Sau khi đọc lại thêm những trường hợp đạo thơ trên trang báo số 14, 15,16, 17,… của VNT, tôi cứ trăn trở một số nhà văn, nhà thơ cầm nhầm tác phẩm của người khác, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên Vân Bích đã xuất bản hơn 10 tập thơ rồi, giờ anh ở độ tuổi 87, vẫn biết là kính lão đắc thọ, mà sao tôi cứ ưng ức!...
Tôi viết bài cảm nhận này trước khi biết thêm…,
DẠT DÀO TÌNH YÊU(Đọc Đôi bờ hư thực, thơ Vân Bích, NXB Văn hóa-văn nghệ TP HCM)
Đến một lúc nào đó trời đất lại gần nhau hơn và điều gì xảy đến ai mà biết được, chuyện ấy thuộc về các nhà khoa học, ta cũng chẳng cần bàn. Nhưng với bốn mùa hương sắc lung linh hiện hữu dạt dào cho cảm xúc thơ ca của thi nhân tuôn trào. Giữa trời đất bao la ấy nhà thơ thấy mình trẻ mãi, mà sao “ Đôi bờ hư thực” (NXB Văn hóa- Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2011) là tập thơ thứ mười một của Vân Bích có những trăn trở nuối tiếc bên cạnh những ngọt ngào yêu thương xen lẫn tự hào về con người và đất nước dấu yêu.
Tập thơ không dày lắm, nhưng anh sắp xếp hai phần. Có lẽ tôi là người cảm nhận ngược trình tự cũng dễ thôi. Bởi anh là người lính cụ Hồ từ những năm kháng chiến chống Pháp xa xưa, yêu nước với niềm tin:
Thật hạnh phúc khi ta được sinh ra
Trên mảnh đất ngàn năm văn hiến
Trên mảnh đất bao đời dân tộc ta quyết chiến
Bao vị anh hùng làm rạng rỡ núi sông…
( Thật hạnh phúc/ tr.34)
Thật hạnh phúc là một điều khẳng định không chỉ nhắc nhở chúng ta nhớ về nguồn cội mà luôn chân tình thăm viếng biết ơn Hồ Chí Minh, vị cứu tinh đất nước, biết phát huy truyền thống cha ông, và Thủ đô- Trái tim Tổ quốc được Unesco phong tặng cho Hà Nội danh hiệu “ Thành phố vì hòa bình”. Chúng ta tự hào và gìn giữ bầu trời quê hương trong xanh giữa ngày nắng ấm, có biển đêm lấp lánh ngọn hải đăng thật tinh tế:
Ngọn đèn biển
Trên đảo Nhơn Châu
Như trái tim suốt đời không mệt mỏi
Người bạn trung thành, người thầy dẫn dắt
Bao con tàu biết rõ chỗ nông sâu
(Mắt biển/ tr.54)
Tác giả không chỉ dừng lại so sánh ngọn đèn biển là sự vật cụ thể sinh động với trái tim người yêu thương đầy nhiệt huyết, ngọn đèn biển trong cách nhân hóa luôn biết thao thức, kiên cường đợi chờ sau những năm tháng chiến tranh trở về xây dựng lại quê hương. Ngọn đèn còn là hình ảnh của sự giao lưu đối tác kinh tế phát triển, là người lính nắm chắc tay súng đứng canh biển đảo bốn bề, gìn giữ cuộc sống hòa bình yên vui cho dân tộc.
Và với Vân Bích, mỗi bài thơ là lời tâm tình sẻ chia, anh trân trọng quý mến một Lê Đức Cường, 18 tuổi, quê Phù Cát trong câu Chuyện người du kích núi Bà (tr.60) dũng cảm “ quyết diệt lũ xâm lăng…” lập thành tích trước khi trở về cát bụi. Anh thăm Viếng chùa Hội Sơn (tr.83) để lòng được thanh thản nhẹ nhàng. Anh cảm ơn tấm lòng nhân hậu của những thầy thuốc trong bài “ Bệnh viện anh hùng bên bờ biển xanh” (tr.35). Bước chân đến nơi đâu đều để lại những cảm xúc không nguôi về nơi ấy. Người ta bảo thi sĩ đa mang, nói như thế có đúng không khi : Đêm xuân trên bến Ninh Kiều (Tr.72) cùng bạn bè du thuyền giữa sông Hậu mênh mông, đêm tĩnh mịch đi vào chiều sâu của không gian thơ mộng, thi sĩ bắt gặp tiếng đàn lời ca tri âm tri kỉ nhà thơ luyến tiếc: “ Hỡi sông rộng trời cao, hỡi tri âm tri kỉ/ Chỉ có tình yêu trẻ mãi không già/ Hãy giữ dùm tôi thiên nhiên tuyệt mỹ/ Giữ lại đêm nay, đêm kỉ niệm đậm đà”. Rồi anh quay về “Gò Bồi dòng sông thương nhớ”(tr.74) giữa ánh trăng quê nhà thơ mộng gặp lại tuổi thơ nuôi tâm hồn thi sĩ lớn lên sao quên được!...
Có một điệu thật lạ, thời gian đi qua có bao giờ trở lại, thế nhưng tâm hồn Vân Bích cứ ngọt ngào nhắc lại chuyện tình xưa, nhung nhớ bao nhiêu khi người vợ đã từng cùng anh nuôi dạy con thơ, khi con trưởng thành, khi tuổi già hôm sớm có nhau, thì chị ra đi…Nhìn cây cầu bắt nhịp anh nao lòng nghĩ đến: “ Ơi! Cầu đôi thuở trước/ Giờ vẫn đứng song đôi/ Yên bình vui đất nước/ Còn ta mất em rồi! ” (tr.21). Sự trống trải cô đơn cho thơ anh tuôn trào. Nói đúng hơn là thi sĩ chọn thơ gởi gắm nỗi niềm: “ Xuân này tuổi ngoại tám mươi/ Ra vào sớm tối nói cười với thơ/ Chiều vương vương khói ngẩn ngơ/ Nguyên tiêu trăng sáng biết chờ đợi ai”( Ngẩn ngơ, tr.24), nhà thơ chống chếnh say xuân nồng đến thế ư!:
Mùa xuân không lỗi hẹn
Đâu rồi bóng hoa xưa
Mà đất trời sao xuyến?
Ngắn dài những giọt mưa
(Hỏi xuân, tr.25)
Cứ theo vòng quay của trái đất, anh nhìn cội mai già dù có cằn cỗi khi nắng xuân ấm áp tràn về, hoa trổ đầy cành lặng lẽ cống hiến cho đời sắc hương xuân ấy. Thi sĩ lại ví mình như cội mai già kia, nhưng rồi chạnh lòng thương tuổi đời lắng đọng, anh khao khát chút gió xuân mát lành thổi vào trái tim vốn từng sôi nổi trẻ trung giờ sao bức xúc nỗi niềm. Bất ngờ anh nhận ra em “Ngôi sao lạ” (tr.8) cuốn hút thi sĩ mãi mê như đi giữa đôi bờ hư thực. Em đâu là ảo ảnh mà vời vợi tầm tay, anh muốn cùng em sẻ chia: “ Anh biết/ Nói gì với em/ Khi ngắm đôi chim câu bay lượn/ Trong nắng xuân hồng/ Thơm ngát hương mai” (Hồi xuân. Tr.29) , rồi chìm dần vào cái thực, núp mình trong thơ mong mỏi, đợi chờ: “Một lời: em yêu anh”(tr.10) đi! (Là người đã từng tặng tập thơ cho anh, rồi đọc thơ anh tặng, tôi nhận ra ở bài Một lời:
“Em bảo thích yêu đời
Như bao người con gái
Khát khao làn gió thổi
Mái tóc rối tung bay
Em bảo gặp hằng ngày
Bao con người mơ mộng
Giữa bầu trời cao rộng
Ngước tìm một vì sao
Em bảo thích ngọt ngào
Thích nhớ nhung chờ đợi
Mà sao chưa dám nói
Một lơi: em yêu anh”
Vì sao có sự lặp lại tứ thơ, ý thơ, hay không muốn nói là… giống bài thơ Em là con gái, in trong Tự Khúc Đêm trăng, NXB Văn nghệ 2009) của Nguyễn Thị Phụng:
Em cũng rất đời thường
Như bao người con gái
Khát khao làn gió thổi
Mái tóc rối tung bay
Em vẫn cứ ngất ngây
Hôm rằm bao mơ mộng
Giữa bầu trời cao rộng
Lấp lánh một vì sao…
Em vẫn thích ngọt ngào
Thích hờn ghen, giận dỗi…
Mà sao chưa lần nói
Một lời: Em yêu anh!
(Tháng 02.1980, Nguyễn Thị Phụng).
Giá như một số những câu thơ trong Một lời của anh đặt trong dấu ngoặc kép thì hay biết mấy, không còn bàn luận nữa?! Hay là anh thích những câu thơ ấy đã nằm lòng trong cảm xúc của anh rồi! Cũng không sao tránh khỏi sự nhầm lẫn đáng tiếc!...
Nhưng tôi nghĩ có được Đôi bờ hư thực trong tay bạn đọc thì Vân Bích phải trăn trở từng đêm khi tuổi anh sắp bước vào cửu thập rồi. Nên trên mỗi trang thơ ngập sắc màu muôn điệu nhịp sống hối hả phía trước dâng trào, còn nhà thơ muốn thầm lặng khép mình nhưng đâu dễ gì khi trái tim khao khát hòa mình giữa cuộc đời như con sóng bể khơi đâu hề biết mỏi.
10.4.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét