Đừng gọi em nhà thơ/ sao bằng anh XuânDiệu/ Trái tim muôn nhịp điệu/ Em chỉ biết mộng mơ.../ Đừng gọi em nhà thơ/ sao bằng anh Tiến Duật/ Đêm Trường Sơn đỏ rực/ Xe không kính đường dài/ Đừng gọi em nhà thơ/ Chị Thanh Nhàn hương bưởi/ Khúc khích cười em tủi/ khung cửa sổ gió lùa/ Đừng gọi em nhà thơ/ Em chỉ biết mộng mơ/ Khoảng trời cao xanh thẳm/ Cứ ngẩn ngơ ngẩn ngơ.../ Nguyễn Thị Phụng
Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011
NÂNG NIU CÁNH HẠC TRỜI XANH
NÂNG NIU CÁNH HẠC TRỜI XANH
(Đọc Tuyển thơ VĂN THƠ VIỆT tập 2- NXB Văn học, 2011)
Như quy luật tất yếu của tự nhiên, trăng đến rằm trăng tròn, tuyển thơ Văn thơ Việt tập 2 đến với bạn đọc lại là một chuỗi ngày dài của ban biên tập vanthoviet.com tuyển chọn ra 118 tác giả từ mọi miền trong và ngoài nước. Văn thơ Việt tập 2 là điểm hội tụ những tâm hồn đồng cảm tin yêu sâu sắc nhận ra vẻ đẹp chân chính của người Việt nam, khi mà sớm chiều tất bật, vẫn dành riêng khoảng trời mơ mộng cháy khát ước mơ, mong được gởi gắm và sẻ chia trăn trở thường ngày. Xuất phát từ trái tim vốn nhạy cảm, âu lo cùng những rạo rực bâng khuâng, những suy tư chất chồng thì thơ ca mới có dịp bộc lộ nỗi niềm thầm kín tháng năm không hề mệt mỏi.
Lần hồi trang sách, ta nhận ra mỗi tác giả là một nét riêng trong cảm xúc, phong cách theo từng thể loại. Nhưng ở họ có điểm chung cùng hiện hữu vừa ngọt ngào đắm say vừa đắng cay xa xót, hương sắc đầy vơi theo con nước bốn mùa nắng mưa chan hòa cho cuộc đời đơm hoa kết trái. Mà sao Vũ Kim Thanh thả cho “ Hồn tôi cứ mơ màng” khi đi giữa con đường chỉ có gió và trăng, anh nhận ra: Định mệnh chẳng giết cô liêu/ Chém trăng rơi rụng bao nhiêu cánh vàng/ Hồn tôi sao cứ mơ màng/ Về phương trời ấy bóng nàng vớt trăng… Muốn quay về tìm lại dấu yêu bé bỏng thuở nào, Thạch Thảo chợt nhận ra: Ngày mưa rét ngày thu không/ Bùn lem gót mẹ chất chồng quạnh hiu/ Đèn khêu bấc lụi tiêu điều/ Mẹ âm thầm bóng liêu xiêu bước mòn. Quả thật đề tài viết về mẹ trong Văn thơ Việt tập 2 vô cùng phong phú. Nếu như Lê Thi: Thương mẹ vai gầy trên phố/ Thương em khát sữa. Khóc đòi. Thì có gì phải lạ lùng bâng khuâng nhớ mẹ chiều đông: Tiếng chim thảng thốt bờ neo/ Tìm đâu hơi ấm mái chèo… Mẹ ơi!? Nguyễn Đình Trọng da diết một đời tần tảo của mẹ: Mong manh dáng mỏng thân gầy/ Cong như chiếc lá trên cây úa vàng… Để rồi: Con ngồi ngóng mẹ/ chợ xa/ Làng xưa nay phố/ nhạt nhòa mắt cay! ( Đặng Thiên Sơn). Xôn xao kỉ niệm đâu nguôi ngọt ngào trong thể lục bát của Nguyễn Minh Quang: Gió chiều nhè nhẹ bâng khuâng/ Hình như bóng mẹ triền sông quê nghèo!...
Quê nghèo mà gần gũi thân thương biết mấy: Ao vườn, bờ tre, con đường,… gắn bó tuổi thơ làm sao quên được. Hay đó là tình yêu quê hương trong tâm hồn thi sĩ đọng lại đâu đây nhớ nhung da diết của Đinh Đức Dược: Tơ trời buông tím hoàng hôn/ Cánh cò bay lẻ đường thôn ai về/ Trăng vàng rụng đẫm đường quê/ Lời ca ai vắt qua hè đợi nhau? Thêm vào những trăn trở: Ta tìm lại mãi chiếc nôi/ Tha hương cuối biển đầu trời tìm đâu?/ Ngọt ngào bờ mía bụi rau/ Ta còn rối tóc bạc đầu…làng ơi! (Trần Ngọc Hưởng).Tình yêu quê hương tha thiết đâu chỉ là nơi sinh ra, lớn lên mà là tất cả trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Đặng Quốc Khánh xuôi về Nam: Mê câu vọng cổ ru tình/ Khúc Nam Ai đẫm lệ mình với ta/ Đôi bờ sông Hậu ngút xa/ Bên bồi bên lở… không qua sao đành. Còn với Trần Như Luận thì Quy Nhơn là quê hương thứ hai ăm ắp thơ mộng: Chiều nghiêng về tối/ Quy Nhơn thắp đèn đón khách lãng du/ Sóng vỗ về lòng thi nhân/ Gió ru hồn thi nhân… Làm cho Nguyễn Thị Thúy Ngoan chợt xao xuyến bước chân: Con giờ nắng ngả sang trưa/ Quê hương hai tiếng nắng mưa dãi dầu. Hà Nguyên trong cảm xúc mới lạ: Dáng chiều / mây gió êm đềm/ Anh yêu giọt đắng/ môi mềm nhẹ ru… Khánh Nguyên trăn trở: Hồn quê chín nhơ mười thương/ Đi xa lòng những vẫn vương không rời/ Hồn quê xao xuyến người ơi!/ Bâng khuâng chín đợi mười chờ… xót xa. Hồn quê, tình quê vấn vương lay động lòng người khi một lần đi qua phố cổ Hội An: Đêm thực vắng xe qua đèo Cổ Mã/ Biển trải tình rộng rãi đón trăng soi/ Rừng im lặng như chưa từng gặp gỡ/ Tiếng thì thầm náo nức cả hồn tôi( Trường Thi). Thanh Trắc Nguyễn Văn gởi lại : Hàm Rồng mây nước sóng đôi/ Ta qua sông Mã để rồi xa em/ Thơ tình sao gió chẳng xem?/ Hoàng hôn xuống vội thả rèm mây bay. Lâm Xuân Vi xao xuyến trên con thuyền: Đã bao lần đi trên sông Hương/ Chỉ một mình lần nào cũng vậy/ Một mình nghe mái nhì mái đẩy/ Chùng câu hò cũng run rẩy lẻ loi.
Phải chăng cảm giác cô đơn của thi sĩ lan tỏa mênh mông vô tận cùng mây trời sông nước?! Cái cô đơn ắp đầy từ rét ngọt đầu đông muốn sẻ chia chút thơ tình tặng vợ, nghĩa thủy chung trọn vẹn của Hoàng Đình Quang: Anh ngồi lặng giữa buổi chiều tháng chạp/ Phố đã lên đèn, anh đợi cửa chờ em… đau đáu đến quặn lòng. Hàn Tương Thi đầy vơi theo con gió khắc khoải: Hà Nội vào đông chưa em?/ Quê nhà khứa nhiều sợi gió/ Lòng anh phả đầy hơi giá/ Nhớ thương từng phút êm đềm…Cũng theo chiều đông, nghe Hàn Phong Vũ gởi nỗi niềm: Ai đã quên đi những mặn nồng/ Để trời se sắt mấy mùa đông/ Người ơi, có nhớ đêm hò hẹn/ Ai đã âm thầm khắc khoải trông! Ngọc Mai chạnh lòng: Đông xứ lạ, Tết quê nhà/ Quà quê, hương bánh trong ta rộn ràng/ Riêng em lạnh lẽo đông sang/ Ủ mình giá buốt ngày vàng lê thê. Như thế đấy. Đông của đất trời nhuốm vào người những suy tư hoài vọng: Năm tháng trôi dài/ cuộc đời luân lạc/ Hằn vết roi đời tím một giấc mơ/ Bạn cũ người xưa đứa còn người mất/ Áo trắng bây giờ nhỏ lệ trầm luân( Dung Thị Vân).
Đông đâu thể kéo dài, Phạm Phù Sa trào dâng khúc nhạc lòng: Ta nghe xuân tứ gieo đầu bút/ Trời đất giao thừa, em biết không? Nguyễn Thị Thanh Thủy tin yêu: có giấc mơ nào đẹp hơn không anh/ Sắc mùa xuân khung trời nỗi nhớ/ mưa mùa xuân níu chân người góc phố/ Nắng mùa xuân vàng ngập lời yêu. Và thật ngọt ngào trìu mến khi năm mới lại về của Lê Minh Vũ: Ngồi đếm lại thấy mùa không đợi tuổi/ Li thời gian vơi nửa giọt xuân hồng/ Này em ạ, bài thơ tình năm mới/ Riêng tặng dành cho em, chịu không? Nguyễn Đăng Trình đung đưa tinh nghịch: Xuân ơi! xuân cứ trùng trình/ Để bao đôi lứa hết mình lứa đôi… Ta nghe Vũ Đình Ninh sóng sánh chén xuân giữa Hà Nội dấu yêu: Say rồi chén rượu đầy hương/ Say xuân tặng phẩm say vườn hoa tri…! Thủy Hướng Dương bối rối thật dễ thương: Bung biêng quá giấc mơ trưa/ Bỗng dưng lòng thấy dại khờ giữa xuân. Nguyễn Đức Hòa phóng phoáng: Bỏ quên tục lụy khoe khoang/ Ta trần trụi đón đóa… tần ngần xuân! Phạm Lưu Đạt rạo rực đâu yên: Ba mươi cái Tết đã xa nhà/ Còng lưng quê lạ bạc đầu ta/ Nghe xuân đâu đó chừng như lạ/ Rộn ràng kí ức cõi mù xa… Nguyễn Thúy Quỳnh gieo vào cuộc sống rộn rã niềm vui, một chân lí tuyệt vời: Và mùa xuân chẳng màng tiếp thị/ Ríu rít hoa mai bung cánh sáng cả thềm!... Xuân vời vợi ấm nồng cỏ cây hoa lá, xuân bất tận thời gian, xuân ngập tràn phơi phới giữa cõi nhân sinh bao hạnh phúc dâng đầy.
Rồi hạ về, sắc màu rực rỡ, quả ngọt thơm lừng, ta lại gặp tứ thơ Nguyễn Bá Trình giữa cánh đồng hoa một chiều mùa hạ phải đâu là sự lặp lại: Bây giờ là tiết trời mùa hạ/ Hoa kiệt sức không còn thơm nữa… Nhưng chính trong khoảnh khắc ấy tạo nên sự bất ngờ: Mọi vẻ đẹp chân chính/ luôn có cơ hội bừng sinh. Giữa cái nắng hạ hanh hao ấy, sen ấp ủ từ lâu giờ tỏa hương thơm: Ủ vào lòng giọt đắng/ mở trắng trong ngọt ngào/ Khi hạt xanh biết khóc/ Mùa đã mùa xôn xao( Huệ Triệu). The thắt tiếng ve của Hồ Hoàng Vinh: Em ở đâu? Về khâu thời gian lại/ Để ta tìm tuổi dại tiếng ve trong. Hạ trong trẻo vô tư như cánh phượng khoe sắc giữa nắng hồng xanh thắm màu trời lộng lộng cánh diều nồm nam mát rượi, mùa của đặc trưng miền Trung quê mình sao quên được thơ ơi!
Và khi những đám mây bàng bạc kết nối nhau về điều gì chưa rõ, mưa bắt đầu giăng hạt, thu sang. Không biết tự bao giờ thu man mác trong cảm xúc, ta nghe Triệu Lâm Châu ngạc nhiên: Mùa thu lại đến rồi/ Rừng phong có lại rực vàng như buổi ấy/ Nét tươi trong có lại tụ về nơi đáy suối/ giọt sao ngời như ánh mắt em xa… Nguyễn Văn Chức gói gọn thu trong bài tứ tuyệt: Thu nằm chớm chín sau đồi vắng/ Dưới cội sim già nghiêng nẻo mây/ Người hái tà dương làm thuốc đắng/ Ta chờ về nhả một cơn say… Thú vị biết chừng nào! Lý Phương Liên chợt nhận ra tiết trời sang thu sao dễ thương đến lạ: Gió đi gọi cửa mọi nhà/ Nắng đem lụa khắp gần xa phơi vàng. Hoàng Quý thao thức với “ Giọt thu tôi đếm”: Thu như hơi rượu hồng đào/ Em dâng tôi một hôm nào rất xa/ Một thu!/ Và một thu…và/ Tôi ngồi lắng giọt thu sa dịu dàng. Nguyễn Khôi gói gọn kỉ niệm: Khung cửa hẹp ôi thu, hừng sắc tím/ Tím cả hồn thơ thả mộng lên trời… Với chiếc bóng mùa thu, Nguyễn Bá Hòa: Lang thang chi cuối đất cùng trời/ Ngã vào lòng nhau chiếc bóng ơi!/ Dùng bước giang hồ ơi lãng tử/ Ta tặng nhau chiếc bóng mùa rơi. Thu mênh mang nhung nhớ làm mềm lòng con chữ, cho tứ thơ xuất hiện vút cao vòi vọi gợi bâng khuâng thuở nào.
Cùng trời đất bốn mùa xoay vần, có nắng mưa sớm chiều đan nhau tình tự: Bền lòng qua những nắng mưa/ Lúa thơm trĩu hạt bốn mùa đồng xanh/ Rau răm bí đỏ dưa hành/ Góc vườn của mẹ ngọt lành khúc nôi( Phạm Ánh). Tất cả cũng từ những hạt phù sa màu mỡ của Nguyễn Thanh Tuyên: Mồ hôi đọng phù sa mặn chát/ Bát cơm thơm rưng rức hương đồng. Còn Nguyễn Nguyên Bảy mở ra một chân trời mới: Tạ ơn trời cho kịp thức lương/ Ban mai đã không tự tử. Chính vì thế Trần Ba tiếp nối ban mai xanh rực rỡ thơm lừng: Một đời thơ giữa cỏ lau/ Xanh niềm hi vọng ngàn sau vẫn còn. Ngã Du Tử nhận ra: Và ánh sáng vẫn hồng về phương ấy/ Lối giang hồ quang hợp ngập dòng trong. Thời gian nào vội vã, cứ chừng mực theo từng nấc kim đồng hồ, âm thầm lặng lẽ như Huỳnh Văn Thông: Thời gian không lời/ ngoại biên suy nghĩ/ Chỉ một điều rất thật/ Lặng lẽ cắt đời mình bằng nếp nhăn, bằng tài khoản “có” và “không”. Thế nhưng Dương Phượng Toại chợt nhìn thấy: Cánh đồng gặt xong gió lùa gốc rạ/ Hương lúa tan vào chiều buốt tái tê/ Như mẹ tiễn em sau ngày lễ cưới/ Thu bời bời rắc lá bến sông quê! Đâu ngờ Đặng Đức Tĩnh lại hụt hẫng: Sớm mai thị trấn còn thưa nắng/ Đường phố tưng bừng nhuộm sắc hoa/ Ghé lại nhà quen thăm bạn cũ/ Đâu ngờ em đã lấy chồng xa! Rồi một mình Trần Hoàng Vy đàm đạo với trà: Thì cứ rót ngàn năm vào tách/ Gật đầu con mắt mơ hoa…Từ đấy, nhà thơ Đinh Thường nhận ra: Nhớ hoài con sóng xa xưa/ Hồn dâng bão tố gió lùa nghìn phương. Tân Việt bộc bạch tháng ngày dài: Phòng the chăn gối một mình/ Đêm đêm thức giấc thấy mình cô đơn. Nguyễn Văn Thịnh thì lại: Anh hốt hoảng nhận ra mình cô độc/ Em ra đi, anh xa lạ với chính mình! Và chính lúc này, Đặng Diệu Thoa cởi mở: Giữa ngây say bộn bề sắc lá/ Em bất ngờ gặp…Trái tim xuân. Trần Mạnh Tuân mạnh dạn hơn: Nếm đi hương vị yêu…nào!/Chúa trời trao tặng Người bao lâu rồi/ Hãy yêu đi… trọn một đời/ Tim yêu thắp lửa chơi vơi hương tình. Có đủ đầy chưa, sao Cao Hoàng Từ Đoan cứ: Tìm nhau trong vội vã/ mùa yêu cũ mong manh/ chia li này buồn bã/ tiếc hoài tháng ngày xanh. Để cho Hoàng Ánh tiếp nối: Phồn hoa ồn ã sắc màu/ Anh ơi em lạc dấu nhau mất rồi/ Ngậm ngùi người- ngậm ngùi tôi/ Quay lưng nhặt tiếng yêu rơi- ngậm ngùi. Hoàng Hiếu thiết tha yêu đến thế, nhưng sao: Trả em về lại phố hoa/ Xem như lần hẹn không ta cõi người. Nguyễn Hiếu chơi vơi khi: Em về vùn vụt chiêm bao/ Ta ngồi nhặt chút ước ao tặng mình/ Em đi nắng nhạt mái đình/ Ta ru lãng đãng chút tình đợi trăng. Trăng lồng lộng giữa trời, màu trăng thơ mộng yên bình: Trăng nghiêng/ bát ngát bầu trời/ Em nghiêng nửa khúc tình chơi vơi buồn( Song Thùy). Trong đêm trở giấc, Phạm Ngà suy ngẫm: Những quãng đời đi qua/ Những số phận đi qua/ Chỉ giấc mơ ở lại/ Càng nghĩ càng tỉnh ra. Nhưng là một thoáng với Đoàn Văn Khánh: Trong bóng tối nghe đêm dài rạo rực/ có con tắc kè thắc thỏm đợi mai… Lê Ngọc Tâm cùng lục bát nửa đêm của mình tuôn trào cân nhắc: Chỉ còn hương vị nồng nàn/ Câu thơ gọi nắng nhân gian mới về. Nguyễn Nho Khiêm không thoát nổi nên phải: Dắt dìu vào chốn đa mang/ Có ai ngồi đếm mấy hàng mưa rơi? Đỗ Trọng Khơi lẩn thẩn một mình: Tôi thường u u minh minh/ Cầm gương nhật nguyệt soi tình rong rêu. Đàm Lan mạnh mẽ hơn: Đời không rộng nhưng lòng vô biên độ/ Cánh tay đầy/ Xin nhé/ Tạ tình nhau. Trần Nguyễn Dạ Lan khẩn cầu thống thiết: Nếu ngày mai… Em sẽ buồn biết mấy/ Tự bao giờ- Em sợ- nếu ngày mai…Nguyễn Thị Loan chợt nhận ra: Em tìm thấy rồi nơi của những ước mơ/ Đó là nơi ta gặp nhau ngày ấy/ Không phải trên trời kia- một nơi xa ngút ngái/ Và những ước mơ không có thực bao giờ. Chúc Mai bâng khuâng chẳng đắn đo: Ngày mai bỏ biển về rừng/ Có thương có nhớ cũng từng ấy thôi. Nhưng Thạch Đờ Ni không nguôi: Ta ngồi đối diện cùng ta/Nghe từng kỉ niệm vỡ òa ước mơ. Lý Thị Minh Tâm bám víu: Quờ tay hụt hẫng phương anh/ Nghe rưng rức nhớ lặng nhìn chiều rơi. Nguyễn Trọng Tạo dè dặt: Đừng vội trách nếu một ngày nào đó/ Đang đắm yêu ta bỗng tự chia lìa/ Bởi ta quá say mê mặt phải/ Mà quên đi mặt trái bên kia. Phan Kỳ Sửu vỗ về: Tim em hằn vết thương xưa/ Để thơ anh thiếu những mùa lá xanh/ Cứ đi về phía có anh/ Tình bao nhiêu rách cũng lành trong em! Phạm Ngọc Thái van nài nuối tiếc: Trả lại cho anh một thời áo trắng/ Em đi rồi mai thành phố cô đơn…Nguyễn Văn Nhân lặng lẽ: Cây đa bến cũ ta ngồi/ Lắng nghe im lặng cõi đời về đâu. Phạm Ngọc Từ Quan lạc bước cố hương: Day dứt lòng ta con sóng vỗ/ Giọt sáng mong manh lịm cõi nào! Và chính cái cõi nào ấy thành phiên khúc sang mùa cho thơ Mai Hữu Phước lung linh: Ngoài kia, môi lá đang làm nhạc/ Từng nốt trầm ngân như tiễn đưa… Làm chạnh lòng thi sĩ Đông Nguyên: Tia nắng ấm tràn lên hoa lụa nở/ Và bắt đầu một nỗi nhớ chia hai. Nguyễn Văn Thiên với một lí lịch đơn giản: Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tự giam mình suốt đời trong tình yêu đôi lứa: Kể từ tình khuất bóng non/ Hơn mười năm lẻ hồn còn khăn sô. Giá mà anh sớm gặp Trương Thị Tiền khát khao cháy bỏng, tiếc nuối: Xin cho lần nữa yêu thương/ Một chút yên vui cõi vô thường. Hoàng Trọng Muôn gởi nhớ vào: Hoa lộc vừng nở cuối ao thầm trách/ Bởi ngày nào trót tết mũ cô dâu…Cho tương tư khép kín: Sông trôi kỉ niệm về đâu/ Tôi ngồi say với nông sâu cuối dòng( Lê Minh Dung). Còn Quang Chuyền thì ngẫm tình: Nào hay cái lúm đồng tiền/ Bé ti, bé tẹo cũng dìm chết nhau. Cứ thế chao đảo chông chênh trên tình trường nghiệt ngã: Theo con sóng hai ngả đời bồi lở/ Em phù du ta đá cuội thiên thu( Triều Dương). Mai Thanh Châu lại khẳng định: Ngày mai ta mất em còn/ Quên đi mà sống cho tròn lứa đôi… Day dứt lắm Chử Thu Hằng cũng phải thốt lên: Đau thắt lòng khi thầm lặng gọi…Người ơi/ Có bao giờ người chợt nhớ đến tôi? Bùi Thị Thu Hằng hoài vọng: Nỗi nhớ hai phương đồng vọng/ Yêu thương lịm dần chân sóng/ Con thuyền anh- lặng lẽ cánh buồm em. Nhưng sau đó chợt nhận ra mình bơ vơ lạc lõng giữa trần đời. Hạnh phúc mút tầm tay vỡ òa mối tình chay lạ lẫm vu vơ, chỉ có ở Trần Mai Hường: Bờ mi em tần ngần trước đêm thanh/ Dùng dằng nhớ- dùng dằng quên…lạ lắm/ Thăm thẳm phân vân em thâu về đầy dặn/ Biết giờ này anh có thức cùng em. Cũng từ đêm lẻ bóng, Lê Bá Duy lặng lẽ táo bạo: Một mình chát với một mình/ Một mình chát với vườn tình trống trơn/ Một mình chát với nguồn cơn/ Một mình chát với cô đơn một mình. Có ai cùng sẻ chia với thi sĩ khi nghĩ ra điều mới lạ ngọt ngào cho lì xì đầu năm như Trần Viết Dũng tươm tất lắm: Xin em hờ khép đôi mi/ Cho anh cúi xuống lì xì nụ hôn. Hồ Chí Bửu là trang nam nhi đâu dám thả mình theo con gió, anh có đầu hàng cho duyên tình mình không, dõng dạt tuyên bố: Em hiếu sát quyết bắt ta làm giặc/ Ta mở cổng thành- quỳ xuống- bó tay… Hoàng Duyên chưa tin lắm cuộc tình đuổi bắt: Em kiếm lá còn anh thì nhặt bóng/ Mộng khôn thành hai đứa đụng bờ KHÔNG. Còn Ngô Văn Cư đã từng một mình chờ đợi ngày xưa cũng đành lỗi hẹn với lời tạ cuộc tình không luyến tiếc, anh chợt nhận ra: Tạ ơn trời đất không lưu tuổi/ Suốt một đời yêu ngan ngát xuân. Nguyên Lâm Cẩn ngạc nhiên: Ngẫm xuân tình thương lắm lắm em ơi/ Rồi ra nữa đi về đâu chẳng biết. Lê Anh Dũng thản nhiên như không hề vướng bận: Đêm mơ Di Lặc cười khì/ Tỉnh ra sương gió thầm thì như không. Trần Chí Dũng một đời phiêu du đâu hề mệt mỏi: Anh lang thang mãi tìm lá diêu bông/ Giật mình thấy ngày xanh rơi rụng/ Mới chợt hiểu chiếc lá tình thơ mộng/ Ẩn thật sâu trong góc trái tim mình. Giữa ngã hoang chiều, Kim Hường bơ vơ: Bờ dĩ vãng ôm chầm bờ hiện thực/ Ran rát lòng òa vỡ một chân dung. Hay từ đôi mắt ấy trong cái nhìn đắm say mà Trương Đình Đăng thốt nên lời: Cái nhìn / Tia chớp/ Lạ thay!/ Lần đầu tiên ấy mà say một đời. Hay dù chỉ một lần gặp để lại dấu ấn khó quên, ta nghe Phương Hà say đắm: Có hạt cát nghịch nhầm chui vào áo/ Bàn tay nào ta đuổi cát cho nhau. Cho Trần Quang Hiển vấp vưởng Nẻo chiêm bao lạ lùng: Đường dài nắng gắt chênh chao/ Vần thơ buộc nẻo chiêm bao hỡi mình. Lấy gì bù đắp thiếu hụt khi Bùi Khiêm Nhượng mới tìm ra được một nửa: Một mình một mảnh bâng khuâng/ Nửa xa vui khuất, nửa gần… bồng bênh. Nguyễn Thị Phụng xem chừng như thiếu trước hụt sau: Ngậm ngùi nhớ nửa đớn đau/ Sao không có nửa càu nhàu cho vui?!... Còn Trần Huyền Nhung lãng đãng mạnh dạn hơn: Nửa đời thơ, nửa hồn thơ/ Để mai theo gió, bây giờ theo anh. Thế mà chưa đủ vào đâu, Nguyễn Tấn Thái khao khát hành khất thơ cho được: Thân nhiệt đêm hoang là không độ/ Anh là người ngọn nắng mướt xanh…
Ngọn nắng mướt xanh có sức hấp dẫn kì lạ bởi mọi vật được sưởi ấm tươi tắn, sắc hương lộng lẫy thấm tới mọi giác quan của con người. Hồng Phúc khơi gợi cảm xúc đầu tiên: Quê hương yêu dấu trong tôi/ Bao nhiêu thương nhớ bồi hồi tim rung. Nên khi bắt gặp Người đàn bà vá xăm lộn xích, Đặng Thị Quế Phượng nhớ lại: Chị ngang dọc Trường Sơn/ Vá đường, xẻ núi lăn bom/ Nay vá chín mong lành đời mình. Còn Nguyễn Anh Nông làm sao quên được buổi đầu đánh giặc trong truyền thuyết thời vua Hùng: Ba tuổi vươn mình giong ngựa sắt/ Bốn phương tám hướng giặc tan thây/ Ngoái trông làng nước say ca hát/ Ngàn năm hừng hực áng mây bay. Phan Thanh Minh quan niệm: Bể đời chưa hết khổ/ Thời gian trôi/ Luân hồi- Một chút nghỉ ngơi/ Cởi áo tắm / Bụt giữa dòng người. Hồ Phong Tư lại đưa ra một lập luận như thể chiêm nghiệm đời mình từ việc học lái xe: Tiến đã khó nhưng biết lùi càng khó, bởi theo anh: con đường như cuộc đời/ Ổ gà ổ voi/ cạm bẫy. Nguyễn Long thì: Chỉ mong áo ấm no cơm/ Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành. Nguyễn Ngọc Hưng đau đáu nơi cõi nhân sinh: Mắt nhòa suốt dặm đường xa/ Ngỡ trời mưa ướt hóa ra…lệ duềnh. Thi sĩ vốn đa mang như Trần Vân Hạc: Trời đêm rớt một vì sao/ Một dòng sông tím lặng vào thơ tôi. Bồi hồi nhớ tháng ngày gian khổ nơi chiến trường lửa đạn năm xưa. Đó là những đồng đội thanh niên xung phong chắp vá con đường cho đoàn xe anh ra tiền tuyến, vì miền Nam thân yêu. Nguyễn Đình Hiển một lần viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc: Mười ngôi mộ dưới đất mềm/ Kết hình tiểu đội dựng nên lũy thành/ Tuổi xuân mãi nức nở xanh/ Vàng hoen vỏ đạn sáng danh kì đài. Phan Hoàng gởi vào Những ngọn gió vô danh lòng trân trọng biết ơn những người thầm lặng của ngàn năm phảng phất đâu đây: Người ơi từ đâu theo gió bay đi/ Hồn thiêng từ đâu bay về cùng gió…Nguyễn Tấn Ái ngợi ca Tổ quốc từ buổi câu ca dao người nông dân hát trên đồng cạn cho đến hôm nay: Là Tổ quốc ở trong lòng/ Tôi yêu Tổ quốc mình/ Đối mặt với linh thiêng bốn ngàn năm lòng tôi tự biết/ Tôi yêu Tổ quốc mình/ Và tôi rất vô danh. Những người Việt Nam chúng ta như thế đấy! Yêu hết mình, sống hết mình cho tất cả: trọn vẹn trước sau, há đắn đo toan tính. Nhưng không dễ gì buông xuôi số phận hay luồn cúi trước bạo lực uy quyền. Luôn ngẩng cao đầu ngang tầm trời đất, vai gánh nặng lo toan, ung dung thẳng nhìn phía trước mà tiến bước đi lên khi trái tim hòa cùng nhịp đập.
Và có thể khẳng định Tuyển thơ Văn Thơ Việt tập 2 không chỉ là nhịp cầu nối những người yêu thơ xích lại với nhau trong khuôn khổ chật hẹp trang sách vanthoviet.com, mà còn nhận ra tiếng nói yêu thương ắp đầy cảm thông chia sẻ bầu nhiệt huyết của những con người thời đại thập niên đầu của thế kỉ XXI: yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tiếng nói mình tha thiết biết chừng nào. Họ biết gìn vàng giữ ngọc ngôn ngữ tiếng Mẹ Việt Nam, duy trì thể loại thơ ca từ lục bát truyền thống, thơ ngũ ngôn, thất ngôn cô đúc trong một bài tứ tuyệt đến bát cú, cho đến thể tự do hay cách tân hiện đại vẫn luôn giữ được tiếng nói vần điệu của thơ ca, không thể lẫn lộn với thể văn xuôi nào cho dù đó là văn biểu cảm trữ tình.
15.7.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét