Thơ Trần Mai Hường: Bừng nở khoảng trời dấu yêu
Nguyễn Thị Phụng
(Đọc Mây mưa với chữ, tập thơ Trần Mai Hường NXB. HNV, 2020)(Vanchuongphuongnam.vn) – Mây mưa với chữ không là cuộc thử nghiệm cấu trúc, phá cách mà an nhiên thoát thai từ một tâm hồn nhân bản. Đồng hành cùng thơ Trần Mai Hường mang tính tích cực, bởi sự cân bằng trong mỗi bài thơ đâu còn khoảnh khắc nuối tiếc quá khứ, hối hả nhịp đời đánh đố của bậc nữ sĩ tài hoa.
Mây mưa với chữ là tập thơ thứ tám của Trần Mai Hường, trong đó có ba tập in chung với vài nhà thơ nữ khác gần đây, chọn điểm tựa cùng chị em và từ đó làm bệ phóng riêng để thoát thai vốn có căn nguyên của mình: “Này thì anh/ Này thì thơ/…/ Này thì người/ Này thì em/ Quấn bao dan díu lấm lem thành tình/ Những huyền ảo, những phiêu linh/ Tên anh- từ khóa- chỉ mình em tra/…” (Từ khóa)*. Thơ Trần Mai Hường ở những tập in riêng trước (Sống khát-2009, Đó là em-2010, Những ngọn sóng tỏa hương-2012, Ngược đêm-2014) chứa đựng đầy đủ thi ảnh: “Cuộc đời chỉ có màu sắc ý nghĩa khi ngoài bánh mì còn cần phải có hoa hồng, ngoài tồn sinh thì sống phải có khát vọng- dù trả giá, trắng tay. Dầu vậy, cái giá của khát vọng và hạnh phúc ở đời là thước đo tầm vóc của con người chân chính”(Lê Minh Kha, Hồ Vân Anh – Sinh thể văn học… – NXB Khoa học Xã hội, 2020). Còn cách tra từ khóa tên anh trong Mây mưa với chữ phải chăng đã Bừng nở khoảng trời dấu yêu riêng của bậc nữ sĩ phương Bắc mưu sinh trên đất phương Nam miệt mài phấn chấn: “Chiều nay sóng dội ngàn xa/ Biết đâu sóng đợi kết hoa dâng đèn” (Từ khóa)*.Với Trần Mai Hường, dù là một từ trong câu thơ, hay các câu trong một tứ thơ đều chỉn chu cẩn trọng. Bốn mươi lăm bài trong tập là sóng, là hoa, là đèn lung linh tỏa sáng theo mạch cảm xúc đón nhận. Một trái tim thổn thức đã từng khẳng định trong Đó là em** trước đây… khởi đầu chặng thơ đầy va vấp mà an nhiên: “Ta nhẩn nha cười này nhục, này vinh/ Chưa bám mép khôn đã trượt cuồng lưu dại/ Những tứ thơ rùng mình tự trói/ Rồi thăng hoa theo nhát chém thánh hiền”. Những tứ thơ của nữ sĩ lúc này không tự trói ngột ngạt, bung tỏa mây mưa khôn cùng cho những sắc cầu vồng phát tán.
Trong Mây mưa với chữ có lúc thả lỏng khoảnh khắc riêng tư không là bất chợt, dẫu lời đẩy đưa như gió mây trời, ngỡ đồng thuận nhưng được kiểm soát bằng vách ngăn mỏng manh như tấm áo, chị điều khiển bảng chữ cái trên bàn phím bắt mạch nhịp nhàng cho mỗi câu thơ cất cánh mới lạ run rẩy đến tận cùng nhưng nhức, vòi vĩnh từ lúc: “Anh mang mùa đàn ông ru em/ Đêm ấy thiên đường bỗng chật/ Lưng chừng trời chỉ đôi ta cổ tích/ Ngàn sao hoang gió đa tình/...” (Mùa anh)* chới với, đọa dày thi nhân: “Em lại nguyên em – bản thể – tinh khôi” (Vó ngựa trót hoang em)* đã kịp kìm nén nhận ra: “Lại em sắp ngửa nổi chìm/ Bơi trong sóng chữ biết tìm đâu phao” (Xin chừa lối thương)*. Rồi hoài nghi Gieo buồn giữa dòng trôi*: “Hỏi người đã thấm mê chưa/ Mà đem hồn đá làm bùa cầu hôn”. Cũng là chất vấn của liễu yếu đào tơ mà nữ sĩ Vân Đài thế kỉ trước từng chốt mạch đàn ông: “…Giăng đường mật ngọt lưới tơ tình/ Để lừa quấn riết đôi chân nhỏ/ Của những nàng tiên trẻ rất xinh”. Thì ra… xưa và nay cái tình đôi lứa bướm ong bám chặt đeo đuổi thân phận hồng nhan, cả thánh thần nơm nếp lo âu vồ vập.
Sự thử thách và cân bằng để trở lại với nhận thức chính mình. Thì ra hụt hẫng ấy không là nguyên nhân chối bỏ hòa nhịp, đền bù xứng đáng trái tim chân tình độ lượng, thỏa đam mê phóng khoáng khi Viết cho người đến sau*: “Cảm ơn anh/ Người đàn ông bao dung/ Đã dám yêu cả những bài thơ/ Em viết cho người cũ/ Những trái tim em sa mạc/ Anh có chắc mình thảo nguyên”. Những chông chênh hụt hẫng duy nhất lần đò sang ngang dang dở. Trở về em với thực tại (Vó ngựa trót hoang em, Xin chừa lối thương)*. Đâu riêng mình, thân phận thi nhân ngút ngàn những trầm luân dâu bể. Trần Mai Hường lần chọn từng trang sách thể ôn cố tri tân góp nhặt: “Lại thèm đọc Xuân Hương cười ngạo nghễ. Nhưng cau nhỏ trầu hôi đã trót quét một đoạn đời. Dù vẫn biết chẳng có gì bất biến. Sao vẫn đắng lòng trước xanh lá bạc vôi./ Ừ, đành lại quăng mình vào chữ nghĩa. Nghe Nguyễn Du than buốt những trang Kiều. Rằng sau bao đắm mê phút liền cành chắp cánh. Đau đã mưng mầm từ rẻ rúng người gieo”. (Ai nhớ đã từng nhau)*. Vậy thì, thi nhân chính là chủ thể trữ tình, những cung bậc cảm xúc ấy dễ dàng đến với người tiếp nhận qua thi hứng sáng tạo ở mỗi tứ thơ, không một trùng lặp. Hễ mỗi lần đè nén tột cùng đau thương thì câu thơ tài hoa nữ sĩ ngút ngàn dấu thăng.
Nét bổng trầm đa mang chính là nhịp phách Trần Mai Hường khi đối diện với tự nhiên không một ràng buộc. Lúc thì thuần thục: “Người đàn bà chọn thản nhiên về cứu rỗi. Xót xa ơi xin khép mắt nguyện cầu. Ngủ ngoan nhé trái tim mềm thương lắm. Gấp trang đời ai nhớ đã từng nhau” (Ai nhớ đã từng nhau)*.
Lúc thì Phân vân*: “Đò tình người chạy dọc/ Bỗng vương mắt em ngang/ Muốn nhốt anh vào sóng/ Lại thương những lỡ làng”.
Lúc thì Trót em* tự bạch thăng hoa:
“Chớm đêm vấp lối địa đàng
Gặp E-va với A-đam ngọc ngà
Thưa rằng-em-phận hồng hoa
Trót mây mưa với chữ mà hoang thai”
Phận hồng hoa lại trót mây mưa với chữ mà hoang thai. Cái thai không cần siêu âm đã xác định giới: “em” an nhiên thoát xác Thả bùa* tình tự với tự nhiên đất trời thơ mộng đẹp đẽ đến nhường nào trong tứ thơ năm chữ:
“Không thể bình tĩnh được
Trước Đà Lạt và thông
Rượt đuổi theo em – gió
Cứ trôi nhau kiệt lòng
Không thể bình tĩnh được
Trước rừng lạ mây tươi
Mơ lạc miền thành thảo
Mùi trần gian dụ mời”
(Thú nhận)*
Nếu bụi hồng trần mù mịt vùi dập thân phận nhọc nhằn, thì vì sao cái mùi trần gian dụ mời thi nhân bối rối đến nghiện như vậy?! Thưa rằng mùi trần gian của tri âm, tri kỉ còn không thể thiếu sự hôn phối cho việc phồn thực thiêng cao quý. Mùi trần gian dụ mời cho khúc tình ca viên mãn dịu ngọt: “Em sẽ có một tháng tư trong tim. Tháng tư có mùa anh ngự trị. Cát mịn biển xanh nắng hường quyến rũ. Một tháng tư mềm là lụa ghé môi thơ/…/ Sóng sóng sóng từ đâu bất tận vỡ òa. Vi diệu lắm không thể tin có thật. Giữa đắm say vũ điệu tình ảo thực. Em thầm thì thương lắm tháng tư anh” (Tháng tư phiên khúc anh)*. Mùi trần gian dụ mời tinh tươm hấp dẫn đã hoán đổi không ngần ngại:
“… Hình như em liều thế chấp
Cả đời thơ em nhọc nhằn
Biết chìa khóa đời có mở
Người em tìm đúng anh không”
(Em liều thế chấp)*
Để rồi khi chạm thấu Mây mưa với chữ bắt gặp một Trần Mai Hường say với mình, say với thơ: “…Cứ tự mình nguệch ngoạc/ Vẽ đa đoan cho đầy/ Tháng mười ngày mười chín/ Sao chỉ mình ta say// Xin đời đừng gió nữa/ Xin tim nhỏ thôi hờn/ Tự mình hôn mi ướt/ Hương tự mình cầm hương” (Sinh nhật)*. Một chút đớn đau mà tận hưởng. Ta cần đời hay đời cần ta. Hay cả đời và ta hòa quyện. Soi vào không gian đời chới với những vần thơ. Soi vào thời gian bóng nguyệt địa đàng trót đam mê say đắm: “Định cư ở lưng chừng trời/ Thầm em ước gặp được người trần gian/…/… Kinh nhật tụng thuộc ngàn trang/ Mà yêu nhớ vẫn xếp hàng cầu may// Là hường – thương cánh môi lơi/ Là trần xin nhé hẹn đời mốt mai” (Mai Hường Trần)*. Ngỡ nữ sĩ núp bóng Tản Đà ngông nghênh trăm năm trước, mà tôi luyện chưng cất mật tình đánh vật trái tim đã đủ chưa. Ngỡ nữ sĩ núp bóng thi tiên, thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ trong văn học phương Đông đã tôn vinh để có những tứ thơ đầy bất ngờ thú vị. Thêm chút tâm tình san sẻ: “Hà Nội hôm nay nắng phải lòng mùa/ Em cầm nhớ lang thang ru-bích chữ” (Ru-bích chữ)*. Phải chăng những cầm nhớ, cầm hương rồi cầm lòng không đỗ, thơ cuồn cuộn bay vào trang sách làm sứ giả tâm hồn, không theo khuôn mẫu nhào nặn. Đừng ngỡ quả trứng gà giống nhau, nếu cận cảnh sắc màu đã khác. Vỏ ngôn ngữ thơ tồn tại trong sáng tạo văn chương thuần khiết lắng sâu trí tuệ.
Mây mưa với chữ không là cuộc thử nghiệm cấu trúc, phá cách mà an nhiên thoát thai từ một tâm hồn nhân bản. Đồng hành cùng thơ Trần Mai Hường mang tính tích cực, bởi sự cân bằng trong mỗi bài thơ đâu còn khoảnh khắc nuối tiếc quá khứ, hối hả nhịp đời đánh đố của bậc nữ sĩ tài hoa.
N.T.P
01.02.2021
—
* Tên các bài thơ trong tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét