Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

VẠN LỘC- NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH của NGUYỄN THỊ PHỤNG

 VẠN LỘC-  NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH


           Có thể tôi loay hoay khi chọn tựa đề viết về chị- Nhà thơ Vạn Lộc quê Quảng Nam, vùng đất của Bùi Giáng trước đây, của H. Man bây giờ. Xứ sở của “...chưa mưa đã thấm, của rượu hồng đào chưa ngấm đã say”. Cái say ấy ngấm vào thơ để lại cho đời biết bao nhiêu tác phẩm. Riêng chị Vạn Lộc đến nay có đến mười một tập, trong đó ba tập tái bản và rất nhiều giải thưởng được vinh danh. Nên thơ chị có mặt trên báo, tạp chí, tuyển tập, cũng như trên sóng phát thanh và truyền hình cũng là lẽ thường. Quả là cả đời chị yêu thơ đến dường nào. Thơ và đời là Chín chín nhịp*, là Lá thức*, là Gió miền lục bát*,...

        Lại nhớ được gặp chị của mười năm trước trong ngày ra mắt Hội thơ Lục bát Việt Nam tại Đà Nẵng, được chị ân cần đón tiếp niềm nở. Rồi trên đường từ trại sáng Đà Lạt trở về, lại gặp chị ở Quy Nhơn. Hẳn là cái duyên thơ. Giờ đây trong những ngày giãn cách xã hội, chị tiếp tục gửi tặng đâu chỉ thơ còn có cả hộp khẩu trang y tế thể như nhắc nhở chung tay chống dịch Covid-19. Và khi nhắc đến xã hội, chuyện đời thì biết chị- Nhà thơ Vạn Lộc nhiều lần trực tiếp sẻ chia những món quà từ thiện cho bà con gặp thiên tai bằng đồng tiền tích lũy cả đời mình. Ít nhiều san sẻ những âu lo cùng người dân lúc cơ nhỡ... Công việc từ thiện là chung cho những tấm lòng nhân từ và điều kiện sẵn có.

       Với cuộc đời đã đi vào thơ, hay thơ đi vào cuộc đời đã làm nên một Vạn Lộc, người con làng Đông Yên, Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam đến nay được 75 tuổi. Xin được chúc phúc chị hạnh phúc đã đong đầy từ gian lao khó nhọc, chịu thương chịu khó: “Bỏ áo nữ sinh mang áo chợ/ Tháng ngày mòn mỏi tuổi xuân tươi/ Những muốn cho chồng con hạnh phúc/ Gian lao cực khổ kể chi mình”(Chợ Cồn- Gió thổi từ Đông Yên*). Chính là đức hạnh của phụ nữ, hi sinh thầm lặng, chẳng ngại gian lao. Cũng như tất cả sự đóng góp mỗi thành viên trong gia đình sẽ là tổ ấm lâu dài bền vững nên mỗi bài là tiếng thơ tiếng lòng của chị-Người đàn bà viết thơ tình

       Tình yêu trong thơ Vạn Lộc bắt nguồn từ những bài lục bátChị có cả một tập Gió qua miền lục bát*. Nói đến thể lục bát, thì trong Nhịp điệu thơ ca- Lê Từ Hiển khẳng định: “Thể thơ truyền thống dân tộc được xem là sinh mệnh mang tiết điệu hồn sông nước Việt”***. Nó gần gũi với ca dao, ắt hẳn từ tuổi thơ nằm lòng trong những câu hát của mẹ: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Nhưng đời mẹ có dẫu đắng cay như bài ca dao xưa kia, thì lòng mẹ , tình bà với các cháu yêu như một Ban mai xanh**: “Mỗi trang đời đẹp trang thơ/ Yêu thương bà gửi giấc mơ lòng mình”. Riêng với các con, người mẹ sẻ chia với tấm lòng mình: “Mười bông hoa, mười niềm yêu/ Đã reo cánh sóng, vui triều nắng xuân/ Ban mai thơm gió trong ngần/ Thổi qua lòng mẹ, bâng khuâng quê nhà”(Ca dao mẹ)**. Đó là niềm vui người mẹ luôn kết nối và tỏa sáng:

      “Chiếc cầu nối biển nối sông
      Tình yêu nối những mênh mông chân trời
      Mùa đông vẫn chút nắng rơi
      Hình như nắng tự tim người nở hoa

                (Thương yêu tặng núm ruột của mẹ)**   

       Hình ảnh tự tim người nở hoa chính là tấm lòng đức độ, từ bi của người mẹ. Còn là sự trân trọng yêu kính người bạn đời đã trải qua sáu mươi năm sớm tối bên nhau, nhưng đâu thể níu kéo thời gian lại được, những hụt hẫng quá lớn, người phụ nữ- thi nhân, bên chồng đã bình tâm san sẻ: “Trăm năm đã gọi phai phôi/ Anh như mây xám bên trời đang bay/ Cầm tay anh, những ngón tay/ Guộc gầy năm tháng, đong đầy yêu thương”(Anh như áng mây bay lên trời)**.

       Và có thể nói vẹn nguyên tập thơ lục bát chính là tiếng lòng Vạn Lộc Một đời là mấy buồn vui** là những (Nội ơi, Cha, Vu Lan, Cánh cò và mẹ, Đóa từ tâm, Vô ưu kinh,...)**. Còn là sự thưởng ngoạn trên những điểm dừng chân(Hà Nội ơi, Nhớ Hà Tĩnh, Đà Nẵng ân tình,Tạ ơn quê,...)** Lục bát dễ đi vào lòng người, cũng là điệu tâm tình bộc bạch, kết nối trái tim đến với trái tim, đến với tình người và cảnh vật.

      Khác với Gió qua miền lục bát thì Lá thức là tập thơ thể Đường luật- thất ngôn bát cú đậm Gánh văn chương**. Bởi chịu sự chi phối văn chương bát học. Đâu chỉ dựa vào niêm luật gò bó từ số câu, gieo vần, đối thanh mà cái cốt lõi là thấm đẫm cái tình sâu lắng cô đọng. Trong tám mươi bài thơ Đường luật đã được tác giả phân theo đề mục của từng chủ đề. Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra từng Mảnh tâm tư, chẳng hạn từ một Tiếng đàn**:

   “Thực tại bỗng dưng hóa ảo mờ
     Tay ngà nhè nhẹ chạm dây tơ
     Ngờ đâu cảm hứng tràn cung bậc
     Mới biết âm thanh ngập bến bờ
     Nâng khúc cầm xưa nâng điệu lý
     Ru tình duyên cũ động cơn mơ
     Ô hay! Tất cả là sương khói
     Hạt bụi bên đường cũng ngẩn ngơ

     Hay Hồn thiêng sông núi , Nhà thơ đã ưu ái vẽ nên bức tranh đẹp quê mình qua bài: Ngũ Hành Sơn**:

      “Ngắm Ngũ Hành Sơn đẹp sững sờ
       Thì ra tạo hóa cũng làm thơ
       Biển ôm triền sóng giao lời ước
       Núi kéo chân mây ngỏ ý chờ
       Non nước tinh hoa vàng với ngọc
       Sắc màu huyền diệu thực và mơ
       Thẹn thùng nhũ thạch khô nguồn sữa
       Mới biết người xưa khéo ỡm ờ

      Trong tầng nghĩa Lá thức là ẩn dụ cho sức mạnh tinh thần, niềm tin yêu được chắc lọc từ trái tim thân thiện. Điểm dừng chân trên từng mọi nẻo đường quê hương đều được đi vào trong thơ Vạn Lộc, mà hầu hết tác giả đã khai thác đến tận cùng cháy bỏng đam mê, khi dừng lại bài thứ tám mươi cuối cùng trong tập mà tôi tâm đắc nhất ở hai câu luận: “Em vẫn say tình ngùn ngụt lửa/ Anh còn giỡn nắng hững hờ bông”(Có một mùa thơ)**. Dấn thân vào thơ Đường luật phải là người uyên bác lựa chọn ngôn từ sáng đẹp mà tinh túy. Và chắc chắn rằng Lá thức đã là tài sản về thể loại thơ tồn tại đến bây giờ rất hiếm hoi.

      Để trọn vẹn về Người đàn bà viết thơ tình, thì Chín chín nhịp đã là độ nén trong toàn tập về thể thơ bốn câu

Nếu trước đây thơ bốn câu được quy định theo thể Đường luật, ngoài thất ngôn bát cú, thì còn có ngũ ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn tứ tuyệt. Cho đến giờ lại được mở rộng thể tứ tuyệt không hạn định số từ trong câu. Từ độ nén theo lời ngắn tình dài tùy theo mạch cảm xúc giải bày. Thơ đã ngắn mà tựa đề bài thơ còn kiệm lời hơn, bởi Vạn Lộc chỉ dành một từ (từ một tiếng, từ hai tiếng) khá nhiều trong Chín chín nhịp , chẳng hạn như bài Soi**:

        Trước gương mình lại gặp mình
         Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
         Nếu mai gương vỡ mất rồi
         Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình

        Từ trong cách ngắm nhìn qua gương chỉ hiện khuôn mặt người. Nếu chỉ ngắm mình qua đôi mắt thì vẻ đẹp thể chất khó tồn tại theo thời gian. Cái chính là vẻ đẹp tâm hồn lắng lại câu kết: Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình. Tình yêu thơ với chị lan tỏa, là nguồn vui vượt lên tất cả trong tứ thơ lục bát Ơn đời ** một cách trân trọng:

       Còn bao nhiêu nắng trong hồn
         Em đem sưởi ấm cô đơn tháng ngày
         Ơn đời còn lại phút giây
         Vịn thơ vượt những đọa đày nhân gian

       Với Vạn Lộc, thơ là đời sống tinh thần cứu rỗi tâm hồn trong những lúc cô đơn nhất. Dẫu trên bước đường đời thăng trầm thì thơ là ngọn nguồn cho chị sẻ chia: “Phận đàn bà, phận bể dâu/ Câu thơ cay đắng nhĩ nhàu đau thương/ Mỗi bài thơ, mỗi đoạn trường/ Mà tim vẫn mãi ngát hương cuộc tình”(Người đàn bà làm thơ tình)**. Chỉ qua những tập thơ mới hiểu thêm đời chị. Lắm gian nan, lắm thử thách. Để rồi chị tìm về chốn tịnh thiền nơi của Phật, gửi vào nơi đây lời cầu nguyện chân tình, cho thế hệ cháu con mình an sinh phát triển: “Từ nay cởi áo xa hoa/ Tắm sông Bát Nhã, trọ nhà Hương Lam/ Buông danh vọng , xả sân tham/ Từ bi nép bóng, địa đàng dấn thân”(Nép bóng)**, còn là nhắc nhở, hãy vì cuộc sống tươi đẹp yêu thương vun đắp.

        Cho lời kết viết về Vạn Lộc- Người đàn bà làm thơ tình là tự kí gửi đời mình vào con chữ thấm đẫm muôn nỗi đắng cay:

       Vẽ tim mình vệt sóng xô
        Vẽ thương đau buổi sông hồ ly tan
        Một đời nhặt đá, tìm vàng
        Xuân xanh đổi lấy trái ngang đời người
”./.

                      12.07.2021 / Nguyễn Thị Phụng.

__________________

*Tên các tập thơ của Vạn Lộc.
**Tên các bài thơ
***Trích  Sinh thể văn học- Những nẻo đường tiếp nhận(NXB. KHXH 2020)

2 nhận xét: