Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

PHÍA SAU MỘT ĐẦU ĐỀ ( Đọc Bãi vàng Đá quý Trầm hương”, tập truyện của Nguyễn Trí)


PHÍA SAU MỘT ĐẦU ĐỀ 
         
(Đọc Bãi vàng Đá quý Trầm hương”, tập truyện của Nguyễn Trí, NXB Trẻ, 2014)
         Tôi thì không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ. Thân phận tự lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ cứ chân chất ruộng đồng làng quê. Ấy vậy mà lộc cho thì hưởng, bạn bè móc nối xích lại bên nhau, nâng tầm mở rộng giao lưu gặp nhà thơ này, nhà văn nọ làm sao mà thuộc lòng hết tuổi tên sáng chói trên văn đàn. Biết mình gốc gác nhặt rác bán mua “Những người khốn khổ”(Vichto Huygô) một thời tuổi thơ đã qua, còn lí lịch trích ngang gã “đồ tể” ấy lần đầu cho tui cảm xúc: “Tỉnh mê/ gỡ rối đi/ nghen. Này/ đây chiếc lược/ trắng đen đã từng”(Chải đời), rồi hai năm sau có dịp về lại nơi chôn nhau cắt rốn, một mình gã bắt xe đến Lí môn Vinh Thạnh tặng tui “Bãi vàng Đá quý Trầm hương”(NXB Trẻ, 2014) đính kèm chữ kí Nguyễn Trí KHÙNG (chữ KHÙNG, đóng dấu đỏ hẳn hoi). Để khi gấp tập truyện tái bản lần hai, từ phía sau đầu đề ấy, cho tui yêu cái KHÙNG trải qua chín mười nghề gã tôi luyện nên “nghiệp” viết chín hơn.
      Ngay đầu đề Bãi vàng Đá quý Trầm hương cứ vơi đầy vàng mười, đá quý,… thường được con người chắt chiu giấu trong tủ kín khi cần đem sử dụng. Ở đây, con người đổ xô vào cuộc mưu sinh thử thách, tồn tại từ trang đời nhọc nhằn tập trung vào trang văn anh lại là sự hấp dẫn làm nên giá trị tác phẩm. Tập truyện còn in dấu mốc thăng trầm thời cuộc thoáng qua ngòi bút Nguyễn Trí cứ ngồn ngộn phơi trần hiện thực không ngoa một chút nào, bởi tính theo thời điểm những năm bảy tư, chuyện xa lắm không quá phạm vi mười lăm cây số quanh mình cứ lồ lộ trước mắt, cũng dễ đồng cảm với nỗi ám ảnh ghê rợn ở nhà văn tuổi mười tám lúc bấy giờ.
      Quả đúng “Tác phẩm của Nguyễn Trí gây hấp dẫn bằng chất sống thực và sự từng trải” trong lời giới thiệu của  nhà văn Hồ Anh Thái, theo sau là mười sáu truyện ngắn. Có lẽ người viết bài này không muốn đi theo sự trình tự mà cứ chận khúc giữa truyện thể như móc ruột ra chua chát cho thân phận “Minh Tàn” nhẫn nha kể, bởi đó không còn là nỗi đau riêng một góc nhỏ cá nhân ai,  bởi đó là sự tủi cực lẽ ra con người phải giấu kín, bởi đó là câu Kiều văn học sợ bị mất đi cũng kịp thời củng cố lại: “Đời cũng lạ, ai có tên cũng muốn sửa sang cho đẹp, Văn Dũng sửa thành Minh Dũng, Thị Hằng sửa thành Minh Hằng… còn đây tự cho mình là Tàn, kì cục không? Có đứa cắc cớ hỏi: - Tàng là khùng khùng đó hả? – Bậy mày. Tàn là tàn tạ dung nhan đó con, không phải “Tàng tàng chén cúc dở say” đâu. Ai da… Đen thùi lùi, ốm nhách, chạy xe ba bánh chở xà bần mà cũng Kiều này Kiều nọ. Bụi đường và bụi đời phá ra cười: - Lượm đâu đó vậy bố già?- Sao lại lượm con trai? Đọc mới biết chứ. Nói xong tóc muối tiêu xưng Minh Tàn ngâm nga vài câu trong Kiều. Cả bốn thằng tre trẻ lắng tai nghe…” Diễn biến truyện cứ dần lôi cuốn bốn thằng trẻ từ cái chân Minh Tàn: “- Trẻ thì ai cũng có tí lầm lỡ, nhưng tao vì khổ vì thời cuộc. Còn tụi mày sướng quá sinh hư.”, rồi từ chuyện đua ngựa chuyển sang đến chuyện phá hàng rào vác trộm hàng: “Một kiện Rasong C cả trăm thùng, mỗi thùng mười hai hộp, vợ con lính, cả mấy tay lính đang dưỡng quân cũng thi nhau lấy sạch nhách…” để rồi ăn cắp quen tay mà cái chân bị gãy từ những phát súng trong đồn Mỹ bắn ra. Nghe mà ngậm ngùi: “… Hồi đó tao còn nhỏ, đâu phải lo chuyện cơm áo, thất học suốt ngày lêu lổng, cứ thấy có ăn là nhào vô thôi. Nhưng cũng nhờ phát đạn đó mà ông già tao sợ có ngày tao bị bể gáo nên cấp tốc gởi tao về bà ngoại rồi tao mới được đi học mấy chữ. Đời mấy ai biết được chữ ngờ, hồi đó tao mộng làm thầy giáo đó nghe”. Đã thành dấu ấn về một “Kỷ niệm”* cho đến hết đời ước mơ mẫu mực thanh cao ấy chẳng hề vói tới.
       Có thể nói chỉ vài trang văn, Nguyễn Trí đã phản ánh một hiện thực miền Nam trước năm bảy lăm thế kỉ XX đầy biến động ngột ngạt, ai đã từng chứng kiến mới thấu được tính khách quan của nhà văn: “Thiên hạ lo tên bay đạn lạc là một, sợ bắt lính là hai. Hôm nay nghe nói đánh nhau ở đó ở kia, bị thất trận, lính tráng kéo về Thạnh Phú nổ súng làm càn. Ăn nhậu xong tính tiền bằng lựu đạn. Phó dân sợ lính Việt Nam Cộng hòa, sợ luôn ông Việt Cộng…” Cho đến chuyện “Cơm không phải lo, nơi ở là lán trại bằng nhà tiền chế của ông đồng minh Mỹ cung cấp… Con lính ăn xong nghễu nghện ngoài đường, tụ tập kiếm tiền bằng mọi cách… buôn bán xì ke công khai… và Nhà chứa hẳn hoi, có cả cờ bạc đủ mọi môn chơi từ tứ sắc đến xóc đĩa”. Cho đến chuyện “Rác Mỹ hả?... kẻ thầu rác mà dựng nên nhà lầu… Người bản xứ làm trong nhà bếp Mỹ, nhét dầu ô liu…, rượu whisky,…” Rồi theo mạch kể “ Chả là lính Mỹ không kém bọn man ri, chúng canh cho mấy bụi đời lên xe rồi phóng hết tốc độ, đang chạy thắng cái reeéc. Không phòng bị là gãy tay xụi chân. Nhưng sao Mỹ chơi vậy?... Có chuyện hết, kì đó dân bay rác ném xuống một thùng SP, loại thùng đựng hàng cao cấp dành cho sĩ quan Mỹ, khi mở lòi ra một xác con gái khỏa thân… Lớn chuyện dân biểu tình ầm ĩ”. Ê chề đầy rẫy những tủi nhục, những phẫn nộ tích lũy nén dần thành ánh sáng chân lí mở ra “Cả nhà lên xe, chưa tới Sài Gòn đã nghe quân Giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc lập… Giải phóng về, cả Phú Thạnh hò reo bước vào một kỉ nguyên mới. Xì ke, ma túy, du thủ du thực bỗng nhiên sạch bách. Thật sự sạch…. Nạn mại dâm biệt dạng…” Phải chăng đây chính là sức mạnh niềm tin, của độc lập tự do dân tộc. Những tháng ngày tiếp theo nữa về một vùng quê đất võ “Với một triệu binh lính bỏ súng về dân sự. Một đất nước nông nghiệp đã bị chiến tranh làm hoang hóa ruộng đồng. Tất cả được phục hồi bằng đôi vai. Cái thiếu thốn, thậm chí đói là tất yếu. Mấy tay có tí đỉnh chữ nghĩa luận rằng: - Tầm cỡ Nga, Mỹ, Đức, Ý, Nhật sau đệ nhị thế chiến còn đói, huống chi dân mình… Thiếu thốn nên gian khó và chính nó đã làm đạo đức từ suy đến gần như sụp xuống hố thẳm…” Nhưng cốt lõi ở trong “Ngọc Liên Thành”* là đọ tài, đọ sức thắng thua trên sàn đài bất ngờ cơ hội “Ngọc tung hết lực một ống quyển vô bộ sườn…”. Khẳng định “Tiền và đam mê cũng không nổi chữ Đức trong võ” điều gì Ngọc thua kí lại thắng được Lân nặng cân, bởi Lân lơi lỏng “tiếng” tình nên đã bị trả giá quá đắt.
      Cái đức chính là nhân tâm được lan tỏa trong tất cả truyện ngắn của nhà văn, không chỉ là giá trị tác phẩm mà bất kì trong hoàn cảnh nào đều vực con người bị chới với khi rơi vào cạm tình của kẻ Hảo chuyên học nghề thợ “bạc”, nếu không có Dũng trong đoạn kết: “Dũng đi làm về nựng con và hôn vợ. / Anh có biết không? / Có. / Biết gì? / Biết là vợ sợ mình đau lòng nên không dám nói thật.” (Có biết không)*. Có một Dũng trong Chuyện cũ từ rừng* sẻ chia: “Gặp riêng tao, nó thú thật tội lỗi và xin xỏ đủ thứ… Tao chỉ cười: …  - Anh có dám nói thật, là anh đã dùng quyền lực, lợi dụng sự cùng đường của má nó không?...”. Còn với “Cô ấy cũng choáng vì không ngờ tao đã biết và đã tha thứ cho cô ấy suốt mấy chục năm qua. Nửa đêm vợ già ôm tao nghẹn ngào xin lỗi vì đã giấu diếm. Tao bảo: - Gặp anh, anh cũng giấu. Thôi, bỏ đi.” Cái nôi nghĩa vợ chồng, tình cha con trong mái ấm gia đình luôn được duy trì gìn giữ.
       Có thể trách cứ hay tha thứ cho một Quân từ tuổi vị thành niên xốc nổi đến những tháng ngày làm công nhân “Cuối cùng Quân phát giác ra anh em trong xưởng cũng là nạn nhân của hai thằng trực tiếp chỉ huy”, muốn bảo vệ quyền lợi là chính đáng của vài cá nhân chống chọi bằng bạo lực lại dễ rơi vào vi phạm pháp luật, nếu người mẹ không xuất hiện kịp thời can ngăn (Nhờ nước mắt)*. Vẻ đẹp người bà dành dụm giúp đỡ cháu lúc khốn khó để vẹn toàn chữ tín là nếp nhà xưa nay khi đọc đến Vô thường*.
       Nhưng cái đức hạnh trời dành cho phái nữ, được ăn học như Thủy cũng bị mất đi khi đồng tiền chế ngự đành quên ơn trong Đoạn trường* đối lập với Tư Nhà, chị có chồng lại vô sinh, khi chia tay chẳng sòng phẳng làm gì “Tư Nhà thở dài: - Thôi kệ. Ảnh cũng khổ lắm anh Ba”, tha thứ và vun đắp yêu thương nên họ luôn sống cho người khác, sự chắp nối lần hai lo con chồng ăn học, rồi cũng đành phủi tay trở về với mái nhà rách nát là vậy ư!... Có chuyện như Nín lặng khóc* thì phải nín lặng khóc thôi!... Người ta bảo bụng đàn bà dạ con nít, điều gì dụ dỗ họ, có chăng là bản năng của một phụ nữ đang độ hồi xuân bên cạnh người chồng “Rượu đã hủy hoại Tư Địa không ra hồn người nữa. Khỏng khoèo, cặp giò không khác hai cái ống tre trong cái quần đùi lụng thụng, xương sườn xương sống lô nhô. Đó là hình ảnh mỗi buổi sáng Tư Địa từ đìa tôm đi ra quán mua rượu”.
      Riêng Ở thành phố*, người chạy xe ôm như ông Hưng cám cảnh tấm lòng Trâm, động viên cô gái: “Ừ, ừ - ông vuốt tóc cô gái – Ba sẽ đi thăm con, vào trại cố học được cái nghề làm lại”. Vì sao lại có chuyện “Trại viên cũ quay lại đông lắm”* đã được nhà văn trần thuật nguyên nhân từ trong gia đình hay lối sống buông thả sa vào cạm bẫy hay không biết tự trách mình.
        Cái đức mở lòng nhân từ cho người cùng cảnh ngộ  lúc cơ nhỡ xích lại bên nhau mộc mạc làm sao: “Cô thiệt là… Đã kẹt còn phơ phào. Cứ lấy giải quyết cái trước mắt. Tao cho mượn, kẹt là tao đòi, có bây phải trả, tao đâu có cho không, tiền tao là tiền trèo đèo lội suối, đâu có lật đít ông Phật mà lấy, hiểu chưa?”. Cái đức tha thứ kẻ quên nghĩa tham tiền lừa bạn, thì những ấm ức oán thù được xóa đi khi biết hoàn cảnh Sáu Râu bí mật nuốt viên đá quý cũng được mở ra, đến lúc tự giác nhận sai lầm. Đã thế còn giữ dùm thể diện bạn, “… nghe bà bầu than gần tới ngày sinh mà chả có cục than cái tả. Còn trăm ngàn bạc, Chí Mỹ cũng móc ra: -…, thím cầm sắm chuyến vượt cạn. Vài bữa có tiền, anh và Râu kẽm lo cho” Đã vậy, còn chia phần tiền viên đá quý đã bán cho Sáu Râu (Đá quý). Còn nữa: “– Bà mẹ ơi – Kha Li kêu lên – mày sộp vậy, giàu có dữ a? – Giàu khỉ mẹ gì, có thì chia nhau mà sống, chết có mang theo được đâu ông”(Cầm giùm đi*). Nhưng lắm kẻ “đâu có ai dư mà mượn. Mấy tay nhà gạch có tiền để làm từ thiện tìm một chỗ ở Nát bàn, đưa cho dân khố rách khó đòi lắm…”(Vô thường).
         Ở Trầm hương*, phần đầu truyện, với cách kể tự vấn đáp rành mạch lôi cuốn người đọc nhận ra chân lí: “… đi tìm trầm ai cũng ngộ ra, chả có ai là đồ bỏ, chỉ có những kẻ không tìm ra được đường đi của mình, hay bước nhầm vào vũng tối rồi không rút ra được.” Qua cuộc tìm trầm ta mới hiểu thêm giữa núi rừng thâm u, tĩnh mịch đâu chỉ xạc xào lá rụng, suối ca, chim hót, gọi nhau tìm đàn của muôn thú lạc bầy kiếm ăn, mà con người ngự trị nơi đây đủ mọi thành phần, giới tính,  trong cuộc khai thác tự do ăn chia sòng phẳng của dân giang hồ. Thì đầy rẫy từ những những lá bài gian lận, từ những cách mua bán bóp chẹt, có cả những cơn sốt rét rừng, có cả cái chết bị rắn cắn, thú vồ bất ngờ đến việc như bảo vệ chính mình thì bàn tay con người buột lòng nhuốm máu cũng chỉ vì đồng tiền: “… nó mua được tất cả, ngăn được tất cả các dòng chảy. Cả dòng chảy của nước mắt.”
        Nước mắt đau thương có lẽ nhiều hơn bởi ham muốn “… lôi cho bằng được cái quý giá trong lòng mẹ trái đất vào lòng mình”(Bãi vàng*) rồi chia năm xẻ bảy thêm phần cho tình nương. Hay đồng Tiền rừng* qua “khai thác” gỗ quý, lồ ô, hái ươi, vắt mật ong,… kể cả cắt xén lon gạo, miếng thịt, viên thuốc,… của bọn cướp ngày. Để rồi “Khi túi tham của con người bị cao xanh xé đáy, nó lọt thỏm vào hư vô nhẹ thoảng như mây trôi nước chảy. Họa đời sống trùng trùng vây bủa. Nó bắt đầu bằng cái chết…”. Nhưng không thể đánh mất được cái đức cần cù của người lương thiện “Như bọn mình, tuy kiếm đồng bạc khó, nhưng ngủ ngon, lương tâm thanh thản. Làm nhiều ăn vừa đủ, làm ít thì bớt nhậu đi một chút, năng nhặt sẽ chặt bị, đại phú do thiên, tiểu phú do cần…”.
        Nước mắt hạnh phúc có lẽ phải Giã từ vàng* mới cho người với người  bộc bạch trải lòng “Có lẽ tâm hồn anh đã chai sạn vì di chuyển, vì chiến tranh. Như cái khổ vậy, khi ta nhuốm nhiều quá, nó hóa tầm thường. Đối diện với đá tâm hồn ta đương nhiên lạnh.”. Cái lạnh toát ra từ “chợ đầu người” lộ thiên, đến hậu  chiến tranh dưới hầm sâu khai thác đá vàng trộn lẫn xác người bằng câu cầu kinh bồ tát cứu rỗi. Chấm hết đời người.
        Với những nhân vật của Nguyễn Trí, khi rê ra chén tạc chén thù giải mỏi, giải sầu mong để quên đi nỗi nhọc nhằn vất vả là đằng sau câu chuyện càng thêm thuyết phục. Mượn cung bậc tiếng đàn, câu thơ tấu khúc lúc thảnh thơi là nhắc nhở đánh thức nâng cao giá trị đời sống tinh thần ở mọi lúc mọi nơi. Bãi vàng Đá quý Trầm hương tuy trăn trở vật lộn thiên về vật chất thường ngày cá nhân - cộng đồng có sự thỏa thuận làm ăn không văn bản, nhưng ở đó tồn tại cái đức tiềm ẩn đã được khơi gợi nhân lên. Cái đức là sự thánh thiện con người nằm trong cái đẹp. Cái đẹp thật chín trong văn Nguyễn Trí từ mạch truyện được khai thác, thể như đang xích lại bên nghe anh tường tận những trải nghiệm về thân phận cuộc đời mỗi người nơi đây./.                                   

                                                                           Nguyễn Thị Phụng
_____________
* Tên truyện ngắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét