Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Đọc Ngọc trong sách, tập truyện ngắn của Nguyễn Huy

                   NGỌC TRONG ĐỜI
       (Đọc Ngọc trong sách, tập truyện ngắn của Nguyễn Huy- NXB HNV 2015 ) 
             Ngọc trong sách là tập truyện ngắn(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015) đầu tay của Nguyễn Huy ở độ tuổi ngoài 65. Với tựa đề Ngọc trong sách khác nào Mạnh Tử  thời Chiến quốc ở Trung Quốc đã từng trao đổi “ Tụng kì thi, độc kì thư, bất tri kì nhân khả hồ? Thị dĩ luận kì thế dã”( Ngâm ngợi thơ, đọc sách của ai, há không thể biết được con người của họ sao? Chính là lấy những cái đó để bàn về thời thế vậy).


           Ngẫm cho cùng thì hai mươi truyện ngắn Ngọc trong sách đã thể hiện rõ người viết giàu tâm huyết bởi ngắn gọn về dung lượng, cô đọng súc tích trong miêu tả có chiều sâu với những đặc điểm tâm lí cũng như diện mạo nhân vật, hầu hết những cốt truyện đều xoay quanh chủ đề về cuộc sống và cách nhìn nhận con người ở nhiều góc độ khác nhau trên cùng một bình diện: nhà văn trong nhà giáo. Chính vì vậy Ngọc trong sách của Nguyễn Huy đâu chỉ trong trang sách mà đã có: Ngọc trong đời rồi.
         Cuộc sống đa chiều nhiều vẻ luôn tồn tại gắn bó song hành giữa hai mặt đối lập bởi đó là bức tranh thời gian. Cái màu đêm và màu ngày là cơ hội cho sự sinh sôi nảy nở có thể trong một chừng mực nào đó, nhưng cũng có thể vượt trội quá tầm tay với. Đôi lúc phải bị vỡ òa dù cố nén nhưng không thể kìm hãm.  Đâu dễ gì khi con người bị rơi vào ngõ hẽm, thân phận tật nguyền về hình hài như cô gái bán vé số vẫn giữ một mực về lòng tự trọng, đánh thức cái nhìn thương hại của người khác (Chuyện nhỏ ở quán nhỏ). Hay sự nghịch lí trong vai diễn trên sân khấu và ngoài đời đã làm trăn trở cho nhân vật “tôi”: “Sân khấu diễn về cuộc đời, nhưng nếu cuộc đời như vở diễn thì buồn lắm, vì như thế cái giả dối lan tràn. Người nghệ sĩ lên sân khấu đóng vai, nhưng trở về với đời thường, họ phải sống thực như bao người khác. Nếu tiếp tục diễn sẽ chẳng ai tin, vì nó kệch cỡm ngu ngốc, lố bịch làm sao!”(Đằng sau vai diễn). Nhưng còn “nàng” trong Phận bạc lại càng hẩm hiu cho một kiếp người được nhà văn kết bằng hai câu thơ tuyệt mệnh trước phút lâm chung: “Hai chồng em vẫn còn trinh/ Phận sao bạc đến duyên tình trống không”. Cũng có những phận phụ nữ nhưng gặp sự trớ trêu giữa hai cuộc mưu sinh trong hai hoàn cảnh khác nhau, há một chút sẻ chia thông cảm, thế mới biết lẽ đời!(Vết chàm).
        Đọc Ngọc trong sách ta nhận ra được trên từng chặng đường dù muôn vạn nẽo, những chông gai cơ cực cho cuộc mưu sinh, không làm mất đi giá trị nhân cách. Phải chăng tình bạn, tình người chính là sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn, một khi đi xa luôn tìm về nguồn cội gốc gác quê hương, nơi đã lưu giữ kỉ niệm thuở nào, rồi từ ấy lại mong được điểm tô thêm cho đất nước, khao khát được vun vén một mái ấm gia đình (Một chút nắng xuân). Khó tìm ra sự khiêm tốn, tính giản dị, sự chính chắn của một người thành đạt xuất phát từ gia đình lao động chân chính như nhân vật Thành cũng đã từng va vấp trắc trở trong cảnh ngộ trớ trêu (Ngẫm nghĩ bước đi). Đôi lúc, tiếc cho sự nhận thức chưa thấu đáo dẫn đến cái sỉ diện một số ít trẻ tuổi như cô gái đua đòi, lại mặc cảm về người mẹ phải tần tảo gánh bún cá nuôi con (Người cùng quê).
           Nhà văn Nguyễn Huy cũng đã dành nhiều trang sách cho một số nhân vật chính trong cách đối nhân xử thế, ấm áp tình người của các nhà giáo nghỉ hưu luôn có những cái kết đầy bất ngờ về những học sinh mình. Việc làm âm thầm tạo điều kiện cho con trai của thầy giáo chủ nhiệm thời học phổ thông có nơi ở đàng hoàng ở một thành phố lớn thể như lòng biết ơn, nếu không có thầy bao dung, che chở đã thay đổi cuộc đời mình. Giờ người đưa đò hôm nao lại được “…rưng rưng đón nhận nghĩa tình của họ”(Thấp thoáng thành phố). Rồi thầy cũng chợt nhận ra “Cả đời dạy học buồn nhiều hơn vui! Đau nhất là những lúc chứng kiến cảnh học sinh hỗn láo với mình. Nhưng thầy không đòi hỏi gì nhiều. Con người đối với nhau phải có cái lễ và cái tình. Cái lễ làm cho hình thức giao tiếp nó đẹp. Chất tình làm cho nội dung giao tiếp có chiều sâu. Nhưng đã là nhân quần, thì dù chỉ một nhóm nhỏ, cũng có người này người khác, làm sao giống nhau hoàn toàn đượcvà chua xót nhận ra rằng đến tuổi này, mình vẫn còn ngây thơ, chưa hiểu hết nông sâu tình người.”(Chút nghĩa cũ càng). Hay nhu cầu sinh hoạt thường ngày phải tiện tặn từng đồng lương nhà giáo thời kì khó khăn chung đã bị đánh đổi va vấp một thực tế hết sức sót xa (Đâu là khoảng cách, Bán chữ.) Nhưng trong chừng mực nào đó vẫn nhận ra tiếng nói một trái tim mình (Người sưu tập ca dao),…
          Trong cảm xúc hoài niệm về thời gian cũng là cách cho người đọc ngẫm nghĩ về chặng đường đã qua, những gì còn lại để khẳng định thời hoạt động nội thành trước năm bảy lăm thế kỉ XX. Thể như nhắc nhở nâng niu và trân trọng, lại có một chút gì xót xa thương cảm như nhân vật “chị”, một sinh viên trường y năm thứ tư, ngoài trực tiếp chở che, chăm sóc vết thương chân cho lành lặn, cứng cáp, còn đặt niềm tin đợi chờ, để rồi“Lâm” tên người con trai ấy một đi không trở lại, hay có thể bị cuốn hút theo dòng chảy cuộc đời khó thoát ra, nếu không đủ bản lĩnh, hay là phủ nhận mối quan hệ, hay sợ sự liên lụy cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc đang kiêm nhiệm (Dấu vết thời gian). Bên cạnh vẫn có những tình yêu đẹp mà điều kiện khách quan nào đó không thể liên lạc nhau để rồi khi gặp lại biết bao những nỗi niềm xúc động dâng trào (Một thoáng ngày xưa, Mùa hoa Mimosa).
          Còn trong các truyện Người của giấc mơ, Cà phê Ban Mê vẫn là dấu ấn đậm nét về người cầm bút. Nguyễn Huy gởi vào nhân vật “tôi” đảm chức năng: “Theo tôi, truyện ngắn nó như một nhát cắt của đời sống, càng sắc ngọt càng tốt, người viết nên gợi hơn là tả, bày tỏ ý nghĩ, quan điểm của mình. Phải mở ra một không gian kín, sâu thẳm cho tác phẩm, để người đọc suy nghĩ”(Cà phê Ban Mê). Vậy một nhát cắt của đời sống đã đủ chưa?!... Dẫu không có sự nhẫn nha miêu tả như Nam Cao đã cho ra một đời người như Chí Phèo, còn Thạch Lam dốc cả một khung cảnh Nhà mẹ Lê,… cho nên truyện ngắn có thể miêu tả là một khoảnh khắc, một cái chốc lát nhưng cũng có thể miêu tả một quá trình nữa thì định nghĩa mới thật sự trọn vẹn. Còn tiêu điểm chính nhà văn trong chừng mực thực tại là khép lại quá khứ, kí ức chỉ là thoáng qua, bao suy tư như trong phần kết “Thông nhớ đến câu ca xưa: “Một duyên, hai nợ, ba tình…”. Chuyện duyên nợ ấy mà, khó nói lắm thay!”(Duyên tình). Để rồi minh chứng “Đã là truyện, tất phải có hư cấu. Các ông viết truyện, là để nói chuyện đời đó thôi!”(Ngọc trong sách), mà chuyện đời luôn đa dạng được chắc lọc vào trang sách mới là cái khó của người sáng tác nên “Thư trung hữu ngọc”, “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” còn là thông điệp của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Huy đã để cho nhân vật “Sinh” hồ hởi phụ họa: “…Đến giờ anh mới hiểu hết cái nghĩa thâm thúy của câu thơ! Nhờ học hành, đọc sách mà anh có được những thứ quý báu như ngọc: từ nhận thức, đến hành vi, cách sống ở đời. Nhờ học hành, mà anh có được cuộc sống êm đẹp hôm nay. Nhờ đọc sách mà anh có được cô vợ xinh đẹp và hiền thục như em. Đó là chất ngọc chiết ra từ sách chứ đâu” (Ngọc trong sách).
      Có thể nói hầu hết kết cấu các truyện ngắn Ngọc trong sách theo mô típ chung, dựa vào đời sống thực tại triển khai kết cấu truyện, theo điểm nhìn thì các nhân vật được đặt trong mối quan hệ không gian hay thời gian nào đó, có thể là sự đối lập, có thể là sự song hành. Nhưng hơn hết vẫn là lương tâm  nhà giáo vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, giàu kinh nghiệm đứng lớp, đồng hành bám sát quá trình phát triển tính cách nhân vật dù là nhân vật phụ trợ bổ sung mà không thể thiểu dẫn đến cái kết bất ngờ cho sự chiêm nghiệm nhân vật chính. Vì vậy văn anh nhẹ nhàng trong mọi tình huống ứng xử giữa các  nhân vật, những khát vọng suy tư luôn duy trì song hành trong tác phẩm làm nổi bậc “Mĩ thiện tương lạc” hay “Mĩ thiện đồng thể” luôn đem lại niềm vui cho con người vì bản chất tính thiện của nó, còn cái xấu phải bị mai một, cái đẹp cái thiện luôn được đề cao. Đó chính là thuộc tính thẩm mĩ văn học, nên từng trang Ngọc trong sách đã bước ra thành Ngọc trong đời cho ta yêu quý nhà văn và tác phẩm hơn./.

                                                                                                  19.7.2015/ NTP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét