Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

DU DƯƠNG THƠ NHẠC ĐÊM HÈ


 DU DƯƠNG THƠ NHẠC ĐÊM HÈ
        Đầy kỉ niệm khi chợt nhớ lúc “chia tay trong đêm mùa hè gió nói gì với hàng me…” để rồi “ ba thu dọn lại một ngày dài ghê” nhưng nào được một ngày! Chỉ có một đêm, và thật chính xác chỉ khoảng năm tiếng đồng hồ mà thôi. Nhưng với tất cả sẽ chẳng bao giờ quên như lời giới thiệu của Bùi Chí Vinh viết phần đầu tập thơ “Dạo đàn bên sông”: “Trong vòng hai năm, anh chàng sinh năm 1956 tuổi con “khỉ khô” ấy đã tự biến mình từ một “cục đá” thành Tề Thiên Đại Thánh. Chớ gì nữa, trong vòng hai năm gã đã hùng hục viết “đầy khổ sở như xưa” nhưng cuối cùng cũng gom lại đủ một tập thơ nên hình nên dáng”. Còn tôi nhắc lại “gã đã hùng hục viết “đầy khổ sở như xưa” có nghĩa là anh làm thơ từ rất trẻ, trẻ lắm tuổi học trò hơn bốn mươi năm về trước, ngày ấy chép thơ bằng bút mực lá tre, theo như nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ xúc động sẻ chia đã nâng niu gìn giữ sản phẩm tâm hồn anh đến ngày nhạc sĩ Đỗ Ngọc Hoánh, chồng của chị ngồi miệt mài gõ lại bài thơ “ Đâu còn hình bóng tình nương” và phổ nhạc: “ Bỗng muốn về thiên cổ/ đi khắp cả núi rừng/ Đi tìm hình bóng cũ/ Hình bóng của tình nương/ Bỗng muốn là hạt bụi/ Bay phủ khắp đất trời/ Tìm em trong bão nổi/ Em đâu rồi em ơi!/ Giờ thôi không muốn nói/ Làm hạt bụi trong mưa/ Giờ thôi không muốn nói/ Quay về với nghìn xưa/ Bởi em vừa ghé mộng/ Tim tôi vừa đảo điên/ Em dang đôi tay rộng/ Lùa tôi chạy khắp miền/ Tình nương về đứng đó/ Vạt áo đẫm sương đêm/ Vai gầy trăng im ngủ/ Đôi mắt dại đê mê/ Tôi bước ra ngoài mộng/ Bốn bề lạnh mưa rơi/ Trời buồn cơn mưa động/ Tôi buồn như ma trơi”. Tác giả bài thơ ấy không ai xa lạ chính là anh Văn Công Mỹ vừa xuất bản tập thơ Dạo Đàn Bên Sông. Và cũng như những lần họp mặt khác, không khí cà phê Gia Nguyễn- Quy Nhơn là nơi gặp gỡ thân tình ấm áp cho anh Văn Công Mỹ gởi gắm bao điều muốn nói về THƠ của mình.
alt
Văn Công Mỹ tặng hoa cho Kim Chi

         Tôi vừa kịp chuyến xe buýt đến nơi sớm hơn mười lăm phút. Bên ngoài nơi đón tiếp đã đủ những gương mặt thân quen. Cây bút văn xuôi trẻ Trần Minh Nguyệt, “phóng viên” Trần Long Thạch cùng các nhà thơ đất An Nhơn như: Nguyễn Như Tuấn, Bùi Hoài Vân, Phạm Văn Phương,…Người thơ Văn Công Mỹ lại tiếp tục giới thiệu những người bạn của anh từ thời phổ thong vừa đến. Tôi kịp thời phả tay anh để không nhắc đến tên mình, nhưng tôi tinh nghịch hỏi ngược lại “ - Có nhớ em không nào! Em chưa cho bắt tay đâu!”. “ - Ô, em của Trướng chứ ai xa lạ!”. Thì ra, thầy hiệu trưởng năm xưa của trường cấp 1&2 Phước Hưng thuở nào, giờ là Phó chủ tịch UBND tỉnh, vẫn thân tình cốt cách của người dân Tuy Phước quê tôi. Các “phó nhòm” săn ảnh cho máy chớp sáng lia lịa trước mặt mọi người. Chúng tôi không thể ngắm thêm cây muồng vàng giữa lối đi vào vẫn trổ hoa khoe sắc, cây sa-ke lá xanh mãi theo tháng năm. Giờ khai mạc đã đến tất cả vào phòng chính cho buổi ra mắt tập thơ Dạo Đàn Bên Sông. Nhà thơ Trần Viết Dũng dẫn chương trình có phần hài hước đầy tự tin, bảo khi lời tôi không trôi chảy, suôn sẻ thì các bạn cứ la ó lên cho sinh động, hoặc phản đối bằng cách ném hoa hồng tới tấp vào, tôi xin chịu đựng. Haha. Ôi chao, MC nhà thơ đất võ khôn đáo để!...
       Mở đầu giới thiệu thơ Văn Công Mỹ với bốn câu trong bài tứ tuyệt Chào Buổi Sáng:
                       Sớm mai nổi hứng ra vườn
                       Đi cho hết cõi vô thường xem sao?

                       Đi từ bước một chiêm bao
                       Thêm hai, ba, bốn,…té vào trăm năm

        Giọng MC cũng là giọng đọc thơ diễn cảm, tiếp bài thứ bảy mươi hai:  
                       Cuối năm Đà Lạt
                       Anh hóa… lạc đà
                       Trên lưng, cái bướu
                       Chở đầy cỏ hoa / (Tháng chạp).
          Nhà văn Lê Hoài Lương không chỉ với bài cảm nhận sâu sắc về tập thơ Dạo Đàn Bên Sông, biết so dây dạo đàn cho người cho mình để khám phá những bước đi của mỗi người trên từng chặng đường ngập sắc hoa, nhưng phải vượt qua bao chông gai vất vả, những chiêm nghiệm về cuộc đời, tiếng hát của anh không chỉ gợi lại tình yêu trong bài hát “ Thuyền Và Biển”: Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào, chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu...”  Kí ức ùa về, chàng thi sĩ đa tình nhắc lại ý của Mỹ Nữ và Ngọc Hoánh bàn về chuyện kết hôn: Còn chần chờ gì nữa, chị Xuân Quỳnh đã nhắn gởi Văn Công Mỹ với người bạn gái Trần Thị Thanh hãy cưới đi là vừa! Còn tôi nào quên được bài thơ tứ tuyệt mà Lê Hoài Lương đã đọc:
                   Những người bạn gái ngày xưa
                   Khăn len, áo thắm khi chưa lấy chồng
                   Giờ son phấn nhớ má hồng
                   Giờ tôi già chát đèo bòng cố nhân
 / ( Những Người Bạn Gái)

         Với hai tiếng “cố nhân” trong Dạo đàn bên sông được Văn Công Mỹ trân trọng khi “em” chợt đến cho đất trời trổ hoa, cho tứ thơ anh bay bổng mà mình rất tâm đắc: Bỏ sau lưng già cỗi/ Vườn yêu lại nảy chồi  Trái tim anh biết đói/ Uống ái tình trên môi”/  (Tháng ba và Em). Những bài thơ viết về “cố nhân” cứ trào dâng trong cảm xúc người đọc. Anh nào làm thơ nịnh vợ, mà nghĩa vợ chồng trăm năm đã được gầy dựng từ tình yêu thuở nào khi anh cùng người bạn đời mình đứng bên cạnh chị Quốc Tuyên (Admin huongxua.org) muốn gặp gỡ và giao lưu. Cái điều ngược lại chị đàn anh hát cho âm hưởng bài ca là những nốt nhạc thanh trầm chắt chiu năm tháng thủ thỉ, vỗ về: Già cuộc phù sinh mộng tưởng/ Lòng sen đột ngột tinh khôi/ Cõi người mênh mang vô lượng/ “Hành phương Nam” vẫn đủ đôi! (Thơ Tặng Hiền Thê).
        Mặc dù đoạn đường hơn sáu trăm cây số từ Quy Nhơn- Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, ngỡ xa mà gần lắm. Văn Công Mỹ đứng giữa tình yêu thương của những người bạn cùng lớp, cùng quê, các anh chị em trong CLB Văn học Xuân Diệu, trong huongxua.org, trong cuongde.org và cả trong cuộc sống đời thường bằng lời tri ân chân tình sâu sắc. Nghe thơ, đọc thơ, ngâm thơ, đan xen những bài hát được phổ nhạc từ thơ anh, thơ Xuân Quỳnh, Vũ Hữu Định, Nguyên Sa, Ngô Đình Vận, Phan Huỳnh Điểu… của những ca sĩ không chuyên như Tâm, Bích Ái, Kim Chi, Cao Kỳ Nam, Diệp Thái Thôn, Thân Trọng Hoài, của MC Trần Viết Dũng, của Quang Khanh chủ nhiệm CLB Vh Xuân Diệu đứng đầu ê-kíp tổ chức chương trình cũng như khâu “hậu cần” của cô chủ cà phê gia Nguyễn cùng tất cả bạn bè chung tay với anh đã làm nên buổi họp mặt ra mắt tập thơ Dạo đàn bên sông của anh Văn Công Mỹ thành công tốt đẹp.
alt
Từ trái sang: Mỹ, Hoánh,...., Nam, Lương, Khanh và Dũng.
           Lúc này không còn phải dạo đàn bên sông nữa, mà tiếng đàn của Văn Công Mỹ lung linh trên sắc phượng hồng hai bên đường An Dương Vương cho tôi xao xuyến không nguôi trong tiếng hát của Trần Hà Nam trở về tuổi học trò ngà ngọc tiếc nuối: “Em chở mùa hè của tôi đi đâu”, nhưng không làm sao quên được bài cảm nhận của Trần Hà Nam với hai câu thơ trong bài Vết Cắn của Văn Công Mỹ: “ Yêu em cứ cắn vào môi/ Dẫu mai có chết đã đời dấu răng”. Rồi giọng ngâm của Thu Hà thánh thót ngân nga cứ đọng lại đâu đây trong bài Mưa Nơi Xứ Q. “… Giờ về Q. hứng mưa đêm/  Tự nhiên bỗng thấy mình thèm vu vơ/ Thèm mê em, thèm mê thơ/ Thèm dầm mưa đến dại khờ kiếp sau…” dịu êm trên từng chặng đường Xuân Diệu, ngoài xa kia là biển lặng lấp lánh vài ngọn đèn đêm hè, đủ làm tôi giật mình khi anh bạn cầm tay lái quay lại nói: Giờ này mình ra cầu Thị Nại chơi nghen! Hay biết cái tính ham vui, thích ngắm cảnh của tôi mà anh rủ rê, sớm tranh thủ trên đoạn đường dài chuyện trò thêm cho đỡ buồn. Nhưng không thể nào lãng đãng với anh được, nên kèm theo sau tiếng dạ cùng thông tin tế nhị: Tính em thích khoe, anh chở em ra cầu Thị Nại lúc này thì thế nào ngày mai ai cũng biết!... Anh lặng im cho xe rẽ sang Nhà Thờ Lớn, rồi chuyển đề tài, theo Phụng thế nào là hạnh phúc? Ô, hạnh phúc là những gì đơn giản nhất như anh chở em đến nhà Nguyễn Thị Tiết đúng giờ!...
                                                     20.6.2012. Nguyễn Thị Phụng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét