BAO GIỜ TRƯỜNG ÚC HẾT VÔI…
Ngày hội Chợ Gò
Bao giờ Trường
Úc hết vôi là mở đầu câu ca dao:
“Bao giờ Trường Úc hết vôi
Thì em hết đứng hết ngồi với
anh!”
Sao mà dễ
thương thắm thiết dịu dàng. Trường Úc ở nơi nào đã sản sinh ra “em” một mực gắn
bó sắc son với “anh” đến vậy.
Trường Úc là
tên ngọn núi ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Núi Trường Úc nằm bên cạnh
một nhánh sông Hà Thanh từ thượng nguồn phía tây đổ về và ngay dưới chân núi là
bến đò Trường Úc thông thương những ghe thuyền từ biển vào đất liền, cũng chính
nơi đây cửa ngõ ra vào và đồn trú của đội quân Tây Sơn bảo vệ cảng Thị Nại và
thành Hoàng đế của hơn hai thế kỉ trước. Vào dịp du xuân, chúng ta đứng trên ngọn
núi cao nhìn về hướng đông sẽ thấy sông Tranh lặng lẽ ôm vòng thế núi Hoàng Mai
bên cạnh cánh đồng lúa Phước Nghĩa xanh mượt, rồi cùng đổ ra Đầm Thị Nại biển
Quy Nhơn. Và phải chăng Trường Úc đi vào đời sống tâm hồn người dân Tuy Phước tự
xa xưa có thể kể từ thời Tây Sơn giờ đã trở thành nét đẹp văn hóa lễ Hội Chợ Gò
truyền thống chỉ hai ngày đầu năm: mùng một và mùng hai Tết Nguyên Đán.

Còn
câu ca dao “Bao giờ Trường Úc hết vôi” lại gắn liền với đời sống của nhân dân
lao động nơi đây chuyên chở đá vôi san hô lấy từ ngoài biển về đập vụn, xay nhỏ
thành dạng bột vôi làm vật liệu xây dựng nhà cửa đền đài thành quách xưa nay.
Hay là nung chín các loại vỏ sò vỏ ốc cùng với nước thành dạng nhuyễn để sử
dụng như một hóa chất làm cứng thức ăn (chẳng hạn như lấy vôi hòa loãng gạn đục phần dưới bỏ đi,
phần trên nước trong ngâm bí, ngâm me,… làm mứt), hay dùng vôi để quệt vào lá
trầu làm thức nhai cho đẹp môi thắm lưỡi “miếng trầu là đầu câu chuyện” đã có
trong văn hóa giao tiếp thưa gởi cưới xin từ cổ tích Trầu Cau đến nay. Nói đến
địa danh Trường Úc là người ta nhớ ngay đến câu ca dao “Bao giờ Trường Úc hết
vôi”, nhớ đến“vôi”, nhớ đến đôi tay đập vôi, hay nhớ đến người miệt mài tháng
năm nung vôi tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống vật chất và tâm hồn người, thì
“em” mới hết đứng hết ngồi với “anh” như một điều khẳng định.
Bài ca dao: “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì em hết đứng hết
ngồi với anh!” chỉ mười bốn âm tiết đã có ba từ “hết” được lặp lại trong
hai câu lục bát. Từ “hết” kết hợp với từ “vôi” là tên gọi chất liệu màu trắng
thể tĩnh nhưng hương vị cay nồng, từ “hết” kết hợp với từ “đứng, ngồi” là thể động
biểu hiện sự gần gũi thân thiết của con người, thì “hết” đặt ra trong bài ca
dao ngỡ khẳng định một điều duy nhất: phủi tay, kết thúc. Nhưng nhờ được liên kết
bằng cặp quan hệ từ: “Bao giờ... Thì…” Chỉ rõ sự việc được đặt ra: “Bao giờ Trường
Úc hết vôi” đến kết quả nào ai mong muốn: “Thì em hết đứng hết ngồi với anh!”
phải không?!... Nhưng giá như cái giả định ấy có thể một lúc nào đó “hết vôi”
thật, nói chính xác hơn nghề truyền thống làm vôi ở Trường Úc Tuy Phước bị mai
một thì liệu “đôi ta” còn gắn bó keo sơn nữa không, hay hết “ vôi” rồi dẫn đến
thất nghiệp thì há “em hết đứng hết ngồi với anh” sao! Nói “hết vôi” trong bài
ca dao chỉ là cái cớ để thử thách tình yêu em - anh, của những người lao động
chân chính sẻ chia. Hay còn khẳng định đã đến lúc “hết vôi” là hết nghĩa tình
thì không nên phải ràng buột nhau, hãy trả tự do cho nhau biết đâu định hướng
ngã rẽ kia là màu hồng mời gọi…

Khu vực Trường
Úc nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng mười cây số trên tuyến Quốc lộ 19 lên Gia
Lai, ai đã từng đi qua hoặc đến Trường Úc, một địa danh đâu chỉ hữu tình cảnh
núi sông bề thế, đâu chỉ có những lễ hội văn hóa dân gian thường niên đầy náo nức
“Cứ mỗi năm chợ càng thêm trẻ/ Chẳng ai già khi trời đất vào xuân”( Đặng Quốc
Khánh), mà còn là đến với tiếng hát từ trái tim đằm thắm của người lao động cất
lên “Bao
giờ Trường Úc hết vôi / Thì em hết đứng hết đứng hết ngồi với anh!” thăng
hoa đến vậy ./.
NTP