Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bài cảm nhận của Trần Hoàng Nhung về:VÒM TRỜI EM NGHIÊNG XUỐNG ĐỜI TÔI




  • 14:05 27-09-2011


           Phải chăng Hồ Tĩnh Tâm chọn thể thơ tự do như để diễn đạt hết mọi tâm tư, tình cảm của mình đối với con người và những danh lam thắng cảnh của Bình Định? Mở đầu bài thơ, tác giả đã nắm ngay được cái "tình" của nhân vật trữ tình "Em". Thế đấy, nhà thơ kể lại "Có một bầu trời từng nghiêng xuống đời anh"- đó là một "vòm trời thu muộn màng" hiện nga trong mắt "Em" chiều hôm ấy. Dù chỉ là muộn màng thôi, nhưng ý thơ cho thấy: Em là người quan trọng trong cuộc đời Anh biết nhường nào. Em gắn liền với những địa danh của Bình Định như : Sông Côn, núi Huỳnh Mai, tháp Bánh ít, cổng Lý Môn... khiến cho nhà thơ Hồ Tĩnh Tâm không thể quên được. Tác giả đã nhận ra trong "vòm trời thu muộn màng" ấy là" Tình yêu rối rắm như tầng dây rừng đan vào nhau chằng chịt. Sợi dây tình yêu ấy đã vô tình cột hai người lại với nhau "cột đời nhau rực cháy một vòm trời". Cái mãnh liệt của tình yêu dù  gặp nhau sớm hay muộn, dù ở tuổi nào đi nữa... thì vẫn hấp dẫn trong mắt nhau. Càng mãnh liệt hơn khi Hồ Tĩnh Tâm đã xác định "cột đời nhau"không phải bằng sợi dây vô hình, mà đó là sợi dây " tình yêu" có trái tim, có địa chỉ rõ ràng. Người đọc hạnh phúc lây khi đọc những vần thơ dạt dào tình cảm của Hồ Tĩnh Tâm.










  • Em đọc đi, đọc lại bài thơ chị được tác giả Hồ Tĩnh Tâm tặng, em linh cảm được sự đồng cảm tri âm giữa người tặng thơ và người được tặng. Em cũng chẳng cần biết "vòm trời em nghiêng xuống đời tôi" từ bao giờ, nhưng nhận thấy Hồ Tĩnh Tâm như đã xác định được nhân vật "Em" vô cùng quan trọng đối với cuộc đời nhà thơ. 










  • Hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng cũng được Hồ Tĩnh Tâm xúc động, bật lên thành tiếng thơ. 
    " Các con mẹ ra đi không đứa nào về nữa
    Thưở tiếng súng xé toang tiếng gọi đò chiều"
       Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người Mẹ quanh năm ngày tháng chờ chồng, chờ con đi chiến đấu... Để rồi cuối cùng nhận được là một sự ra đi không trở về của chồng, của con mẹ. Nhà thơ lắng nghe được tiếng "chim từ quy vẫn cất tiếng gọi yêu" trong vô vọng... Buồn lắm, đau lắm! Hình ảnh người Mẹ hiện lên thật tội nghiệp, làm ta dễ tưởng tưởng tới cái cảnh chiến tranh năm xưa. Tới mảnh đất Bình Định, có lẽ Hồ Tĩnh Tâm mang rất nhiều tâm trạng, để rồi khi chia tay, nhà thơ như muốn gửi gắm lại cái tình cảm vương vấn với đất và người Bình Định, như thể quá nặng tình, không muốn rời xa...










  • Có thể đây là bài thơ được Hồ Tĩnh Tâm viết trong hoài niệm về một chuyến thăm Bình Định. Điều đọng lại nhất trong lòng nhà thơ là sợi dây "tình yêu chằng chịt" khi Anh về đến đất Phương Nam chăng? Cảm xúc tự do, phóng khoáng khiến nhà thơ không ngần ngại bày tỏ ,gọi một nửa "thương nhớ" của mình: "Thương nhớ của tôi ơi, sương dội ướt đầm đìa". Chẳng ai biết được "dòng sông" tình yêu ấy chảy về đâu, nhưng ai cũng biết được "vòm trời cao thăm thẳm", biết là có đến được với nhau hay không? Tôi thì biết được lòng nhà thơ đang "lạnh lắm", ngọn lửa nào sưởi ấm được lòng đây? Có ngọn lửa có thể sưởi ấm được, nhưng giờ này họ đang ở tận Bình Định xa xôi...Điều đó không quan trọng, đáng nói nhất là nhà thơ đã nhận ra mình" Em nghiêng xuống đời tôi vòm trời em để tôi nhận ra tôi". Thế này thì Hồ Tĩnh Tâm phải cảm ơn "Em" mới đúng, vì nhờ có em mà "tôi nhận ra tôi". 
          "Vòm trời em nghiêng xuống đời tôi", đã "nghiêng" thì nhà thơ phải "đỡ" chứ! Vâng, đỡ như trong nội dung bài thơ thế là đủ rồi.... . Cảm ơn nhà thơ, cảm ơn người được tặng thơ về một bài thơ khiến tôi phải rung động! Chúc cho sợi dây "tình yêu" ấy luôn "cột đời nhau rực cháy một vòm trời".
        T.H.N
  • Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

    Vòm trời em nghiêng xuống đời tôi- tặng nguyenthiphung

    Vòm trời em nghiêng xuống đời tôi- tặng nguyenthiphung

    hotinhtam | 25 September, 2011 13:02
    alt
                Nhánh sông đổ vào cầu Ông Địa p2 TP Vĩnh Long
    Vòm trời em nghiêng xuống đời tôi
    Dzu- htt
    Có một vòm trời từng nghiêng xuống đời anh
    Là vòm trời mùa thu muộn màng trong mắt em chiều hôm ấy
    Thả gió vào hồn anh khiến sông Côn cũng bần thần run rẩy
    Và cả núi Huỳnh Mai già cỗi thế cũng phải giật mình
    “Vọng tàn thu” là anh viết khúc điêu linh
    Bóc trần anh ra trong bầm đỏ ráng chiều tháp bánh ít
    Tình yêu rối rắm như tầng tầng dây rừng đan vào nhau chằng chịt
    Cột đời nhau rực cháy một vòm trời

    Cổng Lý Môn ai về thả tiếng gọi ai ơi
    Khắc khoải nghẹn ngào đến trào nước mắt
    Đêm từng đêm ta cứa vào nhau nỗi niềm đau thắt
    Vòm trời nào cho em Vòm trời nào cho anh

    Vạch lá dừa ra để thấy mái nhà tranh
    Bầu ngực mẹ nhăn nheo bởi kiệt cùng đến từng giọt sữa
    Các con mẹ ra đi không đứa nào về nữa
    Thuở tiếng súng xé toang tiếng gọi đò chiều
    Nhưng đâu đó chim từ quy vẫn cất tiếng gọi yêu
    Nên tôi thấy ở góc sân con chó vàng nằm mơ trăng vu vơ sủa
    Cánh đồng xa hăng hăng mùi cỏ úa
    Tiếng dế đêm hè gáy bạc ngực trăng khuya

    Thương nhớ của tôi ơi sương dội ướt đầm đìa
    Dòng sông chảy về đâu vòm trời cao thăm thẳm
    Dòng sông chảy về đâu khi bếp lửa cời than mà lòng tôi lạnh lắm
    Em nghiêng xuống đời tôi vòm trời em để tôi nhận ra tôi.
    Dzu

    THƠM TỪ MỘT ĐÓA HỒNG NHUNG

    THƠM TỪ MỘT ĐÓA HỒNG NHUNG
                      “Mưa ngâu tháng bảy sụt sùi
                    Lòng con nhớ mẹ ngậm ngùi mẹ ơi!”
           Có phải là bài ca dao của người xưa để lại, hay là lòng kính yêu cha mẹ của một ai đó bây giờ đã thành ca dao rồi. Và nếu như chỉ dành riêng mùa Vu Lan báo hiếu tháng bảy hàng năm thì ta lại bắt gặp“ Nguồn Suối Tình Thương” của chị Ninh Giang Thu Cúc và anh Hạnh Phương in chung(NXB Thanh niên, 2011) thật cảm kích biết chừng nào.
    alt
           Nguồn Suối Tình Thương là tập thơ văn viết cùng một đề tài hướng về chân lí Thiền, hướng thiện về lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục với lòng kính yêu trân trọng. Lòng kính yêu cha mẹ là không thể nào thiếu đối với bậc làm con, phải chăng được sinh ra và lớn lên trong gia đình được cha mẹ dạy bảo yêu thương chăm chút cho ta nên người, thì biết bao kỉ niệm trong đời làm sao quên được, hay cho đến khi được làm cha làm mẹ chẳng bao giờ nguôi ngoai bởi “ Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”( Chế Lan Viên).
           Nói đến chị Ninh Giang Thu Cúc là tôi nhớ lần sinh hoạt CLB Văn học Xuân Diệu Bình Định hôm trước hè của năm Tân Mão( 2011), chị rưng rưng khi cầm bó hoa từ tay chị Lệ Thu, anh Quang Lộc tặng rồi từ giã thành phố Quy Nhơn, quê hương thứ hai đã hơn bốn mươi năm gắn bó để theo con vào Sài Gòn. Dù không là người trong cuộc nhưng tôi cũng đâu cầm được xúc động chân tình dành cho chị hôm ấy. Phần đầu tập Nguồn Suối Tình Thương là thơ văn của chị đầy ắp nỗi niềm kính mẹ yêu cha canh cánh bên lòng, những hoài ức xa xưa với quê nhà từ thuở ấu thơ chẳng bao giờ nguôi ngoai. Chị Nhớ thuở “ Vỡ lòng” xa ngái kia từ lúc lên ba lên năm: “ Người mà tôi gọi bằng thầy với tất cả niềm tôn kính là một vị võ quan trí sĩ của triều Nguyễn…kế thất của vị võ quan là bà cô ruột tôi, vì bà không có con nên xin nhận tôi làm con thừa tự từ lời kí thác của cụ thân sinh tôi trước khi đi Vệ Quốc quân kháng chiến chống Pháp”. Đã chăm chút nuôi dưỡng chị lớn lên theo từng ngày, hình ảnh “bà vú sáu đã từng khốn khổ mỗi lần bồng tôi chạy tản cư từ phố lên làng…” được nghe kể lại đã từng che chở chị cũng không quên. Nhưng với chị có nỗi đau nào bằng nỗi đau lúc này: “ ba mẹ con, cô con, tất cả đã ra người thiên cổ. Con nhớ vú vô cùng , vú ơi!”(tr.21).
            
           Chị dành những trang viết kính tặng thầy N.V.KH cùng các thầy cô trường tiểu học An Hòa, Hương Trà- Huế đầy kỉ niệm: “Lúc thầy vào cổng, năm đứa đứng đó, chúng chào thầy rõ ràng mà, thế thì chúng đi đâu? Chẳng lẽ rủ nhau nghỉ không xin phép? Cả lớp nhìn nhau dò hỏi… Thầy bước xuống chiếc bàn đầu nghiêng người nhìn vào lòng bàn, vẫn đầy đủ cặp sách đặt ngay ngắn trước năm chỗ ngồi…cùng thầy hiệu trưởng, bác cai trường, lớp phó, bốn người đi tìm chúng tôi. Kết quả sau một hồi lùng sục qua bao“sào huyệt” quanh trường, mọi người bắt gặp năm nàn “ công chúa thủy cung” đang “ màn trời chiếu đất” ngủ hồn nhiên bên bờ sông quên cả lối về “vương quốc”(tr.30. Chị Nhớ mãi một ngôi chùa Từ Hiếu “ mà cả gia đình tôi lần lượt thọ tam quy ngũ giới ở đấy. Bổn sư của chúng tôi là vị đại lão hòa thượng pháp thể nhỏ nhắn, nói năng cũng nhỏ nhẹ hiền lành, nhưng đạo hạnh trí tuệ, đức độ và lòng từ ái thì rộng lớn vô biên”. Chị thèm một đêm giao thừa được ở bên mẹ: “ Mẹ ơi! Ba mươi chín năm thành gia thất, ba mươi chín phút giao thừa con không được về bên mẹ…con thèm khát đến cháy bỏng mà không thực hiện được ước mơ cho đến ngày mẹ nhắm mắt xuôi tay”(tr.40) đã trở thành kí ức trong hoài niệm:
                           Mẹ ơi mơ mãi không là thật
                           Nhắm mắt trào tuôn ngấn lệ đầy

           Để rồi lại cũng khát khao:
                           Bao giờ về lại quê cha
                           Bao giờ được cất bài ca về nguồn
                           Mưa rơi trắng ngọn cau buồn
                           Trắng cây hoa mộc trắng vườn mai xưa

                                                            (Hoài niệm, tr.69)
           Xa rồi với Huế yêu thương có vườn cây rợp bóng của tuổi thơ ngày nào, nhớ Huế là nhớ nắng nứt nẻ đất dai, nhớ Huế là nhớ mưa xối xả trắng trời, nhớ dòng Hương trong lành mang theo câu hò của mẹ ấm áp yên bình mà giờ đây…đã hơn bốn mươi năm sớm chiều nghe tiếng sóng ngoài khơi xa kia lần lượt vỗ bờ thầm thì nhắn nhủ. Ngỡ Quy Nhơn là quê hương thứ hai, mà giờ đây chị cũng chia tay vào tận miền Nam để an hưởng tuổi già cùng con cháu! Phải chăng có điều gì định trước được cho mình, tất cả cũng vô thường phải không chị?!...
           Với chị thì tình yêu gia đình, tôn giáo, Tổ quốc luôn gắn kết với nhau. Đất nước trong tôi là niềm tự hào về gia đình: “ Hai cuộc chiến/ Trận địa nào cha đã ngã/ Mẹ một đời hoài vọng -bỗng hư vô/ Chiến thắng cô đơn- Cám dỗ- xô bồ/ Vọng phu mãi/ cho đến giờ nhắm mắt/ cha có biết/ Suốt đời con cúi mặt/ Thấy nhà ai/ Đoàn tụ vợ chồng con/ Lầm lũi bước đi- côi cút, héo hon/ Nhưng lòng mãi tự hào/ Cờ Tổ quốc thắm thêm bởi máu cha đã đổ”(tr.80).
           Cư trần lạc đạo luôn được tịnh tâm với những ai hướng thiền làm lành lánh dữ. Chị trở về theo tiếng gọi của tình mẫu tử thâm sâu, tình đạo pháp vi diệu và tình Tổ quốc thiêng liêng, hay là trở về với quê hương yêu dấu của bốn mùa khép kín trầm lắng, nhưng thật tinh tế mộng mơ trong văn thơ Ninh Giang Thu Cúc. Chị thật kiệm lời, chắt chiu từng con chữ mà đã nói hết cảm xúc chân tình của mình trong những tản văn, bài thơ nhằm gởi đến chúng ta cùng sẻ chia những gì chị đã từng gom nhặt trong đời. Bên cạnh đó, Hạnh Phương với những bài viết cảm nhận về Nguồn Suối Tình Thương  mang đậm nét chân thiện cuộc đời. Anh vẫn dành những trang viết về cha về mẹ gần gũi nằm lòng: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thành kính biết ơn bài học làm người(tr.93), nào quên nguồn cội:
                       Âu Cơ mẹ của Lạc Hồng
                       Trăm con trăm trứng tay bồng tay mang
                       Vẽ nên nét đẹp Văn Lang
                       Từng trang tươi sáng từng trang Tiên Rồng
                                                          (Hóa thân Mẹ/ tr.183)

               Anh nhắc nhở: “Đâu phải nhọc tìm xa/ Phật thị hiện giữa nhà/ Thương cả người lẫn vật/ Phật chính là mẹ cha/ (Nghe lời mẹ dạy, tr.196). Như một lời khuyên nhủ thường ngày cho con cháu có bổn phận, trách nhiệm với cha mẹ mình. Lòng thành kính xuất phát từ trái tim nhân từ, lòng vị tha giữa con người với nhau. Trong vòng đời cuộc sống phải tất bật bon chen cho cuộc mưu sinh không thể dừng lại. Rồi một lúc nào đó, con người cũng không sao tránh khỏi những quy luật: Sinh lão bệnh tử, anh nuối tiếc nhớ thương:
                        Ngày đã hết! Màu trời kia tím biêc
                        Mẹ hiền ơi thanh thản bước đi rồi
                        Cao tuổi hạc mệnh trời đành khó vượt
                        Quá nửa đời con biết phận mồ côi
                                                   (Mồ côi, tr.219)

             Hầu hết những bài viết trong Nguồn Suối Tình Thương lấy đạo làm gốc, căn nguyên từ việc hướng thiện làm người. Con người luôn tuân theo chân lí cuộc sống cải tà quy chính. Nhưng nếu không nhận ra từ thực tế bằng những việc làm thiết thực hàng ngày “sớm thăm tối viếng” để không ray rức nuối tiếc một lần gặp mặt báo hiếu, cũng rất dễ dàng thành những giáo điều mang tính chất thuyết pháp mà thôi. Đạo trong ta chính là con đường niềm tin trong cuộc sống, điểm xuất phát  từ gia đình. Nơi đó ngọn đuốc chỉ đường hướng ta đến chân thiện cho lòng thanh thản bình yên khi đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Những trang Nguồn Suối Tình Thương là bài học đạo làm con, làm người mà Ninh Giang Thu Cúc và Hạnh Phương muốn được chia sẻ gởi gắm lại cho đời, cho con cháu mai sau khi giữa cuộc sống đang tất bật này.
                                                           20.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng  

    Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

    LẦN SAU PHẢI NHỚ.

     LẦN SAU PHẢI NHỚ.
              Con khiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào leo ra”… Nó cứ thích hát đi hát lại bài ca dao con kiến bế tắt quẩn quanh leo ra leo vào, trong cái thú bắt kiến nâu có hai càng lớn giơ ra phía trước oai vệ trong đoàn lữ hành của họ hàng nhà kiến xuyên vườn, từ hàng rào dâm bụt cạnh bờ ao đến luống cải xanh mà mẹ nó để lên ngồng lấy hạt, thành một kỉ niệm trong kí ức tuổi thơ từ lúc còn học lớp một.
             Sáng hôm đó mẹ nấu xôi đậu trắng, phần nó một chén nhỏ rắc ít đỗ phụng rang trộn muối đường thơm phức. Còn nóng, nó vừa thổi vừa ăn. Ba mẹ vội vàng ra đồng tháo nước từ con mương thủy lợi vô đám ruộng lúa gần chín tới cho mau cứng hạt. Nó ở nhà một mình, bưng chén xôi men theo lối đi ra vườn lộ của đàn kiến. Nó không ăn, múc đến hai muỗng đổ xuống đất bên cạnh. Hương thơm của nếp đồng chín, của đỗ phụng rang, vị ngọt của đường trộn lại hấp dẫn vô cùng cho lũ kiến nhanh chân bỏ lối đi, chen chúc nhau bu kín cả nhúm xôi. Nó chưa vội đưa que củi nhỏ hất những con kiến càng ra khỏi đàn rồi cho chúng chấu đầu với nhau như lúc nào để nó bắt nhịp một mình: con kiến mày bò đi đâu đi đâu, mày bò đi đâu/ tìm mồi cùng ăn với nhau gặp nhau lại chào… nữa. Nó để chén xôi lên viên gạch thẻ lát ngay ngắn lối đi, rồi chạy thẳng vào nhà vói cánh tay mở tủ đựng đồ ăn lấy cái lọ thủy tinh ra. Nó bắt từng con kiến càng bỏ vào lọ. Đàn kiến con ngơ ngác vừa thầm thì cảnh giác bàn tay bé nhỏ của nó, có con cũng không vừa bám ngay vào ngón tay cái cắn nó một phát. Nó rụt tay lại, thế là con kiến dù quyết tâm chống lại cũng bị nó giết chết. Khi nhìn lại không còn con càng lớn nào nữa, lũ kiến con tản dần ra. Được dịp những cánh ruồi từ xa vù vù bay đến. Từ năm bảy con đến cả đàn đậu đen nghịt lên chén xôi. Còn nó chăm chú ngắm nghía từng con một vừa cố bò leo lên thành lọ thủy tinh trơn quá lại rớt xuống, con khác cứ thế tiếp tục trở thành trò chơi một mình của nó với lũ kiến trong vườn.
    http://farm3.anhso.net/upload/20110921/14/o/anhso-14238_DSC02478.jpg


              Gần cả tiếng đồng hồ, màu nắng vàng sớm mai tràn ngập lên vòm cây lá trong vườn, nó chơi đã bắt đầu thấy chán, nhớ chén xôi chưa ăn hết, nó quay người lại như không tin vào đôi mắt của mình, không còn là chén xôi đậu trắng mà là chén xôi đậu đen. Nó nhìn kĩ rùng mình nào là kiến nào là ruồi chen chúc tranh nhau phần ăn. Đàn kiến cần mẫn hơn, ngoài phần ăn tại chỗ chúng còn khệnh khạng đôi chân mang theo về tổ dự trữ sợ mùa mưa sắp đến. Các ả ruồi say sưa đặt vòi hít lấy hít để cho no bụng. Chốc chốc bay lên đáp xuống như còn thèm thuồng lắm. Còn mấy cụ ruồi xanh nhất làng cậy lớn ra oai huýt còi báo động: e…e…thật to nhằm uy hiếp cho lũ đàn em, đàn kiến dãn ra. Nhưng cuối cùng các bô lão ấy không thể nào chen vào vì cánh ruồi đen và đàn kiến quyết tâm bảo vệ lương thực của mình mới vừa thu được. Nó đưa cái que củi khô nhịp nhịp lên thành chén, cả đàn ruồi bay lên, đàn kiến cũng chen nhau túa ra bên ngoài. Nhìn không còn con  nào nữa , nó bưng cái chén đi vô nhà, chưa được hai bước chân , cái chén rớt xuống đất, trên tay phải của nó chỉ còn con khiến càng thật to cắn chặt vào ngón tay út . Nó la lớn, đau quá! Như phản xạ tự nhiên, tay trái của nó đập mạnh lên con kiến càng, con kiến đứt ra làm hai, mấy cái chân còn ngọ ngoạy khi rơi xuống đất…
             Đến chiều đi học về chào cha mẹ xong, nó cất cặp lên bàn rồi chạy thẳng ra sau hè. Nhìn những con kiến càng nằm lắc lư trong lọ. Nó mới nhớ là lúc trưa chưa cho kiến ăn, lại quên mở nắp cho kiến thở. Bây giờ đã muộn rồi!...
                                        04.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng.    

    CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ

    QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH YÊU THƯƠNG

    BÀ CHÍN VÀ CẢ NHÀ CHÁU NHÃ UYÊN

    NGÕ ĐỜI RỘNG HẸP VÔ BIÊN

    NGÕ ĐỜI RỘNG HẸP VÔ BIÊN
              ( Đọc Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông,
    tạp văn của Nguyễn Tấn Ái, NXB Thanh Niên 2011)

               Tôi thật sự tâm đắc với thầy Trương Vũ Thiên An: “…Mộc và nồng, tạp văn của Tấn Ái níu ta về ngàn vạn lần yêu thương. Níu, nhưng không làm ta ngã đổ giật mình- dù là ngã đổ trên bình yên ngõ về, giữa một mùa sim chợt tím thẫm cả chân đèo…” trong lời giới thiệu về tập Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông, tạp văn của Nguyễn Tấn Ái ( NXB Thanh Niên, 2011).
    alt
          Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Tấn Ái ở Quế Sơn- Quảng Nam là những bài viết ngắn không gò bó thể loại, câu chữ. Anh cứ một mực chảy theo cảm xúc suy tư tuôn trên trang viết về cuộc sống thường ngày hay bình luận ngắn về một bài thơ, về một tác giả mà rất đậm chất thơ, đôi lúc có cách lập luận như thể văn biền ngẫu nhịp nhàng cân đối có sức cuốn hút kì lạ kể cả ngay từ việc chọn tựa đề cho tập tạp văn nữa.
          
           Là nhà giáo dạy văn nên văn phong của anh cũng rất chuẩn mực.Anh bền bỉ chịu khó dành riêng cho mình khoảng thời gian nào đó để viết đầy trách nhiệm. Với năm mươi bảy bài trong tập là năm mươi bảy tản văn rộng theo từng thể loại được cân nhắt thận trọng trong từng câu chữ xúc tích, cô đọng theo kết cấu từng bài một. Lúc như tự nhủ bộc bạch lòng mình, lúc như sẻ chia tâm tình, lúc thâm trầm sâu lắng khi cảm nhận tác phẩm văn chương. Từ “ Chuyện Mẹ Tôi” (tr.7) đọc ca dao: Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận Thiên Tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: “ Thằng nào đốt rơm? ”…Còn anh ngây thơ hỏi mẹ: “- Ngọc Hoàng sao xược thế, sao lại xưng hô thằng con mà chẳng chút lễ nghi? Mẹ cười xoa đầu tôi, mà câu trả lời như chẳng chịu trả lời cho con trẻ: - Mũ cao áo dài nhọc lắm, thằng con bỗ bã thế mà vui”…Phải chăng chỉ có trẻ con mới dám vặn hỏi điều mà người lớn còn e dè, ngần ngại, thận trọng. Rồi từ đấy anh tìm ra hướng trả lời “ Tôi hy vọng những người con của mẹ sẽ biết lọc trong gia tài mẹ để lại ấy một tinh thần lạc quan”. Hay khi “ Kể Chuyện Tôi”(tr.10) về kỉ niệm tuổi thơ còn lại vết sẹo trên tay, khóc theo mọi người trong nhà ngày chị đi lấy chồng, lúc mười hai tuổi cũng biết cái Tết buồn hắt hiu khi cha vừa mất. Rồi mẹ ra đi trước ngày Giáng sinh năm anh đã bốn mươi tuổi để nhẩm hoài câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Đưa mẹ lần cuối qua làng/Ba hồn bảy vía con mang vào mồ/ Mẹ nằm như thuở còn thơ/ Mà con trước mẹ già nua thế này”. Với anh tất cả thành “ những vết sẹo buồn, mà mỗi lần soi vào tôi lại thấy với ngày, với tháng, với năm…” cứ hằn sâu trong anh, liệu anh có đủ vững tin yêu  ấm lòng nếu không có những vết sẹo vui vui khi anh đi nhậu để lại đi động ở nhà…rồi chuyện vỡ ra với mật mã: “người tình trăm năm” có cả nụ cười và nước mắt trộn lẫn tíu tít: Anh hà, anh hí của người vợ thật dễ thương kia! Cái tính kĩ lưỡng của nhà giáo là nếu không ghi chép lại sẽ mất đi, đâu còn gì để lưu để nhớ lại một thời. Tấn Ái cũng đã từng tâm sự: “…Muốn yêu người thì phải biết yêu mình. Tôi nghĩ mọi người cũng thế, cũng có quyền yêu mình bằng một vài dòng nhật kí, là kiểu bắt buộc mình phải có ý nghĩa với mình. Mà đó cũng là quyền dân chủ, cũng nên tận dụng” (Tr.13). Anh nhớ lại những ngày còn học phổ thông: “ Quà của thầy giáo dạy văn cũng đáng kinh ngạc. Điểm thi môn văn: Thịnh mười, Thảo mười, Bản mười, Sơn chín, điểm chín. Vài ba con tám, có con tám giờ tập tễnh học viết văn, tập tễnh học yêu đời, học ngạo đời, học cung kính và khinh mạn. Mà con điểm mười trong túi thầy vĩnh viễn nó không giành được”(Ngày của văn chương/ tr. 206). Với anh tất cả muốn biết là đều phải học bởi tục ngữ đã dạy: “học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy. Điều ấy cũng thật khó lắm, đâu dễ gì thực hiện nếu không biết yêu mình!... Có phải anh yêu mình hơn  thuở đôi chân từ núi đồi Quế Sơn ra kinh Huế học mà sao đã biết “ cảm ơn muội đã thắp trong hồn anh ngọn lửa, để anh không chịu bằng lòng, để một lần khát cháy hết mình, khao khát sáng lên. Dù rất biết hữu hạn cuộc đời… Và anh gọi đó là tình yêu” ( Ngày xưa tiểu muội/ tr22). Phải chăng ý thức từ lí lịch nông dân của ngàn đời nay đâu chỉ cần cù chịu thương chịu khó còn rất đôn hậu nhân từ cho anh trân trọng nâng niu gìn giữ. Cái giá “ Bạn của ngày xưa/ tr24: Vậy mới hay những thú vui tao nhã cũng là quý cái tâm sáng, cái tầm cao, cái nhân, cái phẩm của người tri kỉ. Mới hay cổ nhân kén bạn. Mà kén bạn thì quý bạn”. Hay là “ Chờ cho đá biết tuổi vàng là lòng ta chờ bạn” (Tr.32).
           Những cảm xúc tình bạn, tình đời như thôi miên bằng những câu văn mườn mượt chảy vào người đọc chỉ ra “ Triết lí thằng Bờm” (Tr.36) nào có đầy vơi khi hạnh phúc ở quanh ta. Hạnh phúc là sự thỏa lòng. – Hạnh phúc là gì? Là cơm áo? Là tri thức? Tấn Ái nhận ra hạnh phúc và đớn đau đan xen đắp đổi như thế nào: “Rồi mỗi bước một dần xa. Bầu vú thì xa rồi mà sữa đời thì đắng lắm. Những phong trần đày đọa lên dáng con ngổ ngáo tục tằn, những bước đi nặng gáng đời cứ vồng lên những bước chân, không còn chập chững thuở ấu thơ mà sụp xuống chới với hơn cả ngày xưa lững chững, con còn sống đây là tựa vào niềm tin mẹ với tình yêu bất diệt” (Những vần thơ tặng mẹ/ tr 55). Có lẽ những tháng năm tuổi thơ được sống bên mẹ, có lẽ những ngày tháng đến trường đã tích góp cho anh vốn liếng thanh bạch trong nhân cách, trong xử thế ở đời làm nên nghĩa khí ở người thầy dạy học biết làm thơ viết văn như anh. Mục đích vẫn là biết yêu mình, yêu người, yêu cuộc đời viết là lưu giữ cảm xúc chỉ sợ mất đi khi ta ngồi nhớ lại.
            Tản văn Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông của Nhà giáo Nguyễn Tấn Ái được nhân rộng theo nhiều mảng góp nhặt từng ngày đêm theo mùa đi qua, lúc nắng mưa gió bão đổ về, lúc trời quang mây tạnh…cả trên con đường Về Quê Nghe Tiếng Chim Bắt Cô Trói Cột / tr168, rồi từ đó “ Cần Có Một Tấm Lòng”/ (tr.87), nhân lên đó là ứng xử văn hóa: “Và trong suốt cuộc trần gian còn có những tâm hồn biết thắp lửa sưởi ấm đời nhau” (tr 89) cho ta yêu lắm cuộc đời này. Anh cũng thực sự đau lòng khi “Bão miền Trung”(tr119) hết năm này đến năm khác để lại những hậu quả không lường, thế nhưng con người miền Trung tự mình đứng lên lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Mỗi ngày có biết bao nhiêu điều cho ta học, cứ một ngày đàng là một sàng khôn kia mà, anh hiểu “ Ôn cố tri tân” biết “ Đọc lại ngày xưa”(tr192) gắn bó luyến lưu những mất còn của tình bạn, tình người phải đâu là xa xót! Từ là học trò đến khi làm thầy, anh hiểu và yêu hơn học trò của mình. Chỉ ra những thiếu sót, những lổ hỏng kiến thức cần phải bổ sung. Anh kể: “ Một lần chấm bài, đề tài có liên quan đến hai tác giả là Tú Xương và Hồ Xuân Hương, một học sinh đã đặt một nghi vấn văn chương đến nổ đom đóm: Không biết đương thời Tú Xương đã gặp Hồ Xuân Hương chưa?Người chấm giật mình. Hóa ra các học trò chẳng cần quan tâm đến các năm sinh của các tác giả nên mới có những câu hỏi động trời như thế…”(Khơi khơi với vài con số. tr.177). Chúng ta sao không khỏi nhịn cười, nhưng trong cảm nhận của học sinh có thể Tú Xương đã gặp/ đọc qua tác phẩm của Xuân Hương chưa!...Và nếu như các em biết hết thì đâu còn lúc  chuyện trò để thầy cô giáo than phiền càng ngày học sinh lười học môn văn!
              Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông không chỉ dày về mặt số lượng 244 trang vẫn còn ít hơn tháng ngày chắt chiu con chữ chân tình, dành trọn vẹn yêu thương của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Tấn Ái gởi đến với chúng ta như góp nhặt tích lũy kinh nghiệm quý báu nhất trên đời này. Anh lo “ Tiếc công cầm vàng. Là tiếc cái vun đắp, tiếc cái hoài bão, tiếc cái thâm tình”(Cầm vàng mà lội xuống sông/ tr.28). Rồi cũng theo anh: “Dòng sông cuộc đời chảy dọc, có mất mát mới là đời. Đừng có té sấp té ngửa vì thiệt hơn mới là bản lĩnh. Và, cần nhất, bận bịu một chút với ngày qua để thực là người, để xứng là người”(tr.31).
             Văn cũng là người, phong cách văn chương cũng thể hiện đức tính con người. Có đọc hết tạp văn Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông ta lại càng tin yêu trân trọng tấm lòng của tác giả đã miệt mài không kể sớm chiều sáng tối, viết như thể sợ không kịp chuyển tải những gì quý báu anh lượm lặt giữa đời này. Quả: Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Tiếc vàng rơi là chuyện bình thường, nhưng tiếc công cầm vàng đó chính là giá trị của vốn quý trong kinh nghiệm sống cần được đúc kết sẻ chia. Một bài học chiêm nghiệm về lẽ đời cần duy trì gìn giữ.
                                           30.8.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

    Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

    GIỮA MÙA THU DẤU YÊU

    GIỮA MÙA THU DẤU YÊU
             Ngày vẫn nắng mà đêm lại mưa, mưa rây hạt làm thấm ướt tóc bay trong gió đêm cuối tuần của ngày 10.07.2011, khi bước chân vội vàng khắp nẻo phố giữa mùa thu về, nào cản được cuộc hội ngộ cùng văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê hương Bình Định. Mưa cứ mưa nào ai chắn lối bước chân người chật cả gian phòng sinh hoạt thường kì của câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu Bình Định. Từ Phù Cát xa xôi Khổng Vĩnh Nguyên, Vân Hiền,… lướt thướt có mặt đúng giờ, Trần Viết Dũng cùng cây guitar và Kim Chi trên Tây Sơn xuống, còn tại Quy Nhơn như nhỏ Rêu ở phường Trần Quang Diệu một mình vượt mười cây số chỉ sợ “kiểm diện” không có tên, đến chị Lệ Thu từng vững vàng trong kháng chiến giờ ngồi xe taixi đến góp thơ chung vui chia sẻ. Và trẻ hơn hết là nhóm học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, khi tiếng sáo “ Về Quê” của Nguyễn Cao Thống lớp chuyên tin vang lên cho cả phòng thưởng thức cung bậc tiếng lòng mình: Theo em anh thì về/ Theo em anh thì về thăm miền quê/ Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về/ Ơi quê ta bánh ta bánh đúc/ Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt/ Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ/ Ơi quê ta dầu sương dãi nắng/ Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên/ Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi… Đã làm xao xuyến người xa quê lâu nay vào thành phố như Doanh nghiệp- Nhà thơ Thanh Tùng, Kim Thủy(Ca sĩ- trung tá đoàn NTQK7- Hội viên Hội âm nhạc VN) và Lê Sa Long(Giảng viên Hoạ sĩ- hội mỹ thuật VN)!...
     alt
          không khí sinh hoạt vui vẻ

    Lê Sa Long giới thiệu tác giả và ca sĩ bài hát "Tia nắng hạt mưa"


        
         Về quê là về với Bình Định nghĩa tình, với dòng sông Côn thơ mộng hiền hòa, với đất võ trời văn của vùng đất địa linh nhân kiệt. Hay là về nghe biển hát ngày đêm cho màu nước xanh hơn, cho hạt muối trắng hơn đến ba năm vẫn còn mặn đó. Khi nhà báo nhà thơ Trần Quang Khanh chủ nhiệm CLB Xuân Diệu là người rất cẩn trọng ngôn từ nhưng lúc này lúng túng làm sao giới thiệu nhà thơ Lệ Bình(trưởng ban sáng tác chi hội nhà văn VN tại TP HCM- Hội viên Hội NVVN) “ cầm đầu” của đoàn VNS thành phố Hồ Chí minh để rồi theo sau là tiếng cười giòn giã, giòn giã không ngớt. Đến lượt anh Lệ Bình cũng xúc động gọi chị Lệ Thu một bút hiệu mới: Hoài Thu!... sau khi anh nghe lại bài Tia nắng hạt mưa của mình từ tiếng hát của em học sinh đến tham dự với tình cảm chân tình ấm áp. Và đây là lần thứ tư anh Lệ Bình về Quy Nhơn mới tiết lộ điều bí mật bút hiệu Lệ Bình (Anh chính là Phạm Văn Lệ và cô bạn gái yêu thương ngày ấy có tên là Bình) đơn giản như vậy mà nên duyên nên nợ suốt đời với anh. Trong đoàn còn có nhà thơ Thanh Tùng đã có kỉ niệm Từ Khúc Quy Nhơn được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần với giọng ngâm trầm lặng thiết tha nhung nhớ từ đoạn một: Ai có về thăm quê Quy Nhơn/ Cho ta nhắn gởi chút tơ lòng/ Đã bao lần lá hoa thay sắc/ Là bấy nhiêu tình –Ôi! Nhớ mong… Bấy nhiêu tình được khởi đầu từ tình con nhớ mẹ theo tiếng sáo ngọt ngào của Nguyễn Cao Thống  ngợi ca Lòng Mẹ của  nhạc sĩ Y Vân. Gợi nhớ nỗi niềm người mẹ khi phải xa con trong những ngày ở Trường Sơn 1974 của chị Lệ Thu: Mai khôn lớn con nghĩ gì về mẹ/ Con nghĩ gì về một chặng đường qua/ Con nghĩ gì về đất nước chúng ta/ Nỗi đau đớn xuyên rất nhiều thế hệ/ Không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ Nên bây giờ mẹ ra đi… /Tuổi bé thơ con chưa biết gì/ Riêng mẹ biết con rất cần có mẹ/ biết con thiệt thòi hơn nhiều đứa trẻ/ bởi thiếu bàn tay mẹ lo chăm/ Nhưng lòng con sẽ sáng mặt trăng rằm/ Khi lịch sử sang trang con sẽ nhìn thấy mẹ/ Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ Trong vinh quang con không phải cúi đầu( Viết cho con). Lớp trẻ đang ngồi nới đây đã học được những nhà thơ, nhà văn đi trước biết sẵn sàng hi sinh hạnh phúc gia đình, cống hiến tuổi thanh xuân của mình khi Tổ quốc cần ta xung phong ra trận.
             Vẫn biết quê hương là câu hát dân ca nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ cái nôi à ơi của bà, của mẹ. Khi đi xa, ít nhất cũng được vài lần về thăm để nhớ , để yêu để chắt chiu kỉ niệm: “Tôi yêu quê tôi xanh xanh lũy tre, quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi. đường làng quanh co, sông thu êm đềm. Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng. Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy. Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao…”    được ca sĩ Kim Thủy cũng từ quê hương Tây Sơn nay công tác ở thành phố Hồ Chí Minh cứ thiết tha trong từng ca từ, trong ánh mắt trở về lục tìm tuổi thơ đi qua đời tôi ấy.
    alt
           
           Còn Trần Viết Dũng vơi đầy kỉ niệm Về lại vùng tuổi nhỏ của mình: Một mình anh, một đốm lửa run tay/ thương biết mấy từng chiếc đèn thơ ấu/ Ở sau lưng những ngày theo cơm áo/ biết lấy gì gởi tới bé dấu yêu”. Cô bé dấu yêu KC anh gởi tặng ngày nào trong bài thơ ấy chia sẻ được những gì anh gởi đến chưa?! Những gương mặt quen thuộc Thu Thủy, Đào Thanh Hòa, Micay-Thỏcon, Nguyễn Thị Tiết, Rêu,… cũng cùng anh hòa vào vùng tuổi nhỏ của mình mà trân trọng nâng niu gìn giữ trong vòng tay có được. Cùng với MC Trần Hà Nam vừa là phó chủ nhiệm CLB Xuân Diệu, thì Lê Sa Long của đoàn VNS thành phố Hồ Chí Minh cũng là người Bình Định phối hợp thật nhịp nhàng khép kín cả chương trình. Nên khi mời Quốc Khánh, anh tâm đắc đọc thơ bạn mình: Hỡi những ai lưu lạc giữa cuộc đời/ Không nơi hôn nhau thì trong mơ sẽ có/ Dù Bãi Trước, Bãi Sau chỉ toàn sóng gió/ Hạt cát cuối cùng vẫn lấp lánh ngọc trai( Vũng Tàu của Hoàng Đình Quang-Trưởng chi hội nhà văn VN tại TP HCM- Hội viên Hội NVVN).

    alt
    Từ trái sang: Nhà thơ Mai Thìn, Lệ Bình, Đặng Quốc Khánh    

          Rồi Mai Thìn, Vân Hiền, Phan Văn Thuần tiếp những vần thơ truyền cảm muốn sẻ chia. Chị Kim Long- cô gái của Bắc Ninh còn giữ cho mình giọng ngâm trẻ trung mặc dù chị đã vào tuổi sáu mươi.Chỉ riêng Huyền Nhung: cây bút phê bình VH trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh lúc này lặng lẽ cảm nhận không khí sinh hoạt chân tình thân mật của anh chị em trong CLB Văn học Xuân Diệu. Ngoài những bài thơ được đọc, được ngâm, được hát, các anh chị còn sẻ chia cho nhau những kỉ niệm vui buồn trong nghề viết của mình. Nhưng tất cả để lại một dấu ấn đẹp khó phai là lễ trao thẻ hội viên từ đầu buổi sinh hoạt cho các anh các chị em ở thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện xin gia nhập CLB Xuân Diệu Bình Định, hẹn sẽ về sinh hoạt thường xuyên, nhớ ngày giỗ Nhà thơ Xuân Diệu 18.12.2011 nữa chứ!
     alt
         Chủ nhiệm CLB trao thẻ hội viên
            Thơ còn thật nhiều, còn muốn được đọc cho hết, nhưng thay vào đó là bài hát Thành phố mười mùa hoa của anh Lệ Bình kết thúc cho thành phố Quy Nhơn với ngàn mùa hoa yêu thương khởi hương thắm sắc. Tiếng anh Anh Lệ Bình nhỏ nhẹ: hôm nay các bạn dành cho tôi quá nhiều rồi đó!...Dẫu biết còn một đêm nữa là đến rằm trung thu, trời vẫn cứ mưa, làm sao quên được Nguyệt Cầm của Xuân Diệu do Cung Tiến phổ nhạc. Anh Đỗ Ngọc Hoánh cùng với guitar trên tay lặng sâu vào khung cảnh tràn ngập ánh trăng mơ mộng cùng tiếng đàn, khi nhà văn Lê Hoài Lương đưa tay tắt bớt nút điện, lúc này một không gian mờ ảo hiện ra đã hòa quyện giữa trăng thu với tiếng đàn tỏa ra lan rộng, phải chăng Xuân Diệu đang vật lộn mình với cô đơn, anh khao khát cuộc sống đáng yêu này:
    “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
    Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
    Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
    Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
    Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh
    Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
    Vì nghe nương tử trong câu hát
    Đã chết đêm rằm theo nước xanh
    Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
    Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
    Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
    Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
    Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê
    Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
    Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
    Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”
                              11.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng

    CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ

                                              Tặng Thùy Tâm, Nguyệt, Vàng.

    Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

    CHIM SỢ NGHE TIẾNG ÔNG NGƯỜI

                CHIM SỢ NGHE TIẾNG ÔNG NGƯỜI
               Trời sáng hẳn, những hạt mưa cuối cùng trong đêm cố bám trên mặt lá cây cũng phải rơi xuống khi cơn gió đầu tiên trong ngày khẽ đưa. Đã ba hôm rồi, anh Chào Mào mất ăn mất ngủ lo cô bạn gái thích tự do vi vu một mình để đi tìm tứ thơ đã  bị sa bẫy cũng chỉ vì tính hời hợt, vô tư, lại tham ăn nữa chứ!... Anh đậu trên cành dừa bên bờ sông trước ngôi nhà hay nói đúng hơn là một cái biệt thự nhỏ xinh xắn rợp bóng cây ăn trái. Mấy ả chim sâu lích rích chuyền cành rồi đưa cái mỏ nhọn hoắt mỏng manh hình cái liềm bới trong kẻ lá khi chú sâu con còn ngái ngủ. Cả họ nhà se sẻ rộn rã chích chích tự nhiên bám chặt trên đường dây điện rồi cùng nhau bay là là đáp xuống mặt sân xi măng, chưa được một phút lại cất cánh bay lên cả đoàn như đang đồng diễn thể dục buổi sáng trông đều đặn làm sao. Anh Chào Mào nóng ruột lắm chờ ông người đã bỏ tiền mua lại cô bạn gái của mình ra khỏi nhà với bộ đồng phục tươm tất. Khi tiếng xe xa dần, anh Chào Mào mới mạnh dạn cất cánh bay thẳng đỗ trên cành khế ngọt sát hiên nhà, đưa mắt vô chiếc lồng mây cất tiếng:
             
    - Tối có ngủ được không em, đã ăn gì chưa, anh còn dành phần miếng mồi cho em nè!
            Cô bạn Chào Mào than thở:
           
    - Làm sao đưa em ra khỏi chốn này, một ngày trong cái lồng bé nhỏ chật chội cứ ngỡ là đã nghìn thu ở ngoài, em thấy tù túng quá. Mặc dù nhìn ra vẫn thấy một góc bầu trời, nghe tiếng lá lao xao, nghe cả tiếng người gần gũi nhưng mà…
           
     - Nhưng mà sao em?
              Cùng lúc đó, cô Chào Mào thấy cái dáng thương thương gầy gầy tội nghiệp của bà người bước ra hiên. Cô im lặng.
              
    - Nhưng anh nhìn thấy trong lồng em ở có trái chuối chín treo lơ lửng kia, có cả li nước nho nhỏ nữa phải không. Vậy là em yên tâm khỏi phải lo đói như anh ngoài này rồi!...
            
    - Không, không đâu anh ơi, em thèm được đi tìm mồi cùng anh, cùng bay giữa bầu trời bao la kia, cùng anh đón gió trăng thanh anh có nhớ không?! Em sợ rồi phải khóc một mình như bà người trong biệt thự này!
              
    - Ở biệt thự sao lại khóc?
           
    -Vì trước khi ra khỏi nhà, ông người còn quay lại căn dặn: Tôi gọi điện thoại bàn là phải có mặt trả lời cho tôi nghe. Và canh chừng mất con chim trong lồng là chết với tôi. Anh có biết không, ông người có quyền nhất trong nhà, còn bà người trước đây cũng làm công nhân nhưng phải ở nhà sau khi sinh đứa thứ ba cũng là con gái. Nghe lời ông người, bà người đành ở nhà chăm con, bây giờ con bé đã học lớp mười rồi.
                 - Trời đất, bà ấy ở nhà mười lăm năm rồi!
                - Vâng, mới ba ngày mà em biết hết trơn. Lúc đầu em còn tò mò nghe ngóng. Ông người làm quan lớn, hôm qua có đưa một bồ nhí về nhà, vừa bước vào cửa, ông người nắm tay bà người bảo: Mày vào phòng mở mắt ra thật to xem tao làm tình để rồi còn bắt chướt!... Em cứ sợ mình nghe nhầm, nhưng sau đó bà người trở ra hai mắt đỏ lắm, cứ sụt sùi sụt sùi ngoài hiên đây này!  Em sợ nghe tiếng ông người quá. Mà ở đây làm gì có bông gòn cho em bịt lỗ tai.
              - Này  nhé, còn hai ngày nữa sang tiết thu phân, em nhớ ăn uống cho no nê, nhìn chừng lúc ông người về, em đừng nhảy cành này sang cành kia hay ngong ngóng ra ngoài nữa, cứ đứng im đó, giả vờ ngủ.
               - Rồi sao nữa?
               - Từ từ, thế nào ông người cũng mang thuốc ra cho em uống, chờ cơ hội là em tung cánh bay nhanh, biết chưa!
               
    Sáng chủ nhật, ông người thay thức ăn, mới ngạc nhiên sao chuối hết, chim không hót, hay là lũ thằn lằn, chuột lẻn vào xơi. Ông người hất nắp chốt, mở cánh cửa lồng, nắm trọn cô Chào Mào trong bàn tay “hộ pháp” của mình rồi rút tay ra khỏi lồng tha thiết: Chim ngoan nào! Uống thuốc cho khỏe, chứ ốm đau què quặt là ông quẳng vào sọt rác ngay! Một tay cố mở nắp hộp thuốc gia cầm nhưng không được. Ông người thận trọng đặt Chào Mào vô lại trong lồng. Một tay cầm lọ thuốc, một tay vặn nắp hộp, mắt vẫn không rời lồng chim. Bàn tay phải ông người lắc mạnh hộp thuốc lấy ra một viên nhỏ, giật mình…
           Cô Chào Mào đã tung cánh bay xa, bay xa…
                                    01.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng  
             

    Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

    TỰ NHIÊN LẠI THẾ

    TỰ NHIÊN LẠI THẾ
    alt

    Vầng trăng ai tạc mà rằm

    Chuông chùa ai gõ trăm năm vọng về
    Núi sông cách trở bao giờ
    Hạt mưa nhè nhẹ tỉ tê muôn chiều
           04.05.2010/ Nguyễn Thị Phụng