Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

NÓI GÌ VỚI NGƯỜI XƯA*. Truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

                   Nói gì với người xưa. 



                  Ở độ tuổi tám mươi, ông Được vẫn giữ mái tóc bạc dài đến chấm vai, lúc trời nóng nực ông mới cột túm ra sau ót. Hôm nay là ngày giỗ, họ hàng nội ngoại, con cháu đều có mặt, một số bạn bè thân thiết cũng đến kịp giờ. Như thường năm bà Trầm tự tay làm mâm cỗ và đặt lên bàn thờ, nhưng từ chiều qua do quá xúc động, giờ đứng bên ông, bà còn nghe rõ nhịp tim mình thôi thúc nhắc nhở. Ông Được thắp sáng hai cây nến trên bàn thờ và châm sáu nén nhang cháy đỏ, đoạn ông phẩy mạnh tay cho tắt ngọn lửa rồi đưa cho bà Trầm ba cây, cả hai cùng đứng trước vong linh hai di ảnh đã nhòe theo năm tháng. Không phải đây là lần đầu tiên mà đã bốn mươi năm, ông bà cùng đứng van vái người đã khuất... Chỉ riêng năm nay ông lại châm thêm sáu nén nhang và từ phía sau ông,hai đôi bàn tay đầy đặn trắng trẻo đón lấy hương khói hồn đất, hồn người quyện vào nhau và có lẽ lúc này họ nhận ra gương mặt tình người tình quê thắm thiết. ... 

               Quả là ông Được và bà Trầm đã sống bên nhau cũng bốn mươi năm có ba người con cùng sáu đứa cháu. Vậy là ông bà phải giải thích đến chín lần “bật mí” vì sao ông phải để tóc dài, nhưng ông nhớ nhất thằng cháu đích tôn cứ tinh nghịch vén mái tóc ông lên, hù nhẹ vào tai trái ông rồi tủ mái tóc lại. Những lúc ông nhờ con cháu út thoa dầu trên hai bả vai có những vết thẹo sâu hoắm, được dịp nó cũng vén mái tóc bên trái ông rồi thoa dầu chắn gió vào tai ông. Đã thế, mỗi khi đi đâu về, ông ôm chúng vào lòng, chúng còn thơm lên phía tai trái ông nữa. Còn bà Trầm thấy ông cháu thủ thỉ với nhau thì bà cũng vui lây. Vui thì có vui nhưng mỗi khi nhớ lại cứ xót xa ông, còn bà thì... ánh lên trong đôi mắt. Nhất là sáng ngày hôm qua con cháu gái ướm thử bộ áo dài chuẩn bị vào học lớp mười. Ôi cha sao cháu giống bà ngày xưa quá, cái màu trắng bà yêu biết bao!... 

               ... Sau khi đậu tú tài bán, năm 64 của thế kỉ trước, Trầm chuẩn bị bước vào học lớp đệ nhất để thi tú tài toàn (hồi đó học xong lớp đệ nhị thi lên đệ nhất, bây giờ là lớp 11 lên lớp 12) bị mật vụ chính quyền Sài Gòn bắt giam ba tháng vì có mặt trong vụ Quách Thị Trang. Ra khỏi tù, về quê cô nhận lời cầu hôn của một viên trung úy (lính sư đoàn 22 Việt Nam Cộng hòa) biệt phái dạy môn tiếng Pháp, cô được đi học lại. Tưởng chấp nhận đời sống vợ chồng cho được yên thân, không ngờ ba tháng sau người chồng bảo là chuyển công tác vào Cần Thơ để tiếp tục dạy, nếu không thì phải bị đưa ra mặt trận An Lão. Mà kể đến mặt trận An Lão bấy giờ là chỉ có đi không trở lại, lính sư đoàn 22 đóng tại Tháp Bánh Ít ngày một thưa dần sau những đợt hành quân, càng ra sức đặt bàn, căng dây trên khắp đoạn đường dân cư qua lại nhằm bắt “quân dịch” bổ sung vì còn có số cố tình đào ngũ. Từ việc thầy Chương bỏ nhiệm sở dài ngày dẫn đến cô Trầm không chịu nổi sức ép lại bị mời lên mời xuống điều tra, cùng lúc cô cũng bị ốm thai, gia đình chuyển cô vào Từ Dũ điều trị, đứa bé trong bụng chỉ mới chớm tình yêu đầu của Trầm với Chương cũng vội xa cô. Rồi cô cũng vắng mặt ở Sài Gòn để lại nỗi âu lo cho tuổi già cha mẹ đang sống trong một thành phố biển Quy Nhơn đầy vơi con sóng. 

           ...Đã hơn một giờ sáng giữa lưng chừng núi rừng dừa thâm u tĩnh mịch, làm sao kiềm nén được những cơn co giật của các thương binh mới chuyển về đêm hôm qua, họ cứ trăn trở đau đớn vì những vết thương chưa lành, đây là những lúc họ thèm bàn tay dịu dàng của mẹ, của chị, của em trong gia đình chăm sóc. Từ lúc Trầm được cơ sở đưa lên cứ học y tá rồi chuyển về An Lão, và đây cũng là lần đầu tiên đặt chân lên quê chồng, Trầm vẫn tranh thủ ban ngày ra khỏi trạm xá hướng về dưới vùng trũng dọc hai bên dòng sông An Lão, nơi có những cây dừa chưa được lên cao đã bị cháy xém, có những cây đứng ra chống đỡ đạn bom cho người dân nơi đây đã bị phát ngang nửa chừng, có cây bị đào xới luôn cả gốc. Nhưng những cây dừa xanh cứ âm thầm mọc lên bên cạnh, vắng tiếng súng là ra đồng không kể ngày đêm. Hạt gạo cũng vừa đủ nuôi quân, chỉ thiếu muối. Việc chuyển muối từ Hoài Nhơn qua đường núi lên, hay từ Hoài Ân qua An Lão chỉ lo bị phát hiện là thu mất còn bị theo dõi. Lần đầu tiên trong đời chị thèm muối, có lúc chị được phân công đi cõng muối cùng giao liên, bà con dân tộc. Muối đựng trong những ruột gié, hay ngụy trang gói thành từng đòn bánh tét để che mắt địch. Nhớ lúc ăn lá muối, lá béo được hái từ trên núi trên rừng về, bởi muối chỉ để dành cho thương binh, cũng như cho cả tù binh nữa. Có những đêm chập chờn nhớ chồng trăn trở mãi đâu ngủ được, biết anh có mặt quê nhà này không, Trầm chưa dám hỏi ai, hơn hai năm rồi cũng biệt tăm tin tức về chồng...



                 Chị trở lại với công việc mình, đâu chỉ có tiêm thuốc, rửa vết thương, hay bốc thuốc cho thương binh uống, chị còn ngồi bên cạnh bón từng thìa cháo cho các anh ăn, có anh ói mửa thới thốc ra trên chiếu nằm hay đi ngoài tại chỗ, chị cũng lo dọn dẹp sạch sẽ thơm tho... Riêng một trường hợp thương binh nặng, mảnh đạn găm vào mắt bị nhiễm trùng, gương mặt bị rách nát, mất một cánh tay trái, thương tích đầy mình, mất máu nhiều cộng vào là những cơn sốt co giật mạnh, thấy chị run tay nên cô y tá mới bổ sung( cô y tá có tên Lê Thị Mới) cũng là để phân biệt cô y tá cũ là Trầm, nên Mới luôn được gọi kèm với công việc là “y tá Mới” đã trực tiếp băng rửa vết thương và chăm sóc cả ngày hôm đó. Đến tối thay phiên trực, nỗi ám ảnh cứ chập chờn chị nào dám ru giấc ngủ mình trên chiếc giường tre nhỏ, rồithiếp đi lúc nào không hay. Vừa chớp mắt như có tiếng ai đó gọi mình, chị tỉnh hẳn ngồi dậy, chỉ vài tiếng gáy tắt nghẽn, có hơi thở kéo dài, có tiếng khò khè vọng lại, lúc này Trầm cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết, chỉ vài ngày nữa các anh sẽ đi đứng bình thường, khỏe khoắn và trở lại mặt trận phía đông bắc An Lão, cũng như phía nam đường đèo An Khê cùng đồng đội mình. 

             Chị đưa chân xuống giường rón rén đến thăm từng chỗ nằm các thương binh nặng phòng bên cạnh, cô y tá Mới vẫy tay ra dấu, chị lại đặt hai ngón tay trỏ giữa lên lớp băng trắng mỏng che kín tay phải còn lại, khoảng cách mỗi nhịp tim cứ chầm chậm, chầm chậm dãn ra,... mạch dừng nhẹ nhàng và hơi sương ngoài trời len lách sờ soạng lên chân tay anh, rồi toàn thân lạnh dần, lạnh dần. Cô y tá Mới nhìn đồng hồ đến bàn ghi vào bệnh án. Còn Trầm dùng kéo cắttừng mảnh băng cũ đã ngấm nhiều máu từ trên đầu xuống tới gương mặt, tháo tới đâu chị lấy bông chặm tới đó. Cũng không là phép màu nhưng người vợ nhận ra được chồng nhờ cạnh ngón cái có hai ngón tay nhỏ xíu nữa khép vào nhau, nghe anh kể từ lúc lọt lòng mẹ hai ngón tay song sinh ấy không có móng! Còn mỗi khi nằm bên anh, chị tinh nghịch gọi đó là hai trái dúi dẻ đẹt nhưng là báu vật đưa lên mũi ngửi rồi xuýt xoa thèm lắm chỉ để dành làm của hồi môn... Cũng như lúc này, không thể một con người với hai tên khác nhau, khác cả ngày tháng năm sinh, chỉ trùng họ. Rồi sau đó Trầm mới hiểu ra được thời chiến tránh bị theo dõi.

              Và rồi mai đây, hình hài không nguyên vẹn được đất mẹ ấp ủ chở che, vết tích chiến tranh đã được chôn vùi, lấp sâu trong lòng đất, chỉ còn lại với đời mộ bia đề tên anh: Đinh Vĩnh Cửu. Mưa gió không thể bào mòn bởi những nén nhang cứ từng ngày sáng đỏ tỏa hương... 

              Cô cháu gái vẫn đứng trước gương săm soi khi mặc bộ áo dài trắng đưa tay buộc tóc ra sau lưng, rồi xõa tóc ra hai bên phía trước ngực, ngắm nghía từng đường nét dáng người thon thả của mình nhưng cũng để tâm đến những cảm xúc của bà rồi cắt ngang:

            - Chuyện tình thời ấy là một nỗi buồn chiến tranh sao bà nhớ đến từng chi tiết vậy? Tất cả là quá khứ, hãy để quá khứ lùi xa, nhớ nhiều thì nếp nhăn chồng chất, bà sẽ mau già, mà mau già rồi phải... Cô cháu gái sợ lỡ lời nên vội chữa ngay nói là mai mốt cháu sẽ viết cả một bộ tiểu thuyết nhiều tập về một thời thanh xuân của bà, của những cô gái Bình Định trong kháng chiến để mấy đứa bạn khâm phục bà và “nhà văn” cháu nữa đây! Nhưng lúc này bà ơi, cháu mặc bộ áo dài trắng có xinh xắn lắm không bà?!... 

           - Ừ, người già thường tự làm khổ mình cháu ạ!... Miệng nói nhưng bà đưa mắt ra ngoài sân, nắng đã bắt đầu rót mật, thằng cháu nội dắt chiếc xe đạp lên hè, rồi bà kịp quay lại tấm tắc khen: Cháu chỉ xõa tóc khi mặc bộ áo dài này là đẹp hơn hết, những lúc nóng nhớ tết(thắt) con rít thả hai bên lại càng xinh. Nhưng cái đẹp luôn kèm với cái giỏi nữa kia.

          - Ô, bà khỏi lo, ba môn thi vào lớp 10 đều chín điểm trở lên, chứng tỏ sức học cháu bà là số 1. 

            Trong câu trả lời đầy tự tin của cô cháu út đã làm bà phải giật mình sao nó tự kiêu hãnh giống bà lúc trẻ quá, điều kiện cuộc sống bây giờ khá khắm hơn, hễ con cháu muốn học tới đâu thì cha mẹ nó lo tới đó, chả bù lại ngày xưa bà là đứa con thứ chín trong gia đình còn sau bà là hai đứa em trai nữa. Chiến tranh đã qua lâu giờ người còn người mất, rồi bệnh tật ốm đau, rồi lại thêm những cái chết oan uổng vì tai nạn giao thông, vì ngộ độc thức ăn thức uống,... chỉ nghĩ đến thôi đủ để bà đau thêm thắt ngực khó thở. Thằng cháu cũng vừa bước vào nhà mặc cho mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đỏ ké, ướt đẫm cả vai áo cúi đầu chào bà, bà quay sang hỏi: 

            - Ông đâu sao không về cùng cháu? 

           - Dạ, ông gặp hai người bạn hỏi thăm ông, hai người ngỡ ngàng giây lát rồi ôm ông chặt khít vậy đó! Tất cả trở lại nghĩa trang... \

           - Đàn ông hay đàn bà vậy cháu?

           - Dạ. Cả đàn ông và đàn bà. Ông bảo cháu về trước báo cho bà chuẩn bị cơm nước đón khách quý. Cháu tăng tốc trên con đường bê tông nắng ơi là nắng. ... 




              Nhớ lại đoạn đường ngày ấy khoảng đầu năm sáu chín, không chỉ nắng mà còn là lửa. Khối lửa rơi nhanh trên đập Balé sau khi gầm rú trút đạn xuống tại Nước Ly, xã An Dũng. Khi viên đạn kẻ thù cắm vào ngực cô y tá Mới âm ỉ chảy, không thể cầm lại mặc dù ông đã nhanh chóng băng kín vết thương, có thể là cô ấy bị máu loãng không đông. Đất không thể bình yên khi ông Được cúi nhìn gương mặt hấp hối của cô y tá Mới. Ông ngước lên nhìn trời, trời rực lửa sục sôi bốc hỏa tiếp hai chiếc trực thăng nữa rơi vào khu núi Đá Bàn khi chưa kịp định quay về hướng Hoài Nhơn. Sự định hướng không cần minh chứng đã bị lụi dần trong đống sắt vụn ngổn ngang giữa núi rừng An Lão Bình Định.

            Hơn nửa vầng trăng thượng tuần hôm đó là mùng chín tháng giêng năm Kỉ Dậu (1969) vẫn treo sáng đỉnh đầu đã ướm hơi sương, trên đường gấp rút về căn cứ sau khi chôn cất cô y tá Mới vừa xong, đi dọc theo con suối đá thuyền, ông Được cùng đồng đội tranh thủ xuống suối rửa ráy chân tay, bấy giờ ông Được mới biết mình đã bị mất đi một phần trên tai trái lúc nào không hay, máu đã vón cục lại dính vào tóc, chảy xuống cổ, thấm vào cổ áo đã bốc mùi tanh khó chịu... Nhưng so với nỗi đau chung của bà con dân tộc, đồng đội ông nơi đây đã mất và bị thương không ít, thì với ông đó chỉ là vết xước quá bé nhỏ. Và có nỗi đau nào bằng tình yêu đầu đời vừa chớm nở chưa kịp nói lời hẹn hò với cô y tá Mới, đã bị kẻ thù cướp mất, giờ cứ ứ đọng lại vết tím bầm trong tim. Mặc dù cô y tá Mới, theo lí lịch trích ngang là cô đã có một đứa con gái với một viên sĩ quan quân y Việt Nam cộng hòa mở phòng mạch riêng tại thành phố Quy Nhơn trước năm Mậu Thân 1968, nhưng cô bị tước mất quyền làm mẹ, vì người vợ sĩ quan vô sinh. Phải chăng đó là chuyện sai lầm thời con gái của Mới, còn ông Được lại là người con trai lớn lên đã phải cầm súng bảo vệ đất nước, chỉ mới vội vàng đặt cái hôn lần đầu cũng là lần cuối trên đôi mắt Mới nhìn lại ông đầy luyến tiếc chưa kịp trăn trối, đoạn ông đưa bàn tay mình còn vương mùi thuốc đạn vuốthai mắt cho khép lại, cũng là lúc cô vừa trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ông cùng đồng đội... Hồi đó là cuối mùa mưa.

                ... Nghe tiếng chân bước từ ngoài ngõ đi vào nhà, bà Trầm đã nhận ra ông Được về, bên cạnh là hai người nữa. Một người đàn ông chừng bảy mươi tuổi cao to, mũi nhọn, mắt xanh, da mặt trắng hồng tóc bạc ánh kim, người đi bên cạnh là một phụ nữ khoảng hơn bốn lăm bốn sáu gì đó, tóc hung hung đỏ, chỉ riêng đôi mắt có thể nhận ra là có nét một người nào đó mà bà Trầm chưa nghĩ ra. Còn người phụ nữ ấy gọi người đàn ông đó là bố. Cả hai bố con cùng cúi đầu chào bà, người bố nói tiếng Việt lơ lớ:

              - Xin - giơi thiệu - vơi bà - tôi là - Fred - đây! Một người lai - may bay rọ - tồi nhât - đã bị đồng đội bà - băn rơi - xuông tại trụ sơ - xa An - Quang tháng bay năm sau mươi - tam.

             - À... thì ra ông là giặc lái những năm ấy à! Bà Trầm cũng dằn lại từng tiếng khi trả lời ông, ngừng một lát, bà nói tiếp: Đã qua rồi một cuộc chiến làm đau tai nhức óc lắm!... Ông còn đến đây để làm gì nữa? Hãy đi đi!... 

             - Không, thưa - bà!... Tôi se - đi ngay nêu - chưa noi - được lời cam ơn - về bà đa - cho tôi ăn - “muối” - khi - tôi thèm no vơi chao - trăng bà nâu. “Một miêng - khi đoi bằng - một goi khi - no” Tôi học - được - tục ngư Việt Nam - hay lăm!... 

            - Chúng tôi chỉ bắn lại các ông khi các ông đến xâm lược đất nước, nã đạn bom đạn vào đồng bào chúng tôi. Còn khi máy bay rơi, ông bị thương sống sót, chúng tôi phải cứu ông. “Lương y như từ mẫu” không phân biệt đối xử trong bất kì trường hợp nào!... 

           Đoạn bà định đứng lên để đi vào nhà trong thì cô gái đã giữ chân lại trong câu chuyện của mấy mươi năm về trước, cuộc lưu lạc, bị đẩy đưa và gặp được ông Fred ở xứ người đây, ông nhận cháu làm con nuôi đã ba mươi năm kể từ lúc ba má cháu sang bên ấy rồi bị bệnh ung thư đã mất. Nói xong, người phụ nữ đưa tay vào túi xách lấy ra gói giấy nhỏ bên trong là một cái phái hình vuông màu vàng gạch thường đeo cho trẻ sơ sinh khó nuôi với quan niệm người xưa yếm trừ ma quái và đựng trong đó là hình lá bùa của các thầy cúng. Nhưng bên trong cái phái này là một mảnh giấy nhỏ gói tấm hình đen trắng đã ngã màu lá khô nhưng nhìn kĩ vẫn rõ gương mặt một thiếu nữ khoảng chừng hai mươi tuổi tóc xõa qua một bên. Bà Trầm chưa hết ngạc nhiên thì người phụ nữ ấy lại lật ra mặt sau tấm ảnh có dòng chữ “ Mẹ Lê Thị Mới tặng con gái Lê Thị Mai của mẹ”... Chững một lát sau, bà Trầm xin lỗi đứng lên đến trước bàn thờ đã đặt hoa quả tươm tất, thắp nén hương, bà khấn “Mới à, sống khôn thác thiêng, hãy cho mình mở tráp lại để con được gặp mẹ, cháu Mai đã về rồi đây!”, bà lấy ra tấm hình cỡ 4.6 đã ngã màu, không dám xem lại dòng chữ ở mặt sau nữa, mà mấy mươi năm trước bà đã đọc rồi, mắt nhìn vào di ảnh Mới qua làn khói hương, tay bà run run bám chặt cạnh bàn thờ, cái nền xi măng dưới chân bà đã cũ lắm muốn ghì lại, còn bà cố bước nhưng không nhích được chút nào. Thấy tấm hình lảo đảo theo bà Trầm, người phụ nữ vội bước nhanh kịp lúc ôm bà Trầm lại, cả người bà mềm như con bún. Ông Fred cúi xuống nhặt tấm hình, cẩn thận úp lên ngực áo ông đang mặc xoa nhẹ như sợ lớp bụi mới bám vào, trân trọng đặt bên cạnh bát hương vừa thắp đỏ. Đất thiêng. 

              ...

              - Cháu sẽ hủy vé bay chiều nay ở lại với mẹ, cô Trầm và bác Được cho phép ạ!


                                                                           * 

                  ... Nằm bên bà Trầm nhìn ra ngoài đêm tháng sáu đầy sao. Gió đượm hơi nước từ cơn mưa chiều trút vội đã làm vơi hẳn cái nắng ở mức 39 độ C giữa một vùng đất được núi đồi bao bọc, từ quanh khu vườn hoa quả chôm chôm chín đỏ phả vào khung cửa trong lành hương thơm. Khẽ khàng Mai kéo tấm chăn mỏng lên ngực bà Trầm, thỏ thẻ:  - Mẹ Trầm ơi, yêu mẹ Mới con quá!... con yêu cả hai mẹ.  - Mà thuở ấy... cả trạm chỉ có hai nữ lại ít có giây phút nằm lại bên nhau như vầy cháu ạ! Vậy là sau khi mẹ Mới cháu hi sinh, cả bữa cơm tối cứ nghẹn đắng trong miệng. Còn ông Được thường ngày hay gợi chuyện thì không nghe lấy một tiếng. Sáng ông chẳng buồn ăn, lo ông đói, lúc ấy “cô y tá Trầm” này lấy phần trái bắp chín còn lại trong thau thiết, lột sạch vỏ cầm hai tay đưa ông rồi ra lệnh: “Đây là phần của đồng chí phải gấp rút ăn nhanh!”. Như chợt tỉnh, ông nhìn vào trái bắp nói rất khẽ “Để tôi dùng mà! Cảm ơn Trầm, cô y tá cũ!”... Mãi cho đến sau này, đúng là Tết Độc lập năm 75, mờ sáng hôm đó “cô y tá cũ” nghe tiếng gõ cửa phòng liền ra mở cửa. Trời đất ơi, ông Được mang đôi dép cao su nghiêm trang trong bộ quân phục lấp lánh ba huy chương kháng chiến trên ngực áo, ngã nón cối chào. Ông Được cầm sẵn cái lược trên tay và tuyên bố: “Tôi, Đinh Văn Được, độc thân, xin tự nguyện suốt đời gỡ rối mái tóc “cô y tá cũ” này mãi óng suông, xin Trầm nhận lời cho!..” Và cô y tá cũ Trầm đâu thể từ chối lời cầu hôn quá bất ngờ này! Người chiến sĩ thuộc sư đoàn ba sao vàng năm xưa ôm chặt cô y tá cũ vào lòng. Có thể đây là lần đầu tiên cô y tá cũ được khóc. 

                Đêm bình yên để thức lại quá đủ đầy những biến động trong tâm hồn của hai thế hệ. Đêm bình yên thức lại quá khứ để tri ân đồng bào, đồng đội đã ngã mình xuống cho lòng chảo An Lão được lên xanh!... 

10. 11. 2014

*Trích NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI (NXB HNV- 2018) tập Truyên ngắn NGuyễn Thị Phụng.

                                                                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét