Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG
           (Đọc NGHỆ THUẬT TÙY BÚT VŨ BẰNG của Chế Diễm Trâm)
        Lần theo tiếng hát giao lưu, một số văn nghệ sĩ khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, cả Đà Lạt- Lâm Đồng đến chúc mừng ra mắt tập truyện ngắn “Những cuộc hẹn bên lề” của Trần Trung Sáng(Đà Nẵng) cạnh Nhà Sáng tác Nha Trang, để rồi hôm sau tôi được nhận món quà Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng (NXB Đà Nẵng, 2015). Tập Chuyên luận Văn học của nhà văn, cô giáo Chế Diễm Trâm hấp dẫn tôi trên từng trang viết.

         Người luận về nghệ thuật tùy bút đã định hướng tùy bút, cứ theo mạch chảy từ Lời giới thiệu: “Chuyên luận này là của một tác giả giỏi văn chương, yêu văn chương và hơn thế say mê văn chương. Nó là kết quả của một cách viết biết kết hợp nhuần nhuyễn từ tư duy nghiên cứu với khả năng tri cảm văn học…”(TS. Lê Thị Hải Vân) đến Lời thưa tâm huyết của chính tác giả: “… lòng bất giác tha thiết phải viết một chút gì đó về hai cuốn sách”: Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đầy trân trọng“Của tin, gọi một chút này làm ghi”(Nguyễn Du). Theo chị sự lựa chọn hai tác phẩm ký của Vũ Bằng vì có chung nguồn cảm hứng, cả cái thú cùng cái tình đau đáu nhớ nhung tự hào về đất Bắc yêu thương.
        Như chúng ta biết cùng thời với Vũ Bằng, nhiều nhà văn định danh tác phẩm cho tôi thuộc lòng từng đoạn tùy bút chan chứa xúc cảm. Một Nguyễn Trung Thành với Đường chúng ta đi trên mảnh đất đã từng “Máu thấm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thấm đượm những con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thấm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh…” đau thương mà anh dũng. Đã có một Nguyễn Tuân với dòng chảy Sông Đà vang vọng thác ghềnh kiêu hãnh “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”(Người lái đò sông Đà),… Còn ở Vũ Bằng là hơi thở nhịp sống đã được nuôi dưỡng âm thầm tháng năm một người xa quê gởi lại Thương nhớ mười haiMiếng ngon Hà Nội như Chế Diễm Trâm nghiên cứu về Nghệ thuật tùy bút độc đáo, cây bút thiên phú cần mẫn có được từ ý thức trách nhiệm công dân, một cán bộ “chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động suốt từ 1952 đến 30/4/1975” trung thành với lí tưởng đã chọn. Chính điều đó tác động đến trách nhiệm nhà giáo Chế Diễm Trâm, trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa, không thể không tập trung về Chuyên luận văn học. Và tôi cho rằng tinh thần “viết” là mạch nguồn nâng cao chuyên môn người thầy đứng lớp.

       Gói gọn 120 trang dành riêng cho Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng, Chế Diễm Trâm đã phả hồn mình trên mỗi đoạn văn ở ba chương luận.
        Từ chương một: Vũ Bằng và ký Vũ Bằng trong mạch nguồn ký hiện đại Việt Nam. Cho người đọc vô cùng trân trọng Vũ Bằng- Nhà văn đất nước ta sinh thời có nhiều thiệt thòi, những bù lại những tác phẩm ông thấm vào tâm hồn những người yêu thích văn chương. Và với ký Vũ Bằng ở giai đoạn đầu “nghiêng về tự sự thì sau Cách mạng ông chuyển hướng sang loại ký trữ tình, càng về sau càng giàu chất thơ, định hình một phong cách viết đọc đáo, viết về những trải nghiệm máu thịt bằng một giọng điệu hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối”(tr.41) như thế nào?
        Chế Diễm Trâm mở ra chương hai: Kết cấu nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai. Đó là Kết cấu theo luận đề, theo dòng hồi ức nhân vật, chi tiết nghệ thuật. Chẳng hạn sự liên tưởng móc xích đan xen “Cứ thế, “mười hai tháng với mười hai cuộc đổi thay của tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ” đã khêu gợi trong tâm tưởng bạn đọc không biết bao nhiêu liên hệ lí thú…”(tr.81).
        Đến chương ba: Lời văn nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai.Tác giả phân tích cặn kẽ từ: Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất thơ, đến Giọng điệu trữ tình tha thiết, cuối cùng Lời trần thuật đơn âm nhưng phúc điệu. Để minh chứng Giọng điệu trữ tình tha thiết đầy sức thuyết phục mang tính khách quan, Chế Diễm Trâm nêu lập luận: “Nhà nghiên cứu Văn Giá nhận xét:“Quán xuyến một giọng điệu xuyên suốt Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội là một âm hưởng trữ tình của một hồn văn trữ tình độc đáo và không thua kém bất cứ ai”. Hai tác giả Vũ Hạnh và Nguyễn Ngọc Phan cũng cho rằng: “Ở các tác phẩm này, ta thấy Vũ Bằng một giọng văn trau chuốt giàu chất thơ…”(tr.103).
        Phần cuối Chuyên luận văn họcLời kết, tác giả ưu ái sẻ chia cảm xúc chân tình tự lòng mình, tâm hồn một nhà giáo- nhà nghiên cứu văn học bằng lời phát vấn: “Có bao giờ chúng ta thử hình dung khoảng trống của văn học Việt Nam nếu không có nhà văn Vũ Bằng? Toàn cảnh bức tranh văn học dân tộc sẽ như thế nào nếu thiếu vắng ký Vũ Bằng, đặc biệt Thương nhớ mười hai,  Miếng ngon Hà Nội?...”. Đã đến lúc đọc ký Vũ Bằng ta phát hiện thêm không còn cảm xúc “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đầy tâm trạng, riêng Vũ Bằng đã nhập hồn vào cảnh, buộc cảnh nuông chiều người khiến cho tùy bút Vũ Bằng cứ ngọt ngào hương vị, cảnh sắc lung linh, rạo rực thanh âm muôn điệu. Và tôi cho rằng đây còn là sự sắp xếp của lịch sử để có một Vũ Bằng- thể tùy bút, hòa trong làng Văn học nước nhà đáng trân trọng biết bao. Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng của Nhà giáo Chế Diễm Trâm thật sự Chuyên luận văn học rất khoa học./.
19/10/2017- Nguyễn Thị Phụng.

                                                                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét