Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

PHÉP MẦU QUẦNG SÁNG LUNG LINH (Dự ra mắt thơ Võ Ngọc Thọ)

                          PHÉP MẦU QUẦNG SÁNG LUNG LINH



             Nói tới phép mầu là người ta nghĩ ngay đến một khả năng huyền bí nào đó tạo nên những điều kì lạ, không thể hiểu được bằng lẽ thường, khoa học khó chứng minh. Ấy vậy, thực tế ngay buổi ra mắt tập thơ Những quầng sáng chân trời của Võ Ngọc Thọ tại Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu (Clb Vh XD) thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định lại có sức cuốn hút những người bạn yêu thơ ngồi trong thính phòng thật sự xúc động khi thấy tác giả đâu dấu được bàn tay đưa lên quẹt mấy giọt nước mắt ứa vỡ lăn trên má không thể nén được: “Những lần xuân trước sao háo hức/ Tuổi ngoài năm mươi chửa thấy già/ Lần này xuân đến nghe nằng nặng/ Gió nhẹ… cũng làm đau mẹ ta”(Lá rơi từng chiếc lạnh bến sông) qua giọng ngâm của Thanh Thúy sao mà ray rức tự đáy lòng anh khi “Những lần xuân trước…” cứ háo hức vô tư hồn nhiên còn “Lần này xuân đến nghe nằng nặng…” người con nhận ra thời gian vô tình mãi trôi, cho đến tuổi càng cao mới hiểu được mẹ già yếu lắm, ngày xa mẹ lại gần kề thôi, dù chút “Gió nhẹ… cũng làm đau mẹ ta”! Chỉ một tứ thơ bốn câu mà lời ngắn tình dài như mạch nguồn vô tận. Cái mạch nguồn ấy đã ba mươi năm gắn bó, thi sĩ gọi là “nàng thơ” mới biết sẻ chia cùng anh. Cái mạch nguồn ấy bắt đầu từ Góc vườn của mẹ*, nhân xem bức ảnh “Góc vườn của mẹ” của Lê Văn Cảnh cho anh thêm nhiều chủ đề Kết nối “Những quầng sáng chân trời” là đứa con thứ tư sau Sợi tóc và vầng trăng(2002), Ươm mầm trên sóng(2005), Hạt bụi và hoa quỳnh(2010).
            Có thể khẳng định chừng mực một người ở độ tuổi ngoài sáu mươi như nhà thơ Võ Ngọc Thọ, tập “Những quầng sáng chân trời”, đã xuất bản hơn cả nửa năm nay, nhưng lại chỉ sau ba ngày anh quyết định ra mắt tập thơ vì trước đây chưa có điều kiện. Giờ lúc này mới quý làm sao cái tình người yêu thơ cứ xúm xít bên anh từ MC Trần Hà Nam, Phó Chủ nhiệm Clb Vh XD ghi nhận: “Hành trình thơ của Võ Ngọc Thọ… luôn tìm về những góc khuất để chiêm nghiệm lẽ đời bằng thái độ điềm tĩnh của người từng trải bao thăng trầm buồn vui cuộc sống. Thơ đến với anh một cách tự nhiên…”.
            Không tự nhiên sao được, bởi thơ là hơi thở thường ngày của tâm hồn thi sĩ bất chợt ùa về để Thức cùng những vì sao* mà bạn Hà Thị Mỹ Anh bức xúc nỗi niềm đoạn kết: “Nền trời khuya tĩnh lặng/ Bàng bạc những vì sao/ Bàng bạc những số phận/ Chẳng biết về phương nào?” Lại thắc mắc cho sự hụt hẫng của mình sao anh Võ Ngọc Thọ không dùng từ “nao” trong câu cuối là: “Chẳng biết về phương nao?” có nhẹ hơn không!... Thì nao cũng như nào đều là thanh bằng chỉ khác nhau có thanh huyền và không dấu. Có lẽ “nao” mơ hồ hơn, nên dùng từ “nào” nhấn mạnh ý cầu khiến khẳng định.
             Còn hơn cả sự đồng cảm về những mất mát đau buồn khi những vần thơ đã được nằm lòng trong giọng ngâm của anh Năm Chiến đứng trên bục đã khiến những người làm cha làm mẹ sao tránh khỏi bùi ngùi: “Tháng bảy rằm Vu Lan/ Mùa người con báo hiếu/ Con mất nhằm mùa này/ Ba thắp hương viếng mộ/… Mất đi là trở về/ Nhưng về đâu hỡi con/ Thân con giờ cát bụi/ Hồn con là hoa thơm!...”(Vu Lan viếng mộ con gái).
              Để rồi khoảng bình yên là sự mặc định không thể không sẻ chia với bè bạn những lúc tìm thấy chính mình, dễ gì có được sự nhàn tản giữa bộn bề sau năm tháng từng là thầy giáo dạy học cho đến bán buôn,… tất tần tật mọi nghề, chỉ riêng cái nghiệp thơ đong đầy chứa chan cảm xúc: “Ta về với những bình yên/ Sáng li trà đậm/ chiều thiền tĩnh tâm/… Ta về tâm niệm chân tu/ Thấy triệu kiếp trước/ Đời u u… buồn” điều gì đã khiến nhà thơ mất đi sự thăng bằng trong cuộc sống. Thì ra sự tuần hoàn của trời đất là tất yếu, con người không thể thoát khỏi cái quy luật tự nhiên đành chấp nhận, nên khi: “Lặng ngồi bên đóa vô thường*/ Vàng trăng rơi lạnh nẻo đường nhân gian”, thể như tâm hồn cô đơn lại bị một tấm chăn nào đó phủ kín lại. Phải đâu giữa bóng tối và ánh trăng hiện hữu ấy cũng chỉ là một. Ta thử nghe anh lập luận về Sợi tóc và vầng trăng*: “Có những sợi tóc cứng như thép/ dựng đứng/ mọc lên từ màn đêm u tối./ Có những sợi tóc trắng như cước/ dựng đứng/ mọc lên từ màn đêm u tối./ Vầng trăng lấp ló/ đằng sau những sợi tóc ấy/ mách tôi mùa xuân đang về./ Mùa xuân làm huyền ảo vầng trăng/ mọc những sợi cỏ non tràn sức sống/ tràn trái đất/ mùa xuân Việt Nam” Vậy thì ẩn trong “Sợi tóc và vầng trăng” là sức mạnh tiềm tàng của con người vật lộn với thời gian, vầng trăng hữu hình chỉ là biểu tượng mà huyền ảo xa quá, thực tế nhân tố quyết định làm nên mùa xuân Việt Nam chỉ có ý chí, nghị lực con người Việt Nam.
          Vầng trăng trong thơ Võ Ngọc Thọ cứ lung linh theo mùa, đẹp hơn về một Ý nghĩ xanh* niên viễn được anh Đào Viết Bửu tâm đắc khẽ ngâm: “Ý nghĩ một chiều xa xăm/ Vầng trăng sáng xanh quê nghèo chài lưới/… Ý nghĩ về một mái nhà ấm êm/ Đất nước thanh bình tươi đẹp/… Và rất thủy chung trọn vẹn: “Là khi tôi nghĩ về em/ Về ánh mắt nụ cười thánh thiện/ Em là hoa để người đời chiêm ngưỡng/ Em trong tôi bao giờ cũng “xanh”/”. Vẫn chưa hết phép màu trong “Những quầng sáng chân trời”, khi chị Bích Ngọc cũng như anh Nguyễn Thận, một cựu chiến binh thân thiết với Võ Ngọc Thọ, đã thể hiện hết mình từ việc phổ nhạc đến chuyển ngâm gởi tình vào bài Lặng ngồi bên đóa vô thường* được xem như là điểm nhấn về sự vô thường ở cõi nhân sinh. MC Trần Hà Nam cũng bất ngờ chị Bích Ngọc lựa chọn ngâm bài thơ này, thể như sự đối chiếu chất giọng nam và nữ, ai là người gột tả hết cái hứng thú, hòa với cái tình nhà thơ gởi vào “đóa vô thường” say sưa đến vậy.
               Dịu dàng nhất vẫn là Quốc Tuyên, chủ bút huongxua.org luôn cùng những bạn yêu thơ như Lâm Cẩm Ái, Nguyễn Tiết, Kim Đức, mang hoa đến chúc mừng và đọc thơ anh, dù ở đâu hay nơi nào, chị vẫn giữ được chất giọng Huế rất riêng nhỏ nhẹ từng câu: “Sống trong đời cần có một tấm lòng/ Để gió cuốn đi**/ Tôi yêu em không để làm gì/ Cũng để gió cuốn đi/ Cuối trời/ Lãng đãng/… Có thể một mình/ Tôi khẽ hát/ Rằng/ Tôi yêu em/ Yêu em…” (Cuối trời lãng đãng). Tựa lời trái tim khao khát yêu, khao khát hạnh phúc của những người trẻ tuổi. Nhưng thật chững chạc tự nhịp đập cùng hơi thở của thi sĩ, mà điềm tĩnh tình tứ, thế mới biết thơ không có tuổi.
            Kết nối “Những quầng sáng chân trời” của Võ Ngọc Thọ bằng với những cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân: “Chắt chiu từng khoảng trời quê hương, chắt chiu từng khoảnh khắc đẹp của cảm xúc, như cuộc sống đã từng chắt chiu bao nhọc nhằn mồ hôi, bao chênh vênh nỗi niềm, bao hi vọng vươn xa…” được Nguyễn Kim Chức nhắc đến cho ta bao niềm hi vọng vươn xa, trong sự đồng hành kết nối ấy mà ca sĩ Minh Tuấn đã phụ diễn mở đầu cùng lúc hai bài hát Lý thương nhau, Đôi chân trần “Cha đi lượm từng hạt thóc cho con một bữa cơm chiều…”, còn Nhà giáo, nhạc sĩ Lê Trọng Nghĩa với sáng tác Quy Nhơn trùng khơi ngày về  “Nghe một thời nông nổi tan theo trùng khơi gió ngàn…” chia sẻ nỗi niềm về thành phố biển quê hương làm món quà tặng nhà thơ. Còn Nguyễn Trung Nhân thì “Về đây nghe em…kể chuyện tình bằng lời ca dao… bằng hạt lúa mới…” ấm áp xích gần bên nhau cùng anh tâm sự. Và cũng không thể nào quên khi anh Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định chia sẻ cảm xúc về tháng 12 kỉ niệm ba mươi năm ngày mất Nhà thơ Xuân Diệu, về sự Kết nối “Những quầng sáng chân trời” của Võ Ngọc Thọ hôm nay là một dấu ấn khó quên. Bởi lẽ, có thơ là có sân khấu nghệ thuật, thì… bài chòi cũng từ thơ mà ra. Lúc góp vui, anh lại hát câu bài chòi về con Nhì Nghèo: “… Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ. Thì ra… anh muốn dành trọn vẹn với các nhà thơ là “Nhất Tình” rồi còn gì bằng!...
          Chia tay ra về là bài chèo “Mười thương” gắn bó nghĩa tình mà Bích Ngọc muốn níu giữ bữa tiệc thơ sinh động, mỗi bài được đọc hay ngâm cho người thưởng thức hồn thơ không cần thêm một tiết mục phụ họa nào. Thích thú hơn khi nghe Nhà thơ Đặng Quốc Khánh, chủ nhiệm Clb Vh XD nói nhỏ, chứa đầy tín hiệu vui: “Đây là lần đầu tiên sinh hoạt ra mắt thơ vào ban ngày, tất cả cây nhà lá vườn trong Clb mình đã làm cho không khí Kết nối “Những quầng sáng chân trời” của Võ Ngọc Thọ gần gũi thân thương quá.” Thơ thực sự đến với bạn đọc rồi đây./.

                                                                                   17.12.2015/ NTP 
____________
*Tên các bài thơ trong tập
**Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét