Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

TỪ MỘT TỰA ĐỀ của Nguyễn Thị Phụng- đọc “Đánh đu sợi tóc” của Lê Văn Hiếu

TỪ MỘT TỰA ĐỀ

     Nếu hạt muối thơm ngon từ biển sinh ra, thì thơ là mạch sống khơi nguồn ngôn từ của thi nhân. Dẫu ít nhiều trăn trở. Đôi khi ngỡ áp lực tảng đá đè lên ngực, đôi khi mong manh như sợi tơ, sợi tóc bám víu cuộc đời. Ấy vậy phía sau Từ một tựa đề, thi nhân cá cược cả tập thơ: “Đánh đu sợi tóc”(NXB BNV- 2023) ra mắt bạn đọc cho thỏa mới thôi.

     Với Lê Văn Hiếu, Đánh đu sợi tóc là tập thơ thứ chín. Tự tháo gỡ cảm xúc mình bằng cách nâng niu con chữ thể nâng trứng hứng hoa cho mỗi tứ thơ của mình. Sự lựa chọn tựa đề, hẳn nhiên không thể dễ dãi. Đánh đu sợi tóc thể trêu ghẹo cuộc đời, hay trêu ghẹo mình, và sợi tóc đã thành hình tượng mà thi nhân sẻ chia.

      Biết rằng chỉ một Tản Đà táo bạo “Cung quế đã ai ngồi đó chửa/Cành đa xin chị nhắc lên chơi”(Muốn làm thằng cuội). Biết rằng những ngàn cân treo sợi tóc của thực tại bấy giờ... Biết rằng nắm người có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu. Biết rằng cái răng cái tóc là vóc con người. Kể từ trước đó cho đến:“Cái ngày/ Nhặt một sợi tóc là nhặt một bài thơ/ Nhặt một cái nhìn/ Là thấy mình bồng bềnh trôi về đôi mắt ấy...”(Gót chân hồng)* Và bồng bềnh trôi đã thành cái nghiệp đeo bám thi nhân, thể cái đích của hình tượng theo cấu trúc tứ thơ như một bức phát họa ngôn từ đa thanh sắc.

       Đánh đu sợi tóc là một hiện thực tư duy hình tượng rất Lê Văn Hiếu: “Mang đến chùm nho không mang xác Cáo/ Ta một thợ săn nhưng chỉ săn tình.../... Ta mộng uống nụ cười trong trẻo em”(Một cuộc hẹn tưởng tượng)*. Biết bao chân tình, biết bao khao khát. Hồ dễ ai đánh tráo tật nguyền, vẹn nguyên trước sau như một. Dẫu cái tình đời nắng mưa phai nhạt, dẫu chuyện trăm năm thử thách tâm hồn, thì với anh là sự khẳng định: “Ta xông xênh chiếc áo mới/.../ Chân ta bước mạnh hơn/ Cánh tay ta vung xa hơn/...”(Một trời chim én bay)*. Để đi tìm mùa xuân, mùa xuân chẳng ở đâu xa, cái đẹp của mùa xuân là cái đẹp của thi ca anh đang vói tới: “Một thời ngón tay ta mòn những đốt/ Một thời ngủ thức đợi xuân”. Cái “ta” trong thơ Lê Văn Hiếu không còn là duy trì trải nghiệm, bởi đã chỉn chu trọn vẹn, nâng cao cây bút tài hoa vốn có trên vùng đất quê mình cho sự chọn lựa phong cách.

       Từ sự tiếp nối chung quy những Tơ tóc, Sợi tóc buồn, Tóc trên đầu động cựa, Uống rượu với tóc đã có trong tập Nỗi cô đơn với lửa (NXB HNV 2020) mà Lê Văn Hiếu chưa thỏa cơn say. Cái say bật dậy từ Cái tuổi ta về* nâng niu trìu mến: “Chúng ta lên thuyền và đi thật chậm/ Ngược dòng ngược dòng nghe em”. Sự chuyển dịch tâm hồn cho một tình yêu thiết thực tự nguyện của thi nhân. Sự khám phá tổ ấm đời mình, đời người khác nào: “Bài thơ ta biết đi/ Thả lên trời chim hót/ Ta là cánh chim trời/ Sá gì cái quán trọ/ Mai về ta ru nôi”(Chim trời và quán trọ)*đầy bất ngờ sáng tạo liên cảm xúc kết nối như trong Giấc mơ và cánh đồng*: “Trên ổ rơm anh ngủ/ Mơ cuộn tròn trong em” ấm áp, an lành.

     Từ góc độ nhỏ trong Đánh đu sợi tóc, người đọc nhận ra đời thực thi nhân là gì, cái viên mãn chưa hẳn là vầng trăng đêm rằm thực thể của tự nhiên chế ngự trần gian. Cái đẹp vĩnh hằng trong kí ức không là toại nguyện. Thiếu một chút, nhớ một chút, đắm say một chút,... ắt đủ chất dinh dưỡng cho thơ Lê Văn Hiếu ngân nga duy trì. Đó là sự hàm ơn từ người thân từng gắn bó, từ vùng đất Cây Bông An Nhơn sinh ra, từ bước chân ngụ cư Lâm Hà Tây nguyên thổn thức:

     “... May mà ta làm người xa quê

      Nên quê hương trong ta cứ mỗi ngày mỗi lớn

      Hình bóng cũ mãi về, và yêu thương dậy sóng

      Ta nghe lòng mình ngân nga

      ...

      Thơ ta lành hiền như bụi như đất

      Như con cò vừa đến cạnh rìa ao

      Con ngựa chậm chân mấp mé sườn đồi

      Ngó lên đỉnh núi

      Thôi đành ngồi bệt xuống cỏ mà uống rượu

      Nghĩ tay mình đang giữ chặt trăng

                        (May mà ta chưa cưới em)

     Và trong cảm xúc: “Nghĩ tay mình đang giữ chặt trăng”, thì trăng đã là hình tượng thăng hoa. Em- tỏa sáng, em êm đềm, em ngọt ngào và lung linh tròn trịa. Và có em là có thơ (Đợi trăng, Ngồi vớt tuổi trăng lên, Và em mười sáu,...)*. Ánh trăng ngự trị bên dòng đời, mà dòng đời thì miếng cơm manh áo. Nhẫn nại cuốc cày cho đủ cái ăn cái mặc, che chắn đời mình đời thơ, lắm lúc gieo neo khốn khó. Có là sẻ chia, hay là đồng cảm: “Thương con ngựa oằn minh leo lên dốc Mẹ ơi/ Thương tiếng thét của chim trước mỗi hoàng hôn gọi bạn tình ra đi không về nữa/ Ta thương ta nhởn nhơ ngợi ca loài nhật nguyệt vô chung vô thủy/ Những vần thơ lạc rơi/ Ta thương con giun cần mẫn cày xới mảnh đất trong vườn ta/...”(Thương con giun giữa lòng thành phố)*.

      Trong Đánh đu sợi tóc, Lê Văn Hiếu bộc bạch phận người cấy cày vun xới làm đẹp thể chất khỏe khoắn bao nhiêu, thì đời sống tâm hồn thơ ca rất cần chăm chút nuôi dưỡng trân trọng bấy nhiêu. Nên cách lập luận song hành về quan niệm sống đã đủ thỏa mãn người thưởng thức thơ anh hay không. Khi: “Ta chợt nghĩ hai chữ hạnh phúc không chỉ mang trên cổ- ta đính nó lên đầu ngọn tóc để gió bay chơi./... / Và Trái- Tim- Thơ em ơi/ Là chiếc ví lưu giữ hình bóng em/ Nó sẽ không bao giờ rỗng- Không bao giờ rách thủng...”(Trái tim thơ và một định nghĩa khác)*. Thơ cứ vô tư và trong sáng, một góc chiếu cho tâm hồn thư giãn. Vậy thì, yêu thơ và đến với thơ, đến với ngôn ngữ thơ là vô hạn đất trời đầy phóng khoáng. Nhà thơ Lê Văn Hiếu đã đẩy ngôn ngữ hiện đại vào tứ thơ của mình theo từng chủ đề có được. Bởi chính hiện thực cuộc đời thi nhân là mảnh đất màu mỡ cho thơ sinh sôi và phát triển. Sự phóng khoáng ngôn ngữ đỉnh cao thăng hoa cảm xúc.
      Hành trình đi tìm cái đẹp ngôn ngữ thơ trong Đánh đu sợi tóc để thể hiện chủ đề cho thấy sự cần mẫn đánh đổi đời mình, đời thơ đầy gian nan mà vô cùng bí mật, đủ minh chứng và thuyết phục:“Để nhặt dấu chân trên đường em đi qua/ Ta chui nằm trong cỏ// Để cận kề hơn những chuyến bay đêm/ Ta giấu mình trong những đám mây// Để mơn man ngà ngọc trên vòm ngực em/ Ta nguyện làm hạt nước// Và, ta sẽ- đánh đu sợi tóc/ Để gần ý nghĩ em” (Đánh đu sợi tóc)*.

                            20.09.2023 / Nguyễn Thị Phụng

*Tên các bài thơ trong tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét