TÌM HIỂU THẾ GIỚI THẦN KÌ
(Đọc Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục
Việt Nam-2016)
Những tác phẩm văn học thiếu nhi nằm
trong nội hàm văn học nói chung vẫn là vấn đề cần quan tâm đối với người sáng
tác. Từ tinh thần thượng võ của một Lỗ Tấn: “Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng” chủ
đích ấy đã khó, còn lĩnh vực nghiên cứu cho ra đời Truyện đồng thoại trong Văn học
Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục Việt Nam-2016 phải là người tâm
huyết yêu trẻ, yêu nghề thật đáng trân trọng.
Với Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, qua từng chương mục giúp cho người tiếp nhận
tường tận chuyên sâu về cách hiểu Truyện Đồng thoại đầy cảm hứng bắt nguồn từ
diễn trình Đồng thoại Việt Nam hiện đại mà giáo dục học sinh ở bậc Tiểu học cũng như học
sinh đầu cấp THCS, hay trong quá trình tích hợp cũng cần thiết cho người thầy dạy
văn.
Thế nào là truyện đồng thoại? Tiến sĩ,
nhà giáo, nhà văn Lê Nhật Kí đã giới thiệu ở chương 2(tr.23) bao gồm Thuật ngữ Truyện đồng thoại trong Văn học
Việt Nam hiện đại và được xem như một thể loại văn học cho trẻ em. Nói
một cách ngắn gọn đồng thoại là thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các
vật vô tri được nhân hóa để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng
tượng của các em. Để có những tác phẩm hay, người viết am hiểu thế giới loài vật
gắn liền với môi trường xung quanh từ những mẫu chuyện nhỏ đến những truyện ngắn
không quá 5000 từ, những Cuộc thi viết cho Thiếu nhi đã quy định. Lí do, phù hợp
đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi. Hiện nay, tuổi thơ các em khác với thời chúng ta
ngày xưa, khi khoa học công nghệ thông tin đến tận cùng ngõ hẻm, nhanh tốc độ
hơn những trang sách miệt mài, buộc phải tư duy cao. Chính điều đó, Lê Nhật Ký
đã tỉ mỉ hướng dẫn phân tích cặn kẽ từ Những
nhân vật đến Cốt truyện, từ Chất thơ đến Phong cách tiêu biểu cũng như sự Đóng góp của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại trong việc nghiên
cứu của mình.
Trở
lại đề tài nghiên cứu về Truyện đồng thoại
trong Văn học Việt Nam hiện đại của Lê Nhật Ký:
*Thứ
nhất, phân biệt truyện đồng thoại với một số thể loại khác đã nêu (tr.41,
42) cần lưu ý:
-Với
truyện cổ tích loài vật, truyện đồng thoại hiện đại có mối quan hệ hết sức
chặt chẽ. Về cơ bản, truyện cổ tích loài vật thực chất đồng thoại dân gian, giữ
vai trò là cội nguồn phát triển của đồng thoại hiện đại. Ví dụ Truyện Trê- Cóc.
Còn đồng thoại có hệ thống nhân vật
phong phú, đa dạng hơn. Nội dung không giới hạn trong phạm vi giải thích, đặc
điểm tự nhiên của loài vật mà mở rộng miêu tả thế giới tự nhiên, đời sống xã hội,
qua đó đưa ra những bài học giáo dục cần thiết cho trẻ em.
-Với
truyện ngụ ngôn:
Về dung lượng thường rất ngắn gọn,
dao động trong khoảng 60 từ đến 300 – 500 từ, không mô tả , không giải thích
vòng vo, tỉ mỉ,… chỉ bao hàm một tình huống của loài vật, sự việc con người nào
đó với
nội dung nhằm dẫn đến những kết luận về đạo lí về kinh nghiệm sống. Chẳng
hạn truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi,
Con cáo và chùm nho. Còn đồng thoại là cả một câu chuyện có
mở đầu đến kết thúc. Ví dụ Dế Mèn phiêu
lưu kí của Tô Hoài với nội dung lời tự bạch của một chú
dế con từ nông nỗi đến khi trưởng thành.
-Với truyện loài vật: Ở
điểm giống nhau đều lấy loài vật làm đối tượng miêu tả, phản ánh. Nhưng Truyện
loài vật tả thực. Còn đồng thoại nhân hóa nên ngoài những tác phẩm văn xuôi còn
được chuyển thể thơ, kịch, phim,…
*Thứ
hai, trong truyện đồng thoại Việt
Nam hiện đại không thể thiếu Cảm hứng hiện thực và thông điệp giáo dục luôn
mở ra hai thế giới tự nhiên và xã hội (tr.73,74,…)
“nhằm bồi dưỡng mở rộng hiểu biết cho các
em về thế giới tự nhiên xung quanh mình”(tr.75). Bên cạnh ấy, thế giới loài
vật cũng có những số phận. Những dẫn
chứng tiêu biểu: “Trước năm 1945, Tô Hoài có truyện Ba anh em nói về nỗi khổ của
hai chú chó Vện và Đen khi luôn phải nhận những trận đòn khủng khiếp từ ông chủ.”(tr.76). Hay Tiểu hổ phiêu lưu của Nguyễn Quang viết
về những con mèo bị bán sang bên kia biên giới (tr.77). Còn riêng cảm hứng
về đời sống xã hội được tác giả phân tích từ Thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong sáng đến Đời sống dân tộc “từ thung
lũng đau thương ra cánh đồng vui”(tr.78- 84) rất chi tiết tiêu biểu. Theo Nguyễn Nhật Ký, qua những truyện đồng
thoại đã là những thông điệp nâng cao cảm xúc các em về vẻ đẹp tâm hồn: lòng
nhân ái là một giá trị làm nên cuộc sống tươi đẹp, tình yêu quê hương là nét đẹp
của nhân cách, phải có lí tưởng cuộc sống, những đức tính tốt như khiêm nhường
chăm chỉ, cần tránh thói tật xấu tham lam ích kỉ,… Phải nói rằng ở từng đề mục,
từ việc phân tích tác giả còn nêu dẫn chứng cụ thể dễ dàng cho người tiếp nhận
văn bản (tr.92).
Phần
cuối, từ việc xây dựng nhân vật, cốt truyện và nghệ thuật kể, cũng như chất thơ
cần có trong truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại qua những phong cách tiêu biểu như Tô Hoài, Võ Quảng, Viết Linh, Trần
Đức Tiến, … (Tr.110- 222). Đứng về góc độ nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Nhật Ký, giảng
viên Trường ĐHQN, người đã tận tâm, tận
lực, tận tình, đâu chỉ “ …mong muốn chia sẻ kết quả này cho anh chị em sinh
viên ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non trong việc học tập bộ môn Văn học thiếu nhi
theo quy định của chương trình đào tạo hiện hành”(tr.03) trong Lời nói đầu đầy khiêm tốn. Qua mỗi luận
đề phân tích, có luận chứng làm rõ luận điểm đề ra mang tính định hướng. Tôi
còn cho rằng đây là phần cơ bản thiết yếu dành bạn đọc, nhất là các cây bút trẻ
muốn chuyên sâu trong việc sáng tác về Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. Với
lại ở mảng Văn học Thiếu nhi nói chung, trong đó Truyện Đồng thoại tuổi thơ
không thể thiếu.
Thay lời kết sau khi đọc Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, Lê Nhật Ký đã
đóng góp một phần không nhỏ công trình nghiên cứu Văn học dành riêng cho thiếu
nhi, cảm kích tấm lòng người thầy chuyên sâu lĩnh vực đào tạo, tôi xin trích phần
đầu mục Xây dựng những câu chuyện cảm động
về cuộc sống(tr.174): “Văn học thiếu
nhi ưu tiên nói nhiều về cái đẹp, cái tích cực; Cái xấu, cái ác tuy có được nói
đến song rất mức độ. Trong suy nghĩ của người sáng tác, trẻ em vốn hay bắt chước
nên không gì hơn là lấy cái đẹp để định vị vào tâm hồn các em, xây dựng cái
nhìn tích cực về cuộc đời”./.
13/10/2017.
Nguyễn Thị Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét