Đừng gọi em nhà thơ/ sao bằng anh XuânDiệu/ Trái tim muôn nhịp điệu/ Em chỉ biết mộng mơ.../ Đừng gọi em nhà thơ/ sao bằng anh Tiến Duật/ Đêm Trường Sơn đỏ rực/ Xe không kính đường dài/ Đừng gọi em nhà thơ/ Chị Thanh Nhàn hương bưởi/ Khúc khích cười em tủi/ khung cửa sổ gió lùa/ Đừng gọi em nhà thơ/ Em chỉ biết mộng mơ/ Khoảng trời cao xanh thẳm/ Cứ ngẩn ngơ ngẩn ngơ.../ Nguyễn Thị Phụng
Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013
CHÚT TÌNH ẤM VỚI NGƯỜI XƯA
CHÚT TÌNH ẤM VỚI NGƯỜI XƯA
(Đọc “Sáu mươi mùa xuân gởi lại”-trường ca của Lê Bá Duy, NXB Hội Nhà văn- 2012)
Để vinh danh một người thời quá khứ phải dựa vào những yếu tố của xã hội và môi trường tự nhiên làm cơ sở. Đó là trách nhiệm của hậu bối đối với tiền nhân, việc làm này không chỉ kế thừa những chứng cứ có sẵn trong lịch sử dân tộc, trong gia phả dòng họ, mà sự ngưỡng mộ ấy đã được nhà thơ Lê Bá Duy viết nên bản trường ca Sáu mươi mùa xuân gởi lại (NXB Hội Nhà văn- 2012) thể hiện cảm xúc chân tình trân trọng đối với “Lê Công Miễn là người học rộng, trung nghĩa, làm quân sư, thầy dạy học cho hai hoàng đế Thái Đức và Cảnh Thịnh, Thượng Thư bộ hình thời Tây Sơn, là đại văn thần dưới triều đại Tây Sơn, là danh nhân lịch sử. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đáng để người đời tôn vinh”/
(Tóm tắt tiểu sử Lê Công Miễn)
Với Sáu mươi mùa xuân gởi lại đâu phải tác giả “cũng liều nhắm mắt đưa chân” mà tinh thần thai nghén là cả một quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết với thủy tổ họ Lê theo trình tự lo-gic của một đời công thần dù bấy giờ đang sống trong thời phong kiến, nhưng tâm đức sáng ngời của bậc hiền nhân đức độ: “Sức học và văn chương khó người địch nổi, kinh điển lại càng uyên bác” (Tóm tắt tiểu sử Lê Công Miễn):
“ Có một dòng dõi Lê gia
Thủy tổ Lê Công Triều gốc Nghệ An
Sinh năm 1630
Đỗ tiến sĩ năm Kỉ Hợi(1659)
Quan thời Lê, dòng dõi Nho giáo
Nhân Chúa Nguyễn vào Thanh Hóa khai cơ
Đem gia quyến vào Quảng Nam lập nghiệp
Tạo dựng cơ đồ…
Hậu thế Lê Công…
Lê Công Ái hữu duyên tìm về Tuy Viễn…
(Chương I, Nguồn Cội)
Chính nhờ “hữu duyên” làm nên câu chuyện tình yêu thương chân chất của bao đời con cháu tiếp nối: “Mười mấy đời mấy trăm năm có lẻ/ Dòng dõi Lê gia danh tiếng một thời/ Hòa trong triệu người con đất Việt/ Dòng họ Lê đóng góp cho đời”/ (Chương I, Nguồn Cội).
Trường ca Sáu mươi mùa xuân gởi lại mang tính chất sử thi nguồn cội nên không thể không có những dữ kiện mang sức thuyết phục người đọc thông qua cuộc đời Lê Công Miễn: “Là con trai út Lê Duy An/ Với mẹ Đỗ Thị Chi”. Cần và đủ để xác định lí lịch ông được sinh ra và “lớn lên ở miền quê thuần nông/ Cùng người dân / Ngụp lặn dưới dòng Côn tươi mát/ Tắm không khí trong lành say cảnh sắc quê hương/ Nô đùa cùng lũ trẻ chăn trâu những ngày hè nắng gắt/…/Và những cánh đồng bát ngát phù sa/ Bám rễ vào hồn những con người chất phác…” /(Tuổi thơ) mà bao đời nay người dân quê mình cần mẫn lao động bám đất bám làng để làm nên cuộc sống yên bình, những khát khao vươn lên nâng tầm nhìn xa rộng đâu đến được với ông khi đã “Khăn gói lên đường đến kinh kì/ những ngày tháng ôn thi” nhưng đến “Ba lần đều không kết quả” Nhưng cứ âm ỉ cháy trong ông về chí làm trai những tấm gương bậc trung thần khẳng khái như “… Nguyễn Trãi đã từng giúp Lê Lợi mười năm khởi nghĩa chống quân Minh viết Bình Ngô đại cáo lưu mãi ngàn sau…” thôi thúc con đường thăng tiến mà dễ gì đến được với ông khi đất nước đang trong thời kì “Trịnh- Nguyễn phân tranh/ Trịnh chiếm đánh Phú Xuân chúa Định Vương tháo chạy”. Giữa thời buổi loạn lạc, ông “Lánh về quê dạy học qua ngày/… / Chắp cánh ước mơ cho lớp trẻ sau này…” Từ chối cộng tác với Trịnh Sâm, vị chúa có tầm nhìn hạn hẹp, “ông lẩn tránh vào Nam ẩn tích mai danh, vui thú điền viên/ Tháng ngày khát khao gặp minh quân giúp sức…”/ (Sự nghiệp) Rồi đến lúc được “ Vua Thái Đức phong Hàn lâm Thị độc/…/Ngày ngày vào cung/ Cùng thầy Hiến dạy vua học đạo/ Và được vua tôn làm sư phó”, cơ hội “cờ vào tay” không phải là cơ hội để ông tận hưởng vinh hoa, nịnh trên nạt dưới như những kẻ tham quyền bấy giờ, mà ông hết lòng phò tá triều Tây Sơn và tự hào “Nguyễn Huệ tài ba mưu lược/ Ông tin vào sự nghiệp đang theo” nên đêm ngày miệt mài nghiên cứu tham khảo những bộ luật kỉ cương phép nước sao cho hợp lòng dân, ấy phải chăng là lẽ đạo đời của một người tâm đức ngời sáng… Có được đường thăng tiến chính nhờ sự tận tụy hết lòng trung quân ái quốc, dù xa quê nhưng cũng là dịp làm người thầy dạy chữ cho vua đầy vinh dự, ông thể hiện tài năng và đức độ của mình, không phụ công lao to lớn nên “Được vua tin yêu thượng thư Lê Công Miễn/ Tận tụy công việc vua giao” và là người “chấp bút hoàn thành Bộ luật triều Tây Sơn” đầy tự hào của một thời quân chủ!
Giữa sự sống và cái chết của một đời người phải đâu là sự trăn trở, sự nghiệp công danh cũng như chính nghĩa nhân quyền rất minh bạch, lẽ nào thắng là ta thua là giặc, cứ nhan nhản cái thời cho lòng lang dạ sói gian tà ác quỷ rình rập khi mà: “Hai năm sau triều Tây Sơn sụp đổ/ Gia Long lên ngôi đàn áp kẻ thù/ Ai liên quan Tây Sơn không khỏi liên lụy…” đến như cuộc đời Lê Công Miễn cũng đâu thể nào nằm yên dưới mộ cho Mẹ Đất chở che, ông may mắn khi được người “cháu ruột là thượng thư hình bộ Lê Đại Cang tổng đốc đương thời/ Đã thiên táng mộ ông về Phước Hiệp”. Ngẫm:
“Mười lăm năm theo chốn quan trường
Như bóng câu vút qua lịch sử
Như ánh sáng lóe lên bừng chói
Tựa ngôi sao giữa vũ trụ vĩnh hằng…”(Sự nghiệp)
Sáu mươi mùa xuân gởi lại khi đã “Mười lăm năm chốn quan trường/ Giờ rêu xanh mộ vô thường thế gian/ Hai đời hoàng đế gian nan/ Một lòng giữ vẹn Thanh- Cần- Ái- Khiêm…/ Ba gian nhà trống thanh liêm/ Một trời công đức dày thêm sử nhà…”(Sự nghiệp) để không hổ thẹn với họ hàng làng quê đất nước. “Hai trăm năm qua/ Người về quê an nghỉ…/ Mảnh đất quê hương…/ Tạc tên người vào lịch sử/ Thiên thu…/ (Tôn vinh). Để người luôn được sống mãi tuổi tên trên những con đường, trường học, tiếp nối đầy tự hào cho con cháu noi theo: “Cuộc đời Người bản trường ca bất diệt”.
Nhà thơ Lê Bá Duy chọn đề tài viết về một vị Đại Văn thần thời Tây Sơn dưới dạng trường ca đầu tay gần nửa ngàn câu là sự thử thách lớn sức lực ngòi bút của mình. Có lẽ thi sĩ không ngần ngại, đây là việc phải làm bởi anh chính là là lớp người sau, là hậu duệ của Lê Công Miễn, không thể không tri ân, tự hào, tôn vinh trung thực về cuộc đời của vị quan thanh liêm có công lớn để lại hai tác phẩm: “Bộ luật hình thư và Tập quần thư mục. Bản thảo hai tập này trải qua nhiều năm bị mất/ (Tóm tắt tiểu sử Lê Công Miễn). Trường ca Sáu mươi mùa xuân gởi lại góp vào kho tàng thơ văn ca ngợi con người lịch sử quê hương Bình Định của thời đại Tây Sơn, nếu như đọc kĩ qua mỗi chương nhất là Tuổi thơ, Sự nghiệp, Tôn vinh ta lại càng yêu thương trân trọng hơn cuộc đời Lê Công Miễn phấn đấu lấy công việc làm nguồn vui, lẽ sống đâu chỉ cho riêng mình./.
06.01.2013/ Nguyễn Thị Phụng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét