KÍNH GIÀ GIÀ ĐỂ
TUỔI CHO

Ảnh năm 2013
Ngày 01.10 Ngày Quốc
tế Người cao tuổi. Má tôi sinh năm
1913 nhưng trong chứng minh nhân dân không có ngày tháng sinh của bà, thế tôi
chọn hôm nay là sinh nhật má. Buổi sáng đọc vừa xong tạp chí Nhà văn số 9, tôi
dừng lại hơi lâu trong bài nghiên cứu của Chu Văn Sơn viết về Nguyễn Minh
Châu và thi pháp "gói rào" trong Chiếc thuyền ngoài xa… mà tôi
tâm đắc nhất là sự cảm nhận của người viết: Suốt đời ông
miệt mài noi theo các bậc thầy truyện ngắn để đạt tới cái độ sâu
"mỗi câu, mỗi chữ, mỗi tình ý đều thấm đượm chủ đề"... Đến
10 giờ lại còn đi dự tiệc cưới của thằng cháu trai, mãi vui thơm mỗi đứa một
cái mới sực nhớ chưa chúc mừng má.
Về đến nhà gần năm
giờ, hoa hồng tươi cũng không có, trời lại mưa. Tôi sang vườn nhà má, ngắt một
cành hoa Tử Kinh hồng còn gọi là Tường Vi, gõ cửa bước vào chúc mừng thọ má và
không quên tặng bà nụ hôn. Bà cười nói con Phụng thì lúc nào cũng sống như Tây,
tặng hoa tặng hôn. Nói thì nói như thế, nhưng má đưa tay cầm cành Tử Kinh ngắm
nghía bảo trời mưa sắc hoa vẫn đẹp, cánh không rụng, còn đọng những hạt nước
mưa lung linh thật đẹp! Tôi mừng lắm, vì qua lớp kính má còn nhìn rõ được những
cánh hoa li ti đẫm nước. Rồi má nói con
cắm cành hoa này vào lọ. Và cũng gần sẩm
tối, bảo tôi ở lại dùng cơm với má và chị. Chị tôi kể lúc trưa má dùng thịt bò
với bánh mì, nên giờ má chỉ cần thêm một con tôm bạc lớn này và nửa chén cơm là
đủ chất rồi. Nhưng khẩu phần ăn thường ngày luôn có chén canh, vừa và cơm vừa
húp canh má mới nuốt trôi được vào trong, nếu không là bị nghẹn ngay! Bởi đâu
còn cái răng nào, một đứa con mòn một răng xưa nay là vậy. Má lại sinh cứ cách
hai năm một đứa cho đến khi nào hết đẻ được con mới thôi.
Ảnh năm 2012
Nhớ hôm 23 tháng
chạp cúng ông Táo vừa rồi, chị tôi vẫn chiều theo ý của má, mua bột nếp, đường,
hạt mè, gừng về làm bánh in. Tôi sang nhà chà bột cho thật mịn đổ vào khuôn nén
chặt từng bánh, việc này má tôi khéo tay từ thời con gái, nên lúc nào cũng thèm
làm, tìm việc mà làm, không muốn rảnh tay. Bà nhìn sang mâm bánh rồi ngạc nhiên:
má mới dệnh (nén) được một bánh, còn con gấp chục lần rồi. Tôi mới hỏi má không
biết vì sao mình làm chậm à! Bà cười bảo đâu biết! Trời ơi! Má đã gần trăm tuổi,
còn con cũng đã hơn năm chục. Bà nói thì có sao đâu! Tôi giải thích tuổi cao
sức yếu lại, nên mọi công việc phải để cho con cháu làm, má đã làm suốt cả đời
rồi, giờ cố làm nữa thì con cháu rảnh tay rảnh chân lại càng lười ra, hư ra.
Nhìn tôi rồi cười nói: chuyện lặt vặt trong nhà cứ để má làm cho vui, chứ ngồi
không buồn lắm!
Má còn thích xem
phim truyện truyền hình, nghe hát tuồng và ngâm thơ trên sóng phát thanh. Nhưng
dạo này đã yếu, nên cũng ít tập trung. Má biết đánh bài tứ sắc, bài xẹp từ khi
về làm dâu nhà nội. Buổi trưa, cơm nước xong bà nội gọi má tôi là con năm (vì
cha tôi thứ năm), gọi thím tôi là con sáu (vì chú tôi thứ sáu), ngâm chén bát
đấy vào đánh bài chơi với má nè! Nghe kể lại thì tôi thích mẹ chồng ngày xưa
của má "sắc" con dâu quá chừng chừng!... Đánh bài vui chơi giải trí
thì cả nhà ai cũng biết, nhất là trong những ngày Tết con cháu về cúng ông,
thích được đánh bài với bà, có thua bà cho tiền để chơi tiếp. Má tôi còn nhắc
nhở “sa” vào đam mê cờ bạc suốt ngày đêm vẫn là thói xấu cần phải tránh xa.
Má tôi là thế đấy.
Người mẹ của năm trai, năm gái. Tôi là út gái trong nhà.
Má tôi là bà nội của
mười ba đứa cháu, trong đó đã có sáu thạc sĩ, hai cử nhân, còn lại là phổ
thông; Là bà ngoại của mười bảy cháu ngoại, kể cả ở nước ngoài, trong đó có hai
thạc sĩ, mười kĩ sư và cử nhân, còn lại là phổ thông. Là bà cố của năm mươi
ba đứa cháu, chỉ riêng năm nay có đến bảy cháu gọi cố nội và cố ngoại
vào lớp một ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Bảo Lộc, ở Buôn Mê Thuột và ở ngay quê
nhà, một cháu hôm hè về thăm bà cố để được du học nước ngoài theo suất học bổng
của Nhà nước.
Má tôi thường nói
bằng tục ngữ ca dao, nhưng cũng rất phong kiến khắt khe khi con cháu không làm
vừa lòng bà. Tôi yêu má lắm, một năm bà nhớ có bao nhiêu cái đám giỗ, nhớ chính
xác ngày tháng cúng. Nhang đèn hương khói hoa quả ông bà má nhắc lo chu đáo. Má
cùng cha vất vả tảo tần nuôi mười người con ăn học. Năm 1978, cha tôi lúc ấy 67
tuổi, bị bệnh dù ông là thầy thuốc Bắc, biết thuốc có thuốc nhưng không cứu
được, rồi ba người con trai cùng hai con gái của má bị bệnh, tai nạn, và trong
chiến tranh phải ra đi, má đau xót biết chừng nào! Tóc má bạc ngày càng bạc
thêm, nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, bệnh hen suyễn kéo dài má gầy đi thấy rõ.
Năm anh chị em chúng
tôi còn lại lo má lắm, riêng tôi lúc nào cũng tạo niềm vui cho má. Ngày tháng
qua nhanh, nước mắt má vơi dần, thấy má khỏe là chúng tôi hạnh phúc lắm. Người
ta thường nói ở tuổi 60 thì tính bằng năm, tuổi 70 tính bằng tháng, tuổi 80 lại
tính bằng ngày, còn má tôi ở tuổi ngoài 90 gần một trăm chúng tôi chỉ tính bằng
giờ! Nên lúc này chỉ có chị tôi là người trực tiếp chăm sóc má chu đáo nhất
nhà. Mà má tôi chỉ thích ở với chị tôi thôi!...
01.10.2010