Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

SẮC HƯƠNG GÓP NHẶT NÊN ĐỜI

 

Đọc tập thơ Thức của Bạch Xuân Lộc

                         SẮC HƯƠNG GÓP NHẶT NÊN ĐỜI



               Sắc hương góp nhặt nên đời

               Mốt mai mây trắng ngang trời lênh đênh...

        Đó là cảm xúc đề từ khi đọc tập thơ Thức của Bạch Xuân Lộc.

        Khởi nguồn từ trái tim yêu làng chài, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, trên chiếc nôi cánh võng đong đưa con sóng bên Bãi nồm Nhơn Lý. Quả thật, cái khát khao tĩnh lặng rất tự nhiên, nhưng sóng mãi ngàn năm yêu bờ, có chăng là sự nghịch lí. Với thi nhân, đến bao giờ chọn mặt gửi vàng. Cái vàng xuất phát từ chân thiện mĩ đã làm nên cốt cách một Bạch Xuân Lộc với 99 bài thơ đa thể loại, đa phong cách. Tập trung vẫn là câu chữ mộc mạc chân chất, cộng vào cảm xúc phóng khoáng con người sông nước ăn sóng nói gió, vật lộn với gian nan vất vả, khó khăn cực nhọc mà ngàn đời dân chài chịu đựng, đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, cho ta trân quý tác giả trọng ý không cưỡng từ khi thi tứ bật lên, lúc cô đơn tìm về, trong lời Tự tình* tha thiết:

              “Muốn ngồi một chút với một tôi,

                Không gian yên tĩnh vắng lâu rồi,

                Vị cà phê đắng như màu đá,

                Hương thời gian và gió buông lơi...”

         Cô đơn bầu bạn, trêu ngươi, thách thức hành trình xuyên suốt cả tập thơ. Chỉ có hương thời gian và gió buông lơi tác động mạch cảm xúc sẻ chia theo mỗi chủ đề. Mở ra cái nhìn đầy thiện cảm: “Nơi kia cũng giữa đất trời/ Ở đó vẫn có những người mình yêu!”(Chạnh lòng)*. Những người mình yêu ắt hẳn sẽ hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đong đầy vẫn chính là tác giả chân tình với người thân, họ hàng, bạn bè,... kể cả mọi vật xung quanh như (Phượng xứ Melb, Bạch đàn,...)* Nhất là tiết trời chuyển mùa từ thu sang đông khi khoảnh khắc (Đợi vàng chiếc lá, Sắc thu, Thu của Melbourne,...)* cho anh xao xuyến không nguôi:

              “Cuối thu gom nốt lá vàng,

              Vùi sâu nỗi nhớ đa đoan sông hồ.

              Suối thu róc rách đôi bờ,

              Sau lần tương hội con đò về đâu.

              Gieo neo chi trắng mái đầu?”

                                         (Bright, màu lá)*

         Có phải là gieo neo trắc trở, vất vả mới vượt qua được. Mà đúng là vậy. Gian nan đủ thử sức người. Bền bỉ, chịu đựng chính là lòng nhân. Ngẫm cho cùng thì đời người đâu đo bằng tuổi tác. Giá trị cuộc sống là sự dấn thân, từng trải, chiêm nghiệm luôn được nâng cao và lưu trữ thể như sự hiển nhiên vốn có trong đời:

           “Đò chiều... không ngóng không mong,

             Có qua thì chống chứ trông chờ gì…

             Đò chiều…buông bỏ sân si,

             Tham an thanh thản đường đi lối về”.

                                                   (Đò chiều)*

      Tình yêu trong thơ Bạch Xuân Lộc cũng bắt đầu từ những “đường đi lối về” khi mà những tứ thơ (Tâm an, Sáng thứ ba, Đi lễ chùa...)* có thể phối hợp nhịp nhàng lớn lên trong các mối quan hệ. Xuất phát từ tấm lòng kính yêu mẹ đơn côi tuổi già nhưng tràn đầy năng lượng sống, là chỗ dựa tinh thần cho con nơi phương trời xa tìm về với quê hương, nguồn cội không xa lắm (Từng bước tới lui, Chỉ là màu tóc mà thôi,...)* với lời nhắn nhủ:“Về đây em mộng sum vầy,/ Tình kia dẫu đã như mây vô thường./ Vũng Nồm/  nối kết yêu thương” (Vũng Nồm mùa hạ)*. Về với gia đình, dẫu lắm lúc biết thời gian nghiệt ngã vô cùng, một sự thật chấp nhận như khi: “Vậy đó nhớ Me cứ gọi về/ Mặc dù âm sắc bà chẳng nghe/ Nhưng thôi gọi để như nhắc nhớ/ Ký ức xa xưa lối đi về”(Mẹ nghe không rõ)*.

           Nhắc nhở ký ức xa xưa rồi gần lắm, nhớ nhung “Được có bữa trưa với Mẹ/ Cơm canh hạnh phúc thắm tình/ Xưa nay nhà mình vẫn thế.../ Chung tay chén vỡ chén lành”(Bữa trưa)*. Gìn giữ vẹn nguyên tấm lòng thơm thảo ngọt bùi đùm bọc: “Nhớ ngày giỗ Cha, cả nhà chung tay từ thiện.../ Cứu tế bà con trong mùa biển động khó khăn/... Giúp đỡ nhau cân gạo cọng rau/ Văn hóa cưu mang quý hóa bền lâu!...” (Nhân ngày giỗ cha)*. Trân quý biết bao nét đẹp văn hóa nghĩa cử phát sinh từ trong gia đình luôn được nhân rộng ra cộng đồng xã hội.

          Với Thức của Bạch Xuân Lộc là ngày về họp mặt những năm tháng trong nhà trường sư phạm thuở nào. Rồi nén bao cảm xúc hay tin: “Tiễn biệt Thầy phút cuối đời/ Có thương, yêu... lắm mấy lời phù du. / Chốn thế gian chút công phu/ Xây nhân dựng cách ngàn thu mãi còn”(Tiễn biệt thầy Trần Văn Mẫn). Mất và còn với Thức, đủ bừng tỉnh có khác gì buông và giữ. Nâng niu một chút xuân thì cái thuở còn Với xuân 2021*:

             Thời gian quấn quýt bên nhau

              Tuần trăng chưa đủ thương đau ít nhiều.

               Em ơi nắng gió đìu hiu

               Vàng lên mấy dãi mây chiều trôi nhanh

          Thức là bản hợp ca đồng điệu hướng về tịnh thiền, hoan hỉ: “Quy Nhơn đợi Ca-li./ Thương nhớ vô định kỳ/ Ca-li. chừng hội ngộ/ Hạnh phúc Quy Nhơn thì...// Vui niềm vui đoàn tụ/ Vơi đi điều nghĩ suy/ Sau đại dịch CoVid/ Tấm chân tình khắc ghi!”(Công nghệ yêu thương)*. Tìm về Thức với Bạch Xuân Lộc là nhận ra sự hiện hữu một Quy Nhơn lưu dấu tâm hồn đầy kỉ niệm khó quên: “Đêm Quy Nhơn khuya /vẫn còn đông người trên bãi/ Hiu hắt ngọn tây nam/ chưa đủ mát ven bờ/ Ta về đây bên em / tình yêu ấy chẳng hẹn thề/ Như gặp để gỡ / cái âm thầm giữ hồi ngăn cách!”(Gặp gỡ)*./.

                                              05.07.2023/ Nguyễn Thị Phụng

........

*Tên các bài thơ trong tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét