Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

TRĂNG XƯA AI TẠC NÊN RẰM (Đọc Đi giữa trời xuân, tập thơ Thu Hồng-


TRĂNG XƯA AI TẠC NÊN RẰM- Nguyễn Thị Phụng.
(Đọc Đi giữa trời xuân, tập thơ Thu Hồng- NXB Hội Nhà văn, 2016)


                         
           Xin được mở đầu bằng bốn câu thơ Thu Hồng:
                “Góp mỗi ngày hạnh phúc hoan ca
                 Gieo hạt vàng cải ngồng xanh lá
                 Giọt nắng nghiêng hoa thơm cỏ lạ
                 Xuân tươi nguyên rạng rỡ mầm xanh
”…
          Phải chăng đây chính là ngày mới, ngày mới tươi nguyên thường tìm thấy trong thơ của chị. Không có gì lạ ở một nhà giáo Thu Hồng, song hành với sáng tác truyện ngắn đã xuất bản ba tập, thì Đi giữa trời xuân (NXB. HNV, 2016) cũng là tập thơ thứ ba sau Tự tình sông Giấu mình hoa cỏ. Đây không còn là sự thử nghiệm, mà chính là cái tình với nghiệp văn thơ lỡ vay phải trả. Nếu lúc này đặt lên bàn cân, tôi chưa biết nghiêng về bên nào. Ở mỗi bài trong tập là một bức tranh thi vị luôn có con người hiện hữu, giữa một không gian xanh đầy nắng ấm và hoa vàng.
        Như ta đã biết, viết văn- làm thơ không đơn giản, một khi chưa va vấp với thực tế quanh mình. Viết văn- làm thơ không đơn giản, một khi tâm hồn chưa tĩnh lặng, một khi trái tim chưa thực sự sục sôi, chưa thôi thúc kết nối lời yêu thương náo nức sắc hương cuộc đời. Nhưng qua Đi giữa trời xuân, cho ta thấy phần nào chị có được những điều ấy, sống và viết là sẻ chia. Đã là thơ phải luôn có độ nén, xúc tích, mà với chị sự trải nghiệm thường ngày cứ tự do tuôn theo con chữ, không gò bó ở những bài lục bát, lại càng không khắt khe ở thể thất ngôn bát cú, có tiếc lắm không:
               “Cỏ khuya lau lách lời tình tự
                 Bãi bồi chùng chình khúc đắm say
                 Đêm hạ gởi niềm yêu cho gió
                 Ngày đông trao nắng ấm cùng mây

                                                         (Mê khúc).
        Từ Mê khúc* đất trời trải vào lòng người bắt gặp Mưa là nỗi nhớ*:“ Giọt thu rơi buốt giá/ Vết tình yêu mờ xa/ Đành thôi, chiều thay áo/ Khát cháy cơn mưa rào”. Cũng dễ thông cảm chút lãng đãng của thi sĩ, để khi quay về thực tại, cái tình ấy thật gần gũi thân thương:
                 “Trời Yên biêng biếc màu năm tháng
                   Đất Phú nõn nà sắc vẹn nguyên

                                                (Tháp Nhạn duyên năm tháng).
      Sống trên Đất Phú- Trời Yên, nhà giáo Thu Hồng luôn trân trọng cái tình công dân dành cho đất nước:
                “Chiến chinh khói súng lùi dĩ vãng
                 Mái tóc hoa râm dạ chẳng mờ

                                               (Mùa xuân ấm áp).
       Và dường như với chị, sự hoài niệm Miền Ký ức* quê mẹ đâu nguôi: “Nhơn Hưng- không ồn ào phố xá/…/ Nơi cắt rốn chôn nhau ân nghĩa dãi dề”. Vậy mà tuổi thơ sao đành cam chịu … “đổ nát hoang tàn/…/ Đồn bốt lưỡi lê kẻ thù manh động/…”(Tự hào quê mẹ) ấy. Tất cả lùi vào dĩ vãng, còn lại vẹn nguyên tình mẫu tử: “Gậy trúc mẹ lên thềm”(Nhớ mẹ). Chiếc “gậy trúc” là điểm tựa nâng bước chân người, điểm sáng trong câu thơ nhắc nhở đến cốt cách thanh cao bậc hiền nhân quân tử, dẫu trong điều kiện nào, chúng ta không nên đánh mất mình, khẳng khái bản lĩnh hơn. Cho đến khi được làm mẹ hạnh phúc biết bao, rồi lại trớ trêu hơn sự oan nghiệt của bệnh tật neo vào hình hài vốn có từ một tình yêu ở tuổi thanh xuân của chị, để giờ đây lắng nghe nỗi niềm chăm chút động viên con:
                    “Sáu năm rồi đôi chân con đau đớn
                     Người bệnh tâm không bệnh mới hay
                     Hãy vững lòng mỗi sớm mai thức dậy
                     Chuỗi ngày dài luôn có mẹ bên con…

          Biết nói gì hơn sự tuần hoàn tự nhiên làm sao níu kéo lại, một khi: “ Mẹ không thể như cây tùng cây bách”, cũng không thể “sống đời” bên con được, chân chất dành lời gan ruột:
                     Hãy tự mình làm nên điều kì diệu
                     Mắt con sẽ thay chân đi về phía mặt trời

                                                      (Nói với con).
         Nói sao hết tấm lòng nhà thơ Thu Hồng hòa cùng dòng chảy cuộc đời làm nên trang sách Đi giữa trời xuân, dẫu như có “Mây vần vũ bên kia nương/ Sấm chớp vang rền tứ phía”(Chim đầu đàn vỗ cánh) thì hãy chung sức mở rộng vòng tay Thêm những tấm lòng*: “Dấn thân gian khó/ Sức xuân lan tỏa/ Nắng mới tươi màu rực rỡ/…/ Phía trước mặt là con đường mới/ Không thể đi mãi những lối mòn”. Bởi trăng xưa ai tạc nên rằm, thơ cũng vậy, khó thay! ./.
_______________

 *Tên những bài thơ trong tập.
                                                            Bình Định, 24.11.2016/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét