KHÁI NIỆM THẨM MỸ TRONG THƠ LỤC BÁT H. MAN
H. Man
làm thơ từ năm 1972, đến nay đã trọn nửa thế kỉ. Dấu mốc làm thơ không là thời
gian, và rất hiếm những tập lục bát đã trình làng như H.Man 35 bài lục bát(NXB.Văn
học 2011) và tiếp đến nay Lục bát bay vòng(NXB Văn học 2022),
tôi cho đó là kỉ lục “xưa nay hiếm” của một thi nhân vừa tròn thất thập, tính kỉ
lục được bắt nguồn từ cảm xúc tha thiết yêu cuộc đời đến dường nào. Vậy yếu tố
thẩm mỹ trong mỗi tứ thơ lục bát H. Man thấm đượm dòng sông Thu Bồn trải qua
mưa nắng, trong ngọt ngào bên võng mẹ đưa: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô
múc ánh trăng vàng đổ đi”(Ca dao). Cái ánh trăng vàng ấy bất biến trong Lục
bát bay vòng lung linh vỡ ra rồi tròn trịa cơ hồ như bức thủy mặc của họa
sĩ tài hoa.
Yếu tố
thẩm mỹ không thể thiếu trong mỗi tứ thơ, đó là cái đẹp khó trộn lẫn với loại
hình nghệ thuật thẩm mỹ nào. Tự thân ở mỗi từ trong từng câu thơ có nhiệm vụ
khơi gợi thể mặt trời sinh ra ánh sáng theo mùa. Nhưng vì sao ở trong bài thơ Lau trắng* có sự chấp nhận, không một
chút phân bua: “Ừ thôi! Một góc trời nầy/ Bờ lau phủ trắng một ngày đìu hiu”. Thể
chừng đủ sức khẳng định một sự cầm cố cô đơn, nhưng đó có thể là một nửa, có thể
nửa còn lại nơi miền xa kia an nhiên kết hoa đơm trái. Thơ có là chốn mong manh
nỗi buồn đẹp nhưng chưa kết thúc: “Tôi cầm
một nửa trái sim/ Dẫu lưng bát nước cũng chìm nổi tôi”(Một nửa)*.
Đến với tập đầu tiên H. Man 35 bài lục bát:
Có thể
khi chìm nổi tôi chỉ của riêng anh mà
lay thức thị hiếu thẩm mỹ ở người tiếp nhận: “Đưa người, dài một bến sông/ Về, làm sợi nắng giữa mênh mông vàng”(Tiễn
người)**. Không gian bến sông là một thực thể tồn tại đã từng đi vào ca dao vốn
gặp gỡ và chia tay, lúc này với H. Man, tiễn người “dài”trong thẳm sâu nhung nhớ, vốn gắn liền một kỉ niệm ấm áp rời
xa, khoảnh khắc ấy nung náu âm thầm mong manh quá đổi cho cái đẹp “sợi nắng” cứu
cánh câu thơ anh, bừng sáng không trùng lặp từ vốn kế thừa bậc tiền bối Bùi
Giáng thi nhân với dòng chảy miên man, lặng lẽ: “Âm thầm như nhánh sông quê/ thấm sâu vào đất câu thề đã xưa”(Đường
về)**. Chỉ một nhánh sông quê đủ làm nên mùa vàng cho sự sinh sôi cánh đồng văn
mà anh chăm chút. Cuộc sống vốn bình thường, nhưng được nâng lên nhờ sắc xuân
tươi trẻ. Thơ H. Man 35 bài lục bát dù có đượm buồn, nhưng là cái buồn thi vị
đáng trân trọng biết bao cho sự sinh tồn tiếp nối, cho sự tận hiến khôn nguôi:
“Cháy lên những mụn than hồng
Rồi tan loãng giữa mênh mông đất trời
Cội nguồn sông suối à ơi
Đất quê khép chặt mấy lời kệ kinh...”
(Đất khép)**
Đất
khép lại mở ra những khao khát cháy bỏng trái tim thi nhân. Không là cái cớ của
một Lưu Trọng Lư “Ai bảo em là giai nhân
/Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho anh vướng nợ thi nhân”.
Mà cội nguồn trong sâu lắng nhất, vẻ đẹp phụ nữ, của người mẹ tần tảo đơn côi
thuở nào: “Xứ nghèo bếp lửa chiều đông/ Cứ
nhen nhúm mãi chút lòng rạ rơm/ Giọt
mồ hôi đổi chén cơm/ Nuôi con tình mẹ dẻo thơm một đời”(Nhớ mẹ)**chan chứa
đủ đầy nuôi dưỡng tâm hồn anh sao quên được. Có lúc anh như cánh mai kia khi mỗi
độ xuân về khoe sắc áo tươi nguyên, đủ thẩm thấu được thế nào viên mãn cho sự
thăng hoa mà trăn trở:
“Đã vàng một đóa trong nhau
Mà run sương giá cuối ngày sang xuân
Đông thay áo lá ngập ngừng
Có nghe đau nhói trong từng búp non
Với người
một cánh môi ngon
Với tôi
một chút hư mòn thời gian
Mở lòng đón gió xuân sang
Có thương chiếc lá hư tàn bữa qua
Cứ vì xuân
mà trổ hoa”/
(Hoàng mai)**
Mùa
xuân, dấu hiệu của cái đẹp. Cái đẹp không riêng gì đất trời, cỏ cây hoa lá xoay
vần tạo hóa. Cái đẹp chính ở tâm hồn người khi biết khám phá, vun đắp sẻ chia
giá trị của sự tận hưởng. Cái đẹp trân trọng vốn có từ đôi tay người làm nên,
thơ cũng vậy rất từ tốn nhẹ nhàng, nhịp thơ rơi dòng “Với người/.../ Với tôi/...”
một sự đối lập tương xứng cùng đánh thức làn hương ngọt ngào ý vị, mà đầy
thảng thốt âu lo trong sự cộng hưởng thời gian rất riêng H. Man: “... Bây giờ tay nắm bàn tay/ Tình không là rượu
mà say hết đời...”. Phải chăng cốt lõi cái tình bắt nhịp con tim là hơi thở
thường ngày đâu cho riêng thi nhân mà tất cả.
Đến Lục bát bay vòng là sự tiếp nối cho cái “say hết đời” của H. Man
như thế nào?
Đi tìm câu trả lời không khó. Cái khó ở người làm thơ trong cảm thức mùa mênh mang, cảm thức không gian tầm tay khó với, độ chín trong tứ thơ lục bát, độ rung thanh âm tự tơ lòng bật ra: “Nao lòng một phím thơ rung/ Tình như mây trắng chập chùng trên cao/ Khi về, đón nhận hư hao/ Vườn xưa, kìa! Bóng chim nào vụt qua...”(Về sau những cuộc rong chơi)*. Tha thiết với cuộc sống đến thế, không là cách nói bóng câu qua cửa trong ngẫm nghĩ người đời. Với anh, cánh chim của bay lượn, tung hoành thoáng trông mà nuối tiếc khôn nguôi giữa vùng trời mênh mông độ lượng, mà khắc khoải vô biên: “Gọi người, tàn một mùa mơ/ Gọi tôi, những bước chân hờ hững đi...”(Về với mưa đông)*.
Câu
trả lời cho mạch thơ với nhân vật trữ tình tiếp nối từ H.Man 35 bài lục bát đến Lục bát bay vòng : “người” và “tôi”
và có cả “em”, cùng với cách nói trống không: “ai” phảng phất âm hưởng ca dao:
“Dây tình ai buộc tay ai/Trời xa, mây trắng
cứ mài miệt tôi”(Một mình với biển)*. Có thể trên từng chặng đường phiêu
lãng, như Bất chợt mưa trên đèo Tà Nung*,
hay điểm dừng chân Bên cầu Daknong nghe
nước chảy*,... đầy xao xuyến tâm hồn. Cảnh và người bên đời hòa quyện chút
bâng khuâng thương nhớ. Nhớ nhất vẫn là “em”, ẩn dấu trong tim bức xúc bật ra rất
H.Man: “Tôi cầm chút mộng đào hoa/ Mà đi
cho hết năm xa tháng gần/ Mỗi lần lá rụng đầy sân/ Là thương cái thuở ân cần gọi
nhau” (Lặng lẽ chiều)*. Với người tình, thi nhân chỉ có khoảng trời thơ:
“Dở chừng
lời hẹn xưa, sau
Tóc xanh kia đã úa màu thời gian
Ngùi ngùi trời đất mênh mang
Câu thơ đến tím mấy hoàng hôn xưa”
(Lạnh đông)*
Trong
Lục
bát bay vòng, ngoài sức mạnh của từ láy từ ghép, còn có sự phá cách thể
thơ không đánh đố độc giả, chút sẻ chia gợi nhớ tình phụ tử đầy trân trọng biết
ơn khó mà nguôi ngoai:
“Bảo rằng liều liệu tàn phai
Trái mít non đã chín một vài khúc ru
Mẹ giờ ngút ngát trời thu
Bốn tao nôi còn vọng
tiếng chim cu gọi bầy”/ (Về
khúc hát ru)*
Cứ mỗi
câu thơ làm nên cái tứ trọn vẹn chữ tình thật chỉn chu, cho dù trong tần suất
thanh âm tâm hồn biến động, bao trùm cái buồn đồng vọng không thuộc về bản ngã,
dẫu như biến thiên của đất trời, dịch họa neo lòng người khắc khoải âu lo. Mỗi
bài lục bát của H. Man thấm sâu cái hay ở nghĩa từ vốn có kết tụ mà thành, theo
dòng chảy cảm xúc miên man khơi gợi của một Lục
bát bay vòng*:
“Lơ ngơ lục bát bay vòng
Còn trong biến dịch niềm mong mỏi chờ
Đã mòn ruỗng một đời thơ
Đường trơn đá cuội cứ ngờ nghệch đi
Nghe trong không vọng tiếng gì
Cứ như tiếng khóc từ khi chào đời
Lời ru theo mẹ về trời
Ca dao mắc cạn những lời đục, trong”
Miệt
mài “những lời đục, trong” lắng lại,
và làm bung nở cho toàn tập Lục bát bay vòng thể như bóng nguyệt
mát lành sẻ chia.
Bình Định, 31.03.2022
........
*Tên bài thơ trong tập Lục bát bay vòng
**Tên bài thơ trong tập H.Man 35 bài lục bát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét