BẢN HỢP ÂM BÍ MẬT ( Đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami,
NXB Hội Nhà văn 2006- do Trịnh Lữ dịch)
Rừng Na Uy của Haruki Murakami là một tiểu thuyết tự truyện viết về nhân vật tôi- Watanabe đã từng gắn bó một thời sinh viên những năm sáu mươi của thế kỉ hai mươi. Cách kể chuyện thật hấp dẫn: “Kí ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng để ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết…”. Và đó là những chi tiết về những người bạn lần đầu tiên vào trường đại học. Chính hình ảnh Nagasawa- biệt danh Quốc xã đã thu hút Watanabe bước vào đời sớm hơn. Một sinh viên như Quốc xã với nhiều “truyền thuyết” ăn liền ba con ốc sên, có một bộ củ khổng lồ và đã ngủ với hơn một trăm cô gái. Nhưng theo lời kể “Tớ không nhớ hết bọn chúng, nhưng chắc chắn ít nhất cũng phải là bảy mươi”. Còn Watanabe tâm sự chỉ ngủ với một cô gái. Quốc xã bảo: “ ôi dào, mình sẽ điều chỉnh việc đó, dễ mà, lần sau đi với tớ, tớ sẽ biếu ngay một đứa cho cậu , dễ lắm”. Phải chăng đó là nhu cầu bản năng của một con người, một khi đã một lần lập đi thì khát khao sự lặp lại đến cháy bỏng. Và hình như đây đó cũng rất phổ biến trong một số sinh viên của ngày hôm nay?!... Những hiện tượng ấy là sự thật tự nhiên về tâm sinh lí lứa tuổi có thật đáng chê, đáng trách không hay cần phải có sự điều chỉnh tự do cân bằng ái tình trong thế gian này. Nhưng điều gì đã làm cho Watanabe gần gũi thân thiện lâu dài với Nagasawa? Bởi ở Quốc xã là người nổi tiếng thông minh luôn được điểm tốt, cư xử rất đường hoàng và đỉnh đạc và đặc biệt là rất nhiều tiền…còn biết nhận ra được ở mình: “ Tớ không xứng với một cô gái như Hatsumi”. Quốc xã sống nề nếp, sạch sẽ, năng động luôn tập thể dục vào những buổi sáng, hay khi phát hiện ra cái phẩm giá lớn nhất là tính trung thực và là độc giả bí mật của những tiểu thuyết cổ điển thì “tôi” mới thực sự quý mến sẻ chia.
Với Watanabe trong bí mật của Rừng Na Uy cứ hiện rõ dần theo trình tự thời gian, không gian ở khu học xá. “Tôi” cũng rất chăm học, cũng đi làm thêm để có tiền trong sinh hoạt cá nhân như những sinh viên khác, cũng như sống không thể thiếu tình bạn tình yêu cùng giới và khác giới. Có thể biết rất rõ mối tình của Watanabe với Naoko đã làm cho“tôi” trăn trở dù chỉ một lần trong đời: “ Đêm đó tôi đã ngủ với Naoko. Làm vậy có phải không ư? Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ có thể làm được có vậy mà thôi. Nàng đang trong tình trạng căng thẳng và rối trí cao độ, và nàng nói rõ rằng muốn tôi giải tỏa cho nàng…” Hay lúc Naoko vào nhà nghỉ AMI, mọi sinh hoạt cách li với thế giới bên ngoài cũng được tác giả kể rất tỉ mỉ: “ Reiko đang dạy mình đàn dương cầm và cả ghi-ta nữa. Ai cũng lần lượt làm thầy và làm học sinh. Người giỏi tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, người từng nghiên cứu xã hội học thì dạy sử, người khác thạo len thì dạy đan len: trường học ở đây thế mà hóa hay”. Naoko chân tình tâm sự với “tôi”: “Lúc đầu bọn mình hôn nhau- ấy là năm đầu tiên ở trung học-thì thật là tuyệt vời. Lần đầu thấy kinh, mình đã chạy ù đến cậu ấy và khóc như một đứa trẻ con…biết vuốt ve nhau lúc mười ba tuổi…bọn mình vẫn luôn cho nhau xem mọi chỗ trên người…” Đọc đến đây tôi mới nhớ đến tiểu thuyết Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng đề cập đến vấn đề cần giáo dục giới tính cho lứa tuổi vị thành niên của Việt Nam từ những năm ba mươi sáu của thế kỉ hai mươi. Còn trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami lại dành đến mấy trang miêu tả sex cho những cuộc làm tình Watanabe với Naoko, hay với khi Reiko yêu cầu: “ cậu làm chuyện ấy với tôi được không, Watanabe?”. Rồi lời đáp lại: “Lạ thật, tôi cũng đang nghĩ thế” đã làm cho người đọc không thể tin đó là sự thật, có quá đáng lắm không! Dẫu biết rằng có tình yêu, con người mới có thể đến với nhau từ trong một chừng mực nào đó, hoặc có thể lột trần những khoái lạc đam mê mà tác giả đi sâu khám phá đến tận cùng cốt lõi những rung động của đỉnh điểm giữa hai con người chín mọng ái ân kia, kể cả cảnh đồng tình của con bé học trò mười ba tuổi với tính cách mạnh mẽ nhưng cũng rất điêu ngoa dối trá với cô giáo dạy dương cầm của mình.
Và nếu như nói sống với nhau giữa thế giới tình dục mạnh mẽ lấn hơn thì tình yêu chỉ là cái bóng mong manh trong cuộc sống đời thường cũng hoàn toàn chưa phải. Vì trong Rừng Na Uy, ta quý tấm lòng son sắc thủy chung của Watanabe với Naoko, khi vẻ đẹp chân thực khẳng khái nhưng cũng dịu dàng đức hạnh của cô gái Midori mở cửa đón mời. Nhưng “tôi” thì không thể! Còn Midori hồn nhiên: “ Một lúc trước đó, tớ quyết định sẽ tin cậu một trăm phần trăm. Cho nên tớ mới yên trí ngủ ngon như vậy. Tớ biết tớ sẽ không sao, tớ sẽ an toàn với cậu ở đó. Và tớ đã ngủ say như chết, đúng không?” Qua Rừng Na Uy ta mới thực sự hiểu thêm lời nhắn nhủ của cô giáo dạy âm nhạc hay đây là lời của tác giả gởi lại cho lớp trẻ :…tôi chỉ muốn nói là cậu không nên đánh mất bản thân vào những chuyện trái tự nhiên. Cậu có hiểu ý tôi không. Như vậy phí lắm. Tuổi mười chín, đôi mươi là giai đoạn trọng yếu của quá trình ổn định nhân cách, và nếu cậu để mình méo mó ở tuổi ấy thì sau này cậu rất đau khổ… Nếu cậu muốn chăm sóc Naoko, hãy chăm sóc bản thân mình cái đã”.
Giữa sự xáo trộn về mặt tâm hồn và thể chất của Watanabe sau cái chết đau thương đầy ám ảnh của Naoko, sự sống quá ư ngắn ngủi, “tôi” vô định trên mọi chặng đường mà chẳng biết mình đến đâu. Biển yêu thương với tiếng sóng không vơi ngăn bước chân “tôi” lại, nhờ tấm lòng nhân hậu của người thuyền chài, “tôi” trở về với thực tại của mình. Tác giả cho nhân vật chính nếm trải đầy đủ những hạnh phúc yêu thương của cuộc đời, những mất mác lớn lao không bao giờ tìm lại được, vốn dĩ Watanabe cũng đã nhận ra.
Đọc tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami ta mới hiểu chỉ có tình yêu con người mới mạnh dạn xích lại gần nhau thủ thỉ về những sự thật sâu kín nhất của đời mình. Sống thật với chính mình, điều đó chỉ có nhà văn mới nói ra trên trang truyện của mình mà thôi. Rừng Na Uy là tác phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc và có sức thu hút độc giả đến trang truyện cuối cùng.
25.9.2011/ nguyễn Thị Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét