Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

SÓNG BẠC ĐẦU VÀ BIỂN BAO LA

               SÓNG BẠC ĐẦU VÀ BIỂN BAO LA
         (Đọc tập thơ “Lãng Đãng Giữa Đời” của Trần Viết Dũng, NXB Trẻ, 1993)

alt
         Tôi biết Trần Viết Dũng qua bài thơ “ Vua và Em” và lần đầu tiên nghe anh đọc bài “ Gái Bình Định: “Mới nghe đã hoảng hồn tôi/ “Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền/ Sao em đi đứng ngoan hiền/ Sao em má lúm đồng tiền duyên ghê ! Nói một cách nôm na là anh tán gái thật khôn khéo lại tự nhiên thấy vui vui và hay hay. Chàng thi sĩ hiền hiền trong giọng nói, trong mỗi tứ thơ. Để rồi tôi lần dò tìm đọc cả tập “Lãng Đãng Giữa Đời” (NXB Trẻ, 1993) của anh, nhà thơ đất võ làm thơ tình bén hơn cả đường gươm, cứ lâng lâng ngỡ đang ngụm chút rượu Bàu Đá quê mình mới lạ chứ.
          Thường qua mỗi tác phẩm thể hiện phong cách người sáng tác.“Lãng Đãng Giữa Đời” chỉ ba mươi mấy bài đều mang đậm chất trữ tình đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn và yêu cho hết mình mới thôi. Nếu “Lãng Đãng Giữa Đời” như vị ngọt của tình yêu đôi lứa, những trăn trở thường ngày là đề tài hấp dẫn nhà thơ, ta đọc hết ở thi sĩ sự chờ mong mòn mỏi:
                  “Người ơi, người nếu có về
                  Chớ cay đắng bạn, chớ thờ ơ tôi
                  Nụ tầm xuân nở biếc rồi
                  Hình như có bước xa xôi trở về
”/ (Ca dao)



          Khi vận dụng những cụm từ “người ơi” “nụ tầm xuân” trong ca dao xưa để nói đến cách cảm mới ca dao hôm nay, muốn nhắn gởi còn e dè kín đáo của chàng trai mới lớn đang khát khao yêu. Thi sĩ chợt nhận ra: “ Bắt đầu bàn tay nâng trái cấm/ Loài người từ đó biết khổ đau” để rồi: “Ngõ hạnh tôi, em bắt đầu bước lại/ Cây đau thương cũng từ đó bắt đầu” ( Bắt đầu). Cái quả ngọt tình yêu đã nẩy mầm được trân trọng nâng lên, khi nó không còn là bản năng sinh tồn của loài người, nên trong dòng chảy cảm xúc luôn được thăng hoa mà đầy trắc trở: “Mùa thu, mang tim em sai nhịp/ Như lần đầu người nói dễ thương/ Giọt máu chung tình phong kín lại/ Chiếu chăn nhàu dỗ giấc triều sương”( Đi giữa mùa thu). Phải chăng đó là sự trái ngược trong lập luận của anh: “ Như hơi chỉ bốc lên trời/ Như nước chỉ rớt xuống đời vu vơ”( Đối khúc) theo quy luật tự nhiên. Còn với tình yêu là khái niệm trừu tượng nhưng dễ dàng nhìn thấy qua ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói,…là bến đợi mở lòng sẻ chia:
                   “Lênh đênh con sóng thời gian vỗ
                     Sóng bạc đầu và biển bao la
                     Nửa đời, người chẳng nơi cư cố
                     Thôi, ta xin làm một quê nhà
”/ (Thuở xa người)

             Hình ảnh “một quê nhà” trong câu thơ anh vừa ấm áp chân tình, vừa gần gũi bao dung của bến đợi như dang rộng vòng tay đón chờ. Bởi tiếng lòng anh tha thiết nhận ra: “ Chúng ta lớn lên bên nhánh sông hiền / Xanh và đen như mắt người thiếu nữ / Cái nhìn khiến mềm lòng tên lãng tử/ Lúc quay về có bóng nhỏ đứng trông” rồi nỗi lòng khao khát: “ Đã khuya rồi trăng đòi ngủ sau mây/ Ta đưa nhau về lòng nhớ nhung quá đỗi / Nếu vắng bé làm sao anh sống nổi / Dưới trần gian vốn đã chẳng vui này” (Về lại vùng tuổi nhỏ). Anh khẩn cầu không hoài công uổng phí những khao khát ấp iu cho môi thơm ngọt ngào vụng về cháy bỏng:
                          Cho anh một nụ lôi thôi
                          Lần đầu run, lệch tâm môi đôi miền
                          Cho anh một nụ ngoan hiền
                          Rơi trong giấc ngủ hồn nhiên trăng tà
/ (Những nụ hôn).

          Theo Trần Viết Dũng, tình yêu ai nói bằng lời, ngoài nắm tay, “nụ hôn” mới chỉ là bước tiếp theo để biểu hiện cảm xúc nhẹ nhàng sao vụng về đến thế! Tiếng nói trái tim thật dịu kì mạnh mẽ, trái tim nhạy cảm đa mang nâng hương hoa tinh khiết làm cội nguồn chắp cánh hồn thơ anh bay bổng: “ Em áo trắng xưa kia hoa khôi lớp/ Ta học trò bỗng chốc hóa nhà thơ/ Bài thơ đầu em mang đi đâu mất/ Lỡ vần tôi từ dạo ấy đến giờ…/ Lỡ vần tôi thân thế chẳng ra gì” (Hoài niệm hoa). Phải chăng đó là lòng biết ơn, có tà áo trắng bay bay trong nắng vàng với dáng “Kiều” em mới cho anh làm thi sĩ. Phải chăng đó là sự nuối tiếc và phải chăng tự trách mình là người đến sau! Hay là sự mặc cảm thân phận trong cách sĩ diện thân thế chẳng ra gì, hay tính ích kỉ còn tồn tại ở một số “bậc mày râu” !
          Đến “Lãng Đãng Giữa Đời” là đến chàng trai Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng văn hay võ giỏi. Và cái tiếng võ giỏi có sức lan tỏa mạnh, biết rằng thi sĩ người Bình Định nhưng thật khéo léo trong cách kể chuyện “Vua và em”. Đó là tình yêu của chàng trai Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân thuở nào. Có lẽ, trai Bình Định đến con gái Thăng Long, xứ sở của vương triều, lúc này thi sĩ rất tự hào: “Ta- trai Bình Định hơi khô cứng / Rất thật tình riêng phong cách miền Trung / Ô hay! Sông núi sinh người vậy / Mà lúc nào cũng độ lượng bao dung” (Vua và em). Vừa khẳng khái vừa độ lượng nhân từ, chỉ bao nhiêu đó đủ vốn để có thể chinh phục hàng vạn trái tim con người, đâu riêng gì một mình“Em” ?!...  Điều gì đã không cho phép anh, nên “con gái Thăng Long” ấy dù “ ốm o mình hạc” thông cảm và hiểu anh hơn. Dù cho xã hội phong kiến bấy giờ ưu ái phái nam có quyền đa thê mà hạnh phúc lứa đôi không thể có sự chắp nối. Đó phải chăng là giới hạn của tự nhiên, của hoàn cảnh gia đình, của xã hội quy định. Và dù có tham lam đến mấy thì anh phải có sự lựa chọn, cái tâm cái đức của bậc trượng phu nào cho phép anh làm ngơ trước lá ngọc cành vàng kia. Anh thắt lòng: “Và có lẽ, mai chia tay buồn lắm / Em ốm o mình hạc Thăng Long / Thương áo trắng đi giữa trời sương khói/ Ta đã yêu, thôi em cứ an lòng”. Vâng, “Ta đã yêu, thôi em cứ an lòng”. Không anh và em, mà ta và em. Cách lựa chọn vai vế trong xưng hô phù hợp với thời đại cũng mang tính cả quyết, đầy quyền uy, nhưng không thể bảo bọc sẻ chia cho riêng em được. Dù trong hoàn cảnh nào khi ta đã yêu thì không ai có quyền cản trở, em cứ yên lòng với tình yêu ta dành cho em trọn vẹn cũng như bao người con gái khác vậy. Ta yêu em chính là yêu cái đẹp. Đã là người không ai không yêu cái đẹp. Thưởng thức và trân trọng cái đẹp là thưởng thức cái chân thiện mĩ. Thi sĩ ngộ ra trong một tứ thơ ba câu rất mới giữa đời thực và mộng:
                     “ Nhiều khi thơ là phiến phù vân
                        Lững lờ trôi giữa chiều hoa định mệnh
                        Trong vô thường lặng lẽ bay đi

             Và sự lặp lại:
                        “ Nhiều khi trời bong bóng vỡ, nhiều khi…
                          Em phù phép kéo ta về đời thực
                          Rồi tan theo bụi ô nhiễm nơi này
”/ (Tùy bút thơ)

            Cách lí giải chưa đủ sức thuyết phục, độ tin cậy chưa cao, bởi đời thực tuy khó khăn thiếu thốn, ta vẫn biết chắc chiu gìn giữ lấy lề dù áo mặc rách bươm. Mọi chông gai chỉ là bước đầu: “ Sau mỗi chuyến làm ăn thất bại / Tôi với đời cay cú chuyện áo cơm / Thơ bỗng về hòa giải- thiệt, hơn / Và vỗ về, tôi cảm ơn biết mấy” (Gạch nối thơ) Cái gạch nối thơ và đời là hai mặt đối lập bổ sung. Nếu thơ là suối mát giữa trưa hè gay gắt thì đời chính là ngọn lửa giữa đêm đông. Nên đời yêu thơ bao nhiêu thì thơ yêu đời bấy nhiêu. Có thế thơ mới giải tỏa sầu bi bế tắt khốn cùng những lúc phải ngụp lặn giữa bể dâu ngỡ không còn lối thoát, thơ là khúc ca nâng cánh cho ta vẫy vùng giữa xanh thẳm trời xanh.
          Đọc “Lãng Đãng Giữa Đời”, ta luôn bắt gặp những tứ thơ mang đầy tâm trạng, nỗi niềm của một tâm hồn đa cảm, đa đoan. Trần Viết Dũng đâu chỉ dừng lại những khung cảnh tuổi học trò hào hứng nơi bước chân đi qua ắp đầy kỉ niệm khi “Đêm trở lại Quy Nhơn”* từ ngã tư, ghế đá, góc quán, Cầu Đôi,…thuở nào cho thi sĩ nuối tiếc: “Đâu còn thuở mười lăm mười bảy / Ngược vòng xe liều lĩnh đi tìm” nữa. Giờ với anh “Trắng”* tất cả trong một bài thơ tám câu với tám từ “trắng” thật chạnh lòng: “…Ngược xuôi rồi cũng trắng tay/ Trở về sương gió trắng vai áo mình…” Và nếu thế thì… “ốm o mình hạc” không còn là của con gái Thăng Long kia nữa, mà chính là anh. Cái điệp khúc ngỡ yêu chưa đủ dày vò mãi cuộc đời đến lúc nào đó phải chết mòn trái tim thi sĩ. Hầu như anh cứ lận đận nhọc nhằn tình yêu đôi lứa, ức chế quẩn quanh: “ Để đêm đêm riêng dưới mái hiên nhà / Em lặng rót trái tim làm hai nửa / Anh lặng xót mắt môi mình không nỡ / Thà như sương cứ lãng đãng giữa đời” (Lãng đãng giữa đời).
          Với mười hai khổ thơ, mỗi khổ bốn câu trong “ Trường sơn khúc”* Trần Viết Dũng viết cho bạn bè bị động viên năm 1972, ở miền Nam không thoát ra được nỗi cô quạnh, mặc dù: “ Đứng thẳng vói tay cao hơn núi/ Mới hay trời quá đổi cao xa/ Hỏi rừng, nay đã bao nhiêu tuổi/ Trải mấy thu đông rừng sẽ già”, nhoi nhói quặn đau: “Trường Sơn, Trường Sơn sâu gió hú/ Thú rừng gầm giọng động một phương/ Nghe thú: lạc đàn buồn bã lắm/ Nghe ta: mù mịt một quê hương”.
           Dẫu biết rằng thơ với anh như dưỡng khí thường ngày để hít vào thở ra, môi trường trong lành là đồng lúa uốn câu nặng hạt reo vui rộn ràng mùa gặt, là mặt biển xanh dập dờn con sóng,…là cơ hội cho tâm hồn thi sĩ thăng hoa. Cũng như theo quan niệm của Viteslav Nezval: “ Với tư cách nhà thơ, chúng ta không cần hạ thấp yêu cầu của chúng ta với thơ. Thơ cần là chính nó ngay khi chúng ta đặt ra cho nó những nhiệm vụ mới. Ngược lại nữa – chính do có những nhiệm vụ mới, thơ lại càng là chính nó ở mức cao hơn”. Cái cốt ở thơ không là loại thể, vần điệu, cái cốt ở thơ là chính nó gắn liền với cuộc sống của con người với đất nước và dân tộc. Chúng ta tìm được ở Trần Viết Dũng “ Khuyên mình”* với bốn câu kết: “ Dù đời sống hành thơ kiệt sức / Cũng nhoài người ôm giữ trái tim / Còn nhịp đập lẽ nào bất lực / còn yêu thương thì phải cố công tìm”. Nào đâu là lời tuyên ngôn vẫn chắc như đinh đóng cột vậy. Chúng ta sẽ đón chờ ý tưởng cố công tìm của anh trong những tập thơ tiếp theo.
                                           29.8. 2012 / Nguyễn Thị Phụng.
____________
*Tên những bài thơ trong tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét