THƯƠNG NHAU
NÓN NGỰA ĐỘI ĐẦU (Trích Hương thảo thất, NXB HNV- 2017)
“Anh đưa nàng về dinh” là cụm từ lặp lại
từ câu “Là đưa… í a… đưa nàng… đưa nàng…
anh đưa nàng về dinh,…” trong bài dân ca Nam bộ Lí ngựa ô. Hình ảnh con
ngựa luôn gắn liền với những câu tục ngữ, thành ngữ, dân ca quen thuộc và người
khớp con ngựa ấy chính là chàng. Chàng yêu nàng lắm mới đưa nàng về dinh để
được chăm sóc nâng niu đêm ngày, bởi nàng có đôi tay khéo léo làm nên chiếc nón
cho chàng đội đầu, tung vó ngựa trên mọi nẻo đường quê hương. Cũng từ đó chiếc
nón chàng đội trên đầu có tên là nón ngựa.
Nón ngựa không mỏng mảnh như chiếc nón lá
bình thường các mẹ các chị thường đội đầu khi ra đồng ruộng, lúc vội vàng bước
chân đến chợ hay thong thả trên con đường làng về nơi lễ hội, hay che mưa nắng
giữa những giờ lao động vất vả ngoài trời … Có lẽ trên yên ngựa chỉ chiếc nón
cứng cáp mới có thể chịu đựng những lúc chàng tung vó phi nhanh đúng lúc kịp
thời. Cho nên nói đến nón ngựa là phải kể đến công phu người làm nón về sự dày
dặn chiếc nón, không chỉ độ chắc chắn còn mang tính thẩm mĩ cao bởi được dùng
trong mùa cưới khi xưa cặp đôi hạnh phúc sánh bước bên nhau. Vậy ra nón ngựa đã
có từ lâu lắm, nhưng với thời công nghiệp, phương tiện đi lại bằng xe đạp, xe
máy thì chiếc mũ bảo hiểm chắc chắn an toàn hơn khi tham gia giao thông, dần dà
nón ngựa chỉ dành cho một số người đi bộ yêu chuộng sự thuần túy Việt mới sử
dụng thường ngày, hay được chọn dùng để trang trí bởi giá trị thẩm mĩ cao.
Nói đến nón ngựa đẹp và bền chỉ có ở thôn
Phú Gia xã Cát Tường huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là nổi tiếng hơn cả. Ai đã
từng đến tận nơi xem cách làm nón ngựa lắm kì công từ một làng nghề truyền
thống ở một vùng quê những người dân lao động thủ công mới thấy hết cảm xúc tâm
hồn gởi vào đôi tay khéo léo của họ. Muốn làm nón trước hết phải có dụng cụ cái khung gỗ hình chóp mà đường kính khoảng
hơn 40cm, đường cao thẳng góc ước chừng 20cm. Cùng những nguyên vật liệu như
cây giang, lá kè, cây dứa, chỉ màu.


Muốn giữ được độ bền chiếc nón ngựa và uy
tín làng nghề cổ truyền thì dùng những vật liệu trong tự nhiên, chọn đúng thời
điểm sang xuân nắng bắt đầu ấm, đem vào sử dụng thì mới có hiệu quả cao. Để làm
sườn nón theo từng vòng tròn thì chọn cây giang tươi đủ tuổi từ trên núi rừng
đem về, chẻ đều vuốt tròn trên một miếng sắt đục nhiều lỗ nhỏ bằng nhau khỏi bị
phạm chỗ dày chỗ lõm. Tiếp nữa là cũng loại giang ấy dùng để đan mê, luôn sườn
phải cưa đúng kích thước sau đó chẻ nhỏ phần cật, phơi khô, vuốt đều như cây
tăm, nạo sạch vỏ màu xanh bên ngoài. Còn để có chỉ kết chằm nón người ta lấy lá
cây dứa (thơm tàu) ngâm nước khoảng ba ngày, tước lấy phần tơ rồi đem phơi gió
cho khô, nhưng cách này hiện nay không ai dùng nữa vì tốn nhiều công đoạn và ít
bền so với cước công nghiệp đều sợi mảnh mai hơn. Muốn có đường vành và sòi nón
đẹp phải lấy rễ dứa rừng, chẻ thẻ, phơi khô chuốt tròn. Cũng như phải có chỉ
màu để thêu hoa văn theo ý muốn. Và một thứ vật liệu không thể thiếu mà rất
công phu tỉ mỉ là chọn lá kè (lá cọ), tước lấy sóng lá, phơi gió cho khô, vuốt
lá cho láng bằng cách đặt úp miếng sắt dày(lưỡi cuốc) trên bếp lò than đỏ, một
tay cầm chặt cái túi bàn là trên miếng sắt, một tay nữa đưa lá kè nằm giữa
miếng sắt và bao đựng cát bọc lớp vải bên ngoài thật dày ấy, đè trên miếng sắt
vuốt nhanh lên bề mặt lá kè làm bóng láng lá hơn, cắt lá theo kích thước, rọc
lá cho nhỏ, đến luông sóng, sau đó là rúp đều.
Có sẵn vật liệu chỉ việc tiến hành làm nón
theo nhiều công đoạn từ việc vào khung sườn với những khoảng cách đều nhau bằng
những cọng giang vót sẵn, rồi đến đan mê theo hình tứ giác(hình chữ nhật)… như
kiểu đan giỏ các khoảng cách cân đối mới đẹp, tiếp nữa là luôn sườn đứng đến
thắt nan sườn, dọn vành hay kết vành vào nón, tỉa chóp, thắt chóp sườn, tra
vành, vô vành giữa bằng ống giang đã chẻ và vuốt sẵn, tiến hành thêu hoa văn
theo mẫu những con vật đem lại niềm vui và sung túc như long lân quy phụng, hay
cây cảnh đặc trưng bốn mùa như mai lan cúc trúc, hay những họa tiết khác nhau
theo thị hiếu người tiêu dùng của mọi tầng lớp trong xã hội. Đến phần can ốc
trên chóp nón đã làm sẵn rồi kết vào sườn. Khâu tiếp nữa là bủa lá theo hình rẽ
quạt cho khoảng cách bằng nhau khi chằm làm sao cho đường kim mũi chỉ thật đều
với những nét thanh nhã.


Hoàn tất các khâu làm nên sản phẩm đội trên
đầu theo một phương pháp dây chuyền chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ thận trọng từ đôi tay
nhuần nhuyễn truyền lại đã bao đời nay, việc chằm nón ngựa không cần phải đi
lại nên cũng rất phù hợp cho người khuyết tật đôi chân, để họ có công ăn việc
làm thường ngày ổn định. Cho dù chiếc nón ngựa rất kén khách bởi giá thành cao.
Mà đúng vậy. Cầm trên tay chiếc nón ngựa lại càng quý sản phẩm thủ công mĩ nghệ
bắt mắt này!
Nhưng bạn đừng vội đội ngay chiếc nón lên
đầu sẽ bị chòng chành như cách ví von rất thật, rất dễ thương “Chòng chành như nón không quai/ như thuyền
không lái như ai không chồng…”. Thế thì phải chọn quai thôi. Chọn quai nón
theo thị hiếu thẩm mĩ người đội nón. Chất liệu vải có thể là nhung, là gấm,… và
tùy lứa tuổi cũng như giới tính, người sử dụng tự chọn màu quai yêu thích. Như
vậy là nón có quai như thuyền có lái, như gái có chồng. Đến lúc này nón em làm
ra như gái có chồng rất yên tâm bởi nét duyên dáng riêng biệt người phụ nữ Việt
Nam, đó là giá trị văn hóa đời sống thường ngày.
Cũng như bao thương hiệu khác, sản phẩm
nón ngựa Phú Gia Cát Tường Phù Cát đã chiếm lĩnh thị trường hàng Việt Nam chất
lượng cao, nó đỏng đa đỏng đảnh hơn nhờ có chùm dây ngũ sắc lúc la lúc lắc trên
chóp nhọn kia tạo nên thị hiếu với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà cả
người nước ngoài ưa chuộng.
Và có ai biết nón ngựa Phú Gia được cải
tiến từ nón ngựa bịt khuôn bạc đúc sẵn có hoa văn trên chóp nón của người xưa
đầy vẻ kiêu hãnh về văn hóa trang sức, là nét đẹp riêng bên cạnh những chiếc
nón lá Gò Găng Nhơn Thành tảo tần hôm sớm của người Bình Định quê tôi hôm nay.
Và nhớ thuở nào chiếc nón lính thú thời phong kiến đầy ám ảnh: “Ngang lưng thì thắt đai vàng/ Đầu đội nón
dấu vai mang súng dài/ Một tay thì cắp hỏa mai/ Một tay cắp giáo quan sai xuống
thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như
mưa”(Ca dao).
25.6.2013/ Nguyễn Thị Phụng.