Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

KHI GIỌT NƯỚC RƠI , Nguyễn Thị Phụng

  KHI GIỌT NƯỚC RƠI  



  (Đọc tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én của Nam Thi, NXB- Vh Vn. 2019).
      Không hẳn giọt nước trong lá sen kia mãi lung linh, rồi lá sen héo, nước sẽ bốc hơi. Sự chuyển động không khí, giọt nước rơi xuống đất. Điều kì diệu xảy ra. Thể như sau khi đọc tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én của Nam Thi cũng vậy. Giá trị văn hóa đời sống sẽ từng bước nảy mầm chỉ nhờ vào giọt nước ấy. Truyện ngắn chưa phải là thước đo thuần túy trong sự tinh lọc “thời cuộc” mà phận người là trung tâm. Nhưng với tập truyện ngắn đầu tay của Nam Thi góp vào đời sống tâm hồn bạn đọc sự ưu ái nào đó dành tặng tác giả hay tặng cho nhân vật trong từng cốt truyện đều không thiên vị.


      Sự đồng hành hai mươi lăm truyện ngắn được khép lại Trên chuyến xe buýt số 150*, có phải là chủ ý nơi gặp gỡ ban đầu vừa trẻ trung, vừa tử tế từ một góc nhìn đầy thiện cảm ở hai nhân vật: tôi và anh, để “Tôi thực sự mong gặp lại anh” đã là hiện thực “Tôi ngoan ngoãn leo lên yên sau xe anh”. Nhưng Người đồng hành* lại không thể níu giữ cái không thuộc về mình, nếu như chỉ có chung về sự lựa chọn thể chất như Thủy- nàng, với Thuận- chồng nàng lại có con với người đàn bà khác trên chuyến đi vượt mây trời kia. Ngẫm ra mỗi chi tiết xây dựng nhân vật, buộc phải dồn nén cô đọng trong sự liên tưởng vô cùng phong phú cho hạnh phúc chợt ùa đến, trọn vẹn hơn ở người cao niên (Bóng chiều trên đỉnh chóp vàng*, Giỗ người sống*, Nụ hôn đầu của chim én*). Khó nén cá biệt “Bản thiện” còn nảy nở ấp ủ sắc hương, cánh én chạm vào vô biên mây trời bất tận, dẫu Hiến pháp Nhà nước đã có Luật Hôn nhân và gia đình cũng bó tay trước những cánh cửa lộng gió kia ùa về ngơ ngác tuổi thơ, rồi tuổi thơ cũng được bảo bọc nuôi dưỡng (Nhành hoa huệ trắng*). Chỉ Một sao mai lẻ loi* trên đất Việt cũng được quan tâm chia sẻ, còn cái “sao hỏa” lạc xứ người định mệnh “Sao anh không biến đi” cạn tàu ráo máng ám ảnh nỗi lòng.
       Và khiLũy tre biến mất, con sông trở nên trần trụi, vô hồn. Mùa khô hạn, dòng sông thu hẹp như con mương cạn leo lách chảy giữa cồn cát lưa thưa những khóm rù rì cằn cỗi. Mùa mưa nước dâng cao mấp mé bờ kè… Không còn bóng những đọt tre quằn xuống mặt nước mùa đông, không còn tiếng gió xào xạc, kẽo kẹt với gió nam mùa hạ. Con đường gập ghềnh uốn lượn rợp bóng ngày nào nay nhường chỗ cho con đường bê tông thẳng tắp…”(Tảng đá mồ côi*) là tất yếu nhu cầu phát triển  xã hội, nên bà giáo Hương nhận ra sự lạ lẫm với chính con đường bà đã bao năm đi về kia khác nào việc ấp ủ những lá thư, tấm hình chỉ là mòn mỏi vô định, đốt không có nghĩa là xóa sạch kỉ niệm, trừ khi bà hóa thân với quá khứ riêng mình. Nhưng có những thứ văn hóa văn minh một thời muốn duy trì, thời gian là minh chứng như Bức tường rêu*: “…anh hiểu ông gắn bó với những kỉ niệm về căn nhà này mà bức tường rêu là gần gũi với ông nhất. Chính anh, ở tuổi bốn mươi, đã bắt đầu biết tha thiết với căn nhà tổ tiên nên đã chắt chiu mấy năm nay để về giúp cha tu sửa nó…”. Hay chỉ một Dấu chân hóa thạch* cũng muốn được hiện diện bên mình.


        Sự lặp lại văn chính là người, không thuộc bản năng mỗi cá thể, nó được bao hàm trong lớp tư duy thời đại, cũng không là trào lưu, xu hướng. Được xác minh qua sự chọn lựa giữa chân chính và lỗi lầm, vậy nên trong mỗi cốt truyện luôn gắn liền quá khứ gần và xa đan xen, khách quan trong từng sự kiện mỗi nhân vật chính, ít nhiều nhà văn dành thiện cảm về họ chính Đêm dài vô tận* ghi lại dấu ấn nhà văn dân tộc đề huề sáng tác văn chương khác nào Thế Uyên(1935- 2013), Mặc Đỗ(1917- 2015),… (nhà văn miền Nam trước 1975). Vụ án ngòi bút lá tre* từ tuổi thơ nơm nớp đòn roi, nhưng đành chấp nhận số phận cho cái kết tử biệt. Tử biệt khác nào sinh li. Nó song hành, không áp đặt, bởi viên đạn thời chiến chưa bao giờ biết ăn chay. Những phập phồng con nước, lênh đênh con sóng khơi xa sao có thể là yên tâm hơn, đọc lại đoạn văn để hiểu thêm nhận định: “Ở đây, có lẽ họ bình yên hơn những người trong đất liền cách họ vài cây số đang sống dưới làn bom đạn. Sóng biển dữ dằn nhưng không thù oán ai. Nếu tàu đắm, nhiều người có thể chết đuối nhưng không ai chết vì hận thù”(Sợi tóc mong manh*). Niềm tin cán cân đứng về giới trí thức “Sau mùa hè đỏ lửa” 1972, có lệnh tổng động viên. Vốn là một sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn, thời thế buộc ông phải chọn lựa cầm súng và đứng về phía nào. Ông đã trở lại Sài Gòn liên hệ với bạn bè cũ… rồi thoát li”(Bóng chiều trên đỉnh Chóp Vàng).


        Chim có tổ, người có tông cũng là chủ đề trong Nụ hôn đầu của chim én. Cho người đọc thấu hơn những người mẹ chăm sóc trẻ em ở làng SOS, càng thương Thu, lớn lên từ trại mồ côi: “Lần đầu được thắp hương trước ngôi mộ mới xây, nàng ràn rụa nước mắt và khẽ gọi:- Mẹ ơi!”( Mẹ ơi*). Người vợ thẳng thắn dứt khoát, khẳng định: “Điều em quan tâm là đứa bé trong bụng cô ta. Nó phải có cha. Còn anh có nhận nó làm con hay không là chuyện của anh và cô ấy” (Người đồng hành*). Riêng Đốm lửa đêm ba mươi* có thể là bi kịch một cá nhân, mà gom lại là hạnh phúc một gia đình, thể như cổ tích giữa đời thường. Nhưng có lúc đầy vơi nỗi lòng như Thái, còn Tâm không muốn công bố bản di chúc, nhưng “xin được mang theo lư hương và tấm ảnh thờ…”(Di chúc một mối tình*) âm thầm trân trọng tình phụ tử thiêng liêng, tình anh em không bị sứt mẻ. Cách duy trì giá trị văn hóa ứng xử tình người từ sự ra đi vì thời cuộc và ngày trở về được mất những gì, thân phận đôi vai người đàn bà ở nhà lắm lúc nan giải, còn với khối óc những người đàn ông võ nghệ cao cường lại vô cùng từ tốn (Trước di ảnh người quá cố*) giữ hòa khí trong gia đình là mấu chốt truyện ngắn Nam Thi khi giải quyết Nợ tình của một linh hồn* cũng vậy.
         Đời sống văn hóa sinh hoạt nếp nhà trong truyện ngắn Nam Thi phong phú. Từ góc nhìn hoạt động mỗi cá thể trên từng chặng đường đời là sự kết nối sẻ chia nằm lòng trong cảm xúc nhà văn. Thật vậy, nếu không có từ Ánh mắt*: “một chiến sĩ biệt động hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn…” ánh mắt đã thành ẩn dụ sự tiếp nối thế hệ xác minh lí lịch- cái hiện tại, không thể nhào nặn quá khứ áp vào hiện tại mà ràng buộc sự sáng tạo thế hệ hôm nay. Một Bức chân dung bỏ quên* không có tấm nhiễu điều phủ lấy, mà biết bao kỉ niệm tình đồng đội kiên cường, gian khổ, tri ân,… ùa về mất còn, khác nào bức tâm thư gởi lại thể như truyện kí ghi nhanh nhưng đầy đủ sự kiện, chứa chan cảm xúc nhân vật “tôi”, nổi bật vẻ đẹp Út Thuận- người chiến sĩ cách mạng một chút tự trào : “Địa phương bảo khai lí lịch để làm hồ sơ cựu chiến binh, tao cũng làm biếng chưa làm”. Một Tiếng hát dưới hầm* thánh thót thuở nào trong chiến đấu còn lại cái Zippo, ngọn lửa chân lí ấm áp chuyền tay lưu giữ.


          Trong đó, giá trị văn hóa tín ngưỡng luôn được duy trì như Người có hai nấm mồ* ngậm ngùi đau đáu khi con mình bị phơi xác… Truyện Con ngựa già của cha tôi* không chỉ là niềm tự hào về truyền thống gia đình, về người cha- công việc báo chí, trong những ngày bị đày Lao Bảo, kể về chú Trị- nghĩa tình, còn Hởi- con ngựa trung thành lúc sống, hay khi chết cũng đều tưởng nhớ nén hương. Góc Bếp lửa cuối đông* gợi lại văn hóa sinh hoạt gia đình ấm áp thuở nào giờ chỉ là kỉ niệm “… những lần thấy người ta đốt đồng, un trấu, nhìn thấy lửa và ngửi mùi khói là tôi nhớ cảnh chị em tôi sưởi mồ mẹ ngày đó. Mỗi lần cúng mẹ, chị lấy cái nồi một ra nấu cơm cúng và lần nào chị cũng khóc…”Nước mắt cũng vơi dần, nhường lại nụ cười đồng thuận trong Chuyện tình của cô đào thương* đi tập lại tuồng, ngỡ nghệ thuật sân khấu dân gian bị lãng quên, giờ được củng cố.  

         Văn học là gương mặt tiêu biểu văn hóa đời sống. Đọc truyện ngắn là tìm thấy văn hóa một thời. Không cần kiểm chứng, bởi trên mỗi trang truyện Nam Thi, thể như người thật việc thật ngoài đời ung dung nhập hồn con chữ. Những nhân vật phản diện có thể chỉ lướt qua, nhà văn chú trọng ở cốt truyện với nhân vật chính của mình, đó là cái đẹp tấm lòng nhân hậu mà bạn đọc nhận biết (Bếp lửa đêm ba mươi*, Người có hai nấm mồ*, Người đồng hành*, sao mai lẻ loi*,…). Có những truyện qua những biến cố sự kiện làm nên tính cách nhân vật, dẫu khách quan, nhưng vẫn thể hiện thái độ nghiêm túc của tác giả đối với thời cuộc đã qua (Tiếng hát dưới hầm*, Bức chân dung bỏ quên*,…). Hình tượng mỗi nhân vật trong Nụ hôn đầu của chim én, dẫu có lúc xưng tôi- tư cách tác giả, hay tư cách nhân vật trong tác phẩm cũng đều bộc lộ quan điểm sáng tác rất Nam Thi. Chỉ có điều, quá chú trọng cái chốc lát, cái khoảnh khắc thể loại truyện ngắn mà dựng lên cốt truyện. Đây là thế mạnh của Nam Thi, tiếp nối G. Maupassant,… Đôi lúc thiếu vắng một quá trình đời người như Chí Phèo (Nam Cao), Nhà mẹ Lê (Thach Lam), Kẻ học việc (Ma Văn Kháng), Hổ gù (Lại Văn Long)… ở một số truyện ngắn hiện đại thường gặp.
        Phải chăng thời thế và văn hóa vùng miền nuôi dưỡng tâm hồn nhà báo, nhà văn Nam Thi. Nụ hôn đầu của chim én chính là phong cách tác giả luôn tiềm ẩn vẻ đẹp tự trong giấc mơ, tất yếu thuần phong mĩ tục mãi được duy trì, như khi giọt nước rơi cho hạt kịp nảy mầm sự sống./.
Tháng 03. 2019/ Nguyễn Thị Phụng.
 _________________
*Tên truyện ngắn trong tập.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét