ sở nghèo nàn, do thực dân và chiến tranh đẩy con người đến tỵ hiềm, sợ hãi- việc giết chết con sáo để cứu em như thế là tự giết chết tuổi thơ của con người.
        Còn Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1924, đã chỉ ra cái nghiệt ngã miếng sống trong kiếp nghèo về thân phận người mẹ buột lòng phải nhờ con gái đã có chồng. Bà Mùi thực sự đau lòng khi phải chứng kiến thái độ và cách hành xử của con rể. Mặc dù người mẹ khuyên can, nhưng Bích, chậm nước mắt: “Gì thì chứ, con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy, đâu con có chịu. Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không? Mỗi ngày mỗi gây, mình có muốn nhịn cũng không được mà…” Cho đến lúc trực tiếp thẳng thắn:“Giờ có phải anh “ghen” ăn với mẹ tôi không, thì anh nói trắng ra đi!” Một nỗi đau chốt lại như nhắc nhở khi kết truyện: “Người thương người phải xa nhau cũng khổ. Mà người ghét người, phải ở với nhau lại càng khổ hơn” (Bữa cơm trưa). Nếu trước đây Nam Cao đặt miếng ăn đối trọng với làm người, thì Bữa cơm trưa của Nguyễn Thị Vinh đặt miếng ăn đối trọng với hạnh phúc và hiếu để. 

     
      Chùm truyện ngắn Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi(Cung Tích Biền, sinh năm 1937) và Tình thương trong ngoặc kép (Mặc Đỗ, 1917- 2015), đã cảnh báo về đồng tiền ngoại lai xâm thực linh hồn và nhân tính một cách sớm sủa. Vì một thực tế ngậm ngùi “Em này, chị muốn trong đời đến sự đau khổ cũng phải có tên gọi. Người ta đã tìm ra chị nơi cái xóm Dĩ An hèn mọn. Người ta thay nhau ngủ với chị, xem chị như mảnh đất có hoa màu và cần phải đặt tên cho nó”. Còn chính người em trăn trở: “Nhiều khi tôi nghĩ sau lưng chị còn mồ mả cha ông và bầy em không cơm áo. Chị như mảnh đất nghèo nàn nằm trên quê hương này để nuôi dưỡng những người mới lớn. Em tôi sẽ nghĩ như thế nào nếu mai sau nó biết được nó sống nhờ vào những tờ giấy trăm sột soạt trao nhau trong phòng tối. Chúng nó có thương những người chị tàn phai nhan sắc vì cơn gió thổi đến quá phủ phàng hôm nay” thấp thoáng: “Ngọn đèn pha trên núi Sơn Trà vàng vọt cô đơn. Đêm tối đã bắt đầu trong vùng biển…. ngoại ô một khung trời buồn” mà Cung Tích Biền đâu muốn đặt cái kết truyện như một điều khẳng định! Còn nhà văn Mặc Đỗ, người sinh sau hai mươi năm tiếp nối sức mạnh “đồng tiền” thắng thế từ một cốt truyện chỉ lấy lời khai của các nhân vật để đi đến kết quả: “Xét hồ sơ này nhiều phần chắc là ông biện lí sẽ truyền xếp, điều tra bổ túc sẽ đụng phải những vách núi thế lực. Nếu ông biện lí là một người làm văn học nghệ thuật, với hồ sơ này ông ấy có thể soạn được một vở kịch, dựng lên một tuồng hát, hay quay thành một cuốn phim, cùng lắm cũng viết được một truyện ngắn, truyện của xã hội bấy giờ”. Hai truyện của hai ông đủ để nhắc nhớ một chuyện không mới trong sứ mệnh cầm bút: Nhà văn phải biết bênh vực Con Người trước cường quyền và cái ác.




       Cùng một nhân cách cứng cỏi với hai ông, nhà văn Thế Uyên(1935- 2013) với Căn nhà của mẹ “… Tôi chưa chịu thua, xin đủ giấy tờ chứng tỏ là nhà có ba lính, thì lính anh, lính em và lính tôi đều không có nhà, dù là nhà mình mua hay cấp phát… mỏi gối quỳ mòn các sân tướng phủ…” Một sự thật trăn trở “…Tôi liền hỏi khoảng đất ngày trước mẹ được cấp phát hiện giờ ra sao… và được mẹ cho biết một vị tỉnh trưởng sau đã nhân danh một công bằng xã hội nào đó đã thu lạichỉ ra tính xôi thịt bất chấp đạo lí của những “cấp trên” đã đẩy người mẹ già tóc đã bạc phơ có ba con là lính ra khỏi ngôi nhà của mẹ, chiếm đất để những cấp trên chia chát nhau.

      Và nếu như Thế Uyên miêu tả cái kết trong Căn nhà của mẹ “… buổi sáng mùng một Tết nhìn mẹ tôi đứng dưới tam quan chùa Linh Phong lộng gió từ các thung lũng lên, tôi chợt nhận ra mái tóc mẹ tôi đã gần như bạc trắng hết dưới ánh nắng dầu xuân, bạc đã gần như sương” đầy nỗi niềm, giữa một không gian nhà chùa bình yên mà lắm xáo trộn thể chất và tâm hồn con người khi đọc hết truyện ngắn Lòng trần của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Phải chăng chân tu không là thỉnh cầu van xin. Giá trị đích thực cuộc sống tồn tại ở tâm người. “…Cô lần tính lại đã quá hai mươi năm, nỗi đau khổ và bất hạnh đã bắt đầu mờ nhạt. Những việc nhà chùa làm cô bận rộn suốt năm bôi xóa dần những nỗi buồn thảm, tưởng chừng vẫn rỉ rả hành tội cô trong khoảng đời còn lại…” Đến lúc cùng kiệt bà ngộ ra rằng “nếu có một muỗng nước mắm chui vào bao tử thì có lẽ những chấn động phản đối trong cái cơ thể mỏi mòn sinh lực của bà sẽ dịu xuống, và muỗng nước mắm sẽ đem lại cho bà sự khỏe khoắn để bà ngủ một giấc thật ngon và ngày mai bà sẽ tiếp tục sinh hoạt lại như cũ dưới mái chùa này” Với bút pháp tinh tế, nhà văn đã chỉ ra sức mạnh của tình yêu và sự sống, dù hoàn cảnh mà nhân vật lâm vào thật éo le, tưởng như nàng chỉ còn là ngọn lửa giận thân lánh đời cháy leo lét trước lực tàn sức kiệt. Vậy mà khi lâm chung, ngọn đèn ấy bùng cháy, soi sáng cả cõi lòng thăm thẳm sâu. Hoàn toàn đối lập tính cách hai nhân vật nữ: “Đứa cháu dâu...chuyên sống với nghề cờ gian bạc lận… cô em họ cùng đi theo… có biệt tài hễ cập sách với ông nào thì nạn nhân tình ái của cô phải tan gia bại sản một cách nhanh chóng… thường lui tới của chùa sám hối và… đem lễ lộc hòng hối lộ Trời Phật cho giải bớt những oan khiên mà ở trần gian họ đã làm, đang làm và tiếp tục làm nữa… nhưng khi bước ra chánh điện thì họ lại quên tuốt”.  


      Cùng với Nguyễn Thị Thụy Vũ, chất lãng mạn và siêu thực đã làm nên tên tuổi Nguyễn Thị Hoàng, sinh năm 1939, từng có nhiều ý kiến về Vòng tay học trò, Đen hơn bóng tối,… giờ đọc Tan theo sương mù với bút pháp tài tình ấy làm nên những trang văn bí ẩn  rất Á Đông. Bởi nhà văn cách tân thể loại- ít nhất là Việt hóa những trào lưu hiện đại, đưa văn Việt hội nhập với thế giới. Bên cạnh còn có Trần Thị Ngh. , sinh năm 1924, với “Nhà có cửa khóa trái” đã tạo nên một thứ hiện sinh đô thị mà nếu không ghi rõ năm viết, bạn đọc sẽ ngờ ngợ là viết về đời sống đô thị bấy giờ.


       Riêng Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu(1936-2016) lí giải về sự sống và cái chết. Sự vật vã chống lại cơn sốt, cơn đói cuối cùng con người cũng chiến thắng. Phải đào đất lấy  từng con giun “cầm từng vốc bỏ vào miệng… nhưng những cơn sốt cách nhật vẫn hành hạ”, rồi “vớ những nắm lá chuối ướt nhép bỏ vào mồm nhai cho đỡ buồn miệng”. Nhờ tình đồng bào đùm bọc trên từng chặng đường cứu sống anh, nhưng oái ăm hơn cho hoàn cảnh người thân sợ liên lụy xa lánh cũng là cái cớ đẩy anh vào chỗ chết “Tôi biết là sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách, xong chúng bắt quay mặt vào hố. Tôi nhớ đến câu hỏi và tự nhắc.- Cha mẹ mầy tên gì?”. Cho một cái kết thương tâm, mà vẫn giữ được nhân cách tôi. Rõ ràng, nhà văn đã cho thấy mảnh phế liệu của chiến tranh(chống xâm lược Pháp) đã đẩy con người vào khúc tăm tối, tủi nhục nhất; một truyện không có tiếng bom hay máu chảy, mà sức tố cáo chiến tranh vang vọng suốt dưới gầm trời vào đến tận cùng mĩ cảm.
       Văn là người, hồn cốt tinh túy dân tộc. Mười truyện ngắn Miền Nam chính là một phần đời sống tinh thần của đất nước trước năm 1975, được xem “Đây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương”(Lời giới thiệu, NXB. Sóng). Và tôi nghĩ rằng những tác phẩm ấy cần được tái bản kịp thời để bạn đọc tiếp nhận, hưởng thụ hòa chung ánh sáng văn chương “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”./.
29.11.2017/ Nguyễn Thị Phụng.

       

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

GÓC NHÌN VỀ THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM - Nguyễn Thị Phụng

GÓC NHÌN VỀ THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM 

           Tôi yêu lời ru của bà, của mẹ: “Con khôn cha mẹ nào răn / Ngẫm trông trái bưởi ai lăn nó tròn”. Lớn lên một chút, đến trường tôi thuộc những bài ca dao mà thầy cô giáo đã dạy. Tất cả với tôi đều gần gũi thân thương lắm. Bởi đó là văn chương bình dân. Văn chương bình dân là di sản quý cho ta gìn giữ và trân trọng, còn là cơ sở ban đầu khơi nguồn cảm hứng cho cá nhân bộc bạch những vui buồn trong cuộc sống của mình. Cách viết theo ca dao thường gọi là thể thơ lục bát truyền thống.
         Trên đà phát triển của xã hội, thì văn học Việt Nam nói chung và thể thơ lục bát nói riêng vẫn giữ được hồn cốt của mình. Chính vì thế mà Hội thơ Lục bát Việt Nam đã tổ chức giới thiệu tác phẩm đầu tiên: Thơ Lục bát Việt Nam tập 1, của nhà xuất bản Văn học, quý IV- 2011 tại thành phố Đà Nẵng. Có lẽ đây là lần đầu tiên những người Bình Định chúng tôi náo nức có mặt tại địa điểm Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh 155 Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Trong bộ áo dài truyền thống, nhà thơ Lê Anh Dũng, MC chương trình  bào chữa khi chiếc áo dài gấm vàng chưa được là phẳng phiu, anh giải thích với lí do “ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” ( Trịnh Công Sơn). Sách vừa in xong là khu vực miền Trung và Tây nguyên làm nhiệm vụ đầu tiên ra mắt bạn đọc. Điều đó cũng đúng thôi. Bởi dọc theo bờ biển Việt Nam, khu vực miền Trung là nơi nắng đổ mưa tuôn theo mùa, vị trí địa hình dốc  hẹp, người dân quê tôi tháng năm cần mẫn chịu đựng gió sương, chân lấm tay bùn và từ trong lao động thơ ca cất lên không một lời than thở: “ Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Rồi niềm tự hào: “Ai về Bình Định mà nghe/ Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam”. Đó là ca dao từ trong di sản, đến những câu ca dao truyền miệng rất mực hài hước mà người dẫn chương trình đã khắc sâu: “ Tiếng đồn ở đất Quảng Đà/ Mất mùa thuốc lá chết ba vạn người/ Quảng Ngãi nghe vậy mắc cười/ Trượt khói thuốc là chết mười Quảng Nam” Cách vận dụng thơ lục bát vào trong đời sống thường ngày cũng là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt giải trí thư giãn mua vui. Và theo trình tự thời gian ta có Truyện Kiều của Nguyễn Du, bậc thầy thơ lục bát Việt Nam. Tiếp nối thứ tự A, B, C,… là Nguyễn Bính, Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Tản Đà, Bích Khê, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Bàng Bá Lân, Tố Hữu, Nguyễn Thượng Hiền, Hằng Phương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Trãi, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương,… Đến lục bát trăm miền, rất nhiều có thể kể ở miền Bắc một Đồng Đức Bốn với tứ thơ ấn tượng:
                        “ Đang trưa ăn mày vào chùa
                        Sư ra cho một lá bùa rồi đi
                        Lá bùa chẳng biết làm gì
                        Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

                                              ( Vào Chùa, tr.63)
         Ở miền Nam, một Thu Nguyệt tự tình:
                      “ Em ngồi hóa đá thành thơ
                      Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu
                      Em ngồi hóa đá thành chiều
                      Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa
                      Em ngồi hóa đá thành mưa
                      Trả anh cái phút anh đưa qua cầu
                      Xa nào anh có hay đâu
                      Đá từ lúc ấy bắt đầu hóa em
!”
                                            (Gửi Anh, tr.103)
        Ở miền Trung, một Trương Nam Hương đắm say:
                     “ Lên cầu Thê Húc đi em
                     Nhớ thăm thẳm nhớ một đêm gió lùa
                     Rễ si rét đến run mùa
                     Môi em đào nụ giao thừa- Mùa xuân
                     Đất trời đang phút trao thân
                     Đến như hoa cỏ cũng cần lứa đôi
                     Giữa muôn rúc rích tiếng chồi
                     Lặng em len dạ nói lời đắm say
                     Chung em chút rét đêm nay
                     Xin hôn dài rộng những ngày cách xa
                     Mau nào Thê Húc mình qua
                     Đêm nay có gốc si già chứng nhân
!”
                                           (Đêm Giao Thừa, tr.87)
          Nhưng phải kể đến lục bát của Thanh Nguyên khi “ Lỗi hẹn cùng ca dao” cũng mai cũng đào mà tứ thơ nghẹn ngào se sắt: “ Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Đâu rồi môi hát vu vơ một mình/ Em ngồi giặt áo lặng thinh/ Vò cho sạch những vết tình còn vương/ Giũ cho vơi bớt giọt buồn/ Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời” Mà sao những trăn trở không vơi: “Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng”( tr.101) Bởi “ Có một ngày như thế” chất chồng buốt giá đơn côi: “ Em qua gió tạt nguồn chiều/ Câu thơ trầy trật lời yêu chưa tròn/ Bóng thời gian điệu hư mòn/ Giấu trong lòng giấy lời son sắt này/ Nỗi niềm gỡ mãi trên tay…”(tr.221). Nhưng cái tình này muốn cùng sẻ chia món quà “ Tặng Thơ” (tr.215) của chị Vạn Lộc:
                     “ Bài thơ “ để tặng riêng em”
                       Mà sao anh lại tặng thêm một người
                      Bạn bè bữa ấy đông vui
                      Kháo nhau “mình cũng có người tặng thơ”
                      Chao ôi – em thật chẳng ngờ
                      “ Cũng tặng nhỏ bạn bài thơ tặng mình”
                      Tủi buồn em cứ lặng thinh
                      Rứa mà “để tặng riêng mình em thôi

        Thế mới biết trên mọi miền đất nước, các nhà thơ chúng ta luôn có những xúc cảm riêng tư nào ai giống ai. Họ mượn dòng thơ lục bát gởi gắm tâm sự nỗi niềm theo những mùa trăng tròn trăng khuyết, theo những mùa nắng gió mưa chan. Còn tình làng nghĩa xóm ăm ắp: “ Chợ làng giòn rụm rau tươi/ Thừa câu nhân ngãi/ thiếu lời đẩy đưa” nên nhung nhớ nào vơi: “ Người đi từ buổi gió sương/ Hồn quê rười rượi nhớ thương chợ làng”(Chợ làng, Phan Thanh Minh, tr.227)…
         Và còn rất nhiều tác giả thể hiện với nhiều đề tài khác nhau đều mang tính nhân văn cao đẹp về tình yêu quê hương đất nước, tình người sâu nặng. Những niềm vui nỗi buồn luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường, những khía cạnh tâm lí hay trạng thái xúc cảm về không gian, thời gian khơi gợi tứ thơ bay bỗng trào dâng làm giàu trái tim nhân hậu của những tâm hồn nhạy cảm khát khao.
         Bao nhiêu bài thơ Lục bát Việt Nam trong tập 1 là bấy nhiêu tình được chắc lọc từng câu chữ, sự liên kết vần nhuần nhuyễn chính là đặc trưng thể loại này. Còn thanh bằng cao (không dấu), thanh bằng thấp(dấu huyền) ở cuối mỗi câu lục, câu bát luôn nhịp nhàng cân xứng. Chẳng hạn:
          Dù cho/ bãi mật/ phù sa (sa thuộc nhóm thanh cao không dấu)
    Mà không/ bên lở/ chẳng là/ dòng sông (là thuộc nhóm thanh thấp dấu huyền)
                                             
( Nhà không có bố, của Nguyễn Thị Mai, tr.97).
         Hay là cái tứ trong hai câu kết bài thơ “Tự Xông Đất” (tr. 104 của Lâm Huy Nhuận):
        …Giật mình hai mắt trũng sâu
           Người trong gương ấy còn đau hơn mình
        
Như vậy thanh bằng cao thấp luôn hiện diện trong câu bát, còn vần âu ở câu lục vần au câu bát như chùng xuống lắng đọng khép lại nỗi lòng cô độc giữa không gian vắng sẻ chỉ có ta và ta những xót xa vô tận đau đáu nỗi niềm của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
         Các cặp câu lục bát trên đâu chỉ là lời khẳng định cuộc sống mỗi người luôn có những hoàn cảnh riêng, mà còn là nỗi niềm tác giả muốn gởi gắm được cùng sẻ chia những mất mát đau thương là lẽ thường, hãy biết trân trọng hạnh phúc ta đang có, tự mình tìm nguồn vui giữa đời này.
         Hồn cốt thơ lục bát truyền thống Việt Nam là không gian và thời gian nghệ thuật được chắc lọc đưa vào làm nền cho câu thơ bay bỗng mà ở ca dao chưa thể đạt đến.

                                                                     05.01.2012 / Nguyễn Thị Phụng