ĐI GIỮA MÙA HƯƠNG
( Đọc HÁT CHẲNG THEO MÙA- thơ Hoàng Đình Quang, NXB Hội Nhà văn-2009)
Đến với văn chương Việt Nam, nhà văn Hoàng Đình Quang không chỉ thành công ở mảng tiểu thuyết, truyện và cả thơ trữ tình như muốn gởi gắm sẻ chia những cảm xúc thường ngày lắng đọng trong trái tim nhân hậu vốn nhạy cảm của một người thiết tha yêu quá cuộc đời này. Được gặp nhà văn ở Sài gòn và nghe anh nói chuyện, đọc thơ trong dịp sinh hoạt CLB thơ Vũng Tàu vào tháng sáu năm 2011. Rồi sau lần về thăm Tuy Phước Bình Định, anh đến thắp hương vị danh nhân văn hóa Đào Tấn, Xuân Diệu và có tặng tôi tập thơ “ Hát chẳng theo mùa” (NXB Hội Nhà văn-2009).
Sau Nói Thầm (xuất bản 1991- đã được giải thưởng Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng), thì Hát chẳng theo mùa là tập thơ thứ hai có 56 bài nào phải vui đâu hát đó với những giai điệu, nhịp điệu quen thuộc ê a, mà với anh chính là trái tim chân tình nồng ấm vốn xuất phát tự đáy lòng khi hồi tưởng những kỉ niệm đã qua, hay đâu đó từ ánh mắt yêu thương gợi nhớ,… làm sao nguôi ngoai cứ luôn day dứt được thể hiện trên những trang thơ theo từng cung bậc thăng trầm với nhiều thể loại khác nhau. Khi người nông dân cấy cày giữa nắng mưa gieo hạt mong chờ ngày gặt hái quả chín thơm, thì những cảm xúc Hát chẳng theo mùa của anh lại được lớn lên từ cái nôi làng quê bé nhỏ qua bao thế hệ mãi mãi trường tồn, nào đâu quên được: “Cái làng Sơn Cốt của tôi/ Bé như hạt tấm ông trời lọt tay/ Ông tôi trôi dạt vào đây/ Cha và tôi chọn nơi này sinh ra” (Làng Sơn Cốt của tôi) những câu lục bát vừa giới thiệu vừa tâm tình gắn bó làng quê yêu dấu.Tên núi tên làng là nỗi hoài đau đáu những mất mát lớn lao về những năm tháng giặc giã tơi bời, những người trai tiếp nối ra trận: “Khắp làng trống giục cờ giong/ Mười người đi, bảy người không trở về”. Và khi trở về chỉ “ Ăn khói hương anh để dành bơ gạo/ chống con thuyền giáp hạt giữa trần gian”(Người lính ấy trở về). Mảnh vườn làng quê là nơi chôn nhau cắt rốn, biết bao kỉ niệm tuổi thơ, để rồi một bóng một mình chọn phương trời nam là quê hương thứ hai, nhớ làng anh gọi “làng ơi! Dù quanh anh vẫn là đồng bào yêu thương ruột thịt:
Nhớ làng tôi gọi: Làng ơi!
Giữa đồng bào được bao người đồng hương!?
Cách nói bằng thơ thật ý nhị kín đáo vô cùng, có phải đôi phút nào đó trong anh vẫn còn tính ích kỉ cục bộ không, hay có thể là: “Anh đi anh nhớ quê nhà… nhớ ai tát nước bên đường hôm nao” (Ca dao) nữa kia!... Cứ loay hoay ngớ ngẩn, niềm vui đến với anh bất ngờ: “Ơ này, quen quá ai ơi!/ Hóa ra ông bạn từ thời chiến tranh …Dễ gì nhận được nhau ngay/ Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn” (Gặp bạn ở chợ Bến Thành), cùng nhau dốc cạn “sự đời” sau bao năm xa cách ngán ngẫm ngậm ngùi, dễ gì cân đo đong đếm những may mắn rủi ro mất mát lớn lao: “Chúng mình sống đến hôm nay/ Còn bao nhiêu đứa gởi thây rừng già” . Giờ đây còn lại bên nhau:
Gốc cây, quán cóc, ta ngồi
Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang…
…Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
Theo tôi cặp từ “bạn tôi” nếu đặt dấu gạch nối vào ở giữa hai âm tiết sẽ làm rõ nghĩa và nhấn mạnh được ý thơ hơn. Trong cuộc mưu sinh có biết bao nỗi cơ hàn khi anh bắt gặp Người đàn bà mù bán vé số trên đường Đồng Khởi (tr.14) day dứt trong anh: “ Nào ai trông phận mù lòa/ Chút lòng trắc ẩn tan ra bụi trần” giữa chốn phồn hoa ấy. Nhưng tôi vẫn dừng thật lâu đọc kĩ bài Đò Giấy(tr.20), cảnh đối lập người ăn mày chân đất đầu trần dầu dãi trong buổi sáng mùng một Tết “ nhặt miếng bánh chưng dưới đất/ nhá ngon lành” với người đàn ông ngồi trên ô tô ca-vát, cổ cồn bước xuống đặt năm chục ngàn trước mặt người hành khất kia có điều gì muốn nói trong mối quan hệ ngỡ như quen lắm- gần lắm, hay lạ lắm- xa lắm, một câu hỏi đặt ra:
Giữa hai bờ cực vui- cực khổ
Tờ giấy nhẹ tênh sao làm nổi con đò?
“Anh nhà văn phọt phẹt/ chưa phải ăn mày, cũng chẳng có tiền cho” thế thì ai là người trả lời dùm anh câu hỏi kia?!... Nhà văn xót thương thân phận mình, thương cho kiếp người cơ nhỡ khốn khó, gia đình người thân nơi đâu cho họ nương tựa lúc trái nắng trở trời? Sự quan tâm của đoàn thể xã hội, những trung tâm bảo trợ xã hội đã thực sự dành cho họ sự chọn lựa chưa?... Dưới góc nhìn cuộc sống tồn tại những người lang thang kia phải làm gì để họ an cư? Hay muốn nhắc nhở ta trong văn hóa giao tiếp những lúc biếu tặng cho đây! Còn giàu nghèo sang hèn đâu dễ gì ai muốn có được, phải nhân định đâu bằng thiên định, hay lắm mưu nhiều kế thành quyền quý cao sang, lòng người nào ai lấy thước đo được, cách học làm sang cũng nực cười: “ Mời một lần, không nhắc lại/ Đấy là văn hóa nghe chưa”, nhà văn ngẫm nghĩ: “…khá giả thì làm văn hóa/ Túng bấn chỉ lo dạ dày/ Thời cơ như diều gặp gió/ Ông trời đang nắm đầu dây!”(Thăm Bạn)
Tôi thích cái chân tình trong thơ Hoàng Đình Quang là sự cảm nhận sẻ chia ruột thịt tình người. Thể lục bát ngọt ngào, thể tự do phóng khoáng cho mỗi tứ thơ theo chủ đề anh muốn gởi đến bạn đọc. Dẫu là truyền thống hay phá cách, anh cứ âm thầm miệt mài lao động biến những con chữ theo ý mình làm nên diện mạo thơ Hoàng Đình Quang với những nét riêng độc đáo mới mẻ. Cái tính đa tình đa mang tìm ẩn giờ cũng bật thành lời . Thật vậy, thi nhân nào cũng thế, khó tránh được nợ tình dai dẳng từ lúc biết yêu cho đến cuối đời. Anh đã dành hơn nửa số trang Hát chẳng theo mùa cho tình yêu và nỗi nhớ của mình. Lúc đầu mới chỉ Nửa vời (tr20): “… Thôi cũng nhờ em tôi mới nhận ra mình/ Một nửa là người, nửa kia là cây cỏ/ Hoang dại quá, chân tình say đắm quá/ Nhận cái nửa vời, ngơ ngác đứng chờ ai?” Cái trăn trở của thi nhân mãnh liệt mà không vồ vập hấp tấp, ngỡ chừng mực như chiếc kim phút trên mặt đồng hồ cứ thủng tha thủng thỉnh dặn mình mà sao trái tim thôi thúc:
Biển có thể giấu nỗi buồn của biển
Nhưng làm sao sóng giấu nổi lòng mình
Em như cánh buồm căng gió
Anh làm gì để giấu nổi lòng anh?
(Chẳng thể nào anh giấu được em đâu)
Với đầu đề bài thơ “Chẳng thể nào…” chừng như khẳng định, nhưng thật ra những nhung nhớ yêu thương ấp ủ bấy lâu dồn dập đong đầy trong anh, không thể nén nổi, bộc bạch âm thầm: “ Nhớ em, anh cứ nhớ thế thôi/ Bằng nỗi nhớ một mình, chẳng có ai để nói/ Như chiều xuống không có gì phải vội/ Dùng dằng ở cuối chân mây” (Vô lý). Thật là vô lí, nỗi nhớ sao dai dẵng bám theo anh đến cùng khác chi hình với bóng. Nhà thơ chân tình tự đáy lòng khao khát gọi “ Em ơi, đừng đi” (tr.31), với “ba mươi năm có ít đâu, ba mươi năm ngắn quá”. Đó là những sớm những chiều: “ Em và víu những tháng ngày rạn vỡ/ Những tháng ngày chưa vượt quá tầm tay” nhưng anh đoán biết và không dám nói ra, sẽ không thể nào cưỡng lại cái quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa phải không em!...Đời người hữu hạn ta hãy cố vươn lên tiếp nối cuộc sống này, anh “thét gào” đau đáu xót xa sợ cảnh tử biệt phải đến:
Đừng đi nhé, em ơi
Ngồi nán lại
Quả sẽ bói đầu mùa vẫn dành cho em hái
Nước mắt chảy vào, đường trước mặt còn xa…
Tứ thơ mở ra không gian cảnh vật ngỡ hiện ra trước mắt nhưng muôn trùng xa thẳm, lời khẩn cầu thiết tha nồng ấm lan tỏa đâu đây. Giữa màu xanh yêu thương bạc ngàn của đất nước, xanh của núi rừng của biển trời sao se sắt trong anh? Mỗi bước chân anh qua gợi bao kỉ niệm gắn bó “em và anh”. Một cặp từ anh- em trong thơ Hoàng Đình Quang đâu thể tách rời như nước theo mùa, mà dòng chảy vẫn ùa ra biển cả mặn nồng chắc chiu để hạt muối ngàn năm còn mặn. Anh“ Nhớ Hạ Long” (tr.41), nhớ vẻ đẹp của “ Mắt Hòn Gai” (tr.42), nhớ lúc đến Vũng Tàu( tr.54) cũng vậy trống vắng vô cùng: “Hỡi những ai lưu lạc giữa cuộc đời/ Không nơi hôn nhau thì trong mơ sẽ có/ Dù Bãi Trước, Bãi Sau chỉ toàn sóng gió/ Hạt cát cuối cùng vẫn lấp lánh ngọc trai”.
Mỗi bài thơ trong Hát chẳng theo mùa của Hoàng Đình Quang là khúc nhạc chiều. Không thánh thót ngân nga rộn rã tiếng chim sớm mai của mùa hè, nhưng giữa vòm trời xanh biếc kia sắc phượng rực hồng quặn thắt tim gan, vì chính trong gia đình: “Tôi dạy con tôi rằng: bố có rất ít tiền/ Nhưng đôi khi phải hét lạc cả giọng: vô tư!”( Trái ngược) cho sự bình yên trong cuộc sống. Thơ anh gần gũi chân thực được cảm nhận từ một sự việc, một câu chuyện trong đời dễ đồng cảm sẻ chia. Từ ngữ thuầnViệt trong sáng nên từng câu, mỗi bài thơ trọn vẹn cái ý, cái tình đầy đủ sắc màu hương thơm tinh khiết hòa cùng làn gió mới thổi vào nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Chuẩn mực trong lối cách tân nhưng không làm mất đi đặc trưng của thơ trữ tình như nhà thơ, dịch giả Hoài Anh đã đề cập: “… cái lầm lớn nhất của các nhà thơ mới là tưởng rằng làm thơ mới dễ hơn thơ cũ vì không phải chịu sự hạn chế của niêm luật, vần điệu như trong thơ cũ. Sự thực thơ của Pháp, Anh, Mĩ,… rất chú trọng đến vần, nhịp, âm tiết, trọng âm của câu thơ, áp dụng cả những biện pháp: tượng thanh, tượng hình, đối ngẫu, lặp âm, từ như trong thơ cổ Việt Nam”(Tạp chí Nhà văn 1.2010).Và chính điều đó mới chuyển tải đến người đọc dễ dàng tiếp nhận và yêu thích tác phẩm văn chương. Thơ Hoàng Đình Quang đánh thức cái thiện, khơi gợi nét đẹp thuần túy trong mỗi chúng ta.
05.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét