Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

DANG RỘNG VÒNG TAY

                                          DANG RỘNG VÒNG TAY         (Đọc THƠ MỘT MÌNH của Phạm Lưu Đạt, NXB Văn Nghệ-2010)
          Tôi xin mượn bốn câu thơ:“ Màu thời gian không xanh/ màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ hương thời gian thanh thanh” của Đoàn Phú Tứ để hòa cảm xúc tưởng tượng vô cùng phong phú về thời gian với sắc hương đọng lại đâu đây. Cái màu thời gian là chiếc áo bạc màu, là những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt, là mái tóc lốm đốm bạc, là nước chảy đá mòn,... Hương thời gian ta khó nhận ra được, đó phải chăng là dấu chân người đi qua gởi lại thời tuổi trẻ cho đất nước quê hương!... Có lẽ tôi hơi lan man, quẩn quanh về thời gian của mình rồi. Đã là thơ ca khó có tầm tay với hoặc sự ngang bằng với văn xuôi. Có ai làm được thơ rồi tự khen hay, quả cảm xúc của họ không được bình thường?! Chính vì thế khi cầm tập “ Thơ một mình” của Phạm Lưu Đạt ( NXB Văn Nghệ, 2010), tôi thật sự tin tưởng và ấm lòng lần hồi từng trang viết, mới thấy quanh anh là gia đình, bạn bè và quê hương dấu yêu đang mở rộng vòng tay kết nối sẻ chia giữa cuộc đời đầy sắc hương lung linh đẹp lạ.      Nói là Thơ một mình nhưng thực ra anh viết rất nhiều đề tài khác nhau, rạch ròi từng đề mục theo thứ tự trang sách. Một sự cẩn mật đáng trân trọng của một người xa xứ “ …mang theo vỏn vẹn vốn liếng tiếng Việt ít ỏi khi rời xa quê hương lúc còn trong tuổi vị thành niên, anh vẫn không ngừng học hỏi để duy trì tiếng Việt và mong được nối nghiệp văn thơ của họ Phạm…” (NKT). Thì ra, Phạm Lưu Đạt đang “cư ngụ ở California, USA. Sinh ra trong một gia đình nho giáo bao đời của làng Đại Hữu. Thân sinh là Phạm Trường Tân, ông nội Phạm Thế Phát, ông cố Phạm Vĩnh Trinh đều là những nhà nho và nhà thơ nổi tiếng của xứ Bình Định”. Nơi anh được sinh ra, được bập bẹ những tiếng mẹ đẻ đầu tiên của mình, nhưng lại chưa có cơ duyên ở lại với làng quê để thường ngày nói cho hết ngôn ngữ của mẹ . Anh hình dung ra được đất nước của mình:
              Bắc Nam liền màu xanh
              Biển khơi tung ánh bạc
              Xóm thôn ngập lúa vàng
              Phố phường xe nối đuôi…
                               ( Đất nước tôi ngày mai sẽ…/ Tr.13)

      Dù ở đâu, Phạm Lưu Đạt cũng nhận ra khi cuộc mưu sinh không dễ dàng với con người đi tìm bát cơm manh áo, nước ngoài chưa phải là thiên đường: “ Nơi xứ lạ bôn ba cực nhọc/ Bao năm dài, bao nỗi đắng cay” (Đến thì đến, nhưng xin đừng…/ Tr.14). đọc đến đây tôi thấm thía nỗi cực nhọc đắng cay anh nếm trải từng giờ từng ngày nơi ấy. Anh có thực sự thảnh thơi không khi nghĩ về “ Thằng bé, tay cầm vé số/ đôi môi khô khốc/ chân không giày dép/ nhìn đời van lơn” (Thằng bé, Tr.22) đến “anh xích lô còng lưng mà đạp” (tr.16) hay “Chị bán xôi dõi mắt thẩn thờ” còn nữa “những người ăn xin sống lây lất” (tr.23). Phải chăng họ “Có phải là bạn ngày xưa?” Phạm Lưu Đạt đặt câu hỏi cho mình, nỗi cơ cực thuở nào được anh ghi lại qua hình ảnh những con người lao động đủ mọi lứa tuổi, giới tính. Với tính hướng thiện của anh về nhân sinh quả là bao dung, tác giả chân tình thống thiết khẩn cầu: “ Lá lành đùm lá rách”. Phải chăng anh được lớn lên từ “Giòng sữa mẹ” (tr.20) Việt Nam cho anh tầm vóc, cho anh tấm lòng nhân từ, hay anh học được ở Đỗ Phủ (nhà thơ lớn củaTrung Quốc), anh học cụ Nguyễn Du, một đại thi hào của Việt Nam… nên trong thơ anh ngập tràn tình yêu thuơng những người lam lũ nhọc nhằn, mà một mình anh làm sao cưu mang hết thảy. Vâng, hiện nay anh đã cùng một số bạn thời thơ ấu như Hà Diệp Thu, Nguyễn Xuân Ngà,… thành lập phong trào “ Lá lành đùm lá rách” để giúp đỡ các em học sinh nghèo ở trên quê hương mình. Tôi đã nhận ra được một Phạm Lưu Đạt viết và làm đáng trân trọng biết bao! Nhưng cuộc sống đâu thể một chiều, sắc màu hương hoa đa dạng, mỗi người một việc đó thôi “ So lao tâm lao lực cũng một đàng/ người trần thế muốn nhàn sao chẳng được” (Nguyễn Công Trứ).
       Bao nhiêu bài thơ viết về quê hương là bấy nhiêu cảm xúc Phạm Lưu Đạt đã gởi trọn vào trong đó. Quê hương là những gì gần gũi thân thương nhất, là đau đáu quặn lòng, anh luôn khao khát:
                  Chim nhớ tố, chim bay về tổ
                  Sao hôm nay người vẫn ngàn khơi
       Cùng với  hình ảnh thân thuộc: “ Rừng dừa nghiêng nhẹ cười trong gió” (tr.27) dang rộng vẫy gọi đón anh về. Anh sẽ về với con đường làng quê nơi ấy đã từng in dấu chân tuổi thơ cùng bạn bè tung tăng sớm chiều, anh về với gia đình bên bếp lửa hồng ấm áp. Nhớ người mẹ tảo tần, chăm chút anh nên người, cặm cụi một đời giờ lại tan vào khoảng không vô định:

                 Tôi trở về, sinh tử đã chia đôi
                 Tròn chữ hiếu, làm chi giờ cũng muộn

                                               (Đã muộn,tr.33)
      Anh tự trách mình nhưng đã muộn, biết làm gì được! Xót xa nghẹn đắng đến nao lòng cảnh tử biệt “ Ôm tro tàn, thẹn chữ hiếu trung. Ôi” (Tr.33). Anh nhớ thương mẹ bao nhiêu, anh kính trọng cha bấy nhiêu: “Thơ người không đăng báo/ Thơ chỉ tặng cho nhau” ung dung nhàn tản của người cha thật đáng trân trọng biết chừng nào, nên trong anh cũng chất chứa tâm hồn thi sĩ gần gũi giản dị chân tình lắm! Anh làm thơ là trải lòng mình, phần nào giải tỏa cảm xúc ưu tư chất chồng ngày tháng. Với anh, thơ một mình là như vậy! Và quanh anh, là anh là chị, những người cùng tuổi thơ gắn bó sao quên được những chuyện thường ngày trong gia đình khi cha làm thơ, mẹ ngồi cạnh têm trầu, bà thương cháu bên bếp lửa rang vàng những hạt bắp rồi nghiền nhỏ thêm vào chút đường làm món lớ ăn sao mà ngon miệng từ dạo ấy còn đâu!...  Anh về với gia đình là về với quê nội bao năm xa cách, là về với tổ tiên, với cội nguồn: “ Phạm gia tộc giờ đây sum họp/ Kẻ thành danh hay kẻ thành nhân”(tr.45). Dẫu phương trời nào, cách nhau đến nửa vòng trái đất, người Việt Nam ta luôn huớng về đất nước mình, dẫu không như thuở “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao) nữa.
         Những trang viết về quê hương, gia đình đã đủ nói hết tấm lòng chân tình tha thiết của một Phạm Lưu Đạt ở nơi phương trời xa xôi kia không?! Anh làm thơ thường ngày như người ghi  nhật kí lưu giữ tiếng nói một mình nơi đất khách, day dứt trăn trở “ Hãy về với non sông của Mẹ”(Thân gởi, tr.55). Từ Mẹ được viết hoa, từ Mẹ với anh là cái gì đó thiêng liêng cao cả, trân trọng và tôn thờ. Bởi anh là người Việt Nam, dù sống nơi đâu anh vẫn là người Việt Nam! Người Việt Nam sống trọn vẹn nghĩa tình, yêu đất nước bao la rộng lớn lắm có bốn mùa hoa quả ngát hương, có những cơn mưa đầu mùa mát dịu nắng hè gay gắt, có chút nắng vàng ấm áp những ngày đông buốt giá sắt se; yêu mái ấm gia đình bé nhỏ có những người thân cùng huyết thống gắn bó bên nhau sao quên được, nhưng vẫn dành  cho mình một khoảng riêng thời thanh xuân những rạo rực trong trái tim đơn côi khao khát chút tình chưa bao giờ cạn, mặc dù đã lỡ: “Theo nhau vài con phố? Vô tình ai đánh rơi? Nụ cười qua khóe mắt/ Anh nhặt gắn vào tim/ Hôm nay về phố cũ…/ Chừ người ở nơi nao…” (Nụ cười đánh rơi, tr.102). Nhưng lại bỏ lỡ cơ hội khi: “Tôi liếc, em cười, tôi lại liếc/ Chỉ bấy nhiêu thôi…thuyền đã xa” rồi “ Cái nhát theo tôi mấy mùa đông…/Một câu trêu chọc vĩnh viễn không/ để đến đêm về tôi tự trách/ Một mùa đông nữa lạnh trong lòng”( Nhát gan, tr.67). Đó là một mình với cuộc sống tự lập, bươn chải vẫn thong thả: “Đêm chờ/ trăng sáng sân sau/ Mình tôi cùng với/ bình trà mời trăng” (Uống trà với trăng. Tr.66). Một mình thật trọn vẹn thủy chung, ta lắng nghe anh tâm sự : “Cho em/ mái ấm gia đình/… Cho em hạnh phúc lâu bền…” hạnh phúc không là lời nói suông mà bằng hiện vật: Một căn nhà lớn, một chiếc nhẫn hột soàn, một chiếc xe chạy thật êm,…Những điều kiện vật chất ấy chỉ là phương tiện trong cuộc sống, muốn có được cũng phải từ đôi bàn tay lao động dành dụm tích lũy lâu dài. Anh thật chu đáo quan tâm và hết lòng yêu thương vợ con trong gia đình, anh đúng là “Người chồng tốt”( Tr.74), mẫu mực.
      Với Thơ một mình anh cũng đã dành nửa tập cho bạn bè thân thiết nhất như Hà Diệp Thu với “Phố nhớ” da diết: Mai em đi/ phố nhớ dáng vai gầy…Mai em đi/ Cây xà cừ đầu hè xao xác lá…”(tr.119). Với Nguyễn Văn Gia tự trào: “Ta chẳng từ đâu tới” (tr.123), với một Phạm Ngọc Từ Quan viết về mẹ nén lòng trong từng câu lục bát: “… Ngày về đâu khúc nhạc xưa?/ Mộ hoang cỏ phủ quá thừa trớ trêu!/ nén nhang liệu ấm mái lều?/ Gục đầu tạ tội bao điều dở dang!( Tr. 131) với một Lê Long, Viên Thư, với Tueqpp, với Thuanusc,… gọp lại thành làng thơ, hội ngộ tâm tình giữa bộn bề cuộc sống khó tìm ra được một tiếng nói chung, một sự đồng cảm sẻ chia với Thơ một mình của Phạm Lưu Đạt.
      Thơ một mình của Phạm Lưu Đạt có đến 204 trang, nhưng tất cả là tri âm, đồng vọng của trái tim nhân ái, trái tim Việt Nam. Mạch cảm xúc xuất phát chân tình mộc mạc từ cuộc sống quanh anh. Bởi lẽ trong mỗi chữ, mỗi câu trên trang thơ là cách nói thật tự nhiên như hơi thở thường ngày, như nhịp đập của con tim tự nó trỗi lên khúc nhạc xuân rộn rã yên bình.
                                                            20.5.2011 / Nguyễn Thị Phụng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét