Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

MỘT ĐỜI THANH XUÂN,(Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân) Nguyễn Thị Phụng

 

MỘT ĐỜI THANH XUÂN
(Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân(NXB. HNV 2023)

             Bên cạnh trình tự dấu mốc đời người, thì đời thơ với Nguyễn Thanh Xuân sẽ mãi Một Đời Thanh Xuân. Và dẫu chọn Hạt Cát- bút danh của anh, thì đó là sự biến hóa của đất trời núi non để làm nên bãi bờ nâng đỡ dấu chân cho một lần đi qua lưu lại. Cũng như trong cách sẻ chia: “Mai kia mốt nọ tôi ngồi/ Lượm từng nỗi nhớ kết đôi… nỗi buồn/ Mùa xuân từ đó mưa tuôn/ Rơi ngàn thảng thốt lên ngồn ngộn xanh!” (Thảng thốt xuân) cho sự tái sinh bất ngờ luân lưu ắp đầy năm tháng. Trân quý nhà thơ đã cống hiến hết mình cho văn học tỉnh nhà, đã được sự đồng thuận của gia đình, Hội VHNT Bình Định sưu tầm gom góp mà trực tiếp là nhà văn Trần Như Luận chọn 80 bài đưa vào Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân(NXB. HNV 2023). Lúc sinh thời anh chưa xuất bản được. Nguyễn Thanh Xuân không chỉ sáng tác thơ, mà còn viết điểm bình tác phấm, tản văn, truyện ngắn in trên trang báo, tạp chí, tuyển tập,… Từ các Giải thưởng như Giải khuyến khích truyện ngắn Tuổi hồng(NXB Trẻ, 1992), Giải nhất Thơ Gia đình Áo Trắng-NXB Trẻ 1995, đến Giải Khuyến khích Thơ Chân dung tuổi mới lớn- Báo Mực Tím 2002, rồi tới Giải ba Cuộc thi Truyện ngắn Người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay do Báo Phụ nữ Th.p HCM tổ chức trao giải năm 2009. Nhưng ấm áp hơn là đi vào lòng bạn đọc yêu quý cái tình thơ anh.

        1/.Đời người, đời thơ.

       Đời người, đời thơ với Nguyễn Thanh Xuân mang tính kế thừa và cống hiến. Hay đó là cái duyên thơ ca của đất trời Bình Định đã “chọn” anh là người đỡ đầu cho bút nhóm Biển Xanh năm 1992, đó là từ tập hợp các cây bút trẻ lớp 11C trường Quốc học Quy Nhơn. Bút nhóm ấy là trụ cột Gia đình Áo Trắng sau này, mà anh là “Gia đình trưởng” dìu dắt, nâng đỡ, chăm chút các cây bút trẻ ở Bình Định thành danh rất nhiều.

         Biết rằng trên đường đời, những năm tháng tuổi thiếu niên tu học tại Tiểu Chủng viện Quy Nhơn(1970-1974), năm học 1974-1975, anh thi vào lớp 10 Ban C(Ban Văn chương) trường Cường Để Quy Nhơn, với tình yêu thơ văn thì không một ràng buộc khuôn khổ nào níu giữ anh lại. Rồi nghề đã chọn anh vào trường Trung cấp Lâm nghiệp, năm 1984 Nguyễn Thanh Xuân lập gia đình, cùng song thân lập nghiệp tại khu kinh tế mới ở Bình Thành Tây Sơn. Sáu năm sau, anh trở lại Quy Nhơn.

            Quy Nhơn là nơi anh sinh ra và lớn lên, vẫn mang trong mình cốt cách người Hà Tĩnh quê cha và ngọt ngào quê mẹ Thừa Thiên- Huế. Nhưng có lẽ hòa trong tiếng sóng biển Quy Nhơn mãi trào dâng tâm hồn thi ca theo mùa không ngừng thăng hoa trên đất trời Bình Định… Rồi, sau bốn tháng vật vã trong căn bệnh hiểm nghèo, anh về với Nước Chúa trong ngày 07.11.2022 tại tư gia ở Xuân Lộc- Đồng Nai. Hưởng thọ 65 tuổi.

          Nhưng lưu tuổi thọ của anh là thời gian niên viễn trên các trang sách báo, đã từng cộng tác như Tập san Áo Trắng, Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, Tạp chí Văn nghệ Bình Định, Văn nghệ An Nhơn, Văn hóa Phật giáo, Báo Bình Định,… và gần đây là Mục Đồng. Cũng như lưu dấu ấn khó quên khi đọc một bài thơ đã in trên tạp chí, trang báo của bạn bè nào đó, thì anh liền gắn tên họ lên facebook kèm theo bức chân dung, hay trực tiếp xe máy chở một tâm hồn “Gia đình Áo Trắng” bên cạnh cầm cả tạp chí và nhuận bút đem đến giao tận tay bạn bè không quản đường dài dù xăng khan hiếm với anh, kể cả An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn,… Chỉ cùng bù khú với nhau, khề khà chén nước, hay vị bầu đá mà thường nhắc nhiều trong thơ anh là vậy. Đó phải chăng món nợ văn chương anh yêu thích được trả thường ngày đến lúc này chỉ là kỉ niệm.

          Trên đường biên hiện thực tâm tưởng, Nguyễn Thanh Xuân duy trì cảm xúc mãnh liệt qua các tứ thơ với nhiều chủ đề khác nhau, bằng nhiều thể thơ tự do, lục bát,… đó là tiếng vọng tâm hồn thi sĩ xao xuyến không nguôi cho sự bứt phá ngôn từ. Thơ Nguyễn Thanh xuân không tiết chế cảm xúc, bởi khi mưa về, khi nắng ấm là sắc hương hoa đón ánh mặt trời. Và lúc này thể như dự đoán cũng tàn phai theo mùa mà đời mình cũng vậy. Tuyển tập thơ Nguyễn Thanh Xuân đón nhận sự chuyển dịch của mưa và mùa xuân đối với con người cần mẫn thường ngày. Cái tình ăm ắp không nguôi.

 

         2/. Mưa và mùa xuân ngự trị trong trái tim thi nhân.

         Mưa là hiện tượng của trời đất, nhưng là món nợ của cỏ cây hoa lá và muôn loài. Mùa xuân không chỉ là khởi đầu của năm, mà xuân tràn đầy sức sống, cho một tình yêu đẹp đẽ muôn đời, và là báu vật của người, của thi nhân từng ngày khao khát nâng niu, ôm ấp. Hình hài mưa và mùa xuân chập chờn níu kéo thử thách:

       Tôi đi cuối một cơn mưa   
         Mùa xuân lún phún lưa thưa ướt buồn
         Có con gió ngược bên đường
         Đưa tôi về với cội nguồn… tìm tôi                                                                         (Đi tìm mùa xuân)

         Con đường đi tìm mùa xuân hẳn về với cội nguồn… tìm tôi có là sự khẳng định, cái tôi muôn nỗi đánh thức chính mình. Sự sống và lẽ đời đủ chất chứa tháng ngày qua để đồng cảm, tri ân. Như bao trăn trở, suy tư còn và mất cho sự tồn tại nào đó, duy trì và tiếp nối: “Con đường/ Chồng chất những dấu chân đi không lạc lối/ Lầm lụi mưu sinh/ Rong rủi lang bạt/ Líu ríu tình thân/ Tung tăng thơ dại/ Thời gian cũng tự uốn mình vươn vai/…”(Nghĩ vẩn vơ về con đường). Nào dễ lãng quên khi cái mới vồ vập làm xơ cứng tâm hồn, với anh chính là nhắc nhở trân quý những dấu chân không lạc lối xưa nay, kế thừa điểm tô mùa xuân hiện hữu lòng người.

          Cảm hứng sáng tác trong thơ Nguyễn Thanh Xuân thường nồng cháy, còn bối rối khi đi trong Mưa bụi ngày xuân*: “Có thể mưa không trĩu bước/ Chỉ phơn phớt lạnh bình minh/ Lại Giang bao lần ngập gió/ Mà sao lập cập riêng mình// Sau lưng phố phường rộn rã/ Cánh đồng kể chuyện ngày mai/ Mồ hôi nảy mầm xanh lúa/ Em gánh nụ cười trên vai/…” Thi nhân đã tạc bức họa ngôn từ tươi tắn trẻ trung trong thể thơ sáu chữ thu hút thị giác, bạn đọc nhận ra để đón nhận hạnh phúc lắm gian nan, từ những khó khăn cơm áo của một thời đã gửi lại dáng hình, chăm chút: “Cha đốt đời mình trong nhọc nhằn lam lũ/ Những ngọn lửa tượng hình những giọt mồ hôi/ Nồng cháy tàn tro bón đất ân tình/ Giấc mơ xanh đâm chồi nảy lộc”(Thắp lửa). Bao quát không gian và ước vọng thăng hoa của Nguyễn Thanh Xuân ngỡ chừng đối lập, bất ngờ bởi mầm xanh nhận ra sự sống, tin yêu. Cái đẹp ngôn ngữ dung hòa con người từ bàn tay lao động và đất trời mưa nắng tạo nên sinh khí mới mẻ ấm áp vươn lên.

            Từ trong mối lương duyên giữa vũ trụ và con người với thi nhân. Không gian mùa xuân đất trời tuần hoàn, đã thành mùa xuân tâm tưởng cùng hạt mưa kia tắm mát tâm hồn đâu riêng nhà thơ, của mọi nhà mọi người trong một tứ thơ đầy âm điệu và tiết tấu trăn trở mà bao dung, ray rức mà ấm nồng làm sao khi còn Mắc nợ mùa xuân*:

           Tôi mắc nợ mùa xuân một nụ cười
        Với người hàng xóm chưa một lần bắt chuyện
        Cuộc sống bây giờ bếp ga, nồi điện
        Đâu còn nhớ câu “tối lửa tắt đèn”
        Chỉ có gió cứ rộng lòng thổi suốt
        Mùa xuân ai đóng cửa cài then?

        Tôi mắc nợ mùa xuân một bầu trời xanh trong mắt
        Tầm nhìn xa không vượt khỏi lòng mình…

         ……..
         Tôi mắc nợ tuổi thơ đồng tiền mừng tuổi
          Phân vân với đứa trẻ không nhà
         Phân vân trước rủi may những tờ vé dạo
         Mùa xuân nhiều khi ngơ ngác lạ
         Mãi xinh tươi như chuyện thường tình…”

             Biết rằng cái đẹp câu thơ là cội nguồn ngôn ngữ, nâng cao giá trị thuần khiết tâm hồn cho một trường liên tưởng nào đó. Nhưng với Nguyễn Thanh Xuân lại vô cùng ám ảnh suy tư trong cái kết vay trả đời mình thể linh ứng lựa chọn: “Tôi mắc nợ Chúa tôi một trái tim rỉ máu/ Gieo yêu thương trên từng bước chân người/ Mùa xuân đâu bừng nở những bông hoa giả?/ Đợi một mùa xuân rất thật ở quê Trời…”.

         Với chủ đề Mưa và Mùa xuân có đến mười bảy bài trong tuyển tập cứ hòa quyện nhau, thể như ma lực cuốn hút thi nhân khó lòng bức ra được. Biết rằng, tuổi đời Đi Qua* như chuyển dịch của tự nhiên. Tự nhiên chuyển dịch tồn tại vĩnh hằng, còn đời người không dừng lại mà nhắc nhở duy trì cho Tiếng Cười Tự Do* ghi tạc: “Con đường dắt ánh mắt vào mùa xưa xa/…/ Bên cánh đồng Cô Hầu/ Gió vẫn rền vang tiếng cồng chiêng tập trận/ Thời gian không xóa lấp được những hạt vàng nuôi quân/ Bật lên những mầm xanh tươi mới/ Lũ hậu sinh chúng tôi đu dây vào quá khứ/ Bằng sợi dây kiên cường của nghìn năm giữ nước/ Vỡ những niềm vui khải hoàn/ Vỡ những tiếng cười/ Tự do  hân hoan sảng khoái vô cùng.

 

          Hành trình thơ Nguyễn Thanh Xuân luôn mang tính sáng tạo kế thừa thể lưu trữ lịch sử trên mỗi điểm dừng chân. Rất thiết thực bởi đi vào đời sống tâm hồn là sự cộng hưởng nhịp đập trái tim của một tình yêu chân chính. Luôn là sự vận chuyển không ngừng như mưa và mùa xuân. Như khi Cả nghĩ về Đà Lạt*, lúc Chạm tay vào Huế*, Quê ngoại* những Hun hút Tây Nguyên*, chút xao xuyến Qua Kon Tum nhớ bạn*, Người lên rừng nhớ biển*,… dù đau đáu vẫn dặn lòng mình: “Mặt trời đến đây từ biển/ Có mang theo nắng quê mình/ Một chút long lanh mắt lá/ Giữ làm sao biển trong tim”. Để chuốt cái say vào cái tỉnh mà trân quý tình đất tình người đã đùm bọc mình từ văn hóa phong tục tập quán,.. biết bao khoảnh khắc dấu yêu đi vào tứ thơ làm nên tựa đề: từ Bóng Tháp* đến Thần Thoại Tình*, Cây Me Cổ Thụ Ở Bảo Tàng Quang Trung*, Lỗi Hẹn Sông Côn*, Chiều Trên Mộ Hàn Mặc Tử, Trên Đồi Trăng*,… Có lẽ lịch sử văn hóa Bình Định nuôi dưỡng tâm hồn trái tim thi nhân chân tình ấm áp:

           Rượu còn trong vắt nghĩa tình
            Còn say Bàu Đá gọi… “Bình Định ơi!”
            Dốc ly… “trót” một cuộc người
           Rượu gì rượu ấm lòng tôi thế này!”.
                                             (Rượu tình)

            Với một tấm lòng thiện lương giữa xô bồ nghiêng ngã, bên cạnh những vụ lợi cá nhân, những thiệt giả lẫn lộn, Nguyễn Thanh Xuân dặn lòng mình trong những vần thơ chân tình, giá trị sự sống công bằng không thể đánh mất được trái tim nhân hậu, khi thơ vẫn còn tồn tại với người cầm bút. Trên từng bậc thềm mùa xuân vươn tới, cận cảnh hay xa mút tầm tay, thì đất trời an nhiên gieo mưa tắm gội, dẫu nỗi buồn xâm nhập thì cái buồn vẫn đẹp: “Lòng ôm lòng chếnh choáng/ Say với trời lặng thinh”(Chiếc lá mùa xuân), mượn thơ giải tỏa gửi gắm cũng là phép thử xưa nay của các bậc thi nhân: “Tôi cầm lên trái tim tôi/ Như cầm lên cả bồi hồi thời gian/ Ngày mang theo nắng dở dang/ Tháng năm mang những lỡ làng mùa đi/ Nỗi lòng có rất nhiều khi/ Ướt mưa như ngỡ xanh rì cỏ non”(Nói với cô đơn) mà mướt mượt như thế. Thật là thi sĩ tài hoa./.

                                                           Nguyễn Thị Phụng.
……….
*Tên các bài thơ trong tuyển tập Nguyễn Thanh Xuân

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

TRỞ LẠI TRỜI QUANG của Nguyễn Thị Phụng (đọc Hoa xương rồng của Nguyễn Trí)

TRỞ LẠI TRỜI QUANG



         Đọc  Hoa Xương Rồng, Tiểu thuyết của Nguyễn Trí (NXB HNV 2023)

 

        Trên bình diện tiếp nhận tác phẩm, tiểu thuyết Hoa Xương Rồng của Nhà văn Nguyễn Trí vừa xuất bản cuối năm 2023 theo quy luật tồn tại kết nối và sẻ chia của những người lao động tự khẳng định mình: “Vả lại, mày sơn đông tao lựu đạn chả sợ thằng nào hết, cứ lương thiện mà sống. Nghèo cho sạch rách cho thơm” trong mấu chốt bên chén Ngũ gia bì, mà họ từng chạm trán lấm láp bụi trần đổi lại bình yên cũng lắm gian nan.

 

         Tiểu thuyết Hoa Xương Rồng có đến bảy chương, 299 trang xoay quanh gia đình Năm Thao trong bĩ cực khắt nghiệt,… đến khốn cùng thì áo rách có giữ được lề hay không. Hẳn Hoa Xương Rồng, biểu tượng của gai góc đối kháng môi trường xã hội để tự mình nở hoa bung cánh. Biết rằng, ngôn ngữ vốn sở hữu chung của cộng đồng, nhưng đặt vào tác phẩm với Nguyễn Trí thì không thể lẫn lộn một nhà văn nào khác. Viết như nói mà nói như viết để thể hiện tính đại chúng mộc mạc chân chất mà khéo léo dẫn dắt người đọc về con đường sống Hoa Xương Rồng- Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2023.

 

        Với Hoa Xương Rồng, Nhà văn Nguyễn Trí đã phát thảo hiện thực chân dung nhân vật từ một lí lịch Năm Thao là dân phố, từng là con quan, con nhà giàu nhưng vì thời thế nên phải bỏ phố lên rừng chặt củi đốt than… sang ngậm ngãi tìm trầm, đãi vàng, đào đá quý… nghiện rượu. Một giang hồ thứ thiệt lại được vợ con yêu quý chung tay nuôi dưỡng khi bị té ngã, tiếp đến phát bệnh đau gan vô cùng từ túng khi phải nằm nhà, nằm viện. Những hoàn cảnh khắt nghiệt cũng đành bó tay, dù muốn con mình được đi học tiếp kiếm thêm cái chữ lại quá khó khăn.

 

         Từ khó khăn ban đầu, nhân vật bé Hương 12 tuổi phải nghỉ học, cũng là lúc cô giáo hết thời gian nghỉ hộ sản, rất cần người chăm cháu. Gia đình nhận lời, cũng là điều kiện để tối về, Hương còn được học thêm cái chữ từ thầy cô. Vì còn nhỏ lắm, Hương thương má nhớ em, thương ba vật lộn với bệnh tật, nên thường chủ nhật được thầy giáo đạp xe chở về thăm. Hương nhớ em cũng bịn rịn đi làm nhưng không là bản sao như Cái Tí trong Tắt đèn của Nguyễn Công Hoan của gần trăm năm trước.

 

          Ngỡ cánh cửa trường mở ra, cho Hương trở lại lớp học, nhưng người tính không bằng trời tính. Năm Thao lại bệnh nan y. Cùng lúc đó, Hương rời gia đình phụ quán cơm cho ông bà Hùng Sơn Đông, người bạn cùng thời theo rao bán thuốc vặt. Công việc không ngơi tay, chín giờ tối lên gường, bốn giờ sáng đã dậy, nên đâu còn nhớ em nữa, lương gấp ba lần thì đúng quá. Hương cũng biết đối diện với sự thật cái chết của Linh khi bị xốc ma túy. Quán cơm phải đóng cửa khi hai đứa con Linh Sơn của Hùng Sơn Đông đều vướng vào ma túy. Sau đó Hương cũng đến phụ nấu đám cưới bán bánh mì cho Ba Trâm.

 

           Đến khi Năm Thao đã vượt qua được phần nào nợ nần, bệnh tật, lại là lúc bà Thao nhập viện cấp cứu vì ruột thừa. Hương cũng bị dắt dây tiếp vào làm công tiệm vàng Duy Nghĩa. Ở đây, Hương ở tuổi mười lăm đã phải đối mặt tự bảo vệ mình được Năm Thao trang bị nên thoát khỏi con trai Duy Nghĩa- Trinh còn gọi Ba Trình, người đồng giới, muốn gì được nấy…

 

         Thời gian không thể bảo lưu tuổi thơ, cũng như quyền bảo vệ trẻ em của Liên hiệp quốc cũng quá xa xôi, nhưng Năm Thao bảo bọc con gái lớn của mình, vì vậy để giữ lại người làm công tin tưởng như bé Hương thì Duy Nghĩa đã tạo điều kiện cho gia đình Năm Thao phần nào ổn định chỗ ở, rồi về xóm Sông trả nợ và làm giấy tờ tùy thân cho con gái.

 

          Những thế thái nhân tình, cộng thêm tính nguyên tắc “lệ làng” thật nhiêu khê cả gia đình Năm Thao bị xóa hộ khẩu, xem như bị đẩy ra ngoài xã hội, rồi làm lại,... Từ những hình thức mồi chài giấy tờ giả cho  Hương chưa đủ tuổi xin vào làm công nhân có Mười Cường lo liệu- Mười Cường là một trong ba du côn mà Trinh Duy Nghĩa thuê uy hiếp đã bị Nam Thao hạ gục hay màn trước Năm Thao cũng đã ra tay nhắc nhở bọn Thức Rồng trả lại xấp vé số cho con trai mình.

 

          Vậy thì, ở tuổi 15, Hương đã là “công nhân” của một “công ty” người lớn. Từ việc giũ sợi lúc đầu nhẹ nhàng, Nhà văn đã cho thấy được toàn cảnh không gian Công ty, lắm kẻ trục lợi mánh khóe ăn chia nhau. Từ cây kim công nghiệp, đến sợi chỉ, đến bột màu nhuộm, đến dầu ma-zut chất đốt vận hành, đến những dây đồng, sắt, vật liệu xây dựng,… tuôn ra ngoài, lỏng lẻo trong tiếp nhận hàng, tráo hàng nhập kho,… cho đến phần ăn của công nhân ở bếp ăn của Công ty. Rồi lắm mưu bày vẻ  lô đề tài xỉu, huê hụi, lãi vay, tiêm chích,… hoạt động “tinh vi” vì đã được bảo kê, đã khiến cho công nhân cơ cực từng ngày sa vào tệ nạn chỉ vì ham “có tiền” nhanh chóng, khó thoát được, nợ chồng nợ tăng dần. Rồi kể cả những vụ đánh bắt ghen của Thùy Trang vợ Tuấn, những gái gú, kiều nữ,… dấy lên sau cũng dàn xếp bỏ qua.

 

           Cái bè kẻ trục lợi cá nhân luôn là lá chắn từ phá hoại đến kiềm hãm che đậy qua mắt vị chủ Đài Loan như Đặng Trần Tuấn, phó giám đốc thủ đoạn gia thêm bột màu làm hỏng chất lượng thành phẩm đầu ra, dẫu biết những sinh viên Hóa mới ra trường nắm vững kĩ thuật chuyên môn, buột phải thôi việc. Hay khi phó tổng giám đốc hỏi thăm và kiểm tra công nhân, Minh Tàn đã ba tiếng đồng hồ xúc nước thải dẻo như hồ,  khi vừa rửa ráy xong, ấy vậy mà bịt việc Ông ta hồi sang giờ làm gì mà không thấy”. Và Minh Tàn buột lòng phản ứng mạnh: Đá mú- Minh Tàn chưởi thề- Tao làm cái gì sao mày không nói cho nó biết. Chắc nó nghĩ tao trốn việc đi kiếm chỗ ngủ chứ gì…- Tiên sư mày. Vì sự lớn giọng mà đến bữa ăn anh em nói: - Ông như trái lựu đạn ông Năm ơi. Vậy là cái tên Minh Lựu Đạn ra đời.

 

           Về phía các công ty, bên cạnh Công ty Đài Loan Viet-Ta-Hung đã bị thất thoát, thì Công ty Song Long Việt vừa ra đời sau đó cũng bị phá sản,… Về phía công nhân thiệt thòi, bóc lột từ miếng ăn bị cắt xén, có tố cáo thì “thằng xoa” như “…ủy viên Trần Văn Tâm-Tâm Đĩ- thay mặt Quân,… bảo ôi dào- ăn ngày có một bữa có gì mà cáo kiện… mang tiếng vì miếng ăn nhục lắm. Đệ đơn đòi quyền lợi thì “thằng đập” uy hiếp như: Phó xưởng kẹp một kẹp vào nách rồi thằng nào viết đơn hãy liệu hồn đấy. Đang giũ sợi guồng ông đẩy mày qua nhuộm sợi cho biết thế nào là lễ độ. Đang đóng gói tao điều mày xuống lò hơi cho củi than vào lò để biết nóng với người tanhưng vì sao không phản kháng. Có lẽ từ trình độ văn hóa thấp, vì trực tiếp là miếng cơm, hoàn tất công việc, chấp nhận im lặng.

 

          Nên khi chọn người cho cuộc thi biểu dương, chủ tịch công đoàn Quân cũng đắn đo như ở tổ vắt nước có con Hết nhưng lại ghi đề, thằng Hùng lại ỷ tổ trưởng ăn lận anh em. Chốt chọn Đặng Trần Tuấn, phó xưởng, cũng con nhà nông… “người tốt việc tốt” trong  bài viết của Minh Tàn và tài kể chuyện là dối trăm phần trăm… Từ không nói cho có hay thiệt chớ. Tao nghe mà cũng tin thằng Tuấn là chính nhân quân tử. Đời mà có kẻ đi ra từ gian khó lại thành đạt và yêu thương công nhân như chính bản thân mình là xạo chúa”. Ở đây, Nhà văn Nguyễn Trí đưa ra trong cùng một con người như Đặng Trần Tuấn có đủ từ hám quyền tiền đầy mưu kế bẩn thỉu  đến hám “danh” được tiếng khen.

 

           Đối chiếu với bè trục lợi mưu kế kết cấu với kế toán trưởng ăn chặn “chuyên cần”, những “bảo hiểm xã hội”,… của công nhân, ta bắt gặp hình tượng Hoa Xương Rồng lấm láp bụi trần giữa cõi nhân sinh là Năm Thao, giang hồ thứ thiệt đầy nghĩa khí. Cái duyên nhận ra người quê mình: Một Minh Tàn- Năm Lựu Đạn hoạt ngôn, khẳng khái sẵn lòng giúp bạn có đất cất nhà ở thuận tiện sinh hoạt. Thằng Huy trở lại trường, dẫu trước đó Năm Thao cho con mình đến lớp trẻ cơ nhỡ ban đêm, vậy mà giờ lớp 7, giáo viên đến nhà buột phải đi học thêm. Còn bà Năm Thao cũng như đàn bà khác, không ngơi tay với công việc tập trung tháo gỡ khó khăn vì không thể nhờ vả người thân gia đình mình. Vậy thì, trong cách nói dân gian “giàu nhờ bạn sang nhờ vợ”, Năm Thao đón nhận “giàu và sang” từ “bạn và vợ” làm nên con người chân chính từ trong bàn tay lao động của cả gia đình. Để có sự hoàn thiện nhân cách đã phải trải qua thử thách, cám dỗ đường trần gió bụi thể lửa thử vàng,  gian nan thử sức.

 

            Hoa Xương Rồng với cái kết cũng hả hê riêng trong phạm vi thị trấn X mà đường dây tội phạm quanh quán Lẫu Cua Tiến sa lưới pháp luật. Chỉ người lao động như vợ Chiến làm công trong quán dành cả năm nhận lương một thể dồn tiền sửa nhà có là quá thật thà không.

 

           Cho một cái kết Hoa Xương Rồng thể như Trở lại trời quang đó là tổ chức Công đoàn thiết thực bảo vệ quyền lợi công nhân viên trong từ cơ quan, xí nghiệp, công ty,… Thể như công đoàn viên Nguyễn Văn Quân, Sau vụ Tâm Đĩ bỏ trốn vì ăn cắp vật tư của công ty thằng Quân bị quy trách nhiệm… chắc bị đuổi việc mà bị đuổi thật. Nếu không có một Năm Lựu Đạn, am hiểu, giúp khiếu kiện lên công đoàn cấp trên phân biệt giữa bị tội và bị hại như thế nào. Kiến thức là nền tảng của học lực và văn hóa. Với Quân, chỉ lớp năm nên gặp khó khăn chịu thiệt thòi. Ắt là bài học nhân sinh cho mỗi chúng ta, khi Năm Lựu Đạn từ phủ đầu Tuấn bằng cách cú đấm trực diện những tiêu cực trong xưởng, đến nhắc nhở: “Suy cho cùng cuộc đời này ai cũng lợi ích cá nhân trên hết. Mày hay tao không ngoài quy luật đó. Nhưng phải là cái mình làm ra một cách minh bạch… Khi tha nhân cho mình là kẻ gian lận thì những người chủ nước ngoài đang làm ăn trên xứ mình nghĩ sao hả Tuấn”. Về một lòng tự tôn dân tộc cần bảo vệ, gìn giữ./.

                                   17.01.2024/ Nguyễn Thị Phụng

 

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

"MAI SAU DÙ CÓ BAO GIỜ…" bài viết của Nguyễn Thị Phụng

 

            MAI SAU DÙ CÓ BAO GIỜ…


           Với tựa đề Chạm miền tri âm (Tác phẩm và dư luận), tập sách thứ 16 của Nhà thơ Ngô Văn Cư, anh là hội viên Chi hội Văn học của Hội VHNT Bình Định, cho tôi nhớ đến hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt là hương ấy so tơ phím này”. Không là phép so sánh, nhưng với nguyên mẫu từ nhà giáo, sáng tác thơ, văn, viết cảm nhận- Ngô Văn Cư lại được bạn bè quý mến gọi nhà thơ, nhà văn,… nhưng trên hết với Ngô Văn Cư là cái tình với làng quê Thanh Lương Ân Tín Hoài Ân, với gia đình xóm làng, với bạn bè đồng nghiệp luôn được thể hiện trong tác phẩm của mình.  

            Ừ thôi, cách gọi tên nhà thơ, nhà văn cũng là để phân biệt thể loại đối với người cầm bút, nhưng tình anh đến với văn chương vốn có tự bao giờ. Nếu là tác phẩm sáng tác, Ngô Văn Cư đã có đến tám tập thơ, hai trường ca, ba tập truyện ngắn, hai tập tạp văn và tản văn. Trong đó đã đóng dấu ba tập vinh danh Giải thưởng Văn học Đào Tấn- Xuân Diệu. chưa kể tên những bài thơ đã đạt giải thưởng ở những cuộc thi thơ từ thơ Nguyên tiêu của Hội VHNT tỉnh, và những cuộc thi khác trong nước. Trong đó, những bài thơ Đường luật Việt Nam cũng đã khẳng định tinh thần yêu thơ bất kì thể loại nào, điều này rất là hiếm so với những người sáng tác thơ- đó là sức viết.



            Sự tiếp nhận tác phẩm đâu dễ dàng. Và có thể tôi là độc giả sẻ chia cùng bạn đọc với ba tập thơ, một truyện ngắn và một trường ca của Ngô Văn Cư. Nếu như trường ca Chống dịch thời Covid quá dân dã phàm tục, châm biếm bao nhiêu, nhưng cũng là sự thật dự báo “chống dịch”- tệ nạn xã hội nhức nhói. Thì Trường ca Đi trên đường một chiều(NXB HNV.2022) cho tôi hiểu thêm ngoài sức viết của nhà thơ, là sự thẩm thấu văn chương, am hiểu đất quê mình. Niềm tự hào xen lẫn những nhớ thương và trân trọng con người quê anh, tự bao đời kiên cường khẳng khái, mà thiết tha mà nghĩa tình vốn từ tên gọi Hoài Ân.       

           Và chính từ sức viết, Ngô Văn Cư gom lại cái tình của mình với bạn bè, bạn bè với anh mà góp lại Chạm miền tri âm ra mắt cùng bạn đọc. Chọn gặp gỡ và giao lưu đúng vào chủ nhật, 21.04.2024- Ngày sách Việt Nam, trên quê hương Hoài Ân đầy ý nghĩa. Dẫu một ngày hun hút nắng gió hanh hao mà bên nhau trong ánh mắt thân thương và tiếng cười tươi trẻ. Những lẵng hoa thật sự quan tâm ở xứ Hoài tại Trung tâm Văn hóa huyện Hoài Ân bung cánh hòa cùng hương hoa từ bàn tay bè bạn gửi tặng. Hay chính là sự trân quý Nhà giáo Nhà thơ Ngô Văn Cư với trường ca Đi trên đường một chiều.

            Nhưng đã là Đi trên đường một chiều thì không thể tùy tiện quay về cái mai một, đối với người cầm bút luôn tiến về phía trước là sự trải nghiệm dấn thân. Với Ngô Văn Cư đó chính là thực tiễn vốn sống để làm nên tác phẩm.



            Trong trong cách tâm tình sẻ chia về một truyện ngắn mà hồ hởi báo tin “Nè, Phụng. Đêm hôm có nghe truyện tui trong chương trình đọc truyện tối chủ nhật của Đài truyền thanh Bình Định không. Ừ, có (Vì tui ngủ sớm, nếu trả lời không thì biết bạn mình hụt hẫng). Bên kia đầu sóng tiếp tục: Đoạn cuối Nhà văn Lê Hoài Lương dẫn lời bình mà cụ thuộc lòng: “Bởi thơ vốn có từ khi anh được sinh ra, được hít thở khí trời làng Thanh Lương, được uống nước dừa xanh Ân Tín, được đứng dưới bóng mát cả rừng dừa Hoài Ân Bình Định nghe tiếng quê hương bốn mùa gửi vào chiếc lá, và từ đó anh đã Soi mình vào dáng quê” mà Nguyễn Thị Phụng viết về tập thơ Soi mình vào dáng quê của Ngô Văn Cư đó. Tui như diều gặp gió, trợ sức thăng hoa cho thi sĩ chân chất: “Nè, ngoài đó có chỗ đất nào trống rộng kiếm mua dùm tui một lô. Ủa, chi zẫy… Thì cất nhà để ở, trồng dừa uống nước làm thơ…ớ cũng như cụ chứ.- Có, có. Để tui nhường lại phần đất gần mả ông quại tui đó…a. Và tui cũng không vừa. Nhớ giữ lời hứa nghen…  

          Rồi nhớ lần chuyến thực tế ở Trại giam Kim Sơn, sáng được mời ra căng-tin ăn bún. Ngô Văn Cư đến trước, ghé tai tui nói nhỏ: nè, có thằng phụ bếp hỏi kia phải cô Phụng không. Tui lại zựt mình, quản giáo cho biết em ấy vi phạm luật giao thông… Tui lại nhớ hôm bữa trưa ăn cơm bụi tại bến xe Đà Nẵng cùng Đặng Quốc Khánh, Ngô Văn Cư, còn lo chuyện đi lại sao cho tiện để sang mai đến Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh dự ra mắt Thơ Lục bát. Thì bất ngờ, nghe tiếng chào thầy Cư, đó là em học sinh cũ ở Hoài Ân đang là bộ đội, mời chúng tôi về nhà lo chỗ ăn ở  chu đáo. Hay chuyến đi ra Văn miếu Quốc Tử giám của Hội thơ Đường Việt Nam, kỉ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội. sau lời phát biểu của Nhà thơ Bằng Việt, đến lượt Bình Định đọc thơ, Ngô Văn Cư cũng nhờ tui chụp tấm hình kỉ niệm… Đâu phải xong rồi về, tiếp tục thắng cảnh đất Bắc thu hút: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò…”(cadao) nào Bắc Giang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, dự tính cáp treo Bà Nà Đà Nẵng, nhưng cuộc gọi của Ban giám hiệu báo có thanh tra dự giờ đột xuất. Bởi không thể nhờ đồng nghiệp dạy thay!... Hay từ Hoài Ân, hơn trăm cây số vào Quy Nhơn cả buổi sáng dự kỉ niệm tưởng nhớ Nhà Nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn ra mắt tập sách Vũ Ngọc Liễn- Ngọn gió từ Vũng Nồm(NXB. HNV- 2016) của nhiều tác giả- Võ Ngọc Thọ tuyển chọn. Chiều tiếp tục vào Tuy Hòa dự ra tập thơ của nhà thơ Thu Hồng, đến mười giờ đêm thong dong chạy về Hoài Ân. Hoài Ân vẫn là sức hút điểm tựa diệu kì. Từ Hoài Ân tính đúng ngày 14 hàng tháng vào sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định… lần này ra dự Chạm miền tri âm của Ngô Văn Cư, mới hiểu thêm sức bền bĩ của thi sĩ “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” để nhủ lòng mình.

         Chỉ là điểm qua hành trình không chùng bước của Nhà thơ Ngô Văn Cư, người Hoài Ân, ân nghĩa ân tình là thế. Song hành sức viết tui gọi đó là sức chơi của thi sĩ kế thừa Thế Lữ: “Ta là khách bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”./.

                   Phước Lộc, 07.05.2024 / Nguyễn Thị Phụng

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

TỪ MỘT TỰA ĐỀ của Nguyễn Thị Phụng- đọc “Đánh đu sợi tóc” của Lê Văn Hiếu

TỪ MỘT TỰA ĐỀ

     Nếu hạt muối thơm ngon từ biển sinh ra, thì thơ là mạch sống khơi nguồn ngôn từ của thi nhân. Dẫu ít nhiều trăn trở. Đôi khi ngỡ áp lực tảng đá đè lên ngực, đôi khi mong manh như sợi tơ, sợi tóc bám víu cuộc đời. Ấy vậy phía sau Từ một tựa đề, thi nhân cá cược cả tập thơ: “Đánh đu sợi tóc”(NXB BNV- 2023) ra mắt bạn đọc cho thỏa mới thôi.

     Với Lê Văn Hiếu, Đánh đu sợi tóc là tập thơ thứ chín. Tự tháo gỡ cảm xúc mình bằng cách nâng niu con chữ thể nâng trứng hứng hoa cho mỗi tứ thơ của mình. Sự lựa chọn tựa đề, hẳn nhiên không thể dễ dãi. Đánh đu sợi tóc thể trêu ghẹo cuộc đời, hay trêu ghẹo mình, và sợi tóc đã thành hình tượng mà thi nhân sẻ chia.

      Biết rằng chỉ một Tản Đà táo bạo “Cung quế đã ai ngồi đó chửa/Cành đa xin chị nhắc lên chơi”(Muốn làm thằng cuội). Biết rằng những ngàn cân treo sợi tóc của thực tại bấy giờ... Biết rằng nắm người có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu. Biết rằng cái răng cái tóc là vóc con người. Kể từ trước đó cho đến:“Cái ngày/ Nhặt một sợi tóc là nhặt một bài thơ/ Nhặt một cái nhìn/ Là thấy mình bồng bềnh trôi về đôi mắt ấy...”(Gót chân hồng)* Và bồng bềnh trôi đã thành cái nghiệp đeo bám thi nhân, thể cái đích của hình tượng theo cấu trúc tứ thơ như một bức phát họa ngôn từ đa thanh sắc.

       Đánh đu sợi tóc là một hiện thực tư duy hình tượng rất Lê Văn Hiếu: “Mang đến chùm nho không mang xác Cáo/ Ta một thợ săn nhưng chỉ săn tình.../... Ta mộng uống nụ cười trong trẻo em”(Một cuộc hẹn tưởng tượng)*. Biết bao chân tình, biết bao khao khát. Hồ dễ ai đánh tráo tật nguyền, vẹn nguyên trước sau như một. Dẫu cái tình đời nắng mưa phai nhạt, dẫu chuyện trăm năm thử thách tâm hồn, thì với anh là sự khẳng định: “Ta xông xênh chiếc áo mới/.../ Chân ta bước mạnh hơn/ Cánh tay ta vung xa hơn/...”(Một trời chim én bay)*. Để đi tìm mùa xuân, mùa xuân chẳng ở đâu xa, cái đẹp của mùa xuân là cái đẹp của thi ca anh đang vói tới: “Một thời ngón tay ta mòn những đốt/ Một thời ngủ thức đợi xuân”. Cái “ta” trong thơ Lê Văn Hiếu không còn là duy trì trải nghiệm, bởi đã chỉn chu trọn vẹn, nâng cao cây bút tài hoa vốn có trên vùng đất quê mình cho sự chọn lựa phong cách.

       Từ sự tiếp nối chung quy những Tơ tóc, Sợi tóc buồn, Tóc trên đầu động cựa, Uống rượu với tóc đã có trong tập Nỗi cô đơn với lửa (NXB HNV 2020) mà Lê Văn Hiếu chưa thỏa cơn say. Cái say bật dậy từ Cái tuổi ta về* nâng niu trìu mến: “Chúng ta lên thuyền và đi thật chậm/ Ngược dòng ngược dòng nghe em”. Sự chuyển dịch tâm hồn cho một tình yêu thiết thực tự nguyện của thi nhân. Sự khám phá tổ ấm đời mình, đời người khác nào: “Bài thơ ta biết đi/ Thả lên trời chim hót/ Ta là cánh chim trời/ Sá gì cái quán trọ/ Mai về ta ru nôi”(Chim trời và quán trọ)*đầy bất ngờ sáng tạo liên cảm xúc kết nối như trong Giấc mơ và cánh đồng*: “Trên ổ rơm anh ngủ/ Mơ cuộn tròn trong em” ấm áp, an lành.

     Từ góc độ nhỏ trong Đánh đu sợi tóc, người đọc nhận ra đời thực thi nhân là gì, cái viên mãn chưa hẳn là vầng trăng đêm rằm thực thể của tự nhiên chế ngự trần gian. Cái đẹp vĩnh hằng trong kí ức không là toại nguyện. Thiếu một chút, nhớ một chút, đắm say một chút,... ắt đủ chất dinh dưỡng cho thơ Lê Văn Hiếu ngân nga duy trì. Đó là sự hàm ơn từ người thân từng gắn bó, từ vùng đất Cây Bông An Nhơn sinh ra, từ bước chân ngụ cư Lâm Hà Tây nguyên thổn thức:

     “... May mà ta làm người xa quê

      Nên quê hương trong ta cứ mỗi ngày mỗi lớn

      Hình bóng cũ mãi về, và yêu thương dậy sóng

      Ta nghe lòng mình ngân nga

      ...

      Thơ ta lành hiền như bụi như đất

      Như con cò vừa đến cạnh rìa ao

      Con ngựa chậm chân mấp mé sườn đồi

      Ngó lên đỉnh núi

      Thôi đành ngồi bệt xuống cỏ mà uống rượu

      Nghĩ tay mình đang giữ chặt trăng

                        (May mà ta chưa cưới em)

     Và trong cảm xúc: “Nghĩ tay mình đang giữ chặt trăng”, thì trăng đã là hình tượng thăng hoa. Em- tỏa sáng, em êm đềm, em ngọt ngào và lung linh tròn trịa. Và có em là có thơ (Đợi trăng, Ngồi vớt tuổi trăng lên, Và em mười sáu,...)*. Ánh trăng ngự trị bên dòng đời, mà dòng đời thì miếng cơm manh áo. Nhẫn nại cuốc cày cho đủ cái ăn cái mặc, che chắn đời mình đời thơ, lắm lúc gieo neo khốn khó. Có là sẻ chia, hay là đồng cảm: “Thương con ngựa oằn minh leo lên dốc Mẹ ơi/ Thương tiếng thét của chim trước mỗi hoàng hôn gọi bạn tình ra đi không về nữa/ Ta thương ta nhởn nhơ ngợi ca loài nhật nguyệt vô chung vô thủy/ Những vần thơ lạc rơi/ Ta thương con giun cần mẫn cày xới mảnh đất trong vườn ta/...”(Thương con giun giữa lòng thành phố)*.

      Trong Đánh đu sợi tóc, Lê Văn Hiếu bộc bạch phận người cấy cày vun xới làm đẹp thể chất khỏe khoắn bao nhiêu, thì đời sống tâm hồn thơ ca rất cần chăm chút nuôi dưỡng trân trọng bấy nhiêu. Nên cách lập luận song hành về quan niệm sống đã đủ thỏa mãn người thưởng thức thơ anh hay không. Khi: “Ta chợt nghĩ hai chữ hạnh phúc không chỉ mang trên cổ- ta đính nó lên đầu ngọn tóc để gió bay chơi./... / Và Trái- Tim- Thơ em ơi/ Là chiếc ví lưu giữ hình bóng em/ Nó sẽ không bao giờ rỗng- Không bao giờ rách thủng...”(Trái tim thơ và một định nghĩa khác)*. Thơ cứ vô tư và trong sáng, một góc chiếu cho tâm hồn thư giãn. Vậy thì, yêu thơ và đến với thơ, đến với ngôn ngữ thơ là vô hạn đất trời đầy phóng khoáng. Nhà thơ Lê Văn Hiếu đã đẩy ngôn ngữ hiện đại vào tứ thơ của mình theo từng chủ đề có được. Bởi chính hiện thực cuộc đời thi nhân là mảnh đất màu mỡ cho thơ sinh sôi và phát triển. Sự phóng khoáng ngôn ngữ đỉnh cao thăng hoa cảm xúc.
      Hành trình đi tìm cái đẹp ngôn ngữ thơ trong Đánh đu sợi tóc để thể hiện chủ đề cho thấy sự cần mẫn đánh đổi đời mình, đời thơ đầy gian nan mà vô cùng bí mật, đủ minh chứng và thuyết phục:“Để nhặt dấu chân trên đường em đi qua/ Ta chui nằm trong cỏ// Để cận kề hơn những chuyến bay đêm/ Ta giấu mình trong những đám mây// Để mơn man ngà ngọc trên vòm ngực em/ Ta nguyện làm hạt nước// Và, ta sẽ- đánh đu sợi tóc/ Để gần ý nghĩ em” (Đánh đu sợi tóc)*.

                            20.09.2023 / Nguyễn Thị Phụng

*Tên các bài thơ trong tập

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

CHỈ LÀ CẤU TRÚC HÌNH THỨC, Tiểu luận của Nguyễn Thị Phụng

 

CHỈ LÀ CẤU TRÚC HÌNH THỨC (trích Lặng trong hương lúa, 2014)




         Dân gian đã từng cảm nhận chiếc áo không làm nên thầy tu, phải chăng hình thức chưa phải là nhân cách con người. Rồi tục ngữ cũng có câu “Người đẹp vì lụa” chỉ để ngợi ca hình thức. Không, tất cả muốn làm nên giá trị chân chính vẫn là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” cho mọi đối tượng. Như thế thì thị hiếu thẩm mĩ thể hiện ra trong lúc nào. Nhu cầu cuộc sống đâu chỉ có ăn no mặc ấm chăm chút cho thể chất để bản năng con người tồn tại giữa thế gian này. Cái thiết yếu từ xưa đến nay con người tồn tại là giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần ấy chính là văn hóa người Việt Nam mang đậm nét thuần phong mĩ tục làm nền tảng lâu dài và mãi mãi mai sau. Nói như thế để khẳng định hình thức chỉ là cấu trúc bên ngoài. Nhưng là một cấu trúc ở độ tin cậy cao. Sự tiếp nhận văn hóa thông qua nhiều con đường theo trình tự nhìn, nghe, cảm nhận đến nói, đọc, viết. Chẳng khác nào như sự lớn lên một đời người theo tháng năm. Con đường tiếp nhận văn bản dễ dàng nhất nói hay viết thông qua hình thức câu chữ tiếng Mẹ đẻ. Hình thức tuân theo trình tự sắp xếp từ ngữ tạo trật tự câu văn từ chủ thể đến hành động của chủ thể theo văn cảnh biểu đạt thêm tình thái, không gian, thời gian, mục đích, nhượng bộ, hay điều kiện giả thiết,… của sự vật mà chủ thể phát ngôn. Nó chẳng khác nào như người thợ may giỏi, nắm được kích thước đường may cơ bản phù hợp với vóc dáng từng người, lứa tuổi, còn mẫu thời trang, chất liệu, sắc màu hoa văn phải theo người sử dụng, bởi khách hàng là thượng đế. Tác phẩm văn chương muốn sống được và tồn tại cũng vậy, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng. Hay xác nhận một cách rõ ràng hơn thì văn học cổ điển bao giờ cũng tân kì. Nói như vậy cũng có thể có một ít bảo thủ. Sự đồng nhất giữa cấu trúc hình thức và nội dung ý nghĩa mang tính phổ thông, minh bạch. Với tác phẩm văn chương- trừ văn xuôi, thì thơ đâu chỉ dừng lại ở ngữ nghĩa tự điển thứ nhất đơn thuần. Cách viết kiệm lời mà tứ thì sâu, đó là tầng nghĩa thứ hai, thứ ba ngự cái ẩn trong vỏ câu từ.



  Cấu trúc hình thức ở thơ ca dân gian luôn có vần vè cho người nghe dễ nhớ dễ thuộc như tục ngữ là từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống “ăn có nhai, nói có nghĩ”, … thành ngữ thì dùng hình ảnh như làm mực thước vất vả gian lao “lên thác xuống ghềnh”,… ca dao là tiếng nói tình cảm, là câu hát có chương khúc nâng cao hơn theo thể loại truyền thống diễn ca sử dụng thể lục bát, thể song thất lục bát, lục bát biến thể,…

              Cấu trúc hình thức ở thơ ca trung đại lại ảnh hưởng một phần thơ Đường Trung quốc. Thể ngũ ngôn tứ tuyệt, thể thất ngôn tứ  tuyệt, thể thất ngôn bát cú như Muốn làm thằng cuội của Tản Đà, nhưng Tản Đà lại là gạch nối của thơ ca Trung đại và hiện đại (tác giả sử dụng cấu trúc thể thơ trung đại mà hồn thơ hiện đại), một phần sử dụng thể truyền thống như ca dao tiêu biển một số truyện nôm diễn ca hay truyện thơ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn…”
              Cấu trúc hình thức ở thơ ca hiện đại (thế kỉ XX) kế thừa thơ trung đại còn tồn tại, thơ tự do mà phong trào Thơ Mới những năm ba mươi cho đến nay còn duy trì và phát triển cơ bản là nhịp điệu của câu thơ. Tiêu biểu từ Tình già của Phan Khôi đến Nhớ Rừng của Thế Lữ,…
              Những năm 45 đến 75, cấu trúc thơ duy trì và phát triển của một số nhà thơ tên tuổi từ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,… đến Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng,… và những nhà thơ trưởng thành trong tuyến lửa Trường Sơn có Phạm Tiến Duật, Dương Hương Li, Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lệ Thu,… 



             Đến những năm 1990, 2000 thì một số nhà thơ Việt chuộng lối thơ Tân Hình thức - New Formalism. Như bắt nguồn từ Pháp với từ thi phẩm Jean Ristat, Từ Khúc Dục Mùa Xuân Rảo Bước, đăng trên báo La Nouvelle Critique giữa 1977-1978, thể thơ thông dụng là Alexandrin, 12 chân (âm) và tiếng Pháp đa âm, cứ mỗi dòng 12 chân thì xuống hàng, bất chấp cú pháp và từ vựng. Còn ở Mĩ từ những năm 70, 80 thì thơ Tân Hình thức với cách vắt (ngắt) dòng tự nhiên (thơ không vần, nhịp điệu tự do, cứ đúng số chữ theo quy định của một bài có thể mỗi câu năm chữ, sáu, bảy, tám, chín, mười chữ tùy cảm hứng của người sáng tác, đủ mọi đề tài trong thế giới con người , thanh tao có, dung tục có, nhìn hình thức xuống dòng vẫn trọn ý cho một câu, ta biết đó là thơ Tân Hình thức) Mãi đến mười lăm năm sau, với tập thi tuyển Những Thiên Thần Nổi Loạn theo New Formalism của một số nhà thơ Mĩ đã thu hút số ít tác giả nhất là lớp trẻ ở Việt Nam mở ra cách lựa chọn cấu trúc câu chữ vô cùng hấp dẫn khả năng sáng tạo của họ. Như vậy từ đầu thế kỉ XXI đã có ít nhiều người đón nhận (khoảng 150 người). Chẳng hạn bài thơ thứ nhất trong cách kể và tả:
Từ những bước chân đi
           “Huế, Sàigòn, Hà Nội, Hai
                mươi năm xa vẫn còn xa ..”
(*)

tôi trở lại ba mươi sáu
phố phường Hà Nội mỗi ngày
thêm một cổ xưa – như cô
gái ngồi chồm hổm ở chợ
Đồng Xuân rao hàng lẫu cá
lẫu đồ biển, lẫu thập cẩm
mời anh ngồi xuống đây uống
bia Hà Nội, đặc sản quê
hương, ôi mấy mùa chinh chiến

Huế của tôi có “O” về
qua Cửa Thượng, cơm hến chiều
nay cay đắng trộn vào nhau
nghe ngậm ngùi câu hò mái
đẩy, xuôi ngược Hương Giang qua
cầu Trường Tiền, đêm lấp lánh
đèn xanh đèn đỏ, tôi tìm
“O” áo trắng đã mấy mùa

Sàigòn phố cà phê bụi
bặm, cao ốc xây dở dang
như chuyện tình, cô gái mặc
mini jupe làm nghề hớt
tóc ráy tai, khoe đùi trắng
và đôi mắt nhiều đêm mất
ngủ, xe taxi máy lạnh
và quán bia hơi, Sàigòn
ôi đã mấy mùa chinh chiến
“Huế, Sàigòn, Hà Nội hai
mươi năm xa vẫn còn xa…”

Phạm An Nhiên
SG 08082004
_________
(*)tcs

Ví dụ một bài thơ tân hình thức thứ hai trong cách suy luận:
Cái khôn thừa
Mặt đất có lắm người khôn tôi gặp
thuở con nít thời trai trẻ, gặp nhiều
hơn khi lớn, họ khôn nhiều rất nhiều.
Cái khôn như không thể đếm nhưng vẫn
có thể như bọn trẻ đếm viên bi,
nhiều muốn tràn khỏi túi đã ních chật
phồng căng tiền, người tình, chiếc xe hơi,
bài thơ, sự nghiệp rách. Khôn giành hết
về phần mình để làm gì không hiểu.
Tôi thấy họ giấu kĩ, đôi lúc cũng
xòe ra sẵn sàng đối phó hay ra
tay với ai không biết. Thỉnh thoảng tôi
cũng thèm khôn như họ, khôn để viết
lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước
giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều
mà làm gì, ôi cuộc đời để làm
gì chứ họ?
                  Inrasara
          Lối Tân Hình thức vẫn có cái riêng của từng câu chữ, nếu ta có thể chịu khó suy ngẫm từ trong một câu đến một đoạn thơ bốn câu là sự móc xích và luôn có ý nghĩa trong một cái tứ của nó. Ví dụ đoạn cuối bài Cái Khôn Thừa của Inrasara: “cũng thèm khôn như họ, khôn để viết/ lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước/ giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều/ mà làm gì, ôi cuộc đời để làm/ gì chứ họ?” Và dĩ nhiên, nếu trong cách làm thơ Đường khó về niêm luật gò bó số lượng câu chữ, thì thơ Tân Hình thức mở rộng câu chữ lại yêu cầu cao hơn đâu chỉ về cấu trúc mà còn về sự liên kết ý nghĩa nội dung trọn vẹn của mỗi câu. Và nếu như xin được mạn phép cách giả định dùng số từ “những” trong câu lách hay bon chen nhữngkhi ngồi trước” vừa xác định ý nhấn mạnh thói quen lặp lại của chủ thể, rồi khẳng định ngỡ như thể mụ mẫm bởi cái khôn thừa trước giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều … Còn dùng từ “nhưng” của chính tác giả lách hay bon chen “nhưng khi ngồi trước” vẫn là dụng ý trong sự đối lập mạnh mẽ cái khôn thừa anh đã có, đã biết giữa vật chất cuốn hút đối lập với tâm hồn mãi miết của người cầm bút tạo nên những áng thơ văn cho hôm nay và thế hệ mai sau mà không hề vụ lợi cho riêng mình. Điều đó khẳng định lối Tân Hình thức luôn vô cùng độc đáo động não những ai say sưa gồng mình kiếm tìm con chữ thể hiện tứ thơ mà người sáng tác lựa chọn khác nào khi Kim Trọng cảm nhận tiếng đàn Thúy Kiều đã được Nguyễn Du miêu tả “Trong  như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa giữa vời,…”


            Chỉ ngại có điều ngoài “cái thanh cao” đi vào Tân Hình thức có lẽ không ai chối bỏ, còn ở một số bài“cái dung tục” lập đi lập lại nhiều lần quá thô thiển đã đành, còn trần trụi đến mức dị ứng, hay cách nói phản cảm ở một số bài thơ có thể chấp nhận được không?!... Tiếp nhận cấu trúc Tân Hình thức là điều nên làm để sáng tạo thơ ca cho hôm nay, nhưng ta không hề bảo thủ cái mới, không thể lái xe con đời mới chạy nhanh trên con đường đất lún sau cơn mưa được. Xây được cái nền đường vững chắc cũng chưa cho phép xe con kia chạy nhanh, mà phải thực hiện theo yêu cầu tốc độ quy định. Tân Hình thức thơ là hơi thở của thời đại công nghiệp, dễ bị choáng bị sốc với những người yếu thần kinh chỉ cần nhìn đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt đã say sóng và nôn ngay (nguyên nhân của sự phản cảm là văn hóa Việt khó chấp nhận, nói như vậy không hề bảo thủ. Bởi ngôn ngữ thơ nói chung luôn khác với ngôn ngữ thường ngày, nó mang tính thẩm mĩ để nâng cao đời sống tâm hồn con người). Dẫu biết tác phẩm văn học đến với người đọc, người nghe đâu thể cùng lứa tuổi hay cùng trình độ nhận thức như nhau. Cấu trúc Thơ Mới gần trăm năm nay vẫn duy trì gìn giữ, thế thì cấu trúc Tân Hình thức đã có hơn ba mươi năm trên thế giới sao mà khó dung nạp, âu chỉ là thói quen!...



       Có lẽ, Tân Hình thức thơ ca chưa mấy thích nghi với người tiếp nhận, thì cách viết Hậu Hiện đại mở ra lối mới hơn là siêu hư cấu, một cấu trúc quá tự do như một trò chơi ngôn ngữ tung vẫy ngôn ngữ trên một bình diện rộng theo những lối thực hành mới riêng biệt theo phong cách cá nhân tự do lựa chọn, đôi khi lắp ráp câu từ, tranh ảnh tạo những phát ngôn mới riêng biệt để diễn đạt như thể thơ độc vận, thơ đa thanh, thơ phụ âm, thơ danh từ, thơ mẫu tự, thơ kí tự, thơ thị giác, thơ nhiếp ảnh, thơ hỗn hợp,…
Chẳng hạn một trò chơi chữ mới tách cụm từ trong câu thơ:
              Trăm năm trong cõi/  người ta.
              Trăm năm trong cõi (là chủ đề rồi mở rộng chủ đề theo mẫu tự A,B, C,…)
Ải. Ấp. Bãi biển. Bãi tha ma. Bè. Bến. Bến đò. Bến phà. Bến tâu. Bến xe. Bệnh viện. Biệt phòng. Biệt phủ. Biệt thự,… Cầu tiêu. Chánh điện. Chợ. Chợ chồm hổm. Chợ phiên,…
             Người ta: Á hậu. Bí thư. Bí thư chi bộ,.. Bộ trưởng. Binh nhì. Ca sĩ. Cảnh sát. Chị gánh nước,… Công an. Cụ già,… Dân. Dân biểu. Dân đen,… (Lối thơ danh từ của Nguyễn Tôn Hiệt, Nha Trang, sống ở Australia)
              Cấu trúc thơ hậu hiện đại là sử dụng liệt kê tự nhiên đảo trật tự từ trong câu: “Em mặc áo xanh/ Áo xanh em mặc/ …”của Tam Lê- Trần Nguyên Anh (có nét tương đồng đoạn thoại giữa hai nhân vật ông Giuốc-đanh muốn nhờ thầy triết viết dùm lá thư tình trong hài kịch Trưởng giả học làm sang của Môlie đã sử dụng từ thế kỉ XVII), thơ thị giác, thơ nhiếp ảnh, thơ hỗn hợp,… người đọc có thể chấp nhận, hoặc không thể chấp nhận, là tùy vào thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người. Người sáng tác theo lối hậu hiện đại vận dụng mọi từ ngữ chất liệu trong thế giới đời sống, kể cả miếng giẻ rách bỏ, một cái bao cao su thải ra,… họ cũng đều sử dụng, một quan niệm thể hiện sao cho thích nghi với thế giới của "hiện thực thậm phồn" đương đại, không phủ định cái cũ để hô hào cái mới. Bởi vì theo họ, mọi đề tài trong văn học hiện đại đã dùng rồi, nên họ tránh lặp lại lối truyền thống. Đó là kế thừa kết quả của John Barth từng tuyên bố rằng văn chương đã đến hồi cạn kiệt từ những năm 1967, mãi đến 1980, ông quan sát nền văn chương hậu hiện đại và tuyên bố rằng đó là "nền văn chương của sự phong dật". Nên cuối cùng dễ dàng sa vào hố hủy diệt. Và chính vì vậy mà Alan Kirby- Tiến sĩ văn học Anh có bài viết về Cái chết của Chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn*


              Như vậy dù là Tân Hình thức có phải là nét mới hay kế thừa từ cách ngắt dòng của thơ ca Việt (như thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ,…) hay như theo lời nhận xét của bà Angela Saunders một nhà bình luận thơ Mỹ đã từng cảm nhận về thơ Tân Hình Thức Việt, khi viết lời giới thiệu cho tuyển tập “Thơ Kể”: Nhịp điệu và âm thanh của một bài thơ cung cấp phương tiện truyền đạt và phương thức ghi nhớ thi ca. Những âm thanh trôi chảy trong một ngôn ngữ bản địa đều có nét đặc thù về mặt ngôn ngữ và không dễ dàng để dịch sang một ngôn ngữ khác...” Điều đó cũng khẳng định cấu trúc Tân Hình thức ra đời dễ dàng cho việc chuyển hệ song ngữ được. Còn Hậu Hiện đại phải chăng từ vỏ ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa xáo trộn nên cần nhìn lại trong quá trình sáng tác hay còn đang trên con đường thử nghiệm, vận dụng cho có hiệu quả cho mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Chính vì vậy nhà thơ không thể tách rời đối tượng của mình, thơ vẫn nằm trong nội hàm của văn hóa tinh thần, nên dù theo một cấu trúc hình thức nào phù hợp việc lựa chọn tứ thơ làm nên nghệ thuật chân chính đều được con người thưởng thức, trân trọng. Thơ là vẻ đẹp thuần túy đại diện cho tiếng nói lương tri cao quý như yêu, ghét rõ ràng ở từng cung bậc trầm bỗng khác nhau.
                                                                   Tuy Phước, 27.9.2013
_____
* Nhà văn và Tác phẩm, tr.161, số 1- 2013

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

ĐẤT TRỜI TẠO RA THƠ.

 

                              ĐẤT TRỜI TẠO RA THƠ.

           Thể như nghịch lí của đất trời, mà quả thật Đất trời tạo ra thơ, bài thơ vũ trụ hoàn chỉnh tuyệt đối kể cả trong từng sát na. Chỉ có điều cái tứ thơ thuộc sở hữu thi nhân. Cách dụng từ cũng không thuộc ở người trẻ tuổi. Sự bố trí công bằng cho những ai yêu thích thưởng ngoạn. Thơ chỉ được trân trọng và sẻ chia. Tình chưa muộn(NXB. HNV 2023) là tập thơ thứ tư, trong tám tập sách với nhiều thể loại của Nam Thi đã xuất bản từ 2019 đến nay.

           Kể ra, tuổi ngoài thất thập của anh gọi là xưa nay hiếm. Cái hiếm cho một quan niệm của thơ cũng không trùng lặp: “Đất trời tạo ra thơ / Cuộc sống hoài thai thơ /Người nuôi dưỡng và thu hoạch / Cơ thể tạo ra máu / và máu nuôi cơ thể // và đất là nơi nước ở / Vạn vật sinh sôi nẩy nở / cho đất phủ xanh / cho sự sống đời đời”(Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Viết đến đây người đọc chợt nghĩ về nhân sinh quan của vũ trụ. Không hề thêu dệt mà khẳng định đất trời bao dung con người, con người hòa trong vũ trụ luôn có sự tương thông nhau. Tình chưa muộn không là trẻ hóa mà chính là cốt cách bậc lão thơ Nam Thi.

          Tình chưa muộn là ẩn số khó giải theo phương trình toán học, mà trên mỗi tứ thơ không lặp lại khuôn mẫu cố định. Tự thân mỗi bài thơ như bức họa mưa nắng không làm nhòe câu chữ. Đó là cái hồn cốt văn chương ngoài thiên phú, thi nhân cần dụng nghĩa từ trí tuệ và cảm xúc, ưu ái cho thơ: “Ta mài dũa ngọc từ trong đá / Ta đánh thức người đẹp ngủ say trong rừng / Ta chắt chiu thơ / Như nụ hoa nở trên sa mạc khô cằn / Ta vắt cạn trái tim mình / Thơ hiện ra như phép lạ” (Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Thơ tỏa hương sắc theo mùa, thơ còn là dưỡng khí chăm chút đời sống tâm hồn không dành riêng cho người sáng tác.

           Điểm sáng trong Tình chưa muộn là nỗi khát khao. Khát khao hướng thiện bừng cháy dẫu là giả định:

         Giá như tôi có thể âm thầm cầu nguyện

           Tình yêu của tôi thành phép mầu

           Dập tắt lửa chiến tranh

           Chôn vùi tham vọng cường quyền

           Lập lại bình yên cho người lành dưới thế

                                      (Que diêm cầu nguyện)*

         Khát khao hoan ca, khởi đầu mùa xuân, khởi đầu núi rừng sắc đỏ mặt trời, hương thơm cà phê bạt ngàn quyến rũ, vẻ đẹp sơn nữ dậy thì khỏe khoắn trong tầng nghĩa ẩn dụ đắm say : “Niê mặc áo hoàng hôn/ nhuộm màu ráng đỏ/ Nụ cười của lửa đại ngàn./ Tiếng hát suối khe/ Hiền hòa như dã quỳ/ Đằm thắm như ba zan/ Thơm như trà, cà phê/ Nồng nàn như rượu cần/ Anh chưa uống đã say túy lúy”( Chào năm mới Niê)*. Rồi theo mùa đọng lại vẻ đẹp hồi xuân cũng là dấu ấn khó phai: “Ngày em tròn 40. Mùa hạ có nấn ná rồi cũng đi qua. Lá còn xanh như tóc em còn mượt mà. Mặt trời còn rực rỡ trên màu hoa chuối. Và trái tim em còn ươm nồng lửa hạ.”(Ngày em tròn 40)*.

          Những sắc thái ráng đỏ, trời xanh, que diêm, màu hoa, men rượu, hương mùa,... thuộc gam màu phấn chấn cung cấp năng lượng trong Tình chưa muộn làm nên chất liệu ngữ cảnh riêng biệt của một Nam Thi. Nên bất kì trong bài thơ nào của anh dẫu là mùa hè vẫn ươm nồng lửa hạ dịu kì, dẫu là mùa đông đầy vơi giá lạnh, bày tỏ với đất rộng trời cao mà gửi gắm: “Có một khoảng trời xanh hiếm hoi mùa đông/ Để tôi gửi ước mơ lên đó/ Mong manh những vệt mây trắng/ Dịu dàng tia nắng ban mai (Một khoảng trời xanh mùa đông)*.

            Tia nắng ban mai trong khoảng trời xanh khơi nguồn cảm hứng cho Tình chưa muộn kết nối trái tim thi nhân gắn bó với đất trời, với gia đình người thân bạn bè, làng xóm và cộng đồng xã hội phong phú và đa dạng mà thể thơ tự do là thế mạnh của Nam Thi. Chân tình và sâu lắng từ những cuộc giao lưu thơ. Ngoài bút danh Nam Thi, lúc thì tán gẫu nhau nickname TXC(Tám Xóm Chùa), lúc thì bày tỏ tâm tình hồn nhiên khích lệ giamahazui, lúc thì thỏa thích chén thù chén tạc giamamatnet,... Nhưng có phải nỗi cô đơn thường ngày gặm nhấm tâm hồn thi nhân minh chứng cho một Lời nguyền của mây*: “Chia tay nhau không báo trước/ Em chỉ quẳng lại cho anh trận mưa/ dàn dụa con đường mùa đông/ ngập úng cánh đồng/ khi anh đưa em về / em mang theo hơi lạnh cao nguyên”.

            “Em” trong Tình chưa muộn là nhịp trái tim không nguôi bám víu nài nỉ thường ngày trong suốt chặng đường trai trẻ đến bây giờ càng thâm thúy hơn. Có lẽ không riêng gì Nam Thi, hầu hết những tác phẩm nghệ thuật nói chung, “Em” là đối tượng vô cùng thi vị trong cuộc đời này. Có lẽ cũng phải cảm ơn “Em” cho thi nhân chút tình làm chất xúc tác xóa đi muộn phiền tháng ngày trôi qua, ngỡ quá khứ nằm im cho kỉ niệm muốn quên, mà đâu thể nào quên tình đời lấm láp bụi trần, nhơ nhớp “Sài Gòn mùa mưa./ Mưa tầm tã/ nào thấy mưa ngâu/ Câu thơ hụt hẫng thẹn thùa”(Lũ quét)* cho một dấu trừ buồn, day dứt. Biết rằng bên cạnh mình bao nhiêu dấu cộng tinh túy cho câu thơ mượt mà, thấm đẫm yêu thương hàn gắn với hiện tại chút tâm tình: “Tôi lại có thêm một ngày/ để sống /để nhớ và để quên/ cuộc hành trình vất vả 75 năm/ với tình yêu thắp tuổi thanh xuân/ đến bây giờ còn sáng trong tim/ với chiến tranh và thù hận đã lụi tàn nhạt nhoà ký ức”(Cảm ơn bình minh)*.

            Nếu như lời cảm ơn bình minh thắp sáng tứ thơ Nam Thi vẫn chưa đủ. Cái đủ thường ngày là cảm ơn sự luân hồi trời đất xoay vần, thử thách để tôi luyện bản lĩnh tâm hồn dễ gì mai một. Trở lại với Đất trời tạo ra thơ cho con người tiếp nhận tận hưởng, làm nên tập Tình chưa muộn là chủ đề mượn ý phủ định để khẳng định sự thật thơ văn chân tình cho người xích lại, gắn bó và sẻ chia buồn vui trong cuộc đời này, thì giá trị đời sống tinh thần được nâng cao, đó chính là nền tảng văn học Việt xưa nay./.

                                                                          20.04.2023/ Nguyễn Thị Phụng.

.....

*Tên các bài thơ trong tập.