Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

CỘNG XUÂN, Nguyễn Thị Phụng


                                               CỘNG XUÂN


               Chạp. Rộn ràng sắc xuân. Xuân của đất trời, tình người hòa quyện nhau thắm thiết, ấm nồng. Xưa nay vui cũng phải mua, ngẫm theo cụ Nguyễn Du nói chí phải. Nhưng tôi hạnh phúc là được cùng cộng xuân với Người Tây Sơn*, đã thế có thêm phần nhuận bút. Thiên đường quanh ta. Niết bàn trong từng câu chữ cứ lượn lờ theo dòng Côn thơ mộng, cũng lắm thác ghềnh. Tính đến nay là 230 xuân. Cái thời Vua xông pha trận mạc cùng tướng lĩnh, áo bào thấm bụi trường chinh đã để lại chiến công không riêng gì Người Tây Sơn mà của đất nước, dân tộc ta đầy tự hào. Dấu chân ngày ấy còn lưu con cháu bây giờ.

           Quả thật, ai đã đến, đã tiếp xúc và không cần khẳng định, chỉ quyến luyến và chẳng muốn rời xa. Cách đây, hôm rằm tháng chạp Mậu Tuất, tất cả về dự buổi giao lưu ra mắt tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nam Thi. Nay cũng tại Jin Jin- cà phê ở ngã ba Sông Côn không thể không gợi nhớ đến câu thơ “Ô hay, sông núi sinh người vậy”(Trần Viết Dũng) và cô chủ quán Diệp Kim Chi, cùng Phan Trường Nghị đứng ra tổ chức họp mặt nhận quà Đặc san cuối năm của Người Tây Sơn. Nếu tính theo lịch tây trong tháng 01. 2019 sự khởi động của tôi đã là lần thứ hai. Thiệt là cái duyên hội ngộ, thiệt là cái nợ văn chương. Chỉ một Nguyễn Dũng, một Phan Trường Nghị, một Từ Khánh Phượng, một Nguyễn Khắc Tuấn, một Diệp Kim Chi, một Trần Phi Yến,… ngồi chung bàn hôm nay giữa thâm niên và người người kế tục là bổ sung vào những cây bút quen thuộc Người Tây Sơn thu hút nhiều bạn đọc. Sự cộng xuân có bài viết của Lưu Nhi Dũ, của Nguyễn Thị Phụng- người Tuy Phước góp mặt, cùng gương mặt thời gian qua ống kính, qua bức họa đều ùa về trên trang tạp chí Kỉ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789- 2019) hiển hách mà bình dị, mộc mạc dễ gắn bó thân quen nơi quê nhà. Sự cộng xuân qua Thị Nại kí của Nguyễn Thanh Hiện mở rộng biên độ trên mảnh đất tình người, và rất nhiều sự cộng xuân từ sự quan tâm của Hội Đồng hương Tây Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh đã làm nên Người Tây Sơn kết nối và sẻ chia, chung tay gìn giữ đôi bờ Dòng Côn lấp lánh hương xuân.
           Trên từng con đường hoa cúc, hoa mai,…nắng rắc xuân về.
                                                                                30.01.2019/NTP

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

CÁNH ÉN GIỮ TRỜI XUÂN của Nguyễn Thị Phụng.


                                   CÁNH ÉN GIỮ TRỜI XUÂN.


            Dẫu hôm nay là rằm tháng chạp năm Mậu Tuất (2018), hoa mai quanh nhà vừa chớm bung vài cánh vàng cho tiết đại hàn không còn giá rét. Nắng trải dòng Côn ôm bọc quanh khuôn vườn nơi người con xa quê vẫn một mực yêu lắm ngôi nhà tự đường họ Trần ở làng Thuận Nghĩa, một đời người chị ẩn dưới hàng cau ra vào khói hương ông bà. Trong mỗi câu chuyện kể, anh là người tiếp nối cha anh, hai thế hệ làm báo. Ấy vậy, sang tuổi thất thập lại ra mắt tập truyện ngắn “Nụ hôn đầu của chim én” cũng không có gì lạ. Văn luôn hiện hữu trong báo và báo hiện hữu trong văn. Chính điều đó thu hút được nhiều bạn đọc, kể cả những ai khó tính nhất.

          
  Và tôi tự cắt mạch cảm xúc, dừng lại để đồng tình cùng MC- Nhà thơ Trần Viết Dũng buộc cắt ngang lời phát biểu nhà văn trẻ hồn nhiên muốn kể lại hai mươi lăm truyện ngắn in trong tập. Anh cũng biết lỗi, khề khà nói nữa tôi khóc mất!... Ô, một người mềm lòng sau bao kỉ niệm cùng bạn bè, những người em gợi nhớ cứ ùa về rạo rực trong anh.


          Nam Thi chỉ là một trong những bút hiệu đa dạng từng thể loại văn chương và báo chí. Thực chất anh là ai?... Nguyễn Đình Thi sẻ chia thời cuối những năm 60 và đầu những năm 70(thế kỉ trước) anh Bảo đang hoạt động ở Sài Gòn, hễ mỗi lần động chỗ là anh chạy về nhà tôi. Vì anh chơi thân với anh trai tôi là anh bốn Lương*… anh Trần Thiếu Bảo cùng với nhà văn khác nữa,... rồi về nhà ở… mấy anh rất hay là chơi thân với nhau. Anh tôi là thương phế binh VNCH. chơi chung với VC. không bao giờ nói chuyện chính trị, gặp nhau coi như bạn bè ngày xưa. Những ngày tôi vào SG học…có những lúc đói tôi quây số gọi anh Bảo, em đói không có gì ăn,… anh nói lên đây với anh… anh chỉ chỗ lúc rảnh coi công trình…, cứ đi học về lên ăn cơm chung với ảnh…
     
    Rồi sau những năm bảy lăm, tám mươi thì sao? Anh Trần Quang Khanh, Tổng biên tập Tạp chí VNBĐ nói có duyên với anh trong nghề làm báo, và đây là lần đầu được gặp anh Nam Thi, biết anh từ những ngày đọc blog Xứ nẫu của Ngô Quang Hiển, xa hơn là vụ anh viết bài bênh vực cho Nguyễn Mạnh Huy trên báo Thanh Niên từ những năm 1985. Bạn ấy được vào đại học và khi ra trường được nhà in nhận về làm việc. Đọc một số truyện của anh, thấy anh là người có duyên kể chuyện với cách giải quyết của người có tầm kiến văn rộng rãi và sự từng trải của người chịu lăn lóc của cuộc đời. Làm báo và viết văn rồi cũng có ngày anh gom thành sách. Ấn tượng một nhà báo trẻ với nhà báo lão thành là như vậy. Còn Nguyễn Hữu Duyên hào hứng quý anh qua lời comment trong một truyện ngắn trên trang 
      
  Như cánh én giữ trời xuân, cứ thoắt ẩn thoắt hiện đâu đó ở một quán nhỏ ven đường phố lớn SG. với tô bún bình dân, li cà phê lao động cùng với người láng giềng ngõ hẻm lại nhớ về Sông Côn. Đến gần cả chục lượt đi về trong năm bồi đắp Sông Côn ắp đầy mùa nước. Anh kể những lúc giao thời về quê, đêm đến xuôi thuyền ra giữ dòng bắt cá, nhâm nhi. Có lúc neo đậu đánh một giấc ngon lành, mở mắt trời sáng hẳn. Vậy mà chạng vạng trước khi xuống bến đinh ninh hễ nghe tiếng lội nước là mình biết kịp đề phòng!... Hài thế. Rồi anh khéo léo lồng câu chuyện trách nhiệm của một sĩ quan công an, thành phố Hồ Chí Minh đầy tự hào. Còn được cấp trên động viên viết tiếp, viết nữa… viết về những điều hợp với lẽ công bằng. Như chợt nhớ đời làm báo của người cha trước đây… giờ anh chỉ lưu lại được cặp câu đối nằm lòng “Giang sơn hoàn mĩ vọng kiến thanh cao/ Tạo hóa chung trù tích đường vận hội( câu đối của cụ TAM HÀ Trần Thiều Du, 1901-1947)

         Quả thật chỉ cần ngọn bút chì ghi trên trang giấy có thể lưu lại khoảnh khắc. Nhưng mảnh giấy có thể mất, như anh đã từng đánh mất bài thơ tám câu của người cha. Trí nhớ cũng phôi phai. Nếu cứ mãi trầm ngâm bên tách cà phê nhìn dòng Côn qua mùa lũ- cạn, được mất những gì, tất cả hòa vào biển lớn. Mênh mang nước. Thể như con tốt qua sông, chẳng phải lụy đò, mái chèo anh lướt web có được bạn bè Xứ Nẫu quý mến, tin yêu, từ một freindship cùng quê. Chẳng ai xa lạ vẫn chính là Nhà thơ Trần Viết Dũng, người mở đường “hưu” trở lại rừng thu. Bởi anh ngộ ra chỉ có văn chương mới cứu rỗi tâm hồn nhàu nhĩ, cỗi cằn, bỗng chốc gặp mưa đầu mùa nảy lộc đươm hoa, kết trái. Và tập sách dày gần hai trăm trang Nụ hôn đầu của chim én của Nam Thi (NXB Văn hóa Văn nghệ Tp. HCM) có mặt trên bàn đọc chúng ta hôm nay. Phải nói việc in sách từ một sự thận trọng của người làm báo, quý chữ như anh, cứ đau đáu chuyện “…hơn nửa thế kỉ trước tôi đã lấy sách làm giường”(Sách và nỗi “ám ảnh” của tôi), rồi xâu chuỗi từ hàng trăm lời comments trên facebook nâng niu “Anh in đi để bạn bè có cái để nhớ…”(Ngô Đình Hải).

         Cái để nhớ là trở lại cầm bút (bao năm ngỡ quên) kí tặng tập truyện cho bạn bè, cái để nhớ là nắm tay thật chặt cộng lời cảm ơn chân tình và ánh mắt ngày xuân, cái để nhớ đến đúng hẹn sẻ chia những kỉ niệm kết nối yêu thương về một thời chưa xa lắm. Cái để nhớ là ngồi bên nhau uống li cà phê Jin Jin bên bờ Sông Côn, cuốn miếng bánh tráng dưa leo kèm với hịt heo chế biến từ một người bạn ở Đức gởi về, chấm với xì dầu sao quên được giữa sáng rằm tháng chạp để nghe tiếng hát Đêm ba mươi người bạn giamahazui Trần Văn Liễn, của một Bình Thái trẻ trung luyến tiếc vẻ đẹp Giọt mưa thu, cho thánh thót cung đàn guitar của Trần Viết Dũng, rơi xuống đọng lại bên Dấu chân địa đàng, khởi sắc Mùa giêng hai nhẹ nhàng qua giọng ca Cửu Hùng, sao mà khát khao Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên trong lành cho tiếng thơ Nguyễn Như Tuấn lắng sâu đôi mắt hồ đầy, tiếng hát Phạm Vân Hiền bay bỗng,…như vậy.

           Nụ hôn đầu của chim én đã đồng hành cùng chị em tôi trên chuyến xe buýt từ Tây Sơn trở về Tuy Phước, mang theo cái để nhớ không chỉ là ước mơ của Phan Trường Nghị sẽ đón đọc những tập sách tiếp theo của anh, không chỉ là người dẫn chương trình giới thiệu việc Phạm Kim Sơn, thư kí Tòa soạn Tạp chí VNBĐ. in ấn tác phẩm từ khâu gom bản thảo sắp xếp truyện,…không chỉ là việc anh Nam Thi giao Trần Viết Dũng chăm lo trang bìa, dành riêng cho “bà mụ vườn” Nguyễn Thị Phụng đặt tên tập truyện cũng như chọn lời tựa trang đầu. Mà cái để nhớ chính là cái duyên kể chuyện của anh thường ngày gặp gỡ giao lưu. Đằng sau những câu chuyện từ tốn khép lại đã đi vào trang truyện lại là nụ cười hiền hòa, thân thiện. Cái để nhớ mà anh quên chính Nụ hôn đầu của chim én là huy chương cao quý nhất trong những huy chương ngoài cuộc đời, anh tự thưởng chính mình bằng tứ thơ“Người về mang theo tiếng hát/ Để lại chiều lạnh ngắt dòng sông/ Nụ hôn đầu đã trôi về biển bắc/ Con én buồn chờ hết mùa đông” (Nam Thi- Tây Sơn, 20-01-2019) tiếp tục hội xuân sum vầy.


           Một lần nữa sẻ chia lại cảm xúc tác giả tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én đã đong đầy hạnh phúc: “Đó không chỉ là duyên nợ văn chương mà còn là nghĩa tình đã làm nên một cuộc họp mặt đông vui, đầm ấm. Giữa một ngày giáp tết bận rộn mà bạn bè từ Qui Nhơn, An Khê, Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát ... kể cả Việt kiều từ Mỹ đã không quản đường sá xa xôi, mưa dầm, gió bấc để đến với nhau. Những bạn ở xa không đến được thì theo dõi trực tuyến trên fb với những lời chúc mừng chí tình…Đến lúc này, tôi vẫn còn nghe giọng nói, tiếng hát của mọi người, dường như cuộc gặp mặt cuối năm vẫn rộn ràng trong tôi… Xin chân thành cảm tạ thịnh tình của bạn bè dành cho tôi - tất cả những ai có mặt và vắng mặt trong buổi ra mắt tập truyện nhỏ của tôi hôm qua… Tôi không ngờ quê hương đã mở tộng vòng tay ưu ái đến thế dành cho một đứa con lưu lạc”(Nam Thi)./.
                                                   22.01.2019/ Nguyễn Thị Phụng.
____________
 *Nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Đình Lương, tắc giả tập thơ Muốn quay về núi.          

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

CÁI TÌNH CŨNG HỌC, tr.ngắn Nguyễn Thị Phụng


CÁI TÌNH CŨNG HỌC. (trích Nơi tình yêu giữ lại). 

       Người ta thường bảo “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng tôi nào phải con sâu đâu. Đương nhiên được bạn bè gọi tôi là thầy, chính thức là nhà giáo kể từ khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường. Những đứa con tôi chẳng bao giờ thích đọc truyện ngắn hay thơ văn như tôi từ thuở bé. Tôi bảo thơ văn làm cho đời sống con người phong phú. Các con tôi cười bố già còn rảnh lắm. Dù có rảnh hay bận rộn công việc tôi vẫn là người vừa có tên vừa có tuổi. Cái tuổi Nhâm Thìn lúc mới sinh ra, cả gia đình dòng họ luôn ưu ái cho cái chức Trưởng nam, nhưng thực sự tôi là đứa con út trong gia đình.Chưa đến tuổi đi mẫu giáo, chưa biết đọc biết viết, tôi thực hành thành thạo những bài toán về phép so sánh khi mẹ chia quà. Nhưng có một điều tôi hay bắt phần nhiều hơn, lớn hơn. Còn ba chị gái tôi cứ lườm lườm tôi khi mẹ nói nhường em phần hơn vì các con lớn tuổi hơn đã ăn nhiều rồi. Tôi nhớ khi cha tôi đi ăn giỗ về  mở gói quà ra có năm cái bánh ít. Phần tôi được hai.Các chị tôi ý kiến cha mẹ chẳng công bằng.Nhỏ tuổi cái dạ dày cũng nhỏ thì ăn ít hơn. Tôi cãi lại nhỏ thì ăn nhiều để cho mau lớn bằng các chị chớ!...Phép chia đã hình thành trong tuổi thơ tôi kể từ khi tôi có cảm giác ngon miệng và no bụng mình.

        Biết tôi là nhà giáo, ăn nói lưu loát ai cũng nghĩ hồi nhỏ học giỏi văn lắm. Nhưng thực ra tôi lại giỏi toán.Thang điểm hồi đó ở miền Nam tính 20/ 20 chứ không phải 10/10 như bây giờ. Cứ 18/20 hay 19/ 20 chưa  bao giờ có được 20/ 20 vì cái tội không nháp trước rồi mới chép lại vào tờ giấy kiểm tra. Còn thằng nhỏ bạn ngồi bên chỉ việc đưa mắt chép lại nên bài nó sạch sẽ.Có lúc cô Nhân dạy toán còn bảo tôi không được xem bài bạn, bởi tôi hay nhìn chừng Nó chép tới đâu rồi. Tháng sau cô tách tôi và Nó ra, điểm toán của Nó chỉ còn 4/20, còn cô giáo ngạc nhiên thằng Nhâm Thìn này giỏi toán nhất lớp. Ngược lại, điểm làm văn tối đa của tôi cũng chỉ được 6/20.Tôi lại tiếp tục hợp đồng với thằng Nọ giỏi văn ngồi bàn trên.Lần đầu tiên tôi với Nọ đã không những bị điểm 1/20 mà bị cảnh cáo trước lớp bài viết giống nhau từ cách mở bài, thân bài và kết bài.
         Đậu xong tú tài toàn (bây giờ là tốt nghiệp lớp mười hai) tôi thi vào đại học Sư phạm Sài Gòn vừa gần nhà đỡ tốn kém trong chuyện đi lại hay thuê phòng trọ. Lớp toán của tôi duy nhất có được mười lăm nữ và ba mươi lăm nam. Con gái đã học giỏi toán lại đẹp nữa, thằng nào cũng phục sát đất, mỗi thằng đều nghĩ làm cách nào để chiếm được trái tim các kiều chân dài, tha hồ thả tình theo gió bay hôn lên tóc, lên mắt, lên môi, đọng lại cái lúm đồng tiền, dán chặt vào cái răng khểnh. Mà gió cứ trượt dài lên đỉnh núi mây ngàn nào kia, sao gió không bám theo sau những gót chân son tròn trịa ấy. Tôi học tập thả tình theo những trang tiểu thuyết và bắt đầu làm thơ. Quả là làm thơ rất khó, gần nửa năm học mới có được một tứ thơ. Chiều về nhà, thấy mẹ đứng chờ ở cổng:
        - Nay con trai mẹ về sớm!
        - Dạ.
      Rồi mẹ len lén nhìn vào nhà như sợ ba tôi nghe thấy, ghé sát tai tôi “ Con bị chép phạt hả?!” Tôi lớn tiếng:
        - Mẹ bảo chép phạt cái gì, con không hiểu!
        - Lại giấu mẹ nữa, lúc trưa mẹ lau nhà thấy có mấy tờ giấy rơi xuống đất, mẹ nhặt lên cho con. Toàn là thơ bốn câu giống nhau, không phải chép phạt là gì! Con trai ơi, cả đời mẹ cho con ăn học là mong con bằng bạn bằng bè, ai lại vào đại học cũng còn chép phạt như hồi học ở  tiểu học, phổ thông vậy con!...
       - Không phải đâu, con thấy thơ hay chép cho thuộc đó mà.
       Tôi trấn an mẹ, nhưng thực ra mục đích là thả hồn thơ của tôi vào các nàng cũng ưng ý: “ Trăng vàng ngả bóng ngoài hiên/ Thương em khác họ tơ duyên mặn nồng/ Hè xanh phượng thắm má hồng/ Em ơi thấu hiểu anh trồng cây si…” và ghi bút hiệu bên dưới: Mặt Trời Xanh. Để tránh sự đụng độ nhầm lẫn một em có thể nhận hai bài thơ giống nhau, tôi đánh dấu ghi tên và trình tự hẹn gặp khác giờ gieo thơ cho nàng. Đến tờ giấy thứ mười lăm, Ngọc Sương nhõng nhẽo chỉ có thơ không thì em… còn khát nước, đói bụng lắm! Tôi được dịp là gã đàn ông biết ga-lăng, cuối tuần mời em sinh tố và phở nữa đấy. Nhưng hôm đó tôi phải trả đến cùng một lúc mười lăm tô phở, mười lăm li chè đậu xanh nước dừa cho mười lăm nàng đã lén thông báo phá hoại túi tiền của tôi tích lũy mấy tháng trời!... Tôi định xuất chiêu bài “Chuồn” nhưng như thế thì…còn đến ba năm học nữa mà chí làm trai dặm ngàn da ngựa như vậy chỉ có chờ đất nứt chui xuống là xong! Bài học dại gái làm sao bắt thang lên hỏi ông trời được, cũng đâu dám sẻ chia cùng ai!... Tôi đành mượn văn xuôi bày tỏ hết cảm xúc của mình. Nhưng chỉ là những dòng nhật kí, viết đọc rồi xé bỏ vào giỏ rác.

          Thế mà đã bốn năm, tôi ra trường về công tác ở một trường trung học ngoại ô Sài Gòn. Hằng tuần mới về nhà một lần, căn nhà trọ tôi ở gần trường, các nữ sinh được dịp ra vào nhờ tôi chỉ toán. Còn mấy cô đồng nghiệp xinh xắn dịu dàng cứ ngấp nghé xếp hàng trước nhà, tôi nào chọn một ai! Người mà tôi để ý là cô Nhung bán cơm bình dân luôn dành cho tôi những đĩa cơm thơm nóng sốt dẽo đầy ắp ấm no cả cái dạ dày. Cô chào tôi đâu chỉ ánh mắt mà còn với nụ cười lộ cả hàm răng hột lựu trắng đều đặn lắm. Năm năm ăn cơm bình dân đi dạy, tôi dành dụm được một số tiền đem về cho mẹ cất giữ, tôi trích riêng ra một khoảng mua nữ trang áo quần cho Nhung và đây chính là lễ cưới của tôi với cô quán cơm có mái tóc dài đen mượt. Ở với nhau chưa được năm năm, nàng đành chia tay tôi vì bệnh viêm gan, để cho tôi hai đứa con gái nhỏ lắm. Tôi phải gởi các cháu về nhà nội chăm sóc.
         Người vợ thứ hai là một trong những cô đồng nghiệp nhởn nhơ tung tăng xếp hàng ngày nào trước căn nhà trọ của tôi. Khác với Nhung, trước khi cưới nàng bắt tôi phải làm hợp đồng viết thành văn bản hẳn hoi. Không ngờ tôi lại là người mắc lừa. Có lẽ nàng quyết trả thù tôi khi trước đây không cưới nàng mà cưới cô Nhung bán cơm, để nàng phải muộn màng đến năm sáu năm trời. Khi nàng đi chợ nấu ăn, ở nhà tôi phải xách nước chẻ củi. Lúc nàng rửa chén bát xoong nồi thì tôi phải lau nhà giặt giũ áo quần. Khi nàng có thai thì trăm việc không danh sách tôi phải hoàn thành từ A đến Z. Nàng bảo phước đức ba đời tôi khỏi mất trăm triệu đồng để thụ tinh nhân tạo, khỏi phải hầu hạ nàng ăn nằm chín tháng mười ngày. Nàng chúc mừng tôi là quá hạnh phúc khỏi tốn công tốn của lại được cậu con trai kháu khỉnh giống bố như đúc. Được thằng con trai giống mình tôi cứ mừng thầm đâu dám nói ra vì sợ nàng còn xuất nhiều chiêu độc đáo khác, tôi chỉ có thẳng chân mà chạy!... Nhớ nhất lúc nàng còn mang bầu chia phần thức ăn làm tôi ngạc nhiên. Vừa lãnh lương xong, tôi ghé quán mua về mười chiếc nem chua, nàng phát cho hai đứa con gái tôi là bốn chiếc, phần tôi được hai chiếc, còn bốn chiếc là của nàng. Tôi ức lắm:
       - Làm giáo viên dạy toán như em chỉ chết học sinh, bài toán chia tiểu học cũng không rành!
       - Anh nói sao?! Tính ra tôi cũng có hai chiếc như con gái anh thôi, còn hai chiếc là cho thằng con anh trong bụng của tôi. Tổng cộng anh và con trai con gái của anh tất thảy là tám chiếc, chính xác trăm phần trăm, anh còn đòi hỏi gì nữa!
       - Thì ra…em công bằng hơn mẹ anh ngày nào!
       Được dịp nàng nhanh nhảu bảo hậu sinh khả úy, thời đại này sống mà không bình đẳng nhau dễ bị chiến tranh lạnh từ trong cảm xúc tâm hồn mỗi người, sau đó đến chiến tranh chân tay, căng thẳng lắm là cây gậy dao rựa, quá tầm sức hơn thua thắng bại là súng ống đạn bom, từ phạm vi gia đình, rồi đến làng xã, huyện tỉnh,… Ra xa nữa đến các nước láng giềng, châu lục. Tất cả vì nhu cầu cuộc sống. Tính ra cái ăn cái mặc có trước, cái học cái nghĩ có sau, có thực mới vực được đạo, nào là ăn vóc học hay. Ôi thôi trước lập luận của nàng tôi đành im lặng cho yên cửa yên nhà. Nàng biến tôi thành người chồng “đảm đang” từ lúc buộc tôi thực hiện bản hợp đồng chồng vợ “bình đẳng”, nếu không thì nàng chia tay không luyến tiếc!

         Tôi cứ trăn trở khi tuổi già khó ngủ, thương số phần ngắn ngủi của Nhung quá! Ở tuổi gần sáu mươi tôi nào được thảnh thơi. Hết giờ lên lớp về nhà chẳng rảnh tay. Tính ra gần bốn mươi năm ra trường đứng trên bục giảng, chưa một lần về thăm quê ngoại. Nơi đó mẹ tôi đã sinh ra tôi, ông bà ngoại đã mất từ lâu lắm rồi, mẹ theo cha về thành phố lập nghiệp và ở đây luôn. Cả thời gian dài tôi được mất những gì, đó là những người bạn dần dần xa tôi mãi. Chỉ ba đứa con lại ít khi trò chuyện được vì chúng bận công việc suốt ngày. Còn nàng chỉ dành thời gian làm gia sư lấy thêm tiền tích lũy. Tôi thấy cuộc sống ở thành phố hối hả ồn ào náo nhiệt quá. Một chuyến thăm quê, thăm lại những người bạn từ thời tiểu học. Tôi còn ngần ngại chần chừ chưa dám bước chân vào cổng làng. Cái cổng làng đã gần trăm năm kiên nhẫn ghi nhận người vào người ra. Mặc cho gió mưa buốt lạnh, nắng cháy rát bỏng, cổng làng quê tôi cứ bền bĩ chịu đựng tháng năm. Tôi đưa tay sờ lên trụ cổng thuở nào sao trái tim mình hồi hộp đến thế, tôi giật mình quay sang khi tiếng người phía sau vọng lại:
       - Bác về thăm làng hay tìm gặp người quen!
       - Ồ, chào cháu! Cháu có biết nhà ông bà Lâm ở chỗ nào không đấy!
       - Dạ, làng cháu có nhiều Lâm lắm.
       Thấy cậu bé thân thiện, mến khách, còn tôi chỉ biết có một Lâm. Mà Lâm con trai ông Cả trong họ nay cũng bằng tuổi tôi, nghe nói chỉ quanh quẩn trong làng, làm ruộng và chăn nuôi thôi. Với lại tính tò mò:
       - Cháu có thể cho bác biết những người tên Lâm có đặc điểm gì không nào!
       - Bác là công an?
       - Bác là nhà giáo nghỉ hưu.
      Như chừng sợ tôi đứng lâu dưới trưa mùa hè bị cảm nắng và mỏi chân, cậu bé mời tôi đến ghế đá dưới gốc cây bàng, nhìn tôi như thăm dò rồi cho biết: Làng mình có ba Lâm. Lâm ở xóm Nam có hai con trai đều ở Mỹ, thuộc diện giàu có nhất làng mà ki bo hết cỡ. Các bà bảo khó lừa được ông ấy lấy một xu. Ra quán ngồi ăn mà còn mặc cả. Mua trái cốc trái ổi của người bán hàng rong cho cháu cũng lựa trái nhỏ được nhiều mà lại rẻ tiền. Người làng gọi ông ấy là Lâm keo.  Còn ông Lâm ở xóm Tây gần bờ sông phía xa kia, cậu bé vừa nói vừa chỉ tay ra phía đó, đúng là Lâm tặc, ông ấy mới ở Kim Sơn* về vì tội phá rừng đầu nguồn. Nhưng chứng nào tật nấy, về quê được ba tháng thì hàng cây bạch đàn trồng ở đầu làng kia chưa đến tuổi lấy gỗ, cứ bị mất dần, bác Sáu trưởng thôn cho người canh chừng bắt quả tang ông đang “thu hoạch” trộm, cuộc họp thôn cuối tháng cảnh cáo và buộc phải nộp lại số tiềnđã bán và trồng lại số cây đã chặt. Chỉ có ông Lâm tử kinh cuối xóm thì sống thanh cao nhất. Tôi hồ hởi:
       - Sao gọi là Lâm tử kinh vậy cháu?
       - Vì nhà ông trồng nhiều hoa tử kinh nên ai cũng gọi là Lâm tử kinh, chứ không phải họ Lâm đâu bác ạ!
       - Ông Lâm tử kinh có làm ruộng không cháu?
       - Có ạ!
       - Thế cháu có biết vì sao ông Lâm làm ruộng không gọi là Lâm ruộng lúa, Lâm trồng trọt mà lại gọi là Lâm tử kinh?
       Cậu bé như được dịp kể một mạch về cuộc đời ông Lâm tử kinh. Lúc nhỏ cha mẹ mất sớm, ông Cả để lại một gia tài đồ sộ. Hai người anh là Sơn và Hải lười lao động, lại chẳng chịu học hành. Đồ đạc trong nhà không cánh trình tự bay xa, người em út là ông Lâm tử kinh bây giờ đâu ngăn cản được hai người anh của mình khi họ quyết định bán nốt cây tử kinh còn lại trong sân vườn. Hôm sau người mua đến đào gốc cây mang về nhà, nhưng thật kì lạ, cây tử kinh bị héo. Hai người anh tức giận định lấy rựa phát ngay làm củi, người em út hốt hoảng xin anh đừng làm như vậy. Cây cũng có hồn như người, cũng biết quyến luyến gắn bó với con người, với những kỉ niệm xưa nay. Có lẽ tử kinh buồn không muốn xa ba anh em mình. Bởi cây tử kinh này đã được ông cố mình trồng gần trăm năm rồi, anh có thấy cái gốc của nó to gần bằng cột nhà. Cây hoa còn mừng ngày “đăng khoa” nở rộ vào mùa hè lúc ông nội của anh em mình đỗ cử nhân năm ấy. Anh có nhớ hồi còn sống ba đã kể rồi sao! Bây giờ ta thử cầu nguyện và gìn giữ  cây tử kinh này, tiếp tục chặt nhánh dăm trồng xung quanh hàng rào trước sân nhà cho đẹp, hai anh thấy thế nào. Các anh không tin, nhưng nghe em út của mình bày tỏ thiện ý về cây hoa tử kinh. Họ cùng người em chăm sóc. Quả thật ngày hôm sau cây trở lại tươi tốt, những nụ hoa bắt đầu mở cánh mỏng manh như ren áo màu hồng tím nhạt dịu dàng trong gió hè. Ông Lâm tử kinh còn đọc cho cháu nghe “Kinh thọ hữu ba huynh đệ lạc/  Nghiên điền vô thuế tử tôn canh”. Cậu bé như tâm đắc với hai câu chữ Hán đã thuộc lòng, nheo nheo đôi mắt:
         - Bác có biết câu chữ Hán đó là của ai không!
        Tôi giật mình nhưng lấy lại bình tĩnh:
        - Bác là giáo viên dạy toán nên đâu biết của ai!
        - Thế mà ông Lâm tử kinh không dạy toán, chỉ làm ruộng mà bảo cháu đó là cụ Đào Tấn trước đây thường dùng. Cụ Đào Tấn là một danh nhân văn hóa của làng mình. Ông Lâm tử kinh là con cháu của Cụ Đào Tấn. Ông Lâm còn giải thích cho cháu biết ý hễ khi cây Tử kinh ra hoa là gia đình hòa thuận, anh em vui vẻ; Con cháu biết canh tác trên ruộng nghiên(mực) thì không phải đóng thuế. Cháu nghe sao nói vậy. Bác muốn biết thêm thì tra sách tham khảo, mở Google trên internet nữa. Tôi như người học trò ngồi nghe thầy dạy. Kiến thức văn học làng quê mẹ phong phú quá, cậu bé chưa được mười lăm tuổi cũng là một thư viện nhỏ rồi.

         Cửa chính và cổng ngõ nhà ông Lâm tử kinh theo hướng đông nam, trời về chiều gió nồm lên mát rượi. Được biết tôi là người cùng họ nên ông Lâm tử kinh quý lắm, sai người nhà mổ gà thếch đãi. Gà nuôi trong vườn  ngọt thịt quá, tôi được thể gặm cho hết đến cái chân thứ hai của con gà rồi đứng lên chia tay, sợ trễ chuyến tàu đêm không thể ở lại được. Tôi liếc qua rồi liếc lại đếm tất cả là mười một lon bia, nhẩm mỗi lon là chín ngàn, vị chi là chín mươi chín ngàn đồng. Tôi cảm ơn tấm lòng quý tình nghĩa họ hàng xưa nay luôn được ngợi ca trân trọng. Tôi mở ví đặt xuống chiếu là bốn mươi chín ngàn năm trăm đồng. Ông Lâm tử kinh mở to đôi mắt:
         - Tiền gì vậy anh?!...
         - Phụ thêm cho anh món nước cay cay đắng đắng cụng li với nhauđó mà!
         - Trời đất, ai bảo anh làm vậy? Thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy anh là người lạ nhất thế gian. Anh đã về với quê hương tìm đến thăm nhà, chẳng lẽ cả đời tôi không mời anh được lon bia hay sao, anh làm vậy là khinh thường tôi đấy, anh cất ngay vào túi đi! - Ông Lâm tử kinh giận tím cả mặt.
         - Không phải, cái thói quen của người thành phố, sài theo kiểu Tâyấy mà!Tôi dõng dạc khoe mẽ về hiểu biết của mình.
          Ông Lâm tử kinhgiận tím mặt định nói nếu như hôm sau có về, anh cố gắng xài kiểu Đông đẹp hơn một chút, chẳng hạn anh mua cả thùng bia về đây, còn tôi lại tiếp tục làm con gà luộc lên rồi xé ra trộn với hành tây, rau răm, bỏ ít muối tiêu cho vừa miệng như bữa nay thì anh khỏi ngại, chứ anh chỉ trả tiền bia còn tiền thịt gà ăn quỵt của tôi à!..., nhưng kịphạ giọng:
         - Thế thì cảm ơn anh, có lẽ tôi chưa học được cách sài theo kiểu ấy như anh. Anh có thể dùng cái kiểu ấy ở nơi khác đi, càng xa quê mình càng tốt. Và nhân tiện đây muốn thưa với anh một chuyện, là giữa tháng mười hai tới, gia đình chạp mả, tế hiệp ông bà, anh cũng là người trong họ không xa, tính ra mới có ba đời, nhớ sắp xếp đưa cả vợ con về còn nhận họ hàng với nhau. Cứ yên tâm về, lúa gạo một năm hai vụ thì có sẵn đầy kho, của biển có cá tươi muối trắng thì tôi dự trữ đủ cả tháng cho gia đình anh về mà dùng, cứ nhọc nhằn toan tính chuyện ăn uống là dễ mất đi cái tình nhà, tình quê lắm. Còn chuyện hôm nay thì xóa, anh đừng áy náy nữa mà anh em càng ngày càng xa đi mất! Anh nhớ cho lời gan ruột của tôi…
         Không như lúc ngồi trên tàu về quê, tôi bị đánh thức từ tiếng loa phóng thanh của nhân viên tàu S1: … Tàu sắp vào ga Diêu Trì, quý khách nào xuống sân ga nhớ chuẩn bị hành lí, tàu chỉ dừng lại mười phút… Giờ đây, chiếc tàu cứ xình xịchtrở lại chặng đường dài bằng sáu trăm cây số đã đi, mà không thể nào chợp mắt, bởi “Còn chuyện hôm nay thì xóa, anh đừng áy náy nữa mà anh em càng ngày càng xa đi mất! Anh nhớ cho lời gan ruột của tôi…” của ông Lâm tử kinh lúc chia tay căn dặn, cứ đọng lại trong tai tôi sao khó xóa quá. Giá như lúc ở nhà ông Lâm tử kinh, ngoài số bia đã dùng ra,cứ rành mạch tính thêm cho hết các khoản lớn như gà, gạo, cho đến mắm muối, rau hành, chanh ớt, tỏi tiêu,… kể cả lửa củi, công cán và hao mòn chén bát nữa,… rồi chia hai thì giờ này có lẽ ông nhẹ lòng hơn, khỏi phải nặng nợ đồng tiền. Ông từng nghe nói đồng tiền đi liền khúc ruột. Mà nếu vậy thì đến khi nào mình trở lại quê. Người họ hàng nhà mình ở quê với mảnh vườn rau, cây xanh rợp bóng, có lẽ tâm hồn khoáng đạt hơn chăng. Quê mẹ của tôi chỉ đổi thay là thay đổi những ngôi nhà ngói mới cao hơn, rào giậu ngăn nắp hơn, con đường bê tông vào làng sạch sẽ hơn, nếu mẹ còn… bà hạnh phúc biết bao nhiêu! Tôi nhớ mẹ. Nếu như trước đây tôi biết theo mẹ về quê sớm hơn, để bây giờ có muộn không!Bởi bụi phố phường cứ cuốn hút tôi như một vòng quay cho cái ăn, cái mặc,… những toan tính thấp hèn, những lo sợ thiệt thòi trong tôi còn nhiều quá. Tôi phải quyết tâm trở lại làng, phải có cả vợ con mình nữa cùng học cách “xóa” ấy, để còn giữ lạiruột rà gốc gác quê hương bấy lâu đã cất kĩ rồi. Đến lúc phải đem ra khai thác, bởi cái tình cũng phải học./.
                                              03.5.2012
________________
*Tên trại giam ở Bình Định.


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

KHÚC CUA, truyện mini- Nguyễn Thị Phụng


KHÚC CUA

        Phía trong hàng rào lưới B40, người đàn bà mở vòi nước tưới mấy chậu hoa sống đời. Mùa hè mà.
        Phía ngoài hàng rào, hai chiếc xe đạp nối nhau. Thằng ngồi phía sau yên chiếc xe đạp thứ nhất nói con đó hả, để tao cho nó có bầu, cho nó biết. Chiếc xe đạp thứ hai tiếp lời: tinh trùng chưa đến tuổi dậy thì làm gì có con.
       Người đàn bà ngước lên, nhìn ra góc vườn thấy mấy đứa nhỏ vun vút đạp xe rẽ trái, tay lái tay thả. Thì ra… mới đó mà chúng nó đi học thêm!...
                                                    02.06.2018/ NTP

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

VẺ ĐẸP TÌNH NGƯỜI (Đọc “Một ngày cho trăm năm” tiểu thuyết Nguyễn Bá Trình)


31. VẺ ĐẸP TÌNH NGƯỜI - Nguyễn Thị Phụng*
(Đọc “Một ngày cho trăm năm” tiểu thuyết Nguyễn Bá Trình)

         Tôi nào hối hả theo kim đồng hồ treo tường kia mà vẫn cố song hành cùng thời gian để lần hồi gần bảy trăm trang tiểu thuyết “Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình(NXB Văn học, 2010) tìm ra kết thúc câu chuyện đầy hấp dẫn trong từng giai đoạn phát triển xã hội từ những năm 75 đến những năm 95 của thế kỉ trước.
        Theo diễn biến câu chuyện “Một ngày cho trăm năm”, Nguyễn Bá Trình đã dày công xây dựng làm nên tính cách nhân vật, đi sâu vào mọi ngõ ngách đời sống con người. Với cách kể linh hoạt có sức thu hút người đọc là nhờ khả năng miêu tả nhiều chiều, nhiều mối quan hệ ràng buột với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Đọc tiểu thuyết của anh ta không chỉ tìm ra lời giải đáp đầy ý nghĩa sâu sắc về tính nhân văn cao đẹp giữa con người biết xích lại gần nhau để yêu thương và chia sẻ, mà còn học ở mỗi tính cách nhân vật có những phẩm chất đáng ngợi ca và trân trọng. Xét cho cùng thì tình yêu là vĩnh cửu luôn ngự trị trong trái tim con người.


       Đó là vẻ đẹp Hồng Liên đoan trang chính chắn của một phụ nữ đã có chồng, có con. Dù trong hoàn cảnh nào chị cũng hết sức bình tĩnh, cần mẫn, xông xáo, thiết thực với đời sống hiện tại cho cuộc mưu sinh của một gia đình bé nhỏ thiếu đôi tay người đàn ông. Nhưng với sức chịu đựng mòn mỏi đợi chờ khát khao tình chồng vợ, không sao cưỡng lại nổi. Nếu không có sự giúp đỡ về mặt tinh thần của Tuấn, người bạn từ thời học sinh, hay là tình mẫu tử thiêng liêng liệu chị có vượt lên được chính mình. Hay là từ phương pháp điều trị của bệnh viện tâm thần đã phục hồi cảm xúc yêu thương của một con người. Hay có phải là những ngày tháng lang thang vô định đã làm nên mầm mống cho thai nhi ngày càng lớn lên trong bụng chị. Và chính điều đó xảy ra là nguyên nhân căn bệnh tội ác những kẻ thiếu văn hóa, thiếu tình người gieo họa, mà chị lại là nạn nhân trực tiếp gánh nhận. Và giả như, Nghi- chồng chị kịp thời trở về với vợ con, với gia đình thì lại có một hướng đi khác trong câu chuyện rồi! Khép lại cuộc đời Hồng Liên ở độ tuổi chưa được 45, nhưng chị đã sống trọn vẹn cho mình, cho con và cho gia đình như thế đã đủ chưa. Có lẽ hạnh phúc đong đầy: “ Hồng Liên nhận ra trong không gian bao la vẫn có những khoảng trống dành riêng cho nàng. Ở đó nàng vẫn ngắm được những áng mây trời đẹp đẽ trôi qua, những tia nắng ấm mơn man và những làn sóng dịu dàng vuốt ve lên cơ thể. Trước đó Hồng Liên nghĩ mình phải sống trong thế giới của người khác, nhưng giờ thì nàng thấy mình đang được sống trong thế giới của riêng mình. Những lúc công việc ở trại từ thiện rảnh rang, nàng đọc đi đọc lại bộ tiểu thuyết Tình yêu của một nữ tác giả nước ngoài nổi tiếng để học tập sự can đảm nỗ lực đương đầu với một căn bệnh vô phương cứu chữa. Hồng Liên cũng tìm đọc những mẫu chuyện về những tấm lòng dũng cảm và vị tha của những người bị nhiễm HIV, đã tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của mình để góp phần xoa dịu nỗi đau khổ của những mảnh đời bất hạnh…”(Tr.611) Cuộc sống với Hồng Liên đã trở nên có ý nghĩa, chị đóng góp phần không nhỏ của mình cho xã hội.


        Còn Tuấn là vẻ đẹp một thanh niên trí thức trước và sau 1975. Kể từ khi là cậu học sinh thời trung học đệ nhất cấp đã biết vươn rộng đôi tay ra giữa dòng lũ lụt cứu bạn trên đường đi học phải qua sông bị đắm đò. Phải chăng đó là nguyên nhân giữa Tuấn và Hồng Liên có nhiều kỉ niệm không thể nào quên: “Thời trung học đệ nhất cấp(bậc THCS), dưới mái trường An Hòa, Tuấn và Hồng Liên học chung một khối, cùng che bóng hàng cây xà cừ trên đường đến lớp. Hồi đó Tuấn là một học sinh tinh nghịch đến táo tợn nhưng lại học rất giỏi. Không năm nào cậu học sinh gầy guộc đen đủi ấy không bị thầy hiệu trưởng mời lên khiển trách. Cảnh cáo dưới cờ thì xi-nhê gì với nó! Các bạn đã nói về Tuấn như vậy! Các giáo sư(giáo viên) đều coi Tuấn là một học sinh cá biệt. Nhưng cũng nhờ tính gan lì và táo tợn và gan lì ấy Tuấn đã cứu sống ba nữ sinh suýt chết đuối trong một mùa lũ khi xuồng qua sông An Hòa bị lật. Tuấn phóng ra giữa dòng nước chảy xiết cứu được hai người, đến người thứ ba Tuấn đưa vào nửa chừng thì đuối sức và cả hai bị nhận chìm, may nhờ có bà con trong thôn ra cứu kịp. Ở trạm xá vừa tỉnh dậy cậu ú ớ: - Con …Liên…có sống không?- Cậu đã làm xúc động đến rơi nước mắt những người xung quanh…”(tr.9). Rồi đến những ngày tháng năm 1975 Tuấn cũng có mặt giúp Hồng Liên trong ngày di tản, Tuấn đưa Hồng Liên đi gặp Nghi, chồng của chị,… Hễ khi nào mẹ con Hồng Liên gặp khó khăn thì Tuấn đều có mặt giúp đỡ “cô bạn cũ” ngày nào cả về mặt tinh thần và vật chất. Không hề toan tính vụ lợi hay cố tình chiếm đoạt trái tim của Hồng Liên. Anh luôn trân trọng giữ gìn, dè dặt chở che cho cả hai mẹ con Hồng Liên.
        Bên cạnh đó không tránh khỏi dư luận xã hội về mối quan hệ giữa Hồng Liên và Tuấn chỉ là cái cớ để buột tội Hồng Liên, là cái cớ để che đậy bản chất của Nghi với tính ích kỉ hẹp hòi. Với Nghi có thể bỏ cả vợ, nhưng sao lại bỏ cả đứa con trai của mình có phải vì sự ghen tuông dẫn đến thiếu trách nhiệm của người cha đối với con trong gia đình, mà tận hưởng “ bã” vinh hoa phú quý nơi xa kia. Và đồng tiền của Nghi không có thể nối lại tình cha con được!
        Và đại diện cho lớp trẻ năng động sáng tạo trong thời kì đổi mới có Lâm, Ngân và những người bạn như Thanh, Dương,… nhận thức quan niệm về tình yêu cuộc sống gắn liền với ý thức công việc hết sức chỉn chu đã làm nên “Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình là một cuốn tiểu thuyết bao quát cuộc sống đời thường tỉ mỉ từ mọi ngõ ngách bé nhỏ trong cảnh mua bán chạy chợ của thời bao cấp cho đến thời kì cơ chế thị trường mở rộng hợp đồng đối tác trao đổi kinh tế nhiều mặt làm nên sự phát triển phồn vinh cho đất nước. 


       Không còn ở một chừng mực nào nữa “ Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình vẫn là tác phẩm tỏa sáng tính nhân văn cao đẹp. Tôi xin được phép trích lại lời cảm nhận của nhà văn Triệu Xuân: “ Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ Nguyễn Bá Trình. Trẻ, hiểu theo nghĩa là mới viết, và là tác phẩm xuất bản lần đầu tiên. Tác giả là nhà giáo, dạy môn toán trường trung học phổ thông, đã nghỉ hưu. Là người chuyên viết tiểu thuyết, tôi trân trọng những chi tiết thực, bối cảnh thực, nội dung hiện thực của tác phẩm này. Những năm đất nước mới hòa bình thống nhất, dân tình chìm đắm trong khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp, cộng với những hành vi, động thái phi nhân do đối lập về chính kiến, khiến tâm thế con người luôn hoang mang, nghi kỵ, hốt hoảng; vậy mà tình người vẫn luôn ấm áp, tỏa sáng…Tác phẩm toát lên tấm lòng của tác giả tha thiết với đồng loại, với cuộc đời, với đất nước, quê hương…
                                                                                            08.4.2012/ NTP

*Trích Tiểu luận LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA
(NXB VH 2014)