Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM, tản văn Nguyễn Thị Phụng

 NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM*



      Nói đến nghề dạy học, nhân dân ta đã sẻ chia “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”, rồi trân trọng đề cao: “Tôn sư trọng đạo, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Không thầy, đố mầy làm nên,…” trở lại khuyên nhủ  “…Cơm cha áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”. Mực thước đạo làm người xưa nay là phải giữ được mối quan hệ gia đình- thầy trò nên khởi đầu năm mới nhắc nhở: “Mùng một ăn Tết nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”.

       Tiếp nối truyền thống ấy Chính phủ ta chọn ngày 20.11 hằng năm được gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam kể từ 20.11.1982. Có tiền thân từ “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” (gồm 15 chương với nội dung đấu tranh nền giáo dục tư sản, phong kiến; Xây dựng nền giáo dục, bảo vệ quyền lợi, đề cao trách nhiệm, vị trí nghề dạy học và nhà giáo- nên trong Hội nghị của Fise từ ngày 26 đến 30.08.1957 tại Warszawa- Thủ đô Ba Lan, quyết định lấy ngày 20.11. 1957 là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, được 57 nước tham dự trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức là thành viên của Fise).

        Với tôi, nghề giáo vơi đầy kỉ niệm buồn vui. Nghỉ công tác hưởng lương hưu hàng tháng, được Nhà trường, Chính quyền  mời về dự kỉ niệm 20.11 đã là vinh dự. Nhưng với tôi vẫn cứ áy náy vô cùng. Đâu riêng gì mình đã từng đứng trên bục giảng, chúng ta còn có rất nhiều thầy cô giáo với nhiều hoàn cảnh khác nhau trước và sau năm 1975, có người bị buộc thôi việc, có người  xin nghỉ việc với lí do đồng lương không đủ nuôi con, chi tiêu trong gia đình, đa số xin hưởng chế độ một lần. Họ hay đùa là “mất dạy”. Thực ra ngày ấy những cụm từ chế giễu “thầy giáo- tháo giày ra chợ bán, giáo chức- dứt cháo chợ quanh năm,…”. Nhưng kết quả với họ là những đứa con trưởng thành, có công ăn việc làm tương đối là ổn định, cũng đã ủng hộ nhiều cho Hội sau này. Niềm vui tuổi già bên con cháu, trông nôm vườn tược ca nhà vô ra.

       Đó là hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc là trở lại tháng năm cùng “Hội đồng sư phạm”, cùng sẻ chia ngọt bùi gian khó, cùng hội họp ngày Nhà giáo đã thực sự được công nhận chưa. Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi nhận lời ngay khi ông Khưu Đại Lợi- trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Tuy Phước, trưởng Ban vận động thành lập Hội Cựu Giáo chức (CGC)huyện, mời vào Ban thường vụ Hội CGC. Mỗi xã là  một thầy hay cô giáo hưu vào trong Ban chấp hành Hội, rồi tiếp tục vận động thành lập Hội CGC xã. Tôi cùng chị- cô giáo Nguyễn Thị Trướng chở đến từng nhà thăm hỏi tất cả đều mong muốn có ngày họp mặt chung. Điều khó khăn nhất ở một số cán bộ từng làm trong ngành giáo dục cũng từ chối vào Ban chấp hành vì lí do đau bệnh. Vậy đã hưu thì có ai mạnh khỏe nữa đâu. Việc hoàn chỉnh danh sách kí xác nhận trên sáu chục người rồi, hồ sơ hoàn chỉnh rồi, còn kinh phí tổ chức ra mắt thì sao… Dịp hè năm 2016, cô Lê Thị Nga từ Sài Gòn về, mời cô Trướng, cô Nga, cô Dung, vợ chồng thầy Thùy và cô Hoa. Tôi trao đổi và được hưởng ứng, tự nguyện đóng góp trước, tổng số lên được 2 triệu rưỡi. Lại là hạnh phúc giấy mời được gởi đến tận nơi, đúng người nhận.



      Chọn thứ bảy, ngày 30.07.2016 Ra mắt Chi hội CGC Phước Lộc, lại là khó quên. Mở đầu thân thiện nhất là Thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, đại diện cho các thầy cô giới thiệu tên từng người từ Sài Gòn có cô Nga, cô Bình, thầy Chính và cô Tâm; Từ Quy Nhơn có cô Bá Hường, cô Bích Anh; Từ thị trấn Tuy Phước có cô Ngọc Trang,… và tất cả cô thầy, cán bộ, nhân viên đã từng công tác trong ngành giáo dục, đã từng ở tại Phước Lộc cứ tay bắt mặt mừng, ôm nhau có người đã hơn ba mươi năm mới gặp lại… Cũng là thầy Thùy trước đây thường alo “tự phát” họp mặt liên hoan ngày Nhà giáo tại tư gia mình, không phân biệt hưu trí hay nghỉ việc một lần, đã thế các “thầy” còn hào phóng xếp các “cô” là khách mời nên không thu cỗ phần đóng góp nữa kia!... Bởi có cô Trương Thị Hoa đã từng kí “điều ước” với thầy từ thời thanh xuân đấy. Cũng là thầy Thùy, khi tín nhiệm là Chi hội trưởng CGC Phước Lộc, lại tiếp tục alo mặc dù đã kí phát giấy mời nhưng lo “các cụ” quên!... Lại duy trì alo mở rộng bạn bè thân hữu từ xa cũng “xin” vào Hội chung vui tuổi già. Khi dự cuộc họp đầu tiên, thầy đã tham mưu cùng Hội đồng giáo dục xã nhà để tất cả hội viên đều được tặng hoa và quà tôn vinh trong ngày Nhà giáo. Chính vì thế, ngoài Ban chấp hành, nhất là hội viên nữ cũng rất vô tư “xin” đóng góp công việc trong ngày Hội, cùng với Ban chấp hành(thầy Thùy, thầy Hậu, thầy Lợi, cô Dung, cô Bằng,...) thăm hỏi cựu đồng nghiệp mình lúc cơ nhỡ ốm đau… Việc làm không yêu cầu “phụ cấp” mà năng nổ đến vậy. Xuất phát từ tấm lòng nhà giáo xưa nay của người Phước Lộc đầy tự hào văn hóa truyền thống.

       Còn tôi, xin trích lại đoạn phát biểu hôm ấy: “…Chúng ta có biết bao nhiêu người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Kể từ tháng 5. 1975 đến nay trên địa bàn xã Phước Lộc, chúng ta có rất nhiều thầy cô giáo đã vượt khó đến lớp giảng dạy học sinh, tham gia xóa mù ở miền núi xa xôi,… nhưng với đồng lương của thời bao cấp quá ít ỏi không đủ trang trải sinh hoạt thường ngày, nên một số đã phải chuyển ngành, đây là việc làm ngoài ý muốn của một tấm lòng nhà giáo thiết tha yêu nghề mến trẻ…



       … Chúng tôi trực tiếp đến từng nhà thăm hỏi, bức xúc trước hoàn cảnh các thầy cô giáo cao niên lại bệnh tật, có nhiều khó khăn trong sinh hoạt như cô Võ Thị Liên Hoa ở thôn Phú Mỹ 2 bị tai biến. Còn cô Tô Thị Xuân Mai ở Phong Tấn hơn một tháng nay cũng vậy. Cô Đào Thị Kim Tước ở thôn Vinh Thạnh đang điều trị tại bệnh viện Khánh Hòa hơn một năm nay, thầy Nguyễn Tất Tiếu cũng mới mổ tim vừa ra viện,…

       …Một số thầy bị bệnh nan y, tuổi già ra đi không thể chờ ngày Ra mắt Chi hội CGC xã mình như: thầy Nguyễn Ngọc Thanh ở Quảng Tín; thầy Văn Tấn Sùng, thầy Trương Thanh, cô Tống Thị Chinh ở Đại Tín; thầy Nguyễn Văn Miên ở Trung Thành; thầy Nguyễn Tất Hiển, Nguyễn Văn Đức ở Vĩnh Hy; thầy Huỳnh Hồng Đức ở Quang Hy; Thầy Lê Bá Trí, Nguyễn Ngọc Thụy, Phạm Văn Năm ở Hanh Quang; Riêng thầy Nguyễn Nguy Anh ở Trung Thành đi làm ăn xa bị tai nạn giao thông mất mùng ba tết 2016…

     …Chính vì thế mà hôm nay Ban vận động kịp thời Ra mắt Chi hội CGC xã Phước Lộc và đề ra phương hướng hoạt động… cùng phương châm: Đoàn kết, Chăm sóc, Trách nhiệm…

       Vậy là cuối buổi họp mặt ấy, lúc đầu đặt sáu bàn cơm phần lo thiếu 500 ngàn, thì có phụ huynh em Nguyễn Huyền Trân- cựu học sinh Phước Lộc ủng hộ cho đủ, thì giờ số dư lên đến gần mười triệu đồng từ đóng góp của các cô, các thầy và học sinh bổ sung. Mừng. Từ quỹ ban đầu là số không mà cô Dung kế toán cứ phải lo khoản thu nhập sao cho chính xác.

       Mấy ngày sau, điện thoại reo, em Đặng Mậu Mỹ Chi- học sinh Phước Lộc alo, chúng em họp mặt ở Sài Gòn mỗi bạn một triệu gởi biếu Hội, còn nói thêm hôm trước bạn lớp trưởng Phạm Bảo Ân có xin số tài khoản để gởi tiền về tổ chức, mà cô đã từ chối. Đúng rồi. Tôi chỉ muốn huy động từ nguồn quỹ ban đầu mỗi giáo viên góp lại cùng giúp đỡ lẫn nhau. Và sau đó, đại diện nhóm cựu học sinh Phước Lộc: Phan Minh Hải, Trần Duy Vũ, Phạm Xuân Thông, Trương Trọng Thảo, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Bảo Ân, Nguyễn Thị Thanh Nhã và Đặng Mậu Mỹ Chi mang quà về biếu Hội CGC. Rồi từ đó nhân lên có em Nguyễn Minh Hòa và Nguyễn Minh Hiếu Hòa, em Trúc Quỳnh, Huỳnh Lê Đình Toại, Nguyễn Thành Tín, Lưu Thị Vân Yên, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hoa Cúc, Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Tất Toàn, Huỳnh Uy Dũng, và còn nhiều học sinh khác nữa , có em tiếp tục ủng hộ nhiều lần. Dẫu có là con số ít hay nhiều thì nguồn thu cho Hội cũng là nhờ vào việc duy trì vận động chung của thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, thầy Nguyễn Trung Hậu,... Có lẽ tấm lòng nhà giáo khi còn trên bục giảng, trong những ngày 20.11 khuyên học sinh mình hãy tập trung chuyện học để thành danh, thành người. Và hôm nay các em trở về nhiều lần mang nặng món quà tri ân cô, thầy gởi biếu Hội.  Thật sự cảm ơn tất cả trường học, chính quyền địa phương, các cá nhân có tấm lòng đóng góp sẻ chia thăm hỏi hội viên nằm viện, gia đình neo đơn, khó khăn,…



        Trở lại niềm vui 20.11.2016 là ngày Hội đầu tiên Chi hội CGC Phước Lộc.

        Có thể kể người cao niên nhất là cụ Nguyễn Cang, nhân viên bảo vệ trường Tiểu học giờ ở tuổi 90, luôn giữ tiếng trống trường đúng giờ có mặt sớm 30’ theo giấy mời, thầy Nguyễn Đức Độ từng công tác trường Đại học Quy Nhơn ở tuổi ngoài 80 cố gắng trên chiếc xe đạp điện cũng sớm hơn 15’. Rồi đến thầy Nguyễn Quang Cang, thầy Nguyễn Tất Tiếu, thầy Phạm Ngọc Liên, thầy Trần Ngọc Thoại, thầy Huỳnh Trung Trực, thầy Nguyễn Tấn Thái,… Còn như các cô  Võ Thị Ngọc Trang, Đào Thị Việt Hương, Huỳnh Thị Trạch, Nguyễn Thị Thu, Đặng Thị Thanh Tùng, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Duy Cần, Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Nguyễn Thị Chỉnh, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tô Thị Xuân Mai,… Riêng cô Kim Tước nằm viện. Còn tất cả đều đúng giờ như ngày còn đi dạy. Đẹp từ tác phong, từ thái độ ứng xử làm nên nhân cách người thầy tiếp nối bao thế hệ.



        Ông trời xúc động. Cứ rắc rơi, rắc rơi, đổ hạt dập dồn xé vào ruột gan tôi. Mưa mà như đổ lửa vào lòng người. Sao nỡ phụ công những mái đầu đã nhuộm màu phấn trắng bao năm của các cô Trướng, cô Liễu, cô Bạch Tuyết, cô Khanh, cô Dung, cô Chín, cô Bằng,… xúm xít tết nơ vào cho đủ hai chục bó hoa đã xin thêm về tặng hai chục thầy cô ngoài bảy mươi tuổi cùng khung Chúc mừng thọ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nghe thật đơn giản, mà chúng tôi chuẩn bị cả tháng trời. Đã thỏa cơn xúc động, ông trời còn chưa nguôi gởi vào cái nhìn vừa kịp nhận ra nhau điểm đi điểm lại: Chào chị…chào cô…mà thầy tên gì, cô tên gì?... Lạ chưa! Nhớ hồi đó…, nay thế này ư,… Rồi em không nhận ra… Bao nhiêu năm rồi chứ ít gì…

        Quanh những chiếc bàn tròn, dẫu tách trà đã nguội, cà phê còn đọng lại chút ít đáy li, mà hương thơm cứ quấn quýt tỏa theo năm tháng một thời bao cấp đi qua, phải chạy ăn từng bữa, đau đáu rời xa bục giảng, nhớ ơi là nhớ!... Chị Lê Nga nén xúc động, cảm ơn “ban lãnh đạo” nữa chứ… còn đọc thơ gởi gắm: “Nếu mai tôi chết…” giữa hân hoan thể như cày xong thửa ruộng. Thầy Hậu, thầy Lợi, cô Trướng tiếp nối vần thơ về đồng nghiệp về sân trường, bạn bè. Những bó hoa thầm lặng tặng nhau sau mỗi bài thơ, và những bài hát của cô Khanh, cô Hoa, cô Anh, cô Mỹ, cô Thơ, cô Hà, cô Hạnh,... Mỗi bó hoa thay lời nói khoe sắc, tỏa hương.

       Những công việc cứ duy trì thăm hỏi ốm đau, chúc mừng các cô, các thầy lên “thất thập” cũng được làm thường năm vào 20.11.

       Quà 20.11 của Hội CGC. Phước Lộc là như thế.

       Giờ là mong nạn dịch Covid-19 chấm dứt, để chúng tôi dành món quà 20.11 lần thứ năm này bình yên tặng các thầy cô trong Chi hội mình.

Tháng 15. 05. 2020.

*Trích tập Tản văn Về một thời thiếu nữ (NXB HNV, 2020) của Nguyễn Thị Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét