CHÚT
LỬA ẤM TÌNH NGƯỜI
(Đọc
Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ
Thu, NXB QĐND- 2015)
(Sau một trận bom vùi ở Phù Cát 1974 -
"trang điểm" bằng bùn đất thay cho son phấn!)Fb Lệ Thu
Thật khó nén lòng đã kịp nhận ra vẻ
đẹp “Suốt thời thơ ấu không được gần mẹ
đến khi làm mẹ không được gần con” (15.1.1974) và nỗi niềm ấy đâu thể cất
giữ riêng mình sau bốn mươi năm đó là tập Nhật
ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu (NXB QĐND- 2015) được đến với bạn
đọc.
Thể như hồn đất nước gọi về hãy trả lại
vẹn nguyên những cảm xúc chân tình nhất của những người từng trộn lẫn mồ hôi và
máu lửa trên trận tuyến đầy cam go ác liệt, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh:
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ từ sự trở
về sau ba mươi lăm năm lưu lạc của một Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cô gái Hà Nội, đã
có mặt tại chiến trường Quảng Ngãi những năm sáu mươi của thế kỉ XX, và giờ đây
tập Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của
Lệ Thu ra đời phải chăng họ là
những người có cái tâm trong sáng, thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đến lúc phải
trả lại sự thật cho con cháu người Việt Nam hiểu rõ thực chất cũng như củng cố
lại niềm tin vào sức mạnh ý chí, nghị lực phi thường trong cuộc đấu tranh giành
chính nghĩa, giữ vững độc lập tự do cho hôm nay và mai sau bằng ngòi bút của
mình. Một mảnh đất tốt hơn khi những hạt chân lí gieo vào đúng thời điểm cả dân
tộc chào mừng bốn mươi năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ắt sẽ mọc
mầm xanh tươi nhanh chóng, tỏa bóng mát diệu kì của từng trang Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu,
thoắt như bộ phim tài liệu mà diễn viên chính là người mẹ tuổi ngoài ba
mươi, nhận nhiệm vụ “nhà báo chiến trường”
ở Khu 5 trong niềm vui vì sắp được về gặp má, nhưng xót xa tội nghiệp đứa con
lên sáu của mình “Hai cha con dắt nhau ra
tiễn. Chắc là con vẫn tưởng má đi công tác mấy hôm rồi về như mọi khi, hớn hở
vẫy chào, toét miệng cười rất hồn nhiên. Mình lên xe, nước mắt cứ tuôn ra không
dừng được”(11.8.1973)
Tạm biệt một cuộc sống gia đình ở Hà
Nội, rồi chị vượt qua bao chặng đường điệp trùng hố bom và đổ nát, qua bao địa
danh Đèo Ngang, Đường 9 lên Khe Sanh, Ngã ba biên giới Việt Lào, đến bờ sông
Bung, lại được “mắc võng” trên cây rừng Trường Sơn, đến miền Tây Quảng Nam,…
chị gặp được bạn bè, chị học thêm cách
sống, điển hình của một Chính ủy Trung đoàn Huỳnh Phương Bá tiết kiệm từ việc
vớt những hạt cơm thừa của một anh lính đổ xuống suối, chở che bảo bệ và cùng
mọi người trong đơn vị nuôi dưỡng hai đứa bé bơ vơ sau trận chiến mù trời… Lệ
Thu đã bắt đầu có những bài viết về họ để gởi Đài Phát thanh Giải phóng và cả
Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể trong đời của một phóng viên nhà báo “… sau chín tháng trời lăn lộn nơi các chiến
trường trọng điểm, những khu chiến ác liệt của Bình Định quê hương” lúc Về lại cơ quan chị mới nhận ra một điều
tồi tệ:“…Bởi họ đã phản ảnh sai tất cả sự
thật. TL có mấy khi xuống đồng bằng gặp dân đâu, chỉ nằm trên căn cứ đợi mình
gởi bài về thì cắt xén lấy những chi tiết có giá trị xào xáo lại thành bài mới,
rồi đứng tên gởi về ngoài kia, giờ ra ngoài ấy vỗ ngực ta tài giỏi, ta anh
hùng!... Chán thật chưa chi đã giở cái trò Lý Thông!”. Sự thật là:“Đi chiến trường suốt chín tháng trời với
những căng thẳng gian truân và vô vàn lần cận kề cái chết, đã gởi về bao nhiêu
là bài vở để chuyển về Đài, giờ trở về nhận được những bức thư thật là chua
xót. Ôi cuộc đời, biết nói sao đây nhỉ? Tôi không phải là người hay thanh minh-
nhưng không biết họ nói gì với anh T. để anh ấy trách hận ta đến thế? Ta hoàn
toàn trong trắng, trong trắng hơn cả một thiên thần, cả trong ý nghĩ và hành
động. Chỉ tận tụy hy sinh cho sự nghiệp, cho mọi người và nghĩ về những điều
cao cả tốt đẹp… Thiên hạ đùa giỡn vào hạnh phúc của mình và muốn đạp lên lưng
mình để đi lên danh vọng… Nhưng mà
sao ta lại khóc? Khóc để làm gì? Nước mắt có làm nguôi nỗi buồn oan ức của ta
chăng? Viết thư để thanh minh ư? Không khi nào! Cả cuộc đời ta, thà chịu oan,
chịu thiệt, chứ chẳng bao giờ làm việc đó”(11.9.1974). Cho chị nhận ra cái trò Lý Thông đã làm bế tắc nhận thức
tâm hồn con người, khi họ chưa có ánh sáng của tri thức của tư tưởng lí luận
đúng đắn nên kéo theo những hệ lụy đáng tiếc cho cả chuyên môn và nhân cách của
một nhà báo như chị.
Còn thực tại trước mắt lịch sử đã chọn
chị làm điểm tựa, chị xác định những gian khổ thiếu thốn từ những ngày ở Trường
Sơn mưa dai dẳng và dữ dội, tất cả thống nhất ăn ngô, dành chén cơm chung ít ỏi
cho Dũng đang bị sốt, cho đến khi trở về Khu 5, về đồng bằng chị đón nhận từ
một “Chú bé liên lạc là người dân tộc
Hrê, gầy và đen. Nó thấp đến nỗi mang khẩu AK mà mũi súng gần chấm đất… Nó rất
ngoan và đầy trách nhiệm luôn bám sát mình không rời nửa bước,… căn dặn: chị
nhớ lội đúng theo đường em vừa lội nè, chỗ khác sâu lắm đấy!”(29.12.1973),
hay những cô du kích hớn hở đón tiếp: “-
A, chị Thu, chị Thu. Chúng em chờ chị mãi từ tối đến giờ. Bao nhiêu đoàn đi qua,
đoàn nào chúng em cũng gọi tên chị mà không có… Đứa cầm nón, đứa mang ba lô,
đứa xách nước, chị em tíu tít mừng rỡ.”
Điều làm cho chị quý hơn là câu chuyện
“Một lần Năm cùng Thọ đi đưa thư, giữa
đường bị địch phục kích, bắn chết Thọ, gói thư Thọ mang trong mình. Năm nghĩ:
bây giò mình chạy thì chắc chắn thoát được, nhưng còn gói thư không thể lọt vào
tay giặc. Phải lấy mang về cho bằng được. Nhanh như cắt, cô lao lên ôm gói thư
chạy vụt trong tiếng súng bắn theo như mưa của địch. Nam thoát và mang được
chuyến thư về trạm”(23.3.1974).
Đến những người như “Lần đầu tiên gặp má Đốc, tôi có cảm giác như
má đang bị đãng trí… thảng thốt, ngơ ngác,… nhìn tôi, hai hàng nước mắt rơi
trên gò má,…thì thầm: Nó là thằng con cuối cùng trong năm đứa con của má. Hy
sinh hôm kia, trong trận chiến đấu đánh quân lấn chiếm đồi Gò Tháp kia kìa. Hôm
nó hy sinh má chỉ lặng im, không khóc, mấy đứa trước cũng đều thế, má không
khóc đâu. Má chỉ hỏi lại anh em: “ Con má hy sinh có dũng cảm không?. Mấy đứa
bạn nó kể: “ Chúng con chiến đấu suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng hết đạn,
chúng nó ào lên. Không muốn sa vào tay giặc, anh ấy đạp bể súng và đập quả lựu
đạn cuối cùng, bốn thằng lính và anh cùng chết! Má dừng lại, lấy tay quệt ngang
dòng nước mắt, hỏi: - Nó hy sinh như vậy được đấy chớ, phải không con? Bây giờ
đến lượt tôi thẩn thờ! Chao ôi, người mẹ Việt Nam! Má lại chỉ vào góc nhà, cười
ra nước mắt nói với tôi: - Má đã chuẩn bị sẵn sàng một gánh củ và dừa kia, định
gánh lên trạm thương binh cho chúng nó, mà mệt chưa đi được. Với lại đi thì sợ
ở nhà không ai nấu cơm cho mấy đứa du kích nó ăn. Tội! Thôi, mai má phải đi một
ngày, chúng nó trông má ghê lắm đấy!(16.3.1974).
Và cảm động hơn chị trực tiếp trò
chuyện về “cô gái Hoài Châu bị địch tra
tấn trong tù bằng cách cưa chân thành ba khúc trong ba lần… em đã chết lịm vì
đau, nhưng khi tỉnh lại, nghe chúng dỗ dành, em vẫn nhất quyết không khai. Cuối
cùng chúng thả em ra chỉ còn một cái chân như thế này. Nhưng giờ đây Lịch vẫn
là một cô y tá tận tụy phục vụ cho cách mạng. Mỗi lần đi giặt cho thương binh,
em phải vừa ôm bọc quần áo đầy máu me, vừa lếch qua các tảng đá để đến suối…”(11.2.1974).
Trên mỗi trang nhật ký đọng lại rất
nhiều dấu ấn về cuộc đời của một Ủy viên
thường vụ Huyện ủy Nguyễn Tấn Tài(12.12.1974), có cả quãng đời cậu Lưu những
năm tù Phú Quốc(29.12.1974), hay nỗi lòng từ “Chuyện riêng” của chị Bành Thị Ngọc Anh- Ủy viên Thường vụ Thị ủy
Quy Nhơn sao “…chuyện của người ta mà
mình cứ nước mắt đầm đìa” (21.4.1974),…
Nhưng cũng có những lúc trong công tác
dân vận lại cứng cỏi “Tôi bỗng nhiên trở
thành một “chỉ huy”, nói với mấy em: - Trả lại cho chú ấy đi! – Rồi quay sang
nói với người đàn ông kia: - Đêm nay chú suy nghĩ, mai đem nộp cũng được. Cách
mạng sẽ không để sót một phiếu nào đâu!”(6.2.1974).
Còn lúc Gặp những nhà báo Mỹ thì nhẹ nhàng mà sắc sảo khi phải trả lời câu hỏi:
“-
Chị nghĩ thế nào về những người đàn ông Mỹ?
Tôi cười , đáp:
- Khỏe mạnh, đẹp trai, tế nhị, phóng khoáng… Phụ nữ ở đâu cũng thích những
người đàn ông như thế. Tất nhiên trừ quân xâm lược Mỹ - Những kẻ cẩm súng bắn
vào nhân dân tôi!
- Anh ta vỗ tay cười tán thưởng:
Cây bút nhà báo chiến trường không bỏ
sót một sự thật chiến tranh tàn phá: “Chín
giờ sáng, tôi đang làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 50 và đồng chí Trân,
huyện đội trưởng thì phản lực đến ném bom tới tấp vào khu vực này. Mọi người
lập tức xuống hầm tránh pháo. Tôi ngơ ngác chưa kịp xuống hầm thì quả bom thứ
tám đã nổ đâu đây, gần lắm! Bụi đất và cây lá đổ rào rào úp lên đầu, lên mặt
làm tôi thấy ngạc thở, tức ngực. Nửa cây mít che chỗ tôi ngồi bị tiện ngang,
bay đi, cái nón lá của tôi cũng bay theo, tập giấy và cây bút đang cầm trong
tay rơi mất lúc nào không biết! Tai nhức buốt, mũi đầy bụi đất, quần áo lấm bê
bết. Mấy đứa nhỏ ngồi dưới hầm khóc la inh ỏi, các bà già rên rỉ than thở…”(15.7.1974).
Những địa danh quen thuộc như Bãi Sác
bên Đầm Thị Nại, Đầm Châu Trúc (Đầm Trà Ổ) ở Mỹ Lợi còn có đồi Gò Cớ, Núi Sẻ ở Mỹ Tài,… đều là chứng nhân lịch sử
gắn liền với những trận đánh của quân và dân ta trên từng trang nhật ký của Lệ
Thu. Chiến dịch Hè- Thu 1974 (31.5.1974)
cho đến Chiến dịch mùa xuân 75, tính
từ lúc nhà báo Lệ Thu tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Tỉnh đội(2.1.1975)
cho đến Đón Tết trên công trường(10.2.1975),
kể cả Đêm bị phục kích ở Tân Mỹ(7.3.1975),
Trong mắt người còn sống (27.3.1975)
và kết thúc hoàn thành nhiệm vụ của một Nhà báo chiến trường ở Khu 5, Bình Định
là Bài diễn văn ngày chiến thắng,
được “đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ
tịch UBND Cách mạng Nguyễn Trung Tín đọc một cách hùng hồn và xúc động, giữa
tiếng hoan hô vang trời dậy đất của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào Quy Nhơn cùng
đại biểu các huyện trong cả tỉnh Bình Định tụ họp về đây- sân vận động Quy
Nhơn- mừng quê hương được hoàn toàn giải phóng!” (8.4.1975).
Có niềm vui trọn vẹn hơn là gia đình
sum họp Má về từ nhà lao(8.4.1975),
và có lẽ hạnh phúc đến với chị mỗi khi ở chiến trường nhớ về ba trong ba bức
thư đã viết ở từng thời điểm khác nhau đầy xúc động: “Hôm qua con gặp má và hôm nay con phải viết thư ngay vì con nghĩ ở
ngoài đó Ba đang ngóng lòng muốn biết tin tức của con và gia đình. Vả lại, biết
đâu trong cuộc sống ở chiến trường này con có còn kịp viết cho Ba một bức thư
trước khi ngã xuống hay không… không phải con bi quan đâu, nhưng đó là một thực
tế không thể không nhìn thẳng… Đời sống ở chiến trường gian khổ và ác liệt chỉ
càng làm cho con rắn rỏi và sống đẹp hơn thôi”(12.5.1974). Duy tấm lòng
người mẹ yêu thương con sẻ chia vơi đầy trên từng trang nhật ký, chắc lọc nhất bằng
những câu thơ: “Mai khôn lớn con nghĩ gì
về mẹ/ Con nghĩ gì về một chặng đường qua/ Con nghĩ gì về đất nước chúng ta/
Nỗi đau lớn xuyên rất nhiều thế hệ?/ Không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ Nên
bây giờ mẹ phải ra đi” là động lực cho chị càng vững tin dấn thân vào chiến
trường và chị, nữ nhà báo Lệ Thu đã chiến thắng!...
Ngày trở về “… chỉ có một chiếc ba lô nhỏ” đủ làm chút lửa sưởi ấm trái tim mình,
nhưng chứa đựng tài sản lớn: “Là vàng ròng của nhân cách, là đức hi sinh,
là lòng vị tha, là thẳm sâu một nền văn hóa sống “vì nước quên mình” của ông
cha muôn thuở” (1.5.1975). Chính vì vậy Nhật ký Nữ nhà báo chiến trường đã hoàn thành thật sống động xác thực, bởi tính độc đáo chọn lọc và hàm xúc, có
tính chiến đấu và thời sự cao. Vẻ đẹp chân chính của một Nhà báo Lệ Thu chính
là vẻ đẹp thời đại của người Việt Nam. Khẳng định sự lựa chọn hạnh phúc của mỗi
người nằm trong hạnh phúc chung của dân tộc, tuy lâu dài gian khổ. Chị còn là
một nghệ sĩ, một chiến sĩ thực sự có thể tự hào mình giàu có về chiều cao của
nhận thức, chiều sâu sẻ chia đồng cảm, chiều rộng tâm hồn phong phú là nhờ thực
tiễn cuộc sống tháng ngày ở chiến trường khu V, nhất là trên quê hương Bình
Định lúc bấy giờ./.
24.4.2015/ Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét