Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

ĐƯỜNG ĐỜI CHÔNG CHÊNH (Chốn bình yên để khóc- Phạm Kim Sơn)

Văn chương Bình Định

                   
 ĐƯỜNG ĐỜI CHÔNG CHÊNH
(Đọc tập Chốn bình yên để khóc, truyện ngắn Phạm Kim Sơn, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015)
      Đáp số đường đời thường trải qua chặng chông chênh như những nhân vật trong truyện cổ tích, nhưng không có bàn tay của đấng siêu hình nào phù trợ, họ tỉnh táo kịp nhận ra giá trị cuộc sống đích thực có được là ở tự chính mình. Phải chăng tập truyện ngắn Chốn bình yên để khóc của Phạm Kim Sơn (NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015) thuyết phục người đọc đâu chỉ ở motip từ cấu trúc hình thức mới để chuyển tải nội dung mới về hiện tượng xã hội. Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời chẳng khác nào độ ẩm lâu ngày là cơ hội cho những nấm dại tự do kia tràn lên mặt đất, nhiễm khuẩn lây lan ảnh hưởng đến văn hóa gia đình nền tảng xã hội.
     Có thể nói trong mười một truyện ngắn, Phạm Kim Sơn lại chọn Chốn bình yên để khóc làm tựa đề tập truyện đủ khẳng định hạnh phúc con người đâu phải tự dưng có được, phải vượt qua những “tấn trò đời” trước mắt là mua vui cho thiên hạ, sau mới là công cụ cho mưu cầu lợi ích cá nhân, và hơn thế nhằm đẩy con người vào đáy vực xã hội. Đến lúc này làm gì có chốn bình yên để khóc. Bởi ngay trong gia đình, nếu chưa kịp lắng nghe, hay không muốn lắng nghe, đó là sự ngông nghênh bất cần và buông thả tuổi trẻ, để dẫn đến tình huống trớ trêu mà chính nhân vật “tôi” gần phút cuối cũng đủ tỉnh táo nhận ra “Cuộc trò chuyện của những kẻ “săn hàng” khiến tôi rợn người. Cơn say bay biến. Tôi nhẹ nhàng bật chốt cửa. Là toilet nam! Có lẽ vì quá say nên tôi vào nhầm. Ơn trời!” Và cho cái kết thật dễ thương “Ừ, thì khóc! Khóc để có thể quên đi những chuyện đáng buồn. Để gột rửa. Để biết rằng ngày mai mình vẫn còn một con đường để đi”(Chốn bình yên để khóc). Đây chỉ là một trong những thông điệp nhỏ về sự tha thứ và biết tự điều chỉnh tính cách cá nhân mà nhà văn muốn sẻ chia trong truyện ngắn đầu tiên.
         Còn trong Đường đời chông chênh , ta gặp cặp đôi “Nguyệt” và “gã”có chung ước mơ xây tổ ấm gia đình trong tương lai. Gã lên thành phố không ngoài mục đích kiếm tiền, từ việc bị bóc lột công lao động, đến bị mua chuộc, bản chất thật thà đã sa vào việc vận chuyển hàng cấm. Còn Nguyệt vào đại học có thánh thiện, hiểu nhầm, ghen tuông mù quáng đã đẩy nàng rơi vào cạm bẫy “Mã Giám sinh” và từ đó bế tắt. Con đường mà nhà văn mở ra cho nhân vật Nguyệt là ý thức chống chọi thoát thân bảo vệ mình, mà lỡ tay gây án mạng. Cuối cùng họ thành những phạm nhân ngỡ như không lối thoát, nhưng chính nơi trại giam đã cải tạo hướng nghiệp họ sớm hoàn lương. Nếu như ai đó bảo rằng con đường ta đi đến đầy ắp hương thơm và sắc đỏ hoa hồng, tôi có thể đồng ý. Nhưng có điều đằng sau hương sắc là chông gai thử thách, định kiến xã hội, dư luận xôn xao. Ý nghĩa giá trị cuộc sống đàng hoàng khó phân bố công bằng cho hệ tư tưởng những con người khi những nhận thức còn ám ảnh. Điều đó nhà văn đã lập luận đoạn đối thoại để tìm ra câu trả lời từ nhân vật “gã” trưởng thành trong trại giam “…Đó là cách giúp họ xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Cuộc đời vốn cay nghiệt. Nhưng biết rộng lượng với người cũng là rộng lượng với chính mình, anh bạn trẻ à!”, mở ra cái kết thật có hậu đầy ý nghĩa “Họ phải nổ lực nhiều để không rơi vào bế tắc. Cửa trại tù đã khép lại sau lưng. Phía trước họ là cuộc đời. Đường đời chông chênh, cay nghiệt, có sai lầm, có trả giá, nhưng không có con đường nào là tận cùng”.
       Không có con đường nào là tận cùng. Mà đúng vậy. Muốn có cây hạnh phúc phải tự tay vun trồng, chăm bón, vin cành cắt tỉa thường nhật. Đôi khi cây hạnh phúc gia đình là món quà, của biếu từ người lớn sắp đặt theo mục đích quyền và tiền. Chấp nhận luôn kèm theo sự cam chịu an phận cho cái gọi là trật tự của một gia đình “nề nếp” kiểu “phu xướng phụ tùy”, phụ nữ luôn là nạn nhân, như nhân vật “nàng”(Như chưa từng được khóc, tr.27) biết vượt ra phạm vi bức tường rạn nứt, tìm con đường sống đúng đắn. Phải chăng là một quyết định sáng suốt tự giải phóng bản thân mình.
       Cách tự truyện về mối quan hệ tình cảm qua văn bản trên internet trong Làm thế nào để biết nàng là cave (tr.39) chủ đề quen thuộc, lại rất mới. Từ trong lời thoại nhân vật thiên về trữ tình, đó có là sự thật hay không: “Đời em ghét biến cố! Nhưng tránh sao được hả anh? Anh khác với những người em thường gặp. Anh kiệm lời nhưng biết làm người khác ấm lòng. Nghề của em là phải che giấu thân phận mình. Càng nhiều càng tốt. Vậy mà em lại trải lòng với anh hết trơn. Sẽ thật nguy hiểm cho em nếu anh là công an. Mà em đùa vậy thôi. Anh trông giống nhà văn hơn. Vì nhà văn thường có cái nhìn cảm thông”. Chính sự cảm thông ấy, nhà văn trăn trở muốn được sẻ chia với bạn đọc “Hãy luôn đặt câu hỏi, rằng mình sẽ làm gì khi rơi vào hoàn cảnh xấu nhất? Chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy câu trả lời thỏa đáng để nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dịu dàng hơn, đỡ cay nghiệt hơn. Tôi tin rằng, dù ở nơi được coi là tối tăm, bụi trần vẫn luôn có một góc khuất đã và đang neo giữ tâm hồn của mỗi con người.” Và luôn sẵn sàng nghĩ  tới nàng. “Nghĩ tới một lối đi khác dành cho nàng” đó là công ăn việc làm khi chủ quán cà phê sân vườn đang cần người tin tưởng giao công việc. Đọc hết Làm thế nào để biết nàng là cave ta thấy chỉ từ một thế giới ảo, nhưng thoát ra ngoài họ vẫn là những con người thật, đang tồn tại quanh ta. Vì thế “tôi”, người luôn quan tâm có trách nhiệm với mỗi thành viên trong cộng đồng, yêu thương và giúp đỡ…
Nhà văn Phạm Kim Sơn


      Phải nói rằng, nếu Phạm Kim Sơn là nhà văn trẻ trong mười năm nay anh đã xuất bản ba tập truyện ngắn, và lại càng già hơn cách xây dựng cốt truyện và gọi tên nhân vật đưa vào các tình huống đối lập có gì một chút đắn đo, nghi ngờ, rồi dè dặt, ngây thơ trước cuộc sống vất vả thường ngày để nâng cao vẻ đẹp về lòng thương người, sự năng nỗ vốn có ở Nhi, bên cạnh hai “cô gái” đội lốt nhà sư đi lừa niềm tin của người dân trong truyện Trưa và Tối (tr.67). Ta còn có một lão Thiền đã giúp “gã” nhận ra giá trị văn hóa tinh thần ở mỗi làng quê, hay nói cách khác đó còn là nơi che chở, tỏa bóng, kết nối nghĩa tình của dân làng cần gìn giữ và trân trọng: “Ngồi dưới bóng mát của cây sanh, lọt thỏm giữa những người xa lạ nhưng hồn nhiên, mến khách, gã thấy mình như hòa chung trong không khí vừa thâm nghiêm, trầm mặc, vừa ấm cúng, chan hòa với những người dân làng Vạn. Cảm giác ấy đến nhẹ nhàng như hơi thở. Như bản năng. Như từ lúc sinh ra và lớn lên, gã đã là con dân của làng Vạn. Tự dưng, gã thấy ý định mang cái cây về thành phố bán cho đại gia lắm tiền là một hành động ngu ngốc và báng bổ. Cây vốn sống tự do giữa thiên nhiên. Cây mọc từ đất. Vươn lên trời cao. Tỏa bóng. Chở che. Kết nối. Giữ giềng mối cho xóm làng, họ mạc. Cho những người của ngày hôm qua, hôm nay và cho những đời sau. Nó là thứ tài sản vô giá của người dân làng Vạn chứ đâu phải cho riêng gì gã, lão Thiền hay  vị đại gia nào đó.”(Không chỉ là cây, tr.73). Rồi có không khí làng quê được đô thị hóa lại ào ạc trong sinh hoạt, mà con người còn kịp chấn chỉnh để gìn giữ nhân cách mình trong truyện ngắn Gió lạ (tr.111).
        Chưa hết đâu. Nhà văn còn bóc trần mọi ngóc ngách lối rẽ của đàn ông như Tường trong cư xử vừa “nam quyền” đầy bạo lực (Như chưa từng được khóc, tr.27); Như “anh”, người chồng lí tưởng, khôn khéo tế nhị trong kịch bản có ý nghĩa sâu sắc mà tác giả miêu tả chi tiết trong việc cắt nghĩa hình tượng cặp đôi nhân vật đồng lõa giữa “anh và cô gái”(Ngoại tình, tr.87); Lại có “anh” bị “… ám ảnh của thứ tình yêu pha lê, mê muội hay vì bất trắc của cuộc đời mà người trong cuộc không vượt qua được? Tôi không biết! Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng người đàn ông vẫn tìm đến quán. Ngồi vào góc quen. Im lặng trong hoài niệm cùng với li cà phê đen không đá của mình” (Giá anh đừng minh bạch với em…, tr.101); Lại có đàn ông ngỡ như đấng trượng phu mà dè dặt, toan tính bên cạnh Hương, trái tim phụ nữ dễ xúc động, nhưng cũng đủ nhận ra lẽ phải, việc nên làm.(Em phải về thôi, tr.129).
         Có lẽ Chốn bình yên để khóc chính là những trang đời được Phạm Kim Sơn đưa vào trang văn bằng cách xây dựng hệ thống tình tiết khác nhau nên không có sự trùng lặp ở mỗi cốt truyện nào. Cách miêu tả, kể, hay cả đối thoại, nội tâm của nhân vật không nhẫn nha mà chắc lọc từ những câu văn ngắn một vài từ ngữ, đến những câu văn dài trọn vẹn để phát họa tính cách nhân vật trong một thời điểm giữa một không gian nào đó.  Chốn bình yên để khóc mãi đọng lại trong lòng người đọc vỡ òa về thời tuổi trẻ nông nỗi dại khờ, một chút kinh nghiệm ứng xử đối với người thân, bạn bè,… Và còn gì hơn sự chia sẻ cùng cảm thông khi cơ nhỡ, lỗi lầm. Xích gần bên nhau để yêu thương và hàn gắn các bạn ạ!...
                                                             NTP.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét