Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

DÁNG DẤP MỘT SẮC HƯƠNG, bài viết của Nguyễn Thị Phụng.

 

DÁNG DẤP MỘT SẮC HƯƠNG


(Đọc Bóng hoa-Tập truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng- NXB.HNV.2024).

                         (Đọc Bóng hoa-Tập truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng- NXB.HNV.2024).

         Thể minh chứng đặt tựa đề cho tập truyện ngắn của mỗi tác giả, không là sự trùng lặp thông qua cốt truyện nhằm nêu bật chủ đề khai thác đặc điểm nhân vật. Nếu như trên vùng đất văn chương Bình Định, Bóng Rồng (2020) tập truyện ngắn đầu tay viết về đề tài lịch sử của Nhà văn Triều La Vỹ rất đậm chất thơ, ở Phạm Hữu Hoàng lại đậm chất văn: Bóng hoa (2024) là tập truyện thứ tư, sau Vương pháp (2009), Đêm ảo huyền (2015), Nguyệt cầm (2020) tất cả phảng phất thông điệp nhẹ nhàng mà trăn trở về các nhân vật lịch sử thời quá khứ, cùng với góc nhìn về những con người thời hiện đại. Với thể tài truyện ngắn, anh được vinh danh ba lần Giải B, Giải thưởng VHNT. Đào Tấn - Xuân Diệu cho ba tập truyện ngắn của mình.

           Dáng dấp Bóng hoa. Không là đối chiếu nhưng tiếp nối phần nào cái hay trong truyện lịch sử há thể vin vào uy quyền chế độ quân chủ làm mất đi những ứng xử văn hóa tự lòng người rất nhân hậu. Cũng như nội dung mượn tên các nhân vật lịch sử nói chung, cách Phạm Hữu Hoàng đưa nhân vật chính vào tình huống thử thách đối với bậc trung quân, khi đứng trước nguy cơ vận mệnh của dân tộc trong cuộc nội chiến thời Trịnh- Nguyễn, Tây Sơn, … cần chọn lựa việc bảo vệ vương triều và tình riêng gia đình, lưu lại hậu thế về một góc nhìn giữa tham vọng quyền lực đã có từ xa xưa. Bên cạnh vẫn duy trì cái đẹp kiên trinh, thuần khiết.

           Con người thời cuộc trong truyện lịch sử của Phạm Hữu Hoàng.

           Đó là truyện Hoàng hoa tiên tử, viết về Trương Văn Đa- con thầy giáo Trương Văn Hiến là một tuấn kiệt đa mưu túc trí, từ buổi đầu theo Nguyễn Nhạc, được trọng dụng và cân nhắc làm phò mã, gã con gái Nguyệt Hương cho Trương Văn Đa. Khi tình hình phía Nam, Gia Định rơi vào tay Nguyễn Ánh, Trương Văn Đa xin được chinh Nam cùng Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ. Hình ảnh Trương Văn Đa với vườn hoa tiên tử trong ba thời điểm: đó là sự ra đời của Nguyệt Hương và gắn với tình yêu với nàng; Thứ nữa, Trương Văn Đa thể là võ tướng, gắn bó với thiên nhiên, đưa Nguyệt Hương thăm thú vườn cây, kênh rạch,… và vườn hoa tiên tử trồng sau ngày dẹp yên giặc ở phía nam. Nhưng sau đó nội bộ bất hòa, thế cờ đảo ngược Trương Văn Đa bị giam và được thoát thân là nhờ vào quản ngục là người nhà với Nguyệt Hương. Sau cùng, từ nơi ẩn mình, Trương Văn Đa cũng bị phát hiện ra tình yêu vườn hoa tiên tử mà Vua Gia Long phát lệnh truy tìm. Trong mối giao lưu thâm tình, quan tri huyện sở tại thanh liêm hiền đức ứng xử rất nhân văn, cũng là cơ hộiTrương Văn Đa thỏa nguyện ra đi kết liễu đời mình về tình yêu bất tử đầy thăng hoa cảm xúc.

            Nói đến tựa truyện Én liệng truông mây, lại nhớ đến câu ca dao: “Chiều chiều én liệng truông mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành” phần nào giữa hai hình ảnh đối lập cánh chim và con người từ góc nhìn đâu chỉ thời kì ở Đàng trong chúa Nguyễn Phúc Khoát ăn chơi hưởng lạc. Quốc cữu Trương Phúc Loan chuyên quyền, quan lại bất chấp thủ đoạn vơ vét, luồn lách, riêng Lía ngỡ sức mạnh phi thường mà há thắng được bản ngã. Từ mối thâm tình đón nhận Vi Thượng ở Truông Mây, mà trước đó đã hàm ơn Vi Thượng- giàu nghị lực, văn võ song toàn, che chở cứu nguy hai mẹ con Lía. Để rồi hiểu được sự tình, Vi Thượng khuyên Lía giương cao cờ nghĩa, chống lại triều đình, được các nạn nhân theo về một mối. Nhân cơ hội cuộc thi võ nghệ mà tiến công vào phủ thành Quy Nhơn diệt Đinh Phiệt, tên quan Tuần phủ ấy đi kinh lí đã cho thuộc hạ cướp Trúc Nhã, cô gái đẹp nhất làng đang chờ ngày đại hỉ cùng Vi Thượng. Lía chấp nhận kế sách của Vi Thượng cứu Trúc Nhã. Ngược lại, tình đời khó đoán, Trúc Nhã rơi vào tay Lía, khi về Sơn trại bắt giam Vi Thượng với ý đồ: “Hay là giết phắt nó đi, Trúc Nhã không còn gì tơ tưởng, mình dễ dàng đạt mục đích”. Nhưng bất chợt lại nhớ tới ơn tri ngộ… nên không thể. Ân nghĩa tình đời cũng là thử thách lớn trong Lía lúc này. Lía bị rơi vào kế sách của quân triều đình đột ngột rút lui kết hợp với Trúc Nhã trong bữa tiệc khao quân. Khi tỉnh ra, biết mình bị lừa đành bất lực vùng dậy mang cả tấm phản bị trói vào thân chạy về bóng đêm mịt mùng… Âm thanh tiếng sáo Vi Thượng bên mỏm đá nơi Truông mây, đàn én bay về chỉ có được lúc này thể như chắp cánh cho tình yêu Vi Thượng và Trúc Nhã. Những rắp tâm phản nghịch mong chiếm đoạt đều bị thất bại, đớn đau. Nếu đề cao sức mạnh thể lực chưa kết luận được về người anh hùng, nếu thiếu dũng khí, ân tình. Cái kết Én liệng Truông Mây đã phần nào cảm thương chú Lía từ dân gian lưu lại trong cách xây dựng nhân vật của Nhà văn Phạm Hữu Hoàng đủ tường minh thể như bộ phim tình sử.

              Còn đối với bậc cao nhân Cao Bá Quát trong Man mác bên đời trọng hiền tài biết bài thi Lê Bân bị phạm húy trong khoa thi Hương năm Tân Sửu(1841) đã bất chấp dùng son hòa muội đèn chữa lại trong bài sơ khảo. Nên khi đang trong ngục, Cao Bá Quát được Lê Bân xin làm học trò, hiếu trọng khâm phục và ngưỡng mộ Cao Bá Quát. Bởi hiểu được Cao Bá Quát căm ghét bọn Tây Dương, gần gũi với dân cùng bảo vệ mùa màng, vận động thổ hào, sĩ phu,… quyên góp tiền của thóc gạo cứu đói cho dân. Từ bài hịch đầy nghĩa khí của Cao Bá Quát, để rồi trong tình thế nguy cấp lúc chống lại quân triều đình nhu nhược, Lê Bân toàn tâm khí khái hiệu lệnh: “Nghiệp lớn thành bại ở trong tay Quốc sư. Vì đại cục, hãy đưa áo choàng cho học trò và đi mau”.   Thanh ấm tiếng địch và những bài thơ Cao Bá Quát bên đời giữa núi rừng lúc ấy còn vọng lại đến hôm nay.

          Những nhân vật như Lê Sơn trong Huyết Lệ Chi thời Lê đã dụng mưu thua kế đàn bà, bị cuốn vào cuộc tranh chấp quyền lực chốn cung đình, thành tội nhân mà phụ lòng ân sư Nguyễn Trãi. Sự trăn trở của Lê Sơn không chỉ vì tình riêng mà còn nói đến tính cách con người khi bàn tay lỡ nhúng chàm thì không tẩy sạch. Cũng là tiếng nói của lương tri không vì mình mà hại người.

            Còn trong Ngun ngút cờ lau viết thời Đinh Tiên Hoàng thế kỉ thứ VIII, một Đinh Quốc Công- Nguyễn Bặc cùng bề tôi trung thành nhà Đinh chống lại Lê Hoàn đã thất bại, đầy trăn trở cho cái kết ngậm ngùi. Khi không lo mối nguy dã tâm nhà Tống xâm lược mà lại vướng vào chốn hậu cung.

           Hình ảnh từ  hoàng cung, khuê các trong truyện lịch sử của Phạm Hữu Hoàng. Nói đến nơi khuê các, hoàng cung ở đây là dáng dấp vẻ đẹp về người phụ nữ có là vai trò quyết định vương triều thành bại hay không. Nhưng sự đối lập vốn có ở mỗi người.

            Nếu như vẻ đẹp tâm hồn của một Nguyệt Hương trong Hoàng hoa tiên tử đâu chỉ là sức mạnh từ một tình yêu chân chính mà còn là niềm tin cho Trương Văn Đa quyết chí lập công.

            Hay một Trúc Nhã đoan trang biết tự bảo vệ mình, khi bị bắt vào biệt phủ biết phối hợp kế bày để trói được Lía, vì háo sắc quên nghĩa nhân trong Én liệng Truông Mây.

             Hay một Giọt lệ nàng An Nhiên thời chúa Nguyễn Phuc Xuân, không ngại gian nguy, “nằng nặc: - Xin được theo chàng, gian lao đến mấy thiếp cũng chịu được” từ đón nhận không gian núi rừng thiên nhiên tráng lệ đẹp đẽ hiện ra trước mắt khác hoàn toàn dinh thự nguy nga gò bó tâm hồn khoáng đãng, để tháp tùng Tôn Thất Quyền, khuyên chàng tận trung báo quốc. Rồi, gặp hiểm nguy Tôn Thất Quyền tử trận, dẫn đến đau xót cho nàng An Nhiên, mà luận ra thắng thua thành bại thì đời ta biến hòa theo mây trời. Chỉ vẻ đẹp tình người mãi lưu giữ bền lâu.

           Đến truyện Duyên nợ trùng sinh, vẫn là nội chiến thời Trịnh – Nguyễn, nhà Tây Sơn, viết về Lê Văn Hưng với Ngọc Bích, chờ ngày nên vợ nên chồng, nàng bị Hắc Liệt dùng uy quyền cho người cướp về với dã tâm chiếm đoạt, nhưng nàng tự vẩn, để rồi trong giấc mơ tái hiện, trong hiện thực cảm xúc dạt dào sau thanh âm của người ca kỹ: “Lời thề xưa luôn nhớ/ Tha thiết nỗi mong chờ/ Long riêng ai thấu tỏ/ Đến bao giờ đoàn viên…”. Sự tái hiện một Ngọc Bích trong tiếng đàn lời ca ai oán là hình tượng khí tiết trung trinh cho tình tiết cái kết siêu thực ám ảnh, đó là phải thay đổi nhận thức lấy chữ nhân làm trọng.

         Giá trị văn chương truyện lịch sử của Phạm Hữu Hoàng vừa là thông điệp thẩm mĩ cho người tiếp nhận, đồng cảm luôn mở rộng trái tim chân tình duy trì sự sống đầy ý nghĩa hơn.

        Bóng hoa, là một trong sáu truyện hiện đại lại tiếp nối dẫn dắt niềm đam mê hướng đến cái đẹp trong cuộc sống. Đứng trước sự lựa chọn cho lối thoát tâm hồn đối chiếu. Mở ra nhân vật ông Nguyện, người ba đã nhờ “gã” dưa đến cuộc họp mặt bạn bè… Nếu cuộc đời là bức tranh vẽ, “gã” chọn bức tranh vẻ đẹp Bóng hoa là cách sẻ chia đời “gã” va vấp thực tế không mong muốn. Cũng là chủ ý nhà văn sắp xếp Duyên nợ trùng sinh (truyện lịch sử) tiếp đến Bóng hoa (truyện hiện đại) đều mang tính siêu thực thể như lời cảnh báo, thời gian luôn là sự tiếp diễn, về một phương châm: nếu không tử tế với mình dẫn đến nhiều hệ lụy cho người khác quanh ta.

               Với truyện hiện đại đầy trăn trở, nội tâm và thử thách hoàn cảnh của các nhân vật: Như Phương Anh trong Như mây ngàn trôi, một y sĩ được tăng cường vào vùng dịch Covid- 19, còn là vẻ đẹp của một điều dưỡng cũng như đội ngũ y- bác sĩ bệnh viện. Như gã và Hải hoàn toàn đối lập tính cách trong Tiếng gõ cửa cuối cùng, chốt cái kết thanh âm hi vọng thể ân huệ cuối cùng của đời người. Một sự cám dỗ trong Cầu vồng tình yêu viết về Lan Phương bị Trần Huy lợi dụng công việc chiếm đoạt thể xác và Thân- chồng nàng,  nhân vật xuất thân từ cô nhi viện, tìm về lối cũ thể như cuộc phiêu lưu truyện cổ tích thời nay. Cả Tiếng gọi đò trong sương, mô tiếp viết về người lính trong kháng chiến trở về, vẻ đẹp của sự hi sinh luôn có sẵn, còn tình yêu đôi lứa khó mà sẻ chia. Đến truyện Mino của tôi, với nhân vật xưng tôi- từ mối quan hệ người cháu trong gia đình có hai anh em hòa thuận, cô em gái dù ở ngước ngoài vẫn giữ được phong tục gia đình, yêu quý loài vật. Tôi- tự dằn vặt nội tâm khi người cô tin tưởng gửi gắm cháu chăm sóc dẫu chỉ là con Mino giữ nhà, khi một con chó còn biết nhớ chủ.

          Có thể nói tập Bóng hoa của Phạm Hữu Hoàng đã vẽ ra phép thử đối lập tính cách xoay quanh các nhân vật phản diện gò bó trong bức tường tù túng sân si, cuối cùng dẫn đến tang thương; Bên cạnh là đời sống tâm hồn luôn được chăm chút nâng niu, cả một không gian sắc hương hoa lá, núi đồi trùng điệp không thể thiếu, duy trì giá trị nhân văn trong cuộc sống, nên truyện ngắn vừa đủ dung lượng chuyển tải cảm xúc sâu lắng cho người đọc hôm nay./.

                                   10.12.2024 / Nguyễn Thị Phụng

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét