Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

CỬA LÀNG VINH THẠNH (Sưu tầm và ghi chép), Nguyễn Thị Phụng


 CỬA LÀNG VINH THẠNH

         Làng là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến. Bao bọc quanh làng có lũy tre xanh vừa là máy điều hòa thanh lọc không khí trong mùa hè, vừa là bức tường che chắn gió bão trong mùa đông và còn hơn nữa là lũy thành bảo vệ an toàn đời sống cư dân nơi đây một khi có giặc cướp xâm nhập. Còn con đường vào làng được uốn quanh mềm mại theo “Ngõ trúc quanh co…” (Nguyễn Khuyến) sau buổi đồng áng trở về với tình làng nghĩa xóm. Mỗi làng thường có cổng ra vào, đón người trở về và tiễn người ra đi đầy kỉ niệm. Cũng không phải nơi nào đều có cổng làng kiên cố như ở Vinh Thạnh quê tôi, qua một trăm năm đến nay vẫn còn tồn tại.   
        Dấu ấn thời gian
        Nói đến làng Vinh Thạnh, từ cổng Lí môn trở vào người ta nghĩ ngay đến một Danh nhân Văn hóa Đào Tấn (Thơ, từ, tuồng,…) có cả tộc họ Đào định cư từ thế hệ thứ nhất(sống thời Lê Cảnh Hưng, 1740- 1786) đến nay thế hệ thứ chín(1975- 2018), thiếu ba mươi năm là trọn ba thế kỉ*. Trải qua mấy đời danh gia với những tước phong còn lưu lại: Triều liệt Đại phu Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, đến Cáo tặng Trung nghị Đại phu Thái bậc tự khanh, cáo tặng Trung phụng Đại phu đồ soát viện hữu phó Đô ngự sử (thời cụ cố, cụ nội, cha của Đào Tấn). Với Đào Tấn (sau khi Tự Đức mất, ông đã bỏ quan về nhà, bị triều đình hạ chức bốn bậc, ông đi tu ở chùa Linh Phong- chùa Ông Núi. Khi Đồng Khánh lên ngôi, triệu ông ra làm quan. Thời Thành Thái thứ 15, ông giữ chức Công bộ Thượng thư lần thứ II (năm 1903), vị quan thanh liêm mà khẳng khái, được nghe gia đình kể lại:
        Đó là những năm 1905, sau khi Cụ về nghỉ hưu ở làng quê Vinh Thạnh, trong ngôi nhà xây nhưng bên trên vẫn lợp bằng tranh và có biển Hương Thảo Thất treo trước mặt nhà. Hai trụ cổng quay về hướng đông nhìn thẳng ra phía trước là ngọn núi Hoàng Mai. Và Cụ chọn nơi ấy là chỗ nằm vĩnh viễn cho mình: Lên đỉnh Mai sơn tìm huyệt mộ/ Đứng trên tản đá ngậm thinh cười/ Núi Mai này gửi xương Mai nhỉ/ Ước nguyện hồn ta hóa đóa mai./ (Đào Tấn- Đào Nhữ Tuyên dịch). Nhưng với nỗi trăn trở băn khoăn chưa làm được đó là phần mộ mẹ Cụ là Hà Thị Lang, lúc sinh thời theo con ra Huế, nên khi mất đã được chôn cất trên núi cao tại thôn La Chữ (Thừa Thiên – Huế). Giờ đây đến cuối đời, muốn hài cốt mẹ cũng nằm bên mình ở núi Hoàng Mai. Triều đình thời vua Thành Thái bấy giờ hay tin có nhã ý xây kiên cố cổng làng đón hài cốt mẹ Cụ trở về cho trang trọng hơn. Nhưng Cụ chẳng muốn phô trương, khảng khái từ chối. Cuộc di dời mộ mẹ được đặt ra theo kế hoạch, cho làm một cái cổng tạm bằng tre gắn lá dừa, lá cây đùng đình, có cả sắc hương hoa trắng như Huệ, Ngọc Anh, Chi Tử,… hai bên trụ cổng Cụ ghi hai câu: “Suy nhi đổng khốc di tiền mệnh/ Từ mẫu anh linh phản cố sơn”.(Nay phần mộ bà Hà Thị Lang cũng được chú Đào Tụng Phi (cháu cố Đào Tấn) cho di dời tiếp từ núi Hoàng Mai về phần đất thổ mộ của gia đình tại thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc).  Còn nữa, vua Thành Thái gọi phu nhân của ông là cô họ- dòng Tôn thất, và Đào Tấn cũng đã từng dạy con vua*. Xét về mối quan hệ trong hoàng tộc, công trạng, nên ông được phong tước Vinh Quang Tử (Tử là một trong sáu bậc triều đình: Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Chính vì thế,  rằm tháng bảy năm 1907- Đào Tấn mất, đến mười năm sau, thời vua Khải Định (1918) cho xây cổng làng Vinh Thạnh.
          Cửa làng Vinh Thạnh gắn liền với di tích văn hóa
         Phía mặt trước biển cổng làng trên ghi thời gian: 1918, dòng tiếp theo ghi: PORTE Du VILLAGE Du VINH THẠNH, hàng cuối Lý môn Vinh Thạnh (chữ Hán). Còn từ trong nhìn ra dòng chữ tiếng Pháp được thay bằng tiếng Việt: Cửa làng Vinh Thạnh. Điều đó cũng đã rõ thời thực dân phong kiến không thể nào khác được. Hoa văn hai bên trụ cổng là cội mai già nở hoa tinh khiết, khóm trúc thanh cao tình phụ tử, tình huynh đệ. Hai bên trụ cổng chính có hai cửa phụ, rộng khoảng 1m5 dành cho người đi bộ, sau đó không còn nữa(vì từ những năm sáu mươi thế kỉ trước, việc xây hàng rào ấp chiến lược đã tháo gỡ). Việc xây cổng làng với mục đích nhằm suy tôn người con hiếu thảo cha mẹ, một vị quan thanh liêm chính trực, và hơn nữa cả năm người con trai của Cụ, trong đó có bốn vị đã đỗ cử nhân: Đào Bá Quát(con cháu ở Phước Lộc), Đào Thụy Thạch (con cháu ở Sài Gòn), Đào Nhữ Thuần(con cháu ở Cà Mau, có cháu ở Hà Nội), Đào Nhữ Tuyên (con cháu ở tại tự đường họ Đào quê nhà) và Đào Nhữ Tiếu (con cháu ở Long Khánh) chỉ đỗ tú tài. Chính vì vậy mà trên hai bên cổng làng có biểu tượng bốn quả cầu tròn nằm dưới đỡ quả cầu tròn lớn ở phía trên biểu tượng sức mạnh sự tôn vinh một gia đình hiếu thảo hiền tài.
        Vậy Cửa làng Vinh Thạnh gắn liền với di tích như Cổng ngõ, cây vạn tuế, am Bà Hỏa (tại vườn nhà Đào Tấn), biển Hương thảo thất(lưu tại Bảo tàng Bình Định), cây trúc và Bia đá Đào Tấn**
(trước đây đặt tại đình làng Vinh Thạnh), nhưng qua biến cố giờ được lưu giữ tại tự đường Đào Tấn.

        Nay, ngoài Cửa làng Vinh Thạnh phía bên trái có Đền thờ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn(2016), phía bên phải là Đình làng Vinh Thạnh. Lại việc nói thêm trước đây Đình làng Vinh Thạnh ở xóm Vinh Bắc Vinh Thạnh. Đến- thế hệ thứ ba: cụ Đào Đức Uy sống vào cuối thời Nguyễn Nhạc (1778-1793) đến đầu thời Minh Mạng (1820-1840), có 5 con trai và 2 con gái, nhưng chỉ còn lại hai người con trai lớn, số còn lại đều bị mất lúc còn nhỏ. Thế là cụ nội của Đào Tấn mới hiến phần đất trước tự đường Đào tộc để xây lại ngôi đình. Đình làng Vinh Thạnh tồn tại đến bây giờ.

        Thế hệ con cháu tộc Đào
           Tính đến thế hệ thứ chín Đào tộc, có ông Đào Đức Tuấn(công tác Sở Giáo dục Bình Định) đang ở tự đường họ Đào, Tiến sĩ Đào Thanh Sơn (công tác Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh, ngoại tôn có Tiến sĩ, phó giáo sư Huỳnh Văn Thưởng (công tác BVĐK Khánh Hòa), và còn nhiều cháu con có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân,… trong cũng như ngoài nước với những ngành nghề khác nhau, cùng họ hàng làng xóm đều tri ân bậc tiền bối mỗi khi đi về qua Cửa làng Vinh Thạnh.
          
       Phần kết

Sự tồn tại tộc người luôn gắn liền với cộng đồng làng xã. Cửa làng Vinh Thạnh thuộc xã Phước Lộc quê tôi tính đến nay tròn một thế kỉ. Nhân kỉ niệm 111 năm ngày giỗ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn, rằm tháng bảy năm Mậu Tuất (2018). Thuở ấy những chàng trai trong xã, ngoài huyện mến mộ con gái tộc Đào, cưới được vợ là về ở lại Lí môn, nên chăng đất lành chim đậu. Trong đó có thể kể ông cố nội tôi Nguyễn Táp(Nguyễn Tân, đỗ thứ 3/8 cử nhân khoa Ất Dậu 1885- Hàm Nghi thứ I Trường Thi Bình Định), làm quan huấn đạo huyện Tuy Phước, giờ chỉ còn lưu lại hai câu đối tặng cho thủ khoa Lê Thân cùng khóa với ông: “Nhập cách văn chương, học vấn nguyên uyên khả khảo/ Cao tiêu giáp đệ, giang sơn phong vận thiên đa”(Dịch: Văn chương trúng cách, học vấn uyên thâm thì xét được/ Tên tuổi đề cao, núi sông vận tốt đã nghiêng về)***. Điều ấy cũng minh chứng ngày cụ cố tôi mất, trên liễn ghi: “Cư quan bất cải điền viên thú/ Dung sĩ tự hữu thiên vạn gian”**** đặt trước bàn thờ ông đến giờ. Sau này thêm tộc Huỳnh, tộc Đặng, tộc Trần,... đều là con cháu rể họ Đào về ngụ cư tại làng Lí môn Vinh Thạnh là niềm tự hào chung về miền đất học của quê hương./.

15.08.2018- 2020/ Nguyễn Thị Phụng. 

_______________
         *Trong hai cuốn Đào Gia Thế Phả viết năm 1885 và 1904(Đào Đức Chương lưu giữ)
         ** Bia đá Đào Tấn:
皇朝
維新二年戊戌二月吉日
誥授榮祿大夫柱國太子少保協辨大學士
陶公丈懿神位
領工部尚書充機密院大臣榮光子爵致政
本村奉紀
Hoàng triều Duy Tân nhị niên Mậu tuất nhị nguyệt cát nhật (ngày lành tháng 2 năm thứ 2 đời vua Duy Tân)
Đại phu trụ quốc thái tử thiếu bảo Hiệp Biện Đại Học Sĩ
(Đại phu trụ cột của quốc gia, quan hàm nhất phẩm thầy của thái tử, được phong Hiệp biện đại học sĩ).
Đào Công thụy Trượng Ý thần vị
(Bia vị của đại thần Đào Công thụy Trượng Ý)
Lãnh công bộ thượng thư sung cơ mật viện Đại thần Vinh Quang Tử tước trí chính
(Lãnh chức thượng thư bộ công đại thần sung cơ mật viện tước  Vinh Quang Tử đã về hưu)
Bổn thôn phụng ký (thôn này ghi lại).
                          (Bản dịch của Quán Như- Như Thị Quán Chiếu).

***Trích Các nhà Khoa bảng Bình Định dưới triều Nguyễn- Tiễn sĩ và cử nhân (1807-1919) NXB Thuận Hóa (Nguyễn Phu- Nguyễn Thiều). 

**** Trên cặp câu liễn có ghi hai chữ 成泰 (Thành Thái)/ 丙申 (Bính Thân), tức năm 1896


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét