CÂU CHỮ XÔN XAO
CÂU CHỮ XÔN XAO
(Đọc Rong chơi miền khác, thơ Hà Diệp Thu,
NXB Thanh niên- 2011)
|
Đã đến lúc “ Có thực mới vực được đạo” phải “ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” đeo đuổi kẻ sĩ một thời cái nợ áo cơm tất bật nhọc nhằn đắng cay quanh năm suốt tháng, thế mà thơ ca không ngừng phát triển phong phú về mọi đề tài và còn làm nhiệm vụ văn dĩ tải đạo nữa kia. Và giả dụ nếu thoát ra được vòng lẩn quẩn ấy chắc gì thơ văn rung động lòng người. Nghiệp thơ văn điều khiển từng câu chữ ngày đêm hành hạ đôi tay thi sĩ như con sóng ngoài khơi kia nào đâu biết mỏi mệt là gì. Thì “ Rong chơi miền khác” thơ Hà Diệp Thu ( NXB Thanh niên- 2011) cứ an nhiên theo mùa thả gió về ngàn, thả mây về núi về trời không hề mệt mỏi. Và như tôi biết đây là tập thơ thứ hai sau “ Thơ…để đọc chơi” ( NXB Văn nghệ- 2010) của anh.
Tính ra trong hai năm liền, Hà Diệp Thu có đến hai tập thơ đến với bạn đọc. Thật lạ ngoài trang bìa anh cũng đâu cần giới thiệu quảng bá sản phẩm mình trên thi đàn với quan niệm thơ để đọc chơi, rong chơi miền khát hay chính đầu đề đã làm nên phong cách nghênh ngang tự tại một con người luôn dành trọn đời mình cho việc nghĩa, rách lành đùm bọc cơ hàn khó khăn… từ đó con chữ cứ xôn xao theo tháng ngày tạo nên một Hà Diệp Thu của Quy Nhơn Bình Định không ai lẫn lộn. Anh Mênh mang thả hồn phiêu lãng hòa nhập Hương mưa*( tr.19), Giọt nắng mùa đông* (tr.22), Giọt xuân* (tr.24) đọng lại nỗi Cô đơn* (tr.11) tháng ngày trong anh ngùn ngụt dâng đầy, rồi nhận ra:
Đời thích niềm vui hơn có nỗi buồn
Nhưng chính sự cô đơn để cho ta nhìn lại
Lòng vòng, quẩn quanh, tít mù, lạc lối,…
Ta biết mình là ai! /(tr.11)
Không nói ra nhưng sự thật: “ Đời thích niềm vui hơn có nỗi buồn”. Bởi nỗi buồn cứ gặm nhắm làm cho tâm hồn cũng như thể chất ngày dần teo lại, dẫu có thuốc kháng sinh nào hiện đại mấy cũng đâu làm sao đắp đủ đong đầy. Biết ai cùng sẻ chia:
Có đôi khi chiều tím ngắt, lê thê
Lũ chim ngập ngừng tìm đường về tổ
Là lúc trái tim oằn người nhung nhớ
Bóng dáng em mờ xa…
(Có đôi khi, tr.10)
Lúc nào đó anh tự nhận ra cuộc sống đâu chỉ là tình yêu đôi lứa, là hạnh phúc bé nhỏ đơn sơ trong mái ấm gia đình, khó nhọc vất vả chỉ là tạm thời, hãy sống thực với chính mình, đánh rơi đi cái sĩ diện tô vẽ tầm thường dưới gót chân bên lề đường không cần ngoái lại, trung với mình và chiến thắng mình, là một cách sống đẹp sống có ích cho mọi người và mình, biết tìm về những câu danh ngôn nhắc nhở: “ Nghèo cho sạch và rách cho thơm / Đừng dối gian chi dẫu đó là nhân danh việc nghĩa/ Cái bóng sẽ âm thầm nói lên tất cả/ Không có gì khuất che dưới ánh mặt trời” Và “ Sự thật bao giờ cũng đắng cay gai góc/ Nhưng bước qua rồi mới thấy mênh mang/ Biết bao điều con tim chia sẻ/ Cả những khi dòng đời nghiệt ngã đục trong”. Đó chính là bản chất áo rách phải giữ lấy lề. Trong sáng như ngày và đêm không hề lẫn lộn. Cũng rất may khi Từng giọt nắng mùa đông* (tr.22) nhạt nhòa qua đi anh nhận ra đêm mưa mát mẻ: “Xuân khách khí/ Tết ngây ngô…/Uyên thâm thần thánh, mơ hồ trần gian/ Bỏ quên tục lụy khoe khoang/ Ta trần trụi đón đóa…tần ngần xuân” (tr.37) xôn xao cảm giác trong anh chợt đến nên yêu nó biết chừng nào! Với Hà Diệp Thu, cái nợ trần đời làm sao trả hết, đắn đo suy tính xưa nay kinh doanh con chữ có lãi lời gì không, cách bán thơ cho đời như trang trí sắc hương đối tác qua lại, hãy nghe anh bày tỏ: “ Thơ của chúng tôi, gia vị của tình thương/ Bán để dành mua áo cơm cho những người cùng khổ/ Tặng cho những ai có trái tim đồng cảm/ biết nghĩ suy cùng sẻ chia khốn khó/ Khi lũ em còn dãi dầu nắng mưa kiếm cơ hội đến trường/ Thơ của chúng tôi, niềm ray rức của quê hương…”( tr.39) Và nếu như thuở nào Hàn Mặc Tử từng rao: Ai mua trăng, tôi bán trăng cho, chẳng bán tình duyên ước hẹn hò… cũng chỉ là cái cớ để vun đắp trân trọng tình yêu lứa đôi muôn đời bền vững. Thì một Hà Diệp Thu hôm nay thực tế hơn cũng chỉ vì: “Chú bé tật nguyền lọc cọc xe lăn trưa hè mời chào vé số”!
Rong chơi miền khát biết trang trải sẻ chia hoàn cảnh gieo neo cơ cực tật nguyền, với chỉ 29 bài trong chủ đề Mênh mang đã gói gắm sắc hương nhân ái làm món quà dâng đời, bay theo ước mơ chân chính với những ai thiết tha cuộc sống cần được bảo vệ chở che. Gam màu cuộc sống chưa hẳn là vàng son, anh thương nắng sớm mưa chiều hay đêm đen dông tố, anh còn dành cả Chi tình nồng nàn thắm thiết khi thoáng chút Cánh áo màu lam*( tr.48) cùng cái nhếch môi thôi đủ làm con tim anh bối rối… “ Viết lá thư tình rồi trăn trở không thôi/ Thậm thụt hiên nhà nàng như tên trộm/ Bị bắt gặp. Dạ tụi con học nhóm/ Rồi chuồn êm, lòng cứ tiếc ngẩn ngơ” có dễ thương lắm không?! Cho Mắt biếc ngày đông*(tr.66) trong veo, cái Nắng Đà Lạt*(67) ửng hồng đôi má, đến Ngõ quỳ vàng* (tr.72) hò hẹn đón đưa ăm ắp kỉ niệm ngày nào giờ có còn không!...
Nhà thơ đắn đo suy tính trên bước đường lãng du bao nhiêu chăng nữa rồi cũng quay về thực tại gia đình, anh sẻ chia: “ khi mà em có người chồng cứ chập chờn mê mải/ Tới lui nghĩ suy viết những lời lẽ lang mang cuối đất cùng trời…” và không thể nào chối bỏ: “ Tình tỉ lệ… nghịch chiều theo tiện nghi xa ngái/ Căn nhà mình xuềnh xoàng nhưng được lắm cái yêu thương” quá! Pha vào cuộc sống ngỡ như tẻ nhạt, anh thủ thỉ nịnh đầm: “ Hãy nghe anh hát nghen. À ơi! Râu tôm nấu với ruột bầu… À ơi” (tr.71). Và tôi tin chắc rằng chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon rồi đó! Cái tình chồng nghĩa vợ, cái đức hi sinh có được chính từ trong gian khó thử thách đã làm nên nghĩa trăm năm mặn nồng xưa nay. Ta chắt chiu dành dụm, ta vun xới điểm tô cho cái sang có được cũng từ đôi bàn tay xinh xắn bé nhỏ dịu dàng của vợ mà có, cái giàu mà ra là nhờ vào bạn hữu thân thiết tận tình giúp đỡ. Với Mắt tình Thạch Thảo* (tr.106) hay Có thấy không em* (tr.84): “ Trái tim không già hát khúc miên man/ Quậy phá có duyên để mai sau đừng là nần nợ/ Những nụ cười đọng trên bờ môi thư thả/ Nhấm nháp hương tình anh làm thơ tặng em” (tr.85) cứ ngọt sớt nâng niu bến bờ bồi đắp, hay nào là:…nụ cười hiền của Đạt hà hơi ra hương đời tươi mát, nào là Hợp những tháng năm xanh bên giường bệnh kiên cường, nào là những người thầy như Thúy, Thống, Quan, Ái,…viết cho đời những áng thơ hay. Đó chính là Nơi mùa xuân dừng lại* của anh.
Rong chơi miền khát mở rộng nhân ra từ tuổi thơ anh lớn lên trên Quê hương đất mẹ. Với anh chỉ một tiếng “nẫu” (họ) thôi cho anh yêu suốt đời, khi ai ở miền xa đó khát khao muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình định cho dài đường đi. Còn anh lại yêu hơn con gái Bình Định “…Duyên dáng từ xưa đâu chỉ có roi quyền” ( Yêu lắm người ơi- Nguyễn Thị Phụng), anh ngợi ca:
Xứ nẫu mình mòi mặn lắm câu ca
Dẫu có dường dài ta đi cũng cố tìm người giữ ý
Đường roi, đường quyền tập cho thon don, rắn rỏi
Có vợ giỏi giang ai không khoái hả bậu ơi!
( Ai về Bình Định mà thương…/ tr.124)
Quê hương với Hà Diệp Thu còn là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bà Nà sương khói*(128) của Hội An phố cổ*(tr.144) những lần anh đi qua, nhớ nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên không thể thiếu trong ba ngày Tết cổ truyền và lòng tự hào dân tộc: “ Những cái bánh chưng, bánh giầy từ gạo nếp quê tôi/ Thần tốc hành quân Quang Trung đại thắng…Chơn chất, giản đơn tình quê hương bất tận/ Đạo lí trường miên…vạn đại dân sinh” (tr.157).
Có đọc hết Rong chơi miền khát ta mới thấy được những câu chữ xôn xao từ mọi phía vọng về. Lúc thì thể thơ bốn năm chữ phù hợp cách kể. Lúc thì lục bát của ca dao xưa nay mềm mại đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Lúc thì tự do câu tám, chín, mười,… chữ dàn trải cho hết mạch cảm xúc chân tình muốn gởi gắm những trăn trở sẻ chia bất tận về triết lí nhân sinh giữa cuộc sống vĩnh hằng nhưng cũng rất vô thường này. Ngôn ngữ khẩu khí bộc bạch đâu cần trau chuốt gọt giũa, mà thơ cứ vẫn là thơ, là cốt cách của một Hà Diệp Thu thư thả, khẳng khái, ghét dối trá lọc lừa, cho ta tin yêu quý mến, trân trọng bởi “ Người ta là hoa đất” đó mà!
08.6.2011 / Nguyễn Thị Phụng.
__________________
* Tên những bài thơ trong tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét