Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

CỐT CÁCH TRÚC- Nguyễn Thị Phụng


CỐT CÁCH TRÚC-  Trích Hương thảo thất, Nguyễn Thị Phụng



Thuở bé biết trúc trong lời ru mẹ hát “Trúc xinh trúc mọc bờ ao/ Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh. Trúc xinh trúc mọc bên đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh”(Ca dao) rồi chập chững ra đến đầu làng để được tận mắt ngắm tự thân nảy mầm măng vươn lên mọc san sát thành bụi có gióng thẳng thuộc họ hàng tre, trảy, vầu, mai, nứa,… Người ta đưa trúc về nhà chăm chút cắt tỉa ngắm nghía cho thỏa mãn đôi mắt khát khao, người ta trồng trước ngõ ra vào trở thành nét đẹp thanh cao trong văn hóa phong thủy cho “Ngõ trúc quanh co…”(Nguyễn Khuyến) mềm mại che bóng nắng hè oi bức, thanh lọc không khí trong lành, tránh ngọn gió bấc đang đông sau buổi đồng áng trở về với tình làng nghĩa xóm, cái nhàn tản của bậc thanh liêm nhắc nhở: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…”(Nguyễn Bỉnh Khiêm) đâu chỉ đơn thuần lặp lại ở nghĩa thực “ăn, tắm” mà còn là sự tôi luyện thể chất, thanh lọc tâm hồn mình. Cái cơ nhỡ ẩn trong câu hát đờn ca tài tử giao lưu trước những năm bảy lăm ở miền Nam “Thân đui tối tháng ngày lần gậy trúc/ Phần cơ bần cô bác rộng lòng thương”(Đào Tụng Phi nhắc lại) giúp con người vượt qua tăm tối. Thì ra trúc luôn gắn bó với con người từ xưa nay. Nhắc đến trúc, tôi nhớ  đoạn cây trúc nằm thẳng đứng đặt trong hộp kính có tên “Bảo trúc” treo sát tường nơi từ đường Danh nhân Văn hóa Đào Tấn ­ở thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc. Cây trúc dài gần 1.6m, trong đó tính luôn cả phần bịt hai đầu đều bằng đồng có kích thước ngang nhau là 12cm. Đường kính chân gốc 2.5cm, mắt nhặt càng lên cao gióng dài thẳng, đường kính trên cùng 1.5cm, phần bịt đồng phía trên có khắc đầu đề và bốn câu chữ Hán, được chú Đào Tụng Phi, cháu cố cụ Đào Tấn đọc cho tôi nghe:
VẠN THỌ
Nhất vật kì lai hữu nhất thân
Nhất thân hoàn hữu nhất càn khôn
Sinh tri vạn vật cấu ư ngã
Khẳng bả tam tài biệt lập căn
Chưa xác định hoàn cảnh bài thơ, có thể là lúc Đào Tấn đang công tác hay nghỉ hưu, qua đó gởi gắm sẻ chia về sự tồn tại trong mối quan hệ giữa Đất- Trời- Vạn vật. Có thể hiểu được ý trong từng câu: “Sống lâu. Mọi vật vốn tự thân có sẵn/ Mỗi thân đều trở về vũ trụ/ Sự sống vạn vật gắn kết ta/ Ắt bả tam tài(Đất- Trời- Vạn vật) khi đứng riêng”.
Vậy thì Đào Tấn mượn cây trúc làm cảnh, đây là giống trúc tước bởi nó sẵn có trong vườn nhà, cây trúc đã thành biểu tượng cốt cách vẻ đẹp bậc hiền tài. Trở lại bốn câu thơ trên không ghi thời gian và tên tác giả, đâu thể khẳng định là của Đào Tấn được. Đó là bốn câu thơ đầu trong bài Quan Dịch ngâm([1]), thể thất ngôn bát cú của Thiệu Khang Tiết (Thiệu Ung) đời Tống. Chỉ khác một từ so với nguyên bản ở đầu câu thứ tư: “Năng tri vạn vật bị ư ngã” còn trên cây trúc lại ghi: “Sinh tri vạn vật bị ư ngã”. Có thể ngày ấy, Cụ xem đó như là một phương châm sống, một thú say thơ các nhà hiền triết, tâm đắc quan niệm nhân sinh thiết yếu của con người trong bất kì hoàn cảnh nào phải ý thức duy trì việc bảo vệ tự nhiên môi trường, nếu không con người tự đào thải mình ra khỏi vũ trụ.
Nhớ kỉ niệm 100 năm ngày mất Đào Tấn, đó là hôm rằm tháng bảy năm 2007, Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu về tự đường họ Đào ở làng Vinh Thạnh thắp hương tưởng nhớ Cụ, phải chăng đã xúc động về cuộc đời và sự nghiệp bậc Danh nhân Văn hóa, hay là Vũ Khiêu đã đón nhận bốn câu thơ trên cây trúc, và ngay buổi ấy, ông đã lưu lại bút pháp hai câu văn đối đầy trân trọng:
Núi sông dồn cả tinh hoa lại
 Kim cổ bừng lên trí tuệ này
(26.8.2007/ Vũ Khiêu)
Ngược hơn trăm năm về trước, ngày Nguyễn Tất Thành trên đường vào Nam đã đến thăm Huyện đường của Cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Tây Sơn, và có ai biết người thanh niên ấy cũng đã từng đi trên con đường làng Vinh Thạnh vào thắp hương Đào Tấn, mang hoa viếng mộ Cụ trên núi Hoàng Mai. Không còn là tương truyền, bởi “... Tôi may mắn được sống nhiều năm với cụ Nguyễn Sinh Khiêm, trong nhiều câu chuyện hễ nói đến Đào Tấn, cụ Khiêm đều sùng kính khẳng định: Đào Tấn là một trong những ân nhân của gia đình Bác…Lúc đó cụ Đào Tấn ở Nam An, ông Sắc ở Thanh Hóa. Hai người con của Đào Tấn là Đào Thụy Thạch và Đào Nhữ Tuyên - đều là học trò ông Sắc đã đứng ra lo việc tang cho bà Loan thay ông Sắc và thân nhân ở xa. Hai người con của Đào Tấn đã đứng ra đi vay cỗ quan tài của một người quen đem đến cho vợ thầy mình. Ân tình ấy không phai mờ trong tâm cảm Sinh Cung. Lúc đó cậu mới 10 tuổi…”([2]).
Trở lại bài thơ “Vạn thọ” gắn liền với thân trúc của Đào Tấn ngày ấy và bây giờ vẫn mang giá trị niên viễn.
24.3.2015



[1] 观易吟
一物其来有一身
一身还有一乾坤
能知万物备於我
肯把三才别立根
天向一中分体用
人於心上起经纶
天人焉有两般
道不虚行只在人
邵雍

QUAN DỊCH NGÂM

Nhất vật kì lai hữu nhất thân,
Nhất thân hoàn hữu nhất kiền khôn.
Năng tri vạn vật bị ư ngã,
Khẳng bả tam tài biệt lập căn.
Thiên hướng nhất trung phân thể dụng,
Nhân ư tâm thượng khởi kinh luân.
Thiên nhân yên hữu lưỡng bàn nghĩa,
Đạo bất hư hành chỉ tại nhân.

Thiệu Ung




( Riêng ông Đào Đức Chương cháu cố họ Đào Tấn, đã dịch: Bài thơ khắc trên cây trúc Đào Tấn. Nguyên văn bản:

萬寿
一物其來有一身
一身還有一乾坤
生知萬物備於我
肯把三才別立根

Phiên âm:

VẠN THỌ
Nhất vật kỳ lai hữu nhứt thân
Nhứt thân hoàn hữu nhất kiền khôn.
Sanh tri vạn vật bị ư ngã
Khẳng bả tam tài biệt lập căn

Dịch xuôi: Vật này đến với ta tự nó đã có một thân/ Một thân mà có đủ cả trời đất/ Sống và biết rằng muôn vật cho ta đầy đủ/ Thì cứ cầm lấy nó là ta thâu gồm ba cõi mà nguyên chúng có từ những gốc gác gác riêng.
Dịch thơ:

SỐNG LÂU
Vật đến tự thân đã có rồi
Đất trời hội đủ một thân thôi.
Sống nhờ cung ứng từ muôn vật
Nắm gọn tam tài gốc khác nơi.

VIỆT THAO phụng dịch
(31- 10- 1994).
[2]Mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình Bác của nhà văn Sơn Tùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét