Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

HỘI NGỘ HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG


HỘI NGỘ HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG
hay Nhật kí 15.12.2019 tại Lí môn Vinh Thạnh

       Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi viết Nhật kí cho đời mình.
     Để khẳng định một điều những tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ngôn từ thể hiện tư duy người sáng tác giúp độc giả hiểu và sẻ chia dưới nhiều hình thức khác nhau. Có người yêu thích về một nhân vật rồi kể lại truyện ngắn ấy, có người tâm đắc ngâm nga bài thơ. Nhưng riêng tôi tiếp nhận văn bản qua hình thức điểm bình, chính vì thế tập Hồn cốt văn chương (NXB Văn hóa Văn nghệ 2019), công việc  không chỉ là phát hành sách đã in, phục vụ bạn đọc mà còn là cuộc hội ngộ giao lưu các nhà văn, nhà thơ có tên trong tập Tiểu luận và phê bình cùng với bạn bè yêu thích văn chương.

         Thời tiết chỉ còn tuần sau là vào Đông chí, lại được thiên nhiên ưu đãi Hồn cốt văn chương. Giữa không gian vườn của Hội quán Hương đồng nội, tách trà thơm lan tỏa hòa cảm xúc thăng hoa đón nhận những người bạn tham dự. Sau mười ngày, “Ơn trời mưa nắng phải thì…” tôi gặt được những trái tim sẻ chia trên facebook dành yêu thương cho Hồn cốt văn chương: “Kim Chi Ho Con tâm đắc bài nói sâu sắc của nhà văn Lê Hoài Lương. Con ko thể ngồi yên vì bài nói dí dỏm mà khái quát cả cuộc đời và sự nghiệp của NTP của nhà thơ Phạm Văn Phương. Con trở thành fan hâm mộ của người kiến trúc sư tài hoa Đào Tùng. Con yêu mến ngay từ phút đầu cô MC áo tím. Con bất ngờ trước sự dung dị, chân thành của giảng viên Lê Nhật Ký... Và còn rất nhiều cung bậc cảm xúc đến với con trong buổi ra mắt sách dễ thương của cô. Con bị lỗi một cái hẹn với cô hôm giờ. Mong cô thông cảm cho con nhé…” Không chỉ một đồng nghiệp trẻ Kim Chi Ho (THCS. Phước Lộc) luôn đồng hành cùng cô Phụng Nguyễn Thị (NTP) trên mỗi trang văn, trong những ngày ra mắt sách, mà tôi ắp đầy lời chúc mừng yêu thương tỏa hương cùng Hồn cốt văn chương từ các Nhà giáo trường Đại học Quy Nhơn, thầy cô giáo trường THPT Xuân Diệu, trường THCS Phước Lộc, của Văn nghệ Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn, Tây Sơn, An Khê, Phú Yên, Lâm Đồng,… của trang web. Hương xưa, của lớp Văn 3B ngày ấy, của Chi hội Cựu Giáo chức, của nhóm Gà An Nhơn,… và người thân trong gia đình.

      Phải chăng đó là hạnh phúc cho Hồn cốt văn chương từ những cung bậc cảm xúc: Một Khát vọng của Phạm Minh Tuấn đã được mở đầu chương trình giao lưu qua tiếng hát Thu Hồng, cô giáo (người Phù Mỹ Bình Định) dạy văn viết truyện ngắn và làm thơ đến từ Phú Yên, lại tiếp nối thăng hoa “…vệt nắng cuối ngày…mẹ khắc khoải chờ mong…lời mẹ ru cánh cò trắng muốt, … sớm tối nhọc nhằn thương lắm cò ơi… Mẹ đã xa, mẹ đã xa, ôi cò trắng giữa mặt hồ…”(Cò ơi- Thơ Thu Hồng, nhạc Nguyễn Ngọc Quang).







         Phải chăng đó là hạnh phúc từ những cung bậc cảm xúc: về khoảnh khắc Giao thừa 11(Trần Viết Dũng), đọng  lại cái tình, mà MC. Lưu Thị Mười bất ngờ sau lời phát vấn về bài thơ ba câu chưa thấy xuất hiện trên văn đàn. Nhưng vì sao nhà thơ Nguyễn Thị Phụng lại có, bình thơ rồi đưa vào trong tập Hồn cốt văn chương!?… Cái kết cho câu trả lời “Tôi giao thừa buồn tôi”, dọn dẹp nỗi buồn nhà thơ cất cao tiếng hát: “Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết…”(Anh đến thăm em đêm ba mươi) - tình khúc Vũ Thành An của mối tình đầu ngân nga tiếc nuối trong tiếng hát thi sĩ “Vua và em”.
         



   Sau lời mời, tác giả Những dòng sông. Làng. Và những người con gái đã khiêm tốn mời lại MC. trở về vị trí, nhường “diễn đàn” cho mình. Gói gọn chỉ năm phút, không nói về tập Tản văn, ngoài việc BBT Báo Văn nghệ a lô xin ảnh bìa tập sách và thông tin có bài viết của NTP. gởi ra đây… Nhưng cái bất ngờ đối với anh là hạnh phúc cuộc hội ngộ, về trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện Hồn cốt văn chương của chị Phụng- được nhiều người nói từ “nhà giáo- nhà thơ- nhà văn- nhà phê bình kể cả nhiếp ảnh”,… nghĩa là nơi nào có sự kiện chị đến được là ghi tất những hình ảnh, sinh hoạt để đưa lên các phương tiện thông tin. Có thể nói chị nghiện face… Đặc biệt chị nghiện tình cảm bạn bè… Chị Phụng là người hạnh phúc nhất… Cái hạnh phúc không mơ hồ khi chị là một trong những người chịu đọc, không chỉ đọc từ bạn bè tặng, chị còn đến Thư viện, mua sách và đặt thêm Tạp chí Thơ, Nhà văn,… với chị đọc là hạnh phúc. Mặc sự khen chê trong cảm nhận tác phẩm của mọi người, riêng chị cứ hồn nhiên trong veo chia sẻ, đồng cảm, mê đắm văn chương. Và khi đọc chị đã sáng tác. Người đam mê văn chương như chị thật quá hiếm. Làm văn chương với chị là hạnh phúc, là được giao lưu với bạn bè, niềm hạnh phúc luôn mãi bền vững với chị…

     Và cuộc biện luận đơn phương“bùng nổ” về hạnh phúc của Nhà văn Lê Hoài Lương cuốn hút từng ánh nhìn ngạc nhiên, phải chăng đó là sự thật NTP sao!... Ai đã biết về chị. Đọc những tác phẩm sẽ có lời thẩm định tác giả, như ở phần đầu nhà văn vừa“đúc kết”. Và chỉ đúng trong thời điểm thuộc về ngày hôm qua!...











     Giữa buổi sáng mùa đông tìm cái rét khó quá. Bởi hạnh phúc duy trì kết nối từ những cung bậc cảm xúc luôn đồng hành trong tiếng đàn guytar, từ một kiến trúc sư tài hoa góp lại tình quê khao khát:“…Về đây thôi, về đây thôi kể nhau nghe chuyện buồn vui mây khói u hoài,…kể nhau nghe vùng trời tinh khôi…”(Đào Tùng thể hiện, sẻ chia một sáng tác vừa viết xong là nhận lời mời của chị Phụng ).       




Cảnh trước nhà Phụng sáng 15.12.2019.

        Tất cả chúng ta về đây, là về lại vùng quê cư ngụ lâu đời của nhiều tộc họ, trong đó có thể kể tộc họ Đào nên mới có cổng làng hơn 100 năm lặng lẽ đón đưa từng bước chân đi về nặng tình làng nghĩa xóm. 









Đến với ngõ Lí êm đềm, hay đến  với bóng mát hương hoa, quả ngọt lắng đọng chất giọng Nguyễn Thị Ánh Sáng: “Tháng ba bưởi ngan ngát hương/ Mồ hôi cha ủ góc vườn thuở nao/ Chợ xa bước thấp bước ao/ Hoa cười là mẹ đổi bao xuân mùa/…/ Bưởi đào thương thuở hàn vi/ Con nương vị ngọt những khi cơ cầu”(Hương bưởi, trích Vườn trưa- Nguyễn Thượng Trí).
Tác giả Vườn trưa tặng hoa Ánh Sáng ngâm thơ
        
Đây là lần thứ ba giới thiệu tác phẩm của NTP. Lần đầu ra mắt tập thơ Em vẽ trái tim mình ở CLB Vh Xuân Diệu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh năm 2013, có nhà thơ H. Man, Lê Anh Dũng- đại diện NXB Văn học về dự. Lần thứ hai tập Tiểu luận Lặng trong hương lúa được Hội VHNT Bình Định tổ chức năm 2014 (Ra mắt chung với tập Tiểu thuyết Thầy Gootama và 8000 đệ tử của Nhà văn, Bác sĩ Trần Như Luận), lại có thêm Nhà văn Thái Bá Lợi và Hồ Sĩ Bình từ Đà Nẵng vào. Và hôm nay sách được ra mắt tại quê nhà mình, sau hơn 10 năm miệt mài yêu thương con chữ ở tuổi năm thứ 64 như tôi cũng là hạnh phúc. Xin chúc mừng buổi họp mặt và giao lưu các tác giả “bị” tôi đưa vào tập Hồn cốt văn chương. Xin cảm ơn NXB Văn hóa Văn nghệ, Ban Biên tập, Họa sĩ Lê Duy Khanh vẽ bìa, đối tác liên kết xuất bản Phạm Kim Sơn. Cảm ơn tất cả tác giả có mặt trong tập sách, cảm ơn người thân, bạn bè, độc giả về họp mặt ra mắt sách NTP.
Những đóa hồng mãi tỏa hương lưu niệm cảm xúc từ đôi tay MC. Lưu Thị Mười chia sẻ…
         

                Hương hoa thắm sắc được dành riêng Hồn cốt văn chương từ xứ sở hoa Đà Lạt- Ngựa núi của Trần Hoàng Vũ Nguyên và người bạn Bạch Thùy Dung đồng hành gõ cửa lúc canh tư sáng ngày 15.12.2019…








      
  Người xa đến người gần chỉ là khoảng cách kilomet. Nhớ nhau là lẽ thường. Người của văn chương xích lại để nói được cái tình muốn nói, MC. bảo rằng mình cũng quen biết chị đã lâu, nhưng chưa viết về chị, chia sẻ chân tình phải dành cho tác giả Ngang qua mùa hạ- Lê Bá Duy: “…Với chị, nhờ lòng yêu, say đắm với văn chương mà chị đã vượt qua bệnh tật để tồn tại để sống và viết được như thế. Chưa hết chị còn yêu bạn bè, quý bạn văn chương… Tại ngôi nhà trần gian này, chị vui mừng đón nhận những thi sĩ tài hoa như “thi sĩ của Vua và em”, “thi sĩ xe ôm”, “nhà văn, thi sĩ Hồ Du” ở Vĩnh Long và rất nhiều nhà văn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng… ghé thăm. Chính sự cởi mở, chân tình, vui vẻ và mến khách của chị đã chiếm được khá nhiều cảm tình của bè bạn văn chương… Tôi thích cái “dễ thương” khi chị nghĩ về một câu ca dao Bình Định; cái “thông điệp” lan tỏa yêu thương khi chị đọc các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Bá Trình; hoặc “Lung linh giọt nắng”, Có khi “Thức với vườn trưa” để thắc thỏm cùng với thơ bè bạn…”
Hai thế hệ văn chương.




          Nhà giáo Lê Nhật Ký trước khi đến dự đã nhắn tin:“Chị chỉ giới thiệu là anh em ở ĐHQN thôi nhé, không học hàm học vị gì cả”. (Tôi gởi lại: Yên tâm đi, tổ chức sự kiện giao lưu tác giả, nhưng chị không có khuôn dấu em ạ!...)Một phong cách Nhà giáo “nhân dân” đã làm cho người hội ngộ viết lên dòng chữ: “Con bất ngờ trước sự dung dị, chân thành của giảng viên Lê Nhật Ký...”. Thầy Lê Nhật Ký nói gì với Hồn cốt văn chương: …Sau khi đọc Em vẽ trái tim mình của NTP có ấn tượng sâu về những bài thơ lục bát… đậm một chữ tình trải ra nhiều trạng thái khác nhau trong mỗi tác phẩm theo chiều hướng tích cực, luôn phát hiện cái hay, cái đẹp ở mỗi tác phẩm trong Hồn cốt văn chương… Cái tình bộc lộ chân chất, cái dân giã của một nhà giáo… Chúng tôi rất tâm đắc bài viết của chị về công trình của chúng tôi “Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam”phân biệt được thể loại về Đồng thoại và Ngụ ngôn… Và hành trình văn chương với chị lâu dài hơn rất cần sự chia sẻ gia tăng lí thuyết phê bình… và với chị luôn có trách nhiệm với câu chữ của mình trước tác phẩm của bạn bè chị đã đọc… Cuốn sách có giá trị khi được đọc, và giá trị hơn khi được chia sẻ với mọi người mà chị Phụng đã làm được… Và tất cả cũng đã đón nhận thêm lời chúc sức khỏe của Nhà giáo đâu riêng dành cho tôi phải không ạ!...

 
Các bạn văn 3B CĐSP 
  
Đến lúc này tôi có thể khẳng định một điều sức mạnh sắc hương hoa từ các Nhóm bạn Văn, bạn Gà học Phổ thông An Nhơn 1, bạn Cựu giáo chức,… trao tặng dành cho Hồn cốt văn chương xua đi khí trời Đông chí, chẳng có lò sưởi nào ấm hơn lò luyện văn chương. Đôi mắt cử mở to hay khép lại để hình dung thay đổi cảm giác về một người đang muốn và đã sẻ chia về một người thường ngày gặp gỡ. Họ là ai!... Họ là những người làm văn chương, cái hồn cốt văn chương luôn có trách nhiệm bảo vệ ngôn ngữ tiếng Mẹ đẻ của mình, chỉ có hoàn thiện và làm giàu thêm vẻ đẹp cho nó.




Các anh chị em Cựu Giáo chức



     
Các bạn Gà THPT An Nhơn1
   























 
    Như một khi âm thanh tiếng cú “kêu” giữa đêm khuya vắng, phải chăng nếu không có một truyện ngắn “Cú vẫn còn kêu” của Trần Quang Khanh kịp thời đến với bạn đọc, loại chim trời chỉ “a lô” : cú… cú… gặp bạn về đêm… mà ban ngày phải miệt mài xây tổ, ắt dễ bị tuyệt chủng của một loài lông vũ này, nhà văn đã bày tỏ- kể lại các nhân vật có thật từ trong gia đình mình… Cú vẫn còn kêu là hình tượng đẹp trong văn học. Không cần giải thích. Bạn đọc đến với mỗi truyện ngắn của Trần Quang Khanh có thể sự lí giải khác nhau, nhưng chung quy người cầm bút hết lòng với nhân vật trong tác phẩm. Dẫu chỉ ít nhân vật là loài vật, anh vẫn dành hẳn tình yêu thương mình với nó. Huống chi là người. Cú vẫn còn kêu đánh thức cái nhìn lệch lạc trong sự định hướng về vấn đề xã hội và cuộc sống hôm nay…


     
Ba chúng tôi được bạn Duy Ninh tặng hoa kỉ niệm.
  
Hội ngộ Hồn cốt văn chương giao trọn cho MC. Lưu Thị Mười, tôi chỉ có việc cầm máy- vì không thể diễn lần thứ hai. Cái giật mình phải trở lại sân khấu nói lời “Cảm ơn các anh chị, các bạn đã dành thời gian đến với Hồn cốt văn chương, đứa con thứ tám của tôi, gặp gỡ và giao lưu với tác giả có mặt trong tác phẩm. Thời gian không nhiều, nhưng người bạn “ mầy - tao” của nửa thế kỉ trước đến bây giờ cũng vậy “tao- với mầy ”nằng nặc phát biểu, thôi cũng đành chìu “trai” một chút có được không ạ?  Xin mời Phạm Văn Phương(PVP)

       Nhà thơ- bạn tôi đã nói gì? Tình bạn của ba chúng tôi học lớp 10.C từ năm 1973, tôi xin được đứng giữa hai bạn Phương(An Nhơn) và Phượng(Tây Sơn). Lớp là lớp C (chơi), nhưng sau này có năm bạn được gọi là dân chơi: Hai bạn xinh đẹp là Lan Hương và Ái Mỹ (ở Đập Đá) xinh đẹp hát hay đã trở thành ca sĩ, lâu lắm có dịp mới được gặp lại. Từ Khánh Phượng- con trai đặt tên con gái, rất hiền yêu ni cô và không ngăn nổi trái tim tu sĩ- ra đời để sống với thơ, với tình yêu của mình. PVP. thì làng nhàng thơ với thẩn chỉ ra được một tập Hái bên đường, tính thời gian đến nay gần cả đời Kiều lưu lạc. Cái lạ của NTP ở Tuy Phước lên học An Nhơn, tôi hỏi thì bạn chỉ cười, lại có chồng sớm sinh hai con đặt là Tài- Năng; Cái lạ tiếp ở tuổi bốn mươi đang xuân tự nhiên không ngủ với chồng, ra nằm một mình lấy giấy bút ra làm thơ… Từ ngày xa Kim Trọng đến giờ đẻ ra tám đứa con thơ, văn, tiểu luận phê bình…đặt tên toàn con gái vì đâu có cha “Tự khúc đêm trăng, Em vẽ trái tim mình, Lặng trong hương lúa, Cho anh xin lỗi, Bến xuân, Hương thảo thất,Nơi tình yêu giữ lại, Hồn cốt văn chương. Lạ không. Thân già ốm nhách viết hơn ngàn trang sách. Tiền đâu để in, lương chỉ có mấy triệu chi đủ thứ, cả tình phí nữa, cả thuốc thang vì bị hen từ nhỏ. Lạ nữa là đang trong tay với bạn bè, anh em, giữa không gian thơ mộng đẹp ngây ngất những câu thơ tình kiểu như “Anh ngồi hát để em nghe/ Ngoài kia mặc kệ tiếng ve bờ rào”… thì Phụng- đùng một cái viết Điếu văn cho mình trong sinh nhật lần thứ 63… Lạ thật. Thôi thì…đã gần năm mươi năm nối khố với nhau, đến đây sẻ chia cùng bạn bè phải dùng chanh khống chế huyết áp và ai cần tôi có dự trữ trong túi xách, tôi cho… 
Bạn Yên giao lưu văn nghệ.
        Thế đấy
Chị Giai Ngẫu, nguyên gv. tiếng Anh với bài hát Bến Xuân

      Hơn 60 phút gặp gỡ một số tác giả trong Hồn cốt văn chương, cũng dành riêng văn nghệ tiếp nối tiếng hát chị Giai Ngẫu với Bến xuân của Văn Cao. Vì trùng tên tập thơ của NTP, dành tặng cho tác giả Hồn cốt văn chương. Bạn Yên cũng đã đồng cảm Tháng bảy, mẹ ơi (thơ NTP), cùng với tiết mục Lời ru (Lê Minh). Riêng anh Lưu Hữu Nhi Thùy, người nhiệt tình gợi ý mai tổ chức có cần loa kéo… tui đem xuống dùng. Và anh là người kết thúc chương trình văn nghệ thật nỗi niềm“…mẹ ta trả nhớ về không/trả trăm năm lại bụi hồng/ rồi đi...”(Mẹ ta trả nhớ về không-thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Trần Thiện Thanh) đánh thức và nhắc nhở.


Anh Lưu Hữu Nhi Thùy góp vui văn nghệ
       Phần chú thích:
       Tôi muốn trở lại ngày đầu tháng 12 cho đến buổi trưa Hội ngộ.
      Gặp nhau tại Cây Bông(Nhơn Khánh), nhà văn Lưu Thị Mười nhận làm MC , là cái mừng thứ nhất. Tiếp đến cái mừng thứ hai: qua thăm nhỏ Vàng mổ mắt về bình yên, thêm chuyện tổ chức liên hoan họp mặt Hồn cốt văn chương, Kim Thừa bàn ra: đừng dọn xôi, dành phần nấu bánh chưn đem xuống; Có dưa chua ăn kèm phần của Thanh Tranh, ngon đến hết, xin nữa…chỉ còn cải thẩu nhựa to. Trần Nghĩa mau mắn hơn, nghề của nàng: đổ đông sương cắt miếng ra dọn. Mắt đã khỏe chưa mà đem xuống một chồng bánh tráng mè nướng ngon quá Vàng ơi!.. Mình phải từ chối món Su Sa của Bùi Bảy ở Nhơn Thành để dành hôm sau, khi có bánh bông lan của Mai Dung Quy Nhơn đem lên. Nguyên vẹn cái bánh kem thơm phức của Hồ Kim Chi dành cho tất cả thưởng thức. Bánh ít mặn ngọt lại quá nhiều của chị Trướng. Cái mừng tiếp nối: Bàn tiệc bày ra thơm phức thêm món chả cá của Bích Hoàng, nhóm bạn học An Nhơn. Món thịt gà luộc, nem nướng kèm với bánh hỏi, rau sống chấm nước mắm đơn giản… thêm chút nước ngọt, rượu, bia là của tất cả các anh chị, các bạn đến dự góp vào. Cộng với cái công mới là khó của con trai, của các cháu và các bạn nữa cơ. Riêng tôi, lần đầu tiên đi súc lại các chai thủy tinh xin của chị Trướng về, cho con trai chứa rượu Vĩnh cửu từ trăm năm trước à nghen.
         - Tôi muốn nghe lại cuộc gọi sáng ngày 15.12.2019:
          * “Xe đã vào cổng làng rồi chị ơi, ra mở của cho em nhé!”của Trần Hoàng Vũ Nguyên lúc 3h30’
 * Từ chị Trướng bảo đã hơn tám giờ rồi, anh em bạn bè có mặt đông đủ. Sao không qua?... Tôi muốn nghe chị tôi kể lại vợ chồng em trai tôi đến từng bàn bắt tay các anh chị và các bạn nữa cơ. Bởi chị là người nghiêm túc, tôi cũng vậy. Nhưng… chiếc áo dài đường xa, MC phải là lại, gói gọn chương trình sao cho sinh động. Vân…vân … và… vân…vân…





       - Tôi muốn alo nhắn lại Đào Tùng, mời em qua tiếp tục món văn nghệ chỉ năm phút sau em và cây guytar có mặt. Ca sĩ quá nhiều, chỉ mình em cầm đàn từ tiếng hát Thu Hồng mở đầu Hội ngộ đến sau buổi liên hoan bổ sung văn nghệ, co rút cả các ngón tay trái…



   
     Xin chân tình cảm ơn và tôi thật sự xúc động khi tôi đến chậm 15' thống nhất với MC. chương trình gọn nhẹ, các bạn sẽ hài lòng với người vừa đạt giải MC. Quốc tế Lưu Thị Mười dẫn chương trình. Gv. Tiếng Anh, kết cấu câu và từ vựng Tiếng Việt chuẩn. Còn Hội quán phải dùng đến ghế nhựa bổ sung chỗ ngồi. Rất mong các tình yêu của tôi xí xóa. Tình thân.
Thêm chú thích
  


   
       Nhật kí mà sau mười ngày tôi mới viết được. Chẳng phải tất cả ưu ái cho tôi- người bạn, người chị, người em,… Để có sự hoàn thiện của một người, của công việc là sự hoàn thiện chung của tập thể các bạn ơi!...



     
  

Xin cảm ơn tất cả đã nhiệt tình đến sẻ chia với Hồn cốt văn chương. Mình giữ vẹn nguyên ngày 15.12.2019 dấu yêu trong đời, chúc sức khỏe đến tất cả tình yêu của mình. Quý lắm thay./.
        Mùa Giáng sinh, 2019. NTP
      

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

KÍNH GIÀ GIÀ ĐỂ TUỔI CHO,Nguyễn Thị Phụng


KÍNH GIÀ GIÀ ĐỂ TUỔI CHO

 

Ảnh năm 2013


Ngày 01.10 Ngày Quốc tế Người cao tuổi. Má tôi sinh năm 1913 nhưng trong chứng minh nhân dân không có ngày tháng sinh của bà, thế tôi chọn hôm nay là sinh nhật má. Buổi sáng đọc vừa xong tạp chí Nhà văn số 9, tôi dừng lại hơi lâu trong bài nghiên cứu của Chu Văn Sơn viết về Nguyễn Minh Châu và thi pháp "gói rào" trong Chiếc thuyền ngoài xa… mà tôi tâm đắc nhất là sự cảm nhận của người viết: Suốt đời ông miệt mài noi theo các bậc thầy truyện ngắn để đạt tới cái độ sâu "mỗi câu, mỗi chữ, mỗi tình ý đều thấm đượm chủ đề"... Đến 10 giờ lại còn đi dự tiệc cưới của thằng cháu trai, mãi vui thơm mỗi đứa một cái mới sực nhớ chưa chúc mừng má.
Về đến nhà gần năm giờ, hoa hồng tươi cũng không có, trời lại mưa. Tôi sang vườn nhà má, ngắt một cành hoa Tử Kinh hồng còn gọi là Tường Vi, gõ cửa bước vào chúc mừng thọ má và không quên tặng bà nụ hôn. Bà cười nói con Phụng thì lúc nào cũng sống như Tây, tặng hoa tặng hôn. Nói thì nói như thế, nhưng má đưa tay cầm cành Tử Kinh ngắm nghía bảo trời mưa sắc hoa vẫn đẹp, cánh không rụng, còn đọng những hạt nước mưa lung linh thật đẹp! Tôi mừng lắm, vì qua lớp kính má còn nhìn rõ được những cánh hoa li ti đẫm nước.  Rồi má nói con cắm cành hoa này vào lọ. Và cũng gần  sẩm tối, bảo tôi ở lại dùng cơm với má và chị. Chị tôi kể lúc trưa má dùng thịt bò với bánh mì, nên giờ má chỉ cần thêm một con tôm bạc lớn này và nửa chén cơm là đủ chất rồi. Nhưng khẩu phần ăn thường ngày luôn có chén canh, vừa và cơm vừa húp canh má mới nuốt trôi được vào trong, nếu không là bị nghẹn ngay! Bởi đâu còn cái răng nào, một đứa con mòn một răng xưa nay là vậy. Má lại sinh cứ cách hai năm một đứa cho đến khi nào hết đẻ được con mới thôi.
Ảnh năm 2012

Nhớ hôm 23 tháng chạp cúng ông Táo vừa rồi, chị tôi vẫn chiều theo ý của má, mua bột nếp, đường, hạt mè, gừng về làm bánh in. Tôi sang nhà chà bột cho thật mịn đổ vào khuôn nén chặt từng bánh, việc này má tôi khéo tay từ thời con gái, nên lúc nào cũng thèm làm, tìm việc mà làm, không muốn rảnh tay. Bà nhìn sang mâm bánh rồi ngạc nhiên: má mới dệnh (nén) được một bánh, còn con gấp chục lần rồi. Tôi mới hỏi má không biết vì sao mình làm chậm à! Bà cười bảo đâu biết! Trời ơi! Má đã gần trăm tuổi, còn con cũng đã hơn năm chục. Bà nói thì có sao đâu! Tôi giải thích tuổi cao sức yếu lại, nên mọi công việc phải để cho con cháu làm, má đã làm suốt cả đời rồi, giờ cố làm nữa thì con cháu rảnh tay rảnh chân lại càng lười ra, hư ra. Nhìn tôi rồi cười nói: chuyện lặt vặt trong nhà cứ để má làm cho vui, chứ ngồi không buồn lắm!
Má còn thích xem phim truyện truyền hình, nghe hát tuồng và ngâm thơ trên sóng phát thanh. Nhưng dạo này đã yếu, nên cũng ít tập trung. Má biết đánh bài tứ sắc, bài xẹp từ khi về làm dâu nhà nội. Buổi trưa, cơm nước xong bà nội gọi má tôi là con năm (vì cha tôi thứ năm), gọi thím tôi là con sáu (vì chú tôi thứ sáu), ngâm chén bát đấy vào đánh bài chơi với má nè! Nghe kể lại thì tôi thích mẹ chồng ngày xưa của má "sắc" con dâu quá chừng chừng!... Đánh bài vui chơi giải trí thì cả nhà ai cũng biết, nhất là trong những ngày Tết con cháu về cúng ông, thích được đánh bài với bà, có thua bà cho tiền để chơi tiếp. Má tôi còn nhắc nhở “sa” vào đam mê cờ bạc suốt ngày đêm vẫn là thói xấu cần phải tránh xa.
Má tôi là thế đấy. Người mẹ của năm trai, năm gái. Tôi là út gái trong nhà.
Má tôi là bà nội của mười ba đứa cháu, trong đó đã có sáu thạc sĩ, hai cử nhân, còn lại là phổ thông; Là bà ngoại của mười bảy cháu ngoại, kể cả ở nước ngoài, trong đó có hai thạc sĩ, mười kĩ sư và cử nhân, còn lại là phổ thông. Là bà cố của năm mươi ba đứa cháu, chỉ riêng năm nay có đến bảy cháu gọi cố nội và cố ngoại vào lớp một ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Bảo Lộc, ở Buôn Mê Thuột và ở ngay quê nhà, một cháu hôm hè về thăm bà cố để được du học nước ngoài theo suất học bổng của Nhà nước.
Má tôi thường nói bằng tục ngữ ca dao, nhưng cũng rất phong kiến khắt khe khi con cháu không làm vừa lòng bà. Tôi yêu má lắm, một năm bà nhớ có bao nhiêu cái đám giỗ, nhớ chính xác ngày tháng cúng. Nhang đèn hương khói hoa quả ông bà má nhắc lo chu đáo. Má cùng cha vất vả tảo tần nuôi mười người con ăn học. Năm 1978, cha tôi lúc ấy 67 tuổi, bị bệnh dù ông là thầy thuốc Bắc, biết thuốc có thuốc nhưng không cứu được, rồi ba người con trai cùng hai con gái của má bị bệnh, tai nạn, và trong chiến tranh phải ra đi, má đau xót biết chừng nào! Tóc má bạc ngày càng bạc thêm, nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, bệnh hen suyễn kéo dài má gầy đi thấy rõ.
Năm anh chị em chúng tôi còn lại lo má lắm, riêng tôi lúc nào cũng tạo niềm vui cho má. Ngày tháng qua nhanh, nước mắt má vơi dần, thấy má khỏe là chúng tôi hạnh phúc lắm. Người ta thường nói ở tuổi 60 thì tính bằng năm, tuổi 70 tính bằng tháng, tuổi 80 lại tính bằng ngày, còn má tôi ở tuổi ngoài 90 gần một trăm chúng tôi chỉ tính bằng giờ! Nên lúc này chỉ có chị tôi là người trực tiếp chăm sóc má chu đáo nhất nhà. Mà má tôi chỉ thích ở với chị tôi thôi!...

01.10.2010




Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

HƠN MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG, tạp văn Nguyễn Thị Phụng


                      HƠN MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

          Hơn một ngày bình thường mà chúng tôi chuẩn bị hơn một năm.
          Chuyện có thật. Bởi tất cả luôn là sự hoàn chỉnh ắp đầy cảm xúc và sẻ chia cho một ngày đã qua “…lòng tôi lại náo mức mơn man của buổi tựu trường”(Thanh Tịnh). Nhưng không là ngày đầu tiên đi học ở bậc tiểu học, ngày đầu tiên vào Đệ thất (Theo bậc học trước năm 1970 ở miền Nam. Bậc tiểu học: lớp năm, tư, ba, nhì, nhất. Bậc trung học có Đệ nhất cấp: Lớp Đệ thất, lục, ngũ, tứ; Đệ nhị cấp: Đệ tam, nhị, nhất), sau đó gọi theo thứ tự từ lớp một đến mười hai. Tính đến nay là tròn 50 năm. Nửa thế kỉ- một chặng đường. Chúng tôi- có bạn đã lên chức ông, chức bà. Cũng có bạn còn “quyết” giữ gìn nét thanh xuân thời con gái. Nghĩa là có một tình yêu thời đi học, chỉ dừng lại nơi đây trong ngày 28.08.2019 trên đất An Nhơn bình yên, lắng đọng.Vẫn tinh nghịch “tao- mầy” của ngày xưa nhớ quá.
         Alo- 3h chiều tao sẽ đón mầy”- An Nhơn gọi Tuy Phước. “Không được đâu. Nắng lắm. 4h nghen!”. Tíu tít đến 5h có mặt tại sân trường THPT số 1 An Nhơn. Hàng me tây ngày ấy còn lại hai cây chờ ba người ôm thôi, thế mà chúng tôi đến cả nhóm. Nhóm Gà- dang cánh chở che. Me tây tỏa bóng ôm cả tuổi học trò, ôm cả bóng xưa. Bóng người bóng cây ngan ngát trời xuân. Dọc theo hành lang, lên xuống từng bậc tam cấp, ngồi bên ghế đá tiếng thì thầm khẽ nghiêng chiều, vàng hơn chiếc lá rơi. Bước chân dẫm đạp trên cỏ xanh chịu đựng lời nguyền một đời bên nhau nhung nhớ. Những cú suýt bóng qua lưới trẻ trung trên sân lần lượt dắt từng xe đạp ra cổng, sân bóng rổ nhớ tay người. Nhường lại chúng tôi nụ cười và gương mặt bên cột cờ ngày ấy và bây giờ khúc khích, khúc khích tuổi thơ.
Gốc me tây sân trường An Nhơn 1

        Đêm thức cùng An Nhơn. Bánh xèo, bánh tai dạt, cà phê, nước ngọt mát đến tận chân răng, đến từng câu chuyện hai giờ sau được nghỉ, mời bạn về nhà đãi bữa canh bầu mắm ruốt nhớ đến bây giờ, thương ơi là thương!... Năm mươi năm rồi chứ ít na!... Qua sông Trường Thi tiếng gọi đò còn vẳng bên tai, leo cây vú sữa giữa tháng ba ngọt lịm. Về Nhơn Hậu vừa đi vừa hít mía ngọt thanh thêm vị điểm chín điểm mười, điểm trên hai mươi kia!..  Lội qua đập Bảy Yểng tới Nhơn Mỹ ăn bánh tráng chả trứng vịt với ớt muối sau mùa lụt,… Nhớ nhất những năm bảy lăm ngày hè ngang chợ Cảnh Hàn đến Nhơn Hạnh chặt lùng, phát lát; những con cá tràu, cá rô lần đầu mới thấy lớn gấp chục lần đưa mắt ngó, trầm trồ mà không dám bắt về ăn, dẫu từng bữa cơm chỉ mắm ruốt muối mè, muối đậu. Chỉ thiếu gạo nấu, chứ củi thì vô kể từ những vườn thảo nhơn vừa được phát quang. Lên An Trường học cách phát rẫy chặt cây, đêm về rộn ràng ánh trăng bên bờ suối… Xa An Nhơn là nhớ. Về An Nhơn là thương. Đêm thức cùng An Nhơn ắp đầy kỉ niệm trong “Lucky Thanh Trúc Homestay”- chúng tôi tự đặt, độc thân đến giờ, kể từ ngày ba đứa còn là “sĩ tử” ở SG cùng trên chiếc gường xếp mini chờ sáng lên xe về AN- TP. Đó là người tham dự, chuẩn bị trở lại sân trường ngày ấy lúc sáu giờ sáng tiếp tục điểm tâm “ăn ảnh” bổ sung cùng với những chiếc nón xanh quai lần thứ hai…

         Còn Ban liên lạc trước cả tháng kia. Giấy mời, pano,… đón đưa các thấy cô giáo từ xa về. Những tập Đặc san ngày ấy yêu thương và nhung nhớ. Những bó hoa kính dâng thầy cô, cùng lời chúc sức khỏe của học trò cho thầy Hồ Sĩ Phùng- Hiệu trưởng trường Đào Duy Từ, thầy Trần Xuân Phong- dạy Văn,… đầy xúc động trong lời phát biểu và sẻ chia. Chung tay cùng thầy Nguyễn Bá Trình- dạy Toán phát hành tập truyện ngắn thầy xuất bản đến bạn đọc, khoản thu hơn cả tấm lòng dành tặng một nửa cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện An Nhơn, một nửa tặng cô Quy cùng tặng hai bạn Nhường và Bích. Tình yêu nhân rộng và trân trọng nhắc nhở cưu mang.

         Màu tóc không còn chắc khỏe thuở nào. Và kỉ yếu thời gian không nề nếp cứ hồn nhiên vạch ngang vạch dọc trên khuôn mặt. Chỉ riêng ánh mắt chẳng thể già mua. Trẻ trung, hồ hởi qua cái bắt tay, ôm nhau thật chặt. Một tấm hình kỉ niệm có đến mấy ống kính lia qua, thể như không còn cơ hội lặp lại… Dẫu mấy lần MC gọi tên từng lớp mà có bạn “còn ham chơi…” quên mình đã học lớp nào!... Thương thiệt qua năm mươi năm chứ ít gì cho một bài hát Lời chào bình yên mà nhắc nhở Tổ quốc gọi tên mình, một bài thơ đủ nhớ cay cay trong mắt “Năm mươi năm dòng thời gian trôi miết/ Cuộc mưu sinh xa biệt một trời thương/ Nhớ thầy cô, yêu quê hương xứ Nẫu/ Thuở dại khờ ngày ấy có còn đâu”(Lâm Dân)… đầy cảm xúc của người nơi xa. Có bạn còn quyến luyến căn dặn nhớ alo năm sau cùng may áo dài nữa cơ…  

        Màu kỉ niệm chẳng nhạt nhòa đã thành dấu ấn tuổi học trò ngày ấy. Chỉ khác nhau là hơn một ngày bình thường, chính ta biết tự thưởng thêm sức sống cho mình./.
28.08.2019.  Nguyễn Thị Phụng.


Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

GỌI MƯA VÀO HẠ- Nguyễn Thị Phụng


GỌI MƯA VÀO HẠ


          Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa,.., mưa thì thầm dưới chân ngà…” tiếng hát Mùa Đông* trong hơn thể như linh ứng cơn mưa ngọt ngào đổ xuống hiên nhà, ngoài sân, và bên kia con đường bê tông là cả cánh rừng Long Mỹ (xã Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn) được dịp tắm mát sau những tháng ngày hè nồng bức ở mức 39, 40 độ C. Điều kì diệu ấy chỉ là sự khát khao Gọi tên bốn mùa bình yên nung cháy trái tim cố Nhạc sĩ họ Trịnh ngày ấy. Điểm lại thời gian đúng hôm nay chuyển tiết Đại Thử sang Lập Thu, mà trời rắt hạt từ sáng, dẫn nhịp cơn mưa hối hả thỏa thích cũng không thể lấn át tiếng đàn Trần Viết Dũng…
         Chuyện trà dư tửu hậu dễ gì có được vẫn là sự tranh thủ giành cho nhau sau bao ngày nhớ lắm. Ngày hè ưu ái vợ chồng nhà giáo đương chức Nguyễn Thanh Minh- Lưu Thị Mười từ Phù Mỹ vào. Riêng Nhà thơ Mai Thìn và Nhà văn Trần Quang Khanh, sau mười một giờ mới có mặt và cố gắng lắm phải chia tay trước mười ba giờ chiều. Chỉ còn lại cụ Ngô (nhà thơ Ngô Văn Cư)- không là ngô ngơ đâu, mang theo cả tập thơ tứ tuyệt, thế nào thi sĩ cũng nhuyễn bốn câu từng đạt giải đã in trong tập Lời ngắn tình dài của tuyển tập Tuổi Ngọc ngày ấy: “Vội vàng sợ trễ giờ lên lớp/ Bỗng gặp nhành hoa nở ven đường/ Nhẹ ngắt một hoa cho vào cặp/ Bất ngờ lớp học ngát mùi hương”(Bất ngờ ngát hương). Thế mà hương phải nén, nhường MC. Lê Hoài Lương hào hứng: “Xưa Hoàng đế để ria con kiến/ Rất thời trang và rất phong trần/ Nên chi con gái Thăng Long ấy/ Rất phập phồng ngực công chúa Ngọc Hân/…”(Vua và em- Trần Viết Dũng), thể gợi lại không khí Trại viết truyện ngắn của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm tại Công ty Du lịch Sao Việt Phú Yên, mà đại diện là Giáo sư- Tiến sĩ, Nhà văn Trình Quang Phú- Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương, Tổng Giảm đốc công ty đã tài trợ trọn gói. Nhắc đến Trại sáng tác, Nhà văn Nguyễn Trí như được thể xuôi thuyền mát mái, anh say sưa quanh chuyện Bàn tròn về truyện ngắn ở Sao Việt là tui cũng như Lê Hoài Lương không cần micro mà sóng âm cứ dội lại các cửa kính rung lên: “Tôi chỉ phát biểu chút thôi… nếu truyện ngắn của Nguyễn Trí “không gặp” Biên tập viên tốt, bằng không, tôi đã từ bỏ và văn chương sẽ không có tôi. Để có nhà văn phải có biên tập viên giỏi, tôi đồng ý với chị Y Ban. Viết một thời gian tôi bị phê bình “người kể truyên là Nguyễn Trí”. Tôi phải thay đổi… Truyện ngắn phải có dư âm”, nhưng giờ trở lại núi rừng Long Mỹ thuở nào tui lại thèm đọc thơ. Nói rồi nhà văn liền mạch cả một bài thơ dài từ Giang hồ của Phạm Hữu Quang:  “…/Giang hồ có bữa ta ngồi quán/ Quán vắng mà ta chẳng chịu về/…” lại tiếp: “…/Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn/ Mãi mê tán dóc chẳng cho về/…”(Một ngày nhàn rỗi- Nguyễn Bắc Sơn). Anh tranh thủ tiếp gởi chút tình vào bài hát Tàu đêm năm cũ tha thiết. Còn sau khi yêu cầu, nhà văn Lê Hoài Lương nhớ lại một mạch nén lòng đầy hương vị Bữa rượu cuối năm của Vũ Hữu Định: “…/Long lanh mắt chú sao đầy rượu/ Có bóng quê xa, có bóng thầy/ Chú ạ, vô tình anh mới khóc/ Vô tình vuốt mặt để nghe cay”.

          Chuyện đọc thơ, thuộc thơ bạn bè của giới văn chương Bình Định kể như làu làu. Nhưng đọc thơ mình thì sao. Nguyễn Trí chỉ có bó tay, lắng nghe, ngạc nhiên khi MC. nhà văn Lê Hoài Lương bị mách, dồn vào thế nên phải “bật mí” đã từng đạt giải nhì thơ Văn nghệ Bình Định năm tám mươi ba của thế kỉ trước. Có lần nghe “chúng nó” xuống hàng tân hình thức nhảm, nên mình có bốn câu: “Có những lúc mùa thu dài như chó/ Sủa vào trăng vằng vặt phía sau rầm/ Có những lúc hồn anh lỗ chỗ/ Vết đạn từ tiền kiếp đến trăm năm”. Được dịp cho Nguyễn Trí sợ luôn, nên đọc bài thứ hai Tiếng chiều, nghe luôn cả tiếng thời gian: “Thế là xong, người ta đặt anh nằm trên đồi rồi lấp đất/ Tiếng sỏi gõ vào chiều khô khốc/ Âm thanh buồn xao xác cả cô miên/ Chúng mình đã hằng tiêu cuộc đời mãi đẹp/ Dẫu quây bọc quanh ta những ánh nhìn hiểm ác/ Dẫu bơ vơ tan lạnh chật kiếp người/ Ngang trời ngôi sao rơi cháy sáng đời mình trong khoảnh khắc/ Anh đã chọn lộ trình gian nan nhất/ Làm người lương thiện ngẩng đầu/ Mọi buồn vui hạnh phúc khổ đau/ Anh ném lại dọc đường cẩu thả/ Vệt lông ngỗng bay trong hồn loạn gió/ Em ngược về cúi nhặt suốt hoang vu/ Chỉ còn lại ngàn lau và ngọn đồi cao mãn/  Em có nghe chiều xuống tận đáy…”.
           Dĩ nhiên nghe được một bài thơ là nâng li chúc mừng. Không là vị đắng của cao hoa bia houblon, không là vị cay của rượu thuốc ngâm lâu, mà chính là nhịp đời quanh bàn tròn từng trải qua góc cạnh gian nan. Bàn tròn bóng láng hơn khi Nguyễn Trí phải chấp nhận “em” thua “anh” (Lê Hoài Lương) từ chuyện sáng tác thơ, quay sang tiết mục tỏ tình mặc dù chưa cấp phép: “… nỗi niềm của một kiếp người tháng ngày ngồi trong ngõ tối, anh chỉ dám nghĩ rằng sau bao năm tháng qua không từ giã cuộc đời đi làm hòa thượng với ngày tu đắc đạọ sẽ làm bùa xẻ tình làm sông chở gỗ, củi đem về ở sân chùa mà làm lễ hòa thượng…”, tui ngồi bên có bụng mừng mong được tiếng nhặt, tiếng khoan cho khỏi bỏ công đường xa đến dự, mà tiếng chì tiếng bất lùng bùng tai kiểu chay mặn đều dùng. Tất cả cho qua nếu không xác định: Trí khùng của Trần Thi sĩ. Chẳng là bí mật… Nguyễn Trí tự đắc tao hơn mầy có đến ba vợ, rồi cười hòa bắt tay. Thế đấy. Chuyện trên trời dưới đất. Có có không không kiểu đố ai quét sạch lá rừng, rừng Long Mỹ hôm nay đã khép chật hơn bởi những đường cao tốc được mở ra, tiếp nối nhường lại cho người tự do lựa chọn mục đích sử dụng của mình theo lẽ tự nhiên. Mà đề tài Long Mỹ trong những năm bảy lăm thế kỉ trước, còn ngờ ngợ hiếm người biết đến. Chúng tôi càng bất ngờ khi anh Thưởng- người đã từng đạp xe hơn trăm cây số từ Hoài Nhơn về Long Mỹ chỉ mong gặp lại bạn học cùng lớp ngày xưa cũng không được, anh Hồ Trọng Đào nhắc kỉ niệm thời sách bút đến trường THPT Tăng Bạt Hổ. Để giờ đây cùng bên nhau. Mới hiểu và trân quý cái tình nhà văn Nguyễn Trí phiêu bạc “giang hồ” dành cho bạn bè xưa nay bền chặt.

         Đã xác định ngồi bên Mùa Đông* bất tận, Nguyễn Thanh Minh luôn thắp lửa tâm hồn từ câu hát: “Không cần biết em là ai…không cần biết em ngày sau… ta yêu em bằng mây ngàn biển rộng, yêu em như yêu vùng trời mênh môngYêu em vì chỉ biết đó là em”(Diệu Hương) lắng trong hạt mưa đọng lại thấm sâu lòng đất, nuôi dưỡng cây rừng xanh tươi, ta đọc được cái tình gia đình người gieo hạt “yêu người, yêu nghề” rất mộc, cũng là để cho cây đàn Trần Thi sĩ nghỉ tay, bởi trước đó anh hào hứng Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa). Trở lại từ đầu, nếu như MC. Quốc tế Lê Hoài Lương (tự xướng) không đọc bài thơ chỉ hai câu: “Lao xao giữa hàng cây nguyên thủ/ Tôi chỉ yên tâm dưới bóng tổ tiên mình” mà tựa đề “Trưa nắng nghỉ chân ở Bảo tàng Quang Trung” dài hai thế kỉ. Thì ai mà biết được “Ta trai Bình Định…phong cách miền Trung” tài hoa đến vậy. 
           Bàn tròn dễ bị co dãn nếu MC nhà văn mà quên nhắc những người làm thơ như “tui”, NTP, NVC, TVD,… thì chúng tui cũng nghĩ mình bị chơi khăm. Nhà văn phải đọc truyện, đọc tiểu thuyết chứ. Nhưng đọc thơ lại là sự hưng phấn đầy khích lệ, dù là thơ ai. Biết lắng nghe, biết sẻ chia là nguồn vitamin dung nạp cho sự sáng tạo của người cầm bút, giữa một không gian gia đình nơi núi rừng Long Mỹ của vợ chồng người em gái nhà văn Nguyễn Trí chuẩn bị tiệc thơ khởi đầu từ tiếng chào rất chu đáo. Những người của công việc không thể nấn ná như Mai Thìn, như Trần Quang Khanh cho tui nhớ từ chiều mùng ba năm Nhâm Thìn, alo: Chị ăn Tết vui không, chị có bài thơ nào viết về biển đảo gởi cho em chuẩn bị Nguyên Tiêu 2012 này. Tui cố gắng ừ ừ để chị gởi. Mà lúc đó đang nằm ở hồi sức cấp cứu, sau đêm mùng hai bị gãy xương tay phải, đã được nối lại. Thế đấy, từ bác sĩ bệnh viện cũng phải 100% phục vụ bệnh nhân, chuẩn bị cho Đêm Nguyên tiêu cũng tất bật đâu dễ gì thất nghiệp.
Gặp em Quý trước chợ Phú Tài .

Trước bàn thờ Đào Tấn (rằm tháng sáu 2016)

          Gọi mưa vào hạ… nhịp mưa thì thầm nhung nhớ chia tay. Tôi thèm được ngồi lâu hơn trên đoạn đường từ Long Mỹ trở về cùng Trần Viết Dũng, Nguyễn Trí và anh Thưởng trên chiếc xe bảy chỗ ngồi. Xin nói lời cảm ơn Những dòng sông, Làng và những người con gái **cùng đồng hành bên tôi trở về lại cổng làng. Nơi là chứng nhân cho Ngô Văn Cư đưa người bạn cùng lớp- Nguyễn Trí đến nhà sáng sớm cuối hè 2013, bệnh còn quen nướng nên đầu tóc chưa kịp chải, thấy vậy nhà văn cầm cây lược trắng trên bàn đưa tui. Trời đất. Vậy mà khách đi rồi tui thầm cảm ơn : “Tỉnh mê gỡ rối đi nghen/ Này đây chiếc lược trắng đen đã từng”(Chải đời, trích Bến Xuân- NXB HNV 2016). Ba năm sau, Nguyễn Trí về thắp hương Danh nhân Văn hóa Đào Tấn trong rằm tháng sáu. Rồi ba năm sau nữa- mới hôm qua đây cũng vào cổng làng đến nhà mời họp mặt. Mới sáng hôm qua đây cùng anh ngồi trước chợ Phú Tài gặp người em thân thiết ngày nào quanh chén chè đậu trắng nước dừa. Mới sáng hôm qua đây anh đưa về thăm núi rừng Long Mỹ khởi sắc, mà ngày ấy với anh vô cùng chật vật. Mới sáng hôm qua đây còn nhắc lại từ bàn tròn Trại sáng tác Sao Việt đã lưu thành kỉ niệm nhắc nhở sang sảng không cần micro: “…Tôi nghĩ rằng, ví như nhà văn Y Ban, nếu chị không có thái độ với cuộc sống, không đẩy tới tận cùng hẳn sẽ không những tác phẩm đọng lại…”(Lê Hoài Lương).
                                                                        02.08.2019 Nguyễn Thị Phụng

________________
*Nick name FB. nhà văn Lưu Thị Mười.
** Tập Tản văn- Nhà văn Lê Hoài Lương.