GÓC NHÌN VỀ THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM
Tôi yêu lời ru của bà, của mẹ: “Con khôn cha mẹ nào răn / Ngẫm trông trái bưởi ai lăn nó tròn”. Lớn lên một chút, đến trường tôi thuộc những bài ca dao mà thầy cô giáo đã dạy. Tất cả với tôi đều gần gũi thân thương lắm. Bởi đó là văn chương bình dân. Văn chương bình dân là di sản quý cho ta gìn giữ và trân trọng, còn là cơ sở ban đầu khơi nguồn cảm hứng cho cá nhân bộc bạch những vui buồn trong cuộc sống của mình. Cách viết theo ca dao thường gọi là thể thơ lục bát truyền thống.
Trên đà phát triển của xã hội, thì văn học Việt Nam nói chung và thể thơ lục bát nói riêng vẫn giữ được hồn cốt của mình. Chính vì thế mà Hội thơ Lục bát Việt Nam đã tổ chức giới thiệu tác phẩm đầu tiên: Thơ Lục bát Việt Nam tập 1, của nhà xuất bản Văn học, quý IV- 2011 tại thành phố Đà Nẵng. Có lẽ đây là lần đầu tiên những người Bình Định chúng tôi náo nức có mặt tại địa điểm Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh 155 Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Trong bộ áo dài truyền thống, nhà thơ Lê Anh Dũng, MC chương trình bào chữa khi chiếc áo dài gấm vàng chưa được là phẳng phiu, anh giải thích với lí do “ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” ( Trịnh Công Sơn). Sách vừa in xong là khu vực miền Trung và Tây nguyên làm nhiệm vụ đầu tiên ra mắt bạn đọc. Điều đó cũng đúng thôi. Bởi dọc theo bờ biển Việt Nam, khu vực miền Trung là nơi nắng đổ mưa tuôn theo mùa, vị trí địa hình dốc hẹp, người dân quê tôi tháng năm cần mẫn chịu đựng gió sương, chân lấm tay bùn và từ trong lao động thơ ca cất lên không một lời than thở: “ Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Rồi niềm tự hào: “Ai về Bình Định mà nghe/ Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam ”. Đó là ca dao từ trong di sản, đến những câu ca dao truyền miệng rất mực hài hước mà người dẫn chương trình đã khắc sâu: “ Tiếng đồn ở đất Quảng Đà/ Mất mùa thuốc lá chết ba vạn người/ Quảng Ngãi nghe vậy mắc cười/ Trượt khói thuốc là chết mười Quảng Nam” Cách vận dụng thơ lục bát vào trong đời sống thường ngày cũng là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt giải trí thư giãn mua vui. Và theo trình tự thời gian ta có Truyện Kiều của Nguyễn Du, bậc thầy thơ lục bát Việt Nam . Tiếp nối thứ tự A, B, C,… là Nguyễn Bính, Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Tản Đà, Bích Khê, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Bàng Bá Lân, Tố Hữu, Nguyễn Thượng Hiền, Hằng Phương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Trãi, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương,… Đến lục bát trăm miền, rất nhiều có thể kể ở miền Bắc một Đồng Đức Bốn với tứ thơ ấn tượng:
“ Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày”
( Vào Chùa, tr.63)
Ở miền Nam, một Thu Nguyệt tự tình:
“ Em ngồi hóa đá thành thơ
Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu
Em ngồi hóa đá thành chiều
Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa
Em ngồi hóa đá thành mưa
Trả anh cái phút anh đưa qua cầu
Xa nào anh có hay đâu
Đá từ lúc ấy bắt đầu hóa em!”
(Gửi Anh, tr.103)
Ở miền Trung, một Trương Nam Hương đắm say:
“ Lên cầu Thê Húc đi em
Nhớ thăm thẳm nhớ một đêm gió lùa
Rễ si rét đến run mùa
Môi em đào nụ giao thừa- Mùa xuân
Đất trời đang phút trao thân
Đến như hoa cỏ cũng cần lứa đôi
Giữa muôn rúc rích tiếng chồi
Lặng em len dạ nói lời đắm say
Chung em chút rét đêm nay
Xin hôn dài rộng những ngày cách xa
Mau nào Thê Húc mình qua
Đêm nay có gốc si già chứng nhân!”
(Đêm Giao Thừa, tr.87)
Nhưng phải kể đến lục bát của Thanh Nguyên khi “ Lỗi hẹn cùng ca dao” cũng mai cũng đào mà tứ thơ nghẹn ngào se sắt: “ Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Đâu rồi môi hát vu vơ một mình/ Em ngồi giặt áo lặng thinh/ Vò cho sạch những vết tình còn vương/ Giũ cho vơi bớt giọt buồn/ Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời” Mà sao những trăn trở không vơi: “Em ngồi giặt áo giữa trưa/ Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng”( tr.101) Bởi “ Có một ngày như thế” chất chồng buốt giá đơn côi: “ Em qua gió tạt nguồn chiều/ Câu thơ trầy trật lời yêu chưa tròn/ Bóng thời gian điệu hư mòn/ Giấu trong lòng giấy lời son sắt này/ Nỗi niềm gỡ mãi trên tay…”(tr.221). Nhưng cái tình này muốn cùng sẻ chia món quà “ Tặng Thơ” (tr.215) của chị Vạn Lộc:
“ Bài thơ “ để tặng riêng em”
Mà sao anh lại tặng thêm một người
Bạn bè bữa ấy đông vui
Kháo nhau “mình cũng có người tặng thơ”
Chao ôi – em thật chẳng ngờ
“ Cũng tặng nhỏ bạn bài thơ tặng mình”
Tủi buồn em cứ lặng thinh
Rứa mà “để tặng riêng mình em thôi”
Thế mới biết trên mọi miền đất nước, các nhà thơ chúng ta luôn có những xúc cảm riêng tư nào ai giống ai. Họ mượn dòng thơ lục bát gởi gắm tâm sự nỗi niềm theo những mùa trăng tròn trăng khuyết. Theo những mùa nắng gió mưa chan. Còn tình làng nghĩa xóm ăm ắp: “ Chợ làng giòn rụm rau tươi/ Thừa câu nhân ngãi/ thiếu lời đẩy đưa” nên nhung nhớ nào vơi: “ Người đi từ buổi gió sương/ Hồn quê rười rượi nhớ thương chợ làng”(Chợ làng, Phan Thanh Minh, tr.227)…
Và còn rất nhiều tác giả thể hiện với những đề tài khác nhau đều mang tính nhân văn cao đẹp về tình yêu quê hương đất nước, tình người sâu nặng. Những niềm vui nỗi buồn luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường, những khía cạnh tâm lí hay trạng thái xúc cảm về không gian, thời gian khơi gợi tứ thơ bay bỗng trào dâng làm giàu trái tim nhân hậu của những tâm hồn nhạy cảm khát khao.
Bao nhiêu bài thơ Lục bát Việt Nam trong tập 1 là bấy nhiêu tình được chắc lọc từng câu chữ, sự liên kết vần nhuần nhuyễn chính là đặc trưng thể loại này. Còn thanh bằng cao (không dấu), thanh bằng thấp(dấu huyền) ở cuối mỗi câu lục, câu bát luôn nhịp nhàng cân xứng. Chẳng hạn:
Dù cho/ bãi mật/ phù sa (sa thuộc nhóm thanh cao không dấu)
Mà không/ bên lở/ chẳng là/ dòng sông (là thuộc nhóm thanh thấp dấu huyền)
( Nhà không có bố, của Nguyễn Thị Mai, tr.97).
Hay là cái tứ trong hai câu kết bài thơ “Tự Xông Đất” (tr. 104 của Lâm Huy Nhuận):
…Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình
Như vậy thanh bằng cao thấp luôn hiện diện trong câu bát, còn vần âu ở câu lục vần au câu bát như chùng xuống lắng đọng khép lại nỗi lòng cô độc giữa không gian vắng sẻ chỉ có ta và ta những xót xa vô tận đau đáu nỗi niềm của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Các cặp câu lục bát trên đâu chỉ là lời khẳng định cuộc sống mỗi người luôn có những hoàn cảnh riêng, mà còn là nỗi niềm tác giả muốn gởi gắm được cùng sẻ chia những mất mát đau thương là lẽ thường, hãy biết trân trọng hạnh phúc ta đang có, tự mình tìm nguồn vui giữa đời này.
Hồn cốt thơ lục bát truyền thống Việt Nam là cái không gian và thời gian nghệ thuật được chắc lọc đưa vào làm nền cho câu thơ bay bỗng mà ở ca dao chưa thể đạt đến.
Chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm thơ lục bát Việt Nam tập 1, có nhà thơ H. Man đọc phần cảm nhận “Cùng bạn đọc” về thể thơ lục bát, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên từ Hà Nội vào công bố Quyết định thành lập Hội thơ lục bát Việt Nam . Nhà thơ Lê Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thơ lục bát Việt, trưởng đại diện Thơ lục bát VN tại miền Trung-Tây Nguyên; nhà thơ Hman, trưởng đại diện NXB Văn Học tại Đà Nẵng, Miền Trung-Tây Nguyên, phó trưởng đại diện Thơ lục bát VN tại miền Trung Tây Nguyên. Ra mắt Ban chủ nhiệm Hội thơ lục bát tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng. Chủ nhiệm các tỉnh Bình Định: Lê Bá Duy; Lâm Đồng: Nguyễn Tấn On; Quảng Ngãi: Hồ Nghĩa Phương; Đà Nẵng: Mai Hữu Phước; Quảng Nam: Nguyễn Đức Dũng, …
Không khí diễn ra thật đầm ấm, không chỉ có đọc và ngâm thơ, còn có những bài thơ phổ nhạc được cất lên từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Chúng ta thật sự vui mừng khi Quốc thơ đang được duy trì và không ngừng phát triển làm giàu kho tàng văn học Việt Nam trong hôm nay và mai sau.
05.01.2012/ Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét