MAI SAU
DÙ CÓ BAO GIỜ…
Với tựa đề Chạm miền tri âm (Tác phẩm và dư luận), tập sách thứ 16 của Nhà thơ Ngô Văn Cư, anh là hội viên Chi hội Văn học của Hội VHNT Bình Định, cho tôi nhớ đến hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt là hương ấy so tơ phím này”. Không là phép so sánh, nhưng với nguyên mẫu từ nhà giáo, sáng tác thơ, văn, viết cảm nhận- Ngô Văn Cư lại được bạn bè quý mến gọi nhà thơ, nhà văn,… nhưng trên hết với Ngô Văn Cư là cái tình với làng quê Thanh Lương Ân Tín Hoài Ân, với gia đình xóm làng, với bạn bè đồng nghiệp luôn được thể hiện trong tác phẩm của mình.
Ừ thôi, cách gọi tên nhà thơ, nhà văn cũng là để phân biệt thể loại đối với người cầm bút, nhưng tình anh đến với văn chương vốn có tự bao giờ. Nếu là tác phẩm sáng tác, Ngô Văn Cư đã có đến tám tập thơ, hai trường ca, ba tập truyện ngắn, hai tập tạp văn và tản văn. Trong đó đã đóng dấu ba tập vinh danh Giải thưởng Văn học Đào Tấn- Xuân Diệu. chưa kể tên những bài thơ đã đạt giải thưởng ở những cuộc thi thơ từ thơ Nguyên tiêu của Hội VHNT tỉnh, và những cuộc thi khác trong nước. Trong đó, những bài thơ Đường luật Việt Nam cũng đã khẳng định tinh thần yêu thơ bất kì thể loại nào, điều này rất là hiếm so với những người sáng tác thơ- đó là sức viết.
Sự tiếp nhận tác phẩm đâu dễ dàng. Và có thể tôi là độc giả sẻ chia cùng bạn đọc với ba tập thơ, một truyện ngắn và một trường ca của Ngô Văn Cư. Nếu như trường ca Chống dịch thời Covid quá dân dã phàm tục, châm biếm bao nhiêu, nhưng cũng là sự thật dự báo “chống dịch”- tệ nạn xã hội nhức nhói. Thì Trường ca Đi trên đường một chiều(NXB HNV.2022) cho tôi hiểu thêm ngoài sức viết của nhà thơ, là sự thẩm thấu văn chương, am hiểu đất quê mình. Niềm tự hào xen lẫn những nhớ thương và trân trọng con người quê anh, tự bao đời kiên cường khẳng khái, mà thiết tha mà nghĩa tình vốn từ tên gọi Hoài Ân.
Và chính từ sức viết, Ngô Văn Cư gom lại cái tình của mình với bạn bè, bạn bè với anh mà góp lại Chạm miền tri âm ra mắt cùng bạn đọc. Chọn gặp gỡ và giao lưu đúng vào chủ nhật, 21.04.2024- Ngày sách Việt Nam, trên quê hương Hoài Ân đầy ý nghĩa. Dẫu một ngày hun hút nắng gió hanh hao mà bên nhau trong ánh mắt thân thương và tiếng cười tươi trẻ. Những lẵng hoa thật sự quan tâm ở xứ Hoài tại Trung tâm Văn hóa huyện Hoài Ân bung cánh hòa cùng hương hoa từ bàn tay bè bạn gửi tặng. Hay chính là sự trân quý Nhà giáo Nhà thơ Ngô Văn Cư với trường ca Đi trên đường một chiều.
Nhưng đã là Đi trên đường một chiều thì không thể tùy tiện quay về cái mai một, đối với người cầm bút luôn tiến về phía trước là sự trải nghiệm dấn thân. Với Ngô Văn Cư đó chính là thực tiễn vốn sống để làm nên tác phẩm.
Trong trong cách tâm tình sẻ chia về một truyện ngắn mà hồ hởi báo tin “Nè, Phụng. Đêm hôm có nghe truyện tui trong chương trình đọc truyện tối chủ nhật của Đài truyền thanh Bình Định không. Ừ, có (Vì tui ngủ sớm, nếu trả lời không thì biết bạn mình hụt hẫng). Bên kia đầu sóng tiếp tục: Đoạn cuối Nhà văn Lê Hoài Lương dẫn lời bình mà cụ thuộc lòng: “Bởi thơ vốn có từ khi anh được sinh ra, được hít thở khí trời làng Thanh Lương, được uống nước dừa xanh Ân Tín, được đứng dưới bóng mát cả rừng dừa Hoài Ân Bình Định nghe tiếng quê hương bốn mùa gửi vào chiếc lá, và từ đó anh đã Soi mình vào dáng quê” mà Nguyễn Thị Phụng viết về tập thơ Soi mình vào dáng quê của Ngô Văn Cư đó. Tui như diều gặp gió, trợ sức thăng hoa cho thi sĩ chân chất: “Nè, ngoài đó có chỗ đất nào trống rộng kiếm mua dùm tui một lô. Ủa, chi zẫy… Thì cất nhà để ở, trồng dừa uống nước làm thơ…ớ cũng như cụ chứ.- Có, có. Để tui nhường lại phần đất gần mả ông quại tui đó…a. Và tui cũng không vừa. Nhớ giữ lời hứa nghen…
Rồi nhớ lần chuyến thực tế ở Trại giam Kim Sơn, sáng được mời ra căng-tin ăn bún. Ngô Văn Cư đến trước, ghé tai tui nói nhỏ: nè, có thằng phụ bếp hỏi kia phải cô Phụng không. Tui lại zựt mình, quản giáo cho biết em ấy vi phạm luật giao thông… Tui lại nhớ hôm bữa trưa ăn cơm bụi tại bến xe Đà Nẵng cùng Đặng Quốc Khánh, Ngô Văn Cư, còn lo chuyện đi lại sao cho tiện để sang mai đến Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh dự ra mắt Thơ Lục bát. Thì bất ngờ, nghe tiếng chào thầy Cư, đó là em học sinh cũ ở Hoài Ân đang là bộ đội, mời chúng tôi về nhà lo chỗ ăn ở chu đáo. Hay chuyến đi ra Văn miếu Quốc Tử giám của Hội thơ Đường Việt Nam, kỉ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội. sau lời phát biểu của Nhà thơ Bằng Việt, đến lượt Bình Định đọc thơ, Ngô Văn Cư cũng nhờ tui chụp tấm hình kỉ niệm… Đâu phải xong rồi về, tiếp tục thắng cảnh đất Bắc thu hút: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò…”(cadao) nào Bắc Giang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, dự tính cáp treo Bà Nà Đà Nẵng, nhưng cuộc gọi của Ban giám hiệu báo có thanh tra dự giờ đột xuất. Bởi không thể nhờ đồng nghiệp dạy thay!... Hay từ Hoài Ân, hơn trăm cây số vào Quy Nhơn cả buổi sáng dự kỉ niệm tưởng nhớ Nhà Nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn ra mắt tập sách Vũ Ngọc Liễn- Ngọn gió từ Vũng Nồm(NXB. HNV- 2016) của nhiều tác giả- Võ Ngọc Thọ tuyển chọn. Chiều tiếp tục vào Tuy Hòa dự ra tập thơ của nhà thơ Thu Hồng, đến mười giờ đêm thong dong chạy về Hoài Ân. Hoài Ân vẫn là sức hút điểm tựa diệu kì. Từ Hoài Ân tính đúng ngày 14 hàng tháng vào sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định… lần này ra dự Chạm miền tri âm của Ngô Văn Cư, mới hiểu thêm sức bền bĩ của thi sĩ “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” để nhủ lòng mình.
Chỉ là điểm qua hành trình không chùng bước của Nhà thơ Ngô Văn Cư, người Hoài Ân, ân nghĩa ân tình là thế. Song hành sức viết tui gọi đó là sức chơi của thi sĩ kế thừa Thế Lữ: “Ta là khách bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”./.
Phước Lộc, 07.05.2024 / Nguyễn Thị Phụng