Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

CỬA LÀNG VINH THẠNH (Sưu tầm và ghi chép), Nguyễn Thị Phụng


 CỬA LÀNG VINH THẠNH

         Làng là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến. Bao bọc quanh làng có lũy tre xanh vừa là máy điều hòa thanh lọc không khí trong mùa hè, vừa là bức tường che chắn gió bão trong mùa đông và còn hơn nữa là lũy thành bảo vệ an toàn đời sống cư dân nơi đây một khi có giặc cướp xâm nhập. Còn con đường vào làng được uốn quanh mềm mại theo “Ngõ trúc quanh co…” (Nguyễn Khuyến) sau buổi đồng áng trở về với tình làng nghĩa xóm. Mỗi làng thường có cổng ra vào, đón người trở về và tiễn người ra đi đầy kỉ niệm. Cũng không phải nơi nào đều có cổng làng kiên cố như ở Vinh Thạnh quê tôi, qua một trăm năm đến nay vẫn còn tồn tại.   
        Dấu ấn thời gian
        Nói đến làng Vinh Thạnh, từ cổng Lí môn trở vào người ta nghĩ ngay đến một Danh nhân Văn hóa Đào Tấn (Thơ, từ, tuồng,…) có cả tộc họ Đào định cư từ thế hệ thứ nhất(sống thời Lê Cảnh Hưng, 1740- 1786) đến nay thế hệ thứ chín(1975- 2018), thiếu ba mươi năm là trọn ba thế kỉ*. Trải qua mấy đời danh gia với những tước phong còn lưu lại: Triều liệt Đại phu Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, đến Cáo tặng Trung nghị Đại phu Thái bậc tự khanh, cáo tặng Trung phụng Đại phu đồ soát viện hữu phó Đô ngự sử (thời cụ cố, cụ nội, cha của Đào Tấn). Với Đào Tấn (sau khi Tự Đức mất, ông đã bỏ quan về nhà, bị triều đình hạ chức bốn bậc, ông đi tu ở chùa Linh Phong- chùa Ông Núi. Khi Đồng Khánh lên ngôi, triệu ông ra làm quan. Thời Thành Thái thứ 15, ông giữ chức Công bộ Thượng thư lần thứ II (năm 1903), vị quan thanh liêm mà khẳng khái, được nghe gia đình kể lại:
        Đó là những năm 1905, sau khi Cụ về nghỉ hưu ở làng quê Vinh Thạnh, trong ngôi nhà xây nhưng bên trên vẫn lợp bằng tranh và có biển Hương Thảo Thất treo trước mặt nhà. Hai trụ cổng quay về hướng đông nhìn thẳng ra phía trước là ngọn núi Hoàng Mai. Và Cụ chọn nơi ấy là chỗ nằm vĩnh viễn cho mình: Lên đỉnh Mai sơn tìm huyệt mộ/ Đứng trên tản đá ngậm thinh cười/ Núi Mai này gửi xương Mai nhỉ/ Ước nguyện hồn ta hóa đóa mai./ (Đào Tấn- Đào Nhữ Tuyên dịch). Nhưng với nỗi trăn trở băn khoăn chưa làm được đó là phần mộ mẹ Cụ là Hà Thị Lang, lúc sinh thời theo con ra Huế, nên khi mất đã được chôn cất trên núi cao tại thôn La Chữ (Thừa Thiên – Huế). Giờ đây đến cuối đời, muốn hài cốt mẹ cũng nằm bên mình ở núi Hoàng Mai. Triều đình thời vua Thành Thái bấy giờ hay tin có nhã ý xây kiên cố cổng làng đón hài cốt mẹ Cụ trở về cho trang trọng hơn. Nhưng Cụ chẳng muốn phô trương, khảng khái từ chối. Cuộc di dời mộ mẹ được đặt ra theo kế hoạch, cho làm một cái cổng tạm bằng tre gắn lá dừa, lá cây đùng đình, có cả sắc hương hoa trắng như Huệ, Ngọc Anh, Chi Tử,… hai bên trụ cổng Cụ ghi hai câu: “Suy nhi đổng khốc di tiền mệnh/ Từ mẫu anh linh phản cố sơn”.(Nay phần mộ bà Hà Thị Lang cũng được chú Đào Tụng Phi (cháu cố Đào Tấn) cho di dời tiếp từ núi Hoàng Mai về phần đất thổ mộ của gia đình tại thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc).  Còn nữa, vua Thành Thái gọi phu nhân của ông là cô họ- dòng Tôn thất, và Đào Tấn cũng đã từng dạy con vua*. Xét về mối quan hệ trong hoàng tộc, công trạng, nên ông được phong tước Vinh Quang Tử (Tử là một trong sáu bậc triều đình: Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Chính vì thế,  rằm tháng bảy năm 1907- Đào Tấn mất, đến mười năm sau, thời vua Khải Định (1918) cho xây cổng làng Vinh Thạnh.
          Cửa làng Vinh Thạnh gắn liền với di tích văn hóa
         Phía mặt trước biển cổng làng trên ghi thời gian: 1918, dòng tiếp theo ghi: PORTE Du VILLAGE Du VINH THẠNH, hàng cuối Lý môn Vinh Thạnh (chữ Hán). Còn từ trong nhìn ra dòng chữ tiếng Pháp được thay bằng tiếng Việt: Cửa làng Vinh Thạnh. Điều đó cũng đã rõ thời thực dân phong kiến không thể nào khác được. Hoa văn hai bên trụ cổng là cội mai già nở hoa tinh khiết, khóm trúc thanh cao tình phụ tử, tình huynh đệ. Hai bên trụ cổng chính có hai cửa phụ, rộng khoảng 1m5 dành cho người đi bộ, sau đó không còn nữa(vì từ những năm sáu mươi thế kỉ trước, việc xây hàng rào ấp chiến lược đã tháo gỡ). Việc xây cổng làng với mục đích nhằm suy tôn người con hiếu thảo cha mẹ, một vị quan thanh liêm chính trực, và hơn nữa cả năm người con trai của Cụ, trong đó có bốn vị đã đỗ cử nhân: Đào Bá Quát(con cháu ở Phước Lộc), Đào Thụy Thạch (con cháu ở Sài Gòn), Đào Nhữ Thuần(con cháu ở Cà Mau, có cháu ở Hà Nội), Đào Nhữ Tuyên (con cháu ở tại tự đường họ Đào quê nhà) và Đào Nhữ Tiếu (con cháu ở Long Khánh) chỉ đỗ tú tài. Chính vì vậy mà trên hai bên cổng làng có biểu tượng bốn quả cầu tròn nằm dưới đỡ quả cầu tròn lớn ở phía trên biểu tượng sức mạnh sự tôn vinh một gia đình hiếu thảo hiền tài.
        Vậy Cửa làng Vinh Thạnh gắn liền với di tích như Cổng ngõ, cây vạn tuế, am Bà Hỏa (tại vườn nhà Đào Tấn), biển Hương thảo thất(lưu tại Bảo tàng Bình Định), cây trúc và Bia đá Đào Tấn**
(trước đây đặt tại đình làng Vinh Thạnh), nhưng qua biến cố giờ được lưu giữ tại tự đường Đào Tấn.

        Nay, ngoài Cửa làng Vinh Thạnh phía bên trái có Đền thờ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn(2016), phía bên phải là Đình làng Vinh Thạnh. Lại việc nói thêm trước đây Đình làng Vinh Thạnh ở xóm Vinh Bắc Vinh Thạnh. Đến- thế hệ thứ ba: cụ Đào Đức Uy sống vào cuối thời Nguyễn Nhạc (1778-1793) đến đầu thời Minh Mạng (1820-1840), có 5 con trai và 2 con gái, nhưng chỉ còn lại hai người con trai lớn, số còn lại đều bị mất lúc còn nhỏ. Thế là cụ nội của Đào Tấn mới hiến phần đất trước tự đường Đào tộc để xây lại ngôi đình. Đình làng Vinh Thạnh tồn tại đến bây giờ.

        Thế hệ con cháu tộc Đào
           Tính đến thế hệ thứ chín Đào tộc, có ông Đào Đức Tuấn(công tác Sở Giáo dục Bình Định) đang ở tự đường họ Đào, Tiến sĩ Đào Thanh Sơn (công tác Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh, ngoại tôn có Tiến sĩ, phó giáo sư Huỳnh Văn Thưởng (công tác BVĐK Khánh Hòa), và còn nhiều cháu con có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân,… trong cũng như ngoài nước với những ngành nghề khác nhau, cùng họ hàng làng xóm đều tri ân bậc tiền bối mỗi khi đi về qua Cửa làng Vinh Thạnh.
          
       Phần kết

Sự tồn tại tộc người luôn gắn liền với cộng đồng làng xã. Cửa làng Vinh Thạnh thuộc xã Phước Lộc quê tôi tính đến nay tròn một thế kỉ. Nhân kỉ niệm 111 năm ngày giỗ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn, rằm tháng bảy năm Mậu Tuất (2018). Thuở ấy những chàng trai trong xã, ngoài huyện mến mộ con gái tộc Đào, cưới được vợ là về ở lại Lí môn, nên chăng đất lành chim đậu. Trong đó có thể kể ông cố nội tôi Nguyễn Táp(Nguyễn Tân, đỗ thứ 3/8 cử nhân khoa Ất Dậu 1885- Hàm Nghi thứ I Trường Thi Bình Định), làm quan huấn đạo huyện Tuy Phước, giờ chỉ còn lưu lại hai câu đối tặng cho thủ khoa Lê Thân cùng khóa với ông: “Nhập cách văn chương, học vấn nguyên uyên khả khảo/ Cao tiêu giáp đệ, giang sơn phong vận thiên đa”(Dịch: Văn chương trúng cách, học vấn uyên thâm thì xét được/ Tên tuổi đề cao, núi sông vận tốt đã nghiêng về)***. Điều ấy cũng minh chứng ngày cụ cố tôi mất, trên liễn ghi: “Cư quan bất cải điền viên thú/ Dung sĩ tự hữu thiên vạn gian”**** đặt trước bàn thờ ông đến giờ. Sau này thêm tộc Huỳnh, tộc Đặng, tộc Trần,... đều là con cháu rể họ Đào về ngụ cư tại làng Lí môn Vinh Thạnh là niềm tự hào chung về miền đất học của quê hương./.

15.08.2018- 2020/ Nguyễn Thị Phụng. 

_______________
         *Trong hai cuốn Đào Gia Thế Phả viết năm 1885 và 1904(Đào Đức Chương lưu giữ)
         ** Bia đá Đào Tấn:
皇朝
維新二年戊戌二月吉日
誥授榮祿大夫柱國太子少保協辨大學士
陶公丈懿神位
領工部尚書充機密院大臣榮光子爵致政
本村奉紀
Hoàng triều Duy Tân nhị niên Mậu tuất nhị nguyệt cát nhật (ngày lành tháng 2 năm thứ 2 đời vua Duy Tân)
Đại phu trụ quốc thái tử thiếu bảo Hiệp Biện Đại Học Sĩ
(Đại phu trụ cột của quốc gia, quan hàm nhất phẩm thầy của thái tử, được phong Hiệp biện đại học sĩ).
Đào Công thụy Trượng Ý thần vị
(Bia vị của đại thần Đào Công thụy Trượng Ý)
Lãnh công bộ thượng thư sung cơ mật viện Đại thần Vinh Quang Tử tước trí chính
(Lãnh chức thượng thư bộ công đại thần sung cơ mật viện tước  Vinh Quang Tử đã về hưu)
Bổn thôn phụng ký (thôn này ghi lại).
                          (Bản dịch của Quán Như- Như Thị Quán Chiếu).

***Trích Các nhà Khoa bảng Bình Định dưới triều Nguyễn- Tiễn sĩ và cử nhân (1807-1919) NXB Thuận Hóa (Nguyễn Phu- Nguyễn Thiều). 

**** Trên cặp câu liễn có ghi hai chữ 成泰 (Thành Thái)/ 丙申 (Bính Thân), tức năm 1896


Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

SÓNG BẠC ĐẦU VÀ BIỂN BAO LA- Nguyễn Thị Phụng


41. SÓNG BẠC ĐẦU VÀ BIỂN BAO LA**


     (Đọc tập “Lãng Đãng Giữa Đời” thơ Trần Viết Dũng)
             Tôi biết Trần Viết Dũng qua bài thơ “Vua và Em” và lần đầu tiên nghe anh đọc bài “Gái Bình Định: “Mới nghe đã hoảng hồn tôi/ “Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền/ Sao em đi đứng ngoan hiền/ Sao em má lúm đồng tiền duyên ghê ! Nói một cách nôm na là anh tán gái thật khôn khéo lại tự nhiên thấy vui vui và hay hay. Chàng thi sĩ hiền hiền trong giọng nói, trong mỗi tứ thơ để rồi tôi lần dò tìm đọc cả tập “Lãng Đãng Giữa Đời”(NXB Trẻ, 1993) của anh, nhà thơ đất võ làm thơ tình bén hơn cả đường gươm, cứ lâng lâng ngỡ đang ngụm chút rượu Bàu Đá quê mình mới lạ chứ!
          Thường qua mỗi tác phẩm thể hiện phong cách người sáng tác. “Lãng Đãng Giữa Đời” chỉ vỏn vẹn ba mươi mốt bài thơ mang đậm chất trữ tình đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn và yêu cho hết mình mới thôi. Nếu “Lãng Đãng Giữa Đời” như vị ngọt của tình yêu đôi lứa, những trăn trở thường ngày là đề tài hấp dẫn nhà thơ, ta đọc hết ở thi sĩ sự chờ mong mòn mỏi:
                  Người ơi, người nếu có về
                  Chớ cay đắng bạn, chớ thờ ơ tôi
                  Nụ tầm xuân nở biếc rồi
                  Hình như có bước xa xôi trở về

                                                         (Ca dao)
          Khi vận dụng những cụm từ “người ơi” “nụ tầm xuân” trong ca dao xưa để nói đến cách cảm mới ca dao hôm nay, muốn nhắn gởi còn e dè kín đáo của chàng trai mới lớn đang khát khao yêu. Thi sĩ chợt nhận ra: “Bắt đầu bàn tay nâng trái cấm/ Loài người từ đó biết khổ đau” để rồi: “Ngõ hạnh tôi, em bắt đầu bước lại/ Cây đau thương cũng từ đó bắt đầu”(Bắt đầu). Cái quả ngọt tình yêu đã nẩy mầm được trân trọng nâng lên, khi nó không còn là bản năng sinh tồn của loài người, nên trong dòng chảy cảm xúc luôn được thăng hoa mà đầy trắc trở: “Mùa thu, mang tim em sai nhịp/ Như lần đầu người nói dễ thương/ Giọt máu chung tình phong kín lại/ Chiếu chăn nhàu dỗ giấc triều sương”(Đi giữa mùa thu). Phải chăng đó là sự trái ngược trong lập luận của anh: “Như hơi chỉ bốc lên trời/ Như nước chỉ rớt xuống đời vu vơ”(Đối khúc) theo quy luật tự nhiên. Còn với tình yêu là khái niệm trừu tượng nhưng dễ dàng nhìn thấy qua ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói,…là bến đợi mở lòng sẻ chia:
                   Lênh đênh con sóng thời gian vỗ
                     Sóng bạc đầu và biển bao la
                     Nửa đời, người chẳng nơi cư cố
                     Thôi, ta xin làm một quê nhà

                                                          (Thuở xa người)
             Hình ảnh “một quê nhà” trong câu thơ anh vừa ấm áp chân tình, vừa gần gũi bao dung như dang rộng vòng tay đón chờ. Bởi tiếng lòng anh tha thiết nhận ra: “Chúng ta lớn lên bên nhánh sông hiền / Xanh và đen như mắt người thiếu nữ / Cái nhìn khiến mềm lòng tên lãng tử/ Lúc quay về có bóng nhỏ đứng trông” rồi nỗi lòng khao khát: “Đã khuya rồi trăng đòi ngủ sau mây/ Ta đưa nhau về lòng nhớ nhung quá đỗi / Nếu vắng bé làm sao anh sống nổi / Dưới trần gian vốn đã chẳng vui này”(Về lại vùng tuổi nhỏ). Anh khẩn cầu không hoài công uổng phí những khao khát ấp iu cho môi thơm ngọt ngào vụng về cháy bỏng:
                          Cho anh một nụ lôi thôi
                          Lần đầu run, lệch tâm môi đôi miền
                          Cho anh một nụ ngoan hiền
                          Rơi trong giấc ngủ hồn nhiên trăng tà

                                                              (Những nụ hôn).
          Theo Trần Viết Dũng, tình yêu ai nói bằng lời, ngoài nắm tay, “nụ hôn” mới chỉ là bước tiếp theo để biểu hiện cảm xúc nhẹ nhàng sao vụng về đến thế! Tiếng nói trái tim thật dịu kì mạnh mẽ, trái tim nhạy cảm đa mang nâng hương hoa tinh khiết làm cội nguồn chắp cánh hồn thơ anh bay bổng: “Em áo trắng xưa kia hoa khôi lớp/ Ta học trò bỗng chốc hóa nhà thơ/ Bài thơ đầu em mang đi đâu mất/ Lỡ vần tôi từ dạo ấy đến giờ…/ Lỡ vần tôi thân thế chẳng ra gì” (Hoài niệm hoa). Phải chăng đó là lòng biết ơn, có tà áo trắng bay bay trong nắng vàng với dáng Kiều em mới cho anh làm thi sĩ. Phải chăng đó là sự nuối tiếc và phải chăng tự trách mình là người đến sau! Hay là sự mặc cảm thân phận, cách sĩ diện thân thế chẳng ra gì, tính ích kỉ còn tồn tại ở một số “bậc mày râu” !

          Đến “Lãng Đãng Giữa Đời” là đến chàng trai Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng văn hay võ giỏi. Và tiếng đồn võ giỏi có sức lan tỏa mạnh, biết rằng thi sĩ người Bình Định nhưng thật khéo léo trong cách kể chuyện “Vua và em”. Đó là tình yêu của chàng trai Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân thuở nào. Có lẽ, trai Bình Định đến con gái Thăng Long, xứ sở của vương triều, lúc này thi sĩ rất tự hào: “Ta- trai Bình Định hơi khô cứng / Rất thật tình riêng phong cách miền Trung / Ô hay! Sông núi sinh người vậy / Mà lúc nào cũng độ lượng bao dung”(Vua và em). Vừa khẳng khái vừa độ lượng nhân từ, chỉ bao nhiêu đó đủ vốn để có thể chinh phục hàng vạn trái tim con người, đâu riêng gì một “Em” ?!...  Điều gì đã không cho phép anh, nên “con gái Thăng Long” ấy dù “ ốm o mình hạc” thông cảm và hiểu anh hơn. Dù cho xã hội phong ưu ái phái nam có quyền đa thê. Mà hạnh phúc lứa đôi không thể có sự chắp nối. Đó phải chăng là giới hạn của tự nhiên, của hoàn cảnh gia đình, của xã hội quy định. Và dù có tham lam đến mấy thì anh phải có sự lựa chọn, cái tâm cái đức của bậc trượng phu nào cho phép anh làm ngơ trước lá ngọc cành vàng kia. Anh thắt lòng: “Và có lẽ, mai chia tay buồn lắm / Em ốm o mình hạc Thăng Long / Thương áo trắng đi giữa trời sương khói/ Ta đã yêu, thôi em cứ an lòng”. Vâng, “Ta đã yêu, thôi em cứ an lòng”. Không anh và em, mà ta và em. Cách lựa chọn vai vế trong xưng hô phù hợp với thời đại cũng mang tính cả quyết, đầy quyền uy, nhưng không thể bảo bọc sẻ chia cho riêng em được. Dù trong hoàn cảnh nào khi ta đã yêu thì không ai có quyền cản trở, em cứ yên lòng với tình yêu ta dành cho em trọn vẹn cũng như bao người con gái khác vậy. Ta yêu em chính là yêu cái đẹp. Đã là người không ai không yêu cái đẹp. Thưởng thức và trân trọng cái đẹp là thưởng thức cái chân thiện mĩ. Thi sĩ ngộ ra trong một tứ thơ ba câu rất mới giữa đời thực và mộng:
                     Nhiều khi thơ là phiến phù vân
                        Lững lờ trôi giữa chiều hoa định mệnh
                        Trong vô thường lặng lẽ bay đi

             Và sự lặp lại:
                        Nhiều khi trời bong bóng vỡ, nhiều khi…
                          Em phù phép kéo ta về đời thực
                          Rồi tan theo bụi ô nhiễm nơi này

                                                               (Tùy bút thơ)
            Cách lí giải chưa đủ sức thuyết phục, độ tin cậy chưa cao, bởi đời thực tuy khó khăn thiếu thốn, ta vẫn biết chắc chiu gìn giữ lấy lề dù áo mặc rách bươm. Mọi chông gai chỉ là bước đầu: “Sau mỗi chuyến làm ăn thất bại/ Tôi với đời cay cú chuyện áo cơm/ Thơ bỗng về hòa giải- thiệt, hơn/ Và vỗ về, tôi cảm ơn biết mấy”(Gạch nối thơ). Cái gạch nối thơ và đời là hai mặt đối lập bổ sung. Nếu thơ là suối mát giữa trưa hè gay gắt thì đời chính là ngọn lửa giữa đêm đông. Nên đời yêu thơ bao nhiêu thì thơ yêu đời bấy nhiêu. Có thế thơ mới giải tỏa sầu bi bế tắt khốn cùng những lúc phải ngụp lặn giữa bể dâu ngỡ không còn lối thoát, thơ là khúc ca nâng cánh cho ta vẫy vùng giữa xanh thẳm trời xanh.


          Đọc “Lãng Đãng Giữa Đời”, ta luôn bắt gặp những tứ thơ mang đầy tâm trạng, nỗi niềm của một tâm hồn đa cảm, đa đoan. Trần Viết Dũng đâu chỉ dừng lại những khung cảnh tuổi học trò hào hứng nơi bước chân đi qua ắp đầy kỉ niệm khi “Đêm trở lại Quy Nhơn”* từ ngã tư, ghế đá, góc quán, Cầu Đôi,… thuở nào cho thi sĩ nuối tiếc: “Đâu còn thuở mười lăm mười bảy / Ngược vòng xe liều lĩnh đi tìm” nữa. Giờ với anh “Trắng”* tất cả trong một bài thơ tám câu với tám từ “trắng” thật chạnh lòng: “…Ngược xuôi rồi cũng trắng tay/ Trở về sương gió trắng vai áo mình…” Và nếu thế thì… “ốm o mình hạc” không còn là của con gái Thăng Long kia nữa, mà chính là anh. Cái điệp khúc ngỡ yêu chưa đủ dày vò mãi cuộc đời đến lúc nào đó phải chết mòn trái tim thi sĩ. Hầu như anh cứ lận đận nhọc nhằn tình yêu đôi lứa, quẩn quanh:
           Để đêm đêm riêng dưới mái hiên nhà
             Em lặng rót trái tim làm hai nửa
             Anh lặng xót mắt môi mình không nỡ
             Thà như sương cứ lãng đãng giữa đời

                                        (Lãng đãng giữa đời).
          Còn riêng mười hai khổ thơ, mỗi khổ bốn câu trong “Trường sơn khúc”* viết cho bạn bè bị động viên năm 1972, ở miền Nam không thoát ra được nỗi cô quạnh, mặc dù: “Đứng thẳng vói tay cao hơn núi/ Mới hay trời quá đổi cao xa/ Hỏi rừng, nay đã bao nhiêu tuổi/ Trải mấy thu đông rừng sẽ già”, nhoi nhói quặn đau: “Trường Sơn, Trường Sơn sâu gió hú/ Thú rừng gầm giọng động một phương/ Nghe thú: lạc đàn buồn bã lắm/ Nghe ta: mù mịt một quê hương”.
           Dẫu biết rằng thơ với anh như dưỡng khí thường ngày hít vào thở ra, môi trường trong lành là đồng lúa uốn câu nặng hạt reo tay người rộn ràng mùa gặt, là mặt biển xanh dập dờn con sóng,…là cơ hội cho tứ thơ thăng hoa. Cũng như theo quan niệm của Viteslav Nezval: “Với tư cách nhà thơ, chúng ta không cần hạ thấp yêu cầu của chúng ta với thơ. Thơ cần là chính nó ngay khi chúng ta đặt ra cho nó những nhiệm vụ mới. Ngược lại nữa – chính do có những nhiệm vụ mới, thơ lại càng là chính nó ở mức cao hơn”. Cái cốt ở thơ không là loại thể, vần điệu, cái cốt ở thơ là chính nó gắn liền với cuộc sống của con người với đất nước và dân tộc. Chúng ta tìm được ở Trần Viết Dũng “ Khuyên mình”* với bốn câu kết: “Dù đời sống hành thơ kiệt sức/ Cũng nhoài người ôm giữ trái tim / Còn nhịp đập lẽ nào bất lực/ còn yêu thương thì phải cố công tìm”. Nào đâu là lời tuyên ngôn vẫn chắc như đinh đóng cột vậy. Chúng ta sẽ đón chờ ý tưởng cố công tìm của anh trong những tập thơ tiếp theo.
                                                                                       29.8. 2012
____________
*Tên những bài thơ trong tập
** Trích tiểu luận Lặng trong hương lúa- NXB Vh 2014, Nguyễn Thị Phụng