MỘT ĐỜI THANH XUÂN
(Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh
Xuân(NXB. HNV
2023)
Bên cạnh trình tự dấu mốc đời người,
thì đời thơ với Nguyễn Thanh Xuân sẽ mãi Một
Đời Thanh Xuân. Và dẫu chọn Hạt Cát- bút danh của anh, thì đó là
sự biến hóa của đất trời núi non để làm nên bãi bờ nâng đỡ dấu chân cho một lần
đi qua lưu lại. Cũng như trong cách sẻ chia: “Mai kia mốt nọ tôi ngồi/ Lượm từng nỗi nhớ kết đôi… nỗi buồn/ Mùa xuân
từ đó mưa tuôn/ Rơi ngàn thảng thốt lên ngồn ngộn xanh!” (Thảng thốt xuân)
cho sự tái sinh bất ngờ luân lưu ắp đầy năm tháng. Trân quý nhà thơ đã cống hiến
hết mình cho văn học tỉnh nhà, đã được sự đồng thuận của gia đình, Hội VHNT
Bình Định sưu tầm gom góp mà trực tiếp là nhà văn Trần Như Luận chọn 80 bài đưa
vào Tuyển
tập thơ Nguyễn Thanh Xuân(NXB. HNV 2023). Lúc sinh thời anh chưa xuất bản
được. Nguyễn Thanh Xuân không chỉ sáng tác thơ, mà còn viết điểm bình tác phấm,
tản văn, truyện ngắn in trên trang báo, tạp chí, tuyển tập,… Từ các Giải thưởng
như Giải khuyến khích truyện ngắn Tuổi hồng(NXB Trẻ, 1992), Giải nhất Thơ Gia
đình Áo Trắng-NXB Trẻ 1995, đến Giải Khuyến khích Thơ Chân dung tuổi mới lớn-
Báo Mực Tím 2002, rồi tới Giải ba Cuộc thi Truyện ngắn Người phụ nữ trong cuộc
sống hôm nay do Báo Phụ nữ Th.p HCM tổ chức trao giải năm 2009. Nhưng ấm áp hơn
là đi vào lòng bạn đọc yêu quý cái tình thơ anh.
1/.Đời người, đời thơ.
Đời
người, đời thơ với Nguyễn Thanh Xuân mang tính kế thừa và cống hiến. Hay đó
là cái duyên thơ ca của đất trời Bình Định đã “chọn” anh là người đỡ đầu cho
bút nhóm Biển Xanh năm 1992, đó là từ tập hợp các cây bút trẻ lớp 11C trường Quốc
học Quy Nhơn. Bút nhóm ấy là trụ cột Gia đình Áo Trắng sau này, mà anh là “Gia
đình trưởng” dìu dắt, nâng đỡ, chăm chút các cây bút trẻ ở Bình Định thành danh
rất nhiều.
Biết rằng trên đường đời, những năm
tháng tuổi thiếu niên tu học tại Tiểu Chủng viện Quy Nhơn(1970-1974), năm học
1974-1975, anh thi vào lớp 10 Ban C(Ban Văn chương) trường Cường Để Quy Nhơn, với
tình yêu thơ văn thì không một ràng buộc khuôn khổ nào níu giữ anh lại. Rồi nghề
đã chọn anh vào trường Trung cấp Lâm nghiệp, năm 1984 Nguyễn Thanh Xuân lập gia
đình, cùng song thân lập nghiệp tại khu kinh tế mới ở Bình Thành Tây Sơn. Sáu
năm sau, anh trở lại Quy Nhơn.
Quy Nhơn là nơi anh sinh ra và lớn lên,
vẫn mang trong mình cốt cách người Hà Tĩnh quê cha và ngọt ngào quê mẹ Thừa
Thiên- Huế. Nhưng có lẽ hòa trong tiếng sóng biển Quy Nhơn mãi trào dâng tâm hồn
thi ca theo mùa không ngừng thăng hoa trên đất trời Bình Định… Rồi, sau bốn
tháng vật vã trong căn bệnh hiểm nghèo, anh về với Nước Chúa trong ngày
07.11.2022 tại tư gia ở Xuân Lộc- Đồng Nai. Hưởng thọ 65 tuổi.
Nhưng lưu tuổi thọ của anh là thời gian niên viễn trên các trang sách
báo, đã từng cộng tác như Tập san Áo Trắng,
Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, Tạp chí Văn nghệ Bình Định, Văn nghệ An Nhơn,
Văn hóa Phật giáo, Báo Bình Định,… và gần đây là Mục Đồng. Cũng như lưu dấu ấn khó quên khi đọc một bài thơ đã in
trên tạp chí, trang báo của bạn bè nào đó, thì anh liền gắn tên họ lên facebook
kèm theo bức chân dung, hay trực tiếp xe máy chở một tâm hồn “Gia đình Áo Trắng”
bên cạnh cầm cả tạp chí và nhuận bút đem đến giao tận tay bạn bè không quản đường
dài dù xăng khan hiếm với anh, kể cả An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn,… Chỉ cùng bù
khú với nhau, khề khà chén nước, hay vị bầu đá mà thường nhắc nhiều trong thơ
anh là vậy. Đó phải chăng món nợ văn chương anh yêu thích được trả thường ngày
đến lúc này chỉ là kỉ niệm.
Trên đường biên hiện thực tâm tưởng,
Nguyễn Thanh Xuân duy trì cảm xúc mãnh liệt qua các tứ thơ với nhiều chủ đề
khác nhau, bằng nhiều thể thơ tự do, lục bát,… đó là tiếng vọng tâm hồn thi sĩ
xao xuyến không nguôi cho sự bứt phá ngôn từ. Thơ Nguyễn Thanh xuân không tiết
chế cảm xúc, bởi khi mưa về, khi nắng ấm là sắc hương hoa đón ánh mặt trời. Và
lúc này thể như dự đoán cũng tàn phai theo mùa mà đời mình cũng vậy. Tuyển
tập thơ Nguyễn Thanh Xuân đón nhận sự chuyển dịch của mưa và mùa xuân đối
với con người cần mẫn thường ngày. Cái tình ăm ắp không nguôi.
2/. Mưa và mùa xuân ngự trị trong trái tim
thi nhân.
Mưa
là hiện tượng của trời đất, nhưng là món nợ của cỏ cây hoa lá và muôn loài. Mùa
xuân không chỉ là khởi đầu của năm, mà xuân tràn đầy sức sống, cho một tình yêu
đẹp đẽ muôn đời, và là báu vật của người, của thi nhân từng ngày khao khát nâng
niu, ôm ấp. Hình hài mưa và mùa xuân chập chờn níu kéo thử thách:
“Tôi đi cuối một cơn mưa
Mùa xuân lún phún lưa thưa ướt buồn
Có con gió ngược bên đường
Đưa tôi về với cội nguồn… tìm tôi” (Đi tìm mùa
xuân)
Con đường đi tìm mùa xuân hẳn về với cội nguồn… tìm tôi có là sự khẳng
định, cái tôi muôn nỗi đánh thức chính mình. Sự sống và lẽ đời đủ chất chứa
tháng ngày qua để đồng cảm, tri ân. Như bao trăn trở, suy tư còn và mất cho sự
tồn tại nào đó, duy trì và tiếp nối: “Con
đường/ Chồng chất những dấu chân đi không lạc lối/ Lầm lụi mưu sinh/ Rong rủi
lang bạt/ Líu ríu tình thân/ Tung tăng thơ dại/ Thời gian cũng tự uốn mình vươn
vai/…”(Nghĩ vẩn vơ về con đường). Nào dễ lãng quên khi cái mới vồ vập làm
xơ cứng tâm hồn, với anh chính là nhắc nhở trân quý những dấu chân không lạc lối
xưa nay, kế thừa điểm tô mùa xuân hiện hữu lòng người.
Cảm hứng sáng tác trong thơ Nguyễn
Thanh Xuân thường nồng cháy, còn bối rối khi đi trong Mưa bụi ngày xuân*: “Có
thể mưa không trĩu bước/ Chỉ phơn phớt lạnh bình minh/ Lại Giang bao lần ngập
gió/ Mà sao lập cập riêng mình// Sau lưng phố phường rộn rã/ Cánh đồng kể chuyện
ngày mai/ Mồ hôi nảy mầm xanh lúa/ Em gánh nụ cười trên vai/…” Thi nhân đã
tạc bức họa ngôn từ tươi tắn trẻ trung trong thể thơ sáu chữ thu hút thị giác,
bạn đọc nhận ra để đón nhận hạnh phúc lắm gian nan, từ những khó khăn cơm áo của
một thời đã gửi lại dáng hình, chăm chút: “Cha
đốt đời mình trong nhọc nhằn lam lũ/ Những ngọn lửa tượng hình những giọt mồ
hôi/ Nồng cháy tàn tro bón đất ân tình/ Giấc mơ xanh đâm chồi nảy lộc”(Thắp
lửa). Bao quát không gian và ước vọng thăng hoa của Nguyễn Thanh Xuân ngỡ chừng
đối lập, bất ngờ bởi mầm xanh nhận ra sự sống, tin yêu. Cái đẹp ngôn ngữ dung
hòa con người từ bàn tay lao động và đất trời mưa nắng tạo nên sinh khí mới mẻ ấm
áp vươn lên.
Từ trong mối lương duyên giữa vũ trụ
và con người với thi nhân. Không gian mùa xuân đất trời tuần hoàn, đã thành mùa
xuân tâm tưởng cùng hạt mưa kia tắm mát tâm hồn đâu riêng nhà thơ, của mọi nhà
mọi người trong một tứ thơ đầy âm điệu và tiết tấu trăn trở mà bao dung, ray rức
mà ấm nồng làm sao khi còn Mắc nợ mùa xuân*:
“Tôi
mắc nợ mùa xuân một nụ cười
Với người hàng xóm chưa một lần bắt
chuyện
Cuộc sống bây giờ bếp ga, nồi điện
Đâu còn nhớ câu “tối lửa tắt đèn”
Chỉ có gió cứ rộng lòng thổi suốt
Mùa xuân ai đóng cửa cài then?
Tôi mắc nợ mùa xuân một bầu trời xanh
trong mắt
Tầm nhìn xa không vượt khỏi lòng mình…
……..
Tôi mắc nợ tuổi thơ đồng tiền mừng tuổi
Phân vân với đứa trẻ không nhà
Phân vân trước rủi may những tờ vé dạo
Mùa xuân nhiều khi ngơ ngác lạ
Mãi xinh tươi như chuyện thường tình…”
Biết
rằng cái đẹp câu thơ là cội nguồn ngôn ngữ, nâng cao giá trị thuần khiết tâm hồn
cho một trường liên tưởng nào đó. Nhưng với Nguyễn Thanh Xuân lại vô cùng ám ảnh
suy tư trong cái kết vay trả đời mình thể linh ứng lựa chọn: “Tôi mắc nợ Chúa tôi một trái tim rỉ máu/
Gieo yêu thương trên từng bước chân người/ Mùa xuân đâu bừng nở những bông hoa
giả?/ Đợi một mùa xuân rất thật ở quê Trời…”.
Với chủ đề Mưa và Mùa xuân có đến mười
bảy bài trong tuyển tập cứ hòa quyện nhau, thể như ma lực cuốn hút thi nhân khó
lòng bức ra được. Biết rằng, tuổi đời Đi Qua* như chuyển dịch của tự nhiên. Tự
nhiên chuyển dịch tồn tại vĩnh hằng, còn đời người không dừng lại mà nhắc nhở
duy trì cho Tiếng Cười Tự Do* ghi tạc: “Con
đường dắt ánh mắt vào mùa xưa xa/…/ Bên cánh đồng Cô Hầu/ Gió vẫn rền vang tiếng
cồng chiêng tập trận/ Thời gian không xóa lấp được những hạt vàng nuôi quân/ Bật
lên những mầm xanh tươi mới/ Lũ hậu sinh chúng tôi đu dây vào quá khứ/ Bằng sợi
dây kiên cường của nghìn năm giữ nước/ Vỡ những niềm vui khải hoàn/ Vỡ những tiếng
cười/ Tự do” hân hoan sảng khoái vô
cùng.
Hành trình thơ Nguyễn Thanh Xuân luôn
mang tính sáng tạo kế thừa thể lưu trữ lịch sử trên mỗi điểm dừng chân. Rất thiết
thực bởi đi vào đời sống tâm hồn là sự cộng hưởng nhịp đập trái tim của một
tình yêu chân chính. Luôn là sự vận chuyển không ngừng như mưa và mùa xuân. Như
khi Cả nghĩ về Đà Lạt*, lúc Chạm tay vào Huế*, Quê ngoại* những Hun hút Tây
Nguyên*, chút xao xuyến Qua Kon Tum
nhớ bạn*, Người lên rừng nhớ biển*,… dù đau đáu vẫn dặn lòng mình: “Mặt trời đến đây từ biển/ Có mang theo nắng
quê mình/ Một chút long lanh mắt lá/ Giữ làm sao biển trong tim”. Để chuốt
cái say vào cái tỉnh mà trân quý tình đất tình người đã đùm bọc mình từ văn hóa
phong tục tập quán,.. biết bao khoảnh khắc dấu yêu đi vào tứ thơ làm nên tựa đề:
từ Bóng Tháp* đến Thần Thoại Tình*, Cây Me Cổ Thụ Ở Bảo Tàng Quang Trung*, Lỗi Hẹn Sông
Côn*, Chiều Trên Mộ Hàn Mặc Tử, Trên Đồi Trăng*,… Có lẽ lịch sử văn hóa
Bình Định nuôi dưỡng tâm hồn trái tim thi nhân chân tình ấm áp:
“Rượu
còn trong vắt nghĩa tình
Còn say Bàu Đá gọi… “Bình Định ơi!”
Dốc ly… “trót” một cuộc người
Rượu gì rượu ấm lòng tôi thế này!”.
(Rượu tình)
Với một tấm lòng thiện lương giữa xô
bồ nghiêng ngã, bên cạnh những vụ lợi cá nhân, những thiệt giả lẫn lộn, Nguyễn
Thanh Xuân dặn lòng mình trong những vần thơ chân tình, giá trị sự sống công bằng
không thể đánh mất được trái tim nhân hậu, khi thơ vẫn còn tồn tại với người cầm
bút. Trên từng bậc thềm mùa xuân vươn tới, cận cảnh hay xa mút tầm tay, thì đất
trời an nhiên gieo mưa tắm gội, dẫu nỗi buồn xâm nhập thì cái buồn vẫn đẹp: “Lòng ôm lòng chếnh choáng/ Say với trời lặng
thinh”(Chiếc lá mùa xuân), mượn thơ giải tỏa gửi gắm cũng là phép thử xưa
nay của các bậc thi nhân: “Tôi cầm lên
trái tim tôi/ Như cầm lên cả bồi hồi thời gian/ Ngày mang theo nắng dở dang/
Tháng năm mang những lỡ làng mùa đi/ Nỗi lòng có rất nhiều khi/ Ướt mưa như ngỡ
xanh rì cỏ non”(Nói với cô đơn) mà mướt mượt như thế. Thật là thi sĩ tài
hoa./.
Nguyễn Thị Phụng.
……….
*Tên
các bài thơ trong tuyển tập Nguyễn Thanh Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét