Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

THEO CON SÓNG VƠI ĐẦY


THEO CON SÓNG VƠI ĐẦY


Biển với tôi tự bao giờ gần gũi và thân thương lắm, những chiều nồm nam lộng gió tha hồ ngụp lặn trong bể nước mênh mông mát mẻ vô cùng. Còn hôm nay buổi sáng cuối xuân, nắng ấm đang độ rây vàng, tôi bước lên tàu bộ đội biên phòng ở bến cảng Quy Nhơn cứ dạt dào theo con sóng. Gần hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt biển cùng với anh em văn nghệ sĩ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Binh đoàn 15,… trong chuyến đi thực tế ra đảo Nhơn Châu cách thành phố Quy Nhơn 18 hải lí([1]).
Biển trong mắt tôi đâu hề xa lạ.
Cái nắng gió cùng với sóng nước là sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất bức tôi rời khỏi buồng máy kín đáo an toàn dần ra trước mũi con tàu, độ bập bênh nhịp nhàng theo hơi thở biển khơi khiến tôi phải từng bước ngồi trên thùng cao trước buồng máy để giữ lại độ thăng bằng khi nhịp tim rộn ràng, rồi nhớ trước đây ba ngày đo điện tim với kết quả nhịp xoang chậm chỉ có 50 lần/ phút, huyết áp xuống thấp 90- 60, cộng với đêm hôm thao thức cho ngày mai chuyến ra đảo, tôi uống liền ba tách trà nóng, hương trà thơm dìu dịu lan tỏa vào khí quản, tôi tựa lưng an toàn và thiêm thiếp còn bên tai bao nhiêu là câu chuyện rôm rả của các anh chị trong đoàn. Rồi tôi không thể nhắm im đôi mắt còn há miệng cười theo khi có ai đó phát hiện cánh chim hải âu bay ngang. Ba chị em chúng tôi cùng lúc nhìn vào mênh mông hỏi: chim đâu? Được thể các anh cười rộ hả hê như chưa lúc nào sung sướng bằng, thích thú bảo chỉ có một con chim mà các cô phấn khởi!...
Có lẽ hơn tiếng đồng hồ rồi chăng. Tôi chắp cánh bay theo đề tài chim hải âu trên biển khi con tàu đã xa bờ lắm. Hải âu là giống chim lớn, cánh dài và hẹp, mỏ quặm, chỉ sống ở biển, là bạn người đi biển, màu áo xanh lính biên phòng càng thân thuộc gần gũi hơn. Lúc này chúng thèm nghe tiếng máy con tàu, tiếng nói cười của người, càng lúc chúng rủ rê nhau biểu diễn điệu múa nhịp nhàng đôi cánh lên xuống cho chúng tôi xem. Từng cặp ba, cặp đôi lần lượt vào tầm ngắm trong ống kính, tôi ấn nhanh nút chụp và chúng không thể lọt ra ngoài nữa rồi! Ơ kìa những con cá chuồn chẳng chịu nằm yên số phận, nghe tiếng máy chạy qua, ngước nhìn hải âu tung lượn giữa trời xanh, chuồn cũng phóng mình thi sức theo con tàu chừng hơn mười mét, thấy không đủ điều kiện tiếp sức nữa, lặn mình trong lòng biển. Trên những cái phao trắng vuông vắn bồng bềnh con sóng còn là trạm dừng chân quen thuộc của hải âu, nơi chim trời và cá nước bên nhau suốt đời gặp gỡ…
Nhơn Châu hiện ra sau gần một trăm phút trên mặt biển. Núi đảo sừng sững trước mặt, ngọn hải đăng hình khối tròn điềm tĩnh bên phải cao vút lên tầng mây, khoảng giữa phía dưới là nhà cửa san sát chen lẫn những vòm cây xanh mướt vươn lên giữa trời xanh thẳm. Có phải vì thế trước đây nhân dân ta thường gọi là Cù lao xanh hay không! Này, lá dừa xanh hiền hòa chịu đựng gió bão theo mùa in trên mặt đường bê tông che bóng người đi đường, cây sứ  khẳng khiu mà những chiếc lá thuyền cứ xanh còn màu hoa trắng ngà tỏa hương trộn lẫn mùi nồng mặn của biển chia đều cho người qua lại, những luống cải rổ lá to bằng bàn tay tươi mát cứ xòe ra đón nắng chẳng ngại chi, và kia là những vuông nhỏ lá răm thơm ngỡ như đôi mắt đa tình ngước nhìn lên theo từng bước chân người về đây. Tất cả màu xanh yêu thương ấy nằm trong khuôn viên các nhà dân ở hai bên đường. Điểm dừng lại là màu xanh lá bàng phủ bóng mặt đất từ ngoài cổng doanh trại vào tận trong cơ quan, nhà nghỉ, phòng ăn,… Cây bàng khiêm tốn nhường chỗ những luống rau xanh non của các đơn vị đại đội… ngay ngắn thẳng hàng hai bên lối gần khu nhà bếp phía sau. Và nhất là màu áo xanh tươi trẻ chân tình cộng với nụ cười cởi mở của các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang từng ngày giờ canh giữ biển đảo quê hương, đón tiếp và bố trí chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho anh em văn nghệ sĩ rất chu đáo.
Hai giờ chiều, một số chúng tôi ngồi dưới tán cây bàng với những vần lục bát cho nhau. Sau khi tôi đọc xong bài thơ “Được mùa mua bán”, Phùng Văn Khai lại bảo theo em thì chị Phụng chỉ cần sửa lại từ “đã” là từ “ kia” trong câu bát: “Sầu riêng (đã) / kia chín thế nào cũng rơi ”… vì “kia” là một định từ được xác định, còn “đã” là phụ từ chỉ thời gian!... Ngẫm lại  có lí thật, nên cảm ơn nhà văn.
Sau một giờ đồng hồ, cái nắng bên ngoài cứ chực sẵn chờ người ra là lân la sờ sẫm quấn lấy ngay lên da thịt bất kể đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già,… cho đã thèm cơn khao khát. Tôi và Hà My không thể chịu nổi cảm giác tự nhiên ưu ái dành cho mình. Mắt kính, khẩu trang kín mặt, kín tay và kín luôn cả đôi bàn chân dù cho mồ hôi tha hồ tuôn chảy. Bởi luôn thực hiện phương châm nhất dáng nhì da. Đã là phụ nữ mà không xếp vào khung nào thì chỉ lo “ê sắc” thôi. Chứ chưa nghĩ sợ ung thư da!... Vậy mà, cuộc sống trên đảo với hơn 480 hộ dân và có khoảng hơn ngàn người, hầu hết sống bằng nghề đi biển. Trường học khang trang kiên cố nhất, dành cho tuổi thơ học tập và sinh hoạt ca hát vui chơi. Những con đường bê tông không rộng lắm chỉ đủ cho người đi bộ và một vài chiếc xe đạp, xe máy chạy qua lại. Một quán cà phê nằm sâu trong khuôn vườn nho nhỏ dành cho những phút tâm tình  sau những ngày ra khơi lộng gió. Một gian lều chợ rộng nằm cạnh bãi biển đón cá, tôm,… từ những thuyền thúng đưa vào bờ. Một số chị em ngồi quanh nhau bắt chuyện thăm hỏi những buồn vui cuộc sống mà bụng dạ luôn hướng ngoài khơi xa mong con tàu đầy ắp cá tôm trở về. Từng nhóm học sinh tan trường tung tăng trở về nhà khoe điểm mười còn nóng hổi trên trang vở. Và từng nhóm vui đùa trong biển nước gần bờ mát mẻ khỏe khoắn hơn. Nhưng tất cả đều tâm niệm kính cẩn gởi vào vị thành hoàng xã đảo Nhơn Châu cầu mưa thuận gió hòa cho cuộc sống mãi bình yên theo năm tháng.
Đêm giao lưu không chỉ có thơ lục bát với một Tình xa của Hà My: “ Tì tì một cốc phôi pha/ Hờ hờ say khóc tình ta cõi người”. Còn Du An ở Điện Biên lần đầu đến biển sáng tác ngay trên con tàu: “Biển khơi sóng lợp mái nhà/ Vừa bay nón trắng chắc là hải âu? Đường đi của những con tàu/ Bao nhiêu đàn cá ngẩng đầu trông theo” (28.4.2011). Còn tôi giật mình khi MC nhà văn Phùng Văn Khai bất ngờ giới thiệu chị Phụng sẽ đọc mười bài lục bát! Trời đất ơi, tôi cố gắng lắm mới được một bài tám câu thì trong bụng không còn chút thơ nào nữa… bởi quên đậy nắp nó bò hết trơn. Anh Thai Sắc ở tận Đồng Tháp với chất giọng Quảng Bình đã thành công bài hát “Thuyền và biển” giữa lúc này sao nặng nghĩa nặng tình lắng sâu nỗi nhớ người yêu đến thiệt nhiều như vậy! Ngọc Tuyết yêu đời sảng khoái: “Cười cho sóng sánh tháng ngày/ Cười cho tình đến đủ đầy nhớ mong/ Cười cho đời bớt gai chông/ Cười cho xuân lạc vào trong tiếng cười”. Bên cạnh vẫn là các đơn ca nữ của Binh đoàn 15 Đại đội Đ30, của Đoàn thanh niên xã đảo Nhơn Châu, nhưng khoái nhĩ nhất vẫn là chất giọng đặc trưng tự biên tự diễn bài chòi Bình Định của Trần Dự là hấp dẫn hơn,...
Kết thúc đêm giao lưu là tặng nhau những tập thơ văn ấm áp thân tình. Còn Ninh Đức Hậu ở Ninh Bình đã không quên lưu giữ những tấm hình kỉ niệm khá ngộ nghĩnh, độc đáo. Sau đó, các anh nuôi trong đơn vị cho chúng tôi thưởng thức món cháo cá thu lót dạ lúc chín giờ đêm thơm ngọt mặn mà đến giờ còn nhớ lắm. Tất cả đều thực hiện tác phong quân sự để còn ngày mai leo núi sờ lên ngọn hải đăng trước khi mặt trời mọc…
… Chia tay cầu cảng Nhơn Châu, con tàu lướt nhẹ trên sóng, bọt nước hình cánh quạt xòe ra xếp lại vỡ tan hai bên mạn tàu. Mặt biển sớm mai bình yên, độ chênh lệch tâm trạng và cảm xúc tôi có một cái gì đó chưa thật sự ngang bằng. Suốt cả đêm nơi đảo Nhơn Châu thao thức với màu nước xanh mát từ lúc chiều thả mình trong biển mặn, cát ven bờ hạt to trắng lắm cứ níu chân du khách đến lúc không nhìn thấy bóng người nhưng không phải là cát mịn như biển Quy Nhơn. Cả quần thể núi đảo nơi đây đẹp tựa vòm ngực căng đầy của một cô gái đương xuân. Tiếp giáp cầu cảng hai bên là tàu thuyền đánh cá tấp nập về đỗ bến bình yên, nhà cửa ngư dân san sát khi tối lửa tắt đèn có nhau, tiếng nói cười giòn tan đọng lại hòa với tiếng sóng yêu thương muôn đời làm nên bức tranh lung linh giữa biển. Nhưng còn đằng sau bờ cát trong cái eo biển nhỏ nằm phía sau Nhơn Châu, một chiếc dép đứt quai, một miếng xốp lót đồ điện tử, những bì nhựa rách,… lặng lẽ trăn trở dưới nắng mưa rồi chốc chốc phất phơ theo con gió trên mặt triền dốc cố mình cuốn đi nhưng chẳng biết về đâu!... Xin hãy giữ Nhơn Châu một màu xanh yêu thương tươi đẹp.
Biển trong mắt tôi đâu hề xa lạ. Tôi muốn hỏi thật biển có bị dị ứng vết dầu loang trên một diện tích nhỏ và vài bì nhựa còn nhãn hiệu nằm trơ ra trên con sóng gần đảo Nhơn Châu không?!...
Biển yêu ngàn đời của tôi!
 02.5.2011
Nguyễn Thị Phụng




[1]Hải lí: đơn vị đo độ dài trên mặt biển bằng 1,852 kilomet.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

NỐI LẠI THƯƠNG YÊU Đọc Cú vẫn còn kêu, tập truyện ngắn Trần Quang Khanh


                                     NỐI LẠI THƯƠNG YÊU

(Đọc Cú vẫn còn kêu, tập truyện ngắn Trần Quang Khanh, NXB. HNV-2015).
       Nhớ hôm Chi hội Văn học tổng kết năm 2015, Trần Quang Khanh tranh thủ kí tặng sách “Thân quý tặng chị Nguyễn Thị Phụng”. Bao nhiêu ấy đủ làm ấm lòng người nhận như tôi. Cú vẫn còn kêu là những mẫu chuyện trong đời đi vào tác phẩm đã là người đồng hành sáng tạo nhà văn trong nhà báo như anh, phản ảnh hiện thực đời sống xã hội bao trùm từ nhận thức đến thái độ thông qua lời nói và hành động nhân vật trong tác phẩm.
      Quả thật Cú vẫn còn kêu hay chính là nối lại yêu thương của mọi người trong gia đình với xóm làng ý thức cảnh giác về sự bảo vệ và đoàn kết che chở, giữa cái thiện đã thắng được cái ác.
      Từ mạch truyện đầu tiên Cú vẫn còn kêu đã nhằm thức tỉnh sự ấu trĩ từ bao đời truyền tụng không văn bản về thanh âm một loài chim ăn thịt thường cất tiếng trong đêm khuya “Tiếng kêu đùng đục, loang ngân trong đêm tĩnh mịch. Tiếng kêu như phát ra từ cái cổ họng nén hơi làm người nghe nổi gai ốc… Cú kêu một giọng, ngắt quãng ba, đơn độc và hoang hoải,…” Chính tiếng kêu quá đặc trưng ấy lại là sự bất an ám ảnh “… hễ cú đến đậu nhà ai, kêu lên ba tiếng là điềm báo ở đó nếu không có người chết thì cũng có người đau ốm nặng sắp ra đi”. Phần nào ma hoặc đã làm dao động nhận thức giữa sự sống và cái chết. Thế nhưng muốn hủy diệt không phải dễ, nếu không chủ mưu hợp tác “… chính chú hàng xóm phía bên phải đã lân la đến gặp cô hiến kế và nhận lãnh sứ mệnh thực hiện một cách hoàn hảo kế hoạch tiêu diệt tổ cú”. Vậy là từ một loài chim đã bị con người cố tình sát hại “ném cả chai thuốc sâu vào tổ cú mà không cần nghĩ bên trong có gì”. Nếu không có phần kết “…vợ tôi đã nhận ra mình đã đồng lõa để làm một điều ác… chịu để cho các con tôi nuôi nấng con cú non mù” là duy trì sự sống của muôn loài.
       Và nếu như nhân vật “Cú cha, cú mẹ cứ lòng vòng réo gọi…” để cứu lấy con mình nhưng không được trong Cú vẫn còn kêu, thì ở truyện Con Bin và người hàng xóm lại hoàn toàn khác hẳn. Con Bin lại là con chó được nuôi dưỡng để giữ nhà, riêng một thân phận, khi lỡ bị ra ngoài biết sẻ chia cùng người hàng xóm, nhưng cuối cùng phải “… kiệt sức sau 5 vòng chạy dốc hết tốc lực và sức lực cho những cú lao người vào cánh cổng sắt”, nhưng không thoát được “Chiếc thòng lọng đã thít được vào cổ con Bin và kéo lê nó một đoạn dài trên đường trước khi nó được gỡ ra quẳng vào trong bao…” lại trong sự chứng kiến của những người hàng xóm!... Nguyên nhân có phải từ sức mạnh của bọn trộm chó, hay sự cách biệt, chưa thật sự quan tâm trong mối quan hệ xóm làng. Người ta tiếc thương con chó “kiên cường, dũng mãnh, đáng thương, đáng tiếc…”. Nhưng với bản thân họ thì sao? Chưa có câu trả lời. Phải chăng từ “đèn nhà ai nấy sáng” của chủ nhà mất chó, đã dẫn đến thái độ thờ ơ vô cảm của người láng giềng, luôn ở thế thủ sợ bị vạ lây. Tất cả điều đó dẫn đến cá nhân thiếu trách nhiệm với xóm làng, với cộng đồng và xã hội. Sẽ là cơ hội cho bọn “cướp” duy trì, nhưng đến lúc kẻ “đi đêm có ngày gặp ma”, phải dẫn đến cái chết: “Hai nạn nhân là kẻ trộm chó… bị một nhóm người đuổi đánh và đã đổ xăng đốt cháy họNhóm đốt người đã bị bắt, bị khởi tố chờ ngày ra tòa”.
        Từ câu kết truyện “Có điều không thấy ai tỏ một lời tiếc thương”(Con Bin và người hàng xóm) đến truyện Đàn chim của bố, là cái thú tao nhã của người về hưu nhân hậu, từ việc chăm sóc cây cảnh, yêu thích tiếng chim kể cả loài chuột cống phá hoại cũng “Không giết hết được đâu con ạ! Mình phải chấp nhận chung sống với lũ chuột. Có điều phải biết sự nguy hại của chúng để khắc chế”.
         Không là cái vòng luẩn quẩn trong sự móc xích giữa các truyện ngắn trên. Mạch văn giản dị mở ra cho người tiếp nhận vấn đề ý thức về mối quan hệ giữa con người với loài vật, nhất là con người với con người trong xã hội là một sự nan giải: Rõ ràng khi con người lỡ tay làm viêc ác nhỏ chỉ vì tiếng kêu của nó, mà phải trăn trở nuôi dưỡng nó (Cú vẫn còn kêu). Nhưng khi “sa chân” bằng vũ lực khống chế việc kiếm tiền dưới hình thức trộm cướp loài vật lại là việc ác lớn hơn, đến việc ác tày trời “lỡ tay” sát hại “con người” phải bị pháp luật truy tố (Con Bin và người hàng xóm). Còn có người lại quá ư lương thiện “…bỏ bã, chuột chết không biết đâu mà tìm, thối inh cả nhà thì nguy. Với lại hàng ngày bố quen mắt nhìn lũ chuột cống đi lại trong vườn rồi, thiếu nó bố cũng buồn lắm” (Đàn chim của bố).   
      Trong Cú vẫn còn kêu, cho ta thấy được giá trị sự chân tình thẳng thắn bảo vệ danh dự người yêu của nhân vật “em” và lòng tự trọng của con người, nhưng không có sự hàm ơn đáp lại (Kẻ lỡ tàu)*. Sự thủy chung trong tình yêu luôn được nâng niu gìn giữ (Khoảng trời màu xanh)* nhưng do hoàn cảnh xã hội và chiến tranh chính là ngã rẽ đau thương (Khúc hát biệt ly)*.
      Nếu như cốt lõi trong cuộc mưu sinh, con người đâu chỉ tự bươn chải kiếm cái ăn cái mặc thường ngày, mà giá trị cuộc sống chính là mối quan hệ giữa con người với  nhau, nếu biết xóa đi những ích kỉ nhỏ nhen, những ganh tị hơn thua, biết thông cảm sẻ chia thì sẽ không có những cái kết đau buồn (Láng giềng)*. Còn trong gia đình ruột rà máu mủ chưa hết những hơn thua, tị nạnh, đùn đẩy bổn phận làm con, mà người mẹ kể lúc đã mất còn hiện về nhắc nhở làm ăn chân chính(Bà ngoại)*.

      Chùm truyện ngắn viết về năm tháng chiến tranh đầy khách quan như Đêm trắng*và sự tồn tại từ nguyên nhân ấy: Bước qua bờ cách, Đường tơ chưa dứt* lại khẳng định thêm sự sáng tạo của một nhà văn trong cái nhìn từ nhà báo, không là tuyên truyền, thể như nhắc nhở có hạnh phúc ngày khải hoàn dẫu đã qua bốn mươi năm, đã phải đổi bằng sự hi sinh của lớp người đi trước. Tác giả đưa người đọc cảm nhận vẻ đẹp tình người chính là quy luật tất yếu xã hội, cần gắn kết nhau. Phải biết trân trọng và gìn giữ. Nhất là trách nhiệm của thế hệ tiếp nối hôm nay.
      Cú vẫn còn kêu là hình tượng đẹp trong văn học. Không cần giải thích. Bạn đọc đến với mỗi truyện ngắn của Trần Quang Khanh có thể sự lí giải khác nhau, nhưng chung quy người cầm bút hết lòng với nhân vật trong tác phẩm. Dẫu chỉ ít nhân vật là loài vật, anh vẫn dành hẳn tình yêu thương mình với nó. Huống chi là người. Cú vẫn còn kêu đánh thức cái nhìn lệch lạc trong sự định hướng về vấn đề xã hội và cuộc sống hôm nay./.
_______________                                                          10.02. 2016/ NTP.
*Tên các truyện ngắn trong tập