Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

THƠM TỪ MỘT ĐÓA HỒNG NHUNG

THƠM TỪ MỘT ĐÓA HỒNG NHUNG
                  “Mưa ngâu tháng bảy sụt sùi
                Lòng con nhớ mẹ ngậm ngùi mẹ ơi!”
       Có phải là bài ca dao của người xưa để lại, hay là lòng kính yêu cha mẹ của một ai đó bây giờ đã thành ca dao rồi. Và nếu như chỉ dành riêng mùa Vu Lan báo hiếu tháng bảy hàng năm thì ta lại bắt gặp“ Nguồn Suối Tình Thương” của chị Ninh Giang Thu Cúc và anh Hạnh Phương in chung(NXB Thanh niên, 2011) thật cảm kích biết chừng nào.
alt
       Nguồn Suối Tình Thương là tập thơ văn viết cùng một đề tài hướng về chân lí Thiền, hướng thiện về lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục với lòng kính yêu trân trọng. Lòng kính yêu cha mẹ là không thể nào thiếu đối với bậc làm con, phải chăng được sinh ra và lớn lên trong gia đình được cha mẹ dạy bảo yêu thương chăm chút cho ta nên người, thì biết bao kỉ niệm trong đời làm sao quên được, hay cho đến khi được làm cha làm mẹ chẳng bao giờ nguôi ngoai bởi “ Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”( Chế Lan Viên).
       Nói đến chị Ninh Giang Thu Cúc là tôi nhớ lần sinh hoạt CLB Văn học Xuân Diệu Bình Định hôm trước hè của năm Tân Mão( 2011), chị rưng rưng khi cầm bó hoa từ tay chị Lệ Thu, anh Quang Lộc tặng rồi từ giã thành phố Quy Nhơn, quê hương thứ hai đã hơn bốn mươi năm gắn bó để theo con vào Sài Gòn. Dù không là người trong cuộc nhưng tôi cũng đâu cầm được xúc động chân tình dành cho chị hôm ấy. Phần đầu tập Nguồn Suối Tình Thương là thơ văn của chị đầy ắp nỗi niềm kính mẹ yêu cha canh cánh bên lòng, những hoài ức xa xưa với quê nhà từ thuở ấu thơ chẳng bao giờ nguôi ngoai. Chị Nhớ thuở “ Vỡ lòng” xa ngái kia từ lúc lên ba lên năm: “ Người mà tôi gọi bằng thầy với tất cả niềm tôn kính là một vị võ quan trí sĩ của triều Nguyễn…kế thất của vị võ quan là bà cô ruột tôi, vì bà không có con nên xin nhận tôi làm con thừa tự từ lời kí thác của cụ thân sinh tôi trước khi đi Vệ Quốc quân kháng chiến chống Pháp”. Đã chăm chút nuôi dưỡng chị lớn lên theo từng ngày, hình ảnh “bà vú sáu đã từng khốn khổ mỗi lần bồng tôi chạy tản cư từ phố lên làng…” được nghe kể lại đã từng che chở chị cũng không quên. Nhưng với chị có nỗi đau nào bằng nỗi đau lúc này: “ ba mẹ con, cô con, tất cả đã ra người thiên cổ. Con nhớ vú vô cùng , vú ơi!”(tr.21).
        
       Chị dành những trang viết kính tặng thầy N.V.KH cùng các thầy cô trường tiểu học An Hòa, Hương Trà- Huế đầy kỉ niệm: “Lúc thầy vào cổng, năm đứa đứng đó, chúng chào thầy rõ ràng mà, thế thì chúng đi đâu? Chẳng lẽ rủ nhau nghỉ không xin phép? Cả lớp nhìn nhau dò hỏi… Thầy bước xuống chiếc bàn đầu nghiêng người nhìn vào lòng bàn, vẫn đầy đủ cặp sách đặt ngay ngắn trước năm chỗ ngồi…cùng thầy hiệu trưởng, bác cai trường, lớp phó, bốn người đi tìm chúng tôi. Kết quả sau một hồi lùng sục qua bao“sào huyệt” quanh trường, mọi người bắt gặp năm nàn “ công chúa thủy cung” đang “ màn trời chiếu đất” ngủ hồn nhiên bên bờ sông quên cả lối về “vương quốc”(tr.30. Chị Nhớ mãi một ngôi chùa Từ Hiếu “ mà cả gia đình tôi lần lượt thọ tam quy ngũ giới ở đấy. Bổn sư của chúng tôi là vị đại lão hòa thượng pháp thể nhỏ nhắn, nói năng cũng nhỏ nhẹ hiền lành, nhưng đạo hạnh trí tuệ, đức độ và lòng từ ái thì rộng lớn vô biên”. Chị thèm một đêm giao thừa được ở bên mẹ: “ Mẹ ơi! Ba mươi chín năm thành gia thất, ba mươi chín phút giao thừa con không được về bên mẹ…con thèm khát đến cháy bỏng mà không thực hiện được ước mơ cho đến ngày mẹ nhắm mắt xuôi tay”(tr.40) đã trở thành kí ức trong hoài niệm:
                       Mẹ ơi mơ mãi không là thật
                       Nhắm mắt trào tuôn ngấn lệ đầy

       Để rồi lại cũng khát khao:
                       Bao giờ về lại quê cha
                       Bao giờ được cất bài ca về nguồn
                       Mưa rơi trắng ngọn cau buồn
                       Trắng cây hoa mộc trắng vườn mai xưa

                                                        (Hoài niệm, tr.69)
       Xa rồi với Huế yêu thương có vườn cây rợp bóng của tuổi thơ ngày nào, nhớ Huế là nhớ nắng nứt nẻ đất dai, nhớ Huế là nhớ mưa xối xả trắng trời, nhớ dòng Hương trong lành mang theo câu hò của mẹ ấm áp yên bình mà giờ đây…đã hơn bốn mươi năm sớm chiều nghe tiếng sóng ngoài khơi xa kia lần lượt vỗ bờ thầm thì nhắn nhủ. Ngỡ Quy Nhơn là quê hương thứ hai, mà giờ đây chị cũng chia tay vào tận miền Nam để an hưởng tuổi già cùng con cháu! Phải chăng có điều gì định trước được cho mình, tất cả cũng vô thường phải không chị?!...
       Với chị thì tình yêu gia đình, tôn giáo, Tổ quốc luôn gắn kết với nhau. Đất nước trong tôi là niềm tự hào về gia đình: “ Hai cuộc chiến/ Trận địa nào cha đã ngã/ Mẹ một đời hoài vọng -bỗng hư vô/ Chiến thắng cô đơn- Cám dỗ- xô bồ/ Vọng phu mãi/ cho đến giờ nhắm mắt/ cha có biết/ Suốt đời con cúi mặt/ Thấy nhà ai/ Đoàn tụ vợ chồng con/ Lầm lũi bước đi- côi cút, héo hon/ Nhưng lòng mãi tự hào/ Cờ Tổ quốc thắm thêm bởi máu cha đã đổ”(tr.80).
       Cư trần lạc đạo luôn được tịnh tâm với những ai hướng thiền làm lành lánh dữ. Chị trở về theo tiếng gọi của tình mẫu tử thâm sâu, tình đạo pháp vi diệu và tình Tổ quốc thiêng liêng, hay là trở về với quê hương yêu dấu của bốn mùa khép kín trầm lắng, nhưng thật tinh tế mộng mơ trong văn thơ Ninh Giang Thu Cúc. Chị thật kiệm lời, chắt chiu từng con chữ mà đã nói hết cảm xúc chân tình của mình trong những tản văn, bài thơ nhằm gởi đến chúng ta cùng sẻ chia những gì chị đã từng gom nhặt trong đời. Bên cạnh đó, Hạnh Phương với những bài viết cảm nhận về Nguồn Suối Tình Thương  mang đậm nét chân thiện cuộc đời. Anh vẫn dành những trang viết về cha về mẹ gần gũi nằm lòng: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thành kính biết ơn bài học làm người(tr.93), nào quên nguồn cội:
                   Âu Cơ mẹ của Lạc Hồng
                   Trăm con trăm trứng tay bồng tay mang
                   Vẽ nên nét đẹp Văn Lang
                   Từng trang tươi sáng từng trang Tiên Rồng
                                                      (Hóa thân Mẹ/ tr.183)

           Anh nhắc nhở: “Đâu phải nhọc tìm xa/ Phật thị hiện giữa nhà/ Thương cả người lẫn vật/ Phật chính là mẹ cha/ (Nghe lời mẹ dạy, tr.196). Như một lời khuyên nhủ thường ngày cho con cháu có bổn phận, trách nhiệm với cha mẹ mình. Lòng thành kính xuất phát từ trái tim nhân từ, lòng vị tha giữa con người với nhau. Trong vòng đời cuộc sống phải tất bật bon chen cho cuộc mưu sinh không thể dừng lại. Rồi một lúc nào đó, con người cũng không sao tránh khỏi những quy luật: Sinh lão bệnh tử, anh nuối tiếc nhớ thương:
                    Ngày đã hết! Màu trời kia tím biêc
                    Mẹ hiền ơi thanh thản bước đi rồi
                    Cao tuổi hạc mệnh trời đành khó vượt
                    Quá nửa đời con biết phận mồ côi
                                               (Mồ côi, tr.219)

         Hầu hết những bài viết trong Nguồn Suối Tình Thương lấy đạo làm gốc, căn nguyên từ việc hướng thiện làm người. Con người luôn tuân theo chân lí cuộc sống cải tà quy chính. Nhưng nếu không nhận ra từ thực tế bằng những việc làm thiết thực hàng ngày “sớm thăm tối viếng” để không ray rức nuối tiếc một lần gặp mặt báo hiếu, cũng rất dễ dàng thành những giáo điều mang tính chất thuyết pháp mà thôi. Đạo trong ta chính là con đường niềm tin trong cuộc sống, điểm xuất phát  từ gia đình. Nơi đó ngọn đuốc chỉ đường hướng ta đến chân thiện cho lòng thanh thản bình yên khi đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Những trang Nguồn Suối Tình Thương là bài học đạo làm con, làm người mà Ninh Giang Thu Cúc và Hạnh Phương muốn được chia sẻ gởi gắm lại cho đời, cho con cháu mai sau khi giữa cuộc sống đang tất bật này.
                                                       20.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét